( Cảm ơn cha, người đã kể cho con nghe câu chuyện về một người thả diều khi con còn nhỏ)
Vợ lão Siền tỉnh giấc lúc nửa đêm, lấy tay lay nhẹ ông chồng đô vật, đang kéo gỗ như sấm rền:
-
Dậy! Dậy! Nghe!
-
Nghe gì hử ?
Lão Siền nổi cáu vì mất giấc, ngồi nhỏm dậy, nghiêng nghiêng đầu, vểnh tai, rồi thốt lên:
-
Không lẽ!…
-
Từ nửa đêm. Hay bác ấy…còn sống trở về …
-
Còn sống!!! Sống cái cóc khô. Xác đã mangvềtáng trênCồn Cao.Bà là một trong những người đưa bác ấy sang bên kia chứ ai!
-
Đậnđó, nó như vậy, chính ông khuyên tôi nói gì đó vô thưởng vô phạt. Tôi cũng chỉ tố cho có tố thôi!
-
Hay nhỉ!…Tố cho có tố: dây diều rơi ngoắc vào cổ làm bà bị tai nạn, suýt chết!
LãoSiền xuống giường, cứ thế chân đất bước ra sân, đêm mười sáu cuối hè trăng rất sáng.
Lão nhìn thấy chắt Miêng cũng đang đứng lom khom trước rặng tre ngà nhà ông ta, ngửa cổ nhìn lên trời. Chính cái tay chắt Miêngác độc này, lời tố của chắtmới đẩy bác ấy vào tù. Lão tốdiều là ám hiệu cho quân địch….
Ngay khoảng đất đầu làng, chỗ người lớn vẫn ngồi hóng gió, trẻ con chơi nhảy dây, chơi bi, chơi đáo…,năm sáu người làng đã đứng lố nhố ở đấy chỉ tay lên trời. Lão Siền nhìn theo: Một chiếc diều sáo rất lớn hiện rõ giữa nền trời xanh lơ, nhấp nháy rất nhiều sao, vởn vơ mấy làn mây trắng mỏng như voan. Diều sáo đại, sáo trường có lẽ cánh to hơn cả tấm phản lim nhà lý Ngã ngày trước. Cả đời lão chưa bao giờ thấy.
-
Cáccụ ra đây sớm nhỉ? Các cụ cũng không ngủ được à?
-
Ai có thể ngủ. Cả thôn Trung có lẽ đêm nay đều đã tỉnh dậy!Ngủ sao được: tiếng sáo to như sấm dội, tiếng sáo rền vang trên bầu trời lúc đêm khuya khuyắt yên tĩnh thế này!
-
Diều to quá! Chưa có chiếc diều nào lớn vậy, ngày trước khắp mấy tổng cũng không có nhỉ? Phải gấp đôi con diều giải nhất huyện ta năm trước!
-
Gấp đôi, nhìn xa như vậy sải cánh phải năm-sáu mét! Sáo hình như không phải ba sáo mà bốn, năm ốngsáo ?
-
Âm thanh vậy là năm sáo, lắng nghe kỹ sẽ thấy có đến năm giọng trầm bổng khách nhau. Diều và sáo này cả làng, cả tổng chỉ có người đó làm được!
-
Cũng đã sáu năm nay, chúng ta không được nghe tiếng sáo của bác ấy. Nhưng rợn rợn các ông ạ…Cứ như sáo ma. Cứ như tiếng sáo gọi hồn…ngày ấy…bác… không treo mình trong trại giam thì hồi sửa sai đã có thể trở về.
-
Hồi ấy – giọng ông Hai ngẹn ngào- tôi đã định lên tiếng minh oan cho bác ấy: làm gì có chuyện bác ấy phản động, việt gian, bác ấy đâu có ruộng, đất để quy địa chủ …nhưng vợ tôi cứ kéo áo giật lại. Tại con vợ tôi hèn.
-
Chẳng phải vợ bác hèn. Cả làng này đều hèn. Cả tổng này hèn. Chúng ta sống với bố bác ấy, bác ấy từ nhỏ đến lớn. Biết qúa rõ bác ấy hiền lành, ngay thật. Vậy mà …
-
Tôi cũng đã trốn buổi tối đó. Nhưng tay Đội cho người đến thúc. Đã quyết không nói gì …mà cuối cùng bị ép nên phải nói. Chuyện tôi tố vô hại nhưng bao nhiêu năm qua tôi vẫn dằn vặt vì mình có lỗi.
Cố Tựtóc bạc trắng, người gìa nhất trong mấy người đàn ông, cũng già nhất thôn Trung, bỗng ôm lấy mặt khóc nức nở:
- Sao hồi đó tôi lại ngu đốn thế. Tôi ngu đốn thế. Mà cả cái thônTrung này sao thời ấy ngu đốn thế, thiếu tình như vậy!
Rồi cố Tự cứ thế ôm mặt khóc nức nở….
