-
Viết bởi sự phẫn nộ, đau đớn, tủi nhục, tuyệt vọng.
Điều cần nói trước tiên: tôi không phải là nhà văn, tôi chỉ là một người làm phim có may mắn được học văn một cách khá hệ thống thời trẻ, may mắn hơn là không bị mai một lòng yêu thích văn chương giữa chật vật mưu sinh; khi không có điều kiện làm phim hoặc từ chối những dự án phim không phù hợp, tôi viết văn xuôi hay đem những kịch bản (scénario) của mình như một thứ “lương khô” cải biến thành các truyện ngắn, truyện dài, truyện phim (mà tôi nghĩ rồi tới lúc kiểu roman-cinématique - truyện phim như của nữ văn sĩ Marguerite Duras [1] sẽ được coi là một thể loại văn học chính thống ở nước ta).
Và cái lý do - tựa giọt nước làm đầy tràn cốc nước - để tôi mạnh dạn dám tham góp cùng các bậc cây đa cây đề trên một Diễn đàn có tên “Vì sao tôi viết”, chính là sự kiện xã hội nóng bỏng nhất hiện giờ khiến tôi đau lòng tới độ nhức nhối, thậm chí là thấy “trống rỗng” (như nhà văn Nguyễn Đức Tùng mới phát biểu ở Diễn đàn trên): mấy gương mặt dân sự người già, thanh niên thanh nữ hiền lành trang phục nâu sồng bình thản đón nhận những mức án kinh khủng, không thể tưởng tượng nổi so với cái tội danh mà họ bị gán, chỉ vì họ không được Giáo hội chính thống công nhận, và đã dám buông lời bình dân thế tục xúc phạm tới oai linh của một vị sư chức sắc có “Thẻ Ngà”! Nhiều bài viết, lời bình luận trên mạng xã hội đã mỉa mai, lên án việc ông thầy chùa nọ đã vi phạm cái giới luật Tham - Sân - Si của Tứ Diệu Đế đạo Phật, còn riêng tôi lại cảm thấy xót xa vì cái gốc đạo Phật là Từ bi - điều đã dẫn dắt tâm linh, tâm hồn dân tộc hàng ngàn năm - đã bị chính ông ta chà đạp một cách nhẫn tâm! Lòng Từ bi ấy khi trở thành “Lễ vật” thiêng liêng của của Bụt dân gian đã có nền tảng sâu nặng là Tình Đồng bào, không phải là “tình thương yêu của người nghèo đối với nhà giàu, của thợ đối với chủ” như M. Gorki riễu cợt, mà là tinh thần của văn hào L. Tolstoy: “Nếu bạn thương yêu đồng loại, thì không phải bạn lập công trước Thượng Đế, mà Thượng Đế đã cho bạn cái hạnh phúc lớn nhất trên đời - Tình yêu” [2].
Chính Tình Đồng bào khô cạn khiến người ta đã cư xử với đồng loại như đòn thù ấy đã khiến tôi nổi “máu điên” phải nhiều lần cầm bút trong sự phẫn nộ, đau đớn, tủi nhục, tuyệt vọng. Như biết được câu chuyện về một vị tu hành có chức sắc tham lam, đố kỵ, biến chất ở một tỉnh miền núi đã tìm mọi cách trấn trị đồng đạo, là nguyên nhân chính dẫn tới sự sứt mẻ một tình cảm xã hội thiêng liêng, tôi đã viết thành truyện “Tình bạn phá sản”; hoặc đã viết truyện “Bản di chúc bi thảm” và “Một kiếp đầu thai” khi chợt nhận ra chân dung biến dạng một vị quan chức cao cấp địa phương và một quan chức cấp Bộ trong đợt biển miền Trung bị hủy diệt mấy năm trước: Tình xót thương vốn có đã chìm không sủi tăm bắt đầu từ ngày các ông cùng thế hệ được giáo dục căm thù vĩ đại, và sau đó lại bị bắn phá tả tơi suốt cuộc hành trình của các ông chinh phục quyền lực - các truyện mà không báo chính thống nào dám in, nhưng may mắn được vanchuongviet.org và vanviet.info đăng tải trọn vẹn [3].
