Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
940
123.136.949
 
72. Bình Định vương Lê Lợi : Thời kỳ khởi nghĩa (1) [1418-1427]
Hồ Bạch Thảo

 

 

Vua họ Lê, tên húy là Lợi, người đất Lam Sơn, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa. Vua khởi nghĩa trong vòng 10 năm, tự xưng là Bình Định vương; lên ngôi 6 năm, niên hiệu là Thuận Thiên, thọ 51 tuổi, táng ở Vĩnh Lăng.

Trước kia, tổ ba đời của vua tên là Hối, một hôm đi chơi Lam Sơn, thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, như hình ảnh nhiều người tụ họp, bèn nói: "Đây chắc hẳn là chổ đất tốt", rồi dời nhà đến ở. Sau 3 năm thì thành cơ nghiệp; từ đó đời đời làm chủ một phương. Hối sinh ra Đinh, nối được nghiệp nhà, có tới hơn 1 ngàn tôi tớ, lấy vợ là Nguyễn Thị Quách, sinh được hai người con trai, con cả là Tòng, con thứ là Khoáng. Khoáng lấy vợ người Thủy Chú là Trịnh Thị Thương, ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Sửu [10/9/1385] sinh ra Vua tại hương Thủy Chủ, huyện Lôi Dương; nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

 Vua sinh ra, thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, bước đi như hồ, kẻ thức giả đều biết là bậc phi thường.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép về vua Lê Lợi, giai đọan trước lúc khởi nghĩa như sau:

“ Bấy giờ, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược nước Nam, chia cắt nước ta thành quận huyện, bắt dân ta làm tôi tớ, luật pháp phiền hà khắc nghiệt, thuế má lao dịch nặng nề. Đối với những người hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều vờ trao quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc. Vua hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và cương quyết, không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục. Người Minh đã dùng trăm phương ngàn kế xảo trá, vẫn không dụ được vua.

Trước đó bọn Đặng Tất, Nguyễn Súy ở châu Hóa cùng lập con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Khoáng làm vua. Nhưng vua thấy họ yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là chẳng làm nên chuyện, mới ẩn náu nơi núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy binh, mong trừ hoạn lớn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 1b.

Sử Trung Quốc chép về tiểu sử của Vua trước lúc khởi nghĩa có vài điểm khác với Toàn Thư. Minh Thực Lục chép rằng trước khi nổi dậy, Lê Lợi từng giữ chức Kim Ngô Tướng Quân cho Trần Quí Khoáng, sau đó đầu hàng nhà Minh giữ chức Tuần kiểm; sự việc được ghi lại qua văn bản dưới đây:

“NGÀY 3 THÁNG GIÊNG NĂM VĨNH LẠC THỨ 16 [8/2/1418]

Viên Thổ quan Tuần kiểm Lê Lợi tại huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hóa làm phản; quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai bọn Đô đốc Chu Quảng chinh tiễu. Trước đây Trần Quí Khoáng làm phản, Lợi sung chức Kim Ngô Tướng quân ngụy; rồi bó thân xin hàng, được ban chức Tuần kiểm, nhưng vẫn ôm lòng phản trắc. Nay tiếm xưng là Bình định vương, cho em Lê Thạch làm Tướng quốc ngụy, Đoàn Mãng làm Đô đốc; tụ tập bọn giặc là Phạm Liễu, Phạm Yến mang binh cướp phá. Quân Quảng tới chém hơn 60 thủ cấp, bắt sống bọn giặc Phạm Yến hơn 100 người, bọn Lợi bỏ trốn. Nay Bân tâu xin đem bọn Yến tru lục tại Giao Chỉ để răn đe dân chúng. Thiên tử chấp thuận.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 48)

Vương Thế Trinh, một danh thần nhà Minh đời Gia Tĩnh, chép sự việc tương tự trong An Nam Truyện:

“ Vào năm Vĩnh Lạc thứ 16 [1418] Phong thành hầu Lý Bân tấu Tuần kiểm Lê Lợi làm phản. Lợi vốn là bề tôi của cố Vương Trần Quí Khoáng, thiện chiến, được thăng mấy lần đến chức Kim Ngô Tướng quân. Xin hàng, lãnh chức Tuần kiểm; nhưng vì không được cư xử tốt bởi người có đức nên làm phản, đánh phá các quận ấp, tự xưng là Bình định vương.”(1)

Qua những sử liệu tương phản, câu hỏi cần đặt ra là: Trước khi khởi nghĩa vua Lê Lợi có hợp tác với nhà hậu Trần và nhà Minh hay không?

Nhắm tìm hiểu rộng thêm, hãy tham khảo Lam Sơn Thực Lục; có đoạn chép:

“ …Tuy giặc có khéo léo, khôn ngoan nhiều cách, mà tráng chí của nhà vua , trước sau chẳng chịu chùng. Thế nhưng trong lúc thế giặc còn mạnh, chưa dễ đánh được nào. Nhà vua thường hậu lễ nhún lời, đem nhiều vàng bạc đút lót cho các tướng giặc là bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ; mong thư bớt lòng hãm hại nhà vua, để nhà vua đợi thời lừa dịp.

Đảng của giặc là Lương Nhữ Hốt bàn với bọn giặc, nói rằng :

-Chúa Lam Sơn chiêu vong, nạp bạn, đãi quân lính rất hậu, chí nó chẳng nhỏ. Nếu thuồng luồng gặp được mây mưa, thì tất không phải là vật ở trong ao đâu. Nên sớm trừ đi, để sau sinh vạ.

Năm Mậu Tuất (1418) khi ấy nhà vua khởi quân tại Lam Sơn [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa].” (2)

Lam Sơn Thực Lục do khai quốc công thần Nguyễn Trãi soạn, vua Lê Lợi trực tiếp đề tựa; đây là tư liệu gốc trước mọi bộ sử nước ta. Căn cứ vào Lam Sơn Thực Lục, người đọc sử có thể có những nghi vấn như sau:

-Nếu là một thường dân, như Đại Việt Toàn Thư chép, làm sao vua Lê Lợi có đủ tư cách để liên lạc với các quan lại cao cấp của nhà Minh như bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ để đút lót?

