Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
658
123.366.197
 
Sông an nhiên
Đặng Chương Ngạn

 

 

“Truyện ngắn này viết để tặng cho những ai từng trải qua nạn đói!”

 

 

Sau này, khi đọc sách, hỏi chuyện nhà sư, tôi mới biết không có dòng sông nào tên là sông An Nhiênở nơi tiếp giáp giữa dương gian và cõi âm. Có lẽ mẹ tôi đã nhầm, mẹ đã nhớ nhầm khi nghe người khác nói, hay ở đâu đấy, có ai đã nói với mẹ như vậy... Không có sông An Nhiên, chỉ có dòng sông Vong Xuyên nằm cuối cánh đồng hoa bỉ ngạn, nằm cuối con đường Hoàng Tuyền dài dằng dặc chạy từ Quỷ Môn Quan, qua bên kia sẽ gặp ngọn đồi Vọng Hương Đài, sẽ gặp lão Mạnh Bà cho uống canh quên lãng, xoá hết mọi ký ức vui, buồn, đau khổ trên trần thế,những linh hồn bắt đầu hành trình dài trên vùng đất địa ngục.

     Nhưng trong rất nhiều năm, mẹ và tôi khi nói đến dòng sông ấy đều gọi là sông An Nhiên. Cả sau này, khi đã biết sự nhầm lẫn của mẹ, tôi vẫn gọi tên sông như vậy: sông An Nhiên. Có thể linh hồn mẹ tôi lúc ra đi vẫn tìm cách để đến dòng sông ấy khi đã rời khỏi thể xác mình về nơi chín suối.

    Con sông ấy, được nói tới trong nhà tôi vào một buổi sáng, khi chị tôi da mặt tái xanh, môi thâm đen như bị bệnh sốt rét nằm trên chiếc chiếu rạ (một lớp rạ khô rải trên nền đất lồi lõm) trong chái nhàlợp lá tro nơi trước đây vẫn để chuồng nuôi gà, cày, bừa, trơ cả hai mươi bốn chiếc xương sườn, cái bụng thóp lại như sắp dính vào xương sống, ruột gan cồn cào, quặn lên từng cơn vì đói:

  • Con người chết rồi đi về đâu hả mẹ ?
  • Sẽ đi đến con sông An Nhiên, đi qua đò sang bên kia là thiên đường con ạ- Khi nói điều này, mẹ tôi nghĩ chị hỏi vậy là vì đang đau đớn bởi cái chết của ông nội, của cha, của anh cả. Mẹ nói như vậy để an ủichị và làm nhẹ lòng mình đang tận cùng đau đớn.
  • Ở đó có ai đói không mẹ?
  • Không. Không có ai đói con. Đó là thiên đường nên đầy đủ thức ăn. Con muốn ăn bao nhiêu bữa trong ngày cũng được!
  • Mẹ ơi, qua đó phải đi thuyền, phải có tiền để trả tiền đò?
  • Ai nói với con như vậy ?
  • Mẹ nhớ hôm an táng ông nội không, cha để lên mắt ông nội mỗi bên một đồng tiền khi khâm liệm. Cha nói với con để hai đồng tiền cho ông nội trả tiền đò. Mẹ ơi, vậy anh cả và cha chúng ta không có tiền đò sao qua được sông?

Mẹ tôi lặng đi trước câu hỏi của chị. Mẹ lặng đi rất lâu, trong chái nhà nghe rõ tiếng vo vo của lũ nhặng xanh, và tiếng đập cánh của con lằng bu trên vết mủ đám nhọt ở chân tôi:

  • Muốn qua sông An Nhiên thì phải trả tiền cho người chèo đò. Nhưng ở đấy là thế giới của thần, tiên rồi con ạ. Cha và anh cả không có tiền nhưng họ vẫn cho qua vì các vị ấy công minh, nhân hậu chứ không độc ác, ích kỷ, hẹp hòi như người thường. Họ biếtcha, anh con chết oan ức, chết khổ…không thể có tiền đi đò. Họ sẽ cho anh và cha qua sông…

     Mẹ không nói gì thêm. Mẹ quay lại dồn đám lá tre ẩm vào dưới nồi cháo và phồng má thổi phù phù để chúng bắt lửa. Mẹ nấu cháo trong cái nồi kho cá với hi vọng vị mặn của muối, chất béo trong đáy nồi cũ đã dùng hơn chục nămsẽ tan ra hoà vào cháo. Cả gian bếp bây giờ cũng chỉ còn cái nồi đất này với một cái nồi đất bị mẻ miệng mà trước đây đã vứt ra chân bờ tre ngoài vườn, mẹ nhặt lại để dùng. Gạo để nấu cháo là chút thóc lép chị Dân kiếm được ngoài đồng.

