Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.148.388
 
Nén hương lòng cho anh
Đỗ Tư Nghĩa

 

(Thương gửi hương hồn Anh Trần Thương Bá)

 

Trong bài viết của mình, chị Trần Thị Thu Tâm đã phân vân không biết nên nói về Trần Thương Bá như là một nhà thơ, hay một người anh. Và sau cùng, chị đã quyết định chọn phương án thứ hai. Còn tôi, tôi cũng phân vân không biết nên viết về Trần Thương Bá như một người Thầy, một nhà thơ, hay là một kẻ tri âm. Lần này, tôi xin chọn phương án thứ ba – tôi muốn viết về Anh như một kẻ tri âm.

 

Cuối năm 1999 của thế kỷ trước, tôi đã in một tập “thơ” mang tên Gởi Tình Yêu – Gởi Cuộc Đời. Để tạm gọi là “chia tay thế kỷ 20”. Tác giả “bao sân” từ A đến Z trên computer. Xong đưa đi in lụa 200 bản, chỉ dành tặng bạn bè và thân hữu.

 

Khi in xong, tôi gửi tặng Anh một bản. Đọc xong, Anh gọi điện cho tôi, bảo rằng Anh rất thích. Và nói: “Nghĩa còn bản nào không, gởi cho Thầy, để Thầy tặng bạn bè”. Tôi đã gửi cho Anh thêm hơn chục bản, và Anh đã đích thân đem đi tặng bạn của mình. 

Tôi xin Anh viết một đôi dòng để in trong tập Tiếng Vọng Tri Âm... Một thời gian sau đó, Anh gởi cho tôi mấy dòng cảm nhận: 

 

Tôi không muốn đại ngôn khi nói về thơ Đỗ Tư Nghĩa. Tôi chỉ muốn nói một điều đơn giản: đọc anh, tôi thấy thích. Anh có nỗi đau riêng, tôi cũng vậy. Thơ anh gợi cho tôi nhiều câu hỏi phản tỉnh. Tôi nhớ hồi xưa chúng tôi dù là thầy trò, mà vẫn xem nhau như bạn. Nói chuyện với tôi, anh hay đặt những câu hỏi rất thú vị. Tôi trả lời cho anh và cho mình, và luôn không thỏa mãn, vì câu trả lời chưa “tới”. Tôi nghĩ: sẽ chẳng bao giờ “tới” được. Bản chất sự vật là thế. Đã tới được thì còn gì mà bàn nữa. Zarathustra không lên núi – Phật không rời điện ngọc, Jesus không tìm cách để được đóng đinh theo ý Chúa.

…Thơ Đỗ Tư Nghĩa không thể nói là “ai cũng đọc được”, “ai cũng cảm nhận được”. Nó là một thứ message có tính gởi gắm – phát riêng một tần số. Nói thì ghê gớm quá, nhưng không phải vậy. Đơn giản như tôi đã nói: Bắt đầu bằng thích hay không. Thơ Đỗ Tư Nghĩa có tính mặc tường, nên người đọc trước tiên tiếp xúc bằng trực giác. Sau đó là một chuỗi lôi cuốn, tuôn tràn – lẫn lộn – chan hòa – để cuối cùng thấy “ta trong người và người trong ta”. Vì vậy mà tìm kiếm thơ, hiểu thơ và cảm thơ là một việc làm vô ích khi tự ta không có chút thơ nào. “On ne peut trouver Póesie nulle part quand on n’ en porte pas en soi …”

 

Trần Thương Bá

Saigon. Tháng 12/1999

 

* * *

 

I

 

Anh nói: “Hồi xưa, chúng tôi tuy là thầy trò, nhưng vẫn xem nhau như bạn”. Đó chỉ là cách nói bao dung của Anh. Thực ra, Anh “đơn phương” xem tôi như bạn. Về phần mình, tôi vẫn luôn nghĩ về Anh như một người Thầy, một nhà thơ, một nhà nghệ sĩ. Tâm hồn Anh rộng lớn, nên Anh không bị ràng buộc bởi quy ước của người đời. Nhưng vai trò của mỗi người trong xã hội, có khác gì những vai diễn trên sân khấu? – chẳng phải, người ta thường nói “sân khấu cuộc đời” đó sao? Khi Anh viết những dòng trên đây, vào cuối năm 1999, thì 35 năm đã trôi qua, kể từ thuở ấy (1964). Tôi nào biết, qua chừng ấy năm, Anh vẫn luôn xem tôi như bạn.

