Phong thành hầu Lý Bân thay Anh quốc công Trương Phụ giữ chức Tổng binh Giao Chỉ được 5 năm thì mất [1417-1422]; Vinh dương bá Trần Trí thay thế:
“Ngày 14 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 20 [ 5/2/1422 ].
Phong thành hầu Lý Bân mất. Bân người châu Phượng Dương, cha là Tín lập quân công, quan đến Chỉ huy Thiêm sự vệ Tế Châu. Khi Tín già, Bân thay chức.
Bân là người có trí lược, khi Thiên tử bình nội nạn nhiều lần lập công, được thăng đến Hữu Quân Ðô đốc Ðồng tri Phong thành hầu. Lúc đầu trấn thủ Giang Tây, chiến dịch Giao Chỉ làm Tả Tham tướng, Khi Giao Chỉ bình, trở về nước đánh dẹp giặc Nụy, giữ Cam Túc có công; sau đó trấn thủ Giao Chỉ, lo đánh dẹp bọn giặc làm loạn. Nay bị tật mất, được ban tế; truy phong Mậu quốc công thụy Cương Nghị, cấp phương tiện đưa linh cửu về tống tang.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 89)
Sử Việt chép rằng Bân bị ung nhọt chết:
“Tháng 2 [21/2-22/3/1422], viên Tổng binh nhà Minh là Phong Thành hầu Lý Bân bị bệnh nhọt chết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 9a.
Nhắm ràng buộc dân ta bằng văn hóa tư tưởng, năm Vĩnh Lạc thứ 14 [11/6/1416] cho lập hơn 200 ty Nho học, Đạo học, Phật học, tại các phủ, châu, huyện. Hàng năm tiếp tục tăng đặt các ty, và cho người mang sách giáo khoa sang cung cấp; năm nay lại cho thầy trò đến kinh đô tiến cống, và xin thêm các sách như Ngũ Kinh, Tứ Thư, Tính Lý Đại Toàn, Vi Thiện Âm Chất:
“Ngày 4 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 20 [24/5/1422]. Các thầy trò tại Giao Chỉ gồm các phủ Tuyên Hóa, Thái Nguyên, Trấn Man, Phụng Hóa, Thanh Hóa, Tân An, cùng các châu huyện trực thuộc đến kinh khuyết cống phương vật và xin ban các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư, Tính Lý Đại Toàn, Vi Thiện Âm Chất. Hoàng Thái tử lệnh bộ Lễ ban cho.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 90)
Về lương thực, dù đã lập đồn điền, bắt lính sản xuất lúa nuôi quân, nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu, nên Tham tướng Trần Trí xin cung cấp thêm gạo từ kho Quảng Đông. Y tiết lộ rằng quan quân mỗi tháng dùng 57.700 thạch; mỗi thạch là 103 lít gạo, đủ nuôi 5 người; như vậy có thể ước tính số quan quân lúc đó vào khoảng 300 ngàn tên [57.700 . 5 = 288.500]:
“Ngày 13 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 20 [29/8/1422]. Tham tướng Giao Chỉ Vinh dương bá Trần Trí tâu lương tháng của quan quân lớn nhỏ tại Đô ty Giao Chỉ, cùng bổng của các quan ty mỗi tháng gồm 57.700 thạch gạo; mỗi năm tính ra hơn 692.400 thạch. Nay các phủ tại Giao Châu tồn kho không đủ; mà lượng trử tại châu Khâm, Quảng Đông có đến hơn100.940 thạch, xin lệnh chuyển vận cấp cho. Hoàng Thái tử chấp thuận.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 91)
Góp phần giải quyềt khó khăn về lương thực, Thượng thư Hoàng Phúc đề nghị giảm lương quân lính yếu đuối; cho các tội nhân nặng nhẹ nạp gạo chuộc tội, để cấp lương thực cho quân lính:
“Ngày 14 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 20 [30/8/1422]. Ngày hôm nay người nắm chức trông coi ty Bố chánh và Án sát Giao Chỉ, Thương thư Hoàng Phúc tâu rằng:
‘ Giao Chỉ cách xa vạn lý, lương thực phải tích trử rộng rãi an toàn mới mong vững yên, lại tuyển luyện thêm sĩ tốt để làm mạnh uy vũ. Nay trong các vệ, không phân biệt kẻ khỏe người yếu, đều chi lương bổng đồng đều; không những phí phạm mà lại còn không làm phấn khởi sĩ khí. Nên giảm chi phí cho người già yếu, để tăng thêm cho người khỏe mạnh.’
Lại tâu rằng:
‘Ðiều lệ mới ban ra những người bị tội phạt roi, tội đồ, tội đày , hoặc phạm tạp tội bị xử tử cho đưa về kinh đô công tác. Giao Chỉ đến kinh đô đường sá xa xôi hiểm trở; nếu tuân theo lệ mới giải đi, sẽ bị chết dọc đường nhiều; xin cho các tội nặng nhẹ nạp gạo chuộc tội, để tư cấp lương thực cho quân đội; công tư cả hai đều tiện.’
Hoàng Thái tử chấp thuận.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 91)
Những viên quan lại người bản xứ như Đỗ Duy Trung, Trần Phong, đang tâm bóc lột đồng bào, vơ vét vàng bạc đem triều cống; Tam Ty Giao Chi cũng không quên tiến cống những sản phẩm quí hàng năm:
“Ngày 18 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 20 [3/9/1422]. Các Thổ quan Giao Chỉ Hữu Tham chính Ðỗ Duy Trung coi giữ phủ Tam Giang, Tri phủ Phụng Hóa Trần Thùy, con cố Tri phủ Giao Châu Ðỗ Hy Vọng tên Cự, Tri huyện Ðương Ðạo Lương Quốc Phụ thuộc phủ Tuyên Hóa; tất cả gồm 27 người đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh, cùng sản vật địa phương. Hoàng Thái tử mệnh bộ Lễ ban yến ủy lạo.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 92)
“Ngày 27 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 20 [10/12/1422]. Bọn Hữu Tham chính phủ Giao Châu, Giao Chỉ, Ðô Chỉ huy Trần Phong cùng 83 người đến triều đình tiến cống các vật như vàng, bạc, khí mãnh. Ban cho y phục trữ, lụa là dệt kim, cùng tiền giấy, gấm, lụa nõn trong ngoài có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 93)
“Tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 20 [14/12/1422-12/1/1423]. Giao Chỉ dâng lên triều đình 1390 tấm lụa quyên (1) , 2800 cân sơn, 4800 cân tô mộc (2), 2800 chim thúy vũ, 8430 quạt.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 94.