   Cả ngày qua, cố cưỡng lại cơn đói, chị ra đồng đi mót lúa. Nơi nào, thấy chị họ cũng xua đuổi, nên chị chỉ loanh quanh ở mấy thửa ruộng chỗ ông Đụng vốn là đất của nhà thờ. Mùa gặt qua đã từ lâu, những hạt thóc rơi vãi trên ruộng đều đã nảy mần, chỉ còn ít cây lúa dại sót lại. Chị dùng nhánh cây, đào tung các hang chuột và nhặt được ít thóc trong đấy lẫn với vỏ trấu, rơm rạ do lũ chuột kéo vào hang quây tổ. Chiều tối, co ro vì lạnh, dò dẫm về gần đến nhà thì chị bị dân quân chặn lại:

  • Con đi mót lúa thôi! Cả nhà con không còn gì ăn. Con xin các ông!
  • Tất cả tài sản của cải trên đồng này đều của nhân dân. Mày không được tự tiện ra lấy!

Chi Dân van xin, nhưng họ bắt chị phải lộn ngược hết túi áo. Họ còn kiểm tra cả lưng quần.

“Ngoài đồng cũng chẳng còn gì ăn được mẹ ạ! May con còn tìm được mấy trái bù lù xanh đắng nghét cho vào miệng không cũng chẳng con sức bươn qua bờ ruộng, chẳng còn sức đào hang chuột. Nếu như bây giờ là mùa hè, chứ không phải mùa đông lạnh, con có thể kiếm được ít rau dại-Chị buồn bã thông báo sau khi kể cho tôi và mẹ nghe việc phải lộn ngược túi áo, và đứng nhìn những hạt thóc, từng hạt, từng hạt rơi xuốngruộng bị mấy người dân quân đạp sâu xuống bùn để không ai còn có thể nhặt lại.

Khi mẹ và tôi đang tận cùng thất vọng, bụng tôi quặn lên, réo sôi, chị Dân bất ngờ cởi phăng chiếc quần vá chằng, vá đụp ra quơ quơ trước mặt chúng tôi:“Con vẫn giữ được ít thóc mẹ ạ. Nó nằm trong miếng vá và gấu quần”. Mắt mẹ và tôi sáng lên khi thấy những hạt vàng rơi ra từ các miếng vá chằng vá đụp trên chiếc quần của chị. Những hạt thóc đó đều là hạt lép, có lẽ vậy, nên đã tha về hang mấy con chuột đồng cũng không thèm ăn. Nhưng với gia đình tôi lúc ấy nó là hạt ngọc, còn hơn cả ngọc. Tôi thầm cảm ơn chiếc quần rách chằng chịt miếng vá của người đàn bà nông dân vứt lại sau khi vơ sạch quần áo của chị Dân. Tôi cẩn thận thò tay vào từng miếng vá xem còn hạt thóc nào dính ở đấy không sau khi chị Dân đã rũ mấy lần.

Cả buổi tối mẹ và chị cùng rang nắm lúa lép, ủ, rồi lại rang cho đến khi thócđã đủ khô. Sau đó, mẹ giã lúa trong cái cối mẻ, chị nhặt những hạt gạo văng ra cho lại vào cối. Còn tôi háo hức chờ món cháo mà mẹ hứa sẽ có sáng mai, nghe tiếng réo của dạ dày và kìm cơn đói, kìm nước miếng tứa ra nhễ nhại từ mấy chiếc răng sữa bằng cách nhặt những hạt gạo văng ra trên nền đất cho vào miệng nhai sống…

