**
Tìm hiểu hoạt động sôi nổi của làng báo Nam Thường, tôi quyết định đến thăm ký giả Văn Bình. Với tư cách là một người mới vào nghề, đối mặt với một ký giả lão thành, tôi cần chuẩn bị trước . Phải biết sở thích của ông ấy là gì ? Chủ nhiệm Nguyễn Hiến giúp tôi một bửu bối: biếu Văn Bình một chai rượu vang Caymus loại hảo hạng, vì ông ta đặc biệt thích loại vang nầy. Sau những buổi họp hàng tháng của New Hardy, chúng tôi thường tráng miệng bằng vang Caymus trước khi ăn. Nó là thứ đắt tiền , uống cả ly đầy cũng không thấy say mà thấy vui thích hứng thú trong người.
Tôi đến nhà lão ký giả và đưa giấy giới thiệu của chủ nhiệm Nguyễn Hiến. Văn Bình trân trọng mời tôi vào phòng khách. Tôi đặt chai Caymus lên bàn :
“ Học giả Nguyễn Hiến biếu bác chai rượu …”
Và ngồi chờ ông đọc tờ giới thiệu khá dài mà nội dung tôi cũng không rõ Nguyển Hiến đã viết gì trong đó.
Văn Bình cầm chai rượu, đọc hàng chữ Special Selection Cabernet Sauvignon, gục gục đầu bảo, mua nó mắc lắm. Ông nói rằng vườn nho Caymus do Chuck Wagner và cha mẹ - Lorna và Charlie - thành lập vào năm 1972. Họ là một gia đình nông dân có nguồn gốc ở Thung lũng Napa từ những năm 1850. Ngày nay, hai loại rượu Cabernet Sauvignons của gia đình - Caymus Napa Valley và Caymus Special Selection – thuộc hàng nổi tiếng nhất…Đúng là một tay sành điệu.
Văn Bình khui ngay chai rượu rót vào hai chiếc ly cầm gọn triong bàn tay, không lớn cũng không nhỏ …
“ Chúng ta bắt đầu nhé…” Văn Bình mở đầu.
“ Thưa bác Văn Bình,” tôi lên tiếng , “ tôi chỉ mong được gặp bác chứ không viết bài đăng báo .Mong gặp bác vì bác là một ký giả lão thành nhiều kinh nghiệm và nhất là nghe làng báo nói rằng trước khi viết gì bác cũng nhắc câu ca dao :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng ”
Văn Bình ngạc nhiên :
“ Một đời làm báo, tôi chưa nghe ai nói đến cái ấn tượng vì một câu ca dao.Chắc phải có ẩn ý gì đằng sau câu nói của anh?”
“ Không có ẩn ý gì hết. Chỉ vì câu ca dao rất thích hợp với công việc của tôi.”
“ Nam Thường có rất nhiều ký giả lão thành uy tín là những bậc đàn anh dạy tôi làm báo. Nghề phóng viên báo chí của tôi không do trường lớp nào đào tạo cả.Tại sao anh không tìm đến những bậc đàn anh của tôi, như Nam Đồng chẳng hạn.”
“ Những bậc lão thành bác nói, quá xa lạ với tôi và họ cũng không tạo được cảm hứng.”
Nói xong, tôi nhìn lão ký giả có đôi mắt lé ranh mảnh. Thấy vậy, thói quen thích hỏi người khác trong ông trỗi dậy :
“ Anh muốn gặp ký giả trong làng báo Nam Thường. Vậy anh có biết gì về nến báo chí ở đây không ? ”
“ Cũng có tìm hiểu chút ít. Chẳng hạn muốn ra một tờ nhật báo phải có ban biên tập, ban trị sự, ê-kíp sắp chữ, biết cách lấy quảng cáo v.v. Tôi cũng biết, ở Nam Thường trước khi chọn vào nghề này phải có người đỡ đầu, hoặc có người biết hướng nghiệp cho mình…”
“ Ban biên tập gồm những ai, nói nghe coi ?”
