Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
939
123.136.929
 
87. Vua Lê Thái Tổ. (3)
Hồ Bạch Thảo

 

 

Năm ngoái vào ngày 25/11/1429, nhân sứ nhà Minh là bọn Lý Kỳ về nước; Vua Lê Thái Tổ sai bọn đầu mục là Đào Công Soạn mang vàng bạc và sản vật địa phương sang triều cống. Đến ngày 3/4/1430 đến kinh đô nhà Minh, đưa lời tâu của Vua, cùng các kỳ lão, một lần nữa khẳng định rằng người và khí giới đã trả về hết; con cháu họ Trần đã tìm khắp nơi nhưng không còn ai; xin cầu phong. Sự việc trình bày qua văn bản sau đây:

Ngày 11 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 5 [ 3/4/1430 ].Bọn Thị lang Lý Kỳ đi sứ Giao Chỉ trở về. Lê Lợi sai bọn Đầu mục Đào Công Soạn triều cống khí mãnh bằng vàng, bạc; cùng sản vật địa phương. Lại dâng lời tấu như sau:

“Đội ơn Thiên tử ban chỉ dụ nhắc nhở về việc quan quân tại địa phương cùng gia đình dân chúng nếu có ẩn tàng lưu giữ quan lại quân nhân, cùng gia thuộc, khí giới của triều đình thì phải tống hoàn đầy đủ. Thần cúi đầu tâu rằng trước đây quan quân chinh thảo, trừ số tử thương, số còn lại gồm quan quân 280 viên, quan dân sự hoặc lại 157 viên, quân dưới cờ 15.170 người, ngựa 1200 con. Thần cẩn thận cho chép tên tuổi, cấp lương thực, chuẩn bị thuyền bè, cùng tài vật khí dụng của các quan và những người trong nhà; tất cả đều được vận tải trở về, dù một vật nhỏ cũng không dám xâm phạm. Số khí giới quan quân mới đưa đến, hoặc bị bỏ sót trong rừng, hoặc tự ý đốt hủy đều không còn nữa.

 Ngày mồng 8 tháng 3 năm Tuyên đức thứ 3 [15/4/1428] được đọc chiếu thư đòi thần thông sức cho người trong nước, cùng sai người đi bốn phương tìm hỏi, chỉ có được số người như trên đều đã được đưa trở về; còn những người bệnh tật không thể đi được thì giao cho thầy thuốc trị liệu, cung cấp y phục lương thực, chờ lúc thuyên giảm, hộ tống xuất cảnh, để tự về quê. Nay nhận được chiếu sắc, chỉ dụ những điều giống như lần trước, thần lại sai người đi khắp các nơi rừng núi, chốn hoang tịch xa xôi, hết sức tìm tòi; người trong nước Ðầu mục thuộc các phủ châu huyện cùng Kỳ Lão đều xưng thực không còn ai.

“Thần tự nghĩ rằng tội thần lớn như gò núi được Thiên tử khoan hồng. Những Thổ quan người Giao Chỉ dự khảo mãn cùng các sinh viên mong nhớ quê hương, được Hoàng thượng nghĩ đến tấm lòng hoài hương quyến luyến đất cũ, đều mệnh cho trở về. Bọn thần tuy tan xương nát thịt cũng không đủ để báo đáp. Nếu trong muôn một còn dám giữ lại người của triều đình, không tuân theo chiếu mệnh, thì thần không những lừa Thiên tử, lừa trời, mà lại còn không biết yêu người trong nước; vì muốn làm điều nghiệt chướng để gây họa về sau, người trong một nước đều kết oán vào thần; tuy thần là kẻ ngu, nhưng cũng không ngu quá như vậy! Kính mong ánh mặt trời sáng suốt chiếu xuống soi thấu cho.”

Lại xin  gửi tấu chương của Đầu mục Kỳ lão, như sau:

“Vào ngày 13 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 4 [9/11/1429] được xem sắc thư tái dụ rằng nếu con cháu họ Trần còn thì tìm cho được; nếu không còn ai thì triều đình sẽ có cách xử trí.; lại bảo rằng có được người để coi một nước thì hợp với ý nguyện của Trẫm.

“Bọn Thần cả nước không ai là không vui mừng nhảy múa, trông lên Thánh Thiên tử có lòng đoái tưởng ban ân lớn cho kẻ phương xa. Bọn Thần tự nghĩ rằng dân một nước và xã tắc không thể không có người coi sóc, nhưng mấy lần khẩn cầu mà vẫn không có cơ duyên. Trước đây bọn Thần mấy lần phụng nhận sắc chỉ tìm hỏi con cháu họ Trần, tâu lên để được ban mệnh nối dòng bị đứt. Hoàng thượng đối với họ Trần, thương ông cha trung cần, nghĩ đến con cháu không được nối nghiệp nên có lòng ái tuất khôn xiết; huống bọn Thần là là bề tôi, hưởng lộc hậu của họ Trần, há lại không thể theo thịnh ý của triều đình, đem hết sức ra tìm hỏi. Bởi vậy mọi người tìm kiếm khắp nơi ở trong nước và nơi biên giới xa xôi; hỏi thăm từng nhà từng hộ, nhưng đều không thấy.