-
Và viết bởi hy vọng…
Đại dịch vừa qua cũng có thể coi là một dịp hiếm có để không ít người trên khắp thế giới tỉnh ngộ đôi điều - ít nhất là tỉnh ngộ về Cái ác do mình hay người khác đã gây ra cho đồng bào, đồng loại. Ví thử, những kẻ vu oan giá họa cho gia đình nàng Kiều mà được xem bộ phim Mỹ The Tree of Life (Cây đời), nếu được sững sờ kinh ngạc trước sự sinh thành của một con người, chậm rãi, linh thiêng và vĩ đại, sánh với sự sinh thành của vũ trụ mà đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Terrence Malick kiên nhẫn miêu tả, chắc chúng sẽ rụt bớt sự tham tàn độc ác bởi nghĩ tới cha mẹ đã vất vả để chúng được thành người ra sao… Trong khi nghiền ngẫm về cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du để có thể làm một phim truyện điện ảnh mang tên ông, càng ngày tôi càng thấm thía cái lý do cần thiết phải làm bộ phim này: Tuổi trẻ Nguyễn Du trưởng thành giữa bao ly loạn, tang thương; xót xa, đau đớn cho những người thân và đồng loại, ông tìm đến văn chương như một phương tiện hữu hiệu nhằm cứu giúp cuộc đời. Và tình thương trĩu nặng đối con người - đặc biệt đối với những người phụ nữ tài hoa bất hạnh, đã chung đúc nên bản lĩnh tâm hồn ông với tư cách là một nghệ sĩ vĩ đại từ tuổi thanh xuân… Có thể gọi ông là thi sĩ của tình thương và lòng trắc ẩn, biết trân trọng, xót xa cho mọi biểu hiện của nỗi khổ đau, kể cả ở số phận một con vật nhỏ bé – bộc lộ Tâm Phật của một trái tim lớn thấm hiểu đạo Phật ở bản chất sâu xa nhất của nó. Nguyễn Du trong những ngày bệnh dịch lan tràn khắp Kinh đô Huế, dính bệnh nằm chờ ôn dịch bắt, chắc cũng đã ngẫm nhiều về sự hỗn loạn, bạo liệt của thời thế, về nỗi đau thương đồng bào ông gánh chịu, mà nếu những người cầm quyền chỉ cần tĩnh tâm, hồi tâm đôi lúc thôi chắc sẽ có thêm chút tình thương dân để dân bớt đau khổ; nhưng ông không nói được với ai điều gan ruột này, vì thế đã im lặng ra đi… Tôi thiển nghĩ: trong những mối hận Kim Cổ của ông để lại cho đời, có mối hận đau đáu khôn nguôi là máu và nước mắt của dân lành chưa biết đến khi nào mới ngừng chảy trong những cuộc chém giết huynh đệ tương tàn, tranh cướp quyền lợi và danh vọng của tầng lớp tự xưng là “cha mẹ dân”… GS. Nguyễn Đình Chú, người thầy của nhiều thế hệ sinh viên văn khoa sư phạm đã nói với khán giả, qua ống kính máy quay của tôi: “Thiên tài của Nguyễn Du, trước hết là Tình thương Con người” - theo tôi, đó là một trong những nhận định hay nhất xưa nay về Đại thi hào dân tộc.
Tôi hy vọng cuộc đời Nguyễn Du sẽ được các nhà Nguyễn Du học và các nhà giáo từ cấp Phổ thông cơ sở tới Đại học chú tâm hơn tới không chỉ là nỗi long đong vất vưởng của ông, mà khai thác sâu cái Tình thương đặc biệt của ông như một Di sản cao cả nhất, quý giá nhất, góp vào công cuộc giành giật lại cái Tình thương bị xua đuổi, bị giết chết, bị đánh cắp suốt hơn nửa thế kỷ qua... Trong khi ấp ủ về bộ phim lớn nói trên, tôi đã kịp viết 14 tiểu luận về Truyện Kiều & thơ chữ Hán Nguyễn Du (Đã đăng tải trên vanchuongviet.org, vanviet.info, hopluu.net), cùng mấy truyện lịch sử về Nguyễn Du: “Ước vọng thiêng liêng của người mẹ” [4], và “Tâm bệnh Nguyễn Du” [5].
Và tôi cũng hy vọng sẽ tới ngày câu thơ quen thuộc: “Khi Nguyễn Du viết Kiều Đất Nước hóa thành văn” trở thành tâm nguyện, ý hướng của hàng triệu người Việt: “Khi Nguyễn Du viết Kiều Đất Nước hóa trái tim Bồ Tát”…
----------------
[1].Tác giả người Pháp của bốn mươi tiểu thuyết và một số bộ phim, là tác giả kịch bản của mấy bộ phim đã quen thuộc với khán giả Việt Nam như: L'Amant (Người tình), Hiroshima mon amour (Hirosima tình yêu của tôi - đã được nhận đề cử Giải Oscar cho kịch bản gốc xuất sắc nhất).
