Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
984
123.367.145
 
Chuyện người thua kiện
Ngu Yên

 

Giới thiệu

7 truyện ngắn của Ngu Yên

Đang phát hành

trên Barnes & Nobles Books

Một thể loại truyện mới trong văn chương 21

https://www.barnesandnoble.com/w/th-i-ngu-c-chi-u-gi-y-n-ngu/

 

 

 

Khi phiên tòa bắt đầu, luật sư bên công tố viện đã lên án tôi về tội đánh cắp tài sản trí tuệ của hàng ngàn tác giả. Điều này đúng. Tôi có tội. Sẽ phải đi tù vì cố ý phạm pháp và ở tù lâu hơn vì không thể trả số tiền phạt quá lớn.

Nghĩ đến vợ tôi, một tâm hồn đẹp đẽ, yếu đuối, và sợ hãi, sẽ phải bay theo tôi vào căn phòng hẹp, sau chấn song sắt, nằm lo lắng suốt đêm cho số phận người tù già. Tôi chắc bà không xấu hổ, không đau đớn, chỉ buồn vì 50 năm không lúc nào rời xa tôi. Tôi không hối hận, chỉ buồn, vì 50 năm qua không lúc nào rời xa bà.

Ba đứa con gái đã lớn, đã lập gia đình, có địa vị tốt trong xã hội. Tôi chắc chúng sẽ tự hào vì tôi phạm tội. Tôi chắc chúng sẽ không tránh mặt bất kỳ đối diện với ai trong đời sống và hãnh diện để nói những lời bênh vực lẽ không phải nhưng không trái. Rồi chúng sẽ cảm thấy thiếu vắng, trống trải vì không còn cha già cạnh bên để săn sóc.  

Những đứa cháu ngoại của tôi, nhất là thằng lớn đang vào tuổi vị thành niên. Nó là một người nghệ sĩ chân chính, một con Cơm nguội đang chuẩn bị bay lên như chuồn chuồn lửa. Nó sẽ trầm tư nặng nề hơn, thao thức về đời sống sâu đậm hơn, vì ông ngoại của nó, suốt ngày ròng rã ngồi gõ computer, thỉnh thoảng hát lên những ca khúc kỳ lạ, lại phải đi tù về tội này. Những đứa cháu nhỏ ngơ ngác, nghe lời mẹ giải thích, vẫn cảm thấy ngượng ngập với bạn bè. Cảm thấy lo âu cho ông ngoại và không thể hiểu những thứ mà ông ngoại đánh cắp là gì.

Cô luật sư trẻ mới ra trường, người được tòa chỉ định để bênh vực tôi, khi gặp mặt lần đầu, cô hùng hổ nhưng lúng túng khi nói, “Ông đừng nhận tội, tôi sẽ giúp ông thoát khỏi tội danh này. Tôi đã nhìn thấy một phương án.” Tôi nói, rõ ràng là tôi có tội. Cố ý phạm pháp. Tội này đã được tổ chức suốt 20 năm. Đã đánh cắp một khối lượng tài sản khổng lồ. Có tang chứng, vật chứng. Có hàng trăm ngàn nhân chứng. Tội sẽ nhận tội mà không mảy may hối tiếc. Khối tài sản khổng lồ đó đã tan biến vào trí não, tâm tư của dân Việt, tôi không có cách nào lấy lại. Tôi nhận tội. Cô luật sư cố gắng thuyết phục. Tôi hiểu cô cần công việc này. Cần có hồ sơ tranh cãi, dẫu không thắng cũng để lại những luận lý luật pháp như một bằng chứng tài năng cho tương lai. Ai cũng biết vụ kiện này sẽ thua. Nhưng  nếu như thắng một vụ kiện không thể thắng, cô sẽ trở thành ngôi sao, sẽ được các văn phòng luật sư lớn chiếu cố. Đời cô sẽ thay đổi hào quan trong một ván cờ. Thắng bại không phải là chuyện quan trọng. Chỉ là cơ hội. Và tôi chiều ý cô. Đằng nào tôi cũng đã già, sẽ đi tù, sao không thắp ngọn đèn dầu cho người trẻ, dù ánh lửa vàng vọt.