“ Bọn Thần nghĩ rằng Đại Đầu mục Lê Lợi của bản quốc là người cẩn hậu; biết cách yên ủi vỗ về, được lòng dân rất nhiều, có thể kham được việc quản trị. Trước đây đã trình tâu, kính mong Hoàng thượng nghĩ đến sự thỉnh cầu của dân chúng chấp nhận lời xin, để Lê Lợi được tuyên bố Thánh đức yên lòng người xa xôi; tuyên dương Hoàng thượng uy danh làm vững phong cương, vĩnh viễn làm phiên thần, thường phụng chức cống, đó là phúc lớn được Thánh Thiên tử đối xử tốt với người phương xa, mà cũng là đại hạnh cho cả nước của bọn thần vậy.”

Thiên tử xem xong, nói với đám bề tôi hầu cận rằng:

Bọn Man Di ngụy trá, chưa có thể tin được; cần phải tra hỏi  thêm.”

 Mệnh hành tại bộ Lễ ban cho bọn Công Soạn áo lụa ỷ có hoa văn.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 216)

Tháng sau vào ngày 7/5/1430, Vua Tuyên Tuyên Tông sai Đào Công Soạn trở về nước, đưa chỉ dụ cho Vua Lê. Tuy vẫn còn đòi hỏi phải tìm kiếm thêm, nhưng chỉ dụ có ý mở đường với câu “nếu không còn ai,  thì liên danh dâng biểu tâu, Trẫm sẽ có cách xử trí.:

 

 

                                                           

Ngày 15 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ 5 [ 7/5/1430]. Sai bọn Đầu mục An Nam Đào Công Soạn, mang sắc trở về nước dụ Lê Lợi rằng:

“ Sử sách chép: khi Thái Tổ Cao Hoàng đế thống nhất thiên hạ, An Nam là nước đầu tiên trước các dân tộc bốn phương đến qui thuận; họ Trần lại ban ân trạch cho nước này đã lâu, nhân tâm chưa quên. Trước đây ban mệnh tìm kiếm con cháu họ Trần để làm chủ nước, vì muốn thể theo lòng dân để được yên ỗn một phương. Nay các Đầu mục, kỳ lão An Nam đều nói, giống như đã tâu lần trước, không còn chỗ nào để tìm tòi thêm, hậu duệ của họ Trần thực không còn ai; lại bảo ngươi, Lợi, là người cẩn hậu biết cách cai trị rất được lòng dân, có thể quản lý mọi việc, Trẫm rất vui lòng. Vì lòng Trẫm muốn theo ý nguyện của dân, nên hãy tập trung rộng rãi các Đầu mục, kỳ lão tìm hỏi thêm về con cháu họ Trần, nếu không còn ai, thì liên danh dâng biểu tâu, Trẫm sẽ có cách xử trí.

Binh khí nhắm mục đích bảo vệ dân, dân chúng An Nam đều là con đỏ; nay để tại đó hoặc mang về đây Trẫm cũng không hỏi thêm. Duy quan lại quân nhân của triều đình cùng gia thuộc chưa trở về; họ đều có cha mẹ, vợ, con, trông ngóng, khiến ân ái cách tuyệt lòng sao nỡ! Vì ý riêng, khiến cho kẻ có cha mẹ không người bảo dưỡng, con trở nên mồ côi, vợ thành quả phụ; nhân giả quyết không làm. Trời đất quỉ thần ở trên chứng giám; kẻ bất nhân sẽ không được phù hộ; vậy làm rạng đạo nhân hãy đưa trở về, ngõ hầu nhận phước. Nay ban cho bọn Công Soạn tiền giấy có sai biệt.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 219)

Bình Ngô Đại Cáo ca tụng chiến thắng Lê Hoa, với lời văn đầy hứng khởi:

Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật;

Dịch giả Toàn Thư chú thích (1) ải Lê Hoa là một địa điểm ở ven sông Lô, chảy qua vùng biên giới tỉnh Hà Tuyên và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bấy giờ.

Văn bản Minh Thực Lục dưới đây phủ nhận vị trí Lê Hoa tại ven sông Lô; và cho biết ải này thuộc phủ Lâm An, thượng nguồn sông Hồng, giáp với tỉnh Lào Cai nước ta:

Ngày 26 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 5 [16/6/1430]. Thăng cấp trại sách chợ cũ Lê Hoa thành Trung Hữu Thiên hộ sở thuộc vệ Lâm An. Trước đó Kiềm quốc công Mộc Thạnh cho rằng Lâm An đất giáp Giao Chỉ, bấy giờ có nhiều trộm cướp, xin tuyển dân 1000, tuyển bách phu trưởng 10 người chia ra trông coi, tại chợ cũ Lê Hoa lập đồn cùng với quan quân tại Lâm An hiệp đồng thủ bị, đến nay đã 10 năm. Bọn Bách phu trưởng xin khăn, dây đai, ấn, tuyển một Thiên phu trưởng thống lãnh. Thạnh đều tâu lên, được Thiên tử chấp thuận.” .” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 219)

Tháng 6, năm Thuận Thiên thứ 3 [6/1430],, qui định các ngạch thuế; ra lệnh đổi Đông Đô thành Đông Kinh, Tây Đô thành Tây Kinh:

Mùa hạ, tháng 6, ngày mồng 10 [30/6/1430], quy định các ngạch thuế.

Lại ban luật lệ. Đổi Đông Đô thành Đông Kinh, Tây Đô thành Tây Kinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 72b.

