Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
518
123.133.376
 
Thầy Quàng A Lý
Hoàng Xuân

 

 

Cái nắng đầu mùa trên mãnh đất “chang chang cồn cát” đã khá bỏng rát, ngợp sắc vàng và hanh hao gió. Trong căn nhà nhỏ nép mình dưới những dãy nhà cao tầng, thầy đang chơi đùa với đứa cháu ngoại vừa tròn 6 tháng tuổi. Con bé thứ 6 nhà thầy vừa tròn vừa xinh, ngày nào còn ngây ngô mà nay đã có chồng con. Trong câu chuyện miên man với tôi về cuộc sống, vẫn hằn in trên trán thầy những nếp nhăn đầy trắc ẩn.

 

Sau khi học xong Đại học sư phạm Ngữ văn, với tấm bằng loại ưu, sinh viên Quàng A Lý được trường ĐHSP Vinh giữ lại làm giảng viên. Sau đó trường CĐSP Đà Nẵng xin rút vào, đây là một niềm vinh dự lớn của thầy A Lý và gia đình. Đó cũng là giấc mơ của khối người sau những ngày miệt mài học tập trên giảng đường đại học. Một chàng trai có dáng người thanh mảnh, giọng nói xứ Ròon pha lẫn chút giọng Bắc, có nụ cười duyên nên được rất nhiều nữ sinh yêu mến. A Lý đã lọt vào tầm ngắm của nhiều em sinh viên khoa Ngữ văn, vốn có trái tim dễ rung động và tâm hồn nhạy cảm. Nhưng với tình yêu mãnh liệt của cô gái ở quê nhà đang ngày ngày tha thiết mong ngóng chàng về, đã không làm A Lý nao núng, ngả nghiêng trước những vẻ đẹp mĩ miều của các nữ sinh nơi phố thị. Vậy nên, sau gần 5 năm làm giảng viên, thầy A Lý quyết định trở về quê hương lấy vợ và bỏ luôn cánh cửa giảng đường đang rộng mở, để rồi phải lăn lộn khắp nơi xin làm ông giáo làng. Thế rồi thầy cũng được ngành đón nhận. Nhưng sau khi lấy vợ, vợ thầy - một cô gái hiền lành, đẹp người đẹp nết song không có việc làm, lần lượt các đứa con ra đời và người vợ phải bươn chải nuôi nấng. Vật lộn với cuộc sống bao khó khăn, cực nhọc, với đồng lương nhà giáo chật vật, ít ỏi không thể đủ để trang trải cuộc sống. Năm 1991 thầy A Lý đã có một quyết định táo bạo tiếp theo trong cuộc đời, đó là tiếp tục bỏ nghề dạy học, tăng gia nuôi lợn, phụ giúp với vợ con để trang trải cuộc sống. Cái đồng lương chưa đến chợ đã hết của nhà giáo lúc bấy giờ, đã làm cho nhiều thầy cô không thể bám trụ nổi với nghề. Dù yêu, dù tâm huyết với nghiệp cũng không đủ để níu kéo nhiều tâm hồn ở lại đồng điệu với trẻ thơ. Câu trả lời nổi tiếng của nhà giáo Văn Như Cương với báo chí đã lay động đến tâm khảm của nhiều thầy cô một thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”: “không phải tôi nuôi lợn mà là lợn đang nuôi tôi, nhà tôi có hai tiến sĩ”. Cái thời cơ chế quan liêu bao cấp đã lấy đi của thầy giáo nhiều thứ, trong đó có những thứ của thầy A Lý. Thầy tâm sự: “Năm 1993 mình rất may mắn vợ sinh được đứa con út là con trai. Đây là sự động viên an ủi rất lớn mà cuộc đời mình tưởng như không bao giờ có được”.

 