***
Người thôn Hạ đầu tiên nghe tiếng sáo diều có lẽ là Đỏ Đương. Đêm ấy, Đỏ Đương đi bắt mạch khám bệnh cho một người thôn bên đang băng đồng về nhà. Khi tiếng sáo dội từ không trung xuống, ông sựng lại, toàn thân tê cứng, như có luồng điện xuyên qua đỉnh đầuxuống tận từng ngón chân.
Ông dừng ngay lại, lắng nghe….Đúng nó, tiếng sáo của Giáo Việt. Đỏ Đương vẫn quen miệng gọi vậy vì ông Việt mấy năm liền dạy bình dân học vụ. Tiếng sáo diều của Giáo Việt, tiếng sáo này không lẫn vào đâu được. Cả cuộc đời Đỏ Đương từ khi lớn lên đến giờ luôn bị tiếng sáo này cuốn hút, như ma lực.
Ừ, ngày trước, khắp tổng Hạ Hoàng chỉ có diều sáo Giáo Việt và Đỏ Đương cạnh tranh ngôi thứ nhất nhì trong các cuộc thi. Và chưa lần nào Đỏ Đương vượt qua Giáo Việt. Sáu năm trước đó, Đỏ Đương kỳ công chuẩn bị ngay từ mùa thu, đi khắp vùng tìm bằng được một cây tre đực ưng ý: cao vút, nhưng thân thon nhỏ, da vàng lựng, đã chừng mấy chục tuổi…Tay Ý chủ vườn khó dễ, trả giá đắt hơn cây tre cái chục lần vẫn lần khân cà rề, cà rịt mãi, Đỏ Đương phải chấp nhận đổi ngang bộ quần áo sọockaki (ông mua lại của Đội Cai từng đi lính khố đỏ). Ông chẻ đôi cây tre đực nhấn sâu xuống lớp bùn dưới đáy ao, ngâm qua hết mùa đông mới vớt lên chế bộ khung diều. Bộ khung ấy ông treo lên gìan bếp hun khói suốt cả mùa xuân, đến đầu hè mới mang xuống làm Diều. Giấy diều là giấy gió ông lấy từ mấy cuốn sách thuốc, được hồ bằng nhựa sung, nhựa hồng non, có bão cũng không bị xé rách.
Năm đó, Đỏ Đương chắc mẫm sẽ giành giải nhất. Ông tự tin hơn khi so diều trước cuộc thi: diều Giáo Việt sải cánh kém diều ông cả cánh tay người lớn. Nhưng năm đó, Đỏ Đương vẫn về nhì: Diều Giáo Việt bay cao hơn diều của ông cả mấy mét, nó đứng im phăng phắc giữa trời, không chênh chao chút nào, nó hơn diều Đỏ Đương về độ bắt gió, hứng gió…Còn sáo thì: không chỉ Đỏ Đương mà chẳng tay chơi diều nào ăn đứt được Giáo Việt. Các bô lão trong Ban chấm giải còn nói điều này làm Đỏ Đương buồn mãi: cả khi cuộc thi ấy diều Đỏ Đương bay cao hơn Giáo Việt thì họ cũng phải chấm hạng nhất cho Giáo Việt vì Sáo. Mà diều sáo, sáo còn quan trọng hơn cả diều, sáo là hồn cốt của con diều.
Năm nào, Đỏ Đương cũng tìm cách để đo ướm kích thước sáo, săm soi cái miệng sáo, săm soi xem Giáo Việt làm ống sáo, miệng sáo bằng vật liệu gì. Ông chụp bằng mắt với trí nhớ của một thầy thuốc nam, in mọi chi tiết cái sáo diều vào đầu còn rành rẽ về nó hơn các vị thuốc: ráy gai, ba kích, kim tiền thảo, mã đề…Nhưng âm thanh sáo Đỏ Đương so với Giáo Việt vẫn một trời một vực.Không biết sao sáo Giáo Việt tiếng kêu rền vang đến vậy, cứ như sấm động trên trời cao, mấy sáo nhỏ, cái thì nghe thanh thanh như chuông đồng, cái thì âm thì thầm như kèn lá, kèn tre của mấy người Mường. Trên cao, lúc có gió nồm, mấy cái sáo nhỏ hoà âm lẫn nhau da diết như ai đấy đang ngồi trên đám mây kéo đàn bầu, đàn nhị vậy. Có một bí quyết nữa, làm lão đau đầu, sáo của Giáo Việt to nhưng luôn nhẹ cân, cả khi mang hai-ba-bốn sáonhấc bằng tay cũng không nặng hơn ống sáo đơn bằng ống tre cái của Đỏ Đương. Mà sáo càng nhẹ thì diều mới bay cao, lúc đâm mới vút thẳng lên nhẹ nhàng được.
