Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.139.925
 
Yếu tố đồng tính trong thơ Đỗ Anh Tuyến
Đặng Xuân Xuyến

 

*

Đỗ Anh Tuyến làm thơ không nhiều và thơ của anh chủ yếu ghi lại những cảm xúc "chợt đến chợt đi" của tâm trạng cá nhân nên số bài thơ lưu lại trong trí nhớ bạn đọc chắc chỉ ở con số vừa phải so với số lượng bài thơ không nhiều của anh. Thực tình, trong gia tài thơ ngót nghét trăm bài của anh tôi ấn tượng chắc cũng chỉ trên mươi bài mà oái oăm phần nhiều lại là những bài thơ có "vấn đề" về cảm xúc tình cảm trai gái, gây những cảm giác "lạ lạ khó hiểu" với bạn đọc. Bài viết này là chút cảm nhận của tôi về một số bài thơ tình mang “dấu ấn” lạ lạ khó hiểu của Đỗ Anh Tuyến, hoàn toàn không đem ra đo đếm định lượng khen-chê thơ anh bởi Đỗ Anh Tuyến chỉ mượn thơ để ghi lại những cảm xúc "chợt đến chợt đi" của riêng anh như trang nhật ký của tiếng lòng.

 

Vâng! Thơ tình của Đỗ Anh Tuyến lạ lắm, có gì đó hao hao từa tựa như thơ tình của Nguyễn Tấn Thành tôi đã giới thiệu trong bài "Vài cảm nhận về 2 bài thơ tình của cậu học trò lớp 12" nhưng bi quan hơn, xám xịt màu hy vọng hơn và nỗi đau cũng thật quặn thắt, đắng lòng:

"Đôi chân rã rời sợ đến ngày mai

Bàn tay hư hao lo đêm dài quá

Ánh mắt dửng dưng hai người xa lạ

Bất chợt tìm nhau ứa giọt lệ nồng"

(Mãi niềm cô đơn - Đỗ Anh Tuyến)

Đọc 4 câu thơ mà đau lòng tự hỏi: trên đời này sao lại có người bi quan, tuyệt vọng đến vậy? Hiện tại ư? Là nỗi lo đối diện với những u uẩn lẩn khuất trong cõi cô đơn của chỉ riêng mình: "Bàn tay hư hao lo đêm dài quá". Tương lai ư? Là: "Đôi chân rã rời sợ đến ngày mai"! Một nỗi sợ cụ thể mà lại mơ hồ, một nỗi đau thắt ruột thắt gan mà lại không thể réo gọi thành tên! Yêu ư? Không! Đấy không phải là yêu, càng không phải là tình yêu, mà là sự cộng hưởng xác thịt của 2 kẻ xa lạ: "Ánh mắt dửng dưng hai người xa lạ", đến với nhau chỉ để giải tỏa bức bối cơn khát thể xác, để cùng nhau đồng cảm sẻ chia nỗi đau tận cùng của bi quan, tuyệt vọng: "Bất chợt tìm nhau ứa giọt lệ nồng".

Đọc 4 câu thơ này hẳn nhiều bạn đọc sẽ ngạc nhiên với thứ "tình yêu" lạ lạ đến khó hiểu của "Mãi mãi niềm cô đơn" nhưng nếu đã nghiên cứu về nhân dạng nam hoặc đã đọc những nghiên cứu về nhân dạng nam thì hẳn bạn đọc sẽ ngờ ngợ nhận ra đấy là tình yêu của người đồng tính hoặc song tính thì sự “lạ lạ” sẽ không còn khó hiểu.

 

Trong cuốn "Điểm yếu của người đàn ông hiện đại", Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành Quý 4 năm 2006, ở bài NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH, tôi đã luận bàn: "Điểm chung của người đồng tính là sự “mặc cảm tội lỗi”, tâm lý hoảng loạn, dễ bị tổn thương. Do “không giống ai” trong việc lựa chọn “đối tượng tình dục” và tình yêu của họ không được xã hội chấp nhận nên người đồng tính luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, sợ sệt. Với người dị tính (tình yêu thuần khiết với người khác giới), sự thể hiện tình cảm của mình với “đối tượng” thường công khai, được xã hội chấp nhận (trong một chừng mực, hoàn cảnh nhất định), còn người đồng tính thì ngược lại: Âm thầm, lén lút vì sự kỳ thị của xã hội. Đây chính là lý do làm người đồng tính dễ bị tổn thương, luôn sống trong tâm trạng hoảng loạn và “mặc cảm tội lỗi”."