“ Chủ nhiệm, chủ bút là bộ não của tờ báo đưa ra chủ trương đường lối chiến lược. Tổng thư lý hoặc thư ký tòa soạn lo việc trình bày, nội dung bài vở tin tức hoặc phân nhiệm cho ký giả... Còn phải có người phụ trách các chuyên đề như văn hóa giáo dục, phụ nữ gia đình, văn nghệ : truyện ngắn,tiểu thuyết…Đáng nói nhất là ký giả . Họ có thể là đặc phái viên đại diện tờ báo, tiếp xúc với các nhân vật VIP (Very Important Person), trực tiếp điều tra các sự kiện quan trọng. Phóng viên là ký giả chuyên về một mảng tin được phân công trước như kinh tế, xã hội, thể thao, văn hóa, thanh niên, phụ nữ, v.v…”
“ Thông tín viên khác với ký giả thế nào ?”
“ Thông tín viên còn gọi là cọng tác viên không thuộc biên chế tờ báo.Họ thường ở các tỉnh khác hoặc ở ngoại quốc cung cấp tin cho tờ báo để lấy nhuận bút…”
Thấy tôi trả lời trôi chảy,Văn Bình tỏ ra cởi mở…
“ Bác thật đáo để.” Tôi mạnh dạn đối đáp. “ Tôi muốn bác trao truyền kinh nghiệm, không ngờ bác đã lật ngược vai trò…” Nghe thế Văn Bình cười khoái trá :
“ Bây giờ anh muốn hỏi tôi chuyện gì ?”
“ Tôi nghe người ta nói làm báo nói láo ăn tiền. Muốn nghe bác kể một chuyện nói láo của bác hay của một ký giả khác …”
“ Chà … Anh mà đưa lên báo mấy chuyện nầy coi bộ nguy hiểm quá .”
“ Xin hứa với bác sẽ giữ bí mật nghề nghiệp...”
“ Nhớ nghen… Tôi chưa thực hành bao giờ nhưng có chứng kiến một vụ nói láo. Biết ca sĩ kích động nhạc Mai Lệ Hồng không ? ”
“ Nạn nhân là Mai Lệ Hồng à ?”
“ Đúng vậy. Báo ế, phải tạo xì-căn-đan (scandal) để thu hút người đọc, nếu không, phải tự đóng cửa. Nhắm vào những người nổi tiếng trên chính trường hoặc giới nghệ sĩ cải lương, tân nhạc… ”
“ Theo tôi, khai thác những trò nhố nhăng của các anh hề chính trị cũng ăn khách lắm …”
“ Không được. Chỉ có những chủ báo là dân biểu nghị sĩ mới dám khai thác. Ngoài vai trò có sẳn, họ còn nắm thót những góc khuất tối ám của đối phương.Chuyện rận ở trong chăn đó mà…”
“ Không thì dùng tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Thanh Nga có phải ăn khách hơn Mai Lệ Hồng không ?”
“ Đụng vào những tài danh nầy sẽ không an toàn vì có nhiều rào cản… Chọn Mai Lệ Hồng là ổn hơn cả.Về tiếng tăm thì cặp song ca Mai Lệ Hồng và Hùng Dũng hát nhạc sến,nổi danh như cồn. Cô ca sĩ nầy lại có khuyết điểm thay chồng như thay áo ai cũng biết. Là ca sĩ độc lập,không có ô dù che chở, cô ta e ngại đụng vào giới báo chí…”
“ Vậy là chọn xong ‘nạn nhân’ . Chiến thuật sau đó là gì ?”