Giai đoạn này nghĩa quân Vua Lê Lợi phải đương đầu với quân Minh và Ai Lao. Hai đạo quân đánh 2 mặt trước sau; tuy nhiên nhà đã Vua thoát hiểm, lui về giữ sách Khôi. Rồi bị đại binh quân Minh bao vây 4 mặt; nhưng nhờ tướng sĩ dốc lòng chiến đấu, nên quân ta chiến thắng. Sau đó vào đầu năm Bình Định Vương thứ 6 [1423] Vua đem quân về đóng tại Chí Linh [huyện Lang Chánh, Thanh Hóa]; gặp lúc lương thực cạn kiệt, đành tạm hòa với địch:
“Ngày 21 tháng 12 [3/1/1423], Ai Lao đem quân đến Kiệt Mang dựng trại kết trận, Thiếu úy là Lê Chích đánh lui.” Đại Việt Thông Sử, Lê Quí Đôn, Đế Kỷ Đệ Nhất, trang 16a.
“ Mùa đông, tháng 12 [14/12/1422-12/1/1423], vua tiến quân đóng ở Quan Da. Ai Lao lại ước hẹn với quân Minh đánh vào trước mặt và sau lưng quân ta, nhiều người chết và bị thương. Vua bèn bí mật lui về sách Khôi . Mới được 7 ngày, giặc Minh lại đem đại binh đến vây. Vua bảo các tướng sĩ:
‘Giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào. Đây chính là "tử địa" mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết’.
Vua nói xong chảy nước mắt. Các tướng sĩ đều xúc động, tranh nhau liều chết quyết chiến. Bọn Lê Lĩnh, Lê Vấn, Lê Hào, Lê Triện xông lên trước phá trận, chém được tham tướng Minh là Phùng Quý và hơn nghìn thủ cấp giặc, bắt được trăm con ngựa. Mã Kỳ và Trần Trí chỉ thoát được thân mình chạy về Đông Quan, quân Ai Lao cũng bỏ trốn. Vua đem quân về đóng ở núi Chi Linh. Quân lính hết lương, hơn hai tháng, chỉ ăn rau củ và măng tre mà thôi. Vua giết 4 con voi và cả ngựa của mình cưỡi để nuôi quân sĩ. Song thỉnh thoảng vẫn có kẻ bỏ trốn. Vua bèn cấm giữ nghiêm ngặt, bắt được kẻ nào bỏ trốn thì chém, để rao cho mọi người biết. Quân lính lại nghiêm túc như trước.
Bấy giờ, do trải nhiều phen hoạn nạn, quân lính đã mỏi mệt, muốn được nghỉ ngơi, đều khuyên vua giảng hòa với giặc. Vua bắt đắc dĩ phải vờ hòa hiếu với bọn tướng giặc Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, để yên lòng quân. Sai bề tôi thân thích là bọn Lê Vận, Lê Trăn đi giảng hòa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 9b.
Quân Trung Từ Mệnh Tập (3) chép những văn kiện do danh thần Nguyễn Trãi soạn thay Vua Lê Lợi; trong đó có Thư xin hàng gửi cho bọn Trần Trí, Sơn Thọ, Phương Chính; do Lê Vận, Lê Trăn mang đi. Nội dung thư nhà Vua với thái độ hòa hoãn, viện cớ bị viên Tri huyện Đỗ Phú bức bách, bắt giết cả nhà, cả họ, nên dùng binh để trả thù riêng, chứ không muốn chống đối nhà Minh; nay xin mở đường đổi mới:
Thư xin hàng.
“Tôi nghe nói: “Sinh đời thái bình, ai chẳng được ở yên; gặp đời thánh minh, ai chẳng được thỏa sống”. Nay tôi sinh đời bình, gặp thời thịnh, mà lại thường phải than là mất chỗ ở yên là cớ làm sao? Trước vì tri huyện Đỗ Phú (4) là người đồng hương, cùng tôi có hiềm khích, nó đút lót Tham chính Lương Nhữ Hốt, nói vu cho tôi khinh mạn quan trên, cậy mạnh mà chống lại mệnh trên, nếu không trị trước, tất có lo sau. Nhữ Hốt báo với quan quản binh cùng Nội quan Mã Kỳ nhân đó cho quan quân đến đánh úp bộ chúng tôi, không kể trẻ già, đều bị chém giết bắt bớ; họ hàng tôi đều tan tác, vợ con tôi đều chia lìa. Lại khai quật mồ mả tổ phụ tôi phơi bày hài cốt (sách Lam sơn kí chép: Năm Mậu tuất (1418) vua khởi binh ở Lam Sơn, bọn Mã Kỳ nhà Minh đến bức, nhà vua lui về đóng đồn ở Lạc Thủy, Đỗ Phú đưa bọn giặc đến đào hài cốt của đức Hoàng khảo ở xứ Phật Hoàng; lại đi lén theo đường tắt để đánh úp phía sau nhà vua, bắt gia thuộc nhà vua cùng vợ con của quân dân rất nhiều). Tôi không biết kêu đâu, tiến thoái đều khó, bèn sai thân nhân đến Tam ty tạ tội, thì hai ba lần sứ đi đều bị giết, không ai được về. Tôi không biết tính sao, đành phải chạy đi núp náu cho qua năm tháng, để đợi quan trên xét soi. Sống tạm nơi rừng núi đã sáu năm trời, ngày cơm hai bữa, chưa từng có bữa nào no. Song chim tinh vệ (5) lấp biển, há quản gian lao; kẻ oan ức trả thù, cũng liều sống thác; nên tôi đem bộ chúng đến vây quê nhà Đỗ Phú, bắt họ hàng làng xóm nó để hả lòng căm giận mà thôi, đâu dám có chí khác. Nay nghe quan tổng binh [Tham tướng Trần Trí] là bực đức lớn ân rộng, tâm như Đặng Vũ (6) dụ địch, chính như Hoàng Bá (7) dạy dân, thực là dịp cho tôi được đổi lỗi sửa mình. Vậy xin kính sai bọn anh họ là Lê Vận dâng thư đến viên môn [cửa quân], giãi bày oan khổ, cúi xin đại nhân tha cho lỗi đã qua, mở cho đường đổi mới. Nếu được rủ lòng khoan thứ, thật là ơn tạo hóa của trời đất vậy.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a1)
Ngoài Thư xin hàng nêu trên, còn gửi riêng 3 bức thư gửi cho 3 giới chức quan trọng trực tiếp đương đầu với nghĩa quân; đó là Vinh dương bá Trần Trí, Hoạn quan Sơn Thọ, Đô đốc Phương Chính. Thư gửi cho Tổng binh Trần Trí cùng quan phủ vệ Thanh Hóa nội dung xin dẹp bỏ binh đao, sẽ dốc lòng thành tín qui hàng:
“Thư cho Tổng binh [Tham tướng Trần Trí] cùng quan phủ vệ Thanh Hóa.