[2]. Đường sống, Văn thư nghị luận chọn lọc, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn dịch và chú giải (với sự tham gia của một số người khác), Nxb Trí thức 2015, tr.61.
[3]https://nl.hideproxy.me/go.php?u=m0ciFmPDu8zAFgWJDxaFSfgbpmW55IWPyxw2nlIIQNStozRfCEfzvkKfL7eln4XOYZyUhV0ULDQwelIz0Q%3D%3D&b=29.
https://nl.hideproxy.me/go.php?u=m0ciFmPDu8zAFgWJDxaFSfgbpmW55IWPyxw2nlIIQNStozRdCEj9pEKQL%2F%2B22pHYYYqVyUBSJS1zfg%3D%3D&b=29.
http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=2539
[4]. http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=26466
[5]. http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=2539
& http://vanviet.info/van/tm-benh-nguyen-du/
(Ảnh của MA NAT: Tượng Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Đây là truyện ngắn có nguyên mẫu từ một ông thầy chùa có thể liên tưởng trực tiếp tới vị sư trong vai trò “bị hại” của vụ kiện cáo có tầm thế kỷ khiến dư luận chấn động vừa qua:
TÌNH BẠN PHÁ SẢN (Chùa, Biệt phủ và Tình bạn)
Truyện ngắn
Từ trước tới nay, hắn vẫn cho rằng, tình bạn là một thứ tài sản quý giá, thiêng liêng; cho dù, vì điều ấy có không ít người đã bĩu môi dè bỉu hắn là ngây thơ, và ngây ngô, song hắn thủ cựu với ý nghĩ: nếu có đem hắn vào cối giã, mọi thứ tan thành bột thì chắc chắn niềm tin đó vẫn nguyên vẹn...
Nhưng đến hôm nay, cái niềm tin gần như là tín điều đó của hắn bị lung lay dữ dội, khi quan hệ của hắn với một người bạn thân thiết nhất, gần như “con chấy cắn đôi” đã rạn nứt khó có cơ hàn gắn, lạm dụng từ ngữ của giới kinh tế - chính trị, là phá sản! Và sự phá sản đau đớn này, không ngờ lại có liên quan, theo quy luật quả báo của đạo Phật, tới những chùa và biệt phủ ở một tỉnh miền núi vẫn phải xin Trung ương cấp gạo cứu đói...
Bạn thân của hắn, Trần Linh, đang giữ chức Tổng biên tập tờ báo oai nhất tỉnh này, kiêm phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, và cũng sắp tới lúc “chuẩn bị hạ cánh an toàn, dù là Bật Mã Ôn thì cũng là quan ch...ức...ức...” - như lời đùa vui của anh, lúc hai thằng khề khà bên chiếu rượu tổng kết cuối năm của dân văn nghệ tỉnh mà hắn được mời ké, nhân một lần lên thăm bạn. Trần Linh quảng giao, hay bốc đồng, có sức thuyết phục đám đông không chỉ bởi “võ mồm” nổi tiếng từ hồi học văn khoa Tổng hợp mà còn bởi cái nhiệt huyết từ bên trong lúc nào cũng như ào ạt tràn ra bên ngoài. Khoảng ngót chục năm trở lại đây, anh bỗng dưng trở nên trầm lắng, không còn nữa những cơn sôi trào nội tâm tựa núi lửa hoạt động... Trước đây, anh hay chê hắn, ông là cái thằng mắt lườm lườm sau đít chai không ra trận cầm súng ngày nào nên không thể hiểu nổi cái giá của máu xương, sức mạnh của lòng căm thù... Dù cũng có lúc hắn nổi nóng, cãi lại cật lực ông bạn nhà báo cựu chiến binh, song rồi hắn hiểu: anh trách yêu bạn, lòng anh trong sáng, cái trong sáng của một thế hệ - trong đó có hắn - đã tình nguyện dâng hiến cả tuổi thanh xuân và sinh mệnh cho sự tồn vong của Đất Nước. Giờ, anh đã như một con người khác, hay trầm ngâm, buồn bã ra mặt, ngay cả những vần thơ hùng tráng nhất của anh đọc lại trước các bạn cũng như ẩn giấu tiếng nức nở và những giọt nước mắt. Những lúc ấy, anh chợt trở nên gần gũi thân thiết với hắn một cách kỳ lạ, hơn hẳn trong những năm tháng nghèo đói...
