Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
509
123.365.890
 
Đọc thơ Lương Mành
Nguyễn Thánh Ngã

 

   Trong đời dễ gì ai kiếm được cái tên Lương Mành. Vậy mà Lương Mành đã bị đổi thành Nguyễn An Bình! Thơ Lương Mành cũng vậy, đã bị đổi thành thơ an bình.... Vì vậy, bắt tôi phải đi tìm anh trong giai điệu Lương Mành, và nhận ra "nơi chân cầu cũ", có một gã làm thơ miệt mài. May quá, ấy là thơ của "dòng xanh hoa cỏ lay"...

   Thật ra, có một dòng sông chảy trong thơ Lương Mành, bào mòn những vỉa tầng đá sỏi, hé lộ một hồn thơ trầm tích. Thoạt nghe, chất trầm tích của anh có vẻ cũ kỷ, muộn màng. Nhưng trong cái muộn màng, vẫn lấp lánh hào quang của một thời hoa mộng. Thơ anh đứng giữa hai bờ sông sóng xô ấy, được bồi tụ bởi phù sa lịch lãm của thi ca Nam bộ, nên có khi mộc mạc giản đơn, có khi hào phóng rực rỡ, có khi sâu sắc lung linh. Tất cả đều đằm thắm chất thiện lương của một ông giáo làng làm thơ.

   Và này, ngọn gió thổi cánh Bồ Công Anh trong dòng lục bát gió mùa thổn thức, nghe rất mãn nhĩ:

                    Bay cùng hạc nội chim ngàn

                    Mùa xuân phơi áo lụa vàng đợi ai

                    Hạt mưa phùn - phớt hiên ngoài

                    Người theo cánh bướm lạc bay phương nào

    (Bay theo dấu Bồ Công Anh)

 

Nghe thì chìm nổi, phù du thật đấy, nhưng chỉ là "hạt mưa phùn - phớt hiên ngoài", người đọc khó tìm một Nguyễn An Bình hào hoa trong chất Lương Mành. Tôi đã dụng công rất nhiều, có khi đi "phớt hiên ngoài" bản thảo mới bắt gặp một gã mộng du mang tên Lương Mành, còn gã thơ Nguyễn An Bình thường đánh tráo chất mộng và thực. Thi ca ấy tôi tạm gọi là thi pháp con Ong, viết ngoài liên văn bản, hiểu ngoài thức ngôn tại. Con Ong hút mật vi vu, nhưng thật ra đôi chân của nó mang hai túi phấn hương, có thể đi thụ phấn để cho hoa kết quả. Ta bắt gặp câu hỏi này:

                    Bên đôi bờ cỏ xanh

                    Nước Bằng giang chảy xiết

                    Em có thấy tình anh

                    Trôi xuôi dòng mải miết?

  (Bên dòng Bằng giang)

 

Dòng Bằng giang ở Cao Bằng, gần với đất Trung Quốc, âm hưởng và thi ảnh như trong Kim Dung. Chất bi tráng của thơ xưa hiện về làm nao lòng người đọc. Thật vậy, từ chất An bình đã hiện ra một Lương Mành đỉnh đạc thi ca. Hàm lượng câu thơ, nói theo cách Nam bộ "nghe điếc con ráy"...

Trong bài thơ Boston mùa tuyết trắng, anh viết cho con:

                    Quảng trường Copley chắc thấy toàn người lạ

                    Con có nhớ nắng vàng, cái nắng phương Đông!

"Con" - đứa con xa chính là thơ anh, dòng thơ không thoát khỏi "cái nắng phương Đông" ấy, có thể đi khắp cùng trời cuối đất, rồi trở lại với Lương Mành chất phác:

                   Đi khắp trời lòng con vẫn nhớ

                   Nước ao làng lấp lánh mảnh tình quê

                   Nắm đất khô giờ mẹ nằm hiu quạnh

                   Phải chốn quê hương bước con về

  (Ca dao cho mẹ)

 

Về với nước ao làng, sau khi đã thấu thị, không có nghĩa là không có dấu ấn trong đời:          

                   Ngón tay thon - em còn in dấu cỏ

                   Giữa biển người một hạt bụi vừa rơi!

  (Chiều phương Nam)

 

Nhìn thấy hạt bụi vừa rơi đâu có dễ. Nhà thơ phải đứng lại toàn bộ cuộc đời, để ngắm, cũng chính là tìm lại mình trong một chiều phương Nam nắng gió. Cõi bụi bặm sao có thể một phút tĩnh lặng? Nhưng từ thơ - cõi thiền của thơ có thể nghiệm ra cái gì là một hạt bụi, tích tắc nào vừa rơi...

Câu thơ không dễ viết, nếu không có cảm thức thời gian bào mòn từng hơi thở chiêm nghiệm. Cùng tư tưởng ấy, nhà thơ đã viết:

                    Tìm trong ký ức

                    Đã mòn cái tên

   (Da thịt một đời ai nỡ quên)

 

Quả thật, thơ Lương Mành đã bào mòn Lương Mành. Và càng bào mòn càng lộ ra vỉa tầng trầm lắng. Tôi cho rằng đọc thơ Lương Mành mà đọc "phớt hiên ngoài" sẽ chỉ là đọc Nguyễn An Bình mà thôi!

Thì đây, ý người thơ đã ước:

                    Mưa trong mắt - một ngày xưa

                    Ước chi dâu bể dư thừa quên tôi

     (Đi trong mưa Sài Gòn)

 

Nhưng dâu bể không thể quên được Lương Mành. Bởi Lương Mành là ký ức, là cái tên đã mòn mà thôi. Rồi trong cõi thênh thang, người thơ chợt nhận ra:

                    Khi về mây trắng đầu non

                    Tóc xanh lấm tấm, gối mòn đã xiêu

                    Gót giày gõ bóng tịch liêu

                    Trăm năm thơm mãi ít nhiều cỏ hoa

     (Mây trằng đầu non)

 

Mấy trắng đầu non - khúc thức thứ 12 là giai điệu giao hưởng Lương Mành. Nhà thơ đã trở về "gõ bóng tịch liêu". Dẫu cuộc đời có là gì đi nữa, cũng chỉ là "ít nhiều cỏ hoa" thôi. Câu thơ đã an bình, ý thơ đã thiền triết trong mùi thơm tịch lặng của đời người....

 

   [Sài Gòn tháng 10. 2021]

                                       

 

Nguyễn Thánh Ngã
Số lần đọc: 420
Ngày đăng: 15.12.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài thơ “Cái tôi” của nhà thơ Ái Nhân Thi Sĩ - Đặng Xuân Xuyến
Để cho ngày ngắn thơm hoài tình thơ - Trang Thùy
Tháng mười một về thăm trường cũ - Nguyễn Nguyên Phượng
Yếu tố đồng tính trong thơ Đỗ Anh Tuyến - Đặng Xuân Xuyến
Văn chương để làm gì? - Vinh Anh
Khi nhà văn trả thù - Nguyễn Anh Tuấn
Miền yêu thương trong thơ thiếu nhi Tôn Nữ Thu Thủy - Trần Hoài Anh
Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975 (Viết nhân 90 năm Thơ mới) - Trần Hoài Anh
Nhân vật bình dân trong một dòng văn xuôi tự sự địa phương - Yến Nhi
Thanh Thảo, hát giữa gió mưa - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Co (thơ)
...Mưa (thơ)
Ảo (thơ)
Mở (thơ)
Pleiku (thơ)