Ngày xưa nhưng mà chưa lâu lắm, ngày đó, nàng đã có gia đình và đương nhiên không còn trẻ. Nhưng với hắn, sao vậy không biết, nàng vẫn cứ trẻ. Thậm chí, theo hắn, nàng lại trẻ một cách “vô duyên”, hắn nghĩ. Tại sao nàng cứ mãi trẻ thế. Nhiều lúc hắn thấy, nàng lại còn rất trẻ con, chứ chẳng phải chỉ mỗi là trẻ thôi đâu. Đấy, cái động tác nàng xoay người, nàng nhảy chân sáo, nàng cười, nàng giơ tay lên cao… Hắn ngắm nàng, nhìn trộm nàng, nghĩ về nàng và tự nhiên nhớ lại, thấy nhớ cái trẻ trung của con bé từ ngày xa xưa. Hắn nghĩ về sự trong veo, thuần khiết của ngày xưa. Ôi cái ngày xưa trong veo, tinh khiết. Nhìn nàng, hắn bỗng nhớ nôn nao cái ngày xưa đó. Ngày xưa, hắn hay chơi trò chơi của tụi con gái, nhảy giây, nhảy ô, trồng nụ trồng hoa, chơi chuyền… trò nào của bọn con gái hắn cũng chơi và thạo chơi là đằng khác. Nhiều lúc, bọn con gái của hồi cấp một, đến tận cuối cấp hai, nghĩa là lớn rồi, vẫn còn thích gọi hắn chơi cùng.
Ừ, ngày đó, trong nhóm bọn chơi chuyền bằng những cái que kem đã được rửa sạch, cũng có một đứa giống nàng. Nghĩ về đứa con gái ngày đó, hắn chợt nhận thấy, nàng bây giờ của hắn giống con bé ngày xưa ở dáng thanh mảnh, gọi là thanh mảnh hay gày gò cũng được. Lạ! Hai con rồi mà vẫn như con gái, làm hắn thêm lưu luyến, tiếc nuối ngày xưa, cái ngày xưa như vẫn hiển hiện, mỗi khi hắn có dịp về thăm lại ngôi trường và đắm mình trên con đường từ nhà đến trường thuở nào, vẫn cùng đi với con bé đó.
Ngày đó có chuyện xảy ra giữa cô bé và hắn. Một lần, bọn thiếu nhi quàng khăn đỏ, tầm lớp bốn lớp năm, cỡ mười tuổi, đang học cấp một được huy động đi cổ động, đâu như nhân dịp đại hội đảng bộ của xã hay huyện gì đó. Huyên náo ầm ĩ là cách bọn trẻ được khuyến khích tạo ra bằng mọi thứ âm thanh của nồi niêu soong chảo và cả một cái trống trường được khiêng theo. Càng tạo ra nhiều tiếng động lớn để được chú ý nhiều càng tốt, tất nhiên không thể thiếu tiếng hô khẩu hiệu, hô đến rát họng, đến nỗi cuối buổi, không còn tiếng, còn sức để hô nữa. Đến tối mịt, đến giờ đi ngủ, ngủ tập trung để sáng hôm sau đi cổ động sớm. Trong lúc chờ mang khoai đến (chẳng là ngày đó đói lắm, đứa nào cũng đói, được củ khoai cũng quý) thì có đứa đã ngủ. Bọn hắn nằm ngủ ở kho hợp tác. Khoai không đến, mà là để sáng hôm sau, những tưởng được hai bữa mà chỉ dồn có một. Vậy là ngủ. Bọn con trai nằm đối đầu với bọn con gái. Hắn đang thiu thiu thì nghe thấy tiếng con bé khóc, gọi, sang đây nằm với tao, tao sợ ma lắm, tao cứ thấy cái gì chập chờn. Con bé cứ i ỉ tấm tức khiến nó thương, nó sang, ngồi cạnh con bé. Con bé bảo, mày nằm xuống đây cho tao đỡ sợ. Và nó nằm xuống bên cạnh, cả con bé và hắn cùng lũ bạn ngủ luôn qua đêm. Chuyện qua đi, chẳng đứa nào nhắc lại.