Đỏ Đương nhớ như in, lần ông tình cờ gặp lại Giáo Việt sau cải cách, ấy là lần gặp cuối cùng. Hôm đó, Giáo Việt cùng mấy tù nhân bị giải qua thôn Hạ xuống nhà tù Thạch Kim ở huyện bên. Đỏ Đương không nhận ra Giáo Việt khi thấy mấy người đàn ông gầy gò như nhau, tóc bạc trắng như nhau, cùng bị dong bởi một sợi dây thừng to bằng cổ tay, lê lết trên đường làng giữa trưa tháng sáunắng như đổ lửa. Đỏ Đương chỉ nhận ra khi người tù đi cuối quay qua nhìn ông và nở nụ cười. Cái nụ cười sáng bừng với hàm răng trắng bóng làm lão nhận ngay ra Giáo Việt, người đàn ông duy nhất không ăn trầu, không hút thuốc hiếm hoi của tổng Hạ Hoàng.
-Gỗ bấc- người đàn ông nói nhỏ như gió thoảng qua nhưng đủ để Đỏ Đương nghe được- Ống sáo mảnh gỗ bấc dán keo…Miệng sáo khoét vòng, có lưỡi gió…
Nếu không sợ bị người ta quy tội, Đỏ Đương đã quỳ xuống vái theo Giáo Việt trăm vái. Nhưng ông chỉ đứng im bên lối đi, lén chùi nước mắt đang trào ra, nhìn theo đoàn tù cho đến khi họ khuất bóng cuối cánh đồng.
Đỏ Đương đã đi tìm gỗ bấc khô và làm một bộ sáo đúng như vậy: sáo nhẹ tênh chỉ nặng bằng một phần tư những ống sáo làm bằng ống tre, mắt gỗ mít. Đặc biệt, khi ống sáo được ghép lại bằng các thanh gỗ mảnh bằng keo, có thể làm ống sáo với đường kính to theo ý muốn…Bí quyết đơn gỉan vậy, nhưng cả chục năm Đỏ Đương không thể tìm ra.
Đỏ Dương đã chờ những cơn gió mạnh mang sáo ra thử, tiếng kêu khôngthể sánh với sáo diều của Giáo Việt, nhưng với Đỏ Đương thì chưa khi nào có sáo tiếng hay như vậy!Ông ngây ngất với tiếng sáo ấy bao ngày…
Nhưng Đỏ Đương đã chất tất cả diều, sáo trong vườn lặng lẽ đốt sạch, và quyết định không bao giờ chơi sáo diều nữa vào cái ngày ông nghe tin Giáo Việt treo cổ tự tử trong tù: “ Không còn Giáo Việt thì Đỏ Đương còn chơi sáo diều với ai!”-Ông nghĩ vậy.
Mấy năm gần đây, xã, huyện tổ chức thi sáo diều, nhiều lần cho người đến mời ông tham gia, ông đều từ chối: ông bận khám bệnh, bận làm thuốc…
***
Đỏ Đương ngồi bệt xuống bên bờ ruộng. Cánh đồng vừa qua mùa gặt, đang lúc cày ải nồng hăng mùi vôi, mùi cỏ cháy. Ánh trăng loáng loáng phủ vàng những tán cây duối, những vòm tre, ánh lên trên mặt nước dưới lạch Trâu Đằm. Bầu trời đêm sâu thẳm, mông lung đến vô cùng. Cánh Diều màu trắng nhìn từ xa, nhìn từ thôn Hạ qua như một vầng trăng thứ hai trong đêm treo lơ lửng trên nền trời đẹp như tranh thuỷ mặc. Đỏ Đương đắm mình trong tiếng sáo ngỡ như dội về từ cõi thiên thai…
Với Đỏ Đương sáo diều là tuổi thơ, là tuổi trẻ, là tình yêu…Hồi nhỏ, suốt ngày ông để đầu trần cháy khét lang thang với con diều ngoài cánh đồng. Bằng những con diều ông đổi được khoai, sắn, chong chóng gió, giỏ ếch hay thậm chí cả một con chim sáo, chim vẹt…Ông đã gặp được người vợ, một cô gái xinh đẹp, hát hay ở thôn bên cạnh chính nhờ một lần diều sáo đứt dây bị gió cuốn đi cả 4 - 5 km, rồi rơi vào ngay vườn của nho Cảo. Con diều bị mắc cứng giữa bụi tre, chính vợ ông đã thuyết phục nho Cảo cho phép đốn cái bụi tre gai để lấy diều. Phải Đỏ Đương đã tìm thấy tình yêu và hạnh phúc nhờ sáo diều.
Ông vẫn luôn nghĩ: diều sáo chính là hồn của vùng quê vào những ngày hè. Tiếng sáo ấy chính là tiếng hát của hồn quê bình yên, mộc mạc, dung dị, chân thành.
Khi đốt hết diều, đốt hết sáo, từ bỏ việc thả diều…ông thấy mình đang tự giết đi ký ức, giết đi kỷ niệm đẹp,giết đi tâm hồn phóng khoáng của một người quê…Sau ngày ấy, Đỏ Đươngrất ít khi ngước nhìn lên trời xanh…Ông luôn sợ những mùa hè, những buổi chiều lộng gió, những đêm trăng đẹp. Ông cảm thấy sợ khi một mình cô đơn giữa cánh đồng và trên ông là bầu trời xanh trống vắng, hun hút gió.