   Mẹ tôi múc cháo ra cho tôi một chén, cho chi Dân một chén, phần của mẹ để trong nồi mẹ không cần múc ra chén nữa. Chi Dân đẩy chén cháo của chị về phía mẹ, chị nói mẹ ăn trước đi, chị sẽ ăn phần cháo để lại trong nồi sau. Tôi ăn xong chén cháo, mẹ san cho tôi một phần, tôi chỉ hớp một cái là hết…Mẹ tôi múc từng chút cháo cho vào miệng. Mẹ ăn rất chậm, như mẹ nhai từng hạt cháo vậy. Mắt mẹ không ngưng nhìn chị, cái nhìn trìu mến, yêu thương, xót xa. Có lẽ bởi chị là đứa con gái duy nhất của mẹ, giống mẹ như đúc, cũng thanh mảnh, mỏng mày hay hạt và luôn chịu thương, chịu khó…Chị Dân múc một, hai thìa cháo rồi kêu đau bụng. Chị nói sẽ ăn khi hết cơn đau.
Mẹ ngồi lại một lúc sau khi ăn, rồi đi ra ngoài, có lẽ mẹ sẽ đi vào xóm mong kiếm được gì cho chúng tôi ngày mai. Mẹ đi rồi, chị Dân vẫn nằm trên chiếu rạ, tôi cứ đi vòng quanh nồi cháo. Quá trưa, chị Dân bất ngờ ngồi dậy rủ tôi chơi trò đi chợ. Chị ra sân nhặt một nắm vỏ hến rồi quay lại bày ra trước mặt tôi: Bây giờ em đóng vai ông Mão ngoài thị trấn Cày bán đồ ăn, chị đóng vai khách hàng nhé. Chị mỉm cười với tôi tay xếp từng cái vỏ hến còn lấm đất cho ngay lại: Đây là cơm gạo tám xoan nhé, đây là cá thu rán, đây món cá gáy kho mẻ, món ca rô nấu khế, à còn đây là thịt lợnđông bên này là chả giò…Còn mấy cái mẹtbày bên này, ông Mão bán bánh đa, bánh đúc, bánh giò…Bây giờ, mời ông chủ ngồi vào quầy! Tôi ngồi bệt xuống trước đám vỏ hến giả lả cười: Quý khách muốn dùng gì ạ? Chị Dân giang hay tay: “Tôi mua hết tất! Mua hết cả quày hàng!”. Tôi chìa tay ra: “ Mười tiền. Trả ngay cho tui ?”. Chị Dân thò tay vào túi, rồi nhớ ra đám lá mít khô vẫn làm tiền chơi trò mua bán với tôi lẫn với thóc mót được hôm qua đã bị dân quân bắt rũ hết xuống đất: “ Ông Mão ơi thông cảm tiền tôi để ở nhà rồi. Tôi đói quáôngcho tôi mua thiếu, mai sẽ trả ông đầy đủ”. Chị cầm lấy từng cái vỏ hến đưa lên miệng, hít hà, chép chép miệng, thổi phù phù…rồi lấy cái que gắp gắp và và như thiệt, miệng không ngớt kêu: ngon, ngon quá. Kết thúc trò chơi, chi Dân vỗ vỗ vào bụng: “ No quá, ông Mão ơi hôm nay ăn tham quá tôi bị bội thực rồi”. Bất ngờ, chị đưa cái nồi đất cho tôi: “Cho em phần cháo của chị đấy! Nhưng em để tối hẵng ăn. Không đêm đói em lại không ngủ được! Chị buồn ói quá giờ không nuốt nỗi…Để chị ra ngoài đồng xem còn kiếm được gì không”. Chị ôm tôi rất lâu, hôn lên cái đầu bù xù khét lẹt rồi đi qua lớp mưa bụi như rây bột, như sương mù ra phía cánh đồng.

Một tháng qua, gia đình tôi đã trải qua bao chuyện khủng khiếp, mà trong ký ức đứa bé sáu tuổi, mỗi khi nhớ lại: tôi thấy hành trình trầm luân khủng khiếp ấy như kéo dài dằng dặc cả trăm năm. Ông nội tôi đã cắn lưỡi tự tử trong chuồng trâu, nơi đội biến thành chỗ tạm giam cho địa chủ Nhuận Đào. Cả đời Nhuận Đào khi nào cũng độ lượng, nho nhã, từ tốn, không nặng lời với cả đứa trẻ chăn trâu. Ngay phiên đấu tố đầu tiên, khi bị những người làng giật chòm râu bạc, gọi bằng thằng, ông đã uất nghẹn đến nỗi nước mắt cứ chảy trào ra, da mặt rúm ró và lên cơn co giật. Những gì diễn ra sau đó: những lời đấu tố, buộc tội… quá khủng khiếp đối với ông. Đêm đó, ngay trong chuồng trâu, ông tôi Nhuận Đào đã cắn lưỡi tự tử.

Cha tôi trốn gần nửa tháng trong khu Rú Mò, nơi đầy rắn, rết …Mà xưa nay, ai lạc vào đó ban đêm khó sống qua ngày sau: nếu không bị rắn cắn, cũng bị lợn rừng, chó hoang giết. Cha tôi đã sống sót được hơn chục ngày, cuối cùng phải bò ra khỏi Rú Mò chỉ vì đói. Cha bị đội đưa ra xét xử ngay: kẻ phản động, gián điệp, lại dám bỏ trốn đáng tội tùng xẻo. May mắn ông được ban ân xử bắn ở Cồn Thạch trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân làng đang hết sức căm phẫn. Người ta bắn ông bằng ba khẩu súng trường ở cự ly gần, nhưng bắn đến loạt đạn thứ ba vẫn chưa viên nào trúng tên gián điệp, phản động Di. Cuối cùng, cha chết bởi những cú đập bằng báng súng.

