Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.138.537
 
Lăn tăn về việc trồng người
Đỗ Nhựt Thư

 

           Ngồi cà phê cà kê về nền giáo dục, về con mình và các cháu bây giờ học kém, văn hoá thấp rồi việc gia đình xào xáo, cán bộ tham nhũng, thực phẩm bẩn, lối sống của con người xuống cấp mấy lão hoang mang lắm. Gốc là do việc giáo dục và sự gương mẫu từ cha mẹ, thầy cô, quan lại, người lớn mà ra đây. Ưu tư như trời đày do ‘bản thiện’, gia đình nền nếp, được học hành tử tế và ảnh hưởng nếp sống dân tộc thuở 1960, mấy lão hâm hâm là phải.  

 

          Con lão Trần năm 2005 lúc 23 tuổi là giảng viên đại học, sau chê trai Việt, lấy chồng người Mỹ, theo chồng qua bên ấy, xin việc nó bắt kiểm tra trình độ đủ loại, giờ phải đi học lại đại học. Lão nhăn nhó: - May mà con bé giỏi tiếng Anh, không thì nhiễu sự lắm.

   Lão vốn là giáo viên, buồn cho nghề dạy làm người mà kết quả học trò không thành người, thấy nhục lão xin nghỉ việc, tò mò việc dạy và học của đất nước vĩ đại nhất thế giới ấy, lão hỏi con gái và xuýt xoa tâm sự lại với chúng tôi, bảo: - Ông nên viết.          

    Tôi nghĩ mình cũng còn trách nhiệm với con cháu nên có vài dòng này về việc học đại học ở Mỹ, xin người đọc ngẫm nghĩ thử chút chơi.

             Nghe Trần kể là các trường chỉ nhận hồ sơ đăng ký để xét tuyển, nếu đạt các tiêu chí là được vào học thôi, khoẻ re nhưng người xin phải suy ngẫm trước về nghề nghiệp tương lai của mình mới nộp hồ sơ nha.  

     Mà này, họ lại có hệ Cao đẳng cộng đồng chỉ 2 năm dành cho học sinh đã học xong THPT mà lực học yếu để học bù, hiểu biết cơ bản về xã hội và hướng nghiệp sau đó mới chọn trường chuyên ngành mà sinh viên tự thấy mình có năng khiếu để học.

     Trong thời gian học họ khuyến khích sinh viên tự chủ, tự thể hiện mình, cứ tranh luận với nhau theo suy nghĩ riêng, có thầy cô hướng dẫn, không cấm đoán điều gì và nếu sai cũng không được chê bai. Sinh viên được chọn học các khoá học chuyên ngành mà chúng có năng khiếu lại được chọn thầy cô. Hay quá chứ nhỉ.

    Sinh viên Mỹ ít đến trường lắm đấy nhé. Thầy cho chủ đề học trước cho họ tự nghiên cứu. Rồi hướng dẫn tranh luận nhóm. Đến kỳ thi họ thuyết trình đề tài, góp ý và có thể phản biện với giáo sư, trò mà đúng thì thầy mừng lắm: “Good! Good! Thanks” hoan hỉ thật lòng và được đánh giá cao, hưởng học bổng nhiều. Tôi nghĩ nếu ở VN ta trò ấy chắc phải về cuốc đất.

    Hội đồng quản trị các trường có quyền đề ra các môn học theo nhu cầu xã hội hiện tại, học phí rất cao, nhưng nếu học giỏi là được học bổng, nên chỉ khoảng 50% học sinh học xong trung học vào học dù không thi tuyển đầu vào vì cân nhắc các lợi ích.  Khác ta quá xá quý vị ơi.

    Ở Mỹ các cấp học dưới đại học được miễn học phí nhưng học đại học thỉ rất đắt, bình quân hơn 100.000 đô đó (~ 3 tỷ VNĐ), chi khác thì sinh viên tự kiếm việc theo giờ mà trang trải. Nhưng 85% sinh viên lại được hổ trợ tài chính bằng các hình thức học bổng, trợ cấp, vay ngân hàng nên cũng dễ thở, hây … Mà bản thân sinh viên phải chịu trách nhiệm nhé, nên nhớ cha mẹ Mỹ tốt nhất là cho con mượn tiền để học đại học nha – 18 tuổi là phải tự lo rồi, nhờ thế mà có kỹ năng sống ko như ta cứ bảo bọc làm chúng sinh tính dựa dẫm làm cha mẹ khổ cả đời và ra đời thì ú a ú ớ.

