Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.138.592
 
“Tính ta vốn yêu núi” – góc sâu thẳm của tâm hồn Nguyễn Du
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

(Kính tặng những ai đã từng sống ở Núi Rừng nước Việt, hay từng bị cải tạo nơi đó…)

***

Nguyên tác câu Tính ta vốn yêu núi ở tập Bắc hành tạp lục là: Túc hữu ái sơn tích (夙有愛山癖), trong một bài thơ ngũ ngôn bát cú khi Nguyễn Du đi qua núi Tiềm thuộc huyện Tiềm Sơn, tỉnh An Huy Trung Quốc: Ta vốn có tính yêu núi- Xa rồi nhớ bao nhiêu-Nay trên đường đi Tiềm Sơn-Tưởng như ở trong dãy Hồng Lĩnh-Mây ráng bên ngoài nơi vượn hú-Cây tùng cây bách có thừa chỗ cho hạc làm tổ-Hẳn có người trong núi-Suốt đời không quen biết ta (Túc hữu ái sơn tích/ Biệt hậu tư hà như/ Lai đáo Tiềm Sơn lộ/ Uyển như Hồng Lĩnh cư/ Vân hà viên khiếu ngoại/ Tùng bách hạc sào dư/ Định hữu sơn trung khách/ Bình sinh bất thức dư. Tiềm Sơn đạo trung).

 

Nguyễn Du chỉ thốt lên một lần duy nhất: Ta vốn có tính yêu núi khi ông Bắc hành, ở đoạn cuối sứ trình; nhưng cái tính đó, ông đã bộc lộ biết bao lần trong 254 bài qua cả ba tập thơ chữ Hán của mình! Ai ham đọc sách mà không biết câu nói có tự cổ xưa: Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn (Kẻ trí thì vui với sông nước, người nhân thì vui với núi non); song cái ý tưởng sách vở thể hiện khát vọng thoát tục thanh cao, mơ ước được tựa vào non xanh để tìm sự yên tĩnh vĩnh hằng của nội tâm đó đã được Nguyễn Du trải nghiệm bằng toàn bộ cảm giác buồn, vui, qua các đoạn đời phong trần của mình, và ông miêu tả chúng qua bao vần thơ chữ Hán thực thấm thía, rung động.

 

Hai nhà nghiên cứu đã có một cuộc khảo sát thú vị về hệ thống từ vựng ở tập thơ Bắc hành tạp lục, và đã thống kê được, trong nhóm danh từ xuất hiện ở khu vực có tần số cao, ở mục “Thiên nhiên-Không gian”, chữ Sơn đứng đầu (78 chữ), sau đó là các chữ: Phong (51 chữ), Nhật (50 chữ), Giang (49 chữ), Thủy (45 chữ), Thiên (45 chữ), Vân (37 chữ)(1).

 

Tiếp theo hai nhà nghiên cứu trên, chúng tôi cũng làm một cuộc khảo sát tương tự (nhưng giới hạn ở chữ Sơn và các chữ liên quan tới núi non) trong hai tập thơ kia của Nguyễn Du: Thanh hiên thi tậpNam trung tạp ngâm(2), nhằm làm sáng tỏ thêm điều mà các tác giả đã khái quát bước đầu như sau: “Rõ ràng, thiên nhiên có vai trò quan trọng trong việc tạo nên không gian nghệ thuật đặc trưng của Bắc hành tạp lục, tạo nên bức tranh hiện thực sống động cùng đời sống nội tâm cùng với nhiều suy tư của tác giả”(3); đồng thời góp phần khắc họa rõ nét hơn chân dung tinh thần Đại thi hào qua cả ba tập thơ di cảo.