Bây giờ, ngồi bàng quan, lơ đễnh, nghe hai bên tranh biện. Tôi đã từng học luật nên biết luật pháp rất mỉa mai. Những lời nói thiếu trung thực lại trở thành lời nói hộ vệ cho sự thật, như các vị thần hung ác bảo vệ lòng nhân ái. Mỗi bằng chứng đều có một lịch sử mơ hồ, những gì xảy ra trước khi bằng chứng xuất hiện là những gì không chắc đã hợp lý và có ý nghĩa như khi luật pháp sử dụng. Mỗi nhân chứng là mỗi tiểu sử đầy những lý do đáng tin và nghi ngờ, chỉ tùy vào ý chí và lòng ham muốn của họ. Những trí tuệ thông thái có quyền lực nên nghĩ ra một thứ gì khác hiệu quả hơn, vui vẻ hơn, công lý hơn để thay thế luật pháp vì nó đã bị lạm dụng tận xương tủy và thường xuyên đóng vai hề hơn là vai chính trong vở kịch đời mà chúng ta là khán giả luân phiên nhau lên sân khấu. Tôn giáo không phải là giải pháp vì phần thưởng và hình phạt đời sau đã không còn hiệu quả cho hầu hết tâm tư thiên về khoa học ngày nay. Không có luật pháp, xã hội sẽ hỗn loạn. Có luật pháp, xã hội sẽ hỗn loạn một cách trật tự. Quan điểm sau khá hơn, vì vậy, tuy khôi hài nhưng tôi phải chịu tội.    

50  năm về trước, tôi còn là cậu trẻ bước chân vào đại học, vô cùng say mê đọc sách ngoại quốc dịch ra tiếng Việt, Những thứ quí báu này vô cùng ít ỏi trong thời điểm chiến tranh và hiếm hoi nơi những trí óc thông hiểu sinh ngữ. Tôi yêu thích đến độ sẵn sàng làm tòng phạm cho những ai có khả năng đánh cắp tài sản trí tuệ. Kho tàng bao la của trí tuệ thế giới, tôi xem trọng hơn thiên đàng, thúc giục tôi ngồi tra từ điển từng chữ khi lượm được cuốn tạp chí Paris Match cũ của cậu tôi vất bỏ. Tra xong rồi ráp nghĩa lại, vẫn không hiểu, như một đàn súc vật nối đuôi nhau đi qua mắt tôi, con trâu, theo sau con chó, tiếp theo con gà, con ngựa, con heo, con vịt, có cả voi. cọp, chim cú, đại bàng, lạc đà, khỉ con, khỉ đột … Tóm lại, đám súc vật làm tôi khổ sở vì cố gắng mặc cho chúng áo quần đồng phục. Tuy bỏ cuộc nhưng tôi không ngại phải đào hầm sâu, dài và quanh co như hầm vượt ngục để giúp các người dịch trộm cắp kho tàng văn học văn chương thế giới. Có lẽ, tôi đã nuôi ý định phạm pháp từ đó.

Tôi quan sát khuôn mặt của ông thẩm phán đã lớn tuổi. Mập mạp, Tóc trắng. Cặp kính trong xệ trên sóng mũi, mỗi khi ông ngước nhìn lên, trông hiền hậu như  ông già Noel thiếu bộ râu dài và mũ đỏ. Tôi có thể tưởng tượng ông là một người chồng tốt, một người cha đáng kinh và một ông ngoại hiền từ vui vẻ. Nhưng ngồi vào ghế quan tòa, bỗng dưng trách nhiệm làm cho ông nghiêm chỉnh, chỉ nói những gì luật pháp cho phép. Không thể phát ra giọng ngọt dịu như nói với vợ con. Không thể cười vỗ vai bị cáo như chơi với cháu. Ông bị bắt buộc phải lắng nghe lời biện minh, cho dù đã biết tội này khó tha, cho dù có một chút trắc ẩn cho ông  già thiểu số tự chọn số mệnh riêng mình.