-Hơn nữa chỉ là thường dân thôi, làm sao có thể “ chiêu vong, nạp bạn [dung nạp người làm phản], đãi quân lính rất hậu” như lời Lương Nhữ Hốt tố cáo với bọn giặc.

Nghi vấn này không còn là nghi nữa; trong văn bản Chiếu tha những người có tội tại Giao Chỉ của Vua Tuyên Tông ban hành ngày 3 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ nhất [8/6/1426]; xác nhận Vua Lê Lợi từng làm việc cho nhà Minh. Chiếu tha những người có tội tại Giao Chỉ có ghi trong Minh Thực Lục và cũng được chép trong Toàn Thư tại phần Bản Kỷ, quyển 10 trang 18b. Tuy nhiên chúng tôi dò lại Toàn Thư, cả phần nguyên văn chữ Nho và bản dịch thấy thiếu một đoạn quan trọng. Đoạn văn này xác nhận Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật đã từng làm việc cho nhà Minh; chắc Sử thần Ngô Sĩ Liên soạn giả Toàn Thư, muốn giấu việc này nên cố tình lược bỏ đi. Nhắm làm sáng tỏ vấn đề, xin trích phần bị lược bỏ cả nguyên văn, phiên âm, và dịch nghĩa để dễ bề tham khảo:
“Những kẻ như Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật, vốn đã qui phụ triều đình, từng được bổ nhiệm sử dụng, rồi suy nghĩ lệch lạc, để đến nỗi sai trái như vậy. Nay đặc biệt mở con đường đổi mới, nếu thành thực hối cải, trở lại theo điều thiện, giữ tiết bề tôi thì được khoan thứ, vẫn được trao quan chức. Những kẻ bị Lê Lợi bức hiếp theo nghịch, cùng những dư đảng của Trịnh Công Chứng trốn tránh chưa xuất hiện, nay có thể đích thân ra qui thuận, hoặc đến quan sở tại đầu thú cũng đều được tha, quan sẽ trở lại nguyên chức, quân trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ. Sau khi chiếu thư ban ra, như bọn Lê Lợi cùng những kẻ bị cưỡng bách, chấp mê không hối tội, vẫn chống mệnh như cũ, thì quân Thiên triều gia tăng thảo phạt, hối cũng không kịp nữa.

 (Kỳ Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật đẳng, bản giai qui tâm triều đình, tằng kinh nhiệm dụng, ngẩu quai nhất niệm, thất ngộ chí thử. Kim đặc khai kỳ tự tân chi lộ, thành năng hối quá tòng thiện, phục thủ thần tiết, tất hựu kỳ tội, nhưng thụ dĩ quan. Cập hữu bị Lê Lợi đẳng bách hiếp tòng nghịch, tịnh Trịnh Công Chứng đẳng dư đảng đào tỵ vị xuất giả, kim năng đình thân lai qui, hoặc phó sở tại quan ty tự thú, quan phục nguyên chức, quân phục nguyên ngũ, dân phục nguyên nghiệp. Chiếu thư đáo hậu như Lê Lợi đẳng cập hiếp tòng chi đồ, chấp mê bất thuân, nhưng tiền cự mệnh, thiên thảo tất gia, hậu hối vô cập.

, , , , . , , , , . , , , , , . , , , .)

Hãy ôn lại thời gian vào đầu năm Trùng Quang thứ 5 [1413], thế lực nhà hậu Trần gần như sụp đổ, Trần Quí Khoáng phải chạy vào Quảng Trị; giao Nghệ An cho Phan Quí Hựu giữ; rồi cha con Phan Quí Hựu, Phan Liêu đầu hàng giặc. Trong hoàn cảnh đó, nếu Lê Lợi tại Thanh Hóa có làm quan cho Trần Quí Khoáng thì cũng bị đứt liên lạc và ông ta cũng biết rằng lực lượng Trần Quí Khoáng không thể cứu vãn được tình hình.

Được biết trong 10 năm kháng chiến, Bình định vương Lê Lợi mấy lần tạm hòa với giặc, còn sử nhà Minh thì chép là “hàng”. Bởi vậy nếu từng là Kim Ngô Tướng Quân của Trần Quí Khoáng, ở vào hoàn cảnh nhà hậu Trần trên đường sụp đổ; một người quyền biến như Lê Lợi tất không chịu bất lực buông tay, đành tạm hàng với quân Minh để giữ gìn thực lực. Hơn nữa với chức Tuần kiểm, trông coi một tổ chức bán quân sự, dưới quyền phần lớn là bộ hạ cũ, ít bị kiểm sóat, Lê Lợi có cớ chiêu dụ người lưu vong, dung nạp kẻ phản loạn như Lam Sơn Thực Lục chép.

Lịch sử 10 năm khởi nghĩa của Vua Lê Lợi, bắt đầu vào tháng giêng năm Bình Định vương thứ nhất [2/1418]; bấy giờ nhà Vua phát động khởi nghĩa tại Lam Sơn [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa]. Hoạn quan Mã Kỳ mang đại quân đến đánh, Vua cho đặt phục binh giết mấy ngàn tên; sau đó có kẻ nội phản, mang quân Minh đến đánh úp; gia thuộc của nhà Vua và quan quân bị bắt rất nhiều:

Ngày mồng 9 tháng ấy, bọn nội quan nhà Minh là Mã Kỳ đem đại binh tới uy hiếp vua ở Lam Sơn. Vua bèn lui quân đến đóng ở Lạc Thủy [huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa], đặt quân mai phục để chờ giặc. Ngày 13, bọn Kỳ quả nhiên đến. Vua tung hết quân mai phục xông ra đánh giặc. Cháu vua  là Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý... dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới, rồi dời quân đến núi Chí Linh [huyện Lang Chánh, Thanh Hóa]. Ngày 16, tên phản bội Ái (không rõ họ) dẫn đường cho giặc đi lối tắt, đánh úp đằng sau vua, bắt mất gia thuộc của vua và rất nhiều vợ con của quân dân. Quân sĩ dần dần chán nản bỏ đi. Vua cùng bọn Lê Lễ, Lê Náo, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp bí mật nương náu ở trên núi Chí Linh . Tháng 2, vua hết lương, không còn gì nổi lửa. Gặp khi giặc lui quân, bèn về đắp thành đất ở Lam Sơn. Tháng 3, đánh ra Mường Yên [xã Yên Nhân, Lang Chánh], thu được hơn trăm người. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 2b

Việc Mã Kỳ đánh úp bắt gia thuộc nhà Vua, được Minh Thực Lục xác nhận qua chiếu dụ của Vua Tuyên Tông gửi Vua Lê Lợi cho biết con gái Vua 9 tuổi, bị Mã Kỳ bắt, đưa về kinh đô; nhưng không may đã mất:

Ngày 28 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 4 [ 1/5/1429 ]

Riêng dụ ngươi về việc ngươi tâu rằng có con 9 tuổi bị Mã Kỳ thu dưỡng đem về kinh sư, muốn được đoàn tụ. Nghe việc này động lòng trắc ẩn, Trẫm là cha mẹ của thiên hạ lai nỡ để cho một trẻ nhỏ không được gần người thân ư! Nên đã ra lệnh tìm hỏi ngay việc này. Nhưng con gái ngươi vì không hợp thủy thổ, nên bị bênh mất đã lâu. Tình thương yêu cha con người người giống nhau, nhưng phần số mỗi người thì đã định; bảo riêng để ngươi biết. Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 210.

Quân Minh dưới quyền Lý Bân tiếp tục càn quét, bị phục kích tại huyện Thường Xuân, phía tây Lam Sơn:

Tháng 9, viên Tổng binh nhà Minh là Lý Bân đem quân tới sùng lục. Vua đặt quân mai phục ở Mường Một [xã Bất Một, huyện Thường Xuân], dùng tên thuốc độc bắn giặc chết và bị thương quá nửa. Bân thua rút quân về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 3b.

Lý Bân tỏ ra ươn hèn, không xông xáo lập công như Trương Phụ trước kia; nên Minh Thái Tông phải đem lời răn dạy:

 Ngày 9 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 16 [ 12/7/1418 ].

Thiên tử ban mệnh cho Phong thành hầu Lý Bân, Tổng binh Giao Chỉ như sau :

Một vị Đại tướng cần có 5 tính tốt: dõng, trí, nhân, tín, trung.

Dõng cảm thì không bị xâm phạm, mưu trí thì  không bị gạt, nhân từ thì lòng người hưởng ứng, tín  thì không lừa dối, trung thành thi tâm không chia lìa. Đó là 5 đức tính của một tướng giỏi. Ta vừa ban mệnh cho ngươi bình định đất Di xa xôi, và thi hành luật; ngươi cần theo đường lối của vị tướng giỏi. Khâm thử!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 55 )

Về phương diện kinh tế, nhà Minh tìm mọi cách vơ vét; trên rừng thì sai săn bắt thú vật, khai mỏ; chốn đồng bằng bắt trồng hồ tiêu; vùng biển sai mò ngọc trai, khai thác muối:

Mùa hạ, tháng 4, trước nhà Minh ra lệnh cho các phủ, huyện, châu nước ta trồng hồ tiêu, nay đã lên tốt, sai nội quan Lý Lượng sang thu về dùng. Từ đấy, quan lại đốc thúc bắt trồng, mỗi cây giống giá tới 5 quan tiền.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 3a.

Mùa thu, tháng 7,. Nhà Minh mở công trường mò ngọc trai, kiếm hương liệu, săn bắt chồn trắng, hươu trắng, voi trắng, tìm lùng rùa chín đuôi, chim đậu ngược, vượn bạc má, trăn, rắn... để dâng nộp.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 3b.

Về khai thác muối, nhà Minh lập 7 sở xét nghiệm phân phát muối tại vùng duyên hải miền Bắc và các tỉnh phía bắc Trung Phần:

NGÀY 28 THÁNG GIÊNG NĂM VĨNH LẠC THỨ 16 [ 5/3/1418 ].

Lập 7 cơ sở  xét nghiệm phân phát muối tại Giao Chỉ gồm cầu Thái Bình thuộc phủ Tân An; sông Hải Triều (3)  phủ Trấn Man; cửa biển Đại An phủ Kiến Bình ;Ba Lễ, Tam Giang phủ Thanh Hóa; Thiên Đông phủ Diễn Châu; Minh Thị, Kỳ La thuộc phủ Nghệ An. Mỗi nơi đặt một viên Đại  sứ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 51)

Ngoài việc trưng thu thuế má, khai hầm mỏ; còn có lệ cống hàng năm; quan, dân cùng gánh vác:                                                

    Ngày 12 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 16 [ 9/11/1418 ].

Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân cống 1 voi trắng, 17 voi đen.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 60 )

Tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 16 [12-1/1419 ]

Giao Chỉ dâng lên 1288 tấm quyên, 50 cân tô mộc (4 ) , 2000 thúy vũ, 1 vạn quạt, 2400 cân sơn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 61)

Bước sang năm Bình Định vương thứ 2, vào tháng 4 [5/1419] nhà Vua đánh đồn Nga Lạc tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa; bắt được chỉ huy Nguyễn Sao. Rồi Vua lại lui giữ núi Chí Linh [huyện Lang Chánh, Thanh Hóa]. Quân Minh kéo đến bức bách. Đô tổng quản Lê Lai liều mình chịu chết thay Vua:

Vương tấn công đồn Nga Lạc, bắt được chỉ huy Minh, Nguyễn Sao, đem chém. Nhưng bấy giờ thế lực của giặc còn đang mạnh; về phía Vương, tướng còn hiếm, quân còn ít, lại đánh nữa, không thắng được địch. Vương chạy vào Trịnh Cao, rồi lui giữ núi Chí Linh. Quân Minh thường đến đánh úp: tình hình phía Vương khốn quẫn quá! Vương phải nhóm họp các tướng, dụ bảo họ rằng:

Bây giờ ai có thể làm như Kỷ Tín (5) xưa, để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau?". Trong các tướng chẳng ai dám đáp ứng cả. Riêng có Lê Lai khảng khái xin vâng, tình nguyện trao đổi đồ mặc với Vương để đi chết thay. Lê Lai liền cho sắp xếp nghi trượng chỉnh tề, chính mình đem quân và voi, hướng ra phía địch, chỉ huy các tướng chia đường khiêu chiến. Tướng Minh lấy thêm quân bao vây Lê Lai. Lai chiến đấu kiệt sức, bị người Minh bắt và giết chết. Địch bèn rút quân về Tây Đô.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 13.

Sau đó cho đóng quân tại sách Đà Sơn, quân Minh tiến đánh, Vua bèn phục binh tại huyện Lang Chánh phía tây bắc, rồi chuyển quân đến biên giới Ai Lao:

Tháng 5, vua đóng ở sách Đà Sơn [gần Lam Sơn] , quân Minh tiến đánh. Vua phục kích ở Mường Chánh [huyện Lang Chánh] , cả phá quân giặc, rồi dời đến đóng quân ở sách Lư Sơn [huyện Quan Hóa] , ít lâu sau, dời sang Mường Thôi [giáp Ai Lao], rồi lại về đóng bản doanh ở Vu Sơn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 4a.

Sử Trung Quốc ghi nhận thời gian này, Vua Lê đóng quân tại vùng Lam Sơn, Lý Bân sai mang quân đến đánh, Vua lui binh phía Ai Lao, rồi mang quân về đánh giết 2 tên Tuần kiểm; quân Minh đuổi theo,  Vua lại tiếp tục lui binh:

Ngày mồng 2 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 26/5/ 1419 ] 

Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân tâu rằng đầu sỏ giặc Lê Lợi trú tại sách Khả Lam [Lam Sơn]. Sai Đô đốc đồng tri Phương Chính, Đô Chỉ huy Sư Hữu mang quân đánh; bắt được bọn ngụy Cấm vệ tướng quân Nguyễn Cá Lập. Số còn lại chạy trốn sang Lão Qua; bèn lưu Đô Chỉ huy Hoàng Thành, Chu Quảng giữ đồn Khả Lam, bọn Chính trở về Giao Chỉ. Lê Lợi lại xuất hiện đánh phá, giết Tuần kiểm Vương Cục, Lương Hướng rồi đi. Thành mang quân truy kích, giặc thua chạy. Gặp mưa nắng nước dâng, lam chướng mới nỗi lên, xin đợi mùa thu tiến binh. Được chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 64)

Ba tháng sau; Vua mang quân về đánh phá Lỗi Giang, tại huyện Cẩm Thủy; bị quân Minh đánh thua, phải rút sang Ai Lao:

Ngày 10 tháng 8 năm Vĩnh Lạc th 17 [30/8/1419]

Lê Lợi đầu đảng giặc tại Thanh Hóa, Giao Chỉ mang quân đánh phá Lỗi Giang [huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa], bị bọn Đô chỉ huy Hoàng Thành đánh thua, lại chạy sang trốn tại Lão Qua.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 66)

Bấy giờ tại Nghệ An, viên Tri phủ Phan Liêu trước kia đầu hàng nhà Minh, bị Hoạn quan Mã Kỳ đàn áp bóc lột,  bèn nỗi dậy chống lại; có viên Chỉ huy Lộ Văn Luật, từng giữ chức Tiên phong cũng theo.Tổng binh Lý Bân đích thân mang quân đánh đuổi, đến tận phủ Trấn Định, Ai Lao:

Mùa thu, tháng 7, viên thổ quan Tri phủ Nghệ An là Phan Liêu vì bị bọn nội quan nhà Minh  bức bách lấy vàng bạc, bèn dẫn quân bắt giết các quan do nhà Minh phái đến, rồi đem quân vây thành Nghệ An, sắp hạ được thành thì Lý Bân chợt đem quân đến. Liêu trốn sang Ai Lao. Bân đuổi tới châu Ngọc Ma [phủ Trấn Định, Ai Lao] không kịp, lại quay về Nghệ An, sửa sang thành trì, vỗ yên dân chúng. Khi Bân đi đánh Liêu, có sai viên chỉ huy Lộ Văn Luật làm tiên phong. Văn Luật đã đi, lại bị giữ lại bàn tính mưu kế, trong lòng hoài nghi, lo sợ, nên bỏ trốn đi. Bân bắt mẹ già, gia thuộc và anh em của Luật như Đồng tri châu châu Tam Đái là Văn Phỉ. Đồng tri châu phủ Trấn Man Phan Kiệt là anh họ của Liêu, nghe tin Liêu trốn đi, cũng đem cả nhà đi theo, nhưng chưa ra khõi cõi đã bị thắt cổ chết cùng với vợ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 4a.