 

Thanh hiên thi tập có 10 lần chữ Sơn, Nam trung tạp ngâm có 45 lần chữ Sơn, với 78 chữ Sơn của Bắc hành tạp lục tổng cộng là 133 chữ Sơn. Toàn bộ những chữ Sơn này ít khi đứng độc lập, mà đi liền với các danh từ khác, danh từ riêng, động từ, tính từ, điển cố - như Sơn Vân, Điệp sơn, Cao sơn lưu thủy, Quan sơn, Thanh sơn, Hàn sơn, Nam sơn, Độc thướng cao sơn, Trùng sơn, Sơn thâm, Hồng Sơn thiên lý, Lam thủy Hồng sơn, Bách lý Hồng sơn, Hồng sơn sơn nguyệt, Hồng sơn dạ, Sơn trung, Sơn thôn, Sơn dạ, Sơn ngoại, Sơn tiền, Sơn tăng, Sơn ổ, Sơn thượng, Liên sơn, Sơn nhân, Mãn sơn, Sơn hà phong cảnh, Sơn nguyệt giang phong, Sơn sơn lạc nguyệt, Thiên lý giang sơn, Cố quốc hà sơn, Toàn Việt sơn hà, Sơn băng thạch liệt, Sơn linh, Thiên thai sơn, Thuỷ viễn sơn trường, Vạn trùng sơn, v.v. Ngoài ra, còn có các chữ nói về núi non, như: Phong 峯, Nhai 崖, Thạch 石… Các trạng thái - tình huống chữ Sơn như thế, với nhiều kết nối ngữ nghĩa phong phú, phức tạp, đã góp phần thể hiện đời sống nội tâm phong phú của nhà thơ, và tạo nên những ý tưởng thơ sâu sắc, những hình tượng thơ độc đáo.

 

NÚI là một trong những mô hình không gian quan trọng của mỹ học thơ ca trung đại Việt Nam và Á Đông, khi mà không gian vũ trụ chiếm ưu thế; và “mô hình tìm kiếm, phát huy sức sống trong vũ trụ” đó là “mô hình nhìn quanh Đông Tây Nam Bắc, trên dưới, trước sau”, là “ý thức về vị trí của mình trong thế giới, tương quan với môi trường xung quanh”, và “Quy mô không gian có ý nghĩa đặc biệt để biểu hiện sức mạnh tâm hồn” - như sự đúc kết của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử khi tìm hiểu các phạm trù văn hóa & văn học cổ - trung đại(4).

 

Và nếu như NÚI là một trong những thi liệu đắc địa của văn chương cổ - trung đại (như có tác gia khái quát: Thơ xưa nghiêng về yêu cảnh đẹp thiên nhiên-Núi, sông, khói, hoa, tuyết, trăng, gió - Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ/ Sơn thuỷ yên hoa tuyết nguyệt phong. Khán “Thiên gia thi” hữu cảm - Hồ Chí Minh), thì NÚI lại là trung tâm của nguồn thi liệu đó đối với các thi nhân - ẩn sĩ, là một biểu hiện hay một sự chung đúc của Thiên nhiên với tư cách là “ngôi nhà an ủi nỗi đau trần thế, đạt tới cõi quên thân, quên vật”(5). Ở Việt Nam như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, v.v; ở Trung Quốc tiêu biểu là thơ sơn thủy của các thi nhân như Đào Uyên Minh, Lý Bạch, v.v (Núi biếc nghìn trùng phô ngọc đấy-Nước trong muôn khoảnh trải gương ra. Hý đề - Nguyễn Trãi; Vấn dư hà sự thê bích san (sơn)/ Tiếu nhi bất đáp tâm sự nhàn/ Đào hoa lưu thủy diểu nhiên khứ/ Biệt hữu thiên địa phi nhân gian - Hỏi ta việc gì trong núi biếc-Cười mà không đáp lòng tự nhàn-Hoa đào nước chảy trôi xa tít-Đất Trời một cõi ngoài nhân gian. Sơn trung vấn đáp - Lý Bạch). Đặc biệt, thi nhân - nghệ sĩ Nguyễn Du còn có sự “cảm ứng” với NÚI như một trong những “tâm vật” quan trọng bậc nhất của thiên nhiên trong tâm hồn ông.

