Chúng ta thử xem xét, về mặt loại hình học, những vấn đề như dưới đây:
2.1. Đề tài
Đề tài là phạm vi thể hiện về ai (cái gì) của sáng tác. Đối với phim truyện, đề tài của nó có thể quy vào một số nhóm lớn sau:
Theo thời gian.
- Đề tài hiện tại: phản ánh cuộc sống đương thời.
- Đề tài quá khứ: phản ánh cuộc sống trước đây.
- Đề tài tương lai: phản ánh những gì thuộc tương lai (đặc biệt trong phim viễn tưởng).
Thuật ngữ phản ánh ở đây hiểu theo nghĩa rộng bao trùm cả hư cấu tưởng tượng chủ quan.
Theo địa lý - không gian.
- Đề tài trong nước: Hiện thực của nội bộ đất nước.
- Đề tài quốc tế: Hiện thực ở nước ngoài hoặc có liên quan tới nước ngoài.
- Đề tài về các vùng, miền khác nhau (như nông thôn, đô thị, miền núi...)
Theo đặc điểm nội dung phản ánh:
Trong nhóm loại hình này, đề tài của phim truyện rất phong phú và thường nằm ở những loại sau:
- Cuộc sống đương đại - hay còn gọi là đề tài hiện đại với hiện thực đa dạng của đời thường hoặc của hiện tượng đặc biệt nào đó đương thời.
- Lịch sử: phản ánh những sự kiện và con người nổi bật của lịch sử đất nước.
- Chiến tranh - cách mạng: phản ánh những sự kiện và con người trong các cuộc chiến tranh hoặc cách mạng làm nên lịch sử.
Theo đặc điểm phương thức phản ánh:
- Hiện thực: phản ánh những gì thường có, vốn có hoặc ít có những điều biểu hiện thế giới thực tại xã hội, tự nhiên và con người.
- Phi hiện thực: Đưa ra những gì siêu thực, giả tưởng, viễn tưởng hoặc chỉ là chuyện hoang đường, như dòng phim khoa học giả tưởng, dòng phim thần thoại cổ tích.
Theo giai tầng xã hội:
- Biểu hiện những nhân vật thuộc một tầng lớp xã hội nhất định, như dòng phim công - nông - binh trước đây ở Việt Nam; dòng phim về trí thức, về sinh viên, về trẻ em, về cảnh sát hoặc thanh tra đấu tranh với giới tội phạm trong các phim trinh thám - lịch sử - phiêu lưu mạo hiểm... Theo cách phân loại này, đề tài của phim luôn gắn liền với đối tượng thể hiện cụ thể của nó.
Theo đặc điểm vấn đề phản ánh:
- Đề tài có khi được gọi gắn liền với vấn đề mà nó phản ánh. Chẳng hạn đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử, chống tham nhũng, phòng chống AIDS, công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước... Những đề tài theo đặc điểm vấn đề thường làm nhấn mạnh yêu cầu riêng của đề tài để phục vụ cho nhiệm vụ tư tưởng nhất định nào đó mà người đặt hàng yêu cầu.
Từ góc độ lý luận, khái niệm đề tài của phim có ý nghĩa xác định nội dung và cả hình thức chính mà phim biểu hiện. Giúp cho người sáng tác khu biệt nội dung hình thức đó trong khai thác biểu hiện, đồng thời giúp cho hãng phim nhận biết rõ hơn sự cần thiết đặc thù mà phim sẽ sản xuất, giúp cho khán giả và người phê bình quan tâm đến đặc điểm nội dung và hình thức mà phim đề cập. Căn cứ vào đề tài đã chọn, người làm phim tập trung trí tuệ, công sức vật lực phù hợp thích đáng để khai thác chọn lựa những gì thiết yếu và hữu dụng nhất thuộc đề tài.
Đối với khán giả và người phê bình - nghiên cứu mỗi đề tài khác nhau cũng sẽ đưa lại cho họ những cảm nhận và mối quan tâm khác nhau theo đặc tính riêng của đề tài và của nội dung bộ phim cụ thể nào đó. Nhiều khi đề tài là cái chung phổ biến ở nhiều phim nhưng trong mỗi phim lại có cách biểu đạt kiến giải rất khác nhau về đề tài đó.
Chính những nét khác nhau ấy làm nên tính đa dạng của phim truyện, mang tới cho người thưởng thức những món ăn tinh thần mới lạ sinh động. Vì vậy đối với phim truyện, đề tài (ở nghĩa rộng) nhiều khi là chung, là đồng đại nhưng lại luôn phải đa dạng và sinh động, cập nhật theo lịch đại và theo từng trường hợp nội dung cụ thể của phim. Chẳng hạn, có thể có đến vài ba phim làm về cùng đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chiến thắng xuân 1975... song hiển nhiên yêu cầu đặt ra cho đề tài lớn này là các phim đó phải có những nét riêng, nét mới cũng như cách tiếp cận nghệ thuật khác nhau...