Đời sống ở Mỹ cho những người tị nạn, di tản thuộc thế hệ thứ nhất luôn luôn khó khăn. Không giỏi Anh văn, đối thoại quá khó hiểu, đương nhiên sẽ vất vả, chuyện đó không thể tránh. Tôi bắt đầu với đôi tay khuân vát bàn giường tủ nệm, 1$ một giờ. Chuyển sang làm thợ may. Vợ tôi may giỏi hơn tôi nhưng khách hàng luôn luôn gọi tôi là master tailor. Có lẽ, tên hiệu đó làm cho họ vững lòng tin khi giao phó những y phục đắc tiền vào tay ông bà thợ may nói tiếng Mỹ ù ù cạt cạt. Dường như, có một số dịch vụ mà người chủ không nói giỏi tiếng Anh, có nghĩa là tài nghệ của họ rất giỏi. Nuôi ba đứa con gái sinh ra tại đây, khôn lớn, ăn học, đại học, bác sĩ bằng nghề thợ may, cho tôi một khái niệm: Không thể nào giàu có nếu không sử dụng tài sản của người khác. Dùng sức của bản thân, dù may mắn thuận chiều gió, dù chạy nhanh cách mấy, cũng mệt thè lưỡi, té trầy đầu gối, cùi chõ. Biết dùng trí óc của người khác, có thể bay cao như ngồi hạng nhất trong phi cơ. Tôi chuyển sang làm giám đốc đài phát thanh tiếng Việt. Rồi hành nghề đi dạy về thị trường tiền tệ quốc tế, trước khi về hưu non.

“Sử dụng tài sản của người khác,” tôi không có ý nói về tài sản vật chất, tôi nói về tài sản tinh thần. Cái mộng đánh cắp tài sản trí tuệ vẫn nung nấu trong tôi suốt những ngày tháng phải đi làm, kiếm ăn, nuôi con, Một hôm, lúc đó vào khoảng 55 tuổi, tôi quyết định với sự hài lòng của vợ, từ từ tôi rút lui vào bóng mát hưu trí. Giờ đào hầm đã bắt đầu.

Tôi quan sát bên công tố viện, bà luật sư đại diện người da đen, đẫy đà, cao lớn, có giọng nói vang vang không cần âm thanh. Mắt bà sáng long lanh nhưng không hung dữ. Hùng biện. cử chỉ linh hoạt, rất thuyết phục, kể cũng đúng vì tội danh của tôi chỉ cần kể ra là thấy có tội, chưa nói đến bằng chứng hàng ngàn tranh sách in ấn và điện tử, tuy nhiên, khi thao thao kết tội, bà nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, dường như có vẻ thông cảm. Đối với luật pháp, luật đời, luật tôn giáo, ai cũng là kẻ có tội, ít hoặc nhiều. Chỉ có hai loại: tội có thể tha thứ và tội đáng trừng phạt. Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì. Người có tội kết án người phạm tội. Chỉ là như vậy.

Đọc sách ngoại quốc, ngoại trừ là một người có trình độ sinh ngữ thượng thừa và thẩm thấu đời sống văn hóa của ngôn ngữ đó, những người còn lại, nhất là đọc sách khó, chỉ hiểu lớp da, có thể thêm một chút mỡ đóng bên dưới nhưng khó mà nhai gân ăn thịt hút máu chữ nghĩa trình đạt những tư tưởng của các bậc cao nhân. Có những tác giả bỏ ra 3 năm, 5 năm, 10 năm, thậm chí vài chục năm để viết một cuốn sách. Người đọc chỉ đọc một lần, đọc trong vài ngày, vài tuần, vài tháng là hi hữu, làm sao xứng đáng? Dĩ nhiên, sống là bất công. Sách có người chịu đọc, đã là phần thưởng.

Tuy nhiên, đã là người yêu sách, nhất định sẽ muốn đọc tường tận những gì tác giả đã khổ công, hàm sức viết ra. Tôi nghĩ đến việc dịch sách, trước hết vì muốn làm thịt chữ nghĩa đó cho tận lực. Biến chúng thành những món ăn uống thật ngon, hương vị độc đáo, để khi nhớ lại vẫn còn thòm thèm. Dịch là tiến trình tìm hiểu sát và sâu. Suy nghĩ, đôi khi cần thêm tài liệu, nghiên ngẫm rồi trình bày lại theo cách nào dễ hiểu nhất, văn vẻ nhất, hài lòng nhất cho bản thân.