Còn lúc này, giữa đêm khuya khoắt này, Đỏ Đương đang nghển cổ nhìn lên trời xanh.Không lẽ Giáo Việt còn sống trở về? Tiếng sáo ấy chỉ có thể là sáo diều của Giáo Việt! Không có ai trong tổng Hạ Hoàng, cũng như mấy vùng lân cận này có sáo diều như vậy! Thứ âm thanh ấy, cứlàm lòng người chênh chao, bay bổng, phiêu diêu…nhưlượn cùng mây, cùng gió.
***
Chắt Miên dật dờ bước vào đền Trù, nơi đang làm văn phòng đội sản xuất, đã thấy đội trưởng Thuậ và Sơn kế toán ngồi chờ ở đấy.
-
Đêm qua, tôi không ngủ được !
-
Vậy. Ông tuởng chúng tôi ngủ ngon à- đội trưởng Thuậ giọng xách mé- Nói cho ông biết cả thôn sáng nay hơn chục người không ra đồng. Theo tôi biết hơn chục người ấy đêm qua kéo nhau ra đầu thôn xem diều. Nếu cứ thế này, mai sẽ có thêm nhiều người không ăn không ngủ được !
Chắt Miêng thò tay nhón thuốc trên bàn nước,vo viên, cho vào nõ điếu:
-
Các ông gọi tôi lên có việc gì ?
-
Cái nỏ của ông vẫn còn chứ ?
-
Còn !
-
Ông biết phải dùng làm gì rồi!
Chắt Miêng rít một hơi, buông điếu:
-
Tôi đã đi điều tra. Dây diều hình như…được buộc ngay nóc nhà của Giáo Việt. Cái nhà đó từ khi bà giáo mang con về bên ngoại để hoang không ai ở.
-
Tôi và chú Sơn đây cũng biết rõ vậy. Sau khi sửa sai, bà giáo về nhận lại nhà vườn. Vườn cho ông chú Xuân trồng trọt, nhà thì cửa đóng then cài gửi chú Xuân trông nom rồi đưa con về bên ngoại. Nhưng không thể đến nhà đó bảo họ hạ condiều xuống. Không ai cấm thả diều. Tháng trước chúng ta vừa tổ chức thi thả diều còn gì! Này, vậy ông đã điều tra được ai thả diều chưa?
-
Chịu. Ông Xuân bảo ông ấy không thả. Mà xưa nay, tay ấy chỉ chăm chăm làm ruộng có văn hoá văn gừng gì đâu. Buộc cái dây lèo diều cũng không xong nói gì chuyện thả diều. Hỏi con cái nhà Việt có ai về không thì quanh đấy đều bảo không. Họ chưa bao giờ quay lại sau đận sửa sai…
-
Cứ như ma làm!- Tay kế toán nãy giờ im lặng,lên tiếng- Đúng, anh Thuậ nói đúng, thả diều là quyền tự do của mọi người, không ai cấm nên không thể đến đấy yêu cầu họ hạ diều xuống.
-
Các anh có mấy khẩu súng trường. Chỉ cần ngắm. Pằng một phát!
-
Ông điên à. Pằng một phát cho cả thôn này biết! Cả huyện này biết. Mà bên ngoại bà Việt toàn người làm trên tỉnh, ngoài trung ương đấy! Chỉ có cây nỏ của ông. Không tiếng động. Cánh diều rách là xong. Chơi diều gió xé rách giấy dán diều là chuyện bình thường- đội trưởngquay qua kế toán nháy mắt- tính cho ông luôn mười công đấy. Tạch một phát mười công.
***
-
Mười công. Các ông tưởng mười công là béo lắm à. Mỗi công chỉ hai lượng thóc.Mười công hai ký thóc …chẳng bõ. Mà tội tình gì là trút lên đầu thằng mõ này!- Chắt Miêng lẩm bẩm khi rời đền Trù– Mà… cao hơn trăm mét dễ gì bắn trúng!
Uống hai cốc rượu trắng đầy tràn nên lão có chút hơi men. Lão bước đi chệnh choạng dưới ánh trăng mười bảy đang sáng dần. Ở trên cao kia, hình như gió lộng hơn, nên sáo diều càng rền rứ hơn, thứ âm thanh đó như khoan vào tim lão.
