Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.275
123.157.311
 
Truy Phong "MỘT THẾ KỶ- MẤY VẦN THƠ" – Bài thơ chấn động dư luận một thời.
Trần Hữu Dũng

Suốt hai ngày đêm 8 và 9 tháng 5 năm 2005 nhiều phái đoàn gồm thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long…kéo xuống Vũng Liêm, đi đò máy đến tận Cù lao Dài  phúng viếng nhà thơ Truy Phong. Ông là tác giả bài thơ dài "Một thế kỷ - Mấy vần thơ" từng gây chấn động dư luận một thời. Lúc ấy là đầu năm 1956 đang thời kỳ hai năm đấu tranh đòi hiệp thương Nam Bắc, các cán bộ kháng chiến lợi dụng thế hợp pháp công khai tuyên truyền giải thích hiệp định Genève, đấu tranh đòi hòa bình thống nhất đất nước. Lúc đó Ngô Đình Diệm đang bài Pháp, loại bỏ những người thân Pháp, Truy Phong nhân cơ hội "tiễn chân quân đội Pháp về nước" để công khai lên án ngoại xâm, cổ vũ, đề cao tinh thần yêu nước, khẳng định :

   Cái gì bạo ngược và phi nghĩa

   Là trái lòng dân, nghịch ý trời

   Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ

   Không sao thắng được trái tim người !*

 

  Tờ tuần báo "Tiến Thủ" ra ngày 27-4-1956 là tờ "giấy khai sinh đặc biệt' cho bài thơ ra mắt bạn đọc. Tác giả kể : "Trong nhóm Văn nghệ kháng chiến Khu 8 thời chín năm, có người đi tập kết như nhà thơ Nguyễn Bính, có người ở lại hoạt động hợp pháp như nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam…Tôi về đạy học ở Trà Vinh…Viết xong bài "Một thế kỷ - Mấy vần thơ", tôi nhờ em Điệp, một nữ sinh tin cẩn, có cha chạy xe đò Trà Vinh - Sài Gòn, mang trao tận tòa soạn báo Tiến Thủ, một tờ báo tiến bộ ở Sài  Gòn lúc ấy. Nếu ở Sài Gòn, tôi sẽ ký tên thật hoặc bút hiệu quen thuộc. Lỡ có sao, anh em mình ở đó đông hơn. Nhưng ở tỉnh lẻ Trà Vinh, tác giả có thể bị thủ tiêu một cách lặng lẽ". Lần đầu tiên báo Tiến Thủ đăng bài thơ "Một thế kỷ - Mấy vần thơ", tên tác giả ký tắt T. P., trên trang nhất với cái "tít" màu đỏ thật lớn chạy suốt chiều ngang tờ báo khổ rộng, lối trình bày này như một thách thức làm "xốn mắt" chính quyền lúc bấy giờ. Báo vừa phát hành thì hàng chục cú điện thoại gọi tới tra hỏi, hăm dọa đủ điều, kết quả là báo bị tịch thu sạch sành sanh, chính quyền ngụy mướn đám lưu manh hùng hổ bao vây, đập phá tòa soạn, đi tìm "mần thịt"  ông chủ nhiệm báo Lê Văn Thử, may sao ông nhanh trí chạy sang lánh nạn vào tòa đại sứ Anh gần đó.

 

   Âm vang bài thơ lan rộng nhanh chóng khắp nơi, gây ảnh hưởng sâu rộng trong dư luận, tiếp theo tờ tạp chí Mã Thượng đăng lại "Một thế kỷ - Mấy vần thơ", từng đoạn có tranh màu minh họa. Từ tháng 4-1956 đến tháng 4-1975 bài thơ nầy được đăng đi đăng lại mấy mươi lần trên báo chí miền Nam : Đuốc Nhà Nam, Thần Chung, Tin Sáng, Dân Chủ Mới, Tiểu Thuyết Thứ Năm…, tờ Selection Du Reader's Digest, năm 1957 trích dịch lại một đoạn bài thơ nầy. Các trường đại học Văn Khoa, đại học Sư Phạm, đại học Luật Khoa, đại học Vạn Hạnh, đại học Đà Lạt tổ chức giới thiệu bài thơ trong những đêm sinh hoạt thơ nhạc tại các trường. Thử đọc lại mục Sinh hoạt văn nghệ trên báo Văn ra ngày 14-4-1974 về đêm thơ nhạc tại quán Lục Huyền Cầm ở Đà Lạt : "Lâu quá giới thưởng ngoạn Đà Lạt mới có dịp nghe một chương trình văn nghệ chủ đề Giữ thơm quê mẹ với lối trình diễn khá công phu.