Đề tài của phim truyện là khái niệm hữu dụng cho cả người sáng tác và cả giới nghiên cứu - phê bình, người thưởng thức về nhiều khía cạnh mà ở trên là một vài gợi mở. Tuy nhiên, đề tài chỉ chi phối một số mặt nào đó đối với việc làm phim và thưởng thức phim. Điều quan trọng hơn vẫn là khả năng biểu đạt, khơi sâu những tính chất căn bản của phim truyện đối với đề tài mà bộ phim xác định. Khả năng đó, thiết nghĩ biểu hiện ở:
- Xây dựng được những hình tượng điện ảnh sống động có giá trị nghệ thuật và nhân văn cao mang tính riêng của đề tài và tính khái quát của hiện thực nói chung.
- Đặt ra (hoặc có khi giải quyết) những vấn đề quan thiết lớn lao hoặc đặc biệt của đời sống từ đề tài đã chọn.
- Mang tới những cảm xúc thẩm mỹ cao đẹp từ nội dung cụ thể riêng biệt của nội dung đề tài trong phim. Chẳng hạn, phim lấy đề tài chiến tranh nếu được làm hay, nó sẽ mang tới cho khán giả nhiều xúc động về những hy sinh cao cả của nhân vật người chiến sỹ, đồng thời hiểu sâu thêm cuộc chiến đấu vĩ đại giành độc lập tự do của nhân dân ta. Nó khác với một số phim chiến tranh non yếu từng làm, chủ yếu là ca ngợi ta thắng địch thua.
Nói tóm lại đề tài là thuật ngữ có tính chất phân loại, giúp định hướng sáng tác và cảm thụ phim được tập trung vào một đối tượng phản ánh nhất định. Đến nay việc sử dụng đề tài thường theo một số tiêu chí sau:
- Mọi đề tài đều bình đẳng, đều đáng được phim truyện khai thác biểu hiện.
- Tuỳ theo yêu cầu của công chúng và thời đại, của thị trường, mà có lúc, có thời gian, một số đề tài này, kia được ưu tiên thể hiện hơn các đề tài khác (điều này thường phổ biến với loại phim đặt hàng trong nền điện ảnh nước ta và một số nước khác).
- Cần kết hợp chặt chẽ giữa việc biểu hiện tính đặc thù của đề tài (những đặc điểm riêng nội tại của nó về cả nội dung và hình thức) với việc xây dựng các hình tượng nghệ thuật (vốn được hư cấu) sinh động, biểu hiện sâu sắc và có sức khái quát về đời sống, có sức truyền cảm nghệ thuật mạnh mẽ vượt khỏi giới hạn riêng của đề tài.
- Cần tránh khuynh hướng nệ đề tài, minh hoạ đề tài. Có thể hiểu rõ hơn tiêu chí này qua liên hệ tới điện ảnh nước ta mấy chục năm qua. Trước đây, phim truyện được lên kế hoạch đề tài hàng năm, tuy nhiên có thời kỳ vì chất lượng sáng tác thấp và thiếu một định hướng đúng đắn nên nhiều phim làm theo kế hoạch đó đã rất non yếu. Hàng chục phim làm về đề tài công nghiệp, đề tài chiến tranh cách mạng lịch sử hoặc đô thị... đã không mấy đi vào lòng khán giả mà chỉ dừng lại là những phim hoàn thành kế hoạch phục vụ cấp thời, thậm chí bị công luận kêu là phim “cúng cụ”. Bước sang thời thị trường, xu hướng nệ đề tài có giảm đi rất nhiều song vẫn còn ảnh hưởng ở một số nơi, một số thời kỳ - đặc biệt dễ tái phát ở dòng phim tài trợ - đặt hàng.
Sự minh hoạ đề tài cũng thường xảy ra ở những phim thiếu chiều sâu về nhân vật và vấn đề. Bản thân người làm phim do được cấp đầu tư hoặc nhà sản xuất cho làm về đề tài đó chứ chưa phải là họ đủ tài năng trình độ hoặc thật sự rung động tâm đắc, hiểu sâu về đề tài. Vì thế họ đành minh hoạ, điều đó dẫn đến vẫn có phim, thậm chí là phim “xem được” nhưng vẫn thiếu vắng những phim đích thực có giá trị lâu dài. Điều hạn chế này là phù hợp với quy luật: không phải với bất kỳ đề tài nào, người làm phim cũng có thể làm tốt. Người làm phim chân chính là người chỉ có thể làm những gì mà mình sở - đắc rung động ấp ủ và tâm huyết. Chính vì vậy cần có sự điều chỉnh hài hoà giữa cái muốn làm và cái được làm. Nhiều người muốn và có khả năng, cần được làm cái họ tâm đắc, người khác có thể làm cái khác chứ không nên cố nhận làm cái được cho làm nhưng lại chẳng mấy hiểu biết và rung động sâu sắc về cái được làm đó.
Điện ảnh nước ta đến nay cơ bản vẫn là điện ảnh được Nhà nước bao cấp. Phong cách điều hành sản xuất phim ở các hãng vẫn chủ yếu là cho và xin, thậm chí là có tiêu cực mạnh ai người ấy được, nhất thân thì quen... Chính vì vậy, chỉ có thái độ và cơ chế vì nghệ thuật, vô tư, dân chủ công tâm mới có thể khắc phục được những yếu kém trì trệ khi phân bổ đề tài, lựa chọn người và các sáng tác phù hợp cho những đề tài được đặt hàng - tài trợ. Đương nhiên những đề tài quá khó, quá sức mà chưa có người sáng tác thích ứng thì nên tạm gác chờ chứ không nên vì có tài trợ - đặt hàng mà vẫn cố làm dẫn đến tình trạng có thể “đổ đề tài” làm lãng phí tiền bạc. Phim ít tiền hoặc phim nhiều tiền đầu tư đều có thể “đổ” nếu những người làm phim thực hiện nó một cách kém nghệ thuật; Nếu những tiêu cực trong chọn, duyệt, giao kịch bản và sản xuất phim chưa được khắc phục bằng cơ chế công tâm và dân chủ hoá. Điều này đã từng và cũng dễ xảy ra trong một số năm tới bởi nó là những dịp kỷ niệm lớn như 60 năm Cách mạng tháng Tám 1945, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Chúng ta rất yêu mến điện ảnh, nhưng chúng ta cũng đủ hiểu qua thực tiễn điện ảnh Việt Nam rằng điện ảnh nước ta còn yếu kém nhiều mặt và chưa đủ sức làm loại phim quy mô lớn, với kỹ thuật cao như các phim lớn của Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc...
Thế mạnh chủ yếu hiện nay của điện ảnh Việt Nam trên phương diện đề tài là dùng cái nhỏ để miêu tả cái lớn, cái vĩ đại, dùng “vi mô” mà nói được cả “vĩ mô”, dùng giọt nước mà tả được biển cả - như các nhà làm phim thường nói. Từ kinh nghiệm truyền thông và cả sở trường này, phim truyện nói riêng và điện ảnh nước ta hiện nay nói chung hoàn toàn có thể khai thác, biểu hiện được rất nhiều đề tài khác nhau.
2.2. Chất liệu.
Tất cả những chi tiết, sự kiện, hiện tượng của xã hội, tự nhiên, con người, thiên tạo và nhân tạo phục vụ cho film. Chất liệu là phạm trù bao hàm cả nội dung và hình thức.
Chất liệu do phim truyện nói riêng và điện ảnh nói chung có thể được nhìn nhận theo các nhóm sau:
Theo đề tài
- Loại chất liệu này phụ thuộc chặt chẽ vào phạm vi của đề tài. Chẳng hạn đề tài chiến tranh, chất liệu của kịch bản và của phim đều liên quan mật thiết đến tính chất thời chiến, đến những gì cụ thể của nội dung chiến tranh trong phim...
Theo thời gian.
- Chất liệu được nhìn nhận theo tính chất phù hợp với niên đại - thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai mà phim đề cập - chẳng hạn với phim lịch sử chất liệu cần tôn trọng cao độ tính chân thực của thời kỳ lịch sử mà phim thể hiện.
Theo tính chất:
- Chất liệu có tính chất thực được lấy từ đời sống hoặc từ nguyên mẫu.
- Chất liệu có tính thời sự hoặc không.
- Chất liệu có tính chất ước lệ, giả tưởng hoặc hư cấu tưởng tượng của chính người sáng tác. Ví dụ, phục trang của các vị vua quan cách đây 2000 năm.
Hai loại chất liệu này có thể đứng riêng hoặc kết hợp với nhau trong một phim.
Theo đặc điểm:
- Chất liệu là cái bình thường.
- Chất liệu là cái phi thường, khác thường.
- Chất liệu là cái phổ biến.
- Chất liệu là cái độc đáo hiếm có.
- ....
Những loại chất liệu trên cũng có thể đứng riêng hoặc kết hợp với nhau trong một phim. Nếu như đề tài là phạm vi riêng chính yếu của nội dung mà phim đề cập thì chất liệu là tất cả những gì làm nên nội dung đó. Để làm nên nội dung đề tài, người làm phim phải huy động toàn bộ hiểu biết, toàn bộ chất liệu thuộc nội dung đề tài để tái tạo thành một thực thể nghệ thuật. Đương nhiên trong quá trình đó người làm phim đã phải chọn lựa xử lý những chất liệu vốn phong phú để dũa lại, gọt dũa hoàn thiện những chất liệu đáng giá nhất phục vụ cho phim. Mặt khác trong quá trình đó, nhiều khi xảy ra tình trạng thiếu hoặc chưa hiểu rõ chất liệu. Vì vậy việc đọc, xem, đi thực tế tìm hiểu thêm, vận dụng tư vấn của chuyên gia là việc rất quan trọng cho công việc bù đắp và hiệu chỉnh chất liệu. Nói cách khác việc nghiên cứu tìm hiểu chất liệu - đề tài là rất quan trọng trong quá trình sáng tác. Nếu công việc này được làm hời hợt trong quá trình sáng tác, thường dẫn đến nội dung phim nghèo nàn hoặc sai lệch với đối tượng phản ánh. Đơn cử chỉ chuyện sử dụng thuật ngữ chuyên ngành cho đối tượng riêng thuộc ngành nghề nào đó trong phim nếu dùng sai trong đối thoại hoặc lời bình cũng đủ làm hỏng tính chân thực của phim, chẳng hạn không thể dùng câu: “đồng chí tư lệnh trưởng tiểu đoàn” với một nhân vật là sỹ quan cấp tiểu đoàn trong phim đề tài người lính Quân đội nhân dân Việt Nam; không thể dùng những chi tiết không hề có trong một lĩnh vực nào đó như áo phông in chữ tiếng Anh cho thanh niên miền Bắc vào những năm 1960 hoặc muộn hơn trước 1975... Nói cách khác từ những hiện tượng và sự kiện lớn đến chi tiết nhỏ hoặc chỉ là những câu thoại, phục trang, đạo cụ (mà những ví dụ đơn giản trên gợi nên) của phim hiện thực, tất cả đều phải tuân theo đặc điểm thời gian - niên đại và tính chất riêng biệt thuộc đề tài phim.
Trong khoảng hơn 10 năm qua của thời kỳ đổi mới, đặc biệt là hiện nay và thời gian tới, bên cạnh loại đề tài - chất liệu có tính chất truyền thống, xu hướng mở rộng đề tài của điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển. Đây là yêu cầu khách quan của thời kỳ mới với hiện thực cũng như tâm thức mới của xã hội và của khán giả. Bên cạnh các đề tài đã trở thành truyền thống (chiến tranh, hậu chiến, lịch sử - cách mạng, đời thường...) đã và đang xuất hiện những đề tài mới như cuộc sống đương thời với những mảng hiện thực mà trước đây chưa từng có - chẳng hạn người trí thức, người công nhân, nông dân, người lính, nhà kinh doanh trong thời mở cửa, thời hiện đại hoá công nghiệp hoá; hoặc phòng chống các tệ nạn xã hội, chống tham nhũng; về dân chủ hoá và luật pháp hoá trong đời sống xã hội; quan hệ quốc tế - Việt Nam giao lưu nhiều mặt và làm bạn với tất cả các nước; về các vấn đề xã hội và công việc mới nảy sinh trong cơ chế thị trường như: phân hoá giàu nghèo, bất bình đẳng, trẻ lang thang, nạn di dân, người lao động ngoại tỉnh ở các thành phố lớn; đề tài gia đình, đề tài trẻ vị thành niên; những ngành nghề mới xuất hiện trong thời hiện đại như nữ lái xe tắc xi, kinh doanh tư nhân, tư bản, các dịch vụ khác nhau... Thậm chí là có cả những đề tài chỉ phục vụ giải trí nhưng có tính nghệ thuật như phim về xiếc, về bóng đá, ca múa nhạc...; phim thần thoại, cổ tích hoặc khoa học viễn tưởng...
Tất cả những hiện tượng và vấn đề mà cuộc sống ngày nay sản sinh yêu cầu đều cần được phim truyện đề cập và lý giải ở cả hai mặt tích cực hoặc tiêu cực của nó. Đây cũng là nhiệm vụ mới của điện ảnh nói riêng và phim truyện nói chung. Trước hiện thực mới và chất liệu mới, phim truyện cần có cách tiếp cận, cách nhìn mới; cần vừa đào sâu vào thực tiễn vào kho tàng chất liệu phong phú chưa khai thác, vừa vượt trên để có tầm nhìn đúng, phân tích lý giải có nghệ thuật và có sự sáng suốt trong việc biểu hiện hoặc tìm ra giải pháp đúng đắn. Đồng thời còn phải chú ý đến cả dòng phim phục vụ giải trí đáp ứng thị hiếu số đông. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý và nhà làm phim, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình cần có tầm nhìn và tri thức mới đủ sức phát hiện và phản ánh những đề tài và chất liệu mới của điện ảnh./.