 

Trong cả ba tập thơ chữ Hán Nguyễn Du, ta thấy ông không ít lần nói về cái mộng “quy khứ”, mong ước siêu thoát, về ẩn dật với Núi Rừng theo gương người xưa. Nhưng trọn đường đời mình, ông chưa/ không thể thực hiện được cái mộng ấy. Trong số các loại ẩn sĩ với nhiều nguyên nhân quy ẩn mà có nhà nghiên cứu Trung Quốc từng tổng kết, gồm khoảng 6 loại(6), ta thấy Nguyễn Du không thuộc hẳn vào loại nào - dù ở mỗi loại, ông đều có bóng dáng trong đó! Và nếu ông có làm “ẩn sĩ” thì là “ẩn sĩ” trong giấc mộng, hoặc khi lang bạt kỳ hồ nơi “giác hải thiên nhai” - góc bể chân trời, hay trong cảnh ngộ “cùng đồ” - cùng đường…

 

Trước NÚI, tâm hồn dễ xao động của thi nhân rất thường xảy ra hiện tượng “Tâm - Vật cảm ứng”, “Thiên - Nhân cảm ứng” quen thuộc trong mỹ học cổ - trung đại Á Đông, như cách mà nhà lý luận văn học Lưu Hiệp đã viết trong Văn tâm điêu long: Tình cảm nhà thơ nảy sinh ra thường gửi gắm ở nơi vách núi mặt biển mà chính mắt mình nhìn thấy (Đăng sơn tắc tình mãn vu sơn, quan hải tắc ý dật vu hải)(7).

Nhưng ngót hai chục lần nhà thơ nói về Hồng Lĩnh sơn là phần lớn nói trong giấc mộng, trong niềm tưởng nhớ da diết khi tha hương lữ thứ… Bởi đó là lúc thi nhân, nói như Trang Tử, đã “nghe không phải bằng tai, nhìn không phải bằng mắt mà bằng trái tim”(8), hay như Lục Cơ: “Khi điều đó bắt đầu trong tôi thì tôi liền bịt tai bưng mắt; tôi đắm chìm hoàn toàn vào tâm tư, tìm kiếm tất cả từ mọi phía. Từ đáy sâu của tâm hồn tôi bay ra tám cực, bằng trái tim tôi phiêu dạt nơi tầm cao muôn trượng”(9). Nhìn ngắm Núi xanh ở bất kỳ vùng đất nào, bao giờ nhà thơ cũng mộng về hương quan, về Hồng Lĩnh, Hoành Sơn, và thường liên hệ tới Non sông nước cũ (Cố quốc hà sơn)…

Người Đi khắp chân trời góc biển/ Trong khoảng trời đất, đến đâu là nhà đó (Đạp biến thiên nha hựu hải nha/ Càn khôn tuỳ tại tức vi gia. Tạp ngâm I), lại thường lấy NÚI làm chốn “hậu phương” vững chãi cho tâm hồn và nghị lực mình. Và nhà thơ thường lấy điểm tựa tinh thần nơi Bách lý Hồng Sơn chính khí  từ thuở trai trẻ để tin tưởng ở lẽ “hành xử” cho cả đời mà mình đã chọn: Non Hồng trăm dặm, cùng chung một chính khí-Mắt xem việc đời như một đám phù vân-Thanh kiếm đeo lưng trước làn gió thu-Một mình im lặng nhìn đám trúc trước sân-Sương tuyết tan rồi, nó sẽ hoá rồng (Bách lý Hồng Sơn chính khí đồng/ Nhãn để phù vân khan thế sự/ Yêu gian trường kiếm quải thu phong/ Vô ngôn độc đối đình tiền trúc/ Sương tuyết tiêu thời hợp hoá long. Ký hữu I). Ở NÚI, Nguyễn thường sống lại cái cảm hứng của chí làm trai thời chưa bạc tóc: Suốt mười năm, ta chưa rửa được mối hận của nam nhi/ Hãy gõ nhịp vào gươm mà ca hát trước chòm mây trắng! (Thập niên vị tiết nam nhi hận/ Đàn kiếm trường ca đối bạch vân. Ninh Công thành). Còn khi bước vào các đoạn đời phong trần, trên thực tế, nhiều khi ông phải đi vòng vài nghìn dặm tránh loạn liên miên thì mới có thể tìm được chốn Chiều hôm quạnh quẽ, núi vây bốn bề (Tịch tịch tà dương sơn tứ vi. Tổ Sơn đạo trung). Chính thi nhân tự rút ra điều này: để Đến được chỗ tận cùng núi xanh (Đáo đắc thanh sơn tận) thì ông đã từng phải đi khắp Núi nước Ngô, nhiều Núi nước Sở (Ngô sơn hành dĩ biến/ Sở sơn lai cánh đa. Hoàng Mai đạo trung). Và ở chốn Cao sơn ông thường dễ tủi cho cảnh “khóc cười theo thói tục” (tiếu đề tuẫn tục) dưới núi của mình, càng dễ thấm thía về sự tàn tạ, suy vong đã xảy ra trong quá khứ hay đang diễn ra trước mắt ông, …