Suốt hai tiếng đồng hồ, ca đoàn đã lần lượt trình bày những ca khúc của Văn Cao, Văn Giảng, Phạm Duy, Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, Phong Ba…và những bài thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng, Yên Thao, Truy Phong…". Thậm chí  "Một thế kỷ - Mấy vần thơ" âm thầm len lỏi vào các nhà tù từ Sài Gòn đến tận Côn Đảo, ông Lê Hồng Tư, một chiến sĩ tử tù Côn Đảo kể lại : "Một người đọc, mười người đọc, rồi hàng trăm, hàng ngàn người đọc. Không riêng gì sinh viên, học sinh, trí thức mà cả công luận ở Sài Gòn và các thành thị ở miền Nam đều phấn khởi đón nhận bài thơ. Bài thơ dài trên 100 câu mà rất nhiều người thuộc lòng.

 

Chúng tôi : tất cả anh em cán bộ, chiến sĩ đều coi bài thơ như một thứ vũ khí đấu tranh sắc bén. Chúng tôi dàn dựng thành một hoạt cảnh thơ rồi kéo nhau lên Đà Lạt trình diễn…Màn kéo lên…sân khấu hiện ra một nghĩa địa âm u…Một tốp lính Pháp cuối đầu ủ rủ…Tiếng nói hậu trường là một đoạn thơ dài kể tội ác thực dân Pháp. Các khán giả người Pháp không thấy tỏ ra khó chịu. Đến màn "thân thiện" : thơ tả nước Pháp có thành Paris rực rỡ, có Côte d'Ajur người thanh và cảnh lịch, có bờ Marseille xinh đẹp nhất sơn hà, có anh hùng dân tộc Joffre, Jeanne d'Arc…Tây bộc lộ thiện cảm.

Tới hai câu : "Bây giờ anh xuống tàu binh/ Trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua"* thấy họ vui hẳn lên. Khi chấm dứt hoạt cảnh bằng câu "Au revoir",* họ vỗ tay nồng nhiệt…Kịch bản văn học "Một thế kỷ - Mấy vần thơ" được khá nhiều "đạo diễn" không chuyên dàn dựng. Đ/c Phạm Công Chiêu cho biết anh được xem hoạt cảnh nầy ở khám lớn Chí Hòa. Rồi anh lại mang theo kịch bản ra Côn Đảo. Đ/c Trương Văn Khâm, cán bộ công vận ở Sài Gòn, cũng chuyển thể hoạt cảnh diễn cho công nhân xem". Tên tuổi Truy Phong đi  sâu vào lòng bạn đọc, quyển Thi ca bình dân Việt Nam của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh viết : "…Lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam trải qua hai thời kỳ đô hộ của người Tàu, đã để lại những vết tích như :

 

   Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

   Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ

    (Bình ngô Đại cáo)

   Thì thời đô hộ của người Pháp cũng để lại trong dân gian những câu thơ như :

   Anh bắn !

             Anh giết !

                  Anh đâm !

                            Anh vằm !

   Anh đày Bà Rá, Côn Lôn,

   Anh đọa Sơn La, Lao Bảo…

….

   Chặt đầu ông lão treo hàng thịt,

   Mổ mật thanh niên giữa chiến tràng.

   Cối quết trẻ thơ văng nát óc,

   Phanh thây sản phụ đốt thành than !…

   Con lìa mẹ,

   Vợ xa chồng,

   Cây trụi lá

   Nhà trống không…

   (Một thế kỷ - Mấy vần thơ. Truy Phong)*

 

   Nhà thơ Truy Phong, tên thật là Dương Tấn Huấn, sinh ngày 1-10-1925 tại làng Thạnh Phú nay là xã Thanh Bình (Cù lao Dài), huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ, ông học trường làng, rồi trường huyện Càn Long, đậu bằng Certificat của Pháp, sau đó lên Sa Đéc học trường tư và làm việc ở tòa báo Tân Tiến - Sa Đéc năm 1943. Ngày Cách mạng tháng 8 bùng nổ, tiếp theo là cuộc kháng chiến Nam bộ, ông tham gia trong Ban tuyên truyền thanh niên Tiền Phong tại xã nhà. Quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, chính quyền cách mạng non trẻ tổ chức toàn dân kháng chiến, ông thoát ly gia đình lên công tác ở Ban tuyên truyền huyện Vũng Liêm, rồi Đoàn Văn hóa kháng chiến tỉnh Vĩnh Long năm 1947.

 

Năm 1949 ông vào bộ đội, công tác ở Ban văn nghệ trong Ban chính trị Liên trung đoàn 109 -111 (Vĩnh Long - Trà Vinh). Năm 1950 ông làm bài thơ "Nô men" nói về chiến công diệt đồn địch tại ấp Nô men (Phnômen:con giồng giàu có) ở Trà Vinh. Năm 1953 ông được bố trí về hoạt động công khai trong lòng địch do ông Trần Xuân Vỹ (cán bộ tình báo) phụ trách và năm 1954 sau hiệp định Genève, ông về dạy học ở trường tư thục Thánh Gioan, trường Trần Trung Tiên ở Trà Vinh.