Có thể ý thức nam nhi của hắn được đánh thức từ tối hôm đó, hắn thấy hắn phải khác, phải mạnh mẽ, mạnh mẽ mới có thể bảo vệ và bênh vực những kẻ yếu thế. Hắn dần xa các trò chơi con gái. Hắn thích bơi và con sông quê là thử thách đầu tiên để hắn vượt qua.
Trường xưa mái lá đơn sơ, đơn sơ lộ ra sự nghèo đói mà hắn theo học bảy năm không còn nữa. Hắn đến để nhớ ngày xưa, cái ngày xưa mà hắn vương vấn rồi nhận ra điều mất mát không thể bù đắp. Trên mảnh đất ngôi trường xưa đó là ngôi trường ba tầng khang trang, đẹp đẽ. Cái duy nhất còn lại là hàng cây phượng quanh sân. Các thế hệ thày trò nối tiếp nhau đều coi những cây phượng này là biểu tượng của trường, là bề dày của trường, là chứng nhân lịch sử của trường. Mà thật sự thì các cây phượng rất đẹp, đẹp đặc biệt khi hè về, phượng nở hoa đỏ chói, báo hiệu mùa chia ly, mùa nhớ nhung, mùa gửi gắm niềm yêu thương, mùa hy vọng…
Đây, chính nơi này, hồi đó là một bãi cỏ rộng, có một vườn cây thực vật cho học sinh tập nhận biết các loài cây cỏ, cũng học đôi điều về cách nuôi trồng. Có khá nhiều cây to, bóng mát khác, nhiều nhất là phượng và bàng. Học trò thường ngồi dưới tán cây tán chuyện. Chẳng nhớ được chúng nói những chuyện gì. Có lần cả nam và nữ rủ nhau chơi trò bịt mắt bắt dê. Trò chơi này cần nhiều người tham gia, có đến hai chục đứa.
Hắn và con bé cùng chơi. Đến lúc nó bịt mắt và con bé kia bị đuổi bắt, hắn túm được áo con bé, con bé vùng ra chạy được, hắn đón đúng hướng con bé chạy và chộp đúng con bé lần nữa. Tay hắn giữ chặt hơn, hắn muốn thắng nhanh, cởi phắt cái khăn bịt mắt ra, đúng lúc đó, khuy bấm áo ngực của con bé tuột khỏi bật ra, hắn nhìn thấy ngực con bé, trắng và đôi vú bé tí chum chúm, con bé ngượng và hắn cũng ngượng, bọn trẻ chơi cười thích chí, vỗ tay đôm đốp. Và hắn nhận ra, hắn đã chộp vào ngực con bé. Phải đến cả tháng sau, hắn và con bé không dám nhìn nhau, cứ thấy nhau là lảng mỗi đứa một phía. Va chạm da thịt đầu tiên của hắn với con bé là thế. Bọn bạn trai tò mò hỏi hắn, “nó” thế nào, hắn bỏ đi, có cảm giác gì đâu chứ. Hắn nghe thấy đâu như tiếng mấy anh lớn “áo dài khuy bấm em làm khổ tôi”.(Nguyễn Bính)
Hắn và con bé đã nhiều lần ngồi dưới những gốc phượng này, gặm nhấm vị ngọt ngào mỗi khi hè về, nghe tiếng ve râm ran khi xối xả, khi nức nở và nghe được cả tiếng thở dài cố nén lại trong lồng ngực tươi trẻ đang căng dần. Nhâm nhi những kỷ niệm, nhớ nhung, những hy vọng và cả những nỗi khát khao vụng dại lẫn nuối tiếc thời học trò. Những thổn thức, bồi hồi, xao xuyến… cả những đớn đau, thất vọng nữa đan sen, lẫn lộn, lộn xộn dồn về. Nhưng hơn cả là những niềm vui thơ ngây, những nụ cười hạnh phúc không hề phải nghĩ đến ngày mai sẽ ra sao. Và nhưng hơn hơn cả những điều trên, bồi hồi hơn, xúc động hơn, trào dâng