Năm nay tháng chạp thiếu nên sáng ngày hăm tám Kim Chi cùng mẹ về quê ngoại để hôm sau dự lễ cúng rước ông bà với ông bà ngoại và mấy cậu mấy dì. Quê ngoại Kim Chi nằm bên bờ nam sông Hậu, cũng là quê hương của trái bưởi năm roi, của những vườn bưởi xanh đen, mát rượi. Nơi đây còn có bến cảng, khu công nghiệp và cầu Cần Thơ chạy ngang. Huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng một khu du lịch sinh thái, tổ chức mỗi hộ thành một điểm du lịch gia đình phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách.
Ông bà ngoại Kim Chi ở chung với cậu mợ Út. Ngoài mười lăm công ruộng họ còn có chục công vườn bưởi năm roi, mỗi năm bán không dưới hai trăm triệu đồng. Con cháu lại đông nên năm nào họ cũng ăn tết lớn. Tất cả đều qui tụ về nhà thờ từ đường trong ngày lễ cúng rước ông bà. Ai ở xa thì về trước một ngày, ở gần cũng đến phụ tiếp cậu mợ Út tát mương, làm thịt heo, gói bánh tét, gói nem, gói bì, làm thịt nguội và những chuyện lặt vặt khác rất đông vui. Đến bữa ăn phải dọn hai ba bàn mới đủ chỗ ngồi. Con nít thì mỗi đứa một tô bưng đi ăn nghễu nghệnh khắp nhà.
Chiều cuối năm trời se se lạnh, gió chướng nhẹ rao rao, không gian mờ mờ sương khói. Làm công chuyện xong, Kim Chi thả bộ một mình trên con đường liên xã cũng là bề mặt con đê chống lũ được trải đá bằng phẳng, rộng rãi cách bờ sông khoảng trăm thước. Bên trái con đường là vườn và ruộng đan xen nhau. Bên phải là vùng giải toả hoang vu vắng lặng. Trên đường, người và xe qua lại dập dìu, rộn ràng không khí mừng xuân. Kim Chi đi chậm rãi sau lưng hai bé trai trạc mười hai mười ba tuổi đang đố nhau sôi nổi. "Đố mầy cây gì không bào mà trơn?". "Cây chuối". "Cái gì không sơn mà đỏ?". "Cái bắp chuối". "Cái gì không gõ mà kêu?". "Cái đồng hồ". "Đèn gì không khêu mà sáng?". "Đèn điện". "Trật. Đèn điện phải bật công tắc mới sáng". "Vậy chớ đèn gì?". "Đèn trời". "Đèn trời là đèn gì?". "Là mặt trăng". "Chợ gì không bán mà đông?". "Chợ nổi". "Trật. Là trường học". Nghe hai cậu bé đối đáp vô tư hồn nhiên Kim Chi cũng cảm thấy vui lây. Cuộc sống nông thôn thật bình dị hiền hoà, người dân nông thôn từ lớn tới nhỏ đều ung dung thong thả chứ không căng thẳng vội vàng như dân thành thị. Tuy nhiên, khi những công trình công nghiệp trên chính thức đi vào hoạt động thì liệu người dân nơi đây có giữ đuợc tâm hồn và nếp sống như thế mãi không? Thế nào cũng bị xáo trộn, không nhiều thì ít. Tính cách của con người không phải bất biến mà thay đổi theo tuổi tác, điều kiện và môi trường sống chung quanh. Kim Chi nói thầm.
Đến một khoảng ruộng, một cậu trai chỉ tay ra ngoài ấy nói với bạn :
-Ê! Con nhỏ si-đa kìa.