Chính vì thế mà những cuộc tình của người đồng tính, song tính thường mang hơi hướng của tình một đêm, của những "thỏa mãn" tạm bợ, của những "ngọt ngào" dối trá và của những bẽ bàng chua chát sau cuộc tình đậm dấu truy hoan thân xác mà sự thủy chung chỉ được người trong cuộc tính bằng "vài giây ngắn ngủi". Có lẽ đó là những cuộc truy hoan chỉ để thỏa mãn cơn khát được yêu, là cuộc tình éo le vụng trộm không được số đông trong xã hội thừa nhận nên "tình ấy” gấp gáp, "tình ấy” cuống cuồng, thây kệ để sự dối trá lên ngôi:

"Mùi xác thịt nghiến đời nhau tan nát

Mọi ngất ngây hoang lạc thảy tuôn trào

Lời thì thầm ngọt lịm sắc như dao

Sau đêm nay còn chút nào tha thiết"

(Người tình một đêm - Đỗ Anh Tuyến)

Đọc đến đây, có lẽ sẽ có bạn đọc chất vấn: vậy những người từng trải nghiệm tình một đêm đều là người đồng tính hoặc song tính? Không, thưa Quý vị! "Tình" của người đồng tính, song tính là tình của những ẩn ức sinh lý, những tổn thương tâm lý đã gây sang chấn tâm lý nên những cuộc tình của người đồng tính, song tính thường bao hàm sự u uẩn, bi lụy và đau khổ vì tình tuyệt vọng của cả 2 người đang "khát" yêu: “Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều / Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng / Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng / Em là em, anh vẫn cứ là anh / Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành / Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.” (Xa cách - Xuân Diệu), còn tình một đêm của những người dị tính là tình của những người luôn trân quý sự tận hưởng thú vui xác thịt với người khác giới nên không nhuốm màu bi lụy, tuyệt vọng: “Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non / Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận. / Yêu thương nhé. / Một lần thôi. Là đủ / Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian...” (Say yêu - Đặng Xuân Xuyến). Nhưng cũng không hẳn thơ tình của người đồng tính, song tính sẽ luôn có hơi hướng tình một đêm mà khá nhiều bài thơ (nhất là những bài thơ được viết dưới hình thức ngụy trang), nếu nhà thơ không đủ dũng cảm để viết "trắng phớ tất tay" như nhà thơ trẻ Trần Đức Tín (Khét) "bạch hóa" cuộc tình đồng giới của anh với nhà văn Tống Phước Bảo thì bạn đọc sẽ không thể biết đấy là tình luyến ái của người song tính với người đồng tính: "gửi B / chút phong sương còn sót lại / cho những ngày ta nhiễm mặn vào nhau / cây dừa không đậu trái / ngọn lúa không trổ bông / sóng cứ ồ ạt sóng / người di cư / di cư" (Ta nhiễm mặn vào nhau - Trần Đức Tín).

Trở lại thơ tình của Đỗ Anh Tuyến với: Tự hỏiMãi niềm cô đơnKhó gì quên được tìnhNgười tình một đêmGiờ thành quá khứ... đều bao phủ những tủi hờn, tuyệt vọng, những dỗi hờn sậm màu bi lụy xót xa.

