Nguyễn Quang Thiều, sinh năm 1957 tại thôn Hoàng Dương (Làng Chùa), xã Sơn Công, huyên Ứng Hòa, Hà Nội Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi. Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Riêng Thơ ( Ngôi nhà tuổi 17 - 1990), Sự mất ngủ của lửa - 1992, Những người đàn bà gánh nước sông - 1995, Những người lính của làng - 1996, Thơ Nguyễn Quang Thiều - 1996, Nhịp điệu châu thổ mới - 1997, Bài ca những con chim đêm - 1999, Thơ tuyển cho thiếu nhi - 2004, Cây ánh sáng - 2009, Châu thổ - 2010 )
Từ cái buổi ban đầu xuất hiện cho đến nay Nguyễn Quang Thiều đã tiến một bước dài, trắc trở nhưng đầy kiên định, đã thay đổi, từ một tiếng thơ ít nhiều khuynh hướng cách tân nay đã rất hiện đại, đã có nhiều thi sĩ tiếp bước theo sau. Mỗi thi sĩ tài năng đều tiềm ẩn một năng lực dự báo về một sự đổi mới, cách tân! Có một bài thơ ông viết cách khá lâu bày tỏ quan niệm của anh về con đường nghệ thuật/thơ ca mà mình chọn lựa. Bài thơ viết theo thể tự do, có tính tự sự và xử dụng cách nói ẩn dụ - biểu tượng. Bài thơ kể chuyện làm nhà của gia tộc (Văn bản ngoài lễ khấn ông nội - Văn Nghệ - Số36, 08-09-2007 )Tứ bài thơ xoay quanh câu chuyện “gặp gỡ” tưởng tượng của tác giả và ông nội. Câu chuyện của họ xoay quanh ngôi nhà đang xây.“ Ngôi nhà” là một biểu tượng về sự nghiệp dòng tộc đang phát triển. Ông nội truyền cho tác giả bí quyết xây dựng ngôi nhà qua hình ảnh “ chiếc chìa khóa đồng” giấu chiếc rương đựng“ bộ gia phả" đã được truyền lại bao đời qua“ những bậc thềm thời gian”.Thực tiễn, công việc của người cháu, vượt ra ngoài các bí quyết dòng tộc, ngôi nhà đang lớn dần, mở rộng ngoài trí tưởng tượng của ông nội. Trước sự thực đó ông nội, một danh nhân“ từ đả hoa cương đen” bước ra đã phải thốt lên: “ Con mọc ra ngoài trí tưởng tượng của ta". Bài thơ đầy tính ẩn dụ, nhưng với một cái nhìn tổng thể xuyên qua những biểu tượng tâm linh, ta cảm nhận rất nhanh cái thông điệp mà bài thơ gửi tới. Sáng tạo không phải là truyền thống kéo đài. Hiện tại chứa đựng cả quá khứ nhưng quá khứ không bao giờ thấy hết những vấn đề đặt ra của hiện tại! Phải chăng đó cũng là tôn chỉ nghệ thuật/ thơ ca của anh, thông điệp ngoài văn bản anh muốn gửi tới độc giả?
Nói đến thơ Nguyễn Quang Thiều là nói đến cái khác lạ, cái mới trên cả hai bình diện nội dung và hình thức. Với góc nhìn về tư tưởng-thẩm mỹ, trong sự phát triển của nội dung xã hội, thơ Nguyễn Quang Thiều chứa đựng những nội dung thân thuộc về quê hương về văn hóa, đạo lý in dấu ấn bao đời trong sự tồn vong dân tộc. Các thi phẩm đan xen nói nhiều đến đời sống cộng đồng từ các em bé, các bà mẹ, từ chị gánh nước đêm đến người đẩy xe trong mưa gió, từ các bãi sông, con cá, chuyến đò ngang đến những cánh đồng, phiên chợ chiều, mùa cá lưới… họ sống hết mình trong cuộc sống với nhiều va đập nhưng tràn đầy nhân ái, lạc quan, kể cả trước chết chóc, mất mát, NQT ngợi ca điều đó. Nói thật khái quát: Thơ NQT là lời ngợi ca sự sống là sự khẳng định vào Đức tin Chân - Thiện - Mỹ của cuộc đời.
Đâu đây, không chỉ một đâu đây, mà tràn ngập bất tận
Từ bóng tối đến ánh sáng, mở ra những cánh bướm
...Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian ( Những cánh bướm).
