Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.146.008
 
Chất nhà nông trong “cây không rễ”
Nguyễn Tiến Nên

                        

 

                                     (Đọc “Cây không rễ” của Hồng Thế, NXB Thuận Hóa - 2021)

 

       Sinh năm 1947 ở Trung Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình), Hồng Thế lớn lên cùng cánh đồng, lăn lóc cùng lúa khoai, rồi làm thơ từ… bao giờ. Chỉ biết, năm 1973 ông trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Năm sau ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 1974-1976. Hồng Thế đã xuất bản bốn tập thơ: “Lời mùa thu” (1990), “Nến đồng” (2003), “Đi qua mỗi ngày” (2010); “Cây không rễ” là tập thơ thứ tư của ông. Tuổi thơ lớn lên với đồng bãi, ông là một “lão nông tri điền” thực thụ. Đọc “Cây không rễ”, vẫn mạch nguồn như các tập thơ trước, song cấu trúc cô đặc hơn, thi pháp mới mẻ hơn. Có lẽ, tuổi đời thêm chín, ông càng có nhiều phát hiện tinh tế, nhiều cảm xúc sâu lắng, đậm chất nông dân: Gắn bó với làng quê, thôn xóm, ruộng nương, công việc cày bừa, những trở trăn, xa xót cùng cây lúa, hạt ngô và băn khoăn thế sự.

 

       Mở đầu, tác giả đã làm người đọc chú ý, bằng cách lấy tấm gương và mướn danh nhà nho Nguyễn Công Trứ, để tự nhắc mình: Nghỉ hưu ông Trứ về làng/ Cổ xe bò kéo bụi đàng ruỗi rong/…/ Ừ thì như một cuộc chơi/ Tám mươi cũng giống như thời hai mươi/ Đeo - đai - mũ - lọng vứt rồi/ Cần chi kiệu - ngựa thảnh thơi xe - đò/ Cuộc đời như sợi lò xo/ Lên quan, xuống lính vẫn lo dân hàn… (Nguyễn Công Trứ). Ngẫm tiền nhân để nghĩ về mình, Hồng Thế không chút ân hận. Suốt mấy chục năm gắn bó, từ Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, tới “phó thường dân” ông vẫn vậy, vẫn gần gũi và lo lắng cho người nông dân. Ở tuổi 75, ông vẫn không buông cái nghề cao quý, “nghề cầm cày”. Ông vinh hạnh vì điều đó, ông yêu cuộc sống này hơn cũng vì điều đó: Trở về tay trắng bàn tay/ May còn lưỡi cuốc, lưỡi cày và tôi/ Đêm đêm tiếng dế bên hồi/ Tri âm bầu bạn chẳng rời bỏ ta (Tấc lòng còn chút mà ghi). Trong sự tất bật của nhà nông, đôi khi người ta ít để tâm những tình cảm lãng mạn. Ông cho đó là nỗi buồn nhưng là “nỗi buồn bình dị”: Bởi vì anh thầm ước/ được nhìn em pha trà/ được xem em đan áo/ được thấy em cắm hoa. Trong cái cảnh “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, điều thầm ước của ông chắc khó thành hiện thực. Nhưng rồi: Anh đến bên nỗi buồn/ xa xăm trong mắt ấy/…/ có nỗi buồn cao quý/ đẹp như một bài ca/ Nỗi buồn không trôi dạt/ về góc bể chân trời/ nỗi buồn sâu lắng lại/ trong trái tim mỗi người (Nỗi buồn bình dị). Hồng Thế từng nổi tiếng qua bài thơ “Đá Nhảy”. Ở thi tập này, ông đề cập ba vị trí ở vùng đất Lý Hòa, mời gọi ta về một làng quê văn vật: Làng ở giữa con sông và dãy núi/ Sông Lý Hòa và đèo cũng Lý Hòa/…/ Làng ở giữa con sông và dãy núi/ Giọng dẻo mềm cứ “giăng” “giứa” mà yêu/ Nơi đất học thành danh nhiều khoa, giáp/ Nơi tuổi thơ tắm mát những câu Kiều/…/ Nói sao hết bao nhiêu là thương mến/ Nơi đất lành nở tím một loài hoa/ Nơi biển biếc, vầng trăng xanh hò hẹn/ Tôi yêu làng như nơi đã sinh ra (Qua sông Lý Hòa gặp đèo Lý Hòa).