“ Là làm cách nào để tránh được thưa kiện. Muốn vậy, phải tìm gặp người đại diện thân thiết của ca sĩ để thăm dò trước , nếu có bài báo nào tung tin giật gân về Mai Lệ Hồng, xin giữ im lặng. Thuyết phục được người đại diện, ban biên tập lên phương án cho loạt bài 6 kỳ báo. Kỳ thứ nhất,tung tin scandal Mai Lệ Hồng giựt chồng người khiến vợ một đại úy đến kêu cứu tại tòa báo. Kỳ hai, kỳ ba mô tả những cuộc tình “sôi nổi” của cô nàng vừa “chảnh” vừa “hot” nầy.Lấy nhạc sĩ Trần Thịnh như thế nào? Ai lăng xê cô ta thành “nữ hoàng nhạc sến” ? Tại sao bỏ Trần Thịnh rồi lấy đạo diễn Vi Vu ở đài truyền hình v.v ? Ban biên tập tin chắc cô nàng sẽ đến tòa soạn kêu oan,lúc đó phải chuẩn bị chụp ảnh , phỏng vấn.Vậy là kỳ bốn, kỳ năm xuất hiện những tấm ảnh “nóng sốt” hấp dẫn của cô nàng đập vào mắt dân chúng cùng với tiếng kêu oan tận trời xanh của Mai Lệ Hồng.Cuối cùng, kỳ 6, bà vợ ông đại úy lên tiếng đính chính chuyện Mai Lệ Hồng giựt chồng bà ta…”
Chúng tôi nâng ly, cụng ly…Văn Bình kết luận :
“ Đúng như kế hoạch đề ra,tin giật gân về nữ hoàng nhạc sến giựt chồng đăng độc quyền trên báo khiến báo in ra cứ tăng đều mỗi ngày. Có thêm đọc giả là dịp để tờ báo cải tiến các trang trong, ngoài, và thêm nhiều mục mới lạ để duy trì độc giả…Tội nghiệp Mai Lệ Hồng bị bêu xấu bất ngờ, đã khóc hết nước mắt khi đến tòa soạn kêu oan.Nhưng người bị bịp chính là đọc giả. Họ đâu ngờ chiêu trò tạo scandal nói láo ăn tiền.”
Nói xong, Văn Bình lại nâng ly, giục tôi làm theo.
“ Việc làm có vẻ thất nhân tâm, nhưng cũng cho thấy mặt thật của nghề báo.” Tôi góp tiếng như để khỏa lấp vài suy nghĩ khó chịu…
“ Làm báo chuyên nghiệp là như thế. Thế giới cũng vậy.”
Văn Bình đứng dậy bảo tôi chờ ông một lát. Ông vào phòng tắm…Tôi chuyển đề tài khi ông trở lại :
“ Bác là ký giả duy nhất có thời gian sống gần Tổng Thống. Muốn được nghe bác kể chuyện về cụ Tổng .”
“ Tôi có thời gian tu chung với cụ Ngô ở Hóa Châu…”
“ Tôi có thắc mắc chuyện nầy : có người nói rằng gia đình cụ Ngô có mộng dẹp loạn 12 sứ quân như Đinh Bộ Lĩnh để sáng lập một nước Công Giáo Á Châu, bác có trực tiếp nghe cụ Ngô nói không ? ”
Tôi nhắc đến thời kỳ tình trạng chính trị Nam Thường chia năm xẻ bảy, đảng phái tranh giành ảnh hưởng trong lúc đất nước cần đòan kết thống nhất.
“Cụ Ngô không nói với tôi, nhưng qua những hoạt động đây đó của Đức cha Lục, điều nầy chứng minh là có. Anh có nghe ông Đại Tá Võ Mậu kể , cụ Ngô từng khích bác chê bai đạo Phật và có ý lôi kéo Võ Mậu bỏ Phật theo Chúa không ?”
“ Vâng, tôi có đọc Hồi Ký Võ Mậu nói về chuyện nầy.”
“ Riêng với bản thân anh, anh nhận xét cụ Ngô thế nào?”
Văn Bình vô tình khơi gợi những kỷ niệm cũ của tuổi thơ tôi ở Hóa Châu liên quan đến đạo Công Giáo.