 

Mỗi lần được ở NÚI hay có dịp nhớ NÚI, Nguyễn Du càng thấm hiểu và xót xa cho cái cảnh ngộ viên ngọc trong đá không giữ vẹn được mặt thật (Thái phác bất toàn chân diện mục) của bản thân lúc sống giữa các con oanh đẹp ở vườn thượng uyển hay ghen ghét nhau vì sắc (Thượng uyển thanh kiều đa đố sắc), để rồi thêm thẹn trót lỗi thề với khóm trúc tảng đá (Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh), và không chỉ một lần phải Thẹn mình đã phụ làn mây núi Hồng sơn (Hồng sơn tàm phụ nhất sơn vân). Nhiều khi, nhìn thấy núi non, ông liền nghĩ ngay Trong mộng thấy tùng cúc, lại nhớ đến chuyện muốn về vườn (Mộng trung tùng cúc ức quy dư). Bởi Có thể dựng ngôi nhà trước rừng cây kia mà ở-Trên núi có mây trắng, lại có khe nước chảy-Nhà sư và khóm trúc, cả hai đều vô sự (Vạn mộc sơn tiền khả bốc cư/ Bạch vân tại tụ thuỷ thông cừ/ Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng. Lạng Sơn đạo trung). Không ít lần, NÚI lại là cái cớ, là dịp để Nguyễn Du ngẫm về ước mộng thoát khỏi cảnh hoạn lộ giống con phượng nhốt trong lồng, như lời tâm sự lúc chia tay Nguyễn Quýnh, anh trai cùng bố khác mẹ: Từ nay Hồng Lĩnh đã có người về làm chủ-Còn ta đầu bạc, chẳng nên trò trống gì, mà vẫn không về nhà-Cái dáng nho nhã bình sinh nay xơ xác như con phượng nhốt trong lồng-Công danh thì như con rắn chui tuột vào hang lúc nào rồi-Bạn trở về quê hương tha hồ hưởng thú trăng trong gió mát-Trưa nằm ngủ trước cửa sổ, chẳng mơ màng đến chuyện phương trời xa (Hồng Lĩnh hữu nhân lai tố chủ/ Bạch đầu vô lại bất hoàn gia/ Sinh bình văn thái tàn lung phượng/ Phù thế công danh tẩu hác xà/ Quy khứ cố hương hảo phong nguyệt/ Ngọ song vô mộng đáo thiên nha (nhai). Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam quy). Ông mượn hình ảnh Vị sư già ngon giấc trong mây núi Hồng (Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân. Dạ hành) để nói về ước nguyện thầm kín đeo đẳng mình suốt đời.

 

Lần duy nhất trong thơ trữ tình, Nguyễn Du kể lại cụ thể nơi sinh sống hằng yêu thích của mình - tuy chẳng được lâu, và đồng thời bộc bạch “Tính vốn yêu núi” cùng ước mơ sâu thẳm của một đời người: Nhà tôi ở trước ngọn núi Thiên Thai, luôn luôn đóng cửa… Anh ở xa đến, thì hãy nhớ đường mà tìm-Nhà tôi ở xóm đầu dãy núi Hồng (Thiên Thai sơn tiền độc bế môn/…/Viễn lai chí thủ tương tầm lộ/ Gia tại Hồng Sơn đệ nhất thôn. Ký Huyền Hư tử).