hơn, đó là những ánh mắt trao nhau. Ánh mắt không biết nói mà khiến hắn xiêu lòng, không phải, đúng hơn là để ý cô bé đó âm thầm, đơn độc nhưng bền bỉ. Bền bỉ như ngọn lửa âm ỉ của con bùi nhùi, luôn giữ độ nóng và sẵn sàng bùng cháy. Ngọn lửa đượm là ngọn lửa chỉ âm ỉ, hắn nghĩ, ngâm ngẩm chậm nhưng chỉ cần một ngọn gió, ngọn lửa sẽ bùng lên, bùng lên như lửa bếp rơm ngày đông, mà thời đó, là thứ năng lượng bình dân nhất, sưởi ấm giúp những thân phận nghèo vượt qua những ngọn gió buốt giá. Hắn luôn thấy phảng phất mùi rơm rạ, mùi khói gộc tre bay lảng vảng, quấn quít và ám vào người. Người ta bảo mùi đó khét, còn hắn, ngửi được những mùi đó, cơ thể như được sưởi ấm hơn, như được tiếp thêm năng lượng để chống trả cái rét. Hắn nhớ vô cùng những ngọn khói gộc tre, rơm rạ ngoài cánh đồng, cứ ộc thẳng vào mặt đến độ cay xè, chảy nước mắt nhoè nhoẹt. Những lúc đó, hắn thấy con bé khi thì xích lại, khi thì lùi ra, chẳng hiểu ý gì, có lẽ nó muốn hắn ngồi tránh chỗ khói. Hắn nghĩ thế, chẳng hiểu có đúng. Hắn lại thấy thích thích vì cái ý nhị con gái và lại dâng trào một cảm giác bâng lâng, khó tả. Hắn nhìn trộm con bé, con bé cứ lặng thinh.
Lại nghĩ về mùa đông ngày đó. Hình ảnh mà hắn không thể quên là những buổi hun khói bắt chuột đồng. Phải nói trước, chuột đồng rất sạch và không ai ăn nội tạng hết, ngay cái mỏ nhọn hay cả cái đầu của lũ chuột cũng được chặt, vất đi, cả cái hoi ở ngực và hai bên chân chuột nữa, bọn trẻ cũng đều biết. Sau vụ thu hoạch tháng mười ta, chuột đồng con nào cũng béo núc vì toàn ăn thóc, loại thực phẩm sạch, cao cấp của chúng. Có ổ, bọn trẻ trâu này bắt trọn cả ổ đến sáu bảy con. Gia đình nhà chuột sinh sôi rất nhanh nên chúng tàn phá ruộng đồng cũng kinh khủng. Cả ổ chuột sau bị hun khói, tất tần tật, chui vào cái lưới đã giăng sẵn ngoài cửa hang và bị bắt sang giỏ đựng đan bằng tre. Đôi khi, gặp phải những hang rộng, trên cao, phải múc nước đổ cho chuột ngập nước, nghẹt thở phải chui ra, kết thúc những ngày tháng ăn tàn phá hoại không biết bao nhiêu là lúa.
Hơ tay sưởi trên đống lửa giữa cánh đồng còn trơ gốc rạ và những con chuột đồng sau khi thui (thui chuột để chế biến thành món ăn là cả một nghệ thuật mà bọ trẻ thành phố không bao giờ được hưởng). Đập bỏ lớp bùn và lông, thịt chuột còn bốc hơi, chấm với muối ớt, thịt ngon mềm như thịt gà, món ăn sang trọng chỉ được đảo qua môi trong những ngày giỗ, tết của bọn trẻ quê.
Ôi, sao mà thương thế những ngày khốn khó. Nhiều lúc nhớ về những ngày đó, hắn nấc lên và nước mắt chảy ra. Những kỷ niệm đó, kết dính thêm hắn với quê hương chặt hơn, sâu sắc hơn. Đi đâu, đến đâu hình ảnh quê hương những ngày thơ ấu, luôn được hắn mang ra so sánh, đối chiếu. Hắn luôn nghĩ mình có những ngày thơ ấu hạnh phúc và đặc biệt trong sáng.