Vào buổi sáng, mẹ nói về sông An Nhiên với chị, chúng tôi vừa trải qua một ngày khủng khiếp: Anh trai cả của tôi, anh Khai chết thê thảm khi leo trộm hồng trong vườn ông nội. Trộm những quả hồng trên cây hồng vốn của gia đình tôi nay đã thành quả thực của mấy người nông dân.Đêm trước, anh đã bi dân quân đuổi đánh đến tận nhà vìbò ra bãi moi khoai lang ăn sống. Cũng tại tôi đói cứ đòi mẹ ăn. Mẹ dỗ dành tôi “ Gắng nhịn đến sáng mai mẹ sẽ kiếm gạo nấu cơm cho tôi ăn” nhưng tôi vẫn rấm rức khóc. Chi Dân quát:“ Đừng khóc nữa Trí ơi! Em đòi ăn làm cho chị càng thấy đói”. Anh Khai bật dậy đi ra khỏi nhà, mẹ tôi van nài “ Đừng ra ngoài con, đừng đi con!” nhưng anh đã biến mất vào đêm tối.

Khi đội cải cách, chuỗi, rễ, nông dân kéo đến nhà tôi họ mạnh ai người nấy thấy gì là mang đi. Ngày đầu tiên, bàn, ghế, tủ, giường, máy dệt sợi. Ngày hôm sau, họ mang những thứ nặng phải hai ba người khênh: cối xay lúa, chày giã gạo, mấy quả trục lúa bằng đá… Mẹ tôi năn nỉ giữ lại được cót thóc dù đã bị xúc gần hết, một ít khoai. Nhưng rồi đội đến đuổi hết gia đình tôi ra khỏi nhà, ba nông dân được chia dãy nhà trên, dưới, nhà ngang với cái bếp. Gia đình tôi phải chuyển ra cái mái che xưa là nơi để chuồng gà, mấy cái cày, cái bừa. Họ chỉ cho mẹ lấy đúng một mủng thóc trong cót mang theo.
 Chính mủng thóc này đã nuôi sống cả nhà tôi gần một tháng, thời gian mà dân quân canh gác không cho chúng tôi ra khỏi nhà. Khi đêm đến, đúng 12h00’, đội cải cách lại gọi cả nhà tôi ra đứng trước sân điểm danh.Sau này, tôi biết gia đình nào bị quy địa chủ, phú nông đều phải điểm danh lúc giữa đêm như vậy để không một ai được bỏ trốn.

 Khi nhà tôi hết bị giam giữ, có thể đi ra bên ngoài, thì đã qua mấy ngày chẳng còn gì để ăn. Mẹ tôi chạy ngược xuôi mong kiếm được chút lương thực để nuôi ba cái miệng háu đói. Nhưng không ai thuê mẹ làm việc, không ai cho mẹ vay, mượn…Cả những người họ hàng bên nội cũng quay mặt khi mẹ tìm tới. Ngày đầu ra khỏi nhà, đập vào mắt mẹ là những dòng khẩu hiệu viết to trên tường, hay trên những chiếc nống, nia: “Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại”. Đang tháng mười một mùa đông, trời rất lạnh, đã hết mùa hoa trái của các loài cây dại, cả các thứ rau dại có thể ăn cũng không thể tìm ra.

Đêm đó, ra khỏi nhà, anh đi đến cuối vườn, nơi ông tôi trồng rất nhiều cây ăn quả như cam, chanh, mít và có khoảng chục gốc hồng. Những gốc hồng này giờ đã được chia cho những người cố nông (là ba gia đình đang ở trong nhà chúng tôi). Hồng đã thu hoạch vào Trung Thu nhưng ông tôi vẫn còn để lại ít quả ở cành xa nhất cho dịp tết. Giống hồng này hái xong phải ngâm trong nước ba bốn ngày, mỗi ngày thay nước một hai lần hết vị chát, ăn mới ngọt. Với anh Khai lúc này, chỉ mong có vài trái hồng chát.

 Một người nào đó phát hiện ra anh trên cây khi anh đang bò ra cành ngoài cùng. Sau tiếng kêu “ Có đứa trộm hồng” mấy người nông dân đã cầm theo đòn gánh, đòn xóc, gậy…đứng chật dưới gốc cây. Họ cố chọc cho anh Khai rơi nhưng với cây đòn gánh, đòn xócdù nhảy lên vẫn không thể chọc tới.

 Chắt Em -người vẫn được ông tôi thuê hái hồng hàng năm- nhớ ra ngay cái nghèo liêm dùng để hái trái cây để sau đụn rơm, chạy đi tìm mang về. Rớn chân vẫn chưa thể với tới tên trộmnên họ móc vào cành cây, xúm nhau lại giật mạnh để anh tôi rớt xuống. Anh tôi rơi. Đau đớn thay anh rơi đúng cái đòn xóc họ cắm ngay phía dưới. Đòn xóc xuyên thấu qua bụng, ngực, anh giãy giụa và chết ngay trong chốc lát.