“ Lúc nhỏ ở Hóa Châu những đứa bé như tôi thường sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử, nên tôi tự nhận mình là con Phật. Ở làng kế bên, một nửa làng theo Đạo Công Giáo. Tôi thường rất thích đứng xem những lần rước Kiệu Thánh Thể . Bác biết vì sao tôi thường đón đầu đám rước xem cho tận mắt không ?”
“ Con nít thích xem kiệu chứ gì .” Văn Bình dễ dải.
“ Không phải. Thú thật với bác, tôi muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cô gái đi đầu trong đoàn rước lễ. Đẹp một cách thánh thiện. Áo dài trắng phất phơ theo gió, miệng đọc thánh kinh, đôi mắt phảng phất hồn Đức Mẹ Maria…Xem đoàn rước,tôi chỉ muốn thấy khuôn mặt ấy, mặc dù tôi chỉ là chú nhóc hỉ mũi chưa sạch, và là một Phật tử…”
Văn Bình cười lớn như đồng tình với tôi, có lẻ ông cũng từng trải qua những giây phút như tôi.
“ Ồ… Nhiều buổi rước kiệu như anh kể tôi có tham gia tại khu xóm Đạo làng Đức Nhân. Có phải làng anh nói không?”
“ Đúng là làng Đức Nhân giáp ranh làng tôi.Tôi cũng muốn biết ý kiến bác về một niềm tin của nhiều người…”
“ Niềm tin thế nào ?”
“ Nhiều người tin rằng, những bà mẹ mang thai đi lễ nhà thờ công giáo, nhìn mãi vào tượng Đức Mẹ, khi sinh con, con có đôi mắt và vẻ đẹp của tượng nữ thần nầy. Bác nghĩ có đúng không ?”
“ Khi có đức tin thật sự, chuyện gì cũng có thể xẫy ra.” Văn Bình trả lời.
“ Nhưng tại sao, bên Phật Giáo cũng có tượng Phật Bà Quan Âm, mấy bà Phật tử mang thai đi chùa thường xuyên, sinh con , con chẳng có chút gì của vẻ đẹp hiền mẫu thanh thoát phát ra từ Phật Bà ? ”
Tôi chỉ nói một phần sự thật, vì tôi không muốn Văn Bình nghĩ sai về tôi. Sự thật buồn lắm, chẳng hạn đi chùa mà cúng Phật một heo quay hối lộ Phật, chưa kể mấy ông thầy trụ trì tỉ phú…
“Có lẻ do tâm đạo rối loạn , đức tin mù quáng,” Văn Bình nhận xét , “ đi chùa chỉ để cầu xin tài lộc hoặc duy trì tài sản bất minh…”
“ Trời ! Bác theo Chúa mà có nhận xét như một Phật tử thuần thành.Tôi không phê bình đạo nầy đạo khác, vì chuyện đời hễ bói ra ma quét nhà ra rác. Nói chuyện Phật, rồi cũng nói chuyện Chúa.Nạn ấu dâm của Công Giáo La Mã tồn tại dai dẳng trong hàng linh mục chắc bác không xa lạ gì ?”
“ Vâng.” Văn Bình đồng ý và cho tôi biết thêm nhiều chuyện khác. “ Nói gần thôi.Tôi không binh vực ai, ngay cả linh mục giáo phận Đức Nhân.Anh có biết chuyện gì xẩy ra không ?”
“ Tôi có biết nhưng chỉ to nhỏ trong vòng bạn bè quen biết thôi. Bác nói mới có sức nặng của dư luận…”
“Không gì phải tránh né.” Văn Bình nói.“ Chính cô bé đi đầu trong buổi rước Kiệu Thánh Thể mà anh ngưỡng mộ bị ông linh mục trẻ của giáo phận làm nhục đến mang bầu . Linh mục trẻ ấy bị một giáo dân làng Đức Nhân trừng phạt, đánh cho vỡ máu mũi và đuổi ra khỏi giáo phận. Chắc anh cũng biết ông Dự nổi tiếng đó. Ông ấy bỏ làng sống lưu lạc khắp các tỉnh thành Nam Thường, giỏi võ Bình Định. Về làng, với tư cách một giáo dân ‘chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa nghe biết’ đã ra tay để phục hồi uy tín giáo phận…”
“ Chuyện thâm sâu như vậy bác còn biết . Chắc bác không lạ gì trong giáo phận Đức Nhân có ông Trần Văn Trung sau nầy là Trung Tướng Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị Quân Đội Nam Thường thời Đệ Nhị Cọng Hòa ?”