Tháng 11, Vua mang quân đi đánh thổ tù Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái, dẹp xong, tháng 3 năm sau trở về:

Mùa đông, tháng 11 [12/1930], vua đi đánh bọn nghịch tặc ở châu Thạch Lâm [huyện Thạch An, Cao Bằng] (2), trấn Thái Nguyên là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái. Bấy giờ, Khắc Thiệu và Đắc Thái tranh nhau tự lập, nên phải đi đánh. Vua đến châu Thạch Lâm, có đề thơ trước cửa động rằng:

Bất từ vạn lý chỉnh sư đồ,

 Duy lục biên manh xích tử tô.

 Thiên địa bất dung gian đảng tại,

Cổ kim thùy xá bạn thần chu.

 (Chẳng từ muôn dặm cất quân đi,

Mong cứu dân đen cõi biên thuỳ.

Trời đất không dung phường gian ác,

Xưa nay tội phản phải tru di).

Tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 4 [3/1931], vua bắt được Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái đem về . Tháng 3 [4/1931]về đến Kinh sư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 72b.

Ngoài ra trong tháng 11, có việc tuyển quân tại dinh Bồ Đề tại Gia Lâm; và cho làm sổ hộ tịch:

Tuyển chọn quân bộ ở Bồ Đề. Người nào tình nguyện trước được thưởng 1 tư [1 cấp].

Làm sổ hộ tịch.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 72b.

 

Ngày mồng 1 tháng giêng năm Thuận Thiên thứ 4 [12/2/1931],sứ bộ Lê Nhữ Lãm, Hà Lật,  sang nhà Minh cầu phong:

 “Tân Hợi, Thuận Thiên năm thứ 4, (Minh Tuyên Đức năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, vua sai bọn chánh sứ Lê Nhữ Lãm, phó sứ Lại bộ thượng thư Hà Lật và Lê Bính sang nhà Minh cầu phong, đồng thời trần tình và giải đáp về việc có dụ đòi trả chiến khí và tìm con cháu họ Trần.

Lời biểu đại ý là: "Đã huy động rất nhiều người trong nước, tìm kiếm con cháu họ Trần ở khắp nơi, đích thực không còn một ai. Trộm nghĩ đất nước chúng tôi không thể không có người trông coi, nhưng vẫn chưa được lệnh của triều đình, vì thế cứ phải tỏ bày mãi mãi". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 72b.

Ngày 3 tháng 5 [12/6/1431], sứ bộ Lê Nhữ Lãm,  Hà Lật,  đến kinh đô nhà Minh, nhân danh Vua Lê Lợi và các kỳ lão, dâng biểu văn dài. Tâu rằng người và vũ khí đã đem về nước hết; về việc con cháu nhà Trần đã cho tìm hỏi khắp nơi nhưng không còn ai, khẩn khoản xin cầu phong; cuối cùng Vua Tuyên Tông chấp thuận:

Ngày 3 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 6; Lê Lợi nước An Nam sai bọn Đầu mục Hà Lật tạ tội, cống sản phẩm địa phương cùng dâng lời trần tình như sau:

“ Vào tháng tám năm Tuyên Đức thứ 5 [1430 ] người của thần sai đi là Đầu mục Đào Công Soạn từ kinh đô trở về,  mang một đạo sắc  dụ thần rằng:

 -Binh khí dùng để bảo vệ dân, dân An Nam đều là con đỏ của Trẫm; nay để tại đó hoặc mang về đây cũng được  cũng không cần hỏi thêm.

 Bọn thần và dân cả nước không ai là không hoan hỷ đội ơn. Riêng dụ về “quan lại quân nhân gia thuộc, cùng việc họ Trần”; thần tự biết mang tội nặng nề, không có chỗ để tránh. Thần chỉ biết dựa vào lượng trời đất che chở không chỗ nào là không bao dung, ánh sáng mặt trời mặt trăng không nơi nào mà không chiếu tới; nhưng thần trước sau bị thánh Thiên tử ra chỉ dụ, lại mấy lần cho người đến trần tấu nhưng chưa được chấp nhận; thần lấy làm đau khổ trong lòng, không dừng được phải kêu gào trời đất, cha mẹ và lại xin cầu khẩn Bệ hạ xét cho:

 Năm Tuyên Đức thứ 2 [1427] đã lập danh sách quan quân còn lại dâng triều đình, riêng quan quân trấn thủ tại các vệ, cùng quân dân quan lại tại các phủ đều được quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông cùng Nội quan Sơn Thọ dẫn về. Sau đó nhận được sắc dụ đòi thêm, thần đã ra lệnh trong nước rằng còn có ai như tình trạng trên đều phải tống xuất; những người bệnh tật thì cho Y sĩ điều trị thuyên giảm rồi đưa đến biên giới Quảng Tây để tự trở về. Đầu mục kỳ lão các nơi đều xưng không thấy ai còn lưu lại, nay nhận được lời dụ của Thiên tử về việc trước đây, thần rất sợ hãi không được an lòng; phải chăng lòng thành phận nhỏ sâu kiến không đạt được lên trên, hoặc như vật mọn nằm dưới chậu  lật úp nên ánh mặt trời không dọi tới. Vả lại thân thuộc của thần cùng người trong nước bị quan quân bắt, ngày ban sư đều bị mang về, thần và người trong nước chỉ biết nhìn mà nhỏ nước mắt, tuy rằng cha con anh em cũng không dám nhìn; huống đâu dám giữ người của Trung Quốc, trái với mệnh triều đình để mang lấy tội! Hoặc là ngày đưa quân nhân gia thuộc trở về, có nhiều chướng lệ ba đào nơi núi biển xẩy ra, nhiễm thành tật bệnh rồi mất, người ở nhà không biết lý do xẩy ra , nhân đó kêu ca đến Thánh Thiên tử, khiến người thương hại ban lời dụ về cảnh con không cha, vợ không chồng. Thần tuy là kẻ ngu dốt, há lại không có tấm lòng trắc ẩn, để đáp ứng tấm lòng nhân của đấng Thiên tử. Khốn nỗi số người nêu ra, thực không còn, nên không thể nào đáp ứng chiếu mệnh, khiến thần chỉ biết quì xuống đất gục đầu vái trời, tăng phần lo sợ mà thôi!