 

Tôi gặp Anh vào năm Đệ tam C của trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị xưa. Anh đứng trên bục giảng, còn tôi ngồi ở dãy ghế học trò. Anh còn trẻ lắm, khoảng 24 – 25 tuổi, còn tôi thì mới khoảng 17 tuổi. Cả hai chúng tôi, tóc đều hãy còn quá xanh. Ấn tượng về Anh: môi đỏ, giọng Huế ngọt ngào, dáng thư sinh nho nhã. Ngay giờ học đầu tiên, tôi đã cảm nhận nơi Anh một phong cách hết sức nghệ sĩ, một tâm hồn rất thơ. Hồi ấy tôi chưa biết Anh làm thơ, chỉ mới cảm nhận hồn thơ của Anh qua những lời giảng.

 

Tôi còn nhớ những bài giảng văn đầy cảm xúc mà tôi được nghe. Chẳng hạn, bài ca dao Đêm buồn:

 

Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ

Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai…

 

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy ca dao Việt Nam quá hay, thật là châu ngọc. Nhất là qua lời giảng say sưa và đầy cảm hứng của Anh. Cái con nhện giăng tơ ấy, ngờ đâu, vẫn còn mãi theo tôi cho đến tận bây giờ. Có cả Cung Oán Ngâm Khúc, về nàng cung nữ bất hạnh trong cung lạnh – nỗi niềm của kẻ bắt hụt hạnh phúc: Duyên đã may, cớ sao lại rủi… Qua lời giảng của mình, Anh đã dựng lại bi kịch của một hồng nhan ở một thời xa xưa, để rồi hình ảnh đó trở thành một câu hỏi trong tôi về số phận, về lẽ rủi may ở đời.  Cũng có Chinh Phụ Ngâm, về nỗi nhớ nhung của một nàng chinh phụ, muốn chấp cánh bay về với một kẻ chinh phu ở nơi gió cát… 

Cũng không thể quên bài Văn Tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái – một tráng sĩ mà với chàng, thì bao nhiêu khanh tướng trong thiên hạ, rót lại chưa đầy mắt mỹ nhân. Đó là một bài ai ca rất thống thiết. Lâu quá, tôi chỉcòn nhớ mơ hồ: Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu…? 

 

Thuở ấy, tôi và Đoàn Đức thỉnh thoảng đến nhà trọ của Anh. Gần rạp Đại Chúng, không nhớ là đường gì. Anh thường ôm đàn hát bài Hương XưaHoài Cảm của Cung Tiến, là hai ca khúc mà tôi vẫn hoài yêu thích. Không biết chúng tôi nói với nhau những gì, chỉ còn nhớ cảm giác thú vị mỗi lần ghé thăm Anh.

 

Một năm Đệ Tam C đó – thật là ngắn ngủi. Nhưng quả thật, Anh đã để lại trong tôi thật nhiều. Quan trọng nhất, Anh đã để lại trong tôi một hình ảnh vô cùng đẹp.