    Nếu học đạt để được tốt nghiệp thì sinh viên Mỹ chắc chắn có việc làm với thu nhập phù hợp đảm bảo cuộc sống, lương khoảng 5.000 đô, vài năm là trả xong nợ.

    Còn ở ta? Học sinh ta như những con vẹt, bù đầu vào học theo lối nhồi nhét những môn thi để đạt học sinh giỏi và tốt nghiệp đại học - bất kể trường nào dù không đủ kiến thức làm người lẫn chuyên môn nhưng cha mẹ thì tự hào lắm.

    Lạ quá. Nhìn lại chương trình học của các cháu mình bị thầy cô theo chương trình quy định của trên tống xuống, đạt loại giỏi là làm bài y giáo án, em nào viết khác là bị điểm thấp, làm người thì ngây ngô; bọn tôi tái cả người. 

    Than ôi! Khi tốt nghiệp thì một số không xin được việc làm vì doanh nghiệp không cần lại không biết giao tiếp xã hội, kiến thức nông cạn, thật là xấu hổ và lãng phí. Nếu đi làm thì lương khoảng 3 triệu, hic! Ko đủ ăn thì lấy đâu trả nợ? Học 4 năm bét ra tốn kém khoảng 300 triệu, nan giải quá chứ?   

    Lê còn kể việc như bịa: - Các ông biết không? Nhiều cháu muốn có việc làm thì không được kê khai bằng cấp, để tư doanh họ xếp lương thợ phổ thông, lương thấp họ mới tuyển dụng. Đau đớn không?

- Còn việc học để làm người? Tôi nhìn Trần thách đố.

     Trần thở dài: - Việc này thì ta thua. Xã hội họ đã xây dựng được một nếp sống hài hòa giữa tôn trọng quyền tự do cá nhân và trách nhiệm xã hội. Đức tính công bằng, đạo đức và thành tín mà các quan ở cơ quan công quyền, các tổ chức phi chính phủ cũng như doanh nghiệp, của cha mẹ đã gương mẫu thực hiện nên công dân họ không cần bày dạy nhiều mà họ phải biết sống thế nào cho khỏi xấu hổ với người quanh ta - xã hội nào thì con người ấy.

- Hèn gì các ứng viên tổng thống của họ ra tranh cử khi bị dư luận phát hiện đời sống riêng có việc sai trái là họ tự động rút lui ngay. Lê vân vi.

- Hê! Trần khoái hoạt: - Các phát minh, các giải Nobel đa số là của người Mỹ, còn ta tui chưa thấy VN mình đóng góp gì sự tiến bộ của cho nhân loại hết đó nha - dù ta có đến hơn 28.000 tiến sĩ, giáo sư chảnh choẹ.

 

            Ngẫm VN ta mấy chục năm chương trình giáo dục vẫn loay hoay cải tiến cải lùi, kết quả đào tạo kém chất lượng, dư luận trách móc rầm trời mà thấy lạ. Vì cha mẹ, thầy cô, quan lại, người lớn sống và làm việc như thế lại thêm luật pháp không đạt công lý, …., thì lấy gì làm gương và đủ sức răn đe để các cháu thành người, đóng góp vào việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Thôi trăn trở viễn vông chi cho stress hả mấy ông già? Dễ gì thay đổi, cứ ok đi cho ‘phẻ’. Một trung niên bàn bên cười cợt.

 

    11/2016 – 2022

 

 

 

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 418
Ngày đăng: 21.11.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ấm áp chiếc lồng ấp ngày Đông - Trang Thùy
Chiều nay Hồ Tây… - Phan Ngọc Anh
Thơ tình và người viết tình thơ - Hoàng Thị Bích Hà
Một Huế luôn mới trong ngôi nhà Lavin Home - Trang Thùy
Tẩn mẫn những nỗi quên, niềm nhớ… - Phạm Nga
Tình đã bay xa... - Ngô Lạp
Thêm một người bạn tốt đã ra đi - Minh Tứ
Nhớ mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Hướng thiền cuộc sống - Tuệ Thiền
Bâng khuâng giếng làng - Hoàng Xuân