Hắn luôn tìm ra những điều hay, vẻ đẹp riêng của quê hương. Ví như dòng sông, thử thách đầu tiên mà hắn vượt qua khi cố tập làm thằng đàn ông. Con sông quê hắn mới trong xanh, sạch sẽ, mát lành và dịu êm làm sao. Người làng vẫn ra sông quẩy nước về để dùng. Con bé của hắn quẩy nước hàng ngày bằng đôi nồi đất.
Hắn nhận ra, đẹp hơn cả là những đêm trăng quê bên sông với dáng quẩy nước của con bé, dáng nó mềm mại, uyển chuyển, dưới bóng trăng, bóng nó cứ dập dìu, dập dìu, nhún nhảy, nhún nhảy… Hắn ngồi với con bé. Con bé của hắn nhỏ bé và cũng dịu hiền, mềm mại như ánh trăng, mát lành như những ngọn gió thu và ngọt ngào, ngọt ngào như… mật ong ấy. Mật ong ngọt như thế nào, thật sự hắn đã bao giờ được nếm. Vậy là cái dịu ngọt của con bé là nguồn cơn của mọi sự, là cái thắc thỏm mong mỏi, là cái ngong ngóng chờ đợi và trong xôn xang trong lòng khi thấy con bé.
Nhưng mà khi đã để ý nhau “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” thì giận hờn cũng làm cho tình yêu thêm thi vị, thêm đậm đà, mà có khi còn cháy bỏng hơn. Nó làm đậm đà cho cuộc sống, nó khiến người ta ghi nhớ sâu đậm hơn, sâu đậm ở khoảng thời gian đẹp nhất của lứa đôi khi xuất hiện những tình cảm khác giới. Con bé của hắn tuy mảnh mai, bề ngoài có vẻ yếu đuối mà sắc sảo, mà cương quyết mà mà mà… gan lì lắm. Cô bé đã làm hắn hiểu thêm hương vị đặc biệt của nhớ nhung, của xa cách, đặc biệt những thơ ngây, tinh khôi tuổi học trò đẹp đẽ như thế nào. Có lần, hai đứa vừa chia tay nhau, hắn lại quay lại, nói với con bé, tớ lại nhớ cậu rồi. Con bé phì cười, đẹp lạ lùng, nó thích thú nói với hắn, dở hơi, về đi. Về nhà ngồi nhớ cũng được. Hắn quay đi nhưng đầu vẫn ngoái lại. Hắn cũng thấy con bé ngoái lại.
Mà tuổi đó, có giận hờn thì cũng chỉ là giận hờn vì hiểu lầm nhau, nỗi giận có chút hờn ghen của yêu đương, thấy mình như bị người đó không được để ý bằng người khác trong một đám đông. Một chút gì đó của sự đòi hỏi sở hữu, là riêng, không thể sẻ chia, đã nhen nhóm. Có vẻ như thấy ánh mắt ai đó liếc nhìn về phía người mình để ý. Có vẻ như một buổi hẹn hò chậm trễ. Có vẻ như quên mất một sự kiện có liên quan mà lý ra phải nhớ. Có vẻ như, có vẻ như… nhiều cái có vẻ như vớ vẩn lắm, bâng quơ giời ơi lắm.