Thời đó, là một nhà báo kiết xác, bị vợ rầy la, anh đành bớt thời giờ làm thơ viết báo chui để xin nhận trông xe bí mật cho một công ty thương mại, che kín mặt cả buổi tối, và sắm cho lũ con gái con trai lốc nhốc mỗi đứa một bộ đồ bán nước chè ngoài ga ban đêm. Cứ mỗi khi hắn rảnh rỗi lên chơi, hoặc kết hợp công việc vào thăm gia đình anh, anh mừng như bắt được vàng, và thét vợ như ông tướng Quảng Lạc phải vào ngay chuồng gà nhép và ra ngay mảnh vườn còi để làm sao đãi bạn tươm tất nhất... Có lần, hắn đến, cả nhà đi vắng hết, hắn ngậm ngùi nhìn những vách nứa xập xệ, mái tranh thủng lỗ chỗ, cái bàn viết cáu bẩn xộc xệch, và hắn ứa nước mắt thương bạn, thương mình...
Nhưng, nhờ ơn trời, bạn hắn, cũng như nhiều kẻ thuộc nhóm người được trở nên bất hủ bởi cái định nghĩa “nhà văn, nhà báo, nhà giáo - nhà nghèo” đã bươn trải đến bươu đầu sứt trán để vượt qua “Thời gian khổ”* vĩ đại đó mà không bị xây sát nhiều lắm về lương tâm, để hùng dũng bước vào cơn lốc xoáy thị trường dị dạng. Trần Linh đã có một ngôi nhà nhỏ bằng gạch với đôi mảnh vườn xinh xắn, nhưng như anh nhận xét: nó chỉ bằng cái vẩy so với những lâu đài lớn, dinh thự khủng và siêu biệt thự của các quan chức đầu tỉnh đang đua nhau mọc lên trong cái thành phố mới thoát thai từ thị xã nghèo kia. Anh còn nói thêm, vẻ chua chát: Thôi ông ạ, không “đú” được với lũ ăn tàn phá hại đó thì cũng đến lúc học cách tự thoả mãn với quả phúc bồn tử vườn nhà như nhân vật của Sêkhốp. Và cũng đành uống cặn của bọn họ thôi, biết làm thế nào... Anh thở dài để che dấu sự tuyệt vọng, và nỗi uất ức đang bị kìm nén trong trái tim chắc đã bắt đầu mệt mỏi.
Bẵng đi hai năm, hắn mới lại có dịp lên vùng đất từng lưu dấu nhiều kỷ niệm của tuổi thơ lẫn tuổi trẻ của hắn... Không phải tới thăm những khu sinh thái hiện đại bát ngát, những biệt phủ choáng lộn tựa trong mơ bắt đầu xuất hiện ở chốn “khỉ ho cò gáy” xưa. Hắn lên lần này, khởi nguồn từ câu chuyện của một bà vãi nghèo tỉnh T - đồng hương của bạn hắn...
Bà ta mang một mớ đơn từ kiện cáo, khiếu nại của những tín đồ Phật tử tới rất nhiều cơ quan Nhà nước, tổ chức phi Chính phủ ở Thủ đô. Bởi chẳng ai thèm quan tâm tới chúng, nhất là khi những người có trách nhiệm và quyền hạn đã bị bội thực bởi những kiện cáo khiếu nại quanh chuyện đất đai, thì chúng mới may mắn, đúng hơn là tình cờ lọt vào tay hắn. Và qua một Phật tử quen người Hà Nội, hắn đã tìm được bà ta trong một quán cơm chay bình dân hiếm hoi đất Hà thành. Sự thật kinh khủng trong những lá đơn viết tay nghệch ngoạc khiến hắn sởn cả gai ốc. Sự thật chứa đựng lòng phẫn nộ, khinh bỉ, căm ghét của nhiều Phật tử nghèo đối với một vị đại đức có chức sắc trong Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh này. Một sư hổ mang, một tăng chúng vi phạm hầu hết các giới luật của người tu hành đạo Phật ở cái mức thậm tệ và trơ tráo, vượt khỏi mọi sự hình dung thông thường. Và ông ta đã dùng mọi thủ đoạn hèn hạ nhất nhằm ngăn chặn, triệt đường tất cả những vị sư nào định lên lãnh địa đó trụ trì mà không thần phục, không cung phụng ông ta. Mọi lá đơn kiện đều bị vô hiệu hoá ở một xứ sở có điều kiện hơn bất kỳ nơi nào khác cho luật rừng tác yêu tác quái... Trong đời làm báo, hắn chưa bao giờ nắm được trong tay nhiều chứng cứ chân thật và sinh động đến thế! Hắn chợt run lên, không phải vì bản năng nghề nghiệp được đánh thức, mà vì một sự kinh ngạc dần dần bị nỗi căm giận chiếm chỗ.