Phàm vật hễ mất cân bằng thì kêu, cho nên làm cho người ta phải chịu oan khốc là bởi thiện ác không rõ ràng, thực dối không phân biệt. Nay các quan trấn thủ phủ vệ vâng mệnh Triều đình, chăn nuôi dân chúng, ví như cha mẹ nuôi con, ai cũng hết lòng thương yêu. Nay tôi mang tội vô cô [oan, vô tội], ngậm tình oan khổ, đã không được lượng trên thương xét, lại còn đem quân đến đánh, khiến nhân dân một phương không được ở yên, đó tuy là tội của tôi, nhưng cũng do quan trên vỗ yên không phải đạo vậy. Vả lại ghét chết thích sống, tránh nhọc tìm nhàn là thường tình người ta. Nay tôi lìa quê hương mà trốn tránh, bỏ vườn ruộng mà không nhìn, kể nông nỗi ấy, thực đáng xót thương! Thế mà Triều đình to lớn, thú mục hiền hành, sao nỡ để tôi phải đến thế? Nay tôi chỉ trời xin thề, cùng chúng định ước, đem lòng thành tín mà quy hàng, xin đấng quân phụ cho tái tạo. May ra nỗi oan được rõ, lỗi trước được tha, cho tôi được hết lòng trung mà phụng sự Triều đình, đó thực là điều tôi sở nguyện vậy. Ngày xưa Kê Khang (8) vô tội mà sau hết trung với Tấn, Quan Vũ khỏi chết (9) mà sau trả nghĩa cho Tào; tôi dẫu kém cỏi, dám đâu quên nghĩa ấy, xin hoặc cho đi đánh Bắc để lập công, hoặc cho theo dẹp Tây để chuộc tội, dù chết cũng không từ. Cuối xin soi xét tấc thành, khoan tha tội lỗi, thực may cho tôi lắm.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a2)
Trong đám quan lại nhà Minh trực tiếp đối đầu với nghĩa quân, Thái giám Sơn Thọ tương đối hoà hoãn; nên nhà Vua tỏ ra nhủn nhặn, xin chỉ bảo cho con đường sống còn, dân chúng già trẻ sẽ vui mừng không xiết:
“Thư cho Thái giám Sơn Thọ.
Kể đạo trong thiên hạ, trong không gì bằng trung nghĩa, quý không gì bằng danh tiết. Ghét chết thích sống, tránh nhục tìm vinh, đó là thường tình của người ta. Tôi từ sinh ra, thích danh tiết mà trọng trung nghĩa, ghét kẻ tiểu nhân mà dấn mình hoạn nạn, tuy ở trong cảnh gian nan nguy hiểm, mà không nhụt chí bình sinh. Ngày đêm than thở, trông vào hai trời [ tôn Sơn Thọ như trời, nên gọi là hai trời] mà kêu van. Nay nghe ngài mới ở Kinh sang, đã xét rõ duyên cớ mang tội, chỉ bảo con đường sống còn, bộ chúng của tôi nghe ngóng, già trẻ vui mừng không xiết. Cúi xin đem dân cả sách làm gia nô để khỏi bị huyện quan làm khổ. Vả cổ nhân có nói: “Lấy thù trả thù, tai vạ không thôi!”. Nay Đỗ Phú vốn có cừu thù với tôi, lại làm quan ở huyện tôi, vì thế mà tôi phải ly tán đào vong vậy. Nay ngài đức kịp côn trùng, ân khắp thảo mộc, thu nạp những thứ nhơ nhớp, chiêu dụ những kẻ bạn vong, có thể cho tôi được sửa lỗi tự tân, rửa lòng đổi dạ, để làm dân đời thái bình, chính như chết mà sống lại, xương mà sinh thịt vậy.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a3)
Đô đốc Phương Chính vốn là viên tướng ham danh hiếu chiến. Thư cho y, nhà Vua phân tích lợi hại, việc binh thắng bại khôn lường; tốt hơn hết là cởi giáp nghỉ binh, an nhàn mà nhận hàng:
“Thư cho Phương Chính.
Tôi trộm nghĩ cái nỏ nặng nghìn cân không vì con chuột nhắt mà nẩy máy. Nay ngài là bực danh tướng hiện thời, lại đem quân hai nước (10) mà tranh thắng với kẻ thất phu, có được chăng nữa, chẳng qua cũng chỉ phong hầu; vạn nhất ngã thua, thì bốn phương nhân thế mà chinh chiến không thôi, dẫu người cơ trí mà không giỏi lo tính về sau, hối làm sao kịp? Chỉ e mua cười với đương thế, để chê cho đời sau, tôi rất vì người lo ngại. Vì ngài tính kế ngay nay, không gì bằng cởi giáp nghỉ binh, ngồi nhàn mà nhận hàng, đó là thượng sách. Thế tuy là may cho bọn tôi cùng ngài, mà cũng là may lớn cho vạn dân thiên hạ vậy.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a4)
Bọn Trần Trí đánh lâu mà không thắng, đã ngầm hưu chiến; nhưng Vua Thái Tông giáng trách nặng nề, nên đành phải tuân lệnh, làm một hai cuộc hành quân cho có lệ:
“Ngày 8 tháng 12 năm Vĩnh lạc thứ 20 [ 21/12/1422 ].
Bọn giặc Lê Lợi làm loạn tại Giao Chỉ đã lâu, nhưng chưa bắt được. Giáng sắc trách nặng nề bọn Vinh dương bá Trần Trí.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 93 )
Vào đầu năm Bình Định vương thứ 6 [1423] Minh, Vĩnh Lạc thứ 21, nghĩa quân giao chiến với quân Minh tại vùng Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, phía bắc Thanh Hóa:
“Ngày 21 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 21 [ 3/3/1423].
Tham tướng Giao Chỉ Vinh dương bá Trần Trí đánh phản tặc Lê Lợi tại huyện Đông Lai [huyện Lạc Sơn, Hòa Bình], châu Ninh Hóa. Lợi thua bỏ trốn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 94)
Đến tháng 4 Vua mang quân về Lam Sơn; bọn Trần Trí, Sơn Thọ thường đưa lương thực, nông cụ đến giao hảo, Vua cũng tặng vàng bạc đáp lễ; nhưng sau đó quân địch bắt Sứ giả Lê Trăn không cho về, nên Vua nỗi giận tuyệt giao:
“Mùa hạ, tháng 4, ngày 14 [23/5/1423], vua lại đem quân về Lam Sơn [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa]. Bọn tham tướng Trần Trí, nội quan Sơn Thọ nhà Minh đưa biếu vua nhiều trâu ngựa, cá muối cùng thóc giống và nông cụ để dụ dỗ. Vua cũng sai bọn Trăn đưa tặng vàng bạc để đáp lễ, nhưng vẫn bí mật phòng bị. Bọn Trí biết ý định của vua bề ngoài giả cách thân thiện, nhưng bên trong thì ngầm mưu đánh úp, liền bắt giữ bọn Trăn không cho về. Vua nổi giận, cắt đứt giảng hòa. Các tướng sĩ cũng sôi sục căm thù, đều thề xin liều chết quyết chiến.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 10a.