“ Trần Văn Trung là một trong các bạn học của tôi trong nhà dòng Chúa Cứu Thế Hóa Châu như Chung Tấn Cang, Huỳnh Văn Lạc, Nguyễn Văn Hưởng, v.v. Nhiều lắm. Người làm Đề Đốc, kẻ Trung Tướng, Thiếu Tướng, Bộ Trưởng, v.v., kể cũng đều nhờ có học ở nhà dòng. Phần tôi, tôi biết rằng nếu tôi không được nhà dòng giáo dục cho có được một lương tâm lý tưởng của nhà dòng thì tôi đã thuộc hạng xấu xa nhứt trong xã hội; và cầm viết thì đã là một cây viết tán tận lương tâm. Suốt đời ký giả của tôi luôn luôn biết trọng ngòi viết của mình là nhờ công giáo huấn nhiều năm trong Đệ Tử viện của nhà dòng Chúa Cứu Thế.”
Tôi đứng dậy, rảo quanh phòng khách xem những bức ảnh treo móc vào tường. Ãnh thiếu niên mắt lé Văn Bình . Ảnh Nhà dòng Chúa Cứu Thế tại Thủ Phủ và căn phòng cụ Ngô đã sống tại đó. Ảnh Nhà dòng Chúa Cứu Thế ở Hóa Châu. Ảnh Ngô Tổng Thống đọc diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ năm 1957. Ảnh Hồ Chủ Tịch chụp năm 1945 lúc tuyên bố Việt Nam độc lập. Ảnh Nhà thờ Tân Qui được xây dựng lại.. vân vân. Những bức ảnh lịch sử.
“ Bác có bức ảnh nào chụp chung với cụ Ngô ở Hóa Châu không ?”
“ Có. Chúng tôi quyết định chỉ phổ biến trong gia đình.”
“ Cuộc đời bác quá phong phú. Hôm nay gặp bác, mục đích trước nhất là trực tiếp thấy con người bằng xương bằng thịt của bác, sau đó là nghe bác nói về những ngày tu chung với cụ Ngô.”
Lão ký giả không nói gì, vào phòng ngủ lấy ra một cuốn sách, ký tặng tôi :
“ Đây là cuốn hồi ký của tôi in lần đầu, nhớ gì tôi đã viết ra hết. Anh có muốn tôi nhắc lại, chắc chắn tôi sẽ không nhớ đầy đủ như đã viết…”
Tôi giở sách, đọc qua một vài đoạn :
“…Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy người tiếp tôi sao còn trẻ măng, không có già chút nào để tôi có thể gọi bằng cụ cho được. Thật tình, lần đầu tiên được gặp mặt cụ Ngô, điều mà có nhiều người rất lấy làm hân hạnh thì tôi không thấy hồ hởi phấn khởi gì…”
“…Hai năm đầu ở trong nhà dòng, tôi vẫn chưa biết gì về tình dục. Tắm rửa còn không dám đụng chạm tới bộ phận sinh dục của mình vì Sách Phần (dạy giáo lý căn bản) có dạy rằng ”Cấm rờ mó đến chỗ dơ dáy của mình và của kẻ khác”. Dì Phước đã dạy chỗ đó là chỗ dơ dáy…”
“… Trong một đêm nằm ngủ bị sưng ngứa chỗ đó, tôi thò tay xuống gãi thì xảy ra một chuyện làm tôi hoảng hồn, tưởng máu me gì trong người tôi bị bứt đứt mạch bật búng ra. Tôi lo sợ chắc tấm trải giường đỏ tùm lum. Đó là kinh nghiệm lần xuất tinh đầu tiên của tôi, lúc ấy vừa mười một tuổi.”