Hắn quyết tâm hành động, dù chưa rõ là bằng cách nào, để giúp các bà vãi nghèo nơi ấy...
Tới tỉnh, nơi đầu tiên hắn đến là nhà bạn hắn. Trần Linh phấn khởi vô cùng, bắt tay hắn thật chặt, lắc mãi, sau đó còn giang cả hai cánh tay ôm choàng lấy hắn. Ngôi nhà nhỏ đã được thiết kế lại nội thất theo mode hiện đại, cùng các tiện nghi đắt tiền kiểu mới nhất không có gì để chê. Một mảnh vườn biến mất, xuất hiện một ngôi nhà gỗ theo kiểu cổ, trang trí cầu kỳ, không cần thạo lắm cũng có thể nhận ra chúng làm toàn bằng gỗ quý: lim, nghiến, lát... Trần Linh hăng hái dắt hắn bước vào ngôi nhà gỗ với các câu đối, đại tự, các đồ thờ mới cóng, anh kính cẩn đốt hương rồi đưa cho hắn vài nén... Trong cuộc rượu linh đình chiêu đãi bạn, khi đã ngà ngà, Trần Linh hồ hởi khoe mấy đứa con mình đã trở thành viên chức Nhà nước, tự hào rằng, người ngoài thì phải tốn không biết bao nhiêu tiền của, chạy chọt đủ kiểu mà không xong, còn Trần Linh thì khác, được các vị ấy tôn trọng, thậm chí tôn thờ. Trần Linh, tai mắt của tỉnh, tiếng nói của các vị lãnh đạo tỉnh, một tiền đồn của tư tưởng chính thống, vì thế, con cái Trần Linh được coi như con cháu lãnh đạo tỉnh...
Hắn ù cả tai, hoa cả mắt, chẳng phải do rượu ngâm cây thuốc phiện được Trần Linh rót liên tục cho bạn quý, tửu lượng của hắn đã được thử thách suốt thời trai trẻ ở miền núi, giờ đã ăn thua gì! Sau hơn hai năm, bạn hắn từ một anh chàng mảnh khảnh, khắc khổ với những đau đáu suy tư văn chương, triết học, thời cuộc, đã trở nên bệ vệ với vẻ niềm nở kiêm xun xoe của một ông giám đốc du lịch làm ăn thất bát giờ mới phất trở lại. Đó là lý do để hắn bắt đầu thận trọng, và không xì ngay ra mớ đơn kiện như ý định lúc đầu. Hắn dò hỏi.
- Ông có quan tâm đến tình hình Phật giáo địa phương?
- Ồ, đó là một lĩnh vực nhạy cảm…
Không kìm được, hắn bất giác như kêu lên:
- Ông đúng là giọng tuyên huấn nghề nghiệp! Mấy bà vãi nghèo đang mong có mái chùa bé con con để lạy Bụt và quên mọi thứ nhố nhăng sự đời đi, thì nhạy cảm cái cóc khô gì!?
Đến lượt Trần Linh cảnh giác với hắn, hạ giọng:
- Ấy, ông đừng có mà nghe một chiều… Tôi nói thật nhé, đừng động tới ổ kiến lửa... Ông đã nghe phong thanh gì về ông đại đức trụ trì chùa Y rồi? Tin đồn vớ vẩn đấy! Trâu buộc ghét trâu ăn, thói đời đáng sợ thật. Đừng có dại dột sờ dái ngựa... Nào, cạn, quên béng chuyện đời lẫn chuyện đạo đi! Đất này là đất dữ mà! Ông còn nhớ cuốn tiểu thuyết Nam Mỹ ”Miền đất hung bạo” năm xưa ông mang lên cho tôi mượn chứ?
Một kỷ niệm văn chương đã trở thành tín hiệu đe doạ, trấn áp chăng?
Đúng như hắn đã dự cảm.
Chiều tối hôm đó, lấy cớ trở lại nơi cũ hắn từng ở với bà cô hồi sơ tán, hắn rời “ổ rượu” của chàng quan chức hạng bét chuẩn bị về hưu và anh trọc phú mới nổi Trần Linh để bí mật đến với nhân chứng đầu tiên. Ông Phật tử này từng làm người gác cổng vài năm cho chùa Y, một trong những chùa lớn nhất tỉnh T, từng nhiều lần lúc nửa đêm phải mở cửa chùa cho ông sư hổ mang dẫn gái qua cổng tam quan. Còn cô gái khi bị bỏ rơi thì tới trước cửa chùa chửi bới như giữa chợ...