Dịch xong, Vui rồi. Để làm gì. Uổng quá. Mang cho vợ, bạn bè, người quen đọc. Vở lẽ, nhiều người không có nhu cầu sử dụng tài sản trí tuệ đánh cắp. Chắc chắn có những người sẵn sàng tòng phạm tội đánh cắp như tôi lúc trẻ, nhưng họ chẳng những ở rải rác, mơ hồ, mà còn ở trong thời gian của các thế hệ tương lai, có khi chưa xuất hiện. Người Việt cần có kiến thức, hiểu biết về văn học, văn chương, văn hóa, tư tưởng, kể cả kỹ thuật và khoa học của thế giới, thì mới có thể tự xán lạn để có thể di truyền cho dòng sinh sản những ngôi sao xán lạn hơn. Tôi trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp.

Nhìn cô luật sư biện hộ sáng trí đưa ra những biện minh với quan tòa và người nghe, lòng tôi dấy lên sự thương cảm và khâm phục. Vài tiếng đồng hồ trước đây, tôi nghĩ, cô sẽ là con ve sầu ca hát giữa những tiếng kêu đinh tai của loài cầm điểu. Nhưng không phải vậy. Cô nói rõ ràng, chững chạc, gia tốc khi lên dốc, hãm thắng khi xuống đèo. Luận lý nghiêng về  lòng nhân ái. Đặt luật pháp trước câu hỏi, tại sao phải bắt tội ông Robin Hood, cướp của người giàu, cứu tế dân nghèo. Tại sao phải chống đảng Dân Chủ khi đánh thuế người giàu để phục vụ cho dân sinh xã hội. Làm sao người giàu có thể giàu nếu không có người nghèo, người trung lưu cung ứng? Khi một cây mọc lớn trở thành cổ thụ, biết bao nhiều cây nhỏ, cỏ non phải hy sinh dưới tàng lá rậm rạp cướp hết nắng. Cô luật sư biện hộ cho tôi cảm giác không bị lãng phí khi giao tặng cơ hội cho cô. Ông Cohen nói đúng, cho dù là nơi nào, kể cả những nơi âm u đen tối, luôn luôn có khe hở để ánh sáng lọt vào.

Có thể, như ông Nietzches đã gặp ý nghĩ sáng tác  Zarathustra, ánh sáng đã chiếu xuống ông khi đang ngồi nghỉ chân trên tảng đá lưng chừng . Ánh sáng đó chiếu xuống tôi đang ngồi ghế bị cáo. Đưa tôi ra khỏi tòa án, xa đám người đang bàn thảo về những điều cũ kỹ. Tôi theo dõi những tranh cãi khác trên đường chân trời.

-        Ông có biết ông đã vi phạm luật bản quyền quốc tế?

-        Vâng, tôi biết.

-        Ông đã biết mà vẫn cố ý làm?

-        Vâng tôi cố ý.

-        Tại sao?

-        Trong hầu hết mọi trường hợp, một mạng đền một mạng, thì xem như công bằng. Trong trường hợp này, chỉ một mình tôi bị ở tù mà vài triệu người, nhiều thế hệ dân tôi được mở rộng hiểu biết, hưởng thụ trí tuệ của các kỳ nhân, thiên tài trên thế giới, thì tại sao tôi không đánh đổi. Hơn nữa, dù bị tù chung thân, tôi chỉ có thêm 10 năm, 15 năm nữa là nhiều. 15 năm lỗ đổi lấy mấy trăm năm lời. Sao lại không chịu làm.

-        Cho dù mục đích của ông không vì tư lợi, nhưng ông phạm pháp, sẽ phải bị trừng phạt.

