- Ghe cải lương chìm ngoài vàm! - Thằng Lỳ ló đầu tóc bờm xờm chỗ lỗ hàng rào bông bụp nhà tôi, hét to với tôi, rồi nhanh như sóc biến mất.
Tôi nhấp nhõm khi nhận được cái thông tin quá đỗi là "thời sự" đó, chỉ là vì tôi đang mắc phụ với ba vá lại cái lưới bén giữa sân phơi lúa. Tôi nguyền rủa cái con rắn mái gầm chết tiệt đã "quậy" muốn tung cái lưới giăng đêm qua.
Mặc kệ cho tôi nhăn nhó, tay cầm tấm lưới mà mắt cứ dõi ra phía đầu vàm ngã ba sông cái, ba tôi vẫn nhẹ nhàng tỉ mỉ trong công việc. Với ba chẳng có việc gì là vội vã, tính ổng là vậy.
Mãi đến gần trưa, xong việc, tôi chạy vội ra ngoài vàm thì hỡi ôi, mọi việc đã xong hết rồi.
Chiếc ghe ọp ẹp đã được bà con xóm tôi kéo lên bờ, ngoài vòng rào của Đình thờ ông Nam Hải mà ba tôi vẫn gọi là cái Vỏ Ca Đình, thấy phơi lủ khủ đủ thứ quần áo màu mè sặc sỡ của phường hát tuồng. Dưới ánh nắng vàng úa của một buổi chiều mùa mưa, tôi nhìn kỹ cái hoàng bào ông vua hay vuốt râu cười khà khà thường mặc, sao mà thảm hại quá chừng, cái màu vàng cung đình qua thời gian đã biến thành một sắc màu khó mô tả, trông buồn thiu thảm hại như miếng giẻ rách.
Hôm đó suốt ngày trời mưa rả rích, tôi ngồi trên võng trước hiên nhà nhìn qua màn mưa, phía Vỏ Ca Đình loáng thoáng ánh đèn dầu. Tôi lại thấy lo, không biết trời chuyển mưa mấy người ghe hát có kịp lấy quần áo vô không, để tối mai còn đi hát.
Như chia sẻ nỗi lo "tào lao" của tôi, ba tôi nhìn mông lung ra ngoài sông cái, nói:
- Coi vậy chớ cũng không sao, "Bà Cậu"(1) vẫn hay phù hộ người sống nghề hạ bạc.
Tôi thấy ba nói đúng. Mấy hôm sau, trước sân đình, thấy ông bầu gánh hát bụng bự đang nhờ mấy chú trong xóm phụ trét chai lại chiếc ghe đã phần nào mục nát.
Rồi ngày tôi mong đợi cũng đến, tiếng trống giục giã nổi lên phá tan không khí trầm lặng của cái xóm nhỏ cuối dòng sông, tiếng rao quảng cáo làm ruột gan tôi lộn tùng phèo lên:
- Đón xem, đón xem cho bằng được vở tuồng đã làm rơi nước mắt hàng ngàn khán giả bốn phương… Hãy đến để thưởng thức giọng ca vàng và lối diễn quỷ khóc thần sầu của Đệ nhứt kép mùi Út Vườn Lài trong vai Võ Đông Sơ.
Nghe đến tên Út Vườn Lài tôi nhớ ngay đến danh ca nổi tiếng Út Trà Ôn tôi đã từng được nghe qua cái máy hát dĩa có cái tay quay giây thiều, có hình con chó ngồi trước cái loa, đằng nhà ông Hội Đồng Hạt.
Chà, chà, phải nói là mùi đứt ruột khi ổng ca cái bài gì đó, có câu … "đêm đông lạnh lẽo dưới ánh trăng mờ …". Cả xóm nghe bên nhà ông Hội Đồng, nghe tiếng mở máy là mọi người lặng lẽ ôm chiếu đến trải ngoài sân phơi lúa, ngồi im ngóng nghe.
Khỏi phải nói, chắc là kép Út Vườn Lài này đây cũng ca vọng cổ mùi rệu như ông Út Trà Ôn thôi. Nghĩ cũng ngộ, cứ ai mà có tên Út là đều ca vọng cổ rất mùi, như Út Bạch Lan, hay ông Út Hiền đó.
Xóm ven sông sống bằng nghề chài lưới của tôi chỉ có một cái Đình thần duy nhất, tọa lạc ngay bờ sông đầu vàm, là nơi thờ "ông" Nam Hải, một ông cá voi lớn thường hay độ người bị nạn trên sông nước, như ba tôi thường nói, rất thần thông quảng đại, có sóng to gió lớn có mặt ngay để cứu vớt cho bà con ngư dân. Riêng với tôi, ngôi đình ấy còn là một thế giới nhỏ bé thân thiết nhất, phía trái có một cây đa cổ thụ rễ dây chằng chịt, dưới gốc đa có vô số các ông hỏa lò, hay còn gọi là cái lò đất nung nằm lõng chõng, má tôi nói, đó là ông Táo, nếu có gãy gõng thì phải mang ra đó cho ổng bay về trời, bỏ bậy bạ mang tội ngập đầu.