Thế rồi, năm 1994 cái nghiệp đã bao năm gắn bó lại trỗi dậy trong thầy, và quyết định tìm trường hợp đồng để đi dạy trở lại. Mảnh đất Minh Hóa xa xôi đã đón nhận thầy trong niềm vui, phấn khởi của nghiệp trồng người vào một buổi chiều cuối thu đầy giông gió bằng một quyết định hợp đồng thời vụ. Chạy ngược, chạy xuôi rồi cuối cùng đến năm 1995 thầy lại được ngành giáo dục tuyển vào biên chế chính thức. Lần thứ hai thầy được hồi sinh với nghề, với nghiệp, với những ánh mắt thơ ngây của bao cô cậu học trò thời chuyển dần từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Cuộc sống với bao nỗi gian truân vất vả rồi cũng dần qua đi theo năm tháng. Các con của thầy cũng ngày một lớn khôn, đứa lập gia đình, đứa theo đuổi sự học, cũng có đứa đang mơ ước theo nghiệp trồng người của cha. Những năm sau ngày được vào biên chế lại với ngành giáo dục, thầy được cấp trên ưu ái cho về dạy ở trường làng. Tưởng mọi chuyện sẽ đi vào ổn định, nhưng không, đồng lương của nhà giáo giai đoạn cuối của thập niên 90 thế kỉ XX vẫn không đủ để người thầy trang trải cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt khi đứa con trai út đã lớn khôn, học giỏi và ngày càng có chí hướng thì người cha lại phải tiếp tục hi sinh bản thân mình. Trải qua những cuộc bể dâu như thế, năm 2004 thầy đã lại quyết định viết đơn xin cấp trên chuyển thầy đi công tác xa nhà theo tiếng gọi thiêng liêng của trái tim và tình người. Mảnh đất Quảng Hợp nơi địa đầu phía bắc của tỉnh Quảng Bình đã đón thầy trong một ngày đầy mưa và hun hút gió. Trong câu chuyện thân tình với thầy, tôi hỏi: “Động lực nào đã thúc giục thầy lên với vùng cao này?”. Thầy đã không ngần ngại mà rằng: “Sự học của con em nơi miền sơn cước đang rất cần những người thầy, và đó chính là động lực giúp thầy vượt qua mọi rào cản để đến đây”. Tôi phân bua: “Thế dì ở nhà có nói gì không?”. Giọng nói có phần chùng xuống, cái giọng Cảnh Dương cứ bè bè theo từng câu chữ: “Lúc đầu em ấy không cho, vì vừa xa nhà và nơi ấy còn nhiều khó khăn, nhưng cái ngăn cản lớn nhất là hằng ngày vợ phải sống xa chồng, cha xa các con, cứ nhớ nhớ thương thương làm sao ấy”.

 

Hai từ “em ấy” đã làm tôi hơi chùng giọng, bởi cái tuổi của hai người đã có cháu ngoại. Nhưng tình yêu của họ cũng phải đáng khâm phục, cho đến giờ ở gần tuổi 70 vẫn xưng hô bằng anh, bằng em một cách đầy yêu thương, trìu mến. Thế rồi, thầy đã gồng gánh đưa dì lên ở khu nội trú của trường và phần nào làm vơi bớt những khó khăn của anh em trong khu tập thể. Hai vợ chồng thầy quyết định nấu ăn sáng, trưa, chiều cho anh em trong khu nội trú nhà trường. Khu nội trú vui hẳn lên khi giọng nói, tiếng cười hòa cùng tiếng gió giữa núi rừng nơi miền biên viễn làm rộn lên hơi ấm tình người.

Với đồng lương gấp đôi miền xuôi do thầy được hưởng chế độ phụ cấp thu hút theo NĐ135, phần nào đã động viên được ý chí và nghị lực của vợ chồng thầy A Lý. Mấy đứa con ở nhà cũng bớt được cảnh chật vật hơn, 4 đứa sau tất cả đều được đến trường và học hành chăm chỉ. Cái khó, cái cực đã dần qua đi sau những tháng ngày thầy lên làm bạn với núi rừng, với đồng nghiệp trẻ và với những đàn em thơ chân chất, thật thà nơi gió ngàn. Từ chiếc xe đạp cà tàng, một năm sau ngày lên Quảng Hợp, thầy đã mua được chiếc xe máy mới. Có xe máy, phần nào đi lại được thuận tiện hơn, vơi bớt những khó khăn ban đầu.

 

Với thầy A Lý, gian truân vẫn chưa hết bởi đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của thầy lại chưa đủ, mới chỉ được 15 năm. Thế rồi, năm 2010 thầy chỉ được nhận chế độ về một lần và mãi mãi không có lương hưu. Một đời lận đận với nghề, với nghiệp, với những thăng trầm của cuộc sống. Thầy đã có tổng cộng 30 năm công tác trong ngành giáo dục, nhưng cuối cùng hằng tháng vẫn không được nhận lương hưu, đó là một sự mất mát quá lớn đối với thầy, với một người suốt đời theo đuổi nghề dạy học và nghiệp trồng người.

Với đồng tiền hưởng chế độ một lần rồi cũng mòn mỏi theo tháng năm, theo cuộc sống vốn nhiều lo toan, khi chàng con trai của thầy đã trưởng thành và tìm hướng lập nghiệp cho riêng mình. Thầy lại tiếp tục đưa ra những quyết định mới, đó là theo đứa con trai Quàng A Đạt vào “thành phố đáng sống” Đà Nẵng để xin làm bảo vệ ở một công nọ, nhằm kiếm tiền vừa trang trải cuộc sống, vừa nuôi A Đạt ăn học Đại học ngành Kinh tế. Thế là lần thứ hai thầy được sống trên đất Đà Nẵng, và lần này với cương vị khác, không là giảng viên, mà trở thành một vệ sĩ bảo vệ sự bình yên cho một doanh nghiệp. Với mức lương đủ sống, sống trên thành phố ven sông Hàn thơ mộng, cộng với sự lăn lộn của một người ngoài tuổi 60 nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thầy đã nuôi A Đạt ăn học 2 năm, cũng là thời gian thầy gần gũi để có điều kiện dạy bảo. Sau hai năm sống trên đất Đà Nẵng, tại quê nhà cái tên Fosmusa khá nổi với các chính sách đãi ngộ cho người lao động, thầy Lý lại tất tả xin được một chân bảo vệ. Vòng quay cứ thế thêm hai năm, rồi cũng dìu A Đạt vượt qua 4 năm đại học thành công và em đã lớn khôn, trưởng thành. Học xong, với ý chí và lòng quyết tâm, A Đạt cũng được một doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn thành phố đón nhận vào làm việc. Mọi ước muốn, mong mỏi của thầy A Lý ngày nào đã thành hiện thực. Cái tên đứa con trai út cũng do thầy đặt cho nó với một mong muốn lớn lao, và rồi cuộc sống lúc vào đời của nó cũng một phần do thầy lo liệu.