Sử Trung Quốc cũng chép tương tự:

Ngày 11 tháng 8 năm Vĩnh Lạc th 17 [31/8/1419]

Viên Thổ quan Giao Chỉ giữ chức Tri phủ Nghệ An Phan Liêu là con Quí Hữu. Trước đây Quí Hữu theo Trần Quí Khoáng làm Thiếu bảo ngụy. Bị đại quân đánh, thế cùng Quí Hữu bèn sai Liêu đến cửa quân xin hàng. Quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ theo chế độ ban cho Quí Hữu chức Phó sứ ty Án Sát coi phủ Nghệ An, lại ban cho Liêu chức quan. Quí Hựu chết, cho Liêu thừa kế cha nhậm chức này. Nhân Mã Kỳ bạo ngược phi lý, Liêu bèn làm phản tại huyện Nha Nghi [Nghi Xuân, Hà Tĩnh], cùng viên thổ quan Thiên hộ Trần Đài tụ tập đám đông đốt phá châu huyện giết quan lại; viên thổ quan chỉ huy vệ Nghệ An Lộ Văn Luật cũng đi theo. Quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân mang quân đến đánh, bọn giặc tan, Liêu chạy đến châu Ngọc Ma nương dựa viên thổ quan Tri châu Cầm Trách, Bân sai người truy bắt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 66)

Minh Thái Tông cho rằng bọn Phan Liêu, Lộ Văn Luật làm phản là việc quan trọng; nên buộc Lý Bân phải tiêu diệt tận gốc:                                       

Ngày 16 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 3/11/1419 ].

Thiên tử ban mệnh cho Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân:

Mặc dù giặc Phan Liêu tại Nghệ An đã bị đánh tan , nhưng chúng vẫn còn tồn tại. Trong một thời gian ngắn, ngươi cần chỉnh đốn quân ngũ tiêu diệt chúng như nhổ gốc, không để sót mối lo trong dân.”( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 71)

Lý Bân đành phải tuân lệnh, mang đại quân sang Ngọc Ma càn quét một lần nữa, nhưng cũng không diệt xong bọn Phan Liêu và Lộ Văn Luật. Trong khi đó lại phải sai phái thuộc hạ đánh dẹp bọn võ quan như Thiên hộ Trần Thuận Khánh, Bách hộ Trần Trực Thành nỗi dậy tại Nghệ tĩnh, và đầu đảng  Trịnh Công Chứng tại Hải Dương:

Ngày 6 tháng 11 năm Vĩnh Lạc th 17 [ 23/11/1419 ].

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân  đến châu Ngọc Ma dẹp giặc; đầu đảng giặc bọn Phan Liêu cùng giặc Áo Đỏ hơn 1000 tên chống cự bị quan quân đánh bại. Bắt sống Tù trưởng giặc Áo Đỏ là bọn Nửu Môn, Diệp Để; bọn Liêu, Lộ Văn Luật, Trần Văn, Trần Tử Trực và quân còn lại bỏ trốn. Quan quân tiến đến Mường Cự Đàm, núi Bồ Đàm thuộc châu Ngọc Ma; giặc cậy hiểm đóng trại phòng thủ, bèn đánh phá. Bọn Liêu chạy sang Lão Qua; bèn sai Đô chỉ huy Tiết Tụ tiến đánh bắt được đồng đảng giặc là bọn Hồ Tử Kính cùng giặc Áo Đỏ là Thượng Bì, Thượng Tướng hơn 300 người.

Trước đó sai Bố chánh ty sứ Giao Chỉ Nguyễn Huân, Chỉ huy Trần Nguyên Khôi giữ sông Ác [Ngàn Sâu, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh] bắt được tên phản loạn Thiên hộ châu Nam Linh  Trần Thuận Khánh, Bách hộ vệ Nghệ An Trần Trực Thành đem chém. Đô đốc Phương Chính, Tham chính Mã Ánh cũng bắt và giết đầu đảng giặc Trịnh Công Chứng tại Đồng Lợi, đồng đảng giặc là Lê Điệt bỏ trốn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 72)

Tỉnh Thanh Hóa, ngoài cuộc khởi nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi; tại huyện Nga Lạc có Phạm Nhuyễn nỗi lên, bị viên Đô chỉ huy Từ Chính đánh bắt, đem chém:

NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM VĨNH LẠC THỨ 17 [19/10/1419].

Bọn phản loạn Giao Chỉ Phạm Nhuyễn tụ tập tại sách Cự Lặc, huyện Nga Lạc. Ngày hôm nay quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân sai Đô Chỉ huy Từ Nguyên mang quân bắt được, bèn chém bọn Nhuyễn để thị chúng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 71)

Đô chỉ huy Giao Châu tâu về triều có hàng chục cuộc nỗi dậy xãy ra khắp nơi; suốt từ tỉnh Lạng Sơn cho đến vùng Nghệ Tĩnh:

NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM VĨNH LẠC THỨ 17 [17/11/1419].

Ty Đô Chỉ huy Giao Chỉ tâu rằng tại huyện Kệ Giang [Thanh Chương, Nghệ An], phủ Nghệ An có tên thổ quan Bách hộ Trần Trực Thành, cùng em là Trực Ngụy tự xưng Kim Ngô Tướng quân; cùng bọn Lãm Bàn giặc Áo Đỏ cướp phá xã Dương Biến giết tuần kiểm Trương Tú. Vũ Cống người trong hộ đãi vàng liên kết với kỳ lão Hoàng Nhữ Điển tụ tập dân chúng đốt phá huyện Phù Lưu [Quỳnh Lưu, Nghệ An]. Các nhóm nỗi dậy tại huyện Khâu Ôn [Lạng Sơn] có Nông Văn Lịch, châu Vũ Ninh [Bắc Ninh] có Trần Đại Quả, châu Khoái [Hưng Yên] [th1] có Nguyễn Đặc, huyện Thiện Thệ [Bắc Ninh] có Ngô Cự Lai tiếp tục trước sau làm loạn giết hại quan binh. Tại huyện Đồng Lợi, châu Hạ Hồng [Hải Dương], phủ Tân An, viên Xã chính coi việc đãi vàng là Trịnh Công Chứng tụ tập đám đông hơn 1000 người đốt phá bắt giết quan lại tại các ty tuần kiểm thuộc các huyện Đa Dực, Đồng Lợi, châu Hạ Hồng và cửa biển sông Đản. Đô đốc Phương Chính mang quân đánh dẹp đánh bại giặc tại Đồng Lợi. Thám thính cho biết trước đó bọn chúng đến châu Nam Sách, bèn truy kích kịp thời đánh dẹp tại ty tuần kiểm A Côi [Thái Bình] chém hơn 400 thủ cấp, số giặc chết trôi tính không hết; Công Chứng bèn chạy trốn. Sắc dụ quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân mang quân đánh bắt.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 71)