Kim Chi đưa mắt nhìn theo. Một bé gái khoảng tám chín tuổi, gầy gò, quần áo ướt nhẹp, dính đầy bùn đất, xách giỏ ốc đi vào. Đến đường cái, cô bé đi ngược lại hướng Kim Chi. Khi bé đi tới, hai cậu trai bèn nép sát lề đường rồi ù té chạy như gặp phải một quái vật. Cô bé cúi gầm mặt tủi thân. Vừa ngạc nhiên vừa tội nghiệp bé, Kim Chi đưa tay ra hiệu em dừng lại hỏi thăm. Bé đứng lại nhưng vẫn không nhìn lên. Kim Chi ngồi xuống trước mặt bé, hỏi :
-Em có biết tại sao hai bạn ấy đối xử với em như vậy không?
-. . . .
-Em có biết si-đa là gì không?
-. . . .
-Ba mẹ em không nói cho em biết sao ?
Cô bé vẫn cúi gầm mặt không trả lời. Kim Chi hỏi tiếp :
-Nhà em ở đâu?
Bé đưa tay chỉ về hướng bờ sông. Kim Chi quay lại nhìn theo, cố gắng tìm kiếm trong khu vườn hoang vắng nhưng tuyệt nhiên không thấy một ngôi nhà nào ở đó. Sự việc xảy ra đã tác động mạnh đến lòng thương hại và tính tò mò của Kim Chi nên cô đứng dậy bảo bé gái :
-Chị không thấy gì hết. Thôi, em dẫn chị về nhà vậy.
Bé tròn mắt nhìn Kim Chi. Cô cười hiền, nắm tay bé dắt đi khoảng vài chục thước, bé chỉ quẹo vào một con đường mòn dẫn ra bờ sông, đến trước cái nhà nhỏ nằm đơn độc, cách mé sông chừng hai ba thước. Gọi là nhà chứ thật ra nó giống một cái chòi hơn, thấp lè tè, ra vô phải khom người mới không bị đụng đầu vào mái. Cái nhà cất trên một nền đất khá rộng, chung quanh đầy cỏ dại và chừng mươi cây đu đủ đã beo đọt, thưa cổ, lèo tèo mấy trái bằng cườm tay. Nhà không có buồng. Sát vách sau kê một bàn thờ trải giấy bông đỏ, có hai lư hương, một bức ảnh phụ nữ còn khá trẻ đẹp, một ốp nhang và một gói bánh mứt. Bên phải là chiếc giường ngủ, bên trái một cái bàn tròn và vài ba cái ghế đẩu. Vừa bước vào nhà bé gái gọi to "ngoại ơi" rồi chạy ra sau hè. Một bà lão trên sáu mươi, gầy guộc, cằn cỗi đang nấu cơm trong cái chái ủm thủm, tối tăm. Thấy bé chạy ra bà hỏi:
-Nhiều không con?
Bé không trả lời bà mà chỉ tay ra trước nói :
-Có ai vô nhà mình kìa!
Bà lão bước ra nhà trước đứng nhìn Kim Chi sững sờ. Hơn ba năm nay mới có người đầu tiên dám bước chân vào căn nhà chật hẹp tồi tàn của bà. Người ấy lại là một cô gái trẻ đẹp, sang trọng khiến cho bà bối rối không biết phải đối xử ra sao. Kim Chi mỉm cười thật tươi, gật đầu chào bà, bước đến nắm lấy tay bà xiết mạnh, tự giới thiệu về mình rồi cùng bà đến giường ngồi. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, trong một gia đình trí thức nên kỹ năng giao tiếp, phán đoán của Kim Chi không đến đỗi tồi. Sau vài lời nói và cử chỉ thân thiện, cô hoàn toàn chiếm được cảm tình và xua tan mặc cảm hèn mọn, bị bỏ rơi trong lòng bà già khốn khổ. Và, quan trọng hơn thế là Kim Chi biết được những tấn bi kịch đã đem đến nhiều nỗi bất hạnh cho gia đình bà…
Bà Hai sinh bốn con, ba trai một gái nhưng chỉ nuôi được một mình cô út Thơm. Ba người con trai đều chết khi được vài ba tháng tuổi. Người trong xóm cho đó là những đứa con ranh, con lộn. Khi sanh út Thơm ông bà sợ cô giống như ba người anh nên bồng cô đến thầy pháp, thầy phù trừ ma ếm quỉ, đeo bùa đeo niệt và ký thác cho họ nuôi dùm. Mặc dù vậy, Thơm vẫn rất èo uột khó nuôi. Sau nhờ có mạng lưới chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cô mới được uống vắc-xin, chích ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm, thường xuyên ăn cháo dinh dưỡng mới khoẻ ra. Năm cô tám tuổi, ông Hai mắc bịnh ung thư gan, bà Hai cầm cố rồi sang bán đất chữa trị cho ông nhưng không còn kịp.