Về lễ cống hàng năm tại Giao Chỉ, bắt đầu từ năm Vĩnh Lạc thứ 14, ròng rã 8 năm trời, vào mỗi tháng chạp đều đem cống; năm nay dâng lễ hậu hơn trước:
“Tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 21 [ 2/1-31/1//1424 ].
Giao Chỉ dâng lên triều đình 1747 tấm quyên, 3000 cân sơn, 5000 cân tô mộc, 3000 chim thúy vũ, 1 vạn chiếc quạt. Sản vật được dâng lên từ năm Vĩnh Lạc thứ 14; hàng năm lúc thêm lúc bớt, nhưng năm nay tăng nhiều hơn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 96)
Vào tháng 7 năm Bình Định vương thứ 7 Minh, (Vĩnh Lạc năm thứ 22) [26/7-23/8/1424], Vua Minh Thái Tông mang quân lên phía bắc đánh tàn dư Mông Thát, trên đường về bị ốm nặng rồi mất trong quân; đến đời Gia Tĩnh tôn xưng miếu hiệu là Thành Tổ. Thái tử lên ngôi, niên hiệu Hồng Hy, miếu hiệu Nhân Tông; hứa đình chỉ khai mỏ vàng, bạc tại An Nam:
“Mùa thu, tháng 7, vua Minh thân hành đi đánh giặc Hồ [Mông Thát] , đem quân về đến sông Du Mộc [Nội Mông] thì ốm nặng, để di mệnh truyền ngôi cho hoàng thái tử. Ngày Tân Mão 18 [12/8/1424], vua Minh băng, nhưng giữ kín, đưa về đến Yên Kinh mới phát tang, thọ 65 tuổi, táng ở Trường Lăng, miếu hiệu Thành Tổ, tên thuỵ là Văn Hoàng Đế. Mùa thu, tháng 8, ngày 15 [7/9/1424], thái tử nhà Minh Cao Xí lên ngôi, đổi niên hiệu là Hồng Hy, đại xá. Tờ chiếu viết:
‘….. Cho nên, ta trên tuân lệnh theo di mệnh, dưới thể lòng mọi người, ngày 15 tháng 8 [7/9/1424] đã kính cáo trời đất, tông miếu, xã tắc, lên ngôi hoàng đế, để đón phúc lớn của tông miếu, để nhờ mưu xa của thánh thần. Nay nhân buổi mới lên ngôi, ban mệnh đổi mới, lấy sang năm làm năm Hồng Hy thứ nhất, còn các việc nên làm, nêu rõ như sau: ‘Những việc như lấy vàng bạc, tìm hương liệu ở Giao Chỉ đều đình chỉ hết. Các quan viên trong ngoài sai đi trông coi, hạn trong 10 ngày phải lên đường về kinh, không được kiếm cớ ở chậm lại mà ngược hại nhân dân. Ôi! vua tôi cùng một dạ, thương dân cốt ở khoan hồng, thưởng phạt có phép thường, trị nước trước phải minh tín. Những mong các hiền tài giúp việc văn võ, các quan chức giỏi giang trong ngoài hết lòng trung trinh, giúp chỗ thiếu sót để nối nghiệp lớn. Cho nền quốc gia hưng thịnh mãi mãi, để ban ân huệ tới khắp dân đen, để mở rộng phúc trị bình cho mọi nơi trong cõi". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 10b.
Khác với Vua cha; Nhân Tông chủ trương hòa hoãn, muốn dùng chính sách xá tội, phong chức để thuyết phục. Khi Trần Trí tâu vẫn còn dằng co giao tranh với Vua Lê Lợi; ý Vua Nhân Tông muốn tìm các hoà hoãn, ban chiếu thư để chiêu dụ:
“Ngày 1 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [23/9/1424]. Giao Chỉ Tham tướng Vinh xương bá Trần Trí tâu rằng :
‘ Giặc Lê Lợi chạy trốn sang Lão Qua; bị Lão Qua đuổi bèn quay về huyện Côi, châu Ninh Hóa [tỉnh Hoà Bình]. Quan quân tiến đánh, viên Đầu mục ngụy là bọn Phạm Ngưỡng đem trai, gái 1600 người ra hàng. Lê Lợi tuy nói rằng sẽ đưa hơn 480 nam nữ ra hàng, nhưng rồi dừng lại tại huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hóa; lại nghe rằng vẫn không ngừng tiếp tục tạo khí giới; dối trá như vậy, đáng mang quân đánh dẹp.’
Thiên tử sai mang sắc dụ bọn Trí rằng:
‘Ngươi hãy ước tính mưu kế giặc, trù hoạch đúng nên tiến hay chưa? Nhưng ta nghe rằng nguyên nhân gây ra bọn giặc này, do quan ty nhũng nhiễu áp bức, bọn chúng cùng quẫn bất đắc dĩ gây ra như vậy. Nay dùng phép đại xá để thiên hạ cùng đổi mới, đối với Giao Chỉ lại càng tăng thêm sự khoan tuất. Nếu trong muôn một, lương tâm bọn giặc này chưa mất hết, chúng có thể suy nghĩ sửa đổi. Nay nếu quan quân chưa tiến, thì mang thư đến chiêu dụ, sẽ không hỏi đến lỗi xưa, lệnh cho về đất cũ an cư lạc nghiệp. Nếu bọn này chấp mê không chịu ra, vẫn tiếp tục hành động như trước, thì hãy tâu đầy đủ sự thực, để có cách khu xử khác.Nếu quan quân đã tiến, thế không thể dừng lại, phải hết sức cẩn thận. Giặc âm mưu quỷ quyệt, dựa vào chổ hiểm đặt phục binh, hãy sử dụng thám thính đằng xa để không lầm vào kế giặc. Lúc hành quân, phải ước thúc quân lính, đừng nhiễu hại nhân dân.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 100 )
Gần nữa tháng sau, Vua Nhân Tông sai Hoạn quan Sơn Thọ mang chiếu thư đến phủ dụ nhà Vua, hứa ban chức Tri phủ Thanh Hóa. Sơn Thọ đoan chắc có thể phủ dụ được, vì năm trước Vua Lê Lợi từng đích thân gửi thư cho Thọ xin giảng hòa:
“ Ngày 13 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [5/10/1424]. Sai trấn thủ Giao Chỉ Trung quan Sơn Thọ mang sắc dụ Đầu mục Giao Chỉ Lê Lợi. Sắc rằng:
“Ngươi vốn là kẻ lương thiện, từ lâu có lòng thành qui phụ. Nhưng quan ty cai trị không đúng cách, sinh ra nghi sợ; rồi ẩn trốn nơi núi rừng, không toại chí nguyện. Nay sau khi đại xá, bỏ hết sai lầm quá khứ, hàm chứa sự canh tân. Đặc cách sai người mang sắc dụ ban cho ngươi chức Tri phủ Thanh Hóa, cai trị dân một quận. Hãy đến nhận chức ngay, để đáp lại sự cứu xét đến lòng thành và bao dung đãi người của Trẫm.”
