Vậy là Võ Xuân Hào đã ra đi (8/8/2022), khép lại một vòng đời của bạn. Hôm đó, trời miền Trung trời giông gió, mưa sụt sùi, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ngoài biển xa. Trước đó Thanh Thúy kịp đưa Hào về trong căn nhà ở đường An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn để các thầy cô, các thế hệ sinh viên ở Đại học Quy Nhơn đến thăm trước khi bạn ra đi, mãi mãi. Tin bạn trở về nhà sau những ngày điều trị dài được bạn Nguyễn Văn Nam, công tác ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thông báo cho tôi khi đang đi công tác xa, chưa kịp về thăm thì người bạn hiền đã đi xa.
Ngày còn đi học ở Đại học Tổng hợp Huế, tôi với Võ Xuân Hào và Trương Duy Nhất chơi thân, luôn chia ngọt sẻ bùi với nhau. Ra trường, Hào đi dạy học, trở thành phó giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ, giảng dạy ở Đại học Quy Nhơn, còn Nhất trở thành nhà báo, làm ở báo ngành nội chính, sau chuyển sang làm báo của tổ chức mặt trận, số phận trớ true thế nào đó lại vướng vào vòng lao lý. Tôi ra trường lên làm báo ở Tây Nguyên, rồi chuyển công tác về Quảng Trị. Cả ba đứa vẫn đi lại chơi thân với nhau, dù đứa nào cũng đã có gia đình, vợ con. Nhớ hồi đi học Hào hay đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên, như để lý giải cho khó khăn trong tình yêu của bạn bè: “Tình cũng khó theo thời cơm áo, khó/ Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần/ Em bắt đầu thấy ân hận, chưa em?/ Vì lỡ nói thương anh, cái thằng quanh năm túng thiếu/ Ân hận, có, thì hãy nên, ráng chịu/ Hãy xem như cảnh ngộ đã an bài…(Hai hàng me ở đường Gia Long - Nguyễn Tất Nhiên).
Những năm 80 của thế kỷ XX đất nước đang khó khăn, người dân cả nước ăn cơm độn khoai, sắn, bo bo. Đang là thời bao cấp, mỗi cán bộ được cấp một sổ gạo, mỗi tháng cầm sổ ra cửa hàng lương thực được mua phân phối được mười ba ki lô gam lương thực. Còn sinh viên như chúng tôi được ưu đãi hơn, mỗi tháng được cấp mười sáu ki lô gam lương thực, nhưng ăn bếp tập thể cư xá phải ăn cơm độn với sắn. Những bát cơm chỉ có cơm bám quanh lát sắn dày, có khi nhà bếp ngâm sắn không kỹ nên khi nấu lõi sắn vẫn chưa chín, khô cứng, thế mà đứa nào đứa nấy cũng đều phải nhắm mắt ăn để chống đói. Còn thức ăn thì chỉ có ít cá khô kho, bát canh rau muống nấu muối mặn chát, còn gọi là “canh toàn quốc” (canh toàn nước). Bạn nào muốn ăn thêm thì đến thùng nước mắm lấy ít nước mắm dùng chung mà kỳ thực chỉ là thùng nước muối có pha loãng ít nước mắm cho có mùi vị. Ăn uống như vậy, mỗi soong cơm được chia ra cho mỗi tốp 5 bạn. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, dù thức ăn chẳng có gì nhưng chúng tôi vẫn ăn hết khẩu phần cơm một cách ngon lành. Thời bao cấp mọi thứ được phân phối bằng tem phiếu, một bữa ăn ngon dường như là một thứ xa xỉ đối với những sinh viên tá túc ở cư xá. Quanh năm suốt tháng sinh viên ở cư xá có mấy bữa được ăn ngon và ăn no. Cơm thì là thứ gạo dự trữ lâu năm trong nhà kho khi ăn như cơm hẩm, khó nuốt. Cá thì chủ yếu là cá khô cũng là thứ thực phẩm để lưu kho lâu ngày đã hết chất. Mỗi tháng tiêu chuẩn của mỗi sinh viên có mấy lạng thịt heo chỉ được ăn trong một ngày. Mỗi lần ăn cơm có thịt, được gắp mấy miếng thịt heo, chủ yếu là thịt mỡ nổi lều phều trên soong và chan nước vào cơm ăn có cảm giác dễ nuốt hơn và đêm về cái đói đỡ hành hạ hơn. Có lẽ đã đi qua cái thời khó khăn đó rồi, ai cũng thành người tử tế, biết chia sẻ nhiều hơn với những gian lao của đất nước, của đồng bào mình.
