Tưởng nhớ K.
Cuối năm 1998 Thanh dẫn chúng tôi lên đất Giằng đảm bảo giao thông cho tuyến QL D, đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa lên biên giới, gian khổ trăm bề, hơn một tháng mới xong thì xuống nâng cấp cầu Pà Vả.
Bản Pà Vả nằm ở km 7 dọc tuyến là nhà của nhiều người Kinh từ đồng bằng dạt lên làm ăn, họ đào đãi vàng, khai thác gỗ, dịch vụ ăn theo, … cũng xôn xao và rủng rỉnh nhưng vô pháp vô thiên lắm. Người dân tộc thì ở sâu vào núi, họ hiền hơn bản Pà Lừa, bản này đã từng thảm sát 18 người Kinh đi tìm trầm làm loạn động một thời mấy năm trước. Ở núi rừng hoang vu xa xôi này nhiều cái kinh lắm.
Thanh - tướng như cái tên tiền định, thanh tú, đàng hoàng, có dáng văn nhân, nghe là gã từng học Sư phạm trước 1975 nhưng khi đổi dời vì có cha tham gia lính Sài –gòn từ 1953 nên lùng bùng, đói quá gã tót lên công trường lao động, ở đó cũng đói xanh xương thế mà gã vẫn dành dụm mỗi tháng một phần lương gởi về giúp gia đình. Lạ là gã không đam mê gì, ít rượu nhưng vào cuộc rượu giao lưu chẳng bao giờ thấy gã say dù vẫn mạnh mẽ nốc cạn ngang bằng đối tác. Một lần gã nửa đùa nửa thật với tôi: “Tau có bà đỡ.” Tôi cũng nghi nghi.
Sáng ngày sau lên quán cà phê, mấy anh xăm trổ đã rượu, nhìn chúng tôi đầy hăm dọa, Thanh cứ ung dung. Một ông qua hỏi gã: - Ông là chỉ huy đám lính cầu đường phải không? Đại ca tôi mời ông qua bàn làm ly cho biết mặt.
Thanh nhẹ nhàng: - Xin lỗi, sáng tôi không uống được rượu, vả lại công nhân đang làm việc vất vả mà mình nhậu nhẹt, không nên.
Ra về khi Thanh gật đầu lịch sự chào tứ phía, thấy gã đại ca nhếch mép.
Một người khách bảo Thanh: - Ai đến đây cũng phải đến trình với đại ca Khinh đó nghe ông, ổng là trùm xứ này đó. Gã le lưỡi: - Vùng núi xa xôi này, sống theo luật giang hồ ông ạ. Chính quyền thì ở xa. Ớn lắm.
Sáng sau cà phê, gã – chủ nhà, cầm ly rượu ngồi vào bàn bọn tôi nhìn Thanh:
- Tôi tên Khinh. Ông là Thanh phải không? Ông quê đâu?
- Tôi quê Điện Bàn, anh Khinh ạ.
- Tôi dân Đại Lộc, dạt lên đây từ 1975.
Thanh nhìn gã ngạc nhiên, Khinh cười: - Trước 75 là du đãng, quen sống ngang tàng, không chịu được quản chế nên ót. Đời tôi chẳng sợ thằng tây nào.
Thanh cười: - Việc gì mà sợ nhau, chỉ nên tử tế, sợ là sợ cái mình làm sai lương tâm thôi.
Khinh nheo mắt ra ánh cười cợt: - Ở đây mà ông sống theo lương tâm nó thịt ông liền.
Thanh phản đối: - Tôi không tin, anh nghĩ theo ý anh thôi, tôi thấy nhiều người sống tử tế. “Nhân chi sơ tính bản thiện” mà, trời sinh ra thế, tôi tin. Không thì xã hội loạn lạc mãi. Nhưng rồi “tính tương cận tập tương viễn”, môi trường sống khiến ta phải thích nghi để tồn tại, môi trường xấu làm cho cuộc sống bất hạnh thôi.