    Mẹ tôingất xỉu khi nhìn thấy cơ thể đẫm máu của anh. Chỉ có chị Dân cứ đứng im nhìn người ta bó anh lại bằng mấy lá tro (chặt ngay trong vườn) rồi vội mang anh đi chôn để che dấu cái chết kinh sợ. Khi họ nhấc anh lên, một trái hồng dính đầy máu từ túi áo rơi ra lăn vào ngay vũng máu. Họ chôn anh tôi ngoài đồng ngay bên cạnhông tôi, nấm mộ đắp sơ sài, chỉ mới nhú lên vài đám cỏ cú…

 

* **

 

Xế chiều, mẹ ngồi nhặt những cọng rau má hái xóm trongmang về. Tôi đang ngồi bên cạnh mẹ thì nghe tiếng người lớn la to từ ngoài đồng:

“ Bớ làng nước, con Dân Di trẫm mình !”

Mẹ tôi vứt nắm rau, chạy ra khỏi nhà, tôi lập cập chạy theo mẹ. Khi tôi đến được bờ sông Nghiêu thìngười làng cũng đã ra về gần hết. Những năm đó họ chứng kiến quá nhiều cái chết nên việc một đứa bé nhà địa chủ trẫm mình không có gì đáng phải quan tâm. Xác chi tôi đã được ai đó vớt lên nằm trên bờ sông. Mái tóc đen dài của chị luôn được buộc ra sau, nay xoả tung ra rối tung trên bãi cỏ gầng, một đám tóc phủ che gần hết mặt chị.

Người làng cuối cùng cũng đã rời đi. Họ không muốn chuốc lấy chuyện phiền phức. Chỉ còn người lái đò ngang ở lại :

“ Tôi đã cố hô hấp cho cháu nhưng không kịp nữa”-Ông ta đi xuống đò rồi quay lại với manh chiếu cũ: “ Chị đừng khóc nữa. Chôn em trước khi trời tối”. Mẹ tôi cầm manh chiếu cảm ơn, người lái đò nói “Tôi biết gia đình chị! Nhà chị bị oan!” rồi tất tả rời đi.
Mẹ dùng một sợi dây rút ra từ chiếc chiếu, buộc ngang xác chịDân sau lưng cõng đi về phía nghĩa địa làng. Tay mẹ cầm theo chiếc chiếu.

 Mẹ đào huyệt bên mộ anh cả, quấn chị vào chiếu, rồi đặt xuống huyệt. Nhớ đến việc phải có tiền cho chị Dân qua đò, tôi thò tay vào túi lấy đám lámít khôđưa cho mẹ. Tôi nhớ, khi ấy mẹ đang bắt đầu hất đất xuống huyệt, mẹ sững lại ít giây, rồi mẹ hiểu ra ngay:

-Chỉ cần hai đồng thôi con!
-Mẹ ơi, mẹ cứ đưa cho chi Dân hết đi. Có còn còn ai chơi với con nữa đâu. Để chi Dân đưa cho cha và anh cả qua sông!

Mẹ tôi cầm lấy nắm tiền, mẹ bỏ lên mắt chi Dân mỗi bên một chiếc lá lớn nhất. Số lá còn lại mẹ luồn qua manh chiếu đặt vào tay chị.

Đêm đó, mẹ khóc rất nhiều, mẹ tự vả vào mặt, mẹ bứt tai, rứt tóc…Mẹ không dám khóc to sợ mấy người nông dân nghe tâu lên đội. Mẹ cứ lặp đi lặp lại: “ Sao mẹ ngu thế, sao mẹngu thế! Sao mẹ lại nói với con tôi về sông An Nhiên, sao mẹ dại dột nói với con ở đấy không ai đói, ở đấy được ăn no!” – “ Sao mẹ ngu thế! Nào mẹ có biết gì về sông An Nhiên đâu !”

Nhiều năm sau, mẹ vẫn luôn nhắc lại với tôi vào ngày giỗ chị: Chị đang đói, chị không chịu nỗi sự hành hạ của cái đói. Chị nghĩ rằng nhà mình sẽ không kiếm được gì để ăn vào những ngày tới, nếu đi lấy cái ăn có thể lại bị giết như anh cả. Chị muốn nhường lại cho con chén cháo cuối cùng…Chị đi trẫm mình vì nghĩ chết qua sông An Nhiên sẽ có cái ăn! Trời ơi sao mẹ lại dại dột nói với chị về sông An Nhiên!”