 

      “Cây không rễ” là bài thơ được ông chọn làm tên sách. Chỉ mười câu lục bát, lối tách khổ “nhị cú”. Tác giả kéo ta về với làng quê sau vụ gặt, thời điểm đường thôn bề bộn rạ rơm và mùi thơm giòn của hương mùa, cho ta yêu, yêu đến da diết cái hình ảnh thân thương này: Cái cây không rễ thẳng ngay/ Trụ trời muôn thuở cắm ngày vào đêm/ Ôm quanh những sợi óng bền/ Sợi thơm của nắng sợi mềm của mưa… Ở khổ kết, tác giả đã nâng tầm giá trị của bài thơ, không chỉ ở những sợi rơm vàng, ở cây không rễ. Từ đây, cảm xúc của chủ thể trữ tình đã hướng đến những điều lớn lao, cao đẹp hơn: Thơm từ ngày xửa, ngày xưa/ Thơm từ chân ruộng mẹ vừa gặt xong (Cây không rễ).

       Giếng nước, vật thể không thể thiếu trong đời sống thôn quê Việt Nam: “Cây đa, giếng nước, sân đình” là mạch nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca. Giếng nước không chỉ cung cấp nguồn nước, mà còn giúp con người tắm gội tâm hồn luôn thanh tao, sạch sẽ. Ở đây, tác giả muốn lấy câu chuyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”, ngầm phê phán những ai có thói quen tự cao, tự đại, cho mình là hơn: Đường đời không hiểu ra sao/ Trông lên trời rộng còn cao lắm mà/ Tháng ngày tập tễnh đi qua/ Không đi hết cái sân nhà cỏn con/ Chưa ra khỏi những lối mòn/ Làm sao biết quả đất tròn hay vuông (Đáy giếng). Bài thơ còn đưa ra một thông điệp: Bạn cần thay đổi hoàn cảnh sống, tránh tụt hậu về khả năng nhìn nhận khi bước vào môi trường mới.

      Và đây, cái dấu chấm. Chỉ là cái dấu chấm cuối bài nhưng thiếu nó, bài viết chưa hoàn hảo. Với ông, cái dấu chấm mang đầy ý nghĩa về cuộc đời thi nhân: Cái dấu chấm sau cùng được hạ/ nhỏ như cái lỗ xâu kim/ lành sao được bao lần chắp vá/…/ Ngày còn dài đừng tuyệt vọng tôi ơi/ cái dấu chấm tròn vo thấu đáo/ không làm được thợ thêu/ xin làm người vá áo (Dấu chấm). Xem thơ ông, ta thường gặp những khoảng lặng, khiến người đọc nghẹt thở: Móc khóa nhạc mở ra một bản nhạc/…/ bao la trời đất/ cõi người/…/ bấm nút đài/ hình ảnh sống sao âm thanh chết/ những người câm múa may/ móc khóa nào khóa kín ta đây/ Điều giải bày bằng chân bằng tay/ chỉ bầm đau gan ruột/ làm sao nghe được tiếng nấc sau vách ngăn/ xích dần xa xóm giềng, họ tộc (Khoảng lặng). Đi cùng sự khám phá sinh động, trăn trở với đất đai, với những giọt mồ hôi nhuộm đẫm áo nâu giữa trưa hè. Ông ước mình là chú dế trú ngụ trong lòng đất, ở đó ông sẽ miệt mài ca hát, sẻ san nhọc nhằn: Trả tôi về lại đất đai/ tôi làm con dế miệt mài hát ca/ Hát cùng những hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoàì đồng/ Hát cùng cánh áo nâu sòng/ Mồ hôi tan chảy ròng ròng đang trưa/…/ Sông còn chảy núi còn ngồi/ Tôi còn duyên nợ rối bời rạ rơm (Tôi còn mưa nắng). Là thi nhân, từng say với biển trời, yêu đảo xa, yêu đồng quê thân thuộc. Song chẳng thể lấp đầy trong ông những ray rứt vời vợi nỗi buồn: Quê tôi vùng đồng bãi/ tôi thấm bùn từ thuở chăn trâu/ mẹ một đời bền áo nâu/ bàn tay sạm màu nắng cháy/…/ Bây giờ làng lên phố/ nhiều nhà thả ruộng hoang/ hạt giống đến mùa mơ tách vỏ/ xa xót/ tiếng gà/ loang (Hạt giống chờ tách vỏ). Không đau đáu với đồng quê, làm sao ông có thể viết những câu thơ gan ruột đến vậy!