 

Nguyễn yêu NÚI đến say mê, đắm đuối (theo cách hiểu và dịch câu Hữu ái sơn tích của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn là “Ta vốn nghiện núi”(10)); nhưng có mấy khi ông được sống lâu, sống yên ổn với NÚI! Thời tha hương ”thập tải phong trần khứ quốc xa”, rất hiếm hoi lúc ông được ở núi, tại đó ngẫm nghĩ sự đời và nhớ gia đình, quê hương: Cách Trường An nghìn dặm về phía nam-Có một người quê mùa ở trong núi sâu-Ban ngày yên tĩnh, mây núi che kín cổng tre-Mùa xuân lạnh, hành trúc quanh vườn thuốc trông thưa thớt-Thơ thẩn dưới bóng trăng, lòng nhớ quê hương-Tiếng nhạn đầu mùa khơi thêm dòng lệ biệt ly từ bao năm-Em trai em gái ở nơi quê nhà, bấy lâu bặt hắn tin tức-Không nhận được lá thư nào nói cho biết có bình yên hay không? (Nam khứ Trường An thiên lý dư/ Quần phong thâm xứ dã nhân cư/ Sài môn trú tĩnh sơn vân bế/ Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ/ Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ/ Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ/ Cố hương đệ muội âm hao tuyệt/ Bất kiến bình an nhất chỉ thư. Sơn cư mạn hứng). Với ông, không chỉ Hồng Sơn, mà tất cả những gì thuộc về NÚI đều là bạn tâm giao, chỗ dựa đáng tin cậy của mình: Đến tuổi già, mái tóc bạc, trông mà thương cho anh-Ở mãi nơi đây, thế mà rặng núi xanh kia vẫn chưa chán người (Lão lai bạch phát khả liên nhữ/ Trú cửu thanh sơn vị yếm nhân. Thu dạ kỳ 1).

 

Yêu núi, muốn sống với núi, song trong nhiều cảnh ngộ, Nguyễn chỉ được suy ngẫm Chuyện kim cổ gợi lại bao nhiêu điều thương tâm giữa khi thấy Dãy núi xanh đằng kia vẫn nhuốm bóng chiều hồng như cũ (Vô cùng kim cổ thương tâm xứ/Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng), thường cũng là lúc Chân không bén rễ, mặc cho trôi giạt như ngọn cỏ bồng-Một chiếc đãy rỗng không, đi hết phía nam sông, lại phía bắc sông-Cuộc đời trăm năm, kiết xác với văn chương-Tấm thân côi cút lênh đênh trong vòng trời đất (Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng/ Giang nam giang bắc nhất nang không/ Bách niên cùng tử văn chương lý/ Lục xích phù sinh thiên địa trung... Mạn hứng kỳ 2).

Trong thơ, không chỉ một lần Nguyễn cho chúng ta biết: ông thấu hiểu NÚI là nơi gian khổ, bày thử thách lớn cho con người, thậm chí tạo ra sự cách biệt với cuộc sống hiện tại chẳng khác Âm - Dương trong một kiếp người: Chức quan buộc chân anh ở phía nam thành Lục Tháp-Đi vào đó ban đêm phải vượt đèo Hải Vân đá lởm chởmKể từ khi từ biệt, nay không biết đích xác ở nơi nào-Cuộc trùng phùng có lẽ phải đợi đến kiếp sau (Lục Tháp thành nam hệ nhất quan/Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan/…/ Nhất biệt bất tri hà xứ trú?/ Trùng phùng đương tác tái sinh khan. Ức gia huynh).

 