Hãy nghe Đỗ Anh Tuyến thổ lộ về "đoạn trường tình" của anh:

"Những mảnh đời đi qua đời tôi

Đậu xuống một đêm vô tình như gió

Như gió mỏng manh giọt sương òa vỡ

Như gió hao gầy tiếng vạc ăn đêm"

(Mãi niềm cô đơn - Đỗ Anh Tuyến)

Anh quy nạp những người tình là "những mảnh đời đi qua đời" anh để chỉ đích danh những ái ân đấy không phải là tình yêu bởi "những mảnh đời" đó đến với anh "vô tình" như gió, chỉ "đậu xuống một đêm" để cùng anh thỏa mãn bức bách sinh lý bị kìm nén chôn giấu bởi những định kiến cố hữu sai lệch với kiến thức khoa học của số đông trong xã hội. Hai câu thơ: "Như gió mỏng manh giọt sương òa vỡ / Như gió hao gầy tiếng vạc ăn đêm" lý giải căn nguyên tại sao Đỗ Anh Tuyến không coi những "đêm ấy" là những "đêm tình" bởi những ái ân đấy chỉ là những lén lút “vụng trộm” của bản năng thôi thúc trong bóng đêm để thỏa mãn khát khao dục tính. Tám chữ: "giọt sương òa vỡ/ tiếng vạc ăn đêm" đã diễn giải tận cùng sự bi lụy tình và tuyệt vọng tình của chàng trai Đỗ Anh Tuyến (hiểu rộng ra là của những người đồng tính, song tính) trong các cuộc tình đồng giới với những rên rỉ lặng thầm mà âm ỉ thảm thiết.

Những câu thơ nhuốm màu cô đơn với cảm giác ngậm ngùi chua chát của tâm trạng như mặc cảm tội lỗi, như lén lút, hụt hẫng, như chán chường tuyệt vọng... xuất hiện mật độ khá dầy trong thơ Đỗ Anh Tuyến:

- "Đôi chân rã rời sợ đến ngày mai

Bàn tay hư hao lo đêm dài quá

Ánh mắt dửng dưng hai người xa lạ

Bất chợt tìm nhau ứa giọt lệ nồng"

(Mãi niềm cô đơn - Đỗ Anh Tuyến)

- “Em ngủ gật sau những giờ chờ đợi

Mỏi mòn nhìn vế phía giấc mơ anh ...”

(Chưa bao giờ - Đỗ Anh Tuyến)

- "Đêm nhắn gió tìm người mộng

Dệt vội câu thơ nghe nhói lòng ...”

(Nuối tiếc - Đỗ Anh Tuyến)

- "Lặng lẽ mình ta, độc hành vạn dặm

Bỏng rát đôi chân lê lết những con đuờng”

(Thực tại – Đỗ Anh Tuyến)

- "Trong tim anh, em cũng là người khách

Ở trọ qua đường mỗi lúc nắng mưa?""

(Tự hỏi - Đỗ Anh Tuyến)

- "Ôi những vô cùng ôi những hư không

Cơn gió nào đi cơn gió nào sắp đến

Ta cay cực một đời như bến

Cánh buồm hoài ngóng đợi vẫn trong mây.."

(Mãi niềm cô đơn - Đỗ Anh Tuyến)

Ngay cả khi nhà thơ Đỗ Anh Tuyến viết dưới hình thức ngụy trang thì những câu thơ tình của anh vẫn chất chứa những sầu não "hờn", "tủi", "trách", oán... cam lòng với những rụt rè, giữ kẽ, bi quan... bởi "tình ấy" của anh không nằm trong khuôn khổ quy ước thông thường của định chế xã hội nên danh không chính ngôn không thuận, vì thế mà "tình ấy" phải lén lút, phải ngụy trang dưới vỏ bọc của những mối quan hệ anh em bè bạn nên dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, tạm bợ như “tình” của khách làng chơi. Người đọc tinh ý sẽ không khó để nhận ra đấy là tiếng lòng của nhà thơ Đỗ Anh Tuyến dành cho người yêu cùng giới tính:

"Em sẽ làm gì khi chỉ có anh thôi

Em có tủi, em có hờn, em có trách:

"Trong tim anh, em cũng là người khách

Ở trọ qua đường mỗi lúc nắng mưa?""

