Hạt mưa rừng cứ bâng khuâng như vẫy gọi, chào mời, như giọt lệ trời khi chúng tôi chạm đến đỉnh Trường Sơn.… trên biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Cột mốc 528 hiện ra trước mắt, giữa nền trời thật cao rộng. Những đám mây vờn trên đỉnh núi phía đại ngàn, làm cho lòng người bỗng chốc lâng lâng khó tả...
Chạm đất và người Cha Lo
Đoàn Văn nghệ sỹ Chi hội Văn học nghệ thuật Quảng Trạch - Ba Đồn đến với Cha Lo như một cơ duyên. Cơ duyên ngày đất trời vần vũ và cựa mình chuyển mùa giữa hai bên sườn dãy Trường Sơn hùng vĩ đang chực chờ mưa - nắng. Hôm nay, cái nắng đổ lửa đang dạo chơi đâu đó, bầu trời Cha Lo như cao hơn, rộng hơn… Màu xanh bạt ngàn của núi rừng biên giới cũng vì thế sáng rõ hơn, biếc xanh hơn. Cho Lo hiện lên trong khung cảnh bình yên, thoang thoảng làn hương quyến rũ của vô số những loài hoa núi. Những em bé người Mày, người Rục, người Khùa... bản K-Ai, xã Dân Hóa hồn nhiên, vui vẻ nói cười, tuy vẫn còn chút lạ lẫm khi gặp nhiều người. Vừa được các anh chị áo xanh, đại diện Đoàn thanh niên các cấp của tỉnh tặng quà, các em càng phấn khởi hơn. Cầm trên tay những gói kẹo mang hương liệu trái cây, chai nước suối và những ổ bánh mì còn nóng, các em ăn một cách thật ngon và như thể đứa trẻ đói sữa đang ngấu nghiến một thứ gì đó thật hoang dại. Và chúng tôi biết rằng, những chiếc bánh mì trên tay các em là những ổ mì không có nhân, điều mà những đứa trẻ nơi chốn thị thành có lẽ chẳng bao giờ nghĩ tới. Những cụ bà, cụ ông cũng rất hào hứng, với những gói quà vừa được Tỉnh Đoàn Quảng Bình trao tặng. Cùng có mặt trong đoàn chúng tôi đến bản K-Ai, Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đùa vui, xin được xem gói quà. Một bà mẹ người Mày không giấu vẻ mừng rỡ nói: “Quà của các chú Đoàn thanh niên vừa cho “pà”, “pà” mang về làm quà cho các cháu đây!”. Những điếu thuốc luôn ngún cháy trên đôi môi từ người già đến người trẻ, từ đàn ông đến cả những người phụ nữ còn sắc mặt chưa gợn chút nhăn. Điều đặc biệt, thuốc của họ làm từ cây lá thuốc, phơi khô, cắt nhuyễn và cuốn thành từng điếu lớn trong lá rong rừng. Họ rất ít khi hút hết điếu một lần mà lúc nào thèm, rảnh tay thì châm thuốc rít vài hơi rồi lại tắt đi, cất lên chiếc khăn đội đầu. Người nào cũng rít những hơi rõ dài, như muốn nói lên một điều gì mãn nguyện. Nhưng có lẽ, điều làm họ mãn nguyện hơn trong sáng 05/6/2022, đó là không lâu nữa sau cuối mùa hè 2022 này, họ sẽ được sở hữu những nhà tiêu hợp vệ sinh và một số công trình khác do Tỉnh Đoàn Quảng Bình vừa khởi công xây dựng cách từ vài phút trước. Một bà mẹ Khùa khi thấy chiếc xe ôtô thì đưa tay chỉ trỏ và nâng cánh môi cười một cách tán thưởng, thích thú. Dưới tán cây già, một đàn bò cũng chưa vội đi kiếm ăn, còn đứng lên nằm xuống tỏ ra tưng bừng hớn hở nhìn ngắm từng mặt người đến từ xứ thị thành. Xa xa có đứa trẻ hay cụ già ngồi tựa cửa trên nhà sàn nhìn ra, rồi lại thấp thỏm đi vào như có vẻ đang ái ngại khi bắt gặp một ánh mắt của khách phương xa tới. Cả bản K-Ai vui như ngày hội, bởi hôm nay tại đây, Tỉnh Đoàn Quảng Bình phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tổ chức Lễ ra quân thanh niên tình nguyện hè và hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm 2022, với nhiều hoạt động rất sôi động và nhân văn.