Nhưng Nguyễn cũng hiểu rằng, chẳng chốn nào tốt hơn NÚI để có được tầm nhìn thanh thoát và sức nghĩ khoáng đạt về non sông - thế sự: Một mình trèo lên núi cao, tầm mắt mới hn-Chuyện cũ của người anh hùng vẫn còn, như bức họa treo nơi bến sông (Độc thướng cao sơn nhãn giới tân/Anh hùng vãng sự quải giang tân. Ninh Công thành); NÚI mới là nơi có thể giúp ông trụ vững tinh thần giữa những khi Gió lạnh trên con đường xưa dồn cả vào một người (Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân. Dạ hành). Trong một lần Bắc hành, đi qua núi Hoàng Mai tỉnh Hồ Bắc, Nguyễn đã tạm rời cương vị một ông quan sứ để quan sát và ngẫm về lý tưởng điền viên của bản thân cũng như cái đích sống của người dân thường ở một sơn thôn, bộc lộ rõ lý do Hữu ái sơn tích của ông - tuy có khí vị của Đào Uyên Minh (Đào hoa nguyên ký) song thực chất là xuất phát từ trải nghiệm của một người đã sở kiến bao đau khổ đắng cay của cõi đời: Dưới chân núi có tùng cao-Trên núi có xóm xaViệc đàn bà chỉ là xe sợi gai-Việc đàn ông là cầy cấy-Cầy cấy, lúc nhàn rỗi-Xuống núi chặt cành tùngSự hưng phế bên ngoài núi-Người ở trong núi đều không biết… Khi đầu bạc không về đây thì về đâu? (Sơn hạ hữu trường tùng/ Sơn thượng hữu diêu thôn/…/Nữ sự duy tích ma/ Kì nam nghiệp vân tỉ/ Vân tỉ cẩu đắc gian/ Hạ sơn phạt tùng chi/…/ Sơn ngoại hưng dữ phế/ Sơn trung giai bất tri/…/ Bạch đầu khứ thử tương an quy. Hoàng Mai sơn thượng thôn). Thời trẻ, khi lang thang với chiếc mũ vàng nhà sư khắp vùng “giang bắc giang nam”, lạc vào một Sơn thôn hẻo lánh, ông như được sống lại với giấc mộng “thoát tục” của đạo sĩ giữa thời thế đảo điên: Ở giữa muôn ngọn núi, xa cách gió bụiBuổi chiều mục đồng gõ sừng trâu dưới đồng hoang-Ngày xuân các cô gái kéo gàu múc nước ở giếng ngọc-Ước gì thoát được trần tục-Mà ngồi dưới gốc cây tùng thú biết bao nhiêu! (Vạn sơn thâm xứ tuyệt phong trần/…/ Mục nhi giác chuỷ hoang giao mộ/ Cấp nữ đồng liên ngọc tỉnh xuân/ Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại/ Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân. Sơn thôn). Có lần, vị quan Hữu tham tri Bộ lễ họ Nguyễn tới núi Thiên Thai ở phía đông thành Huế, trong một ngôi chùa cổ như bị vùi trong đám lá vàng mùa thu, ông đã ngậm ngùi trong nước mắt nhớ lại cái ước vọng “lai khứ” ấp ủ bao năm: Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng-Thương thay mình tóc đã bạc mà còn phải làm lụng vất vả-Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung (Cổ tự thu mai hoàng diệp lý/ Tiên triều tăng lão bạch vân trung/ Khả liên bạch phát cung khu dịch/ Bất dữ thanh sơn tương thủy chung. Vọng Thiên Thai tự).

 

Ở nơi hang đá, suối thác như thiên nhiên xếp đặt từ thời Bàn Cổ của xứ Lạng, khi Nguyễn Cúi nhìn xuống thấy thành có nhiều sự đổi thay mà ngậm ngùi khôn xiết (Phủ thán thành trung đa biến thiên) thì cũng là lúc thuận lợi nhất để ông hiểu rằng, điều có ý nghĩa nhất giúp tâm ông “dĩ bất biến ứng vạn biến” trước mọi va đập sắp tới chỉ có thể là: Lòng này thường định không xa rời đạo thiền (Thử tâm thường định bất ly thiền. Đề Nhị Thanh động). Và cũng có lúc, tại NÚI, Nguyễn thấm thía hơn đâu hết sự vô vị của những “thiên lý mộng”, như lần đi đón sứ nhà Thanh vào mùa đông năm Giáp Tý 1805 tại Lạng Sơn: Mái tóc bạc phơ, cứ phải phong trần mãi-Đường danh lợi làm luỵ đến sự khóc cười-Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện ruổi rong-Đứng dưới Đoàn Thành, nước mắt đẫm khăn (Tiêu tiêu bồng mấn lão phong trần/ Anh hùng tâm sự hoang trì sính/ Danh lợi doanh trường luỵ tiếu tần/ Đoàn Thành thành hạ nhất triêm cân. Xuân tiêu lữ thứ). Xứ Lạng là nơi gợi cho Nguyễn tư tưởng hư không của đạo Phật: Sơn tăng cùng rặng trúc đều yên lặng-Mục đồng cưỡi trâu ung dung chẳng gì bằng (Sơn tăng đối trúc lưỡng vo dạng/ Mục thụ kỳ ngưu nhất bất như. Lạng Sơn đạo trung).