Giáo Việt thực ra là hàng xóm gần nhất với lão chắt Miêng, nhà cách nhau chỉ một giồng tre, hai người còn có họ xa, vẫn chung một nhà thờ tổ. Nhà lão xem ra chịu ơn của Giáo Việt rất nhiều, đận vợ lão đẻ ngược, đận thằng conthứ đẻ ngược bị sốt co giật không có Giáo Việt thì có lẽ đã về chầu tổ. Giáo Việt không hay rượu, thuốc nên không ngồi đàn đúm với lão, nhưng đôi khi có nước chè xanh hay có nồi khoai luộc vẫn gọi lão qua cùng thưởng thức…Phải thú nhận rằng: từ hồi thanh niên, lão đã luôn ganh tỵ với Giáo Việt, nhưng cũng chỉ ngấm ngấm trong lòng thôi. Lão là tay nỏ có hạng trong làng, bắn mười phát, mười phát trúng hồng tâm. Nhưng hầu như dân làng không biết cái tài bắn nỏ, không trọng cái tài bắn nỏcủa lão, chỉ biết đến Giáo Việt sáo diều. Lỗi cũng tại các vị bô lão, làng năm nào cũng tổ chức thi thả diều, nhưng chẳng hiểu sao từ đời các cụ tổ không khi nào tổ chức thi bắn nỏ…Có đôi lần khi rượu vào, lão đã phả ra điều ấy, nhưng chẳng ai lên tiếng chấp.
Nghề bắn nỏ cũng là nghề gia truyền của gia đình lão. Ông cố nhà lão sống bằng nghề bắn chim, bẫy chim, đơm chim. Cha lão cũng vậy. Đến đời lão cũng vậy. Từ nhỏ lão đã quảy hai cái lồng chim lớn đi theo cha lão, đã được luyện để kéo dây nỏ, bắn nỏ. Mười hai tuổi, lão đã có thể kéo đánh phịt cái dây nỏ bằng một tay, bắn 10 phát 8-9 phát trúng hồng tâm, đã có thể bắn xuyên qua con sẻ đậu trên nhánh cây cao nhất. Đến đời con lão bây giờ thì mạt, nó không còn thèm cầm đến cây nỏ nữa. Lão cũng không ép vì có còn chim đâu để bắn. Mùa xuân, mới có đám chèo bẻo, sáo bay về, đi cả ngày cũng chỉ được chục con….chẳng bõ….
Sau cải cách, nhiều người chửi lão độc mồn nên Giáo Việt phải vào tù. Lão không thể thanh minh thanh nga gì được vì đúng sau khi lão tố thì Giáo Việt mới bị buộc tội gián điệp, tay đội còn biểu dương lão có lòng yêu nước. Thực ra, lão có biết gì đâu, cái chuyện Giáo Việt thả diều là làm tín hiệu cho bọnđịch cũng do tay đội mớm trước. Hồi đó, không chỉ lão cả làng này cứ như bị ma nhập, khi cải cách lão mới mở mắt ra. Lão mở mắt ra lần nữa khi biết ông đội Lê Tảo hủ hoá làm to bụng mấy bà nông dân khi rút đi và đội Tảo hoá ra là cháu của tri huyện phản động Lê Tồn. Lão còn hồ nghi Lê Tồn cũng có dây dưa máu mủ mấy đời với nghịch tặc Lê Chiêu Thống. Lão đã nghe lời xui dại của một tên phản động hại một người tốt, người làng, ân nhân của lão.
Ra khỏi đền Trù, lão chắt Miêng không đi theo đường làng chính, lão men theo bờ ruộng đi về nhà. Lúc này, lão ngại gặp bất cứ người làng nào trên đường. Chỉ cần họ ngước cổ nhìn lên trời là lão nghẹt thở, như sắp bị hỏi tội. Lão bước đi lầm lũi, chệnh choạng trên bờ ruộng, suýt ngã mấy lần.
Về đến nhà, chắt Miêng đi vào buồng lấy cây nỏ treo trên tường và cái túi đựng tên ra. Lão kiểm tra vẫn còn 5 mũi tên đầu bọc sắt. Đấy là những mũi tên quý của lão, nó thẳng, tròn vìn, không lệch một ly nên khi thoát ra từ rãnh nỏ sẽ bay vun vút thẳng băng theo hướng ngắm. Đi săn lão chỉ dùng tên mũi bọc sắt khi chắc chắn nó sẽ hạ gục con mồi, có nghĩa là chắc chắn thu hồi mũi tên lại được. Nếu không, lão sẽ bắn bằng mũi tên tre có đầu tuốt nhọn. Lão lau sạch bụi trên cây nỏ. Báng nỏ bằng gỗ lim ánh lên màu đen nhánh như được sơn bóng. Sức lão đã yếu hơn mấy năm trước nhưng vẫn đủ để kéo dây nỏ một hơi.Cây nỏ này có tuổi dài hơn đời lão, đời cha lão, khi cây nỏ đến tay lão cái dây đã lên màu đen và bóng mịn như chính màu gỗ lim của báng nỏ, trơn bóng như luôn được thoa mỡ.Cha lão nói rằng nó được làm bằng da của của một con cáo rừng, một con cáo già, được thợ da thuộc, ngâm hoá chất theo đúng một quy trình hết sức đặc biệt nên sẽ dai và bền cả trăm năm.
Lão găm một chiếc lá khô lên tưòng nhằm bắn từ xa. Vẫn mườiphát trúng hồng tâm, không trượt ra ngoài dù đã mấy năm nay chắt Miêng không đụng đến nỏ.