Sử Đại Việt cũng xác nhận rằng Lý Bân mang quân đi đánh xa, thành Đông Đô yếu nhược, do đó hào kiệt bốn phương mang quân uy hiếp, hầu như chỗ nào cũng có rối loạn:              “Mùa đông, tháng 11, Trịnh Công Chứng và Lê Hanh ở Hạ Hồng [Hải Dương], Phạm Thiện ở Tân Minh [Tiên Lãng, Hải Phòng] , Nguyễn Đặc ở Khoái Châu [Hưng Yên], Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang thấy thành Đông Quan chỉ còn những quân lính ốm yếu, liền dấy quân tiến đánh. Quân đến Lô Giang, đánh phá được cầu phao, nhưng ít lâu sau, bị Lý Bân đánh bại, tan tác chạy dài. Bấy giờ, chỗ nào cũng rối loạn, chỉ còn các xứ Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa là yên tĩnh như cũ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 4b.

Ngoài những đạo quân nêu trên uy hiếp thành Đông Đô; vào cuối tháng 11 Đào Cường tại Gia Lâm, Bắc Ninh nỗi dậy, sắp vượt sông Hồng đánh thành; Tổng binh Lý Bân phải điều kỵ binh đánh lui:

Ngày 28 tháng 11 năm Vĩnh Lạc th 17 [14/12/1419]

Tại huyện Thiện Tài, châu Gia Lâm [Bắc Ninh], Giao Chỉ, Đào Cường làm phản. Đô Chỉ huy Lưu Chấn, Vu Tán, Ngô Hưng mang quân đánh dẹp. Bọn Chấn không nghiêm cấm, nên quân sĩ buông thả cướp phá. Giặc giả bộ vứt đồ vật bỏ chạy, rồi đặt phục binh đón đợi. Quan quân bi bại, giặc đuổi tới sông Phú Lương, định vượt sông. Đô Chỉ huy Trần Tuấn ra sức đánh, nên ngăn được. Nhưng thế giặc mạnh thêm, quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân sai ngay bọn Đô Chỉ huy Cảnh Vinh mang kỵ binh đi đánh, giặc bèn rút lui.”( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 73)

Một cuộc nỗi dậy khác do Lê Điệt cầm đầu tại tỉnh Thái Bình; quân Minh tiếp tục truy kích đến tỉnh Nam Định, nhưng cũng chưa dẹp được:

Ngày 3 tháng 12 năm Vĩnh Lạc th 17 [19/12/1419]

Bọn Đô Chỉ huy Trần Trung tại Giao Chỉ đánh bại đảng giặc Lê Điệt tại sông Tiểu Hoàng huyện Kiến Xương [tỉnh Thái Bình] bắt sống 350 tên, đốt cháy trên 160 chiếc thuyền. Tiếp tục truy kích đến xã Cổ Lôi, huyện Tây Chân, phủ Phụng Hóa [Nam Định]  đánh bại bọn giặc Trần Dĩ Luật chém hơn 600 tên, đốt hơn 250 chiếc thuyền. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 74)

Ngay tại tỉnh Nam Định cũng có cuộc nỗi dậy của Đinh Tông Lão; Phương Chính ra quân đánh dẹp, nhưng vẫn chưa diệt được chủ tướng:

Ngày 8 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 24/12/1419]

Ngày hôm nay các huyện như Đại Loan thuộc phủ Kiến Bình [huyện Nghĩa Hưng, Nam Định], Giao Chỉ; có bọn giặc Đinh Tông Lão làm loạn. Quan Tổng binh Phong thành hầu Lý Bân sai Chỉ huy Giao Châu hậu vệ Phương Chính suất quân đánh dẹp. Giặc thua chạy, chém hơn 400 tên, đều bị bêu đầu để làm răn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 74)

Tổng binh Lý Bân đích thân mang quân truy kích Lê Điệt một lần nữa; nhưng vẫn chưa bắt được chủ tướng:

Ngày 11 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 27/12/1419 ].

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân truy đánh bọn Lê Điệt tại huyện Đình Hà phủ Trấn Man [Thái Bình], đánh bại giặc mấy lần; chém hơn 500 tên, bắt sống bọn ngụy Kim ngô tướng quân Vũ Lộ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 75)

Một cuộc nỗi dậy lớn, do sư cụ Phạm Ngọc trụ trì chùa Đồ Sơn, Hải Phòng cầm đầu; Tổng binh Lý Bân mang quân đi đánh dẹp, truy kích đến tận Đông Triều, Quảng Ninh. Tuy giết được phụ tá là Phạm Thiện, nhưng chưa bắt được Phạm Ngọc:

Ngày 15 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [31/12/1419]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân bắt được Tù trưởng giặc Phạm Thiện tại châu Đông Triều [Quảng Ninh] . Trước đây tên yêu tăng Phạm Ngọc tại chùa Đồ Sơn, huyện An Lão [Hải Phòng] phao rằng trời giáng ấn kiếm, lệnh làm chúa; bèn tiếm xưng La bình vương, kỷ nguyên Vĩnh Ninh, tụ tập đám đông làm loạn. Bọn Thiện và Đào Thừa đến theo. Ngọc cho Thiện làm Nhập Nội Kiểm Hiệu Tả Tướng quốc Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Ngô Trung làm Nhập Nội Hành khiển Hữu Thượng thư Tri Quân Quốc Trọng Sự, Đào Thừa làm Xa Kỵ Đại Tướng quân, Lê Hành làm Tư không, tụ tập đám đông chiếm cứ đường thủy và bộ. Lúc đại quân đến đánh, Thiện dàn quân hai bên bờ, lại bày thuyền giữa sông, thủy bộ cùng chống cự. Bân xua quân đánh gấp, chém 1200 thủ cấp, bắt sống Thiện cùng bọn Trung gồm 780 người, tịch thu hơn 200 chiếc thuyền lớn nhỏ, Ngọc tẩu thóat; lại bắt quân giặc hơn 260 tên, bèn xử chém để răn.Thiện, Trung, cùng bọn Vũ Lộ đều bị giải về kinh sư.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 75)

Tháng trước Đào Cường lăm le vượt sông đánh thành Đông Đô Hà Nội; nay được tin tụ tập tại Cẩm Giàng, Hải Dương; Lý Bân bèn mang quân đi đánh:                   

Ngày 26 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17  [11/1/1420].