Về việc con cháu họ Trần, lúc Lê Quí Ly soán đọat, bắt giết đến hết, còn lại những người tầm thường như Giản Định, Quí Khoách; dưới thời Vĩnh Lạc [1403-1424] tiếp tục gây hao tổn, bị đại quân tiễu trừ đến không còn ai. Nay phụng theo sắc dụ của Thánh thiên tử bọn thần lại tập trung nhiều người trong nước làm tiếp một cuộc tìm hỏi, nhưng cũng không thấy thêm. Cúi xin Thánh minh nhân từ rũ lòng thương xót tha cho thần tội như gò đống, ban ơn mưa móc thì chẳng riêng gì thần được may mắn, mà sinh linh trong nước cũng gặp may vậy.

 Bọn Hà Lật cũng dâng lời tâu của bọn Đầu mục và kỳ lão tấu xin cầu phong, như sau:

 ‘Phụng sắc thư chuẩn lời tâu của bọn thần rằng Lê Lợi là kẻ cẩn thận, cai trị có phương cách, rất được lòng dân chúng, có thể cai quản gánh vác được. Thiên tử tuyên bố: “Trẫm cũng vui vẻ về điều này.’

 Lại bảo:

‘ Tập trung nhiều người trong nước hỏi tìm về con cháu họ Trần, nếu như tìm không được thì liên danh lại tâu lên, Trẫm sẽ có cách xử trí.’

Bọn thần dân cả nước không ai là không hân hoan hăng hái tuân theo Thánh chỉ tập trung nhiều người dò tìm khắp nơi nhưng thực không còn! Bọn thần kính nghĩ địa phương bản quốc không thể không có người cai quản, Lê Lợi chưa nhận được triều mệnh, việc này bọn thần chỉ biết khẩn khoản dâng lời, chớ không có cách nào khác. Cúi mong Hoàng thượng cúi xuống thương xót lòng mong muốn của con dân chấp nhận lời thỉnh cầu ban ơn mưa móc để Lê Lợi được trông coi đất Nam hoang, phụng cống cửa khuyết, trên thì hoằng dương Thánh Thiên tử đối xử chung một lòng nhân; dưới có thể làm sống lại sinh linh một phương.’

 Thiên tử chấp thuận.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 221)

Toàn Thư chép vào ngày 5 tháng giêng [16/2/1431] Vua Tuyên Tông cử phái bộ Chương Xưởng sang nước ta sách phong. Xét về thời gian thấy không hợp lý; bởi ngày mồng 1 tháng giêng năm Thuận Thiên thứ 4 [12/2/1931],sứ bộ Lê Nhữ Lãm, Hà Lật,  sang nhà Minh cầu phong; đến ngày 3 tháng 5 [12/6/1431], sứ bộ này đến kinh đô dâng biểu văn. Sau khi xem biểu văn Vua Tuyên Tông mới sai phải bộ Chương Xưởng sang phong; vậy thời gian bọn Chương Xưởng khởi hành, phải xãy ra sau ngày 3 tháng 5 . Nhưng Toàn Thư lại chép vào ngày 5 tháng giêng, như sau:

Vua Minh bằng lòng. Ngày mồng 5 [6/2/1431], sai bọn chánh sứ là Hữu thị lang Chương Xưởng và Thông chính ty hữu thông chính Từ Kỳ mang ấn sắc sang phong vua làm Quyền thự An Nam Quốc Sự . Ban tiền giấy cho bọn Hà Lật và cho đi theo bọn Xưởng về nước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 73a.

Riêng sử Trung Quốc chép sứ bộ Chương Xưởng khởi hành vào ngày 7 tháng 6 [15/7/1431] là điều hợp lý; nguyên văn chiếu thư bọn Chương Xưởng chuyển giao Vua Lê Thái Tổ như sau:

Ngày 7 tháng 6 năm Tuyên Đức thứ 6 [15/7/1431]. Sai Hữu Thị lang bộ Lễ Chương Xưởng, Hữu Thông chính Từ Kỳ mang chiếu chỉ mệnh Đầu mục nước An Nam Lê Lợi quyền trông coi công việc nước An Nam. Chiếu rằng:

“Trẫm cung kính giữ ngôi lớn, thống ngự thiên hạ; thể theo lòng trời để thương dân, thuận theo lòng người mà trị nước; hải nội, hải ngoại đều cư xử chung một lòng nhân. An Nam các ngươi cương vực sát liền Trung Quốc; khi tổ tiên ta mới chịu mệnh trời, nước ngươi đầu tiên đến qui phụ. Vốn chăm lo săn sóc cho dân, nhưng rồi bị bọn bề tôi Lê Quí Ly soán ngôi giết chúa, làm độc hại một cõi.Thái Tông Hoàng đế bèn mang quân điếu phạt, muốn khôi phục họ Trần nhưng tìm con cháu khắp nơi không gặp, bèn thuận theo ý đám đông lập quận huyện đặt quan cai trị. Vào tháng mười năm Tuyên Đức thứ hai có Trần Cảo tự xưng là cháu nội của Vương An Nam xưa từ Lão Qua trở về, cùng Đầu mục Lê Lợi xin lập Cảo kế tục tước vị nhà Trần, lời lẽ thành khẩn.

Trẫm ngưỡng lên trên noi theo chí của tiên đế, ngó phía dưới thương xót dân tình, bèn xuống chiếu rút các quan lại cai trị cùng quân lính trấn thủ trở về; xem lại sự kiến lập, mọi việc phải hợp với lòng dân trong nước, nên truyền chiếu để hỏi ý kiến dân chúng. Sứ giả chưa quay gót, thì Lê Lợi tâu Cảo đã mất; đây là ý trời ư, hay chỉ do mưu người! Từ đó suốt năm này qua năm khác, các đầu mục và kỳ lão tại An Nam đều tâu con cháu nhà Trần không còn nữa, xin cho Lê Lợi quản nhiếp việc nước; mọi người đều tâu với lòng thành, biểu chương trình lên không ngớt; quả có được người xứng để cai trị, trong lòng Trẫm cũng vui mừng. Nay chấp nhận lời xin, đặc cách sai sứ đưa ấn chương, mệnh Lợi quyền trông coi quốc sự nước An Nam để trị dân. Hãy thể theo lòng dân, hoằng dương đức nhân của trời đất, thờ nước lớn với lòng thành để giữ phước cho sinh linh, nay ban chiếu thư này để mọi người đều được nghe và hiểu rõ.

Riêng sắc dụ Lợi rằng:

Nay mệnh ngươi quyền trông coi quốc sự nước An Nam, hãy tuân Trẫm mệnh, không kiêu mạn, chỉ có lòng thành mới cảm cách được với trời, duy kính cẩn để thờ nước lớn, duy lòng nhân có thể vổ về dân , duy tín nghĩa có thể giữ nước. Hãy đem hết tâm lực ra để đón nhận phước lành. Khâm tai!

 Ban cho bọn Hà Lật tiền, vải để theo Sưởng về nước. Lại ban cho Sưởng tiền làm phí tổn đi đường.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 221)

Ngày 1 tháng 11 sứ bộ Chương Xưởng đến nước ta mang sắc phong Vua Lê Thái Tổ; ngày 20 tháng 11 sứ bộ trở về nước. Vua cho bọn sứ thần Nguyễn Văn Huyến tháp tùng, sang nhà Minh tạ ơn nạp 5 vạn lạng vàng tiến cống. Sau đó xin theo lệ thời Minh Thái Tông, 3 năm cống một lần; đồ cống gồm các đồ dùng bằng vàng, bạc; sừng tê, ngà voi, lục bạch, hương xông, giáng hương, trầm hương, tốc hương, mộc hương, hương vòng đen và quạt giấy:

Mùa đông, tháng 11, ngày mồng 1 [5/12/1431], sứ Minh là Chương Xưởng và Tử Kỳ tới kinh, mang ấn phong vua làm Quyền thự An Nam Quốc Sự.

Ngày 20 [24/12/1431], bọn Xưởng, Kỳ về nước. Vua sai Thẩm hình viện phó sứ Nguyễn Văn Huyến và Ngự sử trung thừa Nguyễn Tông Chí đi theo bọn Xưởng sang nhà Minh tạ ơn và nộp 5 vạn lạng vàng tuế cống, xin theo lệ cống 3 năm 1 lần đời Hồng Vũ (3) . Từ đó về sau tiến cống thường xuyên không dứt. Vua Minh ban tiền giấy cho bọn Văn Huyến và cho trở về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 73b.

Sứ bộ Nguyễn Văn Huyến nước ta, theo bọn Chương Xưởng, làm cuộc hành trình gần 3 tháng trời, mới đến kinh đô nhà Minh dâng biểu, nạp cống:

Ngày 7 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 7 [ 8/3/1432]. Bọn Thị lang bộ Lễ Chương Xưởng đi sứ An Nam trở về. Quyền trông coi quốc sự An Nam Lê Lợi bèn sai Sứ giả là bọn Nguyễn Văn Huyến theo Xưởng dâng biểu tạ ơn và cống vàng, bạc, khí mảnh cùng sản vật địa phương ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 226)

Tháng chạp, sai soạn Lam Sơn Thực Lục, đích thân Vua làm bài tựa ghi là Lam Sơn động chủ:

 “Tháng 12, ngày mồng 6 [9/1/1432], vua sai làm sách Lam Sơn thực lục, vua tự làm bài tựa, ký là Lam Sơn động chủ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 73b.