(Tự hỏi - Đỗ Anh Tuyến)

Hay những câu thơ ngậm ngùi chua chát về "thứ tình yêu" "ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây" của người đồng tính, song tính phải lén lút vụng trộm vì không được gia đình và xã hội thừa nhận dẫu được viết dưới hình thức ngụy trang vẫn không giấu được tâm trạng phẫn uất xót xa... của chàng trai Đỗ Anh Tuyến trước sự kỳ thị "đàm tiếu" tình luyến ái đồng giới của người đời:

"Chiều nay em chẳng về trên lối ấy

Để cho anh thơ thẩn khắp phố quen

Tay cầm bình rượu người sặc mùi men

Mặc cho thiên hạ bao lời đàm tiếu."

(Say, em - Đỗ Anh Tuyến)

Trong cuốn "Điểm yếu của người đàn ông hiện đại", Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành Quý 4 năm 2006, ở bài NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH, tôi đã luận bàn: "Công bằng mà nói, người đồng tính là những người chịu nhiều thua thiệt, đau khổ trong cuộc sống. Trong con mắt mọi người, dù người đồng tính có tài giỏi, tử tế đến đâu, có ích cho gia đình và xã hội thế nào thì họ vẫn cứ là “kẻ biến thái”, “lập dị”, bị tránh xa vì “kinh tởm”. Một ông tổng thống, một nhà bác học hoặc một nhà thơ, một nhạc sỹ thiên tài... nếu đã “bị” là người đồng tính thì dù có vắt kiệt tài năng, trí tuệ để cống hiến cho nhân loại vẫn cứ phải đương đầu với sự ghẻ lạnh, “khinh rẻ” của người đời. Một kẻ giết người, một tên ăn trộm, một gã lừa đảo... nhiều khi lại được “xã hội” “tôn trọng” hơn nhiều những người đồng tính. Đấy chính là sự nghịch lý, là bất công của xã hội dành cho người đồng tính mà người đồng tính khó đủ sức để vượt qua.". Có lẽ chính vì thế mà chàng trai trẻ Đỗ Anh Tuyến đã hơn một lần dùng thuốc ngủ quá liều để tự giải thoát những dè bỉu, khinh khi, đàm tiếu vô lý và đầy ác ý của người đời...

Vâng, thơ của Đỗ Anh Tuyến phần nhiều là những dòng thơ đẫm lệ của sự tuyệt vọng, của những bi ai phẫn uất trước những định kiến sai lệch của xã hội và sự kỳ thị người đồng tính của số đông trong xã hội đã gián tiếp đẩy cuộc sống của người đồng tính (và song tính) sâu vào ngõ cụt.

*.

Hà Nội, ngày 10 tháng 11-2021

 

 

 

Đặng Xuân Xuyến
Số lần đọc: 632
Ngày đăng: 19.11.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn chương để làm gì? - Vinh Anh
Khi nhà văn trả thù - Nguyễn Anh Tuấn
Miền yêu thương trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy - Trần Hoài Anh
Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975 (Viết nhân 90 năm Thơ mới) - Trần Hoài Anh
Nhân vật bình dân trong một dòng văn xuôi tự sự địa phương - Yến Nhi
Thanh Thảo, hát giữa gió mưa - Nguyễn Đức Tùng
Về 2 chữ “Te tẻ” trong bài thơ “Chiều lạ” - Đặng Xuân Xuyến
Trần Quang Quý, ta lẻ loi đơn chiếc biết nhường nào - Nguyễn Đức Tùng
Lương Minh Vũ với lãng đãng khói sương hoài niệm - La Thụy
Một chút tâm sự khi đọc thơ Nguyễn Tuyển - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả
Tim đau (thơ)
Khát (thơ)
Lỡ (thơ)
Kim yêu (truyện ngắn)
Chuyện của Gã Khờ (truyện ngắn)
Em (thơ)
Chuyện của anh T... * (truyện ngắn)
Chuyện ngủ (truyện ngắn)
Lỡ (thơ)
Chàng lùn nể vợ (truyện ngắn)
Đuối (thơ)
Nhé em (thơ)
Biết (thơ)
Lắng (thơ)
Trả em (thơ)
Lạc (thơ)
Em đi (thơ)
Tò he (thơ)
Chia tay (thơ)