Thơm giống cha, đẹp gái. Thân hình mảnh mai, thon thả. Mũi cao, mắt đen láy, long lanh đa tình dưới hàng mi cong vút. Tin tưởng vào lời tục "gái giống cha giàu ba họ" nên sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Thơm lên thành phố tìm việc làm để mong đổi thay số phận. Nhưng, số phận không hề mỉm cười với cô gái quê chỉ có nhan sắc chứ không có tay nghề, không biết một thứ ngoại ngữ nào hết. Cuối cùng, Thơm vào làm công trong một cơ sở sản xuất bánh kẹo tư nhân. Chẳng bao lâu sau, nhan sắc củacô lọt vào đôi mắt thèm thuồng của ông chủ Lâm hảo ngọt, lõi đời. Trước những cám dỗ của vật chất phù hoa, con nai tơ bị sập bẫy một cách dễ dàng.
Cuộc sống già nhân ngãi, non vợ chồng của Thơm và ông Lâm đưa đến hai hệ quả tất yếu. Một là Thơm có thai, hai là bà Lâm phát hiện đánh ghen. Ông Lâm bèn mướn nhà riêng cho Thơm ở nhưng vẫn bị vợ quấy rầy. Một lần, bà ta mướn người tạt a-xít Thơm, may mắn là cô thoát nạn, chỉ bị phỏng vài đốm nhỏ trên chân. Hoảng sợ, Thơm vội cuốn gói về quê. Thỉnh thoảng ông Lâm cũng có gởi tiền cấp dưỡng cho mẹ con cô.
Ở thời nầy, gái không chồng mà có con không phải là điều gì ghê gớm lắm. Vả lại, sau khi sanh nở, Thơm còn ngon lành, hấp dẫn hơn thời con gái nên có vài thanh niên trong xóm tình nguyện được "mua một tặng một" nhưng Thơm không chịu. Khi bé Tho hai tuổi, cô gởi con cho bà ngoại nuôi, lên thành phố làm lại cuộc đời. Để làm được điều đó Thơm đã khai thác triệt để cái vốn sẵn có của mình, ngày lại ngày "dập dìu lá gió cành chim; sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh". Ôi! Đáng thương thay một sinh linh mù quáng, cửa thiên đàng rộng mở mà chẳng chịu lên còn cửa địa ngục hẹp té lại chen chân vào! Thơm nhiễm HIV/AIDS. Tuyệt vọng, cô về quê sống nốt cuộc đời còn lại của một đoá hoa tàn . Bà Hai lại bán nốt những mét vuông đất cuối cùng lo chữa bịnh cho cô nhưng cô vẫn không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Đau khổ nhất là ngày Thơm chết. Người hàng xóm chỉ đứng lóng nhóng ngoài sân nhìn vào chứ không ai dám khâm liệm cho cô. Mãi đến xế chiều, hội Chữ thập đỏ xã mới vận động được hai anh trong đội mai táng trên thị trấn xuống làm. Khâm liệm xong là chôn ngay, không có ai phúng điếu!. Từ đó bà cháu họ sống thui thủi một mình, bắt ốc hái rau đổi gạo lây lất qua ngày. Đau ốm thì hốt thuốc nam từ thiện. Tuy nhiên, chuyện ấy rất ít khi xảy ra. Có lẽ do họ dầm mưa dãi nắng quá nhiều nên nắng mưa không làm gì được họ! Đây là một đặc ân mà tạo hoá đã dành riêng cho hai người. Thỉnh thoảng người đời cũng ban cho bà cháu họ một vài ân huệ bằng những món quà cứu trợ. Khi thì chục ký gạo, khi thì mớ quần áo cũ cũng an ủi được phần nào….