Nhưng cũng chính tại vùng NÚI biên viễn Tổ quốc mình, Nguyễn Du là nhà thơ nước Việt hiếm hoi - nếu không muốn nói là duy nhất - đã phán xét về cái phi lý, độc ác của bọn hiếu chiến phương Bắc từng tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, bằng tiếng cười riễu cợt của ông, trước khung cảnh hoang sơ hùng vĩ nguy hiểm từng trở thành cạm bẫy đối với chúng: Núi liên tiếp, cao vút tận mây xanh-Nam bắc chia ranh giới ở chỗ này-Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng-Thương thay, bao nhiêu ngươì vẫn phải đi về qua đâyTừ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng-Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen! (Liên phong cao sáp nhập thanh vân/ Nam bắc quan đầu tựu thử phân/ Như thử hữu danh sinh tử địa/ Khả liên vô số khứ lai nhân/…/ Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt/ Kỳ công hà thủ Hán tướng quân. Quỷ Môn quan). Tại Trấn Nam Quan, Cửa ải hùng vĩ đứng trấn giữa muôn nghìn núi non (Nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm), nhà thơ đã bộc lộ cảm nghĩ hùng tráng của cả một dân tộc ý thức sâu sắc về chủ quyền Độc lập Tự chủ qua hàng trăm năm: Bức thành lẻ loi phân chia hai nước-Bên tai còn nghe văng vẳng tiếng nhạc quân thiều (Lưỡng quốc bình phân cô lũy diện/ Quân thiều nhĩ bạn hữu dư âm. Trấn Nam Quan). Chuẩn bị đi sứ, nơi núi non trập trùng xứ Lạng, nhà thơ có cảm giác Mây đá Đoàn thành chiều hôm nay như có ý đợi ta (Ðoàn thành vân thạch tịch tương hậu), và ông đã viết ra những câu thơ độc đáo về sứ mệnh của văn chương: Thân bằng cố hữu ở núi Hồng Lĩnh càng ngày càng xa cách-Quái lạ, nỗi nhớ nhung lại dễ cắt đứt-Khi tráp có ngọn bút thay đao (Hồng lĩnh thân bằng nhật tiệm dao/ Quái đắc nhu tình khinh cát đoạn/ Khuông trung huề hữu bút như đao. Lạng thành đạo trung). Không chỉ vì ông đang làm tiếp công việc của thân phụ năm xưa (Nguyễn Nghiễm từng nhiều lần tới đây lấy tư liệu viết sách Lạng Sơn Đoàn thành đồ), mà bởi chính mảnh đất núi non này đang chứng kiến một sự kiện đặc biệt, và đem thêm sinh lực mới cho ông: trong khi thực thi công việc của một sứ thần, ông sẽ có dịp khám phá những sự thật về một đất nước bí hiểm bằng kiến văn và ngòi bút của mình.

 

Với Nguyễn Du, có lẽ chỉ ở NÚI, thi nhân mới có cái thế tốt nhất, một không gian lý tưởng nhất để có thể khách quan đánh giá, phán định những sự thật, những bản chất của Nhân cách, những lẽ Đúng - Sai của lịch sử: Ngoài thành núi vẫn xanh như trước-Kẻ gian cướp nước người nào còn? (Thành ngoại, thanh sơn tự cựu thì/ Gian hùng soán thiết nhân hà tại? Cựu Hứa Đô).

Những ngày tháng nhà thơ lang bạt nơi Thuỷ viễn sơn trường (sông xa núi dài), Vì lợi danh mà tóc trắng vẫn còn rong ruổi ngoài vạn dặm (Vạn lý lợi danh khu bạch phát), bởi tánh cũ vẫn còn ngông cuồng (cố thái duy cuồng tại) thì điều an ủi lớn nhất là: Cố chịu khổ lạnh suốt ba tháng nữa-Sẽ được ngắm hoa mai trên đỉnh núi (Nhương tận khổ hàn tam duyệt nguyệt/ Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa. Từ Châu đạo trung). Chính ở nơi Linh Sơn, Nguyễn đã rút ra điều cốt tử của triết lý đạo Phật Đại thừa in đậm trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nước ta: Ta đọc Kinh Kim cương hơn nghìn lần-Nhiều yếu chỉ sâu sắc trong đó ta không rõ- Đến nay, dưới đài đá “Chia kinh”-Mới hiểu kinh “không chữ” mới thật là chân kinh (Ngã độc Kim Cương thiên biến linh/ Kì trung áo chỉ đa bất minh/ Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ/ Chung tri vô tự thị chân kinh. Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài).