-        Tôi biết. Nhưng lúc tôi bị trừng phạt là lúc luật pháp phải được suy xét lại. Từ nguồn gốc, luật pháp thành hình trên cụm từ “công chính và công bình.” Ngoài trừ ý nghĩa trong từ điển, không ai có thể bảo đảm những gì gọi lả công chính. Ví dụ như Hoa Kỳ muốn mang ý nghĩa và lợi ích của dân chủ tự do đến cho người dân Irag, Afganishtan ,,, Đây là hành động công chính, nhưng hơn nửa thế giới đánh giá là bất chính. Còn công bình, giá trị của nó vô cùng biến hóa. Hầu hết, mặt sau của công bình là bất công.

-        Chúng ta đang tranh luận trên luật bản quyền, không phải về cơ bản luật pháp.

-        Luật bản quyền được xem trọng ở Hoa Kỳ và một số quốc gia văn hóa cao. Làm sao định nghĩa văn hóa cao hay thấp? Luật bản quyền đối với một số quốc gia khác là luật đại khái. Kẻ phạm tội có thể được tha bổng. Luật bản quyền quốc tế là luật của những quốc gia có quyền lực, bắt buộc các dân tộc yếu kém kinh tế và quân sự phải tuân theo. Chẳng phải đây là cơ bản về sức mạnh tạo ra luật pháp của Hàn Phi Tử và Machiavelli, mà nền dân chủ chống đối?

-        Ông thật sự không có ý niệm nào về tài sản trí tuệ và hành động đánh cắp nó hay sao?

Trong lúc tôi chìm đắm vào cuộc tranh luận về bản quyền, tôi mường tượng cô luật sư nắm cánh tay tôi đứng lên, khi quan tòa tuyên án. Rồi cô đẩy tay nhắc nhở tôi ngồi xuống. Tôi đã biết trước nên không quan tâm đến lời nói của ông thẩm phán. Trước sau gì cũng đi đến một kết luận. Từ lâu, tôi học được nhà văn Hemingway, một khi đã có được kết luận của câu truyện, việc sáng tác mở đầu và thân truyện chỉ là những khúc đường quanh co dẫn vào chỗ kết thúc.

-        Đánh cắp thì tôi biết rõ. Tài sản trí tuệ riêng tư thì tôi nghi ngờ. Tôi cũng là người đầu tư tài sản trí tuệ cho cá nhân. Tôi biết rõ nếu tôi không vay mượn tư tưởng, học thuật của người đi trước, những người cùng thời, tôi không bao giờ có thể viết một điều gì. Mọi sáng tác trên trần gian đều là kết hợp, xào nấu từ những sáng tác vay mượn. Tất cả các sáng tạo, dù có căn cước, vẫn đến từ những sáng tạo khác. Nếu lấy ra hết những thứ không thuộc về tác giả, tôi tin tác phẩm đó vô nghĩa, vô ích. Không có tác giả nào trả tiền cho những tác giả khác những gì họ đã vay mượn. Theo luật tự nhiên, nếu đã có vay mượn miễn phí, tất nhiên phải có hưởng dụng miễn phí.

-        Tôi nghĩ ông thiếu sót về quyền sỡ hữu chủ.

-        Quyền sỡ hữu của tài sản trí tuệ, nói vạch trần, là vấn đề tài chánh cho bản thân tác giả và cho gia đình, Nếu chỉ là văn học,văn chương, nghệ thuật, văn hóa, thì bất kỳ tác giả nào cũng muốn tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi toàn cầu, sâu xa trong các nền văn hóa địa phương. Phần thưởng này cao gấp mấy lần giải Nobel. Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu và đa văn hóa, cần phải có những cải thiện về luật bản quyền quốc tế, Nếu cần, phải có cuộc cách mạng về tài sản trí tuệ chung của nhân loại. Trí tuệ của ông Einstein được mang ra sử dụng, có ai bị phạt tội đánh cắp? Nếu phải chờ đợi 70 năm sau khi tác giả qua đời, mới giải phóng bản quyền, thì sự ngu tối đã lộng hành khắp địa cầu trong một thời gian tương đương với một số thế hệ. Tôi đề nghị chúng ta nên suy xét lại sự khác biệt, hiệu quả và lợi ích giữa tài sản trí tuệ riêng và tài sản trí tuệ chung. Hãy mở rộng phạm vi tài sản trí tuệ chung.