Trong căn nhà nhỏ gọn gàng, ngăn nắp đang hể hả với tôi về chuyện đời, vợ của thầy rót nước mời khách, tôi thấy trong mắt thầy ánh lên những tia hi vọng và những niềm vui không nói được bằng lời. Thầy kể:

- A Đạt giờ đã có việc làm ổn định, lương đủ sống và có gửi về phụ giúp vợ chồng mình, nổi khổ ải của thầy gần như đã qua. Hiện nó đã lấy vợ và có một đứa con trai, đặt tên là Quàng A Phúc. Con bé thứ 4 cũng đã có việc làm ổn định và là cô giáo dạy tiểu học tại quê nhà. Hai đứa con gái thứ 5 thứ 6 nay đã có công việc và cuộc sống riêng ở Sài thành. Tất cả thầy có 3 đứa theo nghiệp trồng người. Được nói thêm là, ngoài thời gian trong ngành giáo dục, thầy đã có thời gian gần 5 năm trong quân ngũ. “Đó là khoảng thời gian đầu sau khi học đại học, mình tạm thời xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc”, thầy kể. Thành ra, đây là khoảng thời gian đẹp nhất mà A Lý có được ở cái tuổi 18, đôi mươi. Vừa được cống hiến, vừa được tôi luyện bản lĩnh của một người chiến sĩ cách mạng trong quân ngũ. Tôi cố nén đi những xúc động, chạm nhau ly nước chè xanh còn nóng hổi, tôi bắt chuyện: “Chiếc xe máy ngày nào ở Quảng Hợp bây giờ thầy để ở đâu?”

Sau một hớp nước chè xanh, thầy A Lý kể: “Ngày mới rời nhà trường, về chế độ một lần, lúc ấy chưa nhận được chế độ mà em Đạt đã thi đỗ Đại học. Vậy nên mình đã quyết định bán nó để có tiền phụ giúp em Đạt được đến trường nhập học”. Nói đến đây, mắt tôi cay cay, lòng cứ chợt nghĩ vu vơ, chưa biết phân bua thế nào.

Hàn huyên từng câu chuyện đời, chuyện nghề, trời cũng đã xế chiều, bóng nắng loang lổ giữa hiên nhà xen lẫn với từng tán cây quanh nhà. Ngoài kia tiếng biển chiều ru nhè nhẹ, chút gió mơn man quyện vào tiếng sóng, chúng tôi ôm nhau đầy nhung nhớ và hẹn ngày tái ngộ. Trước lúc chia tay, tôi đã kịp tặng thầy A Lý tập thơ XUÂN ĐƯỜNG THI của CLB Đường thi sông Gianh mà trong đó có những bài thơ của tôi. Trong cuộc gặp còn dang dở ấy, thầy và người vợ thân yêu của mình dường như chưa muốn tôi rời đi, bởi trong thầy vẫn còn nhiều điều để tâm sự, sẻ chia. Thầy đã tiễn tôi ra tận bờ biển, trên bãi biển chiều gió hiu hiu thổi, từng con sóng nhấp nhô, từng ngọn gió vẫn lay khẽ, ánh mắt thầy nhìn xa xăm về phía biển “có những chiều êm ả thầy vẫn xin theo ra biển buông câu thả lưới kiếm vài con cá, con tôm”. Tôi chia tay thầy với lòng đầy lưu luyến, hẹn ngày tái ngộ.

 

 

 

Hoàng Xuân
Số lần đọc: 452
Ngày đăng: 30.09.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 87) Trần Thị Hiếu Thảo – Nàng thơ đem trái tim tặng người yêu - Trần Dzạ Lữ
Cẩm tú cầu bên cửa - Ngô Lạp
Dọc đường văn nghệ (Phần 86) Cúc Dương – một giọng thơ nữ rất lạ của tỉnh Khánh Hòa - Trần Dzạ Lữ
Thương “gừng cay muối mặn”! - Hoàng Thị Bích Hà
Dọc đường văn nghệ (Phần 85) Đinh Hồi Tưởng – suối đó, chùa đây với niềm đan mê thi ca bát ngát - Trần Dzạ Lữ
Phía bên kia là biển… - Ngô Lạp
Những chiếc lá thu phong - Ngô Lạp
Cảm thức Lam Kinh - Phan Anh
Chuyến về đầy mong đợi. - Elena Pucillo Truong
Hơn 1 ngày rưỡi ở thị xã Lagi - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Lan man chuyện tết (truyện ngắn)
Cậu Tâm (tạp văn)
Tro (tạp văn)
Riêng (thơ)