Kể xong chuyện cho Kim Chi nghe, bà Hai kéo góc khăn vắt trên vai lau nước mắt rồi buồn bã nói :
-Tại kiếp trước gia đình tui làm nhiều điều ác nhơn sát đức nên kiếp nầy mới bị quả báo. Ba thằng con trai đều chết yểu, ổng thì bị ung thư gan, con Thơm thì bị ếch (AIDS). Không biết bà cháu tui bị cái gì và chừng nào tới đây?
Kim Chi an ủi bà Hai :
-Bệnh hoạn là chuyện đương nhiên trong cuộc sống, không ai tránh khỏi chứ không riêng gia đình dì. Nó cũng chẳng liên quan gì đến chuyện nhân quả kiếp trước mà xuất phát từ cuộc sống hiện tại của mình thôi dì ạ. Nếu mình khéo đề phòng, ăn ở hợp vệ sinh, năng tập thể dục thì sức khoẻ dồi dào, bệnh tật ít đến. Ngược lại thì bệnh ít thành bệnh nhiều, bệnh nhẹ thành bệnh nặng đó dì.
Nghe tiếng bé Tho đổ ốc vô nồi rôn rổn, bà Hai khẽ thở dài, bước xuống giường nói: -Cô ngồi chơi để tui đi nhắc nồi cơm xuống bắc nồi ốc lên cái đã.
Ốc mới bắt về chưa nhả hết sình đất, cứt đái mà nấu ăn liền bảo sao không bị bệnh cho được? Kim Chi đưa mắt quan sát khắp gian nhà. Chẳng có thứ gì quí giá. Mái lủng lỗ chỗ, vách rách te tua, chiếc chiếu trải giường cũng không được lành lặn. Vạt nắng chiều tàn cuối năm chiếu qua khe vách những chùm tia sáng nhợt nhạt, lạnh lẽo. Đã hăm tám tháng chạp rồi mà trong nhà chẳng có một chút không khí tết, ngoại trừ tờ giấy bông đỏ và bọc bánh mứt nhỏ trên bàn thờ. Kim Chi chắc lưỡi than thầm. Gia cảnh như vầy không biết họ làm gì có tiền ăn tết!?
Bà Hai trở lên ngồi vào chỗ cũ. Nói chuyện với bà nãy giờ Kim Chi phát hiện bà không hề trách trời, hờn người dù bà cháu bà bị "trời phạt" và bị người đời bạc đãi. Đây là một điều rất tốt mà cũng rất hiếm thấy đối với những người khốn khổ thường hay ta thán nọ kia. Mình làm mình chịu, trách cứ chẳng được lợi lộc gì càng làm cho chúng ghét. Bà Hai nói.
Bé Tho tắm rửa xong để trần truồng chạy vào mượn khăn bà ngoại lau mình, mặc quần áo một cách tự nhiên xem như chẳng có sự hiện diện của cô khách lạ. Kim Chi nhìn bé mỉm cười.
-Con của con Thơm đó cô. Bà Hai nói. Nó tên Tho.
Kim Chi gật đầu, liếc nhìn di ảnh Thơm trên bàn thờ. Hồi nãy bé dơ bẩn hì hợm bao nhiêu thì bây giờ sạch sẽ sáng sủa bấy nhiêu và còn đẹp hơn mẹ nó nữa. Cô hỏi :
-Bé bao nhiêu tuổi và học lớp mấy rồi dì Hai ?
Bà Hai lại thở dài :
-Tám tuổi. Cô hỏi tui mới nói chớ nói ra càng tủi thân. Từ ngày mẹ nó bịnh chết tới giờ cô là người đầu tiên gần gũi, nắm tay nắm chân nó chớ dân ở đây từ người lớn đến con nít đều xa lánh nó. Thậm chí người ta còn không cho nó đi học nữa đó cô.