Tiếng vợ lão cất lên the thé sau lưng. Hoá ra mụ ta đã rình mò ngay khi lão về nhà.
-
Bắn chim thì sao?
-
Người ta phóng sinh chim để lấy phúc. Cha con ông đi bắn chim! Nghề này không khá đâu ông ạ. Ba đời nhà ông không ngóc đầu lên được là do bắn chim đấy. Vứt cái nỏ đi để phúc cho con cháu!
Lão ngán cái giọng cấm cản của con mụ Đồng Môn. Chắt Miêng vẫn luôn gọi vợ bằng cái tên làng của vợ- cái làng mà theo lão đàn bà toàn thứ điêu toa, lắm mồn. Khi khác thì lão đã quát ầm lên. Thậm chí xông tới vả cho mụ vợmấy vả rụng cả quai hàm. Nhưng hôm nay, lão không nói gì lặng lặng cất cây nỏ rồi vào bếp ngồi xuống mâm cơm. Nhà lão luôn ăn tối bên bếp lửa đun rơm khét lẹt, khói tuôn như hun muỗi để tiết kiệm tiền dầu.
-
Hôm nay, cả thôn đồn ầm lên bác Việt về…
Vợ lão cuối cùng vẫn lên tiếng. Cái chuyện mà lão biết mụ ta đã cố nhịn mãi từ chiều.
-
Về. Ai về?
-
Bác Việt ….À , không phải bác Việt mà cái diều sáo bác ấy về…
-
Nói chuyện tào lao. Cái diều sáo có chân chắc. Người ta thả diều chứ về nỗi gì!
Lão đặt kịch chén cơm ăn dở xuống cái mâm gỗ. Không còn tâm trạng để nuốt. Lão bỏ lên dường nằm. Lão tính sẽ trở dậy lúc 4h00 sáng, theo quy luật vào tháng sáu, cuối hè, khoảng thời gian ấy gió trước cánh đồng Vường sẽ nhẹ nhất, con diều sáo sà xuống bay thấp nhất. Đấy là cơ hội của lão.
Lão trằn trọc mãi, trở mình ken két trên chiếc giường nan, không sao ngủ được. Vẫn tại cái tiếng sáo diều. Về đêm gió lớn hay sao nó vống lên lồng lộng giữa trời như cả một dàn kèn đồng đám ma mà duy nhất một lần lão chứng kiến khi ngài linh mục ở nhà thờ công giáo xóm Phú Hà làng bên về với chúa. Lảnh lói, cao vọi, rồi lanh lảnh, re ré …Thế này thì lại thức trắng đêm nay. Lão đi tìm bông vo thành hai cục nhét vào lỗ tai. Nhưng tiếng diều sáo vẫn xuyên qua cục bông gòn khoan vào đầu. Lão nhớ đến hũ keo dùng để đơm chim được bảo quản dưới chum nước.Đúng rồi, trộn nó với bông gòn mới mong ngăn được hết mọi thứ âm thanh. Nghĩ là làm, chắt Miệng vét nhựa trong hũ ratrộn cùng bông gòn thành một mớ hỗn hợp bông- keo. Lão vo thành hai cục to tướng nhét kín lỗ tai,bao phủ cả hai cái vành tai vểnh đón gió của lão. Bây giờ, lão không khác gì người bị điếc, có gõ phèng la bên tai cũng chẳng nghe thấy.
Lão tỉnh dậy bởi kẻ nào đó lắc mạnh hai vai. Mở mắt cái mặt quắt queo như trái bầu khô của tay kế toán đang nhăn nhó và gào thét. Gã phải cạy mớ bông- keo bịt tai ra mới nghe được.
-
Ông Miêng! Ông Miêng! Hoá ra ông vẫn đang ngủ!
-
Có chuyện gì?
-
Chuyện gì! Chuyện gì à? Sáng nay hơn ba chục người không ra đồng- Tay kế toán chỉ chỉ ngón tay lên trời.
-
Cả đêm qua tôi phải căng lại dây nỏ. Đến sáng mới xong.Mệt quá nên…Qua đêm nay, gần sáng, tôi sẽ tạch…
-
Ông phải tạch trước kẻng đi làm nhé! Phải tạch! Đội trưởng nhắn tăng lên cho ông ba mươi công. Tạch một cái bằng người khác cắm mặt trên đồng cả tháng!
Lão Miêng bịt lại tai bằng cục bông keo rồi vào bếp tìm đồ ăn sáng. Vợ con lão đã ra đồng từ sớm, để lại cho lão mấy củ khoai. Lão ăn xong, lại lên giường ngủ tiếp. Trong đời lão vẫn thích nhất những ngày mưa, những ngày đông giá, nếu không có việc gì làm lão có thể ngủ một mạch triền miên từ sáng đến tối.
***
Cỡ đụn dịn, cả làng Hạ bừng tỉnh, xôn xao. Tiếng sáo diều bỗng biến mất. Nhiều người ngửa cổ lên trời tìm kiếm nhưng tịnh không thấy bóng diều sáo đâu.