Tại buổi lễ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ra mắt 05 đội hình thanh niên tình nguyện, giao nhiệm vụ và triển khai các công trình, phần việc thanh niên cho 14 đơn vị, trao tặng 20 phần quà cho bà con dân bản có hoàn cảnh khó khăn, 20 suất quà cho học sinh vượt khó học giỏi. Cùng đó, chương trình còn tặng 50 áo phao cho thanh thiếu nhi, 05 bộ máy vi tính cho các trường học trên địa bàn bản K-Ai; đồng thời hỗ trợ xây dựng 10 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình khó khăn… với tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Sau lễ ra quân, tại Hạt kiểm lâm bản K-Ai, các đại biểu cùng đoàn viên, thanh niên tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con, tổ chức làm vệ sinh môi trường tại các trục đường, cống nước, những điểm rác thải ứ đọng trên toàn xã Dân Hóa. Cắt tóc miễn phí cho các em học sinh tại điểm Trường Mầm non Bản K-Ai. Khởi công xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho Trường Tiểu học Bãi Dinh, công trình tập kết rác thải cho các điểm trường Mầm non và khánh thành Nhà nhân ái tại bản K-Ai. Tiếp đó, đại diện các tổ chức, đơn vị đã đi thăm các già làng, trưởng bản trên địa bàn Bản K-Ai.
Trước nghĩa cử cao đẹp của đoàn viên, thanh niên và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ bà con dân bản trong chương trình này, ông Hồ Xuân Thái, Phó Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa xúc động chia sẻ: “Sự kiện này có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với bà con nhân dân xã nhà, góp phần giúp bà con bớt đi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống...”. Quả thực, các hoạt động diễn ra trong ngày, rất có ý nghĩa đối với bà con nơi đây, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tuổi trẻ Quảng Bình và Bộ đội biên phòng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở bản K-Ai xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Đất và người K-Ai bỗng phấn chấn lạ thường và khi các thủ tục vừa xong, thoáng chốc trời bỗng đỗ nhẹ cơn mưa rừng. Những hạt mưa chỉ làm thâm thấm những tà áo xanh xen lẫn trắng trong của khách phương xa, nhưng trong lòng mọi người, rộn lên niềm tin mãnh liệt. Tin về một ngày mai tươi sáng cho bà con dân bản nơi đây, bớt đi phần nào cái đói, cái khổ vốn đã bao đời đeo bám và đồng bào phải oằn mình chịu đựng vượt qua. Tôi thoạt nhìn về phía xa xa, thấy ánh mắt những đứa trẻ người Mày, người Khùa đang sáng lên và nở những nụ cười tươi rói trên môi...
Trọn tình vẹn nghĩa quân dân
Từ thị xã Ba Đồn, vượt hơn 120km theo Quốc lộ 12A, đoàn chi hội văn học nghệ thuật Quảng Trạch - Ba Đồn đã khá thấm mệt, có một số thành viên đã từng “nôn nao trong dạ, bồn chồn bước đi”, nhưng ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi khi chạm đến đỉnh Trường Sơn lộng gió. Những cơn gió Trường Sơn cứ mơn man thổi trong cái se se lạnh của độ cao, đã làm dịu mát cả tâm hồn người lữ thứ. Sau khi dâng hương tại Đền thờ các liệt sỹ Đồi Cha Quang, đoàn đã đến thăm, giao lưu cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Tại đây, các văn nghệ sỹ đã được nghe Chỉ huy Đồn báo cáo tóm tắt tình hình sinh hoạt và công tác của đơn vị; tình hình và đặc điểm của địa bàn biên giới cũng như đời sống, sinh hoạt của bà con các dân tộc ở địa phương. Các tác giả đã trân trọng, tặng Phòng đọc của đơn vị hơn 30 ấn phẩm, gồm các thể loại: Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Truyện ký, Thơ và Lý luận phê bình... Đó là những đứa con tinh thần được anh chị em xuất bản trong thời gian gần đây. Thay mặt đơn vị, chỉ huy Đồn đã cám ơn những tình cảm tinh thần vô giá của các tác giả và trao tặng đoàn những món quà biên cương đầy ý nghĩa. Sau buổi giao lưu, Chỉ huy đơn vị đã hướng dẫn chúng tôi đến thăm một số địa điểm trên địa bàn đóng quân. Cổng Trời Cha Lo là một di tích thuộc quần thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Một “chứng nhân” gắn liền với nhiều sự kiện hào hùng, trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Có biết bao chiến công đang đi dần vào huyền thoại, mà quân và dân ta đã lập nên tại đây. Địa hình quanh Cổng Trời Cha Lo khá hiểm trở, rừng và rừng cứ chen chúc nhau tầng tầng lớp lớp, chốc chốc những ngọn núi sừng sững vút cao. Đặc biệt nhất ở đây, các loài lan rừng sống bám chi chít trên các cành, thân cây, tỏa hương ngạt ngào, hòa cùng hương liệu của nhiều loài thảo dược, tạo ra trong không gian thứ mùi thơm dễ chịu của xứ núi rừng miền biên viễn.