 

II

 

Về thơ tôi, anh viết, Anh không muốn “đại ngôn”, mà chỉ muốn nói “một điều đơn giản”. Rồi Anh nói: “Thơ Đỗ Tư Nghĩa phát riêng một tần số”. Tôi không dám nghĩ như vậy. Nhưng tôi hiểu Anh muốn nói gì. Là một nhà thơ, hẳn Anh cảm nhận được rằng, mỗi người đều có một số điều u uẩn, mà không phải “ai cũng cảm nhận được” – nếu không phải là kẻ “cùng hội cùng thuyền”. Có lẽ vậy. Không phải riêng thơ Đỗ Tư Nghĩa, mà chắc hẳn thơ của đa số người, đều như vậy. Mỗi tâm hồn đều có những cánh cửa, nhưng nó đều có những chìa khóa riêng. Cho nên, dĩ nhiên không phải ai cũng vào được thế giới của người khác, nếu không có chìa khóa thích hợp. Tôi nghĩ rằng, Anh đã tìm được chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn tôi – có lẽ, bằng cách thẩm nhập vào nó, hay bằng cách nhìn vào chính tâm hồn mình. Trong cả hai trường hợp, đó là dấu hiệu của niềm tri âm: Chan hòa lẫn lộn – ta trong người, và người trong ta.

 

Anh nói, tôi và Anh đều có nỗi đau riêng. Dĩ nhiên, Anh biết nỗi đau của chính mình, nhưng làm sao Anh lại biết rằng tôi có nỗi đau riêng? Do chiến tranh, tôi phiêu dạt tha phương, và Anh cũng vậy. Chỉ 35 năm sau, tôi mới được nghe lại giọng nói trầm ấm của Anh trên phone. Thì làm sao Anh biết rằng tôi có nỗi đau riêng? Anh nghe ai đó nói, hay cảm nhận điều đó qua những dòng thơ của tôi? Cả hai trường hợp đều chứng tỏ rằng, suốt mấy mươi năm Anh vẫn nhớ về tôi, vẫn quan tâm về cuộc đời của chàng trai ngày cũ. Riêng tôi, tôi không biết cụ thể những nỗi đau của riêng Anh – chỉ biết một chút qua những dòng thơ, và qua lời kể của một vài người bạn. Nhưng đọc thơ Anh, tôi cảm nhận nơi Anh những nỗi đau hầu như vô phương cứu chữa    – của một tâm hồn đa cảm, tinh tế, mà những bất hạnh bên ngoài chỉ làm cho chúng lớn thêm lên, chứ không phải là nguyên nhân chủ yếu. Tâm hồn ấy có cái gì đó giống như Thúy Kiều qua lời đạo cô Tam Hợp:  Ma đưa lối, quỷ đưa đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

 

III

 

Anh nhắc đến những câu hỏi mà xưa kia – cách đây hơn 40 năm (1964 -2008) – tôi đã hỏi Anh, mà Anh cho là “thú vị”. Tôi không còn nhớ mình đã hỏi những câu hỏi gì. Anh nói, Anh trả lời cho tôi, mà cũng là cho chính Anh. Như vậy, hẳn đó phải là những câu hỏi về cuộc đời, về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ tử sinh? Phải chăng, vì thế mà Anh đã không thỏa mãn được với câu trả lời của mình? Anh nói rằng, nó chưa “tới” – và sẽ không bao giờ “tới” được. Rồi Anh nhắc đến Jesus, Nietszche, Zarathustra, Đức Phật. Như vậy, đích thị là thuở đó tôi đã chạm tới những câu hỏi mà chính Anh cũng đang trăn trở đi tìm lời đáp.

 

Hóa ra, suốt bao nhiêu năm, Anh vẫn mải miết đi tìm câu trả lời cho chính mình. Tìm ở đâu? Cõi Ta Bà mênh mông, không gian vô cùng, mà thời gian thì vô tận. Tìm trong nhạc, trong thơ, trong men rượu, trong đôi mắt người yêu, trong những trang kinh xưa, trong muôn vàn cổ thư, trong cỏ hoa, đất trời, và trước hết, ngay trong chính tâm hồn mình… ?

 

Xưa kia, Anh đã từng thú nhận: “không bao giờ tới được”.