- Ô nhục quá! - nhân chứng của hắn đau đớn thốt lên - Nhưng chúng tôi chẳng còn tin vào ai nữa rồi! Bao đơn từ gửi lên các ban ngành của tỉnh, lão ấy tìm cách nuốt hết, và thách thức trong một trận say: ta có nhiều tiền hơn cả nước sông kia hiểu chửa! Ta mua được cả hồn Ngọc hoàng thượng đế nữa là loại kiết xác như Phật tử các ông các bà, những kẻ mà tiền của công đức, cúng dường chẳng đủ cho ta tiếp khách một chầu bia suông!...
Và, ông nhân chứng kia đã cho hắn biết cái điều hắn chẳng muốn nghe: Bạn hắn, một nhà báo lớn của tỉnh, một nhà thơ thành danh nơi xứ Mây, cũng là kẻ đã nhiều lần ngồi chè chén say sưa, tâm đầu ý hợp với lão sư hổ mang ngay trong địa phận chùa, đã tỉ tê thế nào đó khiến cho kẻ tu hành giả mạo nọ phải tài trợ mấy cuộc hội thảo văn học nghệ thuật, mấy cuộc thi sáng tác thơ, văn, nhiếp ảnh, rồi kinh phí để in hàng đống sách thơ cho mình và hội viên. Những việc đó được Uỷ ban tỉnh tuyên dương, tặng một lô bằng khen theo đề nghị của bạn hắn; và lão sư lấy chúng làm dày thêm lá chắn cho mình mỗi khi làm điều thất đức, không từ cả việc thuê bọn đầu gấu doạ nạt, trấn áp bất cứ người lương thiện nào dám tố cáo, hay chỉ dám ho he thắc mắc về vị trí, lợi quyền của y với tư cách một lãnh chúa gian tham có thờ Phật và mặc áo tu hành!
Sáng hôm sau, rời nhà trọ, hắn tìm tới nhà bà vãi B - người mới gặp ở Hà Nội tuần trước. Đứa cháu cho biết bà B đang ở nơi các bà vãi thường tụ họp. Hắn lại mò đến đó.
Một ngôi nhà tạm độ ba chục mét vuông được dựng lên bên sườn đồi lúp xúp cây cỏ hoang dại, bên trong đặt ban thờ Phật đơn sơ mà ấm cúng. Mấy chục bà vãi đang chăm sóc các luống hoa quanh nhà và trang hoàng “ngôi bảo điện” bằng hoa, quả. Thấy hắn, các bà vãi bộc lộ nỗi vui mừng kín đáo, như là sự việc đương nhiên phải thế. Các bà thay phiên nhau, chậm rãi kể lại khúc nhôi sự tình... Một vị đại đức trẻ đang tu tập ở xứ Đông, nhân một lần theo tăng bạn lên chơi, yêu mến cảnh và người nơi đây, thấy chưa có chùa nên ngỏ ý muốn góp công của xây một ngôi chùa nhỏ, và sẽ xin làm trụ trì chùa. Như gặp nắng hạn mong mưa rào, các Phật tử vùng này phấn khởi, lo xin đất, cùng vị đại đức nọ chạy mọi thủ tục xong xuôi. Nhưng, suốt 10 năm trời, ngôi chùa vẫn chỉ nằm trên bản vẽ thiết kế ban đầu do một kiến trúc sư Phật tử cung tiến và các giấy tờ liên quan. Đây là đơn kiến nghị mới nhất, sau hàng mớ đơn từ, sau nhiều năm chờ đợi và chạy chọt đủ kiểu, với lời lẽ nhẫn nhịn, chịu đựng, song không giấu nổi sự bất bình, bực dọc, và chắc là phải nhờ vả người nào đó viết hộ cho đúng quy cách lẫn chính tả:
“...Ngày 1/1/2009 toàn thể nhân dân và 100 phật tử có hộ khẩu tại 7 thôn xã Thanh Minh đã có đơn gửi UBND tỉnh T và Ban trị sự GHPGVN tỉnh T với nội dung: Đề nghị giúp đỡ xây dựng chùa Thanh Minh và thỉnh mời Đại Đức Thích Thanh Quý về trụ trì, xây dựng chùa Thanh Minh, thành phố T...
Ngày 25/1/2009 VP UBND tỉnh T đã có Công văn 727/CV/UBND gửi Sở Nội vụ tỉnh T giải quyết nội dung theo nguyện vọng của nhân dân và bà con Phật tử xã Thanh Minh.
Tuy nhiên cho tới giờ, sau 10 năm, với năm lần đơn gửi tiếp theo, vẫn chưa hề có văn bản nào trả lời.