Sở dĩ có sắc dụ này, vì Thọ tâu trước mặt Thiên tử rằng Lê Lợi và y hợp ý nhau, nay đến dụ sẽ trở về. Thiên tử nói:
-Bọn giặc gian trá, ngươi không biết được; nếu bị lừa, đây là dịp giúp cho thế giặc ngày một lớn, khó mà chế ngự.
Thọ khấu đầu tâu rằng:
-Nếu như thần dụ mà nó không quay về, thì tội thần đáng vạn lần chết.
Bèn giáng sắc này.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 102)
Sau khi sai Sơn Thọ ban sắc cho Vua Lê Lợi, Vua Minh ra lệnh bọn Trần Trí theo dõi tình hình rồi tâu về:
“Ngày 4 tháng 11 năm Vĩnh lạc thứ 22 [ 24/11/1424 ]
Tham tướng Bảo định hầu Mãnh Anh, Vinh dương bá Trần Trí tại Giao Chỉ tâu sự việc về Lê Lợi. Ban sắc báo rằng:
“Đã ban sắc xá tội cho Lê Lợi, mệnh cho làm Tri phủ phủ Thanh Hóa, lệnh Nội quan Sơn Thọ đến nơi hiểu dụ. Ý ta muốn đợi Sơn Thọ đến đó, bọn ngươi xem tình hình tại chỗ như thế nào, cùng Sơn Thọ bàn bạc chu tất rồi tâu về.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 105.
Bấy giờ Vua quan nhà Minh chú tâm chờ đợi kết quả về giải pháp chiêu dụ, tỏ ra thụ động tiêu cực. Ngược lại phía nghĩa quân, lợi dụng thời cơ vị Vua hiếu chiến Minh Thái Tông mới mất, Vua kế vị lúng túng, bèn tích cực hoạt động. Theo lời khuyên của Thiếu úy (11) Lê Chích, Bình định vương chuyển quân sang Nghệ An; cùng lúc vào ngày 20 tháng 9 [12/10/1424] một cánh quân hạ được đồn Đa Căng (12):
“ Vương đóng quân ở Lư sơn, nhóm họp các tướng hỏi về sách lược tiến thủ, nên đánh thành nào trước. Thiếu úy Lê Chích thưa:
‘Nghệ An là nơi hiểm yếu: đất rộng, người đông, tôi đã từng qua lại Nghệ An, nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta nên trước hãy nên đánh lấy Trà Long, chiếm giữ bình định cho được Nghệ An để làm chổ đất đứng chân, rồi dựa vào đấy mà lấy tiền tài sức lực, sau sẽ quay cờ trẩy ra Đông Đô thì có thể tính xong được việc dẹp yên thiên hạ’
Vương khen là phải. Liền đó kéo quân ra phía nam, đánh úp đồn Đa Căng: Lương Như Hốt, tham chính bên Minh, thua chạy. Ta chém chết địch và bắt được của địch vô kể.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 13.
Cùng thời kỳ, Vua tiến quân sang Nghệ An, chiến thắng tại Bồ Lạp (13) giết viên Đô chỉ huy Trần Trung. Sử Trung Quốc công nhận Trần Trung tử trận vào ngày 15 tháng 9 [ 7/10/1424] tại Thanh Hóa, sự sai lầm về tên đất do bởi huyện Quì Châu giáp Thanh Hóa, nhưng thực sự thuộc Nghệ An. Sau đó nhà Vua tiến quân đến Trịnh Sơn thuộc huyện Con Cuông, phía nam châu Trà Lân do Tri phủ Cầm Bành quản lãnh; cắt đứt tiếp viện từ thành Nghệ An với châu này:
“Vua chọn đinh tráng, sửa khí giới, rèn bộ ngũ, chứa sẳn lương khô, tiến thẳng vào Nghệ An. Khi qua núi Bồ Lạp thuộc châu Quỳ, thì gặp tên Chỉ huy đồng tri nhà Minh là Sư Hựu cùng viên thổ quan là Tri phủ châu Trà Lân Cầm Bành đem 5.000 quân đón ở phía trước, lại có các tướng Minh Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Thái Phúc đem quân tiếp đến uy hiếp mặt sau. Trời sắp tối, vua bèn phục sẵn binh tướng trong rừng. Bọn Phương Chính đến, vua tung quân ra đánh. Quân Minh tan vỡ lớn. Ta chém được Đô ty Trần Trung và hơn hai nghìn thủ cấp quân giặc, bắt được hơn một trăm cổ ngựa. Quân Minh tháo chạy. Hôm sau, quân ta tiến đến trang Trịnh Sơn (14) , châuTrà Lân (15), gặp Sư Hựu ở đó, lại cả phá chúng, chém được thiên hộ Trương Bản và hơn nghìn quân giặc. Hựu chỉ chạy thoát thân mình. Vua dẫn quân đến sách Mộc. Bọn Trần Trí đuổi theo đến núi Trạm Hoàng, nhưng vì đã nhiều phen bị thua đau, không dám tiến sâu, lui về giữ thành Nghệ An.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 13a.
Minh Thực Lục chép trong trận giao tranh vào ngày 15 tháng 9, Đô chỉ huy Trần Trung tử trận:
“Ngày 15 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [ 7/10/1424].
Ngày hôm nay Đô chỉ huy Đồng tri Trần Trung tại Giao Chỉ, đánh giặc bị thiệt mạng.
Trung người đất Lâm Hoài, xuất thân từ Phó Thiên hộ vệ Khoan Hà; thời Tĩnh Nạn có công được thăng chức Chỉ huy Đồng tri vệ Tuy Đức. Rồi có tội bị đày làm lính tại Quảng Tây, bèn theo quan Tổng binh đánh Giao Chỉ. Tại chợ Cá Chiêu , khiêng thuyền nhỏ vào sông, đánh úp thủy trại của Lê Quý Ly, lại theo Hoành hải Tướng quân đánh thành Đa Bang, liều thân leo lên thành, nên được phục chức Chỉ huy Đồng tri Tả vệ Giao Châu. Trung cùng quan quân lập thành tích trong các trận tại ải Hàm Tử, các cửa biển, những trận thủy chiến tại Yên Mô, Hải Dương, chém và bắt được rất nhiều. Lại theo đại quân lập công đánh bại giặc tại Kỳ La, cửa biển Hà Hoa, núi Côn Truyền; nơi mà bọn cha con giặc họ Lê, Trần Quí Khoáng, Nguyễn Súy bị bắt, nên được thăng chức Chỉ huy Đồng tri Giao Chỉ. Tiếp tục đánh tại châu Ðông Hồ bắt được Đại tướng quân ngụy Ngô Trung. Đến nay bọn giặc Lê Lợi đánh phá Thanh Hóa, Trung giao chiến bị trúng đạn tử trận. Được tin triều đình sai bộ Lễ chiếu theo điển lệ cấp tuất rất hậu.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 103 )
Tháng 11 [21/11-20/12/1424], Vua sai người chiêu dụ Cầm Bành tại thành Trà Lân, huyện Tương Dương, Nghệ An; nhưng Bành không theo, bèn mang quân bao vây:
“Mùa đông, tháng 11, vua sai người chiêu dụ Cầm Bành. Bành cự tuyệt không theo, mình hắn cùng với hơn ngàn quân lên dựng rào lũy trên đỉnh núi để đón quân cứu viện. Vua đem quân tới bao vây.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 13b.