 

       Lớn lên bên những vú cát khổng lồ, Hồng Thế suy tư sâu sắc về nỗi đời hạt cát mỏng manh, về những thân phận ngủ yên trong cát, những thân phận phải xa cồn cát, có người chẳng nhớ chốn quay về: Cát vàng ai đắp nên cồn/ Bàn chân bước vấp nỗi buồn vùi sâu/ Nỗi buồn cứ bám vào nhau/ Tưởng rời rạc hóa bền lâu với người/…/ Chói chang dưới ánh mặt trời/ Bao nhiêu nấm mộ nằm ngồi ngả nghiêng/…/ Mùa đông gió đẩy lên cao/ Mùa thu bão tố lại cào lấp đi/ Những cây dứa dại gan lì/ Vì sao dứa lại ôm ghì cát khô/ Ai không nhớ một nấm mồ/ Về tìm cây dứa dại khờ thắp hương (Mộ hoang). Là người gieo hạt, Hồng Thế thổn thức lắng nghe, miên man trong lòng đất, lời ru của dế, lời ca của gió và giấc mơ mùa vàng: Cả lời chi sâu thẳm/ thân thuộc giữa tháng ngày/ lời quê hương nồng mặn/ trong hơi thở luống cày/ Cả lời chi rạo rực/ tỏa lan khắp đất trời/ giấc mơ còn thổn thức/ mùa xuân đã cất lời (Lời hạt). Mang đậm chất nông dân, song thơ Hồng Thế đầy tính phát hiện. Một triết lý hiện sinh được tác giả khắc họa, thông qua hình tượng hai vị thần Thiện - Ác trong ngôi đền. Ba mươi năm trước, ba mươi năm sau vẫn ông Ác mập mạp, ông Thiện gầy gò: Một nghìn năm/ rồi/ một vạn năm/…/ sự đời dâu bể chẳng lung lay (Trong ngôi đền). Mai sau, nào có đổi thay, người trụ trì vẫn chắp tai vái: Thiện tâm! Thiện tâm!.

 