Đội trưởngThuâ với kế toán Sơn khấp khởi mừng: Có lẽ chắt Miêng đã ra tay sớm chăng. Nhưng khi cả hai chạy tới gần nhà Giáo Việt thì nhận ra hoàn toàn không có chuyện đó vì nếu chắt Miêng ra tay sẽ nhìn thấy sợi dây diều trên mặt đất giăng từ nhà Giáo Việt đến nơi con diều cánh bị rách rơi xuống. Nhưng đi đủ một vòng quanh ngôi nhà bỏ hoang của Giáo Việt không thấy tăm tích sợi dây diều!?
Hầu như cả làng, ngoại trừ lão chắt Miêng vẫn đang say giấc, đều kéo nhau ra đồng. Họ gọi nhau đi kiếm con Diều bị dứt dây rơi đâu đó trên cánh đồng hoặc trong vườn nhà nào đấy.
-
Không thể có chuyện con diều đứt dây! - Lão Siền khẳng định- Không thể đứt, rơi…Nếu bị đứt dây, bị rơi …thì sau khi không còn nghe tiếng sáo, nhìn lên trời vẫn sẽ thấy con diềuđứt dây bị gió cuốn bay chứ!
-
Tôi cũng nghĩ vậy! Biến mất! Đúng là biến mất- Cố Tự tiếp lời – Sáu anh em chúng tôi ngồi đầu làng ngắm diều, chơi cờ, vậy mà vừa cúi xuống xem cu Ngao chụp con mã, nghe tiếng sáo vụt tắt, ngước lên nhìn không còn thấy diều đâu! Vậy, mà trước đó, nó luôn treo mé trên đầu …
-
Lạ thật! Biến mất lạ lùng như khi xuất hiện!
-
Như ma ám!
-
Chưa có chuyện nào kỳ dị như vậy!
Gần như lớn, bé, trừ mấy đứa trẻ ẵm ngữa lùng sục trong các khu vườn, rồi kéo nhau ra đồng, tràn qua cảlàng bên, để tìm con diều. Tiếng chó sủa, tiếng la lối, tiếng gọi nhau rộn lên như những khi làng có hội, có đám cháy. Họ săm soi từng đám cỏ, từng lùm cây, từng ngôi nhà…nhưng không thấy dấu vết một đoạn đây diều nào, không thấy con diều. Quá nửa đêm, mọi người đều đã mệt, chân cẳng rã rời, không còn chút hi vọng mới kéo nhau về. Nhiều nhóm vẫn không ngủ được, vẫn túm tụm tiếp tục ngồi bàn tán với nhau về con diều, về Giáo Việt…
Bên thôn Hạ, Đỏ Đương đang thái thuốc thì nghe sáo diều bặt tiếng. Ông chạy ra cánh đồng nhìn về thôn Trung: cái vì trăng màu trắng đã biến mất trên nền trời xanh lơ. Biến mất bí hiểm. Đỏ Đương thấy đám đông thôn Trung và nhiều người thôn Hạ kêu nhau tìm kiếm con diều bị đứt dây. Nhưng ông cứ đứng vậy, lặng lẽ, ngước nhìn lên bầu trời đêm mà không tham gia cùng mọi người. Là người chơi diều ông biết: không, không có chuyện diều đứt dây, hay ai đó hạ con diều sáo xuống. Một con diều sáo khi bị đứt dây, hay hạ diều, tiếng sáo không tắt ngay đột ngột, sáo sẽ đổi tiếng và vẫn còn ngân, vẫn còn ngân lên như bị lạc giọng, như một giọng ca bị nghẹt mũi, cho đến khi cánh diều rơi chạm đất.
***
Lão chắt Miêng tỉnh dậy lúc khoảng 3h30’ sáng, đầu canh năm. Nhờ hai tai bịt chặt nên lão đã có thể ngủ say nhưng cũng vì vậy lão hoàn toàn không hay biết gì mọi chuyện xảy ra đêm qua trong làng, không hay biết chuyện con diều sáo đã biến mất từ đầu hôm… Lão xuống bếp ăn phần cơm vợ con để dành cho bữa tối, uống một cốc rượu trắng rót đầy theo cữ mọi ngày.