Thú thực, được nghe cái tên Cổng Trời đã lâu và khá quen thuộc trên báo chí. Nhưng với tôi và một vài người khác, lại là lần đầu tiên được chạm chân đến nơi đây. Thắp nén hương, thì thầm vái lạy các tiền nhân ở Cổng Trời, lòng lại dặn lòng trở về cùng quá khứ. Bởi từ năm 1965 đến 1973, nơi đây là trận địa pháo phòng không của Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân anh hùng, để bảo vệ an toàn con đường cho những đoàn xe ngày đêm ra tiền tuyến. Bao quạ sắt Mỹ đã đền tội trên những cánh rừng và máu của bao đồng đội đã thấm trên mảnh đất này. Đứng trước Cổng Trời, nhà văn Hoàng Minh Đức nhớ lại: Nơi này có cái hang mà nhà văn Trần Khởi từng tạm trú, để chuyển một liệt sỹ về hậu cứ, trong đêm đầu anh ra mặt trận. Năm 2018 trở lại Cổng Trời, anh đã nhảy xuống hang và khóc nức nở, khi “sống lại” tuổi 18 thời mới nhập ngũ. Câu chuyện này anh đã viết trong Tập truyện ký “Cha và con lính trận”, một tác phẩm để đời của nhà văn Trần Khởi khi được tặng giải A - Giải thưởng văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ 6, ngoài ra còn được các nhà xuất bản trên thế giới chuyển ngữ, dịch ra nhiều thứ tiếng, đặc biệt là các nhà xuất bản ở Mỹ.
Trước khi đến với vùng biên cương Tổ quốc, đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ Đồn biên phòng. Cổng Trời như thiêng liêng, cao vút hơn, hút ánh mắt và nụ cười của mọi người cùng hướng về hàng loạt ống kính. Tạm biệt Cổng Trời, chúng tôi đến với Cột mốc 528 và Cửa khẩu quốc tế Nam – Lào. Mọi thủ tục thuận lợi đã giúp các hoạt động tại đây diễn ra nhanh gọn, để hai bên có thể bắt đầu buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ và nhanh chóng hòa mình vào nhịp sống nơi “đầu súng trăng treo”.
Với những tiết mục khá đặc sắc, cuộc giao lưu thật ấm áp nghĩa tình. Những giọng hát tốt của cả hai đoàn đã có dịp thể hiện, thậm chí còn song ca cùng nhau. Nhạc sĩ Lê Đức Trí - Trưởng Đoàn văn hóa nghệ thuật Bộ đội biên phòng Quảng Bình cùng ca sĩ Thanh Tình, mở đầu với bài “Tình ta biển bạc đồng xanh” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương. Anh sôi nổi: “Chúng ta hãy cùng nhau hát cho hết mình giữa đại ngàn mây gió, cho thỏa nỗi lòng cán bộ chiến sĩ biên cương và các văn nghệ sĩ nơi quê nhà”. Hóa ra, trong câu nói của anh đã chứa đựng bao điều. Bởi phần lớn các cán bộ chiến sĩ biên phòng đều ở dưới xuôi lên đây công tác theo sự phân công của Bộ chỉ huy, nhiều đồng chí đã gắn bó khá lâu với đất này. Nhà văn Đỗ Thành Đồng thì bốc lửa hết mình, với tác phẩm để đời của nhạc sĩ Trần Tiến “Cô gái Sầm Nưa”. Anh bảo, đứng giữa biên giới Việt Lào mà không hát “Cô gái Sầm Nưa” thì coi như chưa đến Cha Lo. Và anh đùa rằng “Mình lần đầu tiên đặt chân lên đất bạn Lào, từ nay trong lý lịch mình có thêm dòng: Quốc gia đã đến, đó là Lào”. Trong niềm hứng khởi ấy, Đỗ Thành Đồng tâm sự: Tôi rất yêu quý “đất nước triệu voi” nhưng chưa có cơ hội đến với các bạn. Hôm nay dù mới vượt qua được một cây số, nhìn hai lá cờ tung bay trên cột cờ cao vút, trong đó có một lá cờ búa liềm, tôi thực sự xúc động. Giọng ca của cô giáo Mai Hương hòa cùng tiếng hát của chú bộ đội với bài “Thư tình của núi” của nhạc sỹ An Thuyên, thanh tao và trong sáng giữa cao vút trời mây, làm bao trái tim ở nhiều độ tuổi xao