Khinh trầm ngâm nốc rượu, Thanh tiếp: - Kệ, nên sống theo lương tâm, không làm gì sai nên không lo sợ, ân hận, sướng một đời anh ạ.
Khinh rót thêm ly rượu: - Mời ông một ly, một ly thôi, tôi biết sáng ông không rượu.
Thanh cười, cầm chai rượu rót lại cho đầy ly của gã rồi nâng ly bằng 2 tay ngang mũi: - Mời anh.
Cụng ly, Thanh để ly bằng miệng nhau rồi nốc cạn, Khinh cười.
4 giờ chiều Thanh đang lui cui ở hiện trường thì gã đến, nhìn nghiêng ngó dọc một lúc rồi gã lại gần: - Xong việc mời ông lên nhà tôi uống rượu nhé?
Thanh cười: - 5 rưỡi kia anh ạ.
Chúng tôi đến, tôi thấy Khinh bắt tay Thanh khá lâu, gã bóp mạnh dần, hình như Thanh thu bàn tay mình gọn lại rồi dùng nhuyễn công làm mềm như bông, mặt không đổi sắc, Khinh cười lớn pha lẫn ngạc nhiên. Việc nắn gân nhau bằng thử nội lực con nhà nghề này theo Thanh nhiều năm tôi biết, gã hình như luyện được công phu gì đó, khi thì tay cứng như thép đối thủ là tay lơ mơ thì không chịu nỗi đành khuất phục, với dân nhà nghề thì tay gã mềm như bông đối thủ bóp kiểu gì cũng không đau, nhiều tay tiểu nhân dùng ngón cái bấm vào huyệt, gã cười: “ai lại chơi thế.” Là xong, các tay anh chị đều nể gã, đa phần đều gọi gã là đại ca, tôi thắc mắc lắm.
Dẫn vào sau quán, một khoảng sân rộng, giữa là cái bàn 3 tầng bằng gỗ to đùng, mấy gã đàn em đứng quanh chờ. Khinh nhún mình nhẹ nhàng đáp xuống tầng trên cùng, cao khoảng mét rưỡi, ngồi kiểu kiết già và xoè tay mời, khinh công đến thế thì chắc ông Thanh thua, gã leo lên từng bậc, một thằng làm như sửa lại chiếc chiếu kéo mạnh một cái cố làm cho Thanh ngã, thấy y trượt chân, thân nghiêng ra sau chệnh choạng, chúng tôi tái mặt: quê rồi. Chỉ thấy Thanh dùng thế “bình sa lạc nhạn” uốn cong người về phía trước bấm mạnh đầu chân trụ tung người lên rồi đáp nhẹ nhàng xuống nền nhà, lại bấm đầu 2 bàn chân tung người lên bậc 3 nhanh như ánh chớp, ung dung chấp 2 tay vái Khinh và vái bốn phương chào đám lục lâm thảo khấu. Cả bọn mặt mày đổi sắc, có thằng lè lưỡi, Khinh trợn mắt nhìn thằng em và đứng lên bái lại Thanh, mặt mày vừa thẹn thùng vừa hoan hỉ.
Cả đám lục tục vào bàn phân ngôi thứ, Thanh chỉ tôi và thằng Lễ - đệ tử của mình ngồi tầng 2. Chà, mệt lắm đây. Bọn đàn em cung cung kính kính, thưa thưa dạ dạ với Khinh một phép, đại ca mà, dễ gì, mà giang hồ có luật cũng đâu ra đấy và được họ tự giác tuân phục tới nơi.
Rượu tràn cung mây, tôi không lo vì biết Thanh có thuật tự kỷ ám thị coi rượu như nước lã nên thường gã tỉnh như sáo sậu. Khinh cũng tỉnh, gã ngạc nhiên nhìn Thanh: - Ông tuổi chi?