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân mang quân tới phủ Lạng Giang. Tin điệp báo cho biết Tù trưởng giặc Tư không Lê Hành, ngụy Kim Ngô Đại Tướng quân Đào Cường tụ tập lực lượng hơn 8000 tên lập trại tại xã Ma Lãng, huyện Đa Cẩm [huyện Cẩm Giàng, Hải Dương]; bèn tiến binh tiễu trừ.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 76)

Vào cuối năm Bình Định vương thứ hai [1/1920] Lý Bân tiếp tục truy kích; giết chủ tướng Đào Cường tại Bắc Ninh:                                         

Ngày 28 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [13/1/1420].

Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân mang quân tới huyện Thiện Tài [Lang Tài, Bắc Ninh], gặp toán du binh của giặc hơn 1000 tên, đánh bại chúng rồi đuổi đến xã Ma Lãng. Giặc bỏ trống trại ra giao chiến, quan quân đánh bại; bắt giết Đào Cường, cùng tướng sĩ của chúng hơn 3.500 tên. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 75 )

Về việc dùng văn hóa kèm với trấn áp để cai trị nước ta, vào năm Vĩnh Lạc thứ 14 [1416] cho lập 93 ty nho học, 46 ty Âm dương, 49 ty Y học, tại các phủ, châu, huyện. Nhà Minh cho phương lược này là đắc sách, nên lại cho lập thêm 28 ty Nho học tại các phủ, châu, huyện; cùng các ty phụ trách về Phật, Đạo, Âm Dương:

Ngày 29 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 23/4/1419 ].

Thiết lập tại Giao Chỉ:

Phủ Nho học tại Lạng Sơn. 10 châu Nho học tại Thất Nguyên, Quảng Nguyên, Thượng Văn, Hạ Văn, Vạn Nhai, Thượng Tư Lang, Hạ Tư Lang, Cửu Chân, Gia Hưng, Quảng Oai. 17 huyện Nho học tại Ða Dị, Cổ Lan, Khâu Ôn, Trấn Di, Ðan Ba, Thoát, Uyên, Ðại Man, Tuyên Hoá, Phú Lương, Lộng Thạch, Ðại Từ, Cảm Hoá, Vĩnh Ninh, Tống Giang, Nga Lai, An Lạc.

Âm Dương học, ty Tăng Cang tại phủ Tuyên Hóa.

Âm Dương học, Y học, ty Ðạo Chính tại châu Quảng Oai; ty Tăng Chính tại Vạn Nhai.

Âm Dương học tại hai huyện Thái Bình, Trấn Di.

Y học, ty Tăng Hội, ty Ðạo Hội, tại huyện Thái Nguyên. Y học, ty Ðạo Hội tại huyện Cổ Lan. Âm Dương học, y học, ty Ðạo Hội tại huyện Ða Dị, Ðồng Hỷ.

Kho Thường Phong tại phủ Nghệ An, kho Thường Bình tại phủ Tân Bình. Kho Quảng Bình tại phủ Kiền Xương.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 62)

Nhà Minh sai người mang những sách giáo khoa sang nước ta, dùng để truyền bá nguồn văn hóa tư tưởng nêu trên. Đồng thời, Lý Bân xin cho lập một loại hộ khẩu gọi là hộ thiếp; cùng sắp đặt các viên chức hạ từng cơ sở như Lý trưởng, Giáp thủ, để quản lý kềm kẹp dân chùng:

Năm Kỷ Hợi, [1419], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, nhà Minh sai giám sinh Đường Nghĩa sang ban các sách Ngũ kinh (6), Tứ thư (7), Tính lý đại toàn (8), Vi thiện âm chất, Hiếu thuận sự thực, cho nho học các phủ, châu, huyện. Sai tăng học truyền giảng kinh Phật tại Tăng đạo ty.

Lý Bân nhà Minh tâu xin Hộ bộ ban cấp hộ thiếp (9) cho Giao Chỉ, bắt châu huyện làm sổ thuế khóa phu dịch (10) và lên danh sách lý trưởng và giáp thủ (11) từng năm . Đại để, cứ 110 hộ là một lý, mỗi năm cử 1 lý trưởng, 10 giáp thủ, để nhận các việc lao dịch, hết lược lại cử từ đầu. Người làm lý trưởng, giáp thủ bị roi vọt đánh đập khổ sở khôn xiết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 3b.

Ngoài việc đòi hỏi dân ta phải thay đổi y phục, quan lại nhà Minh còn can thiệp vào tập tục tang chế. Như tập tục dân ta chịu tang, mặc áo trắng chứ không mặc áo đen; người thọ tang không cần phải nghỉ việc lâu dài để chịu tang; những tập tục đó đều bị cấm:

NGÀY 4 THÁNG 7 NĂM VĨNH LẠC THỨ 17 [26/7/1419].

Ty Bố chánh Giao Chỉ Phó lý Lô văn Chính, tâu rằng :

 Người Giao Chỉ tập quen phong tục man di, cha mẹ chết để tang cấm mặc áo đen; Thổ quan, Sinh viên, Thư lại cha mẹ chết cũng không xin nghỉ việc cư tang . Xin dùng quốc triều [Trung Quốc] đã định về tang lễ, ban hành dân gian để tuân hành. Các Thổ quan, Sinh viên, Thư lại có cha mẹ chết, phải bỏ chức dịch chịu tang; ngõ hầu dần dần từ bỏ tâp tục man di.