Tôi có đánh máy sẵn một bức thư ngắn, để đọc, nếu quan tòa cho phép tôi được nói lời cuối cùng trước khi tuyên án như tôi đã từng thấy trong các phim về xử tội.

“Thưa thẩm phán,

Thưa luật sư công tố,

Thưa những ai đang theo dõi phiên tòa,

Tôi nhận là tôi có tội đánh cắp tài sản trí tuệ riêng tư. Tôi xin chấp nhận hình phạt, không chút nào oán trách. Tôi chỉ xin quan tòa và những ai có thẩm quyền quyết định, cho phép tôi được tiếp tục dịch sách bằng thời giờ rãnh rỗi trong tù. Đằng nào tôi cũng có tội, đã ở tù, ở lâu thêm cũng vậy, xin cho tôi được tiếp tục đánh cắp trí tuệ cho đến hơi thở cuối cùng.

Đây là lời khẩn cầu của một công dân đối với luật pháp, nhưng là một đòi hỏi của người cầm bút đối với văn hóa toàn cầu.

Xin thành tâm cảm tạ.

Trong thế giới bồng bột đầy hứng khởi đó, tôi say mê những ý tưởng cải thiện và cách mạng luật bản quyền quốc tế. Cho đến đoạn ban đại diện văn bút thế giới hội hộp với Liên Hiệp Quốc để đưa ra quyết định tối hậu, thì cô luật sư lay vai tôi báo cho biết phiên tòa và các thủ tục đã chấm dứt. Tình nhân của cô xuất hiện, kéo tay cô ra phía bên ngoài trò chuyện. Tôi đứng lên, cảm giác hơi choáng váng.

-        Vâng, luật bản quyền đặt trọng tâm trên tài chính. Quyền được hưởng lợi ích của đầu tư trí tuệ. Dường như ông đã nghĩ đến điều gì có thể thay thế?

-        Điều vĩ đại nhất của loài người là trí tuệ. Tôi tôn trọng trí tuệ và biết rõ không có gì xứng đáng để thay thể hoặc tương đương với trí tuệ. Tiền bản quyền, thực tế là ánh đom đóm so với nắng trời. Tuy nhiên, người đời đã tôn trọng tài sản vật chất, thì củng nên tôn trọng tài sản tinh thần ít nhất là gấp đôi.

Có điều, theo tôi, nên gia tăng phần tài sản trí tuệ chung và đối xử với tài sản trí tuệ riêng một cách tương xứng.

-        Theo ông, thì nên làm sao?

-        Về mặt văn chương nghệ thuật, tài sản trí trí tuệ chung là tài sản thông minh cao độ của nhân loại. Bất kỳ ai, không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chế độ…, cũng có thể sử dụng. Nói về luật pháp Hoa Kỳ, nếu tài sản trí tuệ chung chưa thoát ra thời gian bản quyền, chính phủ sẽ mua quyền sử dụng, không phải bản quyền, để mọi người được sử dụng, bằng Quỹ Tài Sản Trí Tuệ Chung. Quỹ này do chính phủ thành lập bằng tiền thuế đánh trên lúc mua bán tài sản trí tuệ và những tài trợ của các ông ty, các mạnh thường quân về văn học nghệ thuật. Quốc hội sẽ lập ra tiêu chuẩn, thế nào là tài sản trí tuệ chung. Nếu quỹ An Ninh Xã Hội dùng để bảo đảm người dân không bị quá nghèo đói, thì quỹ Tài Sản Trí Tuệ Chung bảo đảm sự hiểu biết của người dân không đến nổi quá thấp. Bảo đảm những trí tệ hàng đầu của nhân loại được diện kiến trí não của những ai mong muốn.

Trong khi tài sản trí tuệ riêng vẫn giữ như cũ, chỉ giới hạn thời gian giữ bản quyền, 50  năm từ ngày tác phẩm văn chương hoặc sản phẩm nghệ thuật đó ra đời.

-        Về mặt quốc tế thì sao?