Chính ở NÚI, Đại thi hào nước Việt khi ngẫm về giá trị văn chương của một tác giả nước bạn, đã “khắc” vào hòn đá thời gian một chân lý lớn mà giản dị cho muôn đời: Nhà thơ không thấy nữa-Đọc thơ như thấy người-(Như) hòn núi lớn chứa đầy của quý (Thi nhân bất đắc kiến/ Kiến thi như kiến nhân/ Đại sơn hưng bảo tạng. Đề Vi, Lư tập hậu). Và đó cũng chính là biểu tượng cho giá trị bất hủ trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du mà ông đã tự khắc vào ngọn “Thi Sơn” chữ Hán! Ngọn “Thi Sơn” đó, chứa đựng những cảm xúc và suy ngẫm về NÚI đã khiến nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã khái quát về Con người - Tác giả Nguyễn Du như sau: “Hóa ra Nguyễn Du không phải chỉ là Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia; mà hình ảnh gợi đúng về ông phải là những ngọn núi, núi đơn độc, núi vượt lên trên sự bằng phẳng. Và thơ Nguyễn Du là một thứ tiếng rền của núi!”(11).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hà Văn Minh - Nguyễn Thị Lan Anh: “Khảo luận về chữ Hán và phân tích hệ thống từ vựng trong Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du”. Những tiếp cận mới trong nghiên cứu-giảng dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều (Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia), NXB ĐHHQG HN, 2021, tr.121.

2. Thơ trích dẫn chủ yếu lấy từ: Mai Quốc Liên - Vũ Tuấn Sán (Dịch nghĩa và chú thích). Nguyễn Du toàn tập, tập 2, NXB Văn học, HN 2015.

3. Hà Văn Minh - Nguyễn Thị Lan Anh: “Khảo luận về chữ Hán và phân tích hệ thống từ vựng trong Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du”, Sđd, tr.124.

4. Trần Đình Sử. Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, HN, 1999, tr.254, 255.

5. Trần Đình Sử. Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Sđd, tr.117

6. Hàn Triệu Kỳ. Ẩn sĩ Trung Hoa, Cao Tự Thanh dịch, NXB Trẻ, 2001, TP.HCM, tr.25.

7. Khâu Chấn Thanh. Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Mai Xuân Hải dịch, NXB Văn học, HN, 2001, tr. 222.

8. I.X. Lixêvich. Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, Trần Đình Sử dịch, NXB Giáo dục, HN, 2000, tr.69

9. I.X. Lixêvich. Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc… Sđd, tr.71.

10, 11. Vương Trí Nhàn. “Nguyễn Du như một thi sĩ”, Nguyễn Du Thơ và đời, Nhóm trí thức Việt tuyển chọn, NXB Văn học, HN, 2016, tr.205

 

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 575
Ngày đăng: 24.11.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
85.Vua Lê Thái Tổ. (1) - Hồ Bạch Thảo
Ngữ ngôn của biểu tượng - Võ Công Liêm
Ngữ ngôn của văn chương - Võ Công Liêm
Theo dấu chân các giáo sĩ Dòng Tên – đi tìm cội nguồn chữ Quốc Ngữ - Ban Mai
Phật pháp là gì? - Võ Công Liêm
Dạng thơ bình thanh - La Thụy
Heidegger(III) và quan trọng hóa việc sinh tồn - Võ Công Liêm
Quan lộ ngài Uy Viễn - Đỗ Nhựt Thư
Chút tản mạn về các đoản văn “Tựu trường” của Anatlole France, “Tôi đi học” của Thanh Tịnh và “Cảm thu” của Đinh Hùng - La Thụy
Văn học so sánh (Comparative literature) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)