Cũng trong tháng chạp [1/1432], thổ tù Đèo Cát Hãn tại châu Ninh Viễn làm phản; Vua sai con là Quốc vương Tư Tề đi đánh:

Đèo Cát Hãn, thổ tù châu Ninh Viễn [Sơn La, Lai Châu], làm phản. Nhà vua sai Quốc vương Tư Tề và Tư khấu (4) Lê Sát đi đánh. Liên kết với Kha Lại, bầy tôi phản nghịch của Ai Lao; Đèo Cát Hãn lấn lướt khuấy nhiễu nhân dân ở nơi biên giới. Việc này lên đến triều đình, nhà vua sai tướng đi đánh; kế đó lại định chính mình cầm quân đi dẹp.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 15.

 Vào tháng giêng năm sau, tức năm Thuận Thiên thứ 5, Vua mang đại quân tăng cường, đánh thắng bọn Đèo Cát Hãn, đổi châu Ninh Viễn thành châu Phục Lễ:

Tháng giêng [2/1432], mùa xuân. Nhà vua chính mình cầm quân đi đánh châu Ninh Viễn, thắng trận: Kha Lại chạy rồi chết, Đèo Cát Hãn lẩn trốn. Nhà vua đặt đất Ninh Viễn là châu Phục Lễ.

 Tháng 3 [4/1432], trở về cung, dâng tù binh ở nhà Thái miếu. Quan quân chia hai đường thủy bộ cùng tiến, thẳng tới châu Ninh Viễn: cả phá được địch. Kha Lại phải chạy về Lự Động thuộc Ai Lao. Nhà vua ra lệnh cho Lê Sát tiến quân đến đầu địa giới Ai Lao. Người Lào sợ, bèn giết Kha Lại, rồi đến xin hàng tại cửa trại quân ta. Cát Hãn trốn xa. Nhà vua sai bắt hết làm tù binh các bè đảng của hắn. Đặt đất Ninh Viễn làm châu Phục Lễ; rồi hạ chiếu rút quân về, dâng tù binh ở nhà Thái miếu.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 15.

Đèo Cát Hãn vốn theo nhà Minh từ lâu; trước kia từng tố cáo với Minh Thái Tông, bị cha con Hồ Quí Ly ức hiểp. Nên trong ngày khởi đầu xâm lăng An Nam [19/11/1406]; Trương Phụ truyền hịch 20 điều kể tội nhà Hồ, trong đó có 2 điều hài tội ức hiếp Đèo Cát Hãn:

“9.Châu Ninh Viễn đời đời triều cống Trung Quốc. Giặc họ Lê cậy mạnh chiếm 7 trại; rồi cai trị dân chúng, giết cả nam lẫn nữ; tội thứ chín.

10.Giết rể của Thổ quan Đèo Cát Hãn là Đèo Mãnh Mạn; bắt con gái y để dễ bề sai khiến, đòi nạp tiền, phục dịch trăm thứ; tội thứ mười. ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 235)

Lúc này bị Vua Lê mang quân đánh, Đèo Cát Hãn vội cầu cứu nhà Minh, nhưng Minh Tuyên Tông từng bị sa lầy tại nước Đại Việt, mới rút được chân ra; không dám mạo hiểm thêm một lần nữa:

Ngày 22 tháng 2 năm Tuyên đức thứ 7 [ 23/3/1432 ]. Đô ty Vân Nam tâu rằng:

Thổ quan châu Ninh Viễn Tri châu Đèo Cát Hãn mới đây bị giặc Giao Chỉ đánh, xin viện binh. Tam ty bàn định điều quan quân 6000 người, do Đô đốc Mộc Ngang đốc suất, đến giúp.

Thiên tử sai người mang sắc dụ Ngang rằng:

Bọn Man Di ngụy trá, chưa thể khinh suất tin được. Trước đây nam chinh từng điều quân Ninh Viễn 7000, nhưng quân Ninh Viễn nhưng không chịu đến, bọn chúng ngầm trợ giúp Lê Lợi phản nghịch. Nay theo lời chúng xin, chắc có sự thù giết, cũng không biết được. Làm sao lại khinh động quan quân, vì bọn man di lao dịch nơi xa xôi. Phải quan sát sự thực mới nên tiến hay dừng.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 227)

Đèo Cát Hãn, ở thế cùng; hai cha con bèn xin hàng:

Tháng 11 [12/1432], mùa đông. Đèo Cát Hãn và con là Mạnh Vượng xin hàng. Nhà vua tha tội cho Cát Hãn và phong làm Tư mã.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 15.

Vào tháng giêng năm Thuận Thiên thứ 6, tuyển chọn con trai các quan và sĩ tử thuộc các lộ Quốc Oai, Bắc Giang cho vào học Quốc tử giám:

Năm Thuận Thiên thứ 6 mùa xuân, tháng giêng [2/1433], tuyển chọn con trai các quan và học trò ba lộ Quốc Oai [Sơn Tây], hai lộ Bắc Giang sung vào Quốc tử giám.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 74a.

Tháng 4, Vua sai sứ bộ Trần Thuấn Du sang nhà Minh tiến cống và giải thích việc cống vàng theo lệ thời Hồng Vũ [1368-1388]:

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 8 [18/8/1433], sai bồi thần là Trần Thuấn Du, Nguyễn Khả Chi, Bùi Cầm Hổ sang nhà Minh tiến cống: Vua Minh 3 phần, hoàng thái hậu và hoàng thái tử đều 1 phần, đồng thời giải thích việc cống vàng hàng năm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 74a.