“…Đời tu học của tôi gặp trắc trở từ đây. Vì cho rằng đời tu sĩ phải trong sạch mà tôi thì đã bắt đầu dơ nhớp. Việc bị tình dục quấy nhiễu thì tôi cho là bị ma quỷ cám dỗ và tôi đã yếu đuối sa ngã. Tôi thèm giao hợp đến mức nếu có người nữ thì tôi ôm ấp làm tình suốt sáng chiều hôm chưa đã.”
“ Tôi phải thỏa mãn bằng cách thủ dâm. Mà thủ dâm theo Giáo Luật đạo Công Giáo là tội trọng phải sa hỏa ngục. Tôi xưng tội với Cha linh hồn, chịu nhận mình không còn trong sạch để cầm Chén Thánh. Cha an ủi tôi rằng tuy tôi không xứng đáng nhưng ăn năn thì Chúa tha thứ và vẫn chấp nhận tôi theo chân Người. Sau nầy vô bưng biền chiến đấu dầu gian truân khổ sở mấy thấy cũng không nhằm nhò gì so với cuộc tranh đấu chống đòi hỏi nhục dục trong tuổi dậy thì của tôi.”
“…Trận chiến nội tâm mà tôi phải đương đầu đó, tất cả mọi kẻ tu hành Công Giáo đều đang lâm trận cho tới ngày chết mới chấm dứt.” (*)
Thấy tôi quý trọng cầm trên tay cuốn hồi ký , lão ký giả muốn biết nhận xét của tôi :
“ Còn chế độ thời cụ Ngô đối với anh thế nào ?”
“ Điều còn giữ lại trong tâm tưởng tôi đối với chế độ thời cụ Ngô, đó là Nam Thường đã không trù dập gì về lý lịch của anh em và bà con tôi trong hồ sơ thi cử. Nếu Nam Thường làm như Bắc Thường, anh em chúng tôi bây giờ đều là những nông dân khốn khổ khốn nạn.Bác biết không, Trác Lập anh tôi suốt đời đi đâu cũng chửi rũa tay sai thực dân đế quốc, tuyên truyền có lợi cho Bắc Thường, vậy mà giấy tờ hộ tịch thi cử, làng xã, huyện tỉnh không phê gì trong hồ sơ. Anh vẫn thi đỗ, vào học Trường Cao Đẳng Điện Phú Thọ, ra trường làm trưởng nhà máy điện một tỉnh ở cao nguyên. Còn biết bao con cháu Nam Thường có cha mẹ anh em là cán bộ tập kết vẫn thi vào các trường Đại học, ra làm giáo sư, kỹ sư, bác sĩ giúp đời,xã hội không mảy may kỳ thị, bới móc …”
“ Đó là cách làm việc của các viên chức hành chánh Nam Thường đã quen với triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc, khai phóng. Tách chánh trị ra khỏi trường học.”
“Cám ơn bác. Bác nhắc làm tôi nhớ ở trường tiểu học, rất nhiều bạn học tôi từ các làng thuộc vùng ảnh hưởng Bắc Thường vẫn đến học hàng ngày…”
“Điểm son của chế độ Nam Thường ở chỗ đó, nhớ nhé.” Văn Bình nhấp nhấp ngón tay trỏ trước mặt tôi nhắc nhở.“ Nhưng ký giả thế hệ tôi không được may mắn như anh.”
Như sực nhớ điếu gì, Văn Bính hỏi tôi :
“ Trong thư giới thiệu cho biết anh đã tốt nghiệp khoa báo chí của Đại Học New Hardy. Anh có thể giới thiệu sơ qua được không, vì tôi cũng xa lạ với môi trường lý thuyết báo chí.”