 

***

 

Mẹ dẫn tôi rời khỏi nhà từ rất sớm, khi gà trong xóm chưa có con nào e e gáy, cánh đồng làng tháng mười một chìm trong sương, làm hơi nước quất vào mặt lạnh buốt thấu tim.Tôi bước đi chệnh choạng trong cơn ngái ngủ và đói. Mẹ vỗ về tôi: hai mẹ con mình sẽ đi chợ huyện, mẹ sẽ mua cho tôi bánh đúc. Bánh đúc đó là thứcả nhà tôi đều thích, và tôi luôn ngóng mỗi khi mẹ đi chợ. Bánh đúc bỏ ít lạc, chấm với ruốc thật tuyệt vời. Đến chợ, mẹ bảo tôi ngồi chờ dưới gốc đa, mẹ cởi cái khăn vấn tóc bằng lụa ra cầm tay rồi mất hút sau các lều chợ. Tôi nhìn thấy quầy bán bánh ướt, bán bánh đa, bán bún…Khi ấy nếu có tiền, tôi sẽ chạy tới, giang hai tay như chi Dân hôm qua: “ Tôi mua tất, mua hết tất!”. Bụng cồn cào, tôi rất muốn đến đấy để tìm xem có thể nhặt chút gì rơi dưới đất. Nhưng tôi sợ bị lạc mất mẹ. Rồi mẹ đi ra khỏi chợ, bước về phía tôi, trên tay mẹ không con cái khăn bằng vải lụa nữa nhưng có món bánh đúc tôi thích. Cái bánh này, lúc trước, tôi sẽ há miệng làm chục miếng là hết. Nhưng hôm nay, tôi cắn từng tý, từng tý một vì tôi biết đấy là chiếc bánh duy nhất.
Mẹ vuốt tóc tôi. Lấy vạt áo lau mặt cho tôi. Gài cái cúc áo bị bung ra. Ôm hôn tôi ngẹn ngào: “ Mẹ vào chợ, con ăn xong rồi cứ ngồi đây chờ mẹ nhé !”

Tôi ăn xong vẫn không thấy mẹ trở lại. Có một cặp vợ chồng đi đến ngó nghiêng tôi như một món hàng, đưa cho tôi nửa chiếc bánh đa vừng: “Mẹ con có việc phải đi, hai bác đã nhận con làm con nuôi. Con về với hai bác nhé. Ở nhà hai bác con sẽ không bao giờ bị đói”. Tôi khóc oà lên, ném trả nửa cái bánh đa vừng. Tôi lao vào chợ tìm mẹ…Tôi chạy, khóc và gào gọimẹ khắp các lều chợ. Đến khi chợ vãn hẳn không còn người, hai bác kia vẫn bám theo dỗ dành, thuyết phục tôi. Họ chỉ rời đi khi bị cắn cánh vào tay lúc định bế tôi lên…

Rồi bất ngờ, mẹ từ đâu đó đột ngột xuất hiện. Ôm chặt lấy tôi mẹ khóc. Đó là lần đầu tiên mẹ khóc thành tiếng trước tôi, mẹ đã khóc nhưng không thành tiếng, chỉ có nước mắt và tiếng nấc nghẹn khi ông nội chết, khi cha tôi, anh cả và chị Dân chết.

Sau này, tôi mới biết, hôm đó, để lại tôi bên cây đa cổ thụ, mẹ đi vào chợ hỏi xem ai có thể nhận nuôi tôi không. Mẹ gặp những người bạn hàng quen biết nhờ cậy nhưng đều bị họ từ chối. Rồi có người đi gọi một cặp vợ chồng hiếm muộn trong làng công giáo Phú Hựu gần đấy đang tìm con nuôi tới. Đó chính là cặp vợ chồng già đã ra đón tôi. Mẹ phải nài nỉ, phải cam đoan với họ cho là cho luôn, không bao giờ còn đến tìm tôi, họ mới đồng ý nhận. Nhưng việc cho con nuôi của mẹ thất bại. Mẹ không ngờ tôi quyết liệt đòi mẹ đến cùng như vậy !

Sau này, mẹ nhiều lần nói với tôi: Nếu không vì phải nuôi ba đứa con, mẹ đã chết theo cha vào ngày cha bị xử bắn; nếu không vì phải nuôi tôi thì mẹ đã chết theo chị Dân. Ở phiên chợ ấy, chỉ cần cặp vợ chồng hiếm muộn đưa được tôi rời khỏi chợ, là mẹ tôi sẽ đi ngay về bến sông Nghiêu gieo xuống nơi chị Dân trẫm mình hôm qua. Mẹ muốn linh hồn mẹ kịp theo linh hồn chị Dân để dẫn đường cho chị, để an ủi chị, để đưa chịqua sông An Nhiên. Nếu con sông đó không có thực, mẹ vẫn có mặt bên cạnh để giúp đỡ chị…Nếu như tôi…Nhưng thằng tôi sáu tuổi, lì lợm đã không chịu nghe lời, cứ đứng đấy gào khóc gọi mẹ.

 

***

 

Mẹ không quay lại cái chái nhà vốn là nơi để chuồng gà. Mẹ dẫn tôi cứ thế đi dọc theo sông Nghiêu về phía Tây, cứ gặp một nhà nào bên đường mà chủ nhà thân thiện mẹ đều ghé vào xin ăn, xin việc làm. Ngày đầu tiên không ai nhận chúng tôi, họ xua đuổi khi mẹ nóichúng tôi đi từ cái làng Tập Thanh.