Chúng tôi thiết nghĩ, Đạo Phật là từ bi và GHPG tỉnh T có những quy định theo tính chất địa phương, đúng sai chúng tôi không bàn cãi, nhưng đề nghị của Đại Đức Thích Thanh Quý là hợp lý, và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cùng tín đồ phật tử xã Thanh Minh...”
Đọc lá đơn, đầu hắn ong lên bởi loảng xoảng các từ ngữ hành chính: công văn, kiến nghị, đề nghị, văn bản... Tuy nhiên, kết hợp với những tin tức đã thu thập được, hắn cũng hiểu ra điều chủ yếu: việc chậm trễ này chỉ có một nguyên nhân chính, đó là sự cố tình cản trở của lão sư trụ trì chùa Y và đang là phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh T, được sự tiếp tay đắc lực của những người có quyền hạn tỉnh này.
Trong bữa cơm chay giản dị chiêu đãi nhà báo của các vãi nghèo, giữa khi căng thẳng tìm cách giúp họ sao cho phải lẽ và có kết quả, hắn nghe được loáng thoáng lời các bà: “Rau sạch đấy, cậu đừng lo...” - “Cái lão sư ấy à... Đồ rắn độc... Nhiều thủ đoạn lắm... Cậu cần giữ mình đấy...” - “Tội cho thầy Thanh Quý quá... Bơ vơ bao năm nay...” - “Thế mà vẫn nhẫn nhịn, vẫn cầu mong cho cái lão sư rởm hồi tâm và tử tế với đồng đạo...” - “Dạo tiếp quản chùa Y, lão cho đập bỏ hết những tượng Phật, đồ thờ cúng dường thuộc sư trụ trì trước, cho làm lại sạch...” - “Giá như lão đem thí cho các chùa nghèo như ta thì đỡ quá, các bà nhỉ...”
Trở về Hà Nội, đang loay hoay với đống tư liệu và đơn từ đủ loại kia, hắn lại được biết thông tin nóng nhất: một phóng viên trẻ của báo X vừa bị bắt tại thành phố T trong khi làm loạt phóng sự bài và ảnh về những biệt phủ của hàng loạt yếu nhân tỉnh T đương làm nổi sóng dư luận. Đọc qua mấy bài báo về vụ bắt bớ, bằng trực giác, hắn lờ mờ phỏng đoán: cậu phóng viên mà hắn vẫn khâm phục sự dũng cảm nhưng chưa hề quen biết này chắc đã bị gài bẫy... Hắn sực nhớ đến người bạn đang làm quan chức báo chí - văn nghệ tỉnh T, hắn sẽ nhờ anh ta hỏi cho ra nhẽ. Và nếu quả là chuyện gài bẫy thực, may ra, tiếng nói của anh ta sẽ giúp được chút gì chăng cho cậu phóng viên đương gặp nạn? Hắn giở di động ra gọi. Không nghe máy. Hay là Trần Linh đã nhạy cảm được điều gì? Mà một việc khá hệ trọng thế này, gọi điện thoại có nên không? Biết đâu, một kẻ hay lo chuyện trời ơi đất hỡi như hắn cũng đã bị nghe trộm? Thế là hắn lại tất tả nhảy xe đò lên tỉnh T.
Tới trước cổng tiểu biệt thự của Trần Linh, hắn bỗng đứng sững lại. Lần đầu tiên hắn cảm thấy ngại ngùng, thậm chí e sợ khi đến nhà người bạn thân thiết này. Hắn e sợ, bởi chút hy vọng của hắn không khéo biến thành bong bóng xà phòng. Và hắn sợ trước quá khứ đẹp của tình bạn đang bủa vây hắn, hoành hành cái tâm tư đa cảm của hắn... Nhưng rồi, hắn cũng quyết định bấm chuông. Một con chó nòi săn lao vụt tới sủa vang nhằm khẳng định thêm cho vị thế của chủ. Vợ Trần Linh te tái chạy ra, khắp người lấp loá nhẫn vàng, vòng vàng trong nắng trưa. “Nhà em đang đi ăn tiệc với các anh trên tỉnh, anh cứ vào tự nhiên, người nhà cả mà!” Suýt nữa thì hắn lầm lẫn chữ “người nhà” dành riêng cho hắn với “các anh trên tỉnh”! Vợ Trần Linh sau khi đã hỏi han đến xóc óc và biết rõ hắn đã ăn uống no say rồi, gọi cậu con trai đầu ra tiếp hắn. “Chú lên một mình à? Công việc hay chuyện riêng, hả chú?” Hắn vội xoá ngay đi cái ấn tượng về cái lối như tra hỏi của cậu trai. “Chú lên chơi thôi. Nghe nói, bố cháu vừa in tập thơ, tuần trước chú lên chưa được tặng...” - “Ồ, tưởng gì, bố cháu ký tên đóng dấu sẵn đây này, nhờ cháu phân phát cho mọi người khi bố cháu không có nhà...”