Phía trước đình có tượng "ông" Cọp màu vàng bằng xi măng, lúc nào cũng nhe răng cười, có lần mải mê múa kiếm tôi đã lỡ tay làm mẻ một miếng chỗ cái mũi sơn màu đen của ổng… Cái sân chơi ấy, tôi chỉ có thể thơ thẩn một mình vào ban ngày. Buổi tối, mướn tôi một đồng bạc Đông Dương tôi cũng chẳng dám léo hánh ra đó.
Bữa nay, đình thần như một ngày hội lớn, mấy cái đèn măng sông rực sáng lộng lẫy. Giữa ca đình, sân khấu rực rỡ với tấm sơn thủy có chậu bông lớn màu vàng, vườn Thượng Uyển của cô công chúa gì đó, tôi quên mất tên. Tôi và mấy thằng bạn leo tòn teng trên cây đa dòm vô nhà, nghĩ cách "đột nhập".
Chị Hiền, con gái lớn của bác Hai tôi đang loay hoay bên cái sạp bán nước đá đậu, phát hiện ra tôi, đưa tay ngoắt:
- Út, lại đây! Giúp chị bưng hai ly nước đá đậu cho bà bầu.
Tôi mừng như trúng số, dạ một tiếng như Điêu Thuyền, hiên ngang với hai ly nước đá đậu trên tay, đi ngay vào cửa. Mấy chú gác cửa chắc là "rành sáu câu" tật hay ăn hàng vặt của bà bầu, thản nhiên né qua cho tôi vô. Tôi thoáng nhận ra thằng Lỳ với cái đầu bờm xờm đang bưng mâm dưa hấu với quạt giấy rao mời làm tôi ngẩn người:
- Chà, thằng này còn lẹ hơn mình, hay thiệt!
Sân khấu rực rỡ ánh đèn màu làm tôi như quên lửng hai ly đá đậu trên tay. Tay cầm cây kiếm nhôm, kép chánh Út Vườn Lài mặc bộ đồ vải xa ten mầu vàng đang lấy hơi vô câu vọng cổ:
- "Tuấn Mã ơi, hãy về phi báo cho Bạch Thu Hà là Võ Đông Sơ ta đã thọ tiễn sa … trường".
Đèn đỏ phựt lên cái rụp, cả Vỏ Ca Đình rung lên với tiếng vỗ tay vang dội. Giao xong hai ly đá đậu sau hậu trường, thừa cơ tôi nép bên cánh gà nhìn ra sân khấu. Hình như tôi có chút thất vọng điều gì đó khi nhìn kỹ, thấy Võ Đông Sơ oai phong lẫm liệt của tôi mang dưới chân đôi giày Bata màu cháo lòng bị rách một lỗ, thò ra ngoài ngón chân cái không mang vớ!
Đó chỉ là cảm nghĩ riêng tôi thôi, mọi người im thin thít, ngay cả mấy bà thường ngày hay chửi thề inh ỏi, giờ đây mũi đỏ hoe, khóc sụt sùi. Phía dưới, chỗ cột đình có con rồng uốn quanh, chị Hiền bỏ sạp nước đá đậu đứng ngẩn ngơ nhìn lên sân khấu.
Những ngày ghe hát ở lại làng tôi, thỉnh thoảng tôi gặp "mắt thấy tai nghe" ông Võ Đông Sơ thường đêm oai phong lẫm liệt trên sàn diễn giờ đây quanh quẩn bên quán nước đá của chị Hiền tôi.
Đó là một thanh niên hiền lành, dong dỏng cao, đôi mắt đen rất to, mũi cao, mặc bộ đồ pi-gia-ma sọc ủi láng cóng, nói chung là khá đẹp trai, chỉ có hơi ốm yếu một chút, ngực "Ô-mê-ga" xẹp lép.
Biết tôi là em họ của chị Hiền, anh Võ Đông Sơ xem ra cũng có chút chiều chuộng tôi, không có hai ly đá đậu trên tay tôi vẫn có thể vào xem hát "cọp".
Rồi như các tuồng hát đến hồi kết cuộc, khi tấm màn nhung cũ mèm từ từ kéo lại, có bàn tay ai đó thò ra với tấm bảng có đề chữ "Vãn", ban nhạc cử bài "Ò e rô-be đánh đu", cuối tháng đó đoàn cải lương Ánh Sao lui ghe, cảnh kẻ ở người đi thật bịn rịn, bà bầu đứng trước mũi ghe ôm con chó lông xù vẫy tay chào. Ông bầu bụng bự tay chống sào, tay vẫy chào mấy ông bạn nhậu "Quý khán giả thân mến". Tôi thấy buồn, leo lên đống "xà bần" chỗ bến sông nhìn xuống kiếm anh Võ Đông Sơ của chị Hiền. Anh kia rồi, cũng vẫn trong bộ pi-ja-ma sọc quen thuộc, ngồi trên mũi ghe vui vẻ vẫy tay chào tôi. Tôi nhìn lên bờ, lạ thay, chị Hiền vẫn thản nhiên bào nước đá.