-        Liên Hiệp Quốc có bang cứu trợ dân nghèo, tất nhiên có thể cứu trợ dân kém hiểu biết. Liên Hiệp Quốc có thể thành lập Quỹ Tài Sản Trí Tuệ Chung. Tôi nghĩ, thế giới tài trợ áo quần thực phẩm cho dân nghèo được sống; tài trợ súng đạn để người dân bảo vệ lý tưởng; tại sao lại không thể tài trợ kiến thức cao đẹp cho những tâm hồn đen tối một cách tích cực? Đối với người dân trong những quốc gia chưa phát triển, cho họ cơ hột truyền bá kiến thức sâu rộng, là cách giúp họ tự thoát ra độc tài, nô lệ. Chỉ có sự hiểu biết, không phải súng đạn, mới có thể cứu dân kém tri thức.

Đây chỉ là những đề nghị từ một trí óc thô thiển, tôi tin rằng, các trí tuệ cao kỳ ở thượng viện, hạ viện, các nhà lãnh đạo, các chuyên viên thông thái sẽ còn có nhiều phương pháp khác để cải thiện luật bản quyền quốc tế.

Bước ra khỏi hàng ghế bị cáo, những hình ảnh và lời nói vẫn tiếp tục tuôn ra trong đầu. Một vòng tay, hai vòng tay, ba vòng tay, bốn vòng tay ôm lấy tôi. Vợ và ba đứa con gái vây chung quanh. Lơ mơ, tôi như đang vắng mặt. Người ta có thể chuẩn bị ý nghĩ, hành động, nhưng không ai có thể kế hoạch cho cảm xúc. Đáng lẽ tôi phải rất xúc động, rất yêu thương tràn ngập trong vòng tay người thân, vậy mà tôi vẫn miên man với những hình ảnh lấp ló kéo ra trong trí tưởng. Dường như chúng nó mù mờ và không rõ ý nghĩa, chỉ xuất hiện để giữ tôi khỏi trở về thực tế. Tôi vẫn là người luôn luôn thiếu thực tế. Hầu hết thời gian tuổi già, tôi sống ở một thế giới khác.

Cô luật sư hớn hở. Thắng hay thua gì cô cũng thành công. Nhìn cô cười nói, cô thật sự rạng rỡ. Tôi đến gần, cảm ơn cô. Bày tỏ lòng khâm phục mặc dù tôi đã không lắng nghe lời kết luận biện minh của cô, kể luôn cả lời buộc tội sau cùng của bên công tố. Đại khái, tôi nói, tôi chấp nhận và không ngại ở tù. Tôi biết rằng cô đã cố gắng hết lòng, nhưng luật pháp là luật pháp. Tôi có tội đánh cắp tài sản tri tuệ, luật pháp không quan tâm, tôi đã dùng tài sản này làm gì. Thôi thì, mặc kệ. Khi nào chính thức đi vào tù, xin cô cho tôi biết.

Cô cầm lấy hai tay tôi, nhìn thẳng vào mắt như cố đánh thức một kẻ đang mộng du. Cô nói, ông không bị ở tù, không bị phạt vạ, quan toà chỉ bắt ông phải làm việc một số giờ công ích cho xã hội. Tuy phải làm nhiều năm nhưng tôi đã xin quan tòa và sẽ liên lạc với cơ quan có thẩm quyền để ông được làm việc đền tội tại thư viện quốc gia của Houston, trong  phố chính.

Bây giờ, tôi thật sự xúc động. Tôi thích nhà tù thư viện này.

 

   cuối tháng 8 năm 2021.   

 

 

 

 

Ngu Yên
Số lần đọc: 710
Ngày đăng: 06.07.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vùng đất dữ - Đỗ Nhựt Thư
Phố đỏ - Phan Tấn Uẩn
Sông an nhiên - Đặng Chương Ngạn
Giọt lệ mo hồn - Nguyễn Anh Tuấn
Hoàng hôn, xương lá vỡ - Đỗ Nguyễn
Ông kẹ tỉnh Hà - Đỗ Nhựt Thư
Ngày mai trời có sáng - Hoàng Thị Bích Hà
Vụ mưu sát lộng lẫy - Nguyễn Lệ Uyên
Con số trên cánh tay (Dacia Maraini) - Trương Văn Dân
Những mảnh vỡ của tấm gương - Elena Pucillo Truong
Cùng một tác giả