Tháng chạp, Sơn Thọ đưa trả lại Sứ giả Lê Trăn bị bắt năm ngoái, để cầu hòa. Tương kế tựu kế, nhà Vua hồi đáp rằng muốn theo lời yêu cầu trở về Thanh Hóa nhận chức, nhưng bị Cầm Bành chặn đường không về được. Phía Minh cho người sai Cầm Bành giảng hòa; Cầm Bành thấy quân Minh không chịu yểm trợ, nên đành ra hàng. Sau khi quân ta chiếm thành Trà Lân, Vua Lê Lợi vẫn không chịu trở về Thanh Hóa; phía Minh viết rằng mắc mưu, bèn mang đại quân ngược dòng sông Lam rửa hận. Quân Minh bị phục kích thua to tại Bồ Ải, huyện Anh Sơn; bèn tháo chạy trở về thành Nghệ An:
“Tháng 12 [21/12/1424-19/1/1425], Sơn Thọ nhà Minh sai Nguyễn Sĩ đưa trả Lê Trăn để cầu hòa. Bọn Phương Chính, Sơn Thọ đến Nghệ An, muốn cứu Cầm Bành nhưng không dám tiến quân, bèn sai người đem thư xin vua giải vây cho Bành. Bấy giờ, Cầm Bành cố thủ, vây đã hơn một tháng chưa lấy được, lại nghe tin quân cứu viện tới. Vua gọi các tướng lên bảo rằng:
‘Cầm Bành đang nguy khốn, bọn Chính đáng lẽ phải cấp tốc cứu viện, nay lại dùng dằng, hẳn là có ý lo sợ. Chi bằng ta giả cách cho hòa để xem tình thế ra sao, tin đi tin lại mất hàng tuần hàng tháng, thì Cầm Bành lúc ấy chắc đã bị bắt rồi’.
Vua bèn viết thư để trên bè cho thuận dòng trôi xuống. Trong thư vua nói thác là vẫn muốn theo lời thỉnh cầu của họ, trở về Thanh Hóa. Nhưng lại bị Cầm Bành chặn đường, nếu có lòng thương thì xin cho một người tạm đến hòa giải để thông đường về. Bọn Chính nhận được thư, sai Trần Đức Nhị chạy đến bảo Cầm Bành hòa giải, Cầm Bành biết là viện binh không đến, mở cửa thành ra hàng, Châu Trà Lân đã dẹp yên. Vua ra lệnh cho quân rằng:
‘Cầm Bành đã đầu hàng, chớ có mảy may xâm phạm, tha tội cho tất cả, không được giết một người nào’.
(Sau Cầm Bành mưu phản, vua giết chết). Vua vỗ về an ủi các bộ lạc, khao thưởng các tù trưởng. Tuyển chọn đinh tráng bổ sung quân ngũ được 5 nghìn người, thế quân càng mạnh. Quân Minh nghe tin Cầm Bành đã hàng, liền quay lại đánh trại Trà Lân. Vua lại đánh phá được. Vua muốn đánh thành Nghệ An, nhưng chưa biết tình thế ra sao. Gặp khi vua Minh mới lên ngôi, sai nội quan Sơn Thọ dùng lời lẽ quỷ quyệt để dụ dỗ vua. Vua biết dụng ý của chúng liền nói:
‘Giặc sai ngươi đến lừa ta, ta nhân chỗ sơ hở của chúng mà lừa lại, chính là dịp này đây’.
Rồi lại trao đổi đi lại với giặc, trinh sát tình hình của chúng để mưu đánh úp thành Nghệ An. Bọn Thọ biết là mưu kế của chúng không đánh lừa nổi, mới lại đoạn tuyệt không cho sứ đi lại nữa. Bấy giờ vua chấn chỉnh binh tượng, tiến quân bao vây thành Nghệ An. Quân sắp đi, vừa lúc có tin báo quân Minh đã sắp đặt voi ngựa, thuyền bè, tiến quân cả hai đường thủy và bộ, định ngày mai sẽ tới. Vua chia hơn 1.000 quân, cho bọn Lê Liệt đi đường tắt đóng giữ huyện Đỗ Gia (16). Vua đích thân chỉ huy đại quân giữ chổ hiểm yếu để chúng. Được ba bốn hôm, quân Minh quả nhiên đến quán Lậu và cửa Khả Lưu (17) , bày doanh trại ở hạ lưu. Vua ở thượng lưu, ban ngày dựng cờ đánh trống, ban đêm thì đốt lửa sáng trưng. Nhưng ngầm sai binh tượng vượt sông, phục sẵn ở chổ hiểm yếu. Trời gần sáng, giặc liền đem quân đến đánh dinh vua. Vua giả vờ rút lui, dẫn giặc tới chổ có quân mai phục. Giặc không để ý, đem quân tiến vào sâu, quân mai phục bốn mặt nổi dậy, xông ra đánh phá. Quân giặc bị chém đầu và chết đuối tới hàng vạn tên. Hôm sau, giặc liền dựa vào thế núi, đắp hào lũy để ở, không ra đánh nữa. Bấy giờ lương thực của giặc có rất nhiều mà quân của vua thì không đủ lương ăn cho 10 ngày. Vua nói với tướng sĩ:
‘Giặc cậy có nhiều lương, cố thủ để làm kế lâu dài, ta lương ít không thể cầm cự dài ngày với giặc’.
Rồi đốt cháy doanh trại, ngược dòng sông giả cách trốn đi, nhưng lại ngầm đi đường tắt trở về, đợi giặc đến thì đánh. Quân Minh cho là vua đã chạy, mừng lắm, bèn tiến quân vào đóng ở doanh trại cũ của vua, lên núi đắp lũy. Ngày hôm sau, vua cho quân tinh nhuệ ra khiêu chiến. Giặc đem quân ra ngoài lũy để đánh. Vua phục sẵn ở Bồ Ải [huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An] (18), giữa nơi hiểm yếu. Giặc lại không ngờ tới, đem hết quân ra đánh. Vua bèn tung phục binh xông vào trận giặc. Bọn Lê Sát, Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An tranh nhau nên trước phá quân giặc, chém đầu giặc không sao kể xiết. Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi. Ta bắt sống Đô ty Chu Kiệt, chém tướng tiền phong là Đô ty Hoành Thành, bắt sống hàng nghìn tên giặc. Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An. Vua thừa thắng đuồi dài suốt 3 ngày, đến tận dưới chân thành. Bọn Trí vào thành cố thủ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 13b.