 

Năm 1956 Truy Phong hứng khởi viết bài thơ "Một thế kỷ - Mấy vần thơ", đánh dấu cuộc rút quân của quân đội Pháp bại trận, phải xuống tàu về nước và năm 1970 in tập thơ "Một thế kỷ - Mấy vần thơ" trong đó có thêm phần thơ "Tấm lòng quê", "Dân quê kháng chiến", tiếp theo tập thơ "Thái bình  trả lại" in năm 1971, và tập thơ góp phần cổ vũ cho phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ là tập thơ "Mặt trời lên" in năm 1975.

 

Năm 2001 NXB Trẻ in tập "Truy Phong và Một thế kỷ mấy vần thơ",  Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long in tuyển tập "Thơ Truy Phong" vào năm 2004.

 

   Truy Phong cùng người vợ hiền là Lê Thị Công cùng nhau đi suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến, những năm cuối đời sống thanh thản ở quê nhà. Truy Phong trìu mến gọi người vợ tấm mẳn của mình là "điểm tựa" cho ông làm thơ, người vợ bán cả tư trang cho chồng in tập thơ "Một thế kỷ - Mấy vần thơ" năm 1970. Hai ông bà có lúc muốn ký vào đơn xin hiến xác cho khoa học, hạnh phúc bên nhau lúc sống đến khi chết lại muốn chết cùng lúc, hiếm có vợ chồng nào keo sơn, gắn bó như vậy, có chi tiết xúc động mà ông thố lộ : "Sau khi tôi ngừng thở, vợ tôi lo việc tắm rửa rồi mặc toàn trắng cho tôi. Mặc trắng tượng trưng cho sự tinh khiết. Màu trắng toát lên dáng đứng của nhà thơ có khí phách không hoạt đầu. Một giờ sau vợ tôi sẽ dùng viên thuốc đặc biệt và đi theo tôi một cách êm ái". Nhà thơ Kiên Giang nghe đến đó bật khóc, nắm chặt tay Truy Phong cản ngăn : "Đừng ! Đừng ! Tội cho chị lắm…". Mười năm cuối trước khi mất nhà thơ Truy Phong lâm bệnh nặng, nằm trên võng, chiếc mùng phủ trùm lên, có vợ cầm tao võng đưa cho ông ngủ, lo đút từng muỗng cháo, gặp lại bạn kháng chiến cũ, anh chị em cựu tù Côn Đảo về Cù lao Dài, xuống thăm ông cảm động ứa nước mắt.

 

   Nhớ ngày nào đoàn thành phố Hồ Chí Minh gồm các cán bộ hưu trí, văn nghệ sĩ kháng chiến cũ, Ban liên lạc cựu tù Côn Đảo về cù lao Quới Thiện, tổ chức đêm giao lưu với nhà thơ Truy Phong. Ông bịn rịn cầm tay từng người, vui vẻ nghe vợ hóm hỉnh kể : "Thơ ổng như thuốc an thần, cứ đọc 1/3 bài là tôi ngủ say. Sáng ra tôi dậy sớm, gọi  'Ánh hồng chói rạng chân trời mới*' (Câu mở đầu bài thơ "Một thế kỷ - Mấy vần thơ") rồi, dậy tập thể dục, ông ơi !". Lúc 12 giờ đêm ngày 9-5-2005 nhà thơ Truy Phong an nghỉ nghìn thu trong lòng cố thổ Cù lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ra đi ông để lại trong lòng bạn đọc nhiều tiếc thương về nhà thơ Truy Phong sống nhân hậu, trung kiên với tâm hồn nồng đậm tình yêu quê hương đất nước, một người từng làm vang động thi đàn năm 1956 với bài thơ "Một thế kỷ - Mấy vần thơ" có giá trị vượt thế kỷ.

 *Trích "Một thế kỷ - Mấy vần thơ", thơ Truy Phong.

 

Trần Hữu Dũng
Số lần đọc: 6433
Ngày đăng: 22.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lấn chiếm vĩnh hằng trong thơ Yves Bonnefoy - Triệu Từ Truyền
Thi sĩ NGÔ KHA trung thực một đời thơ - Võ Quê
Những cây bút trẻ Tp Hồ Chí Minh mươi lăm năm trở lại đây. - Trần Thanh Giao
30 Năm sáng tác văn học Tp Hồ Chí Minh - Trần Thanh Giao
Kỷ niệm 240 năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du :Giả thiết về cái chết của tác giả Truyện Kiều - Trần Ngọc Vượng
Nhân Ngày Hội Thơ Việt Nam( Rằm tháng Giêng năm Giáp Thân) : ĐỐI THOẠI VÀ CHUẨN MỰC THI CA - Võ Tấn Cường
Những thông tin chính thức của chính tác giả về Bài thơ Kỷ vật cho em của Linh Phương - Linh Phương
Ba tác phẩm vừa được tái bản của NHÀ VĂN TRIỆU XUÂN - Ngô Thanh Hương
Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca - Võ Tấn Cường
Cách nói - Nguyễn Hữu Hiệp
Cùng một tác giả
An Giang (thơ)
Du hành (thơ)
Mưa (thơ)