- Tôi sinh năm Giáp Ngọ anh Khinh ạ.
- Ta bằng tuồi, chứ anh sinh tháng mấy?
- Tháng giêng, anh. Lỗi mùa sinh nên cả đời lận đận.
- Mẹ! Được chữ Giáp làm anh thiên hạ, nhưng làm thân trâu ngựa khổ cả đời. Này! Ông có cốt cách văn nhân và võ cũng hàng cao thủ, xin bái phục. Bọn tôi thiếu văn, ông đọc bài thơ nào cho anh em tôi nghe chơi.
Chí khí đang bốc nênThanh liền đọc bài ‘Kẻ sĩ’ của cụ Nguyễn Công Trứ cho cả đám nghe, giọng vang đầy khúc chiết dễ hiểu. Chúng há hốc, Khinh lúng búng: - ‘Lập thân phải giữ cương thường’ …, là sao ông?
Thanh hứng khởi: - ‘Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường’ theo Nho giáo là ta muốn có giá trị trong xã hội thì phải giữ cương thường. Cương đại khái là sợi dây chính trong tấm lưới, tam cương là ba mối quan hệ chính phải giữ trong xã hội: phu phụ - phụ tử - quân thần*, vợ chồng là gốc phải giữ, cha con là huyết thống gia tộc nương tựa nhau, vị ngĩa với cấp trên nhưng … nhưng họ phải chính danh đạt đạo mình mới theo về.
Thanh cười cười rồi tiếp: - Ông không có tài và nghiêm minh thì mấy đứa ni đâu ở dưới ông. Còn thường là sự thường, ngũ thường là 5 điều bình thường ta phải giữ khi quan hệ với người khác: nhân - lễ - nghĩa - trí - tín.
Cà bọn trầm ngâm hồi lâu rồi giọng Khinh khê nồng: - Vậy chúng tôi ở đâu?
- Các ông cũng là người, có ý thức nhưng là dân võ. Võ phải có văn làm chủ thần khí, không thì nguy. Đã là giang hồ thì phải là giang hồ mã thượng, trọng nghĩa phù suy, thiên hạ mới nể, mình mới an khi lão suy. Cố gắng đừng ỷ mạnh nóng nảy mà làm sai, hà hiếp người vô tội thì sẽ lãnh hậu quả, lương tâm ân hận cả đời, sau này thất thế sẽ bị trả thù.
Khinh trầm ngâm nâng ly quên cả mời khách.
Một tháng, chiều nào Khinh cũng đích thân xuống trại mời Thanh lên uống rượu, cao đàm khoát luận cũng vui, tôi thường theo sát Thanh nên can dự vào mọi chuyện. Quên kể, nghe dân bảo là 5 năm trước Khinh đã từng cho đàn em sát hại một đại ca xứ Bắc vì tội giành địa bàn, bị bắt gã vẫn thoải mái, tạm giam đâu gần năm rồi về vì không có nhân chứng, vật chứng - thằng em ấy đã lặn mất tăm.
Xa quá và bận bịu xây dựng các công trình tứ xứ nên từ đó bọn tôi không gặp lại Khinh, Thanh thường canh cánh trong lòng, vào cuộc rượu hay nhắc đến Khinh. Nay nghe tin ông ấy mất, vì ung thư gan, từ rượu mà ra, tôi thấy Thanh buồn buồn vì nghe báo là sau đận ấy Khinh sống hiền hòa hơn và mong gặp lại bọn tôi. Thanh và bọn tôi lấy làm mừng.
Tôi là phó của Thanh, biết chuyện, nay rảnh, cảm cuộc đời mà viết.
19/8/2014
-
Thỉ phu phụ - Tiên phụ tử - Hậu quân thần – Thứ huynh đệ - Cập bằng hữu – Đương thuận tự - Vật chi bội (Tam tự kinh – ĐĐ Thích Minh Nghiêm – NXB VHTT 2009)