Tôi giới thiệu khoa báo chí của New Hardy và buổi học đầu tiên lớp báo chí :
“Khoa Báo Chí Truyền Thông tại New Hardy tham khảo hình mẫu thành lập năm 1925 tại Language Hall (nay là Anderson Hall) của Trường Đại Học Hardy . Trọng tâm của các chương trình báo chí bao gồm Dịch vụ Phát thanh và Truyền hình công cộng, phát thanh thương mại.
Trường đào tạo sinh viên thạc sĩ Nghệ thuật trong Báo chí, Truyền thông đại chúng và Quảng cáo. Tương lai sẽ đào tạo Tiến sĩ. Đây chính là trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm và giúp các tổ chức áp dụng khoa học hành vi, nhận thức và xã hội để tạo ra giao tiếp chiến lược được thiết kế nhằm đạt được thay đổi xã hội tích cực. Trong tương lai, dự kiến trung tâm nầy sẽ hợp tác với một số tổ chức để giúp họ tạo ra các chiến lược truyền thông hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy thay đổi xã hội tích cực. Ngoài ra, Trung tâm còn phát triển các hội thảo để chia xẻ nghiên cứu với các nhà lãnh đạo và nhà khoa học về thay đổi xã hội để giúp họ phát triển các chiến lược truyền thông tốt hơn, đồng thời tổ chức hội nghị thường niên dành riêng cho truyền thông vì lợi ích cộng đồng. Đại Học New Hardy hiện đang sẳn sàng cung cấp bằng thạc sĩ với bảy lãnh vực chuyên môn bao gồm Phân tích đối tượng, Truyền thông Chiến lược Toàn cầu, Truyền thông Chính trị, Truyền thông Lợi ích Công chúng, Quan hệ Công chúng, Truyền thông Xã hội .Sau nầy sẽ có các chứng chỉ sau đại học được cung cấp về Truyền thông Chiến lược Toàn cầu, Bán hàng Truyền thông, Truyền thông Xã hội.”
“ Cám ơn. Không ngờ Nam Thường có một Đại Học quy mô quốc tế như vậy .”
“ Tôi nhớ buổi học đầu tiên,” tôi nói tiếp, “ giáo sư báo chí nguyên là một ký giả lâu năm nói với sinh viên, ông rất háo hức về những cách làm báo mới.Ông thích nghề báo vì nó thách thức bắt ta phải luôn luôn thay đổi. Không ai muốn làm mọi thứ theo cách họ đã làm từ năm chục hay mười lăm năm trước. Nói rỏ hơn,thực hành làm báo phải luôn luôn đổi mới. Chương trình học chỉ cung cấp nền tảng.Tuần đầu tiên sẽ khơi dậy trong sinh viên nhiều ý tưởng hơn những gì ông nói với họ.Vì vậy, trọng tâm của ông không phải là công việc đầu tiên của họ là gì mà là giúp họ sẵn sàng cho tất cả các công việc sẽ đến sau đó.”
“ Ông giáo sư nói có lý.” Văn Bình có vẻ tâm đắc.
“ Báo chí là gì ? ” Tôi nhắc tiếp lời giáo sư mở đầu. “ Nó không phải chỉ là tờ báo hoặc TV hoặc đài phát thanh. Đó là những công cụ dùng để làm báo, nhưng chúng không phải là nghề báo.Báo chí là khám phá và kể những câu chuyện mô tả thời đại của chúng ta cũng như tin tức và các vấn đề trong cuộc sống của con người.Báo chí đang hỏi tất cả mọi người mọi loại câu hỏi. Nó đang lắng nghe. Nó đang cân nhắc các câu trả lời và xác minh chúng bởi vì mọi người giải thích thế giới qua các lăng kính khác nhau. Một khi bạn nghĩ rằng bạn đã có câu chuyện, bạn cần phải kể nó một cách rõ ràng và mạnh mẽ. Nghề báo đòi hỏi sự chính xác, độc lập và chính trực để mọi người tin tưởng. Báo chí tốt sẽ thúc đẩy mọi người và nó có thể làm dịch chuyển thế giới.”