Ở những làng tiếp theo, mẹ con tôi có một lý lịch hoàn toàn mới, nhà tôi làm nghề đi bè trên sông, cha tôi vừa bị lũ cuốn, hai mẹ con may thoát chết lên bờ, kiếm việc gì làm, kiếm ít tiền lộ phí để về quê. Mẹ con tôi có một cái quê mới tên Thanh Bằng ở ngay vùng biển.

Rồi có một gia đình cho mẹ con tôi vào ở, bày cho mẹ một công việc vào núi bứt cỏ về bán cho mấy nhà nuôi ngựa. Họ trả tiền theo gánh cỏ.

Bữa đầu tiên nhận được tiền bán cỏ, mẹ mua ít gạo nấu cơm, cơm ăn với nước tương. Mẹ ngồi chờ tôi ăn cho đến khi tôi no buông đũa.Mẹcạo phần cơm còn lại ở đáy nồi ra chén của mẹ: “ Con yêu. Từ nay, không khi nào mẹ để con bị đói nữa!”.

    Thực ra, chỉ những ngày đặc biệt mẹ mới nấu cơm, còn thường mẹ nấu cháo với rau, hay luộc khoai, sắn ăn thay cơm. Mẹ để giành tiền. Mẹ cắt cỏ một thời gian, rồi nhường lại việc cắt cỏ cho một phụ nữ khác mới lưu lạc tới. Mẹ ra chợ buôn hàng sáo: mẹ mua thóc về, giã, xay ra gạo và tấm, cám…mang ra chợ bán. Rồi lại mua thóc về. Mẹ hầu như không ngủ, thóc mua về buổi chiều, sáng ra đã thành gạo, tấm, cám.

Hơn một năm, người chèo đò dọc sông Nghiêu bất ngờ gặp mẹ ở chợ, ông ấy báo cho mẹ biết, ở làng, gia đình tôi đã được sửa sai thành phần, không còn là địa chủ, chỉ là trung nông, cha tôi đã được minh oan. Nhà tôi được trả lại ruộng. Mẹ vẫn không tin, bà cứ lặp lại nhiều lần câu hỏi: “ Thật không? Có thật vậy không?”- “ Tôi nói điêu chị cứ lấy đầu tôi. Tôi đâu dám nói điều gì hại gia đình chị!”

Mẹ cảm ơn người chủ nhà cho mẹ tá túc hơn một năm qua, chất hết đồ lên hai cái thúng, đưa tôi ra bến đò xuôi về quê ngay trong đêm.

 

***

     Chúng tôi được trả lại bếp và dãy nhà ngang. Nhà trên mấy người cố nông vẫn ở. Nhà tôi được trả lại một phần ruộng. Mẹ lấy tiền tích cóp lâu nay, mua một con trâucày cấy trên phần đất được trả lại. Mẹ làm quần quật ngày đêm. Thời gian giao mùa mẹ lại đi chợ buôn hàng sáo. Một năm sau, tôi bắt đầu đi học lớp một. Khoảng nửa năm sau đó, những người làng bắt đầu quay lại hỏi vay gạo, tiền, mượn trâu, cày, bừa, đồ dùng…của nhà tôi.

     Từ ngày quay về làng, chỉ những công việc bắt buộc, mẹ tôi hầu như không tiếp xúc với hàng xóm, bà con trong họ, trong làng, mẹ không đi đám cưới, đám giỗ, cả nhà thờ họ mẹ cũng không lai vãng tới. Vào năm 1960, 1961, cả làng theo nhau vào hợp tác xã, mẹ không vào. Người ta tuyên truyền, ngọt, nhạt đủ điều, mẹ vẫn im lặng. Doạ dẫm- mẹ  im lặng…Hợp tác, đánh kẻng ra đồng, một ngày công chỉ được vài lạng thóc.Tháng giáp hạt, cả làng chỉ nhà tôi vẫn cònthóc, gạo. Họ lại chạy qua nhà tôi để xin vay một ống bơ gạo, một rá khoai…Mẹ quay mặt đi khi họ tới, nhưng dặn tôi, ai đến vay cứ lấy cho họ.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng: không có cuộc tàn phá, huỷ hoại làng quê, huỷ hoại tình cảm láng giềng, họ hàng nào khủng khiếp bằng cuộc cải cách ruộng đất.Những con người đã sống qua những năm tháng đó có thể đã tha thứ, đã chuộc lỗi nhưng mãi mãi sâu thẳm trong tim họ nỗi đau, nỗi uất hận không bao giờ biến mất, vết chém trong tim dù có thành sẹo đến chết họ vẫn mang theo…

 

***


Đói trở thành vết thương tâm lý, trở thành một thứ bệnh mãn tính đối với mẹ tôi: quý, tằn tiện, ki cóp từng hạt gạo.