Thì ra, đây chính là tập thơ được in bằng mồ hôi nước mắt của những Phật tử nghèo mà lão sư hổ mang đã trấn lột! Tập sách trên tay chợt nặng như cục đá. Cậu con trai pha nước chè: “Đây là chè Shan tuyết sạch trăm phầm trăm, một tôm một lá, sao bằng tay chú ạ, nhà cháu chỉ mời người quen thân thôi...” Rồi cậu ta xăng xái bật đầu đĩa DVD lên. “Bố cháu vừa mang về, bảo là có hầu hết những nhân vật quan trọng của tỉnh. Cháu cũng chưa kịp xem.”
Màn hình xuất hiện những gương mặt ở lễ động thổ xây dựng công trình du lịch sinh thái, sân sau của một bậc “cha mẹ dân” cỡ bự tỉnh mà có lần Trần Linh đã kể cho hắn với thái độ khinh miệt. Những gương mặt béo tốt, bóng nhẫy, tự mãn, và khi tươi cười trong men rượu bia lại vô tình lộ ra vẻ lỳ lợm nham hiểm... “Đây là... Đây là... À, bà này tên là Nga vừa mới lên chót vót, ông này tên là Hân vừa chiếm chỗ của ông Đán…”.
Hắn chợt nhận ra bạn hắn, nhà báo nhà thơ quan chức tép riu đang xăng xái hân hoan vác cốc bia lửng đi tới các bàn quan chức lớn để chúc tụng, vẻ mặt bợ đỡ trong ma men càng nổi lên phừng phừng như tô điểm thêm sự tinh xảo cho một vũ hội của ma quỷ... Hắn bất giác nhắm tịt mắt lại trong một nỗi kinh hoàng chưa từng thấy. Đó là chân dung thật nhất của bạn hắn vào lúc đó. Hắn vô thức đứng dậy, vác túi lầm lũi đi ra khỏi căn nhà, giữa lúc cậu trai đang nhăn nhở hoan hỉ với những cảnh hội chợ ăn chơi phè phỡn hứa hẹn nay mai cậu sẽ dự phần...
Bên dòng sông chói chang cuồn cuộn chảy về xuôi, hắn nhìn thấy bao ký ức đẹp đẽ của hắn đang bị kéo trôi tuột đi bởi sự thô bỉ, trâng tráo, hể hả đến buồn nôn của lũ quan chức tỉnh mà hắn vừa được chứng kiến. Và hắn cũng được chứng kiến sự sụp đổ của những niềm tin ngây thơ còn sót lại trong hắn, cùng sự phá sản đến thảm hại của một tình bạn trải suốt bốn chục năm trời khốn khó lận đận, ngay giữa tâm hồn hắn.
Một cái hố trống rỗng khủng khiếp hiện ra trước hắn, vây quanh là những biệt phủ đang vùn vụt vươn lên tựa những cây nấm độc khổng lồ đè bẹp dí một ngôi chùa bé nhỏ... Hắn bỗng sực nhớ mục đích chuyến đi lần này... Cậu phóng viên báo X nọ, nếu không bị gài bẫy, thì biết đâu cũng đã tự rơi vào cái bẫy của sự phù hoa mà phần đông lũ quan chức hư hỏng đang bầy đặt ra - theo đúng như “quy trình” mà bạn hắn đang lao đầu vào? Hắn không hiểu nổi mình là ai, mình sống để làm gì nữa. Mọi sự đều trở nên khó hiểu quá chừng! Lúc này, chỉ có một điều an ủi nhỏ bé duy nhất giúp hắn tỉnh táo, là bạn hắn chắc sẽ không đến nỗi trở thành kẻ phản trắc, kẻ sẵn sàng bán đứng bạn vì quyền lợi riêng!... Rồi sau đó, một ý nghĩ chợt đến và miên man theo dòng lũ: Một xứ sở mà có những quan lại như thế, hắn bị đánh cắp tình bạn, cùng sự nảy nòi những ngạ quỷ khoác áo cà sa, là điều không khó hiểu... Một xứ sở có những lâu đài biệt phủ lộng lẫy đồng thời là những cái bẫy đểu cáng nhằm tha hoá con người và thủ tiêu công lý, là điều không khó hiểu...
_________
* Tên một tác phẩm của văn hào Anh S. Dickens.