       Những câu thơ đầu khổ được điệp lại nhiều lần, là khi lão nông Hồng Thế đau đớn nhận ra Tổ quốc hình chữ S/ mỗi năm gánh chịu nhiều cơn bão. Ông tin rằng, đất nước vững bền như bàn thạch/ cơn bão nào rồi cũng đi qua. Song, với những cơn bão không theo quy luật đất trời, không đến từ thiên nhiên mà đến từ giấc mơ của lòng tham, từ những bộ não chuyên nghĩ cách đánh lận con đen/ bằng những ngôn từ thì trên dải đất hình chữ S này, không thể nào để một tấc khuyết hao. Bài thơ chia bốn phần, được đánh số thứ tự từ 1-4. Mỗi câu thơ như một tuyên ngôn chắc nịch, thể hiện thái độ, trách nhiệm công dân: Tổ quốc hình chữ S/ non sông đất nước cha ông/ một tấc quyết không cho giặc cướp/ những cơn bão đang rình rập giữa biển/ chưa thể nói là cơn bão đã đi qua ( Bão biển). Trong chuỗi cảm nhận của một nông dân làm thơ, Hồng Thế xúc động khi đến thăm những làng trẻ, nơi nỗi đau chất độc da cam/ quằn quại. Ông đã gọi vang lên: Con người có nghe tiếng của con người/ những tiếng kêu đang gióng thính từng hồi. Người kiệm ngôn như ông, cũng đã thốt lên tới ba lần: “Hãy đến…”. Đến để nhìn các em cười méo cả miệng/ nhìn các em đi lệch cả đời/ chiến tranh đã lùi xa rồi/ nỗi đau tồn tại/ chất dioxin còn ngấm vào cốt tủy nhân loại/ mấy đời? (Nỗi đau da cam). Cũng từ những chiêm nghiệm khá tinh tế, qua hình ảnh em bé đồng nát, ông viết: Có những vật bị quẳng đi từ bàn tay người này/ lại được nhặt lên từ bàn tay người khác/…/ xó chợ, bãi rác điểm dừng/ một cuộc hành trình không hẹn ước. Có lúc ông tự bạch: Tôi mưu sinh từ lưỡi cày lưỡi cuốc/ từ nắm đất khô cắn/ từ nỗi nhọc nhằn kiếp trước/ em bé nhặt ve chai không nhà/ tìm lấy một đồng từ xó chợ nhà ga. Sau cùng ông tự vấn, thêm nhức nhối thế nhân: Phố thị đèn màu, nhà cao, máy lạnh/ phố thị lầm than những hẻm không đèn/ em bé nhặt ve chai/ cam go từng sọt rác/ ta nhân từ hay ta độc ác/ quẳng ra giữa đời những mảnh vở ve chai? (Em bé nhặt ve chai).

       Một trái xoài xanh, nó lay lắt, mong manh. Hôm qua nó muốn rụng quá nhưng không sao rụng được. Thế rồi, sáng nay không còn muốn rụng nữa/ nắng chuyền cành, lảnh lót chim xanh/ mỗi chồi tơ thắp lên mỗi chồi lửa/ trái xoài xanh con mắt long lanh (Trái xoài xanh). Với chủ thể trữ tình là trái xoài, tác giả đã đề cao khát vọng sống cho tất cả chúng ta. Trong bối cảnh của tự nhiên: nắng chuyền cành, lảnh lót chim xanh/ mỗi chồi tơ thắp lên mỗi chồi lửa, trái xoài kia con mắt long lanh, tứ thơ đắt giá này đã mang đến quan niệm sống đầy khát vọng. Được tham gia Trại sáng tác, nhiều người đã viết về những chú thiên nga trên hồ, song ông có lối viết rất riêng: Chỉ biết bơi mà không biết bay/ bảng lảng chiều vàng Đại Lải/ sóng nỗi niềm gợn nhớ xa xanh/ trước khi về đây thiên nga bị vặt trụi cánh rồi/ trời xanh thành ước vọng/ chẳng màng giàu sang chỉ cần đôi cánh/ bay lên bầu trời khoáng đạt tự do (Trò chuyện với những con thiên nga trong hồ Đại Lải). Cày ruộng và gieo trồng, uống chè xeng, đọc sách và làm thơ. Tuổi bảy lăm, ngòi bút Hồng Thế vẫn không ngừng sáng tạo. Tâm hồn ông vốn nhạy cảm, giàu rung chấn. Mỗi bận người thơ ứa lệ, chính là lúc ông chộp được những tứ thơ hay, nhưng câu thơ xương tủy: Bạn ơi thơ viết mấy bài/ ủ men thành rượu rót chai thòm thèm/ ruộng vườn cỏ rả lem nhem/ buồn vui tĩnh lặng ngọn đèn khêu khuya/ Hạt mưa cuối nẻo đường về/ lặng im ớn lạnh dầm dề tủy xương/ đã từng gối đất nằm sương/ sá chi chút bụi ngày thường đeo đai/ Bạn ơi, cày cuốc còn dài/ nỗi niềm xin gửi cùng chai rượu này/ mấy khi lả chả được say/ lệ thơ rụng đỏ xác cây lộc vừng (Lệ thơ)…