Lão rót thêm một cốc đầy nữa, với tay cầm lấy cái nỏ và túi đựng tên rồi ra ngồi bệt trước hiên nhà. Lão thường hay ngồi một lúc như vây trước hiên khi có việc đi xa, khi quyết định một việc gì hệ trọng. Đi xa với lão chỉ là qua làng bên mua mấy con gà, mua con lợn giống, đi qua Đỏ Đương thôn Hạ cắt mấy thang thuốc dạ dày, xương khớp, hay qua cúng giỗ bên ngoại…Lão ít khi dậy sớm trước canh năm. Lão nhớ chỉ có thời bình dân hoc vụ, các ông bà trong xóm phải tập hợp sớm ở sân chùa đốt đuốc học chữ i..tờ…để tan buổi học kịp vác cày ra đồng trước khi trời sáng. Dịp đó Giáo Việt phải đi thúc từng nhà, thường đến nhà chắt Miêng là nhà cuối cùng để kèm lão đi học. Vừa đi vừa ôn lại mấy chữ cái học hôm trước. Cũng nhờ cái lớp học bình dân của Giáo Việt,chắt Miêng mới biết đọc biết viết…Có một việc, cả cái thôn Trung này chẳng ai biết, sau khi Giáo Việt cải táng, một buổi sáng cũng sớm như thế này, lão đã biện một mâm cơm mang lên Cồn Caoquỳ trước mộ Giáo Việt. Hôm ấy, lần đầu tiên trong đời, con người khô như đá là lão khóc sụt sùi như một đứa trẻ…
Cốc rượu đã cạn đáy, lão đưa lên dốc ngược và vẩy vẩy xem còn giọt nào không trước khi bỏ cái cốc xuống. Lão ngồi trầm ngâm, hai tay cứ vặn xoắn các ngón vào nhau. Rồi lão bật dậy, cầm cây nỏ lên dùng hết sức cố bẻ gãy cái cánh nỏ…Nhưng cái cánh nỏ làm bằng sừng trâuquá bền dai, đàn hồi, lão có gập lại cũng không gãy. Mà lấy hết sức lão cũng không thể gập được. Lão quay qua, tìm cách giật đứt dây nỏ. Lão vận công, căng cứng bắp cơ tay, thở hồng hộc như thổi bễ nhưng không thể dứt đứt được. Loay hoay mãi, cuối cùng, lão phải đi tìm cái búa chẻ củi. Cũng phải băm ba bốn nhát dây nỏ mới đứt lìa…
Lão treo cây nỏ với cái dâybị đứt lòng thòng ngay dưới giàn mướp trước nhà, ở cái chỗ mà người ta đứng từ ngõ nhìn vào nhà lão là đã thấy, con vợ Đồng Môn sáng ra sẽ bị dâynỏđập ngay vào đầu khi vác cuốc ra đồng…
Lão ra khỏi ngõ, cứ nhằm hướng Đồng Vường lầm lũi đi. Vấp phải đống phân nhão nhoẹt, ai đó đổ bên đường để bón ải, lão ngã sấp mặt. Đứng dậy, lão đưa tay phủi đám đất lẫn phân bò lép nhẹp dính trên mặt, tóc và lão đụng tay vào hai cục bông- keo bịt chặt hai tai từ mấy ngày qua. Lão móc hai cục bông- keo ra khỏi tai, vứt ra xa…Âm thanh bỗng à ùa vào tai lão: tiếng gà gáy sáng, mấy con gáy to nhất là từ nhà cố Tự, mấy con giọng le te là gà đá của lão cu Siền. Lão nghe tiếng gió vi vu trên mấy cây phi lao và tiếng của lũ chim đủ giọng, nhộn nhạo chào đón ngày mới của chúng…Lão quá rành rẽ tiếng chim. Về cung bậc tiếng chim tai lão có lẽ còn tin hơn tai mấy nhạc công với nốt nhạc. Trong đời mình, nhiều khi, lão tưởng đã hiểu, đã nói được ngôn ngữ lũ hai cánh này: tiếng gù gù của mấy con cu gáy, tiếng lích chích của lũ chim sâu, tiếng gọi bầy nhói lòng vọng từ vườn này qua vườn khác của con tu hú, tiếng loét choét đáng ghét của đám chào mào...Buổi sáng nay, vọng lại tai chắt Miêng đủ thứ âm thanh hỗn độn ấy, nhưng…rõ nhất, dội từ đâu đó trên trời cao xuống, rền vang tiếng sáo diều. Chưa bao giờ, lão nghe tiếng sáo diều rõ như vậy.
Lão ngửa mặt lên trời không thấy diều đâu. Trời đang quang mây, xanh lơ, mãi phía đằng đông lởn vởn mấy làn mây trắng. Nhưng thật lạ lùng, lão quét mắt hết cả vòm trời vẫn không thấy diều. Chỉ có tiếng sáo rõ mồn một ngay trên đầu lão, nghe đâu đó ở phía trướclão…
Lão cứ ngửa mặt lên trời và cứ thế đi về phía đồng Vường…
Đồng Vường 2019-An Phú 2021
Chú thích : 1- Chắt, cu : (khẩu ngữ) dùng kèm danh từ gọi người đàn ông nông thôn sinh con gái, con trai đầu ở Bắc Trung Bộ.
2- Đỏ: (khẩu ngữ) dùng kèm danh từ gọi người đàn ông sinh con gái đầu ở một số vùng, trong truyện Đỏ Đương, Giáo Việt được gọi như một tên riêng nên viết hoa.
3- Đụn dịn: Cách tính thời gian ở nông thôn xưa, lúc đống trấu hun mỗi cháy gần hết.