xuyến, bồi hồi. Dù chưa một lần ráp thử, họ vẫn hát tự nhiên, trường độ và nhịp điệu như đã từng biểu diễn cùng nhau. Tiếng hát trong trẻo như bản hòa tấu của con khe, con suối, như “tiếng chim rừng chào mừng bình minh”. Những lời ca ngọt ngào, tình tứ nơi biên giới đã làm lắng dịu những gian khó trong cuộc sống và công tác; không còn khoảng cách trong tình nghĩa quân dân, nên ai nấy đều xúc động. Trong câu chuyện thân tình của các chiến sĩ bên lề cuộc hội ngộ, chúng tôi đã hiểu được rằng, trụ sở của các anh hiện ở còn gặp nhiều khó khăn, được xây dựng tạm bợ sau vụ sạt lở núi kinh hoàng hồi cuối tháng 10 năm 2020, làm hư hỏng nhiều hạng mục, đặc biệt là khu nhà ở của cán bộ chiến sĩ bị sụp đổ hoàn toàn, trong đó có khu vực chỉ huy tác chiến. Hiện toàn bộ công trình này đã phải di dời hoàn toàn và một công trình đồn biên phòng mới cũng đang trong quá trình xây dựng.
Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, từ trong cuộc sống đồng bào các dân tộc, từ trong sinh hoạt hằng ngày của cán bộ chiến sĩ, khi phải sống trong lều trại tạm bợ. Những tập tục cỗ hũ, lạc hậu vẫn còn đeo bám như tục cưới vợ ba lần, tục chôn người chết không có nấm mồ và nhanh chóng bị khỏa lấp theo cát bụi thời gian mà không để lại hương khói, thờ phụng. Phụ nữ Khùa, Mày rất vất vả, cứ 4 giờ sáng dậy rang lúa, giã gạo rồi địu con lên nương, lên rẫy đến chiều mới về. Cuộc sống cứ thế trôi đi, và kinh tế gia đình chủ yếu có được từ nguồn trợ cấp của chính quyền. Nhưng Cha Lo đang hứa hẹn nhiều sự đổi thay, bởi nơi đây nhiều công trình giao thông, dịch vụ thương mại và du lịch đang lần lượt hoàn thiện. Những ngôi trường mới, trạm Y tế tiếp tục khởi công xây dựng; ngay cả con đường 12A độc đạo lên với Cha Lo cũng đang được cải tạo và mở rộng thêm…, đó là những minh chứng cho sự hứa hẹn đổi thay của bà con dân bản. Sau buổi giao lưu thắm tình anh em, đồng chí, trước khi chia tay, Nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc trải lòng: “Một ngày trải nghiệm thật thú vị tại Đồn Biên phòng và những địa danh đã đi vào lịch sử. Được gặp lại mọi người, gặp lại cô bạn thời cùng nhập ngũ, gặp lại người cháu ở quê đang công tác tại đây. Gặp được những ánh mắt ngây thơ mà hồn nhiên của các cháu Mày, Khùa cũng như hiểu một phần cuộc sống của bà con nơi đây. Thật xúc động và thắm đượm nghĩa tình quân dân”. Hóa ra, anh đã gặp lại ca sỹ Thanh Tình, thành viên Đoàn văn hóa nghệ thuật Bộ đội biên phòng Quảng Bình, một thời là đồng ngũ và người cháu là Trung tá Ngô Anh Tuấn đã lên đây công tác nhiều năm, hiện là Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Chia tay lưu luyến, hai bên hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng và kết nối các hoạt động phối hợp trong thời gian tới! Anh em văn nghệ sĩ toàn chi hội cám ơn sự tiếp đón nồng hậu của các đồng chí! Chúc các chiến sỹ nơi biên cương Tổ quốc luôn “chân cứng đá mềm”! Mong đồng bào nơi đây thoát khỏi đói, nghèo, xóa đi những hũ tục còn lạc hậu, sống văn hóa và nghĩa tình hơn khi những công trình mà Đoàn thanh niên đã tra tặng cho bà con. Chia tay, lòng dạt dào xúc động, những âm vang còn ngân lên phía mờ xa: “Ơi Cha Lo! Hỡi Cha Lo! Nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc, bừng sáng lung linh một vì sao...”.