Thua trận tại Nghệ An triều đình nhà Minh qui tội cho Trần Trí, Phương Chính, Sư Hựu, Trương Hùng; nhưng xét Chính là một dõng tướng, nên vẫn lưu giữ chức. Sử Việt chép về việc này như sau:
Nhà Minh sai Cẩm y vệ xá nhân sang bắt bọn Phương Chính và Sư Hựu về kinh, vì bị thua trận ở châu Trà Lân. Hựu đi đến giữa đường uống thuốc độc chết, Phương Chính vẫn được làm Đô đốc đồng tri, gia chức Tham tướng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 13b.
Riêng quân Minh tại thành Nghệ An, sau khi thất trận tại Bồ Ải thuộc huyện Anh Sơn; hoàn toàn bị cắt đứt với châu Trà Lân thuộc huyện Tương Dương phía bắc, nên không rõ việc châu Trà Lân đã mất. Nên trong chỉ dụ giáng trách, chỉ đàn hặc Trần Trí, Phương Chính tội đánh chậm nuôi dưỡng giặc mà thôi:
“Ngày 19 tháng giêng năm Hồng Hy thứ nhất [7/2/1425]
Giáng sắc khiển trách nặng nề Tham tướng Giao Chỉ Vinh xương bá Trần Trí, Đô đốc Phương Chính tội đánh chậm dưỡng giặc; lệnh sửa đổi sai lầm, tự phấn đấu. Lại mệnh cùm giải Đô chỉ huy Sư Hữu, Trương Hùng về kinh đô giam cấm; thể theo lời Giám sát Ngự sử, hặc tội bọn này tham bạo làm sai luật rất nhiều.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 108)
Sau khi thua trận Bồ Ải tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; bọn Phương Chính chần chừ không dám ngược dòng sông Lam tiến công, Vua bèn gửi thư khiêu khích:
“Thư trả lời Phương Chính.
Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương, việc ấy trời đất không dung, người mà đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua. Thế mà không biết trước tự cải quá, lại còn bới bẩn cho thêm thối, hối sao cho kịp được! Huống chi bây giờ nước mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc, thế không thể chịu lâu được. Nay mày chỉ nắm đại binh mà nấn ná không tiến, khiến quân lính nhiễm lam chướng dịch lệ mà chết, đó là tội ai? Binh pháp có nói; “Kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch nhiều”. Nay mày muốn đánh, thì nên tiến quân giao chiến, để quyết sống mái, đừng làm khổ cho quân sĩ hai nước làm gì.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a5)
Phương Chính nhận được thư, đòi Vua Lê mang quân về miền xuôi, chọn chỗ đánh nhau tại vùng đồng bằng đất phẳng; nên có thư trả lời sau đây:
“Lại thư trả lời Phương Chính
.Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể người dùng binh giỏi thì không có đâu là hiểm, đâu là không hiểm, không có đâu là dễ, đâu là không dễ. Thắng hay phụ ở tướng, chứ không ở đất hiểm hay dễ. Vào chỗ hiểm mà dánh nhau không khác gì hai con hổ đánh nhau ở trong thung lũng, giỏi thì được, vụng thì thua. Bởi vậy, đất không có bình thường nhất định, trận không có thế thường nhất định. Mày nếu không lui, thì phải đem binh ra mà quyết chiến thôi.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a6)
Bấy giờ Hoạn quan Mã Kỳ tung tin rằng y lại được đưa sang An Nam lấy vàng, bạc, châu báu. Sử Trung Quốc chép thêm rằng ý Vua Nhân Tông không muốn cho y sang, nhưng lại không nói thẳng ra:
“Nhà Minh ra lệnh cho bọn Mã Kỳ lại sang lấy vàng bạc, châu báu và hương liệu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 15b.
“Ngày 9 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [ 29/11/1424 ]
Thiên tử dụ Hàn lâm viện về việc Nội quan Mã Kỳ tung tin lại được sang Giao Chỉ quản lý vàng, bạc, trân châu, hương liệu. Lúc bấy giờ Kỳ mới bị triệu về chưa được bao lâu, Hàn lâm viện lại tâu về việc Mã Kỳ được chấp thuận sang lần nữa; Thiên tử nghiêm mặt nói:
“ Trẫm làm sao có thể nói chấp thuận cho y sang! Y trước đây tại Giao Chỉ làm hại quân dân, từ đó dân theo về một phía để mong cởi bỏ sự khốn khổ; vậy làm sao còn sai đi! Nếu Trẫm sai đi thì không những chiếu thư không còn được tin tưởng nữa, mà lại làm hỏng cả việc lớn. Y gần đây ở trong cung, cầu xin trăm cách; bọn tả hữu đều tâu cho y sang lần nữa sẽ có lợi cho nước; Trẫm không đáp. Các khanh phải hiểu Trẫm ý.”
Do đó lệnh được hủy bỏ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 106)
Lúc Vua Nhân Tông lên ngôi, thấy Hoàng Phúc tuổi cao, lâu năm khó nhọc nơi cõi ngoài; bèn ban chiếu chỉ gọi về nước:
“Ngày 3 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [ 25/9/1424]
Thượng thư bộ Công Hoàng Phúc, cầm đầu ty Bố chánh và Án sát Giao Chỉ, được triệu về. Sắc rằng:
“ Khanh là bậc lão thành của đất nước, khó nhọc nơi cõi ngoài, Trẫm nghĩ đến không quên, muốn được gặp khanh ngay. Khanh hãy về kinh đô mau, để đáp ứng sự chờ đợi. Sắc Tham tán quân vụ Thượng thư bộ Binh Trần Hiệp thay Hoàng Phúc cầm đầu hai ty Bố chánh, Án sát; vẫn kiêm Tham tán quân vụ. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 101)
Sử Việt cũng chép tương tự:
“Nhà Minh cho gọi Công bộ thượng thư nắm việc hai ty Bố chính và Án sát ở Giao Chỉ là Hoàng Phúc về nước. Tờ sắc viết: "Khanh là bậc lão thành của nước, khó nhọc lâu ở ngoài, trẫm mong nhớ khôn khuây, muốn được trông thấy mặt ngay. Thấy sắc tới thì khanh đi trạm mau về kinh để thỏa lòng trẫm mong đợi. Còn vợ con thì sai phu trạm đưa về sau". Nhà Minh lấy Binh bộ thượng thư Trần Hiệp sang trấn giữ, kiêm coi việc hai ty Bố chính, Án sát và giúp đỡ việc quân chính cho tổng nhung.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 12a.