    Mẹ không bao giờ để phí, rơi vãi bất cứ một hạt gạo, một hạt cơm. Mẹ kiên nhẫnnhặt từng hạt thóc trên sân, từng hạt gạo nơi cốigạo, nơi xay sàng. Dù chúng có lẫn vào trong cỏ, mẹ cũng bưới tung lên, tìm, tỉ mẩn nhặt bằng được.  Mẹ không bao giờ đổ đi một chút cơm thừa nào, dù cơm đã bị siu, đã bốc mùi, đã lên nấm xanh…

    Hạt cơm với mẹ cũng qúy như hạt ngoc. Nhiều lần, ở quán hàng, tôi không biết làm sao trước ánh mắt nhìn của các khách hàng khác khi mẹ nhặt những hạt cơm rơi trên mặt bàn, thậm chí chui cả xuống gầm bàn để nhặt cục cơm rơi cho lại vào chén. Mẹ luôn nhắc đến cái chén cơm cuối cùng cả nhà giành lại để mẹ mang đến cho cha tôi ăn vào buổi sáng bị mang đi bắn. Cha tôi đã đưa lên miệng bị giằng ra, rơi đổ xuống đất. Dù hai tay đang bị trói, cha vẫn quỳ xuống, cạp từng miếng cơm trộn lẫn cát vào miệng…

     Mẹ nói rằng: khi đó cha rất đói, cả một tuần trốn trong Rú Mò cha không được ăn một hạt cơm. Nhưng khi cha cúi xuống (như môt con chó) cạp từng hạt cơm lộn đất, không phải cha ăn vì cơn đói, mà vì ông tiếc chén cơm cả nhà đã nhịn đói nhườngcho ông. Ánh mắt cha nhìn mẹ lúc đó, nói với mẹ điều ấy. Mẹ đã nhào vào nhặt cơm cho cha nhưng bị chặn lại.

Mẹ chỉ chấp nhận vào hợp tác để tôi được xã ký giấy nhập trường sau kỳ thi đại hoc. Nhưng giao hết ruộng đất cho hợp tác, mẹ đi buôn hàng sáo chứ không ra đồng làm ruộng theo tiếng kẻng của đội sản xuất. Rồi mẹ rời làng, ra Hà Nội khi tôi ra trường và được phân một căn hộ nhỏ trên lầu bốn khu tập thể.

Các cô gái đều lặng lẽ chia tay tôi khi đến căn hộ trên lầu bốn chơi và ăn cơm với mẹ. Cô gái duy nhất, bám trụ gần một tháng, khi ra đi nói trong nước mắt: “Em yêu anh nhưng em không thể sống với mẹ được. Mà em biết anh không bao giờ có thể sống thiếu mẹ. Anh nghĩ coi, cụ luôn canh đến giờ nấu ăn đong gạo cho vào nồi trước vì sợ em lấy nhiều quá! Gạo em đã vo, cho vào nồi, nước đã sôi, cụ xem thấy qúa nhiều, cụ vẫn lấybớt ra. Cơm thừa em đổ vào thùng rác, cụ còn bưới rác, nhặt lên cho vào nồi hấp lại…Em biết mẹ quý gạo nhưng quý đến mức ấy thì tằn tiện quá, là bệnh!”.

 Nỗi bận tâm lớn nhất của tôi luôn là: làm sao có thể đổ đi chút cơm nguội đã thiu dưới đáy nồi. Tôi thường phải lựa lúc mẹ không chú ý gói hết chúng vào giấy báo cho ngay vào cặp rồi tìm bỏ ở các thùng rác dọc đường, nơi cách xa nhà. Cụ luôn nghi ngờ hỏi tôi có phải đã đổ cơm đi không và tôi luôn phải nói dối: “ Đói quá, con đã ăn hết rồi!”.

   Mẹ tôi mấtkhi 92 tuổi, mẹ ra đi vào một buổi sáng…

Khi hấp hối, mẹ nói trong mê sảng: “ Dân ơi Dân…Con qua sông An Nhiên chưa?”

 

Thanh Tập 1987- An Phú 2021.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đặng Chương Ngạn
Số lần đọc: 659
Ngày đăng: 13.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giọt lệ mo hồn - Nguyễn Anh Tuấn
Hoàng hôn, xương lá vỡ - Đỗ Nguyễn
Ông kẹ tỉnh Hà - Đỗ Nhựt Thư
Ngày mai trời có sáng - Hoàng Thị Bích Hà
Vụ mưu sát lộng lẫy - Nguyễn Lệ Uyên
Con số trên cánh tay (Dacia Maraini) - Trương Văn Dân
Những mảnh vỡ của tấm gương - Elena Pucillo Truong
Hư cấu hai tình hận - Mỹ Ca
Bản nhiên phó tướng - Đỗ Nhựt Thư
Cô độc trong nhà và cuộc trò chuyện với mẹ - Nguyễn Anh Tuấn