Cái giận hờn của con bé là như thế này. Ngày đầu học cấp ba, hắn dẫn một lũ bạn về chơi, trai gái đều có. Con bé thấp thoáng xa. Hắn mải tiếp bạn. Con bé đến gần, nó không nhìn thấy. Con bé đi đi lại lại hai lần nữa, hắn cũng chẳng chú ý. Vậy là con bé tức tối bỏ về. Hắn vẫn nhiệt tình tiếp bạn, lại còn cầm tay một đứa con gái chỉ cho nó biết cái giếng thơi đầy nước trong mát, múc nước từ giếng lên để nó cảm nhận khi rửa mặt. Lớp hắn con gái ít, vì đa số gia đình không đủ điều kiện tài chính để cho theo học tiếp cấp ba, vì quan niệm trọng nam khinh nữ, những đứa này chỉ vài năm nữa sẽ con bồng con bế. Con gái vào được cấp ba, gia đình đều kha khá hoặc học lực cũng khá. Bọn này ăn mặc chải chuốt hơn, điệu đàng hơn, con gái rõ nét hơn. Nhiều đứa đã biết yêu. Vậy thôi và con bé tức, con bé giận, con bé hờn không thèm gặp mặt hắn. Hắn không rõ nguyên nhân, con bé chỉ vùng vằng, “tôi làm sao bằng được người ta”. Mãi rồi nó mới hiểu ra. Hắn tìm gặp để thanh minh, con bé không nghe. Hắn không biết làm sao, về nhà, ngồi nghĩ mà đau cả đầu. Hắn lấy bút, viết cho con bé bài thơ. Lần đầu nó làm thơ mà thơ lại viết về con bé. Hắn mở đầu có ý trách móc “Gặp tôi người dửng dừng dưng/ Làm cho tôi cứ.. lửng lưng chẳng đầy” đọc câu đầu tiên, con bé cười thầm, thích thú, cho chết…ai bảo. Hắn bâng quơ như hỏi, như thanh minh, cũng là nhắc nhở con bé “Lời yêu gom nhặt cả đời/ Ai đem đánh đổi cho người dửng dưng” rồi lại khẳng định cho sự chung thuỷ “Tơ hồng nhiều lắm ai buông/ Thế gian nhiều lắm chỉ vương… một người” thêm một tí trách móc, xuống nước làm lành “Cũng là duyên số ở đời/ cho nên người hỡi… đừng thôi nữa mà” rồi hắn xác định con bé là nguồn yêu “Dáng duyên em đấy nụ cười/ Mang hơi thở trẻ của thời tôi yêu/ Đời vui ngẫm được bao nhiêu/ Cười đi để gửi bao điều cho nhau” Con bé đọc xong hết giận, thấy thương thương hắn, nhơ nhớ nữa và mong nó vẫn quẩn quanh đâu đây. Con bé đi ra ngoài. Đúng là hắn đang thơ thẩn gần đấy. Hắn chạy lại phía con bé, con bé quay người laị, mỉm cười. “ Hết giận nhé”. Vâỵ là thơ giải toả tất cả, thơ tuyệt vậy đấy!
Những tháng sau đó, tình cảm chúng nó gắn kết hơn, nhưng là sự gắn kết của cái đẹp, cái tinh khôi, cái trong veo. Bọn chúng chưa hề cầm tay nhau, ngồi nói chuyện cũng cách xa. Mỗi lần từ chỗ trọ học về nhà, mà hắn bảo bạn bè, rằng đó là những chuyến bồi đắp tình quê. Có thằng bảo, mày phải lòng con bé nào mà học toàn chỉ nghĩ tới ngày về. Hắn lấp la lấp lửng, phải, tao phải lòng người quê mất rồi. Cũng chẳng đứa nào được nó nói rõ hơn.
Hồi nghỉ hè lớp chín, chuẩn bị vào lớp cuối của thời học sinh, hắn mười tám. Khắp nơi rục rịch chuyện đi ở, chuyện tương lai. Nhưng hơn cả là chuyện động viên thanh niên học sinh sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Hắn phân vân lắm vì biết chắc “phận đại tá điền” nhà hắn. Về nhà, gặp con bé nói chuyện. Chuyện xa chuyện gần, hắn đọc cho con bé nghe bài thơ “Núi đôi” và nói, hắn lo cho nó lắm. Con bé cướp lời hắn “Lo cho người đi xa, người lên Đông-Bắc ấy, ở nhà sợ gì”. Hắn lại hỏi con bé có thích màu tím hoa sim không? Con bé bảo màu tím là màu yêu thương nhau suốt đời đấy, màu thuỷ chung đấy, nếu thích là chỉ được thích một người thôi. Chẳng hiểu sao, hôm đó, hắn bảo hắn ngu, ngu quá, ai lại nói vào đúng hai bài thơ mà hai người con gái hậu phương đều chết. Hắn sợ bài thơ vận vào con bé, nhưng rồi chuyển đề tài rất nhanh, thế là “có núi chồng núi vợ đứng song đôi” phải không? Con bé “hứm”, xấu hổ, quay mặt đi. Hắn vẫn chẳng biết thổ lộ lòng mình thêm thế nào nữa nhưng hắn tin con bé hiểu.