Ghe hát rời bến năm ngày sau bác Hai cho mời ba tôi qua "phi báo":
- Đêm hồi hôm, con Hiền cuốn quần áo bỏ nhà đi mất rồi!
Trong suy nghĩ nhỏ xíu của tôi lúc đó, chắc là chị Hiền đi chơi đâu đó, ít hôm sẽ trở về thôi, còn phải bán nước đá đậu nữa chớ. Nhưng "ít hôm" mà tôi nghĩ đó, đã kéo dài đến bốn năm sau. Năm đó tôi đang học lớp nhì trường làng. Buổi trưa tan học, về ngang nhà bác Hai, thấy người bu đông nghẹt, tôi ôm chiếc cặp đan đệm chen vô. Chị Hiền đang ngồi khóc dưới sàn nhà. Trên chõng tre bác Hai gái đang têm trầu mắt đỏ hoe. Ở bàn giữa, bác Hai và ba tôi đang trầm ngâm lặng thinh bên tách trà nguội ngắt. Cạnh chị Hiền một đứa bé gái có mái tóc cháy nắng vàng hoe, da ngăm đen, đôi mắt to đen với hàng mi cong vút, làm tôi nhớ ngay đến anh Võ Đông Sơ oai phong lẫm liệt của tôi năm nào.
Than ôi, thì ra chị Hiền đã ra đi theo tiếng gọi của trái tim, vì tình yêu chị đã cắn răng ra đi vào một đêm trời mưa tầm tã, đến bến đợi của một chàng nghệ sĩ hào hoa, chàng Võ Đông Sơ oai phong lẫm liệt của chị đã đưa chị đi trên bước đường lang bạt kỳ hồ… Đến bến diễn nào đó có cây đa cổ thụ là chị lại nhớ nhà, nhớ má đến đứt từng đoạn ruột. Đêm đêm, với sạp đá đậu mới gầy dựng, chị lại dựa vào cột đình ngây ngất nhìn lên sân khấu chiêm ngưỡng thần tượng của mình rực sáng trong ánh đèn màu. Chị Hiền tôi đã sống trong ảo tưởng của một cuộc đời giả tạo, để quên đi cuộc sống thực túng thiếu muộn phiền.
Anh Võ Đông Sơ rất yêu thương chị, khi có đứa con tình yêu hai người càng mặn nồng hơn. Đứa con ra đời giữa một đêm trời mưa tầm tã, tiếng gió rít trên đầu hồi Vỏ Ca Đình, tiếng ếch nhái thở than ngoài bến sông khi ánh đèn sân khấu vụt tắt … Đời cải lương là vậy, chỉ có cái rực rỡ giả tạo, còn cái thật của đời thường thì lắm ê chề buồn tẻ.
Mang lời ca, giọng hát đi rao bán mãi, mấy năm sau, chàng Võ Đông Sơ oai phong đã không "thọ tiễn sa trường" như trong tuồng hát mà trút hơi thở cuối cùng trong nước mắt của vợ con tại bệnh viện Lao Hồng Bàng vì không đủ tiền mua thuốc điều trị!
Hồi kết cuộc của anh đã không ngắn ngủi như trên sàn diễn, chỉ ca sáu câu vọng cổ sau khi thọ tiễn anh ra đi, cơn bạo bệnh của anh kéo dài hơn bốn tháng đau đớn khốn khổ, mẹ con chị phải vất vưởng bên hành lang bệnh viện, cơm không đủ no để nuôi anh.
Tôi lẻn ra cửa sau, đi thẳng ra Vỏ Ca Đình, ngoài sông cái cuối chân trời, mặt trời đỏ rực đang chầm chậm chìm xuống nước, hàng hiên nơi mà mấy năm trước, chị Hiền tôi đặt tạm cái sạp nước đá đậu sao mà hoang vắng, buồn bã. "Ông" Cọp bằng xi măng vẫn đứng đó lặng thinh.
Hình như tôi vừa thở dài, trong cái nghĩ suy của một cậu học trò lớp Nhì như tôi, quả thật, cuộc đời chẳng có gì vui, buồn bã ngắn ngủi quá, cũng giống như một tuồng hát, khi ánh đèn màu vụt tắt và cánh màn nhung từ từ khép lại.
Hoàng hôn đã xuống hẳn, dòng sông vẫn thì thầm trong tiếng gió nhè nhẹ của một ngày tàn…
Hà Nội tháng bảy, chiều mưa