Trong số bạn bè cùng học ở Huế, tôi là bạn học duy nhất được dự lễ cưới của hai bạn Hào - Thúy. Hôm đó tôi đi Hà Nội công tác trở về Quy Nhơn để nghỉ lại, sau đó đi xe chuyển tiếp lên Pleiku. Dịp đó Hào và Thúy giữ tôi ở lại để dự lễ cưới. Đám cưới của hai bạn tổ chức nhẹ nhàng ở hội trường Trường Đại học Quy Nhơn, có đại diện gia đình, ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo trong khoa Ngữ Văn của Hào và khoa Ngoại ngữ của Thúy. Tôi là bạn phương xa đến dự nên cũng được MC giới thiệu. Thực đơn mời khách chỉ có bánh kẹo, nước giải khát. Sau lễ cưới, bạn bè ở Quy Nhơn của cô dâu chú rể và tôi về phòng tập thể của hai bạn uống rượu. Rượu đế được thủ sẵn nhiều chai dưới gậm gường từ chiều, còn thức nhắm chỉ có xoài chấm muối ớt và nước mắm đường, thế mà anh em bạn hữu cứ nâng lên đặt xuống bao lần để chúc phúc cho Hào và Thúy. Cuộc rượu mừng cứ thế nối dài cho đến qua đêm. Sau này những ngày hội lớp, hội trường, lần nào cũng có hai bạn Hào - Thúy cùng dự, mặc dù Thúy học bên khoa Ngoại ngữ nhưng luôn đi theo làm nàng dâu của Văn K7. Bây giờ, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập khoa, thành lập trường, ngày ra trường ở tỉnh này, thành phố kia. Những dịp như thế có năm tôi dự năm không vì những lý do khác nhau. Với bạn hữu một thời, chẳng thể mong có ngày ngồi lại với nhau đông đủ khi tóc đã pha sương, bởi mỗi đứa mỗi chân trời, góc bể, cũng có đứa đã về với đất đai, nghìn trùng. Nhưng như tâm sự của một bạn đồng môn đang ở bên kia bán cầu, rằng nếu chúng ta luôn nghĩ về những điều tốt đẹp, là mãi mãi giữ được tình bạn, dù xa xôi cách trở.
Mới đây, Văn K7 - Đại học Tổng hợp Huế tổ chức gặp mặt nhân 35 năm ngày ra trường ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Năm nay hai bạn Hào - Thúy không về dự được bởi Hào phải đi điều trị bệnh dài ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó Hào có chuyến về thăm quê khi bệnh tình trở nặng để gia đình, bà con lối xóm, bạn bè thuở hoa niên đến thăm, vì bạn sợ người thân phải vượt quãng đường hơn 600 cây số vào Quy Nhơn. Thực ra bệnh tình của Hào bộc phát cách đây đã lâu. Đó là lần Hào ra thỉnh giảng ở Đại học Huế, thấy sắc mặt của thầy không được khỏe, một sinh viên “bắt” thầy phải lên Bệnh viện Trung ương Huế khám, và nơi đây đã phát hiện ra bệnh tình của bạn. Sau đó Thúy đưa Hào đi chữa trị khắp nơi, cuối cùng hai bạn quyết định về Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng điều trị. Ngày ấy hai bạn giấu bạn bè vì sợ thăm nom phiền hà, nhưng Trương Duy Nhất biết được báo tin, tôi với Phương Hồng vào thăm, hai bạn rất mừng vui vì việc chữa trị có kết quả khả quan. Nào ngờ mới đây khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bệnh tình của bạn thêm trở nặng, mặc dù đã được các bác sĩ đầu ngành ra sức cứu chữa nhưng cuối cùng cũng không cứu được vì căn bệnh quá hiểm nghèo.
Hào ra đi, nhiều bạn bè cũ bận bịu công việc không thể đến bên bạn vì đường ngái xa xôi, nhưng bên bạn những ngày cuối đời vẫn luôn có bàn tay chăm sóc của người vợ hiền và phút lâm chung có các thầy cô, sinh viên ở Đại học Quy Nhơn đến tiễn đưa. Sinh viên cũ từ Tây Nguyên xa ngái đã có những dòng tiễn biệt thầy giáo của mình - PGS-TS Võ Xuân Hào, Phó trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn thật cảm động: “Thầy ngồi trên ghế tay ôm bụng, không hề rên rỉ, nén chịu cơn đau. Thật sự nghẹn ngào nhưng em vẫn cố tỏ ra bình thản, lạc quan động viên thầy. Nhưng y học đã đầu hàng, phép màu lại chỉ có trong cổ tích. Và chiều hôm nay em và các thế hệ sinh viên của Đại học Quy Nhơn đành phải nói lời tiễn biệt thầy - một người thầy đáng kính” (Văn Thị Thu Trang). Người thầy đáng kính đó của các em đã ra đi, chỉ còn lại đây tình cảm nhớ thương về hình bóng người thầy nghiêm khắc mà hài hước, kiến thức sâu rộng nhưng luôn sống vui vẻ, chan hòa. Các thầy cô, các thế hệ sinh viên Đại học Quy Nhơn đã mất đi một đồng nghiệp, một người thầy tận tụy với nghề dạy học; gia đình, người thân mất đi một người con, người cha thân yêu, còn chúng tôi mất đi một người bạn đồng môn quý mến, luôn sống hết mình với mọi người.
Vậy là thêm một người bạn đồng môn Văn K7- Đại học Tổng hợp Huế của chúng tôi đã về với đất đai, nghìn trùng. Chỉ còn một thời khắc ngắn nữa thôi Hào sẽ được trở về mảnh đất quê nhà Gio Linh, nơi bạn đã ra đi. Thôi, chỉ cầu mong cho bạn yên giấc ngàn thu, bởi cuộc sống là lẽ vô thường. Vĩnh biệt một người bạn hiền. Ở nơi kia xa ngái, bạn hãy yên lòng, gia đình, người thân, bạn hữu vẫn luôn nhớ và sống tiếp phần đời, ước mong của bạn mà khi tại thế bạn chưa làm được ở trên đời.
Ảnh: PGS-TS Võ Xuân Hào (bên phải) trong lần về thăm quê.- Ảnh: L.Đ.H