Thế rồi chiến tranh và thế rồi chia xa đằng đẵng. Thế là hắn thật sự va đập với đời. Hắn đi theo tiếng gọi yêu nước nhưng tiếng gọi thăm thẳm xa tận đẩu tận đâu ấy, người ta bảo đó là tiếng gọi non sông. Hắn đi và không xác định được ngày về. Chẳng ai ngày đó đi mà xác định được ngày về cả. Tuổi trẻ hắn hoà cùng núi rừng Trường Sơn. Trường Sơn dài lắm, dài dằng dặc chục năm. Chục năm bặt tin tức nhau, chục năm hắn chỉ được nhớ và hi vọng, hỏi còn ai đợi ai chờ ai khi lời yêu chưa ngỏ. Một thế hệ (có thể hơn) con người đất nước mình chịu cảnh đó, bởi đó là chiến tranh.
*****
Hắn trở về quê hương. Nhiều người xưa đã tứ tán, người còn người mất, người trẻ lớn lên mà hắn không nhận ra. Nhưng xóm làng vẫn vậy, những nếp nhà cũ kỹ hơn, đường đi lối lại vẫn thế nhưng có vẻ già nua hơn, tiêu điều hơn. Hắn tìm con bé, con bé không còn nữa. Mối tình hắn với con bé kín đáo lắm, chẳng một ai hay biết, chỉ có hai đứa biết với nhau. Hắn về mái trường xưa. Cũng vậy, xác sơ, rệu rã, mòn mỏi hơn trước. Hắn biết con bé chờ hắn, chờ hắn đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Con bé đi không một lời để lại. Câu “phút cuối không nghe được em nói” vẳng về.(Hữu Loan) Câu thơ đã vận vào hắn. Nỗi đau khiến hắn buồn thắt ruột, cảm như cuộc đời đang sập chìm trong bóng đêm, không cựa quậy, không lối thoát. Một quả núi đè nát tâm hồn hắn làm hắn tan ra rã rượi. Cả một mảng u ám cuộc đời giăng che mắt hắn. Tất cả giờ đây đều là vô vị, trống rỗng. Người nhà con bé biết đến hắn khi tìm được bài thơ hắn gửi cho con bé ngày hai đứa giận hờn. Người ta mới hiểu vì sao con bé không lấy chồng. Một câu nói bâng quơ từ một bài thơ làm con bé chờ đợi, chờ đợi mãi, chờ đợi cả một đời. Con bé chưa nghe được một lời yêu từ hắn. Mối tình thật đẹp nhưng cái kết cục cũng thật lâm ly. Buồn lắm!
Chuyện tình đó được hắn kể lại với một cô giáo tương lai, học sư phạm văn. Cô giáo tương lai có dáng người như con bé ngày xưa. Học xong được điều về đây khi trường đã khang trang, đẹp đẽ để xứng đáng là nơi tạo ra những con người có tâm hồn đôn hậu, đem lại lợi ích cho đời. Cô giáo có vóc hình như người xưa, thấu hiểu nỗi buồn của hắn. Hắn hiểu sự thấu hiểu đó là món quà không dễ tìm kiếm trên đời và cô biết, mọi lời động viên, an ủi với đều không cần, cô chỉ im lặng để hắn được trở lại những ngày xưa yêu dấu. Cô là như vậy, hắn chẳng mong gì hơn. Đó cũng là món quà thượng đế tặng cho hắn. Đấy, giờ đã hai con mà vẫn mảnh mai, nhẹ nhàng. Mỗi lần về lại trường xưa, cô giáo đều đi theo hắn, đều ngồi lặng yên dưới những tán phượng, những chứng nhân của lịch sử nhà trường, cô trân trọng sự lặng im của hắn.
16/8/2022-Mùa vu lan