Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.139.977
 
Khi nhà văn trả thù
Nguyễn Anh Tuấn

 

(Xem phim Nga “Nghệ nhân và Margarita”)

 

Bộ phim “Nghệ nhân và Margarita” được thực hiện từ cuốn tiểu thuyết cùng tên ra đời cách đây gần một thế kỉ, với hàng loạt nhân vật có nguyên mẫu thực được dựng lên nhằm cực tả bản chất xã hội Nga thời ấy - một xã hội bát nháo, lố lăng, bi - hài hỗn loạn ở những thập niên hai mươi, ba mươi của thế kỉ trước; bộ phim có thể nói đã bằng hình tượng điện ảnh sinh động thể hiện được một cách thấm thía những điều nhà văn M. Bulgakov gửi gắm - mà một trong những điều gửi gắm đó là Sự Trả Thù…

Hình bóng của nhân vật Nghệ nhân-nhà văn bị đày đọa chính là Bulgakov. Tác phẩm văn học cùng bộ phim là Sự trả thù của một nhà văn tự gọi mình là “con sói văn học duy nhất trên văn đàn Nga”: “Người ta khuyên tôi nên nhuộm lông đi. Một lời khuyên vô nghĩa. Sói dù có nhuộm, có cắt lông đi thì nó vẫn không thể nào giống với chó cảnh nuôi nhà được”; “Người ta đối xử với tôi như đối với một con sói. Và đã nhiều năm nay người ta săn đuổi tôi như săn đuổi một con thú bị bắt nhốt vào trong khoảng sân rào kín theo các nguyên tắc của một cuộc đầu độc văn học”…

Trả thù cho nỗi đau của những người cầm bút trung thực bị cả một hệ thống tư tưởng thời đại đầy sự thù hận đã áp chế, thủ tiêu sáng tạo chân chính...

Trả thù cho nỗi uất hận của những trí thức thật sự ấp ủ những điều tốt đẹp cho cuộc đời mà bị ném vào nhà thương điên - y như vị bác sĩ tâm thần tử tế mà cuối cùng lại bị vu là tâm thần trong tác phẩm  “Phòng số 6” bất hủ của văn hào Nga A. Tsekhov…

Trả thù hộ những nhà thơ, nhà văn ngây thơ rồi tỉnh ngộ bẽ bàng – những người từng véo von ca ngợi Lãnh tụ và cái chế độ xã hội đang mục ruỗng tận đáy và đã trở nên thù địch với chủ nghĩa nhân văn!

“Nghệ nhân và Margarita” là cái tát mạnh mẽ của Bulgakov dành cho giới văn chương - báo chí nông cạn, đạo đức giả, thích hưởng thụ; giới quan chức ngu ngốc, tham lam, độc ác; đám khán giả - dân chúng hư hỏng, trụy lạc… Xã hội ấy không còn bóng dáng tình thương và chân lí nữa, đã bị băng hoại về đạo đức, xói mòn về nhân cách, con người ngập ngụa trong sự giả dối và ganh ghét. Những người có phẩm chất, tài năng chỉ có thể được bình yên trong bệnh viện tâm thần!

Phim đã tái hiện được vẻ đẹp bên ngoài lẫn tâm hồn của Margarita - thần hộ mệnh của Nghệ nhân, hiện thân của tình yêu, cũng là thần hộ mệnh của nghệ thuật - người cùng anh vượt qua mọi thăng trầm, mọi cú đánh bất công giáng xuống đầu anh và mọi cuộc trả thù... Khi Margarita quyết định cùng Nghệ nhân giã từ cuộc đời, đi tìm cuộc sống ở một thế giới khác, sự sánh đôi của họ tới Măt Trăng khiến người xem giữ được niềm tin vào cuộc sống sau bao nỗi thất vọng cay đắng…

Bên cạnh sự “trả thù” ngoạn mục trên là sự Tha thứ - một chủ đề lớn của tiểu thuyết, mà các nhà làm phim cũng đã tái hiện được một cách khá thành công, bởi diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên, nghệ thuật ghép - dựng cảnh” độc đáo, kỹ xảo công phu...

Tha thứ cho lỗi lầm và tội ác của một nhân vật Lịch sử - quan chưởng lý-kỵ sĩ Ponti Pilat, mà lỗi lầm lớn nhất là sự hèn nhát, yếu đuối: kết phim có cảnh “chiêu tuyết” cho nhân vật này là ông ta cùng Nghệ nhân và Margarita bay về phía Mặt Trăng - thế giới mộng mơ của Con người về những điều tốt đẹp…

Có thể nói thành công lớn nhất của bộ phim là đã diễn tả được giấc mơ đau đớn và tràn đầy hy vọng của nhà văn Bulgakov về những gì ông không tìm thấy trong đời thực, mà chỉ có thể tìm thấy trong thế giới mộng mị của bóng tối, với những Quái nhân song cũng là Thánh nhân đã thầm lặng giang tay cứu giúp người lương thiện, nâng đỡ những tài năng song cô đơn, cô độc, bị ruồng bỏ…

Tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” lần đầu được dịch sang tiếng Việt bởi nhà văn Đoàn Tử Huyến, đến nay đã được tái bản vài lần. Nhưng phim chuyển thể thì phải nhờ trang FB Lặng lẽ nước Nga, khán giả mới có cơ hội được xem. Còn ở Nga khi công chiếu bộ phim truyền hình 10 tập “Nghệ nhân và Margarita” vào năm 2005 ngay lập tức thu hút hơn 40 triệu lượt người xem, tức 1/3 dân số Liên bang Nga. Đạo diễn của phim này là Vladimir Bortko - người đã từng chuyển thể thành công hai tác phẩm kinh điển của nền văn học Nga "Trái tim chó" của Bulgakov và "Thằng ngốc" của Dostoievski. Tại Việt Nam, phim "Trái tim chó" đã từng được phát sóng trên truyền hình TW, song mới được một phần đầu thì bị cấm phát sóng tập tiếp theo…

 

 

(Cảnh trong phim, MA NAT chụp lại)

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 621
Ngày đăng: 09.11.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miền yêu thương trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy - Trần Hoài Anh
Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975 (Viết nhân 90 năm Thơ mới) - Trần Hoài Anh
Nhân vật bình dân trong một dòng văn xuôi tự sự địa phương - Yến Nhi
Thanh Thảo, hát giữa gió mưa - Nguyễn Đức Tùng
Về 2 chữ “Te tẻ” trong bài thơ “Chiều lạ” - Đặng Xuân Xuyến
Trần Quang Quý, ta lẻ loi đơn chiếc biết nhường nào - Nguyễn Đức Tùng
Lương Minh Vũ với lãng đãng khói sương hoài niệm - La Thụy
Một chút tâm sự khi đọc thơ Nguyễn Tuyển - Đặng Xuân Xuyến
Cảm nhận và bình thơ Trần Thoại Nguyên - Nguyễn Đại Hoàng
Cái nhìn nhàn nhã về Thơ Văn Trần Yên Hòa - Cung Tích Biền
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)