Tháng 8, đến Yên kinh, Trần Thuấn Du dâng biểu; cống vàng bạc, sản vật địa phương:

Ngày 11 tháng 8 năm Tuyên Đức 8 [ 25/8/1433]. Quyền trông coi quốc sự nước An Nam, Lê Lợi, sai Sứ giả Trần Thuấn Du dâng biểu; cống vàng, bạc, khí mãnh cùng sản phẩm địa phương. ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 232)

Đến tháng 8 nhuần, sứ bộ Trần Thuấn Du khởi hành trở về nước; Vua Tuyên Tông sai bọn Thị lang bộ binh Từ Kỳ cùng đi, mang sắc dụ Vua Lê:

Ngày 20 tháng 8 nhuần năm Tuyên Đức thứ 8 [ 3/10/1433]. Ban cho bọn Sứ giả An Nam Trần Thuấn Du y phục bằng lụa ỷ, cùng tiền giấy, rồi sai trở về. Mệnh Thị lang bộ Binh Từ Kỳ, Hành nhân Quách Tế cùng đi với Thuấn Du mang sắc dụ Lê Lợi trên phải thuận lòng trời, dưới tạo phúc cho dân, để kết quả được tốt đẹp.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 232)

Vào tháng chạp, bọn Chánh sứ Từ Kỳ đến nước ta lại đòi cống thêm vàng. Đòi hỏi này trái với ý nguyện Vua yêu cầu theo lệ cống thời Minh Thái Tông Hồng Vũ [1368-1388], nên có sự tranh luận:

Ngày 19 [29/1/1434], nhà Minh sai chánh sứ là Binh bộ thị lang Từ Kỳ, phó sứ là Hành nhân ty hành nhân Quách Tế sang đòi số vàng cống hàng năm. Trước đó, nhà Minh mấy lần sai sứ sang đòi nhiều số vàng cống hàng năm. Cao Hoàng Đế xin theo như lệ cống ba năm một lần đời Hồng Vũ. Vua Minh khăng khăng không chịu. Đến đây lại sai bọn Kỳ, Tế sang.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 76a.

Về nội bộ triều đình, vào tháng 8, nhà Vua giáng con trưởng Tư Tề, cho con thứ Nguyên Long kế thừa; Vua  trở về thăm Lam Kinh, Thanh Hóa:

Mùa thu, tháng 8, giáng con trưởng Tư Tề làm Quận vương, lấy con thứ Nguyên Long kế thừa tông thống.

Vua về Lam Kinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 74a.

Tháng 8 nhuần, Vua mất. Nhân ôn lại sự nghiệp buổi khởi đầu quân yếu tướng ít; nhưng kinh dinh bốn phương, đánh đâu thắng đấy. Quần thần thì cho rằng Vua lấy nhân nghĩa thay bạo tàn, đổi loạn thành trị. Riêng nhà Vua thì khiêm tốn, cho bởi giặc tàn ác quá quắt, dân không sống nỗi, nên việc dấy nghĩa, chỉ là điều bất đắc dĩ mà thôi:

Tháng 8 nhuận, sao Chổi mọc ở phương tây.

Ngày 22 [5/10/1433], vua băng ở chính tẩm.

 Buổi đầu vua kinh dinh bốn phương, phía Bắc đánh giặc Minh, phía tây đuổi Ai Lao, tránh chỗ thực, đánh chỗ hư, đến đâu được đấy, chỉ có võ thần là bọn Lê Thạch, Lê Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân, Lê Lý 30 người; văn thần là bọn Lê Linh, Lê Quốc Hưng; quân cha con thì có 200 quân Thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 300 dũng sĩ, 4 thớt voi; còn quân khinh dũng và quân già yếu hộ vệ chỉ có 1 nghìn người mà thôi .

Vua có lần sau muôn việc được thư thả, cùng bầy tôi bàn về lẽ còn mất, được thua xưa nay, nhân bàn đến việc giặc Minh sở dĩ thua, ta sở dĩ được, là vì sao, các bề tôi đều nói: "Vì giặc Minh hình phạt bừa bãi, chính lệnh bạo ngược, mất lòng dân đã lâu, còn vua thì trái lại,  lấy nhân nghĩa thay bạo tàn, đổi họa loạn thành yên trị, nên mới thành công chóng thế". Vua nói:

‘Lời các khanh nói cố nhiên là như vậy, nhưng cũng chưa hết. Trẫm xưa kia gặp buổi loạn lạc, nương mình ở Lam Sơn, vốn chỉ mong giữ được mạng mình thôi, chứ không có ý muốn lấy thiên hạ. Đến khi giặc tàn ngược quá quắt, dân không sống nổi, những ai có tri thức đều bị chúng giết hại, trẫm tuy đem hết của cải để thờ phụng chúng, mong khỏi tai họa, nhưng tim đen chúng muốn hại trẫm vẫn không bớt chút nào. Việc dấy nghĩa binh thực là bắt đắt dĩ thôi". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 74b.