Những câu hỏi của tôi thuở đó hóa ra cũng là của Anh, và có lẽ, cũng chính là những câu hỏi muôn đời của con người – từ thuở hồng hoang, từ khi con người choàng tỉnh dậy với một đốm lửa của tâm thức bừng cháy bên trong. Từ đó, chưa mấy ai trả lời được. Và cũng từ đó, con người hầu như vẫn cứ mãi mãi lang thang, chưa tìm thấy lối về?

 

IV

 

Cách biệt hơn 40 năm, tôi vẫn chưa hề gặp lại Anh. Chỉ được nghe giọng nói của Anh trên phone, cũng chỉ một đôi lần. Thế rồi Anh ra đi. Khoảng thời gian ấy tôi bệnh liên miên, không về tiễn đưa anh được. Đêm trước ngày hạ huyệt, tôi thắp mấy nén nhang bên tấm hình Anh gởi tặng, gọi là chút lòng tiễn đưa Anh. Và tôi đã khóc. Tôi biết, giữa Anh và tôi có một mối tiền duyên kỳ lạ. Điều ấy, hẳn Anh cũng đã cảm nhận được. Cũng không có gì ngạc nhiên, mà hơn 40 năm, tôi vẫn giữ Anh giữa tâm hồn như một hình ảnh đẹp. Người xưa vẫn nói: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đó là định luật huyền bí của vũ trụ, và của cả con người. Mà dễ gì gặp được một tâm hồn “đồng khí”? Trong đời, tìm đâu ra một Tử Kỳ cho cung đàn Bá Nha? Tôi chẳng dám nghĩ mình là Bá Nha đâu, nhưng tôi cảm nhận rằng, Anh đã đọc thơ tôi bằng trái tim của một Tử Kỳ...

 

*   *   *   *   *

 

Bây giờ, khi tôi viết mấy dòng này, thì Anh đã đi xa. Chẳng thể nào biết được giờ này Anh đang ở đâu. Những câu hỏi ngày xưa, Anh đã trả lời được chưa? Câu trả lời đã “tới” hay chưa – hay vẫn còn là một câu hỏi vĩnh viễn không được trả lời?

 

Người ta vẫn thường nói về một cõi vĩnh hằng. Có chăng một cõi như vậy? Cõi trần gian này, thì chẳng có gì vĩnh hằng cả, Anh đã biết rồi. Nhưng dẫu vậy, hình như không mấy ai rời bỏ cõi tạm này mà không lưu luyến. Và Anh cũng vậy, phải không? Ngày ấy, anh đã hát Hương Xưa. Giờ đây Anh đã không còn ở trên cõi bụi hồng này nữa, nhưng hình bóng của Anh, như làn hương thuở ấy, sẽ vẫn mãi ngát thơm trong tâm hồn tôi. Trong ngậm ngùi yêu thương, xin được gọi Anh: một kẻ tri âm đã giữa đời.

 

Dalat Mùa Quỳ Vàng, 20-12-2008.
 

 

Đỗ Tư Nghĩa
Số lần đọc: 466
Ngày đăng: 27.06.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lại nói về bộ môn Lịch Sử - Phan Văn Thạnh
Chùa Phúc Khánh – Ngôi chùa linh thiêng đất Hà Thành - Đặng Xuân Xuyến
Một xã hội trong guồng “chạy” điên cuồng - Nguyễn Anh Tuấn
Tản mạn chuyện nghệ danh của các “Sao” Việt - Đặng Xuân Xuyến
Gọi Đấng tối cao toàn năng của Hồi Giáo là “Thánh Allah” có sai không? - La Thụy
Phản kháng của Nietzsche - Võ Công Liêm
Kỷ niệm 2 năm ngày mất nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển 6/5/2020 - La Thụy
Triết lý nhân sinh của người Nam bộ qua truyền thuyết dân gian buổi đầu chống thực dân Pháp - Võ Phúc Châu
Gia tài của Võ Hồng - Nguyễn Lệ Uyên
Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Tự Thú 1 (chân dung)
Tự Thú 2 (chân dung)
Tự Thú 3 (chân dung)