Chúng gợi lên cho người xem những vấn đề từng được nêu lên trong quá khứ như sự sống và cái chết, người nghệ sĩ và cuộc đời, tình yêu thiên nhiên và tạo vật, cái thiện và cái ác, sự khốn khó của kiếp người v.v…nhưng được tác giả trình bày và lý giải cách riêng.
Khuynh hướng nổi bật cách tân về nghệ thuật ở thơ NQT tạo một đổi thay căn bản theo chúng tôi, không phải ở chỗ khác lạ của câu chữ và các hình thức tu từ, mà là ở chỗ phương pháp xây dựng hình tượng, sáng tạo hình thái tổng hợp thẩm mỹ có sự hòa nhập bản thể vào thế giới khách quan đầy tinh thần duy mỹ Đông phương , trong chừng mực đã có một khoảng cách với lối cảm nhận cũ tách biệt thế giới bên ngoài có tính cụ thể - lịch sử với cảm nhận của chủ thể, tách biệt quy luật khách quan với sự tri nhận chủ quan của nhận thức. Phải chăng vì thế mà có người cho sáng tạo của NQT đánh dấu thời kỳ mới của Thơ ca Việt nhưng không khỏi chút băn khoăn về sự cắt rời lối đi quen thuộc cũ của phương pháp truyền thống.
Thật khó cho ai muốn thấy trong thơ Nguyễn Quang Thiều những ảnh hình như thật của thực tế, nó đã thoát cái vỏ bọc hạn chế của thời gian, không gian cơ học để chuyển sang cái trạng thái lượng tử tương đối. Thơ Nguyễn Quang Thiều là một thế giới chập chờn ẩn hiện, sự biến hoá của những tầng lớp sự vật luôn đổi chỗ và thay thế. Khác với lối “ trực tả” trong thơ truyền thống thường bám vào một cảnh thực nào đấy rồi tức cảnh sinh tình, cái vỏ hiện thực được thể hiện khá chân thực cụ thể có lớp lang, trong thơ Nguyễn Quang Thiều, các thi liệu, thi ảnh gọi về từ khắp mọi nơi không phân biệt trên dưới xa gần kéo về quanh cái ý thơ anh định thổ lộ, cái ý thơ cũng gián cách, cũng không thật dễ thấy chỉ mơ hồ như một gợi ý, một mạch của suy cảm. Thế giới hiện hữu không chỉ được phản ánh qua cái nhìn khách quan của nhân vật quan sát mà chính tác giả hoá thân vào cái thế giới sinh cảnh đầy biến hóa để cảm thụ, suy tưởng. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều không có cáí nhìn chia tách giữa chủ thể và thể giới, con ngựời nhà thơ không đứng riêng phía ngoài mà hòa nhập bản thể vào thế giới một cách tự nhiên. Sự "nhất thể" là trạng thái thường gặp trong thơ anh, chúng được trình bày như môt trạng thái tồn sinh cuả thế giới. Đó là một thế giới hòa đồng, tất cả mọi sinh linh trước ánh sáng của tư duy nghệ thuật đều chung một tư cách nhân sinh: người - vật, hữu cơ - vô cơ, hữu linh - vô linh... như nhau, chung suy nghĩ, chung cảm giác vui buồn. Để hiểu thơ Nguyễn Quang Thiều, độc giả cần một thao tác hòa đồng vào cái thế giới tạo sinh “ vạn vật hữu cảm” đó. Trong thơ anh, thời gian, không gian và cả vũ trụ đều có chung cảm thức nhân sinh. Anh gọi thời gian cũng như không gian bằng tên nhân vật nhân xưng "NÀNG” là bởi cái cảm thức đó:
- Nàng đang lướt trên mặt nước những đầm hồ, những dòng sông
Giọng nàng vang lên đánh thức những bông hoa mùa hạ ( Ban mai)
Hay:
- Nàng ra đi như ngọn xuân cuối cùng
Khuất sau hàng cây những tổ chim đầy trứng
...bước chân nhẹ dần và nàng trở lai
Ngày thanh xuân lần thứ nhất của nàng (Bàn tay thời gian)
Khuynh hướng nổi bật cách tân ở thơ Nguyễn Quang Thiều tạo một đổi thay căn bản, theo chúng tôi không phải ở cái lạ ở bề mặt của câu, chữ ở cách nói, mà là ở bề sâu ở cách nhìn thế giới cụ thể trực cảm biểu lộ ở sự hòa nhập đó. Khi nhà thơ hoá thân vào loài cá nghe nhịp thở lứa đôi:
…Tiếng cá thở mênh mang như mùa màng bội thu tràn qua thị xã
Tôi nghe thẩy tiếng thì thầm của con cả cái nói với con cá đực:
Nước đã cuốn những tấm lưới vùi tận đáy bùn
Và ngày của chúng ta đã đến (Nhân chứng của một cái chết).