Tin nhà Vua mất truyền sang Trung Quốc, viên Đô đốc Quảng Tây tâu về triều rằng Vua An Nam mất, vì bỏ con trưởng lập thứ nên nội bộ chia rẽ; có một số thổ quan tại vùng biên giới xin sang Thái Bình, Long Châu tỵ nạn. Vua Tuyên Tông ra lệnh phòng bị biên giới, trợ cấp cho người tỵ nạn:

Ngày 9 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 9 [ 17/4/1434 ].Quan Tổng binh Quảng Tây Đô đốc Thiêm sự Sơn Vân tâu:

‘ Lê Lợi tại Giao Chỉ chết, con đầu ngông cuồng, con thứ còn thơ ấu; bọn gian thần Lê Vấn, Lê Sát chuyên quyền lập đảng giết lẫn nhau, dân chúng sợ hãi. Thổ quan huyện Thoát [huyện Văn Lãng, Lạng Sơn] là Nguyễn Thế Ninh, Thổ quan châu Thất Nguyên [huyện Tràng Định, Lạng Sơn] là Nguyễn Công Đình, mỗi người mang gia thuộc cùng bộ hạ hơn 300 người đến tỵ nạn, xin cư trú tại phủ Thái Bình (5) , cùng Thượng Hạ Đống Châu thuộc phủ Long Châu (6), Quảng Tây.’

Thiên tử dụ Vân rằng:

“ Lê Lợi xuất thân từ đám thấp hèn, nhân Trần Cảo được dân ngưỡng mộ, bèn dâng biểu xin lập. Trẫm muốn dân yên, bèn ra lệnh bãi binh, nên ra lệnh xét để lập. Nhưng y lại tâu Cảo chết, Cảo chết thì Lợi có thể được nắm quyền. Lúc bấy giờ triều đình muốn thêm binh trách phạt, nhưng không nỡ làm độc hại sinh linh, nên thể theo đức hiếu sinh của trời, ban ân rộng rãi, cho y quyền coi quốc sự. Con người làm việc bất nghĩa như vậy đáng bị trời phạt!

“ Ngươi nên răn bảo lính biên phòng, nghiêm cẩn phòng thủ, không được lơ là. Bọn Nguyễn Thế Ninh đến tỵ nan, nên chú ý trợ cấp và chấp nhận cư trú; sắp đặt việc ăn uống cần dùng để được yên chổ; đừng để người xa đến phải thất vọng.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 233)

Ngày mồng 8 tháng 9, Thái tử Nguyên Long lên ngôi, tức Vua Lê Thái Tông:      

Mùa thu, tháng 9, ngày mồng 8 [20/10/1433], thái tử Nguyên Long lên ngôi Hoàng đế. Đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm sau làm năm Thiệu Bình thứ 1. Bấy giờ vua mới 11 tuổi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 76a.

Tháng 11, Nguyễn Trãi vâng lệnh soạn văn bia, gọi là Bia Vĩnh Lăng. Quần thần rước Vua về an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ:

 “Mùa đông, tháng 11 [12/1433], Nguyễn Trãi vâng lệnh soạn văn bia , Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ vâng lệnh viết chữ. 

Ngày 22 [2/1/1434], rước vua về táng ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ, dâng tôn hiệu là Thống Thiên Khải Vận Thánh Đức Thần Công Duệ Văn Anh Vũ Khoan Minh Dũng Trí Hoàng Nghĩa Chí Minh Đại Hiếu Cao Hoàng Đế.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 76a.

Tháng chạp, sai các bồi thần sang nhà Minh báo tang; dựng điện Lam Sơn thờ Vua:

Tháng 12, ngày mồng 2 [12/1/1434], sai bọn bồi thần Lê Vỹ, Trình Chân sang nhà Minh báo tang.

Các quan theo hầu về Tây Kinh, dựng điện Lam Sơn (7) .” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 76a.

 

 

Chú thích:

 

1.Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, NXB Khoa Học Xã Hội: Hà Nội, 1998,  tập 2, trang 268.

2.Châu Thạch Lâm thời Lê tương đương với huyện Thạch An, Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ngày nay.

3.Theo Cương Mục, Chính Biên, quyển 15, trang 29a; dẫn từ Hội Điển nhà Minh.

4.Tư khấu: Chức quan trông coi về việc đánh bắt giặc.

5.Phủ Thái bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.

6.Long Châu: vị trí gần biên giới Việt Nam, nay thuộc huyện Long Châu, Sùng Tả thị, tỉnh Quảng Tây.

7.Điện Lam Sơn: Cương mục, Chính Biên, quyển 15, trang 33a; dẫn Hoàng Việt dư địa chí, nói rằng điện này ở xã Lam Sơn, huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Hóa, nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 404
Ngày đăng: 14.12.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con đường tình ta đi - Võ Công Liêm
Khi những dòng sông đã hóa tâm hồn (*) - Nguyên Cẩn
Nhất Linh trong sự tiếp nhận của văn học miền Nam 1954 -1975 - Trần Hoài Anh
86. Vua Lê Thái Tổ. [2] - Hồ Bạch Thảo
Vua khỉ làm trò khỉ - Kiệt Tấn
Trừu xuất cái mới thơ Nguyễn Quang Thiều - Yến Nhi
“Tính ta vốn yêu núi” – góc sâu thẳm của tâm hồn Nguyễn Du - Nguyễn Anh Tuấn
85.Vua Lê Thái Tổ. (1) - Hồ Bạch Thảo
Ngữ ngôn của biểu tượng - Võ Công Liêm
Ngữ ngôn của văn chương - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)