Ngoài cuộc khởi nghĩa của Vua Lê Lợi; trong năm Bình Định Vương thứ 7 [1424], tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang Đinh Sĩ Nguyên nỗi lên đánh phá; Vinh dương bá Trần Trí sai tướng đánh bắt:
“Ngày 1 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [ 1/3/1424 ]
Giặc Giao Chỉ Ðinh Sĩ Nghiêm tụ tập đám đông cướp phá huyện Lục Na huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Tham tướng Vinh Dương bá Trần Trí sai hữu vệ Giao Châu Chỉ huy Thiêm sự Trần Lân mang binh đánh, bắt được.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 101)
Năm này các quan lại Trung Quốc và cả người Việt cống các sản vật quí sang nhà Minh, chiếu theo thời gian xin liệt kê các văn bản như sau:
“Ngày 23 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [ 22/4/1424 ]
Bọn Nguyễn Tông Dương, Tri huyện An Ninh, Giao Chỉ cống vật dụng bằng bạc, lụa quyên của dân bản xứ. Ban cho áo lụa, cùng tiền giấy, lụa nõn trong ngoài có sai biệt.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 96)
“Ngày 17 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [ 9/9/1424 ]
Bọn Phán quan Triệu Phúc Năng thuộc châu Thất Nguyên, Giao Chỉ cống ngựa. Ban cho tiền và lụa có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 98)
“Ngày 3 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 22 [ 25/9/1424 ]
Tham tướng Giao Chỉ Vinh dương bá Trần Trí cống hươu đen.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 100)
“Ngày 17 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [ 7/11/1424 ]
Bọn Thổ quan Hoàng đình Mãn tại các huyện như Thanh Oai thuộc Giao Chỉ, cống sản vật địa phương. Ban cho tiền giấy có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 105)
Chú thích
1.Quyên: Lụa mộc, lụa sống.
2.Tô mộc: Cây dùng làm thuốc Bắc.
3.Quân Trung Từ Mệnh Tập là tác phẩm tập hợp những văn thư do danh thần Nguyễn Trãi soạn thay Vua Lê Lợi. Nội dung phần lớn là những thư từ giao dịch với tướng lãnh nhà Minh. Tư liệu lấy từ trang mạng Dựng Nước, Giữ Nước. Trang mạng này sưu tầm từ 2 nguồn, gồm:
-46 bài trong Nguyễn Trãi Toàn Tập; khi trích dẫn chúng tôi đánh số từ a1 đến a46.
-23 bài do học giả Trần Văn Giáp mới phát hiện, lúc sử dụng đánh số từ b1 đến b23.
4.Đỗ Phú người Hào Lương ở gần Lam Sơn, là một tay sai đắc lực của quân Minh. Hắn giữ chức Tri huyện, đã dẫn đường đưa quân Minh theo lối tắt đánh lên đánh úp nghĩa quân, lùng bắt gia thuộc của Lê Lợi và của nhiều nghĩa quân, quật mồ mả tổ tiên của Lê Lợi.
5.Tinh vệ là một loài chim ở bờ biển. Tương truyền rằng: con vua Viêm Đế ngày xưa bị chết đuổi ở bờ biển hóa thành chim tinh vệ hay còn gọi là “chim oan” (oan cầm). Chim ấy cứ cắp gỗ đá ở núi Tây về lấp biển. Vì vậy, “chim tinh vệ lấp biển” có ý nghĩa ví với người bị oan ức, quyết tâm trả thù.
6.Đặng Vũ: Thời Hậu hán, quân nỗi dậy Xích Mi vào cửa quan, định đánh phá Trường An, bọn Vương Khuông chống cự không nổi. Vua Quang Vũ lấy Đặng Vũ làm tiền tướng quân đi đánh Xích Mi. Đặng Vũ hết sức dụ dỗ, chiêu hàng được một số quân Xích Mi.
7.Hoàng Bá giữ chức Thái thú đời Hán được coi là người khoan hòa, nhân chính.
8. Kê Khang (có lẽ là Kê Thiêu con Kê Khang). Tấn Vũ đế với Kê Thiệu cho làm Bí thư lang. Sau Triệu Vương Luân cướp ngôi Vua, cho Thiệu làm Thị trung. Đến lúc Huệ đế lại về làm Vua, Thiệu vẫn giữ chức ấy. Khoảng niên hiệu Vĩnh Hưng, bọn Hà gian vương khởi binh, Thiệu theo Vua đi đánh ở Đãng Âm, thị vệ tan chạy, duy Thiệu lấy thân che đỡ cho Vua, không may bị hại ở cạnh Vua, máu bắn vào áo Vua. Khi việc đã yên, tả hữu muốn giặt áo Vua, Vua bảo rằng: “Đây là máu trung của Kê Thị trung, đừng giặt”.
9.Quan Vũ: Thời Tam quốc, Quan Vũ theo Lưu Bị,, khi giữ Hạ Bì, bị Tào Tháo bắt được, Tháo đối đãi rất hậu cho làm Thiên tướng quân. Sau Viên Thiệu đánh Tháo, Vũ chém dũng tướng của Thiệu là Nhan Lương để báo ơn Tháo, rồi chạy về với Lưu Bị. Sau Tháo bị thua trận Xích Bích chạy đến Hoa Dung, gặp Vũ chặn đón ở đấy, Tháo bảo Vũ rằng việc Vũ qua năm cửa quan chém sáu tướng của Tào để đi thoát thì chưa thấy báo. Vũ bèn quay ngựa về, nhờ vậy Tháo chạy được thoát.
10.Quân hai nước ở đây là quân Minh người Trung quốc và ngụy binh người nước ta do nhà Minh tổ chức để đàn áp nghĩa binh.
11.Thiếu úy: Một chức quan võ cao cấp hồi đầu Lê.
12.Đồn Đa Căng: có lẽ là Bất Căng, thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Đồn này nằm trên hữu ngạn sông Chu.
13.Bồ Lạp: là tên núi, cũng gọi là Bồ Cứ, Bồ Đằng, là một ngọn núi ở xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Nhân dân địa phương thường gọi là Bù Đờn và phía đông bắc có một bản nhỏ gọi là Bản Liệp. Vùng này nay thuộc xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
14.Trang Trịnh Sơn: là Kẻ Trịnh, nay thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, cách thành Trà Lân (hay Trà Long) hơn 10 km.
15.Châu Trà Lân: hay Trà Long, là đất huyện Con Cuông, Tương Dương, tỉnh Nghệ An ngày nay, đời Trần là đất Mật Châu, đời Nguyễn gọi là phủ Tương Dương.
16. Đỗ Gia: nay là đất huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; tại nơi này có làng Đỗ Xá, có lẽ là nơi đóng quân của Lê Liệt.
17. Khả Lưu: là tên một cửa ải xưa, ở phía bắc sông Lam, thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
18. Bồ Ải: Là một địa điểm ở về phía trên ải Khả Lưu, cách Khả Lưu không xa. Hiện nay, ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An có khe Ải đổ ra sông Lam và ngọn núi thấp ở đây cũng có người gọi là Bù Ải; có lẽ đó là Bồ Ải xưa kia.