-Trời ơi!. Kim Chi kêu lên thảng thốt. Bà Hai vội phân bua :
-Nói cho ngay, lúc đầu nhà trường cũng nhận nó vào học nhưng những người có con học chung lớp với nó nhất định không nghe buộc nhà trường phải cho nó nghỉ học.
Thật quá phũ phàng! Kim Chi nói thầm. Trẻ con thiếu hiểu biết đã đành còn người lớn cũng nhẫn tâm đến thế sao? Sự thật có đúng như vậy không? Nếu đúng thì họ có tội tình gì? Nhất là bé Tho. Theo dì Hai thì chị Thơm mắc căn bệnh thế kỷ sau khi sanh bé chứ có phải mắc trước đâu? Vậy thì người ta căn cứ vào đâu để phân biệt đối xử với bé? Rộng lượng và hào phóng là tính cách cao đẹp của người nông thôn, chẳng lẽ họ đã đánh mất nó rồi sao? Cả mấy cậu mấy dì mình nữa, họ đều có ăn học cả mà !? Kim Chi lắc đầu thất vọng. Xem ra, dù có học hay không, dù biết nhiều hay biết ít về HIV/AIDS nhưng đại bộ phận người dân nông thôn đều có thành kiến rất nặng đối với những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ nầy. Không thể được ! Mình phải đòi lại sự công bằng cho bé Tho. Nhưng…Đòi bằng cách nào khi mà cái thành kiến ấy nặng như ngọn núi Ngũ Hành đè trên mình của Tề thiên đại thánh trong khi đó mình chưa đủ đức độ như ngài Tam tạng thì làm sao gỡ lá bùa trên ngọn núi giải phóng Tề thiên !?.
* * *
Kim Chi về đến nhà trời cũng vừa sụp tối. Cả nhà đã ăn cơm chiều xong. Ông bà ngoại cùng mẹ cô, dì sáu và mấy đứa cháu cốc ngồi trong phòng khách nói chuyện, xem truyền hình. Cô bước vào. Dì Sáu đon đả :
-Mèn ơi! Hồi chiều tới giờ con đi đâu mà dì sai sắp nhỏ kiếm về ăn cơm không gặp?
-Dạ, con đi chơi xóm dưới, thưa dì.
-Xóm dưới có ai quen đâu mà chơi lâu dữ vậy? Con làm dì lo muốn chết.
-Thì nó đã chẳng về rồi đó sao? Ông ngoại lên tiếng. Thôi vô ăn cơm đi con.
-Dạ. Con cám ơn ngoại, cám ơn dì.
Kim Chi đi xuống nhà sau. Cậu Út còn nhậu với mấy cậu mấy dượng ngoài hành lang. Mợ Út đang dọn dẹp trong nhà, con gái mợ và con gái dì Sáu rửa chén ngoài sàn nước. Kim Chi bước ra làm tiếp hai em. Mợ Út lật đật chạy lại vừa nói vừa đẩy cô đến bàn ăn :
-Để đó cho tụi nó làm, con vô ăn cơm đi.
Cực chẳng đã Kim Chi mới ngồi vào bàn. Trên bàn, những thức ăn dư hồi nãy còn lủ khủ. Đói bụng, Kim Chi lấy bánh tráng, rau sống định gói một cuốn gỏi củ cải thì mợ Út ngăn lại :
-Đừng ăn đồ đó, mợ có chừa cho con đây nè, để mợ dọn.
Con gái đi chơi không biết giờ về ăn cơm đã không bị rầy còn được quan tâm chăm sóc là quá ưu đãi rồi. Tuy nhiên, càng được ưu đãi Kim Chi càng nghe xót xa. Những thức ăn dư nầy là đồ bỏ của gia đình ngoại nhưng đối với bà Hai và bé Tho thì lại là của quí. Nội tiền ngoại mua hoa kiểng