 Thiên tử xem lời tâu trực diện dụ bộ Lễ rằng:

Ba năm cư tang là thông lệ xưa nay, thiên hạ ai mà không có cha mẹ, cho theo lời thỉnh cầu.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 65 )

Về lãnh vực kinh tế, tại vùng biển Quảng Ninh, lập cục khai mỏ ngọc trai; vùng núi Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang lập các cục khai mỏ vàng:

NGÀY 3 THÁNG 8 NĂM VĨNH LẠC THỨ 17 [23/8/ 1419].

Lập cục khai mỏ ngọc trai tại châu Tĩnh An Quảng Ninh, Giao Chỉ; đặt một viên Đại sứ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 66)    

Ngày 22 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [11/9/1419]

Lập các cục mỏ vàng tại Giao Chỉ; thuộc trấn Thất Nguyên phủ Lạng Sơn, trấn Qui Hóa phủ Tam Giang, trấn Tuyên Quang phủ Tuyên Hóa. Đặt 2 viên Đại sứ, 4 viên Phó sứ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 67 )

Ngoài nguồn lợi thuế má, khai mỏ; theo thông lệ hàng năm, các chức sắc tại tam ty, phủ, huyện, đem quí vật về triều tiến cống:

Ngày 20 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 14/5/1419 ]

Thổ quan thuộc các phủ như Kiến Bình, bọn Tri phủ Phan Sĩ Văn 84 người; cống vàng, bạc, khí mãnh cùng sản vật địa phương. Ban cho tiền giấy, y phục lụa ỷ, lụa bạch, có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 64)

Ngày 3 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 27/5/1419 ]

Thổ quan ty Tham chính Giao Chỉ, bọn Tả Tham chính Lương Nhữ Hốt đốc suất các Thổ quan quận, huyện dưới quyền; cống vàng, bạc, khí cụ, sản vật địa phương. Ban cho tiền giấy cùng y phục lụa sa dệt kim có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 65)

Ngày 20 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 17 [ 9/9/1419]

Giao Chỉ tiến cống ngựa trắng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 67)

Ngày 29 tháng 12 năm Vĩnh lạc thứ 17 [14/1/1420].

Giao Chỉ dâng 1320 tấm quyên, 5000 cân tô mộc, 2000 chim thúy vũ, 10000 chiếc quạt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 78)

 

Chú thích:

1.An Nam Truyện, Vương Thế Trinh, Kỷ Lục Vựng Biên, quyển 49, trang 3.

2.Lam Sơn Thực Lục. Nguyên tác: Nguyễn Trãi. Vua Lê Lợi đề tựa. Nhà Xuất Bản Tân Việt in lần thứ 3 (1958), quyển 1, trang 9.

3. Sông Hải Triều: khúc đầu sông Luộc nằm giữa huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên và huyện Hưng Nhân thuộc tỉnh Thái Bình.

4.Tô mộc: Cây dùng làm thuốc Bắc.

5.Kỷ Tín: Trung thần của Hán Cao Tổ. Khi Cao Tổ bị Hạng Vũ vây ở núi Huỳnh Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), tình hình nguy ngập quá, Tín phải ăn mặc giả làm Cao Tổ, thay Cao Tổ ra đầu hàng: bị Hạng Vũ đốt chết. Còn Cao Tổ nhờ đó trốn thoát.

6.Ngũ Kinh: Năm kinh của nhà Nho: Dịch, Thi, Thư, Lễ và Xuân Thu.

7.Tứ Thư: Bốn sách của nhà Nho: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử.

8.Tính Lý Đại Toàn: Bộ sách do bọn Hồ Quảng, vâng lệnh vua Minh, soạn ra. Nội dung dựa vào học thuyết của các Tống nho, chia làm 13 mục, gồm 70 cuốn.

9.Hộ thiếp: như sổ hộ tịch, mỗi tấm hộ thiếp có ghi rõ họ tên, quê quán và số đinh trong mỗi hộ, có đánh số chữ ký hiệu và đóng một nửa phần dấu kiềm đề phòng khi khám nghiệm. Sổ hộ khẩu thì để ở Hộ bộ, còn hộ thiếp thì phát cho các hộ (theo Đại Minh hội điển).

10. Nguyên văn: Phú dịch hoàng sách, tức là quyển sách bìa vàng kê khai thuế khóa phu dịch. Theo Thông giám tập lãm, thì năm Hồng Vũ thứ 14 (1381) nhà Minh hạ chiếu bắt cả nước làm sổ "hoàng sách".

11. Giáp thủ: là người đứng đầu một giáp, gồm 10 hộ; Lý trưởng: người đứng đầu 1 lý, gồm 110 hộ.

 

 

 

 

 

 

 

 


 [th1]

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 536
Ngày đăng: 31.08.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Tân Hôn thế kỷ - Nguyễn Anh Tuấn
Nhà sử học và các cô thợ may trong chùa Tây Phương - Nguyễn Anh Tuấn
Vương Đạo và vị Hùng Vương thứ 19 - Thiếu Khanh
Minh Mệnh “chọn nơi yên nghỉ vĩnh hằng” - Lê Ngọc Trác
Hoàng Đế Minh Mệnh - Lê Ngọc Trác
Cliometrics - Mỹ Phương
Sự “tùy tiện” phá phách, đầy thách đố trong cách ứng xử với đề tài lịch sử ở các sáng tác của Trần Vũ - Đoàn Huyền
Minh oan cho Ngài Đốc Binh Hương! - Diệp Hồng Phương
Võ Nguyên Giáp và vấn-đề Lịch-Sử - Nguyễn Quỳnh USA
Sử gia bị đạo sử (PHẦN BA) - Nguyễn Lục Gia
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)