Khi thì làm con cá cất tiếng gọi quê hương trong bài ca lưu lạc tìm về:
... Ta thức giấc khi mặt trời chạm vào mặt biển
Và ngoi lên mặt nước
Vây tóc ta bạc trắng
Ta cất tiếng gọi bến bờ của ta bằng tiếng cá
Trong hoàng hôn nước màu huyêt dụ
Có một bài ca lưu lạc tìm về. (Xônát hoàng hôn biển)
Chính cái đặc điểm hòa đồng thế giới “vạn vật hữu cảm” trong thơ và cả trong họa vẽ theo “suy cảm bên trong” của ông sau này khiến nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều, theo chúng tôi, trên một phương diện nào đó rất gần với truyền thống thẩm mỹ dân tộc. Mọi người đều cảm nhận rõ cái quan niệm “vạn vật hữu cảm” ở các tranh khắc, ở các phù điêu nơi đình chùa cũng như các tranh dân gian vạn vật không chia cách, gần gũi tâm cảm với nhau quây quần xung quanh một thần tượng, có chung một tâm niệm. Và “người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật, qua sự biến ảo cảnh vật thiên nhiên tìm vào nguồn tâm thức sinh động chuyển hóa khách thể và chủ thể không có trong và ngoài, chủ quan và khách quan nữa.”(1 )
Một đặc điểm về Thơ NQT mà nhiều độc giả nhắc đến hơi băn khoăn, đó là “tính nhạc điệu”. Vì Thơ thuộc loại hình “nghệ thuật thời gian”, một loại hình yêu cầu cao về tiết tấu và âm thanh, về tính nhạc. Thơ truyền thống tiết tấu (nhịp điệu) hoặc theo khách quan của động hình lao động hoặc theo hình thể khách quan của thế giới tự nhiên, hoặc kết hợp nội cảm vui buồn giận hờn của chủ thể. Thơ Nguyễn Quang Thiều nhạc cảm là nhạc cảm của chính tâm trạng tác giả. Nhịp điệu thơ Thiều theo qui luật đó - nhạc điệu tâm trạng chủ quan nhà thơ. Nói về điều này, chúng ta có thể tham khảo thêm ý kiến: " Trên thực tế chúng ta thấy tẩt cả các nhà thơ lớn bước đi một cách tự do và tự phát trong nhịp độ, tiết tẩu và vần do chính họ tạo ra[...] trong thơ âm thanh từ ngữ khi được phổi hợp lại tự nó không còn bị cải gì bó buộc cả" (2). Nhịp điệu thơ của NQT là nhịp điệu nội tại, nhịp điệu của những rung cảm bên trong, của sự suy cảm tác giả. Liên hệ đến họa của ông cũng vậy, ta thấy hình ảnh , bố cục , đường nét hoặc gần hay xa, to hay nhỏ , thu hẹp hay kéo dài, thoáng đãng hay chen lấn, dày hay mỏng của sự vật trong tranh ông đều theo một tiết tấu biến hóa của tâm trạng, của “bảy tình “con người sở hữu chứ không phải của hiện thực cụ thể khách quan bên ngoài.
Thơ cũng như tranh Nguyễn Quang Thiều giàu tính trữ tình nhưng cũng chứa đựng nhiều suy lý, giàu những xúc cảm triết học. Tiếp cận nghệ thuật NQT, ta như vừa trải nghiệm một thế giới đa tầng đa phương, môt vũ trụ nhân sinh chứa đựng nhiều phức điệu của cuộc đời và con người; thấy hiện hữu quanh ta một thế giới đa cực đan cài sự sống, cái chết, niềm vui, lẽ phải xen lẫn những nghịch lý và phi lý. Đó cũng chính là nét triết lý nhân sinh trầm tích bên dưới các tác phẩm của ông.
Tổng quan về sáng tạo thi ca NQT, có thể nói ông đã đưa đến nhiều cái mới cho nền thơ Việt đương đại, đặt cơ sở cho một “dòng thơ” có khuynh hướng thẩm mỹ khác dòng thơ chính truyền thống, tuy cùng song hành với chính dòng thơ này trong nền thơ Việt đương đại!
---------
(1) Nguyễn Đăng Thục - Thiền học Việt Nam- NXB Thuận Hóa 1997 tr241.
(2) G.W. Friedrich Hegel - Mỹ học, những văn bản chọn lọc - NXB KHXH-1996, tr 171-172