“ Rồi sao nữa ? ”
“ Viết báo là gốc rễ của báo chí, bao gồm cả ngôn ngữ và hình ảnh. Nên nhớ, một số người cực kỳ thông minh vẫn không thành công trong nghề báo. Nhưng sinh viên báo chí thì khác, vì lòng khao khát và năng khiếu . Nó sẽ trở thành siêu sức mạnh. Ngoài phỏng vấn, phân tích và viết, có những cách mới mỗi ngày để thu thập và phổ biến tin tức. Hãy nghĩ về video,dữ liệu lớn, thực tế ảo… Và chúng ta sẽ bắt đầu nghe về một vài câu chuyện mới trước khi học kỳ kết thúc…”
Văn Bình có vẻ chăm chú lắng nghe. Tôi nói tiếp :
“ Buổi học đầu tiên nhấn mạnh ba bài học mở đầu… Bài học thứ nhất là hăng hái nắm bắt công việc báo chí,dù nó có thay hình đổi dạng thế nào vẫn có một cốt lõi vững chắc để ta tin tưởng.Bài học thứ hai là làm những gì ta yêu thích. Gần đây, báo chí không còn đứng đầu trong nhiều danh sách nghề nghiệp. Nhưng nó vẫn nằm ở bậc cao nhất của các chuyên ngành.Ta không cần phải chú ý đến danh sách nầy.Những người lập danh sách đó không biết ta muốn gì và họ cũng không quan tâm đến điều người khác muốn. Mỗi người cố gắng làm theo niềm hạnh phúc của mình, đóng góp và tạo ra sự khác biệt. Chúng ta chọn nghề báo vì yêu thích nó, chỉ có thế. Bài học thứ ba là tranh thủ làm việc với những nhà báo vĩ đại hoặc những người tốt trong làng báo…Để kết luận,điều quan trọng hơn cả là trở thành người làm báo tốt với lòng chính trực, lòng trắc ẩn và nhiệt tình xử dụng những kỹ năng của mình để phục vụ người khác…”
“ Dù tôi không học trường lớp, nhưng những gì anh nói tôi xem như một triết lý về nghề báo và nó đã tích lũy trong tôi qua thời gian hành nghề. Bây giờ tôi muốn hỏi anh, nội dung chương trình báo chí anh học gồm những gì ? ”
“ Nói hết cả chương trình nhiều chuyện quá. Tôi chỉ nói về các chủ đề căn bản, bác có thể hình dung được.”
“ Vâng.” Văn Bình nói.
“ Các đề tài đào tạo gồm : biết cách đọc tin , tìm ý tưởng câu chuyện, cách báo cáo và phỏng vấn,cách viết tin tức, chỉnh sửa nội dung và tiêu đề, cách viết thế nào để làm nổi bật câu chuyện, vai trò biên tập viên,cách viết về thể thao, tin tức truyền hình, nhiếp ảnh, quay phim và ghi âm,sản xuất và phát sóng tin tức, đào tạo vê đa phương tiện,truyền thông xã hội, cách tương tác với khán giả, thiết kế cơ bản để gom các thông tin báo chí liên quan nhằm tạo được câu chuyện hoàn hảo vân vân…”
“ Cám ơn. Buổi gặp nầy là một kỷ niệm đáng nhớ…”
Văn Bình đưa tiễn tôi ra cửa. Tôi không quên lời dặn của chủ nhiệm Văn Cầm :
“ Bác còn nhớ học giả Nguyễn Hiến không ?”
“ Cho tôi gởi lời thăm ông ấy”
“ Nguyễn Hiến mời bác có dịp ghé tòa soạn Văn Cầm. Có lẻ ông ấy muốn bác viết bài gì đó hoặc mời bác một buổi nói chuyện với sinh viên báo chí New Hardy.”
“ Để xem. Anh cho số điện thoại tôi sẽ gọi Nguyễn Hiến....”
(Còn tiếp)
----------
(*) Trích dẫn một số chi tiết trong Hồi Ký của ký giả Văn Bia