 

      Tập thơ còn dung chứa bao nỗi niềm, ưu tư, nhung nhớ, hoài vọng trong các thi phẩm: “Chiếc lá”, “Hòn Chồng Hòn Vợ”, “Núi kia và cỏ và trăng”, “Trái chín”, “Hương ngò gai ơi!”, “Hoa xuyến chi”, “Một tôi”, “Chân thật Thị Mầu”… Hồng Thế thường lấy cô đơn làm bạn đồng hành, từ trong cô đơn nhà thơ có những cái nhìn thấu suốt về thế sự, về lẽ đời của kiếp nhân sinh. Đọc “Cây không rễ”, sản phẩm tinh thần của một nông dân, một lão nông được trời phú hai món hồi môn: Tình yêu đồng quê, sống chết với đồng quê và tình yêu thi ca, văn học. Năm mươi năm trở thành hội viên, ông viết đều nhưng in thưa, điều này còn phụ thuộc nhiều lý do, trong đó điều kiện về kinh phí là chủ yếu. Ông in thơ không hề để bán. Ông nhận nhiều của bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi nên chủ yếu in để tặng. Ngoài việc đăng tải trên nhiều báo, tạp chí văn nghệ trên cả nước, ông còn có mặt trong 18 tuyển tập của các tỉnh, thành phố và Trung ương, cho thấy sức viết và tinh thần tiếp nhận đối với thơ ông. Dẫu vậy, lão nông Hồng Thế chưa bao giờ thỏa mãn với mình. Ông bùi ngùi thú nhận: Tôi như chiếc lá vàng xa nguồn cội/ Rụng xuống vườn trưa ngủ ngon lành/ Lăn lóc trong mơ hòn sỏi cuội/ Tuổi thơ ai đã đánh rơi mình (Trưa lặng).

 

                                                                                        

       Xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình

                                                                         

 

Nguyễn Tiến Nên
Số lần đọc: 419
Ngày đăng: 08.08.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Heidegger (II) Hiện hữu và thời gian / siêu hình là gì? - Võ Công Liêm
Về một số nhầm lẫn trong cách đánh giá Lược Khảo Văn Học của Nguyễn Văn Trung - Bùi Đức Hào
Những đạo diễn điện ảnh Việt Nam chưa được ngậm cười nơi chín suối - Nguyễn Anh Tuấn
Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong sách giáo khoa Quốc Văn trung học ở miền Nam 1954 -1975 - Trần Hoài Anh
Không có gì thích đáng giữa sinh diệt hoặc niết bàn - Võ Công Liêm
Sắc thái Nam Bộ qua truyền thuyết dân gian - Võ Phúc Châu
Có thiệt là ca dao Khánh Hòa không? - Lê Ký Thương
Nén hương lòng cho anh - Đỗ Tư Nghĩa
Vài mạn đàm về câu “49 chưa qua 53 đã tới” - Đặng Xuân Xuyến
Lại nói về bộ môn Lịch Sử - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả
Mẫu đơn rừng (truyện ngắn)
Tàu bay (thơ)
Cánh chim trong bão (truyện ngắn)
Đốn (thơ)
Khuyên (thơ)
Tưới (thơ)
Khi (thơ)