Gần nhà hàng T & T sang trọng trên đường Nguyễn Khuyến, nơi tập trung những người có tiền đến để thưởng ngọan, du hí, có một cô gái ra đi đêm qua. Đó là em. Tôi loay hoay, mãi mãi không kịp đến nơi em. Giả sử có thượng đế, ngài làm gì? Ở công sở, tôi như người không mắt, gục đầu trong khoảng không. Và, tôi nghe có một làn gió ùa vào lòng. Chính em cũng không biết mình từng bị mang đi từ khi khóc tiếng chào đời. Là con gái, mẹ phải đưa em đi thật xa, gửi ở một hè phố trơ trọi. Em chẳng có tên. Bác Trúc đặt tên cho em: bé Hưng kháu khỉnh, lại được mẹ tìm về. Ngày yên ả trôi qua trên cánh đồng không mông quạnh. Đến trường dở dang, em vào Tây Nguyên chẳng có giấy thông hành. Bây giờ, em là đất rồi chăng? Nghe có tiếng động: “Anh về, hết giờ rồi”. Như một tiếng ma gọi. À ra, trời lại sáng. Tôi gục đầu, cảm giác nặng nhọc đè bẹp, tôi thấy mình băng qua đường Nguyễn Khuyến, nhưng khi đến hoa viên, tôi như người bị ai nhốt, một cái rọ khổng lồ chụp cái bóng của tôi. Tôi dính vào đất.
“Có gì vậy?”, bác xe ôm la lên.
“Chẳng có gì!”.
Mưa núi nghe như bong bóng nổ giòn. Tôi muốn kiếm một cái gì để ăn, nhưng không sao bước đi. Một củ khoai sáng nay, không thể cầm cự nữa rồi.
Có lần Hưng bảo:
“Anh mà không ăn chắc trời sập!”.
Thật tình, trời có sập đâu mà tôi vẫn không nhích được nửa bước. Đã đến giờ làm việc, còi hú giục, tôi nhìn, chẳng thấy bóng dáng người quen. Họ là ai, mà vào ra, cười nói, mặt đỏ. Vài thiếu nữ đú đởn như leo cột mỡ. Tôi gục đầu, nghe vọng giọng Lệ Quyên bài Nửa hồn thương đau:
“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa / Cho tôi về đường cũ nên thơ / Cho tôi gặp người xưa ước mơ / Hay chỉ là giấc mơ thôi / Nghe tình đang chết trong tôi / Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời / Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau / Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau / Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào / Anh ở đâu? / Em ở đâu? / Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu / Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt / Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất / Và tiếng hát và nước mắt / Đôi khi em muốn tin / Đôi khi em muốn tin / Ôi những người / Ôi những người / Khóc lẻ loi một mình…”.
Nơi em biến mất, còn lại bóng tối. Hắn thò tay ra, rất dài. Người lái xe ôm nhìn tôi, nói:
“Chính nơi ấy, cô gái đã bị một người hiếp dâm, chiếc điện thoại mất, người mất”.
Tôi chẳng hiểu anh ấy nói gì, vì hình như tiếng mưa thét lên, càng thét lên, tôi càng nhận ra, người này từng là trung đội trưởng của đơn vị tôi năm xưa. Tôi chồm tới:
“Xin lỗi, có phải Tùng từng ở chiến trường K”.
“Sao anh biết?”.
“Tôi nhớ anh vẫn dáng gầy, từng chạy qua làn đạn khi đơn vị bị tập kích đêm không sao”.
“Đúng rồi!”.
Có tiếng gọi:
“Xe thồ”.
Tùng lại vụt biến. Trong ký ức hiện rõ dần cái bóng mờ mờ xa xa, đôi chân khoẻ khoắn lên dốc núi chi viện cho tôi, tay ghì khẩu AK, chưa kịp mừng thì phần thịt trên bắp đùi trái tung tóe đỏ trong khói bay mù mịt. Ba mươi phút sau, Tùng trở lại:
“Này, xin lỗi bạn có phải Thân không?”.
“Ừ, đúng rồi”.
“Bây giờ làm gì?”.
“Một viên chức.”.
“Tốt rồi, ổn dăm ba triệu hàng tháng là được, có khi còn thêm các khoản phong bì. Thế đến đây làm gì?”.
“Có việc”.
“Sao không vào, vui lắm!”.
“Không thể, không thể, không thể được!”.
Nói đoạn, rồi tôi nhoài ra, chân không nhích lên được. Tùng lại đi, lại đi. Lâu sau nữa, tôi nhìn cục gạch: “Đã 12 giờ đêm”.
Tôi trở về căn phòng hai mươi mét vuông, nằm vùi. Có tiếng vọng:
“Sao anh không đến sớm. Anh chẳng kịp rồi. Em không trách anh vì bận công việc, công việc và công việc…”.
“ Ý em định gì?”.
“Chắc chắn là em muốn, hãy cùng em đi qua một vạt rẫy cà phê”.
“Được!”.
Rồi tôi ngồi dậy, từ từ bàn chân cứ lún sâu xuống đất. Tôi cố hết sức để bước đi, đất cứ níu bàn chân, hôn vào thịt da tôi nồng ấm. Thật khó tả khi cái miệng của đất cứ há ra, ngày càng to. Tôi nói không thành lời:
“Em ơi! Em đó sao? Người ta nói em đã đi rồi”.
Hưng mỉm cười đôn hậu:
“Anh hãy đưa em ra khỏi vạt rẫy nhà ông Rưp, người đang có bầu”.
“Anh hiểu, nhưng bằng phương tiện gì?”.
“Đi bộ!”.
“Có qua vực Klõng Mâl không?”.
“Có.”.
“Làm sao có thể qua được? Ở đó, có nhiều lợn trắng lắm, dậm phải, đụng vào, thần Nước không tha đâu!”.
“Sao anh biết?”, Hưng chen ngang.
“Anh có nghe một cô giáo ở bon Bu Ja kể lâu lắm rồi”, tôi thở dài. Hưng lại nói:
“Em nghĩ, anh nên dẫn cái hồn em đi.”.
Tôi trùm mền. Hưng trùm mền theo. Tôi nghe tiếng thì thầm:
“Em chẳng còn liên lạc với anh nữa rồi! Âm thanh chẳng còn dài như một hơi ngựa chạy, mà vò tròn, vò tròn một cơn lốc xoáy khô rớt trên đỉnh đồi thời gian. Đây là lần em băng lối một mình; cũng là điều mà em đã biết từ khi sinh ra, cha em đã không nhận mặt đặt tên cho con gái, vì người mơ con trai. Chẳng có gì sao? Nếu chuyến đi này lâu dài, thơ mộng mà chẳng bóng hình anh?”.
Khi không còn tiếng thưa thốt, Hưng bay như làn gió núi, em đã vào cõi không may.
Mười năm Hưng xin đi dạy học, nhưng chưa có nơi nào nhận lời. Có lần Hưng nói với tôi:
“Em định mang mảnh bằng đặt giữa cổng trường và đái lên xối xả”.
“Để làm gì?”.
“ Để trôi vào lãng quên.”.
Tôi từng xin việc cho em, một lần, hai lần, nhiều lần, nhưng không thành vì chẳng có “lạng,” có “cây”, em buồn, định tham gia nhóm bụi đời. Tôi can ngăn, nài nỉ:
“Đừng làm vậy, cha em từng là người lính trên chuyến tàu không số!”.
“Nhưng em muốn, bây giờ khác rồi mà.”.
Lúc đó, tôi nắm tay em, đi trên hồ lớn nhất Tây Nguyên. Gió bay tóc rối thêm, em vẫn để vậy. Tôi nhìn thấy em lận đận như số tướng đã chỉ. Phía xa, giữa hồ bên kia là chùm cây trơ lá, nơi người ta định làm khu nghỉ dưỡng cao cấp. Mênh mông nước, chẳng thấy bóng dáng thuyền đánh cá, càng không thấy du thuyền. Có vài chiếc cần câu ngỏng lên của mấy tay học đòi thư giãn. Sóng vật vờ; bờ dài, trơn và trượt, đá nhấp nhô phía mép cuối; vài cọng cỏ già lưa thưa, châm chọc nắng và gió. Sau lưng em và tôi, có hàng chục mảnh lúa vàng, dăm ba căn nhà không theo lối, thỉnh thoảng có từng chú diều nhấp nhô lững lờ bay. Trời úa tối. Một tiếng xe máy gầm rú, rồi nhào lăn. Ba thanh niên nằm trơ trọi. Mùi rượu nồng hôi. Một người lớn đến nắm tay tôi:
“Sao thấy người bị nạn mà không đưa đi bệnh viện?”.
Một cậu nhỏ tuổi giật lấy chiếc khóa xe của tôi. Người kia nhìn như muốn ăn tôi và em.
Tôi nhỏ nhẹ:
“Dạ thưa, chúng tôi mải bàn đáp án, chưa kịp nhìn thấy các anh ngã”.
“Đúng ra, anh chị phải để mắt đến người bị nạn và có trách nhiệm mang đến bệnh viện, đằng này, lại không.”.
“Mong các anh thông cảm, chúng tôi là giáo viên, chuẩn bị đi luyện thi cho các em, nên sợ trễ mất”.
Người lớn tuổi nói:
“Thầy, cô rút kinh nghiệm, lần sau thấy người bị nạn giữa đường phải đưa họ đi bệnh viện”. Nói đoạn, hắn đưa mắt liếc người nhỏ tuổi:
“Đưa chìa khóa cho thầy, cô.”.
Người nhỏ tuổi miễn cưỡng chìa tay, đôi mắt lấc láo tỏ vẻ giận dữ.
Tôi nói:
“Cảm ơn anh”.
Và chúng tôi lên xe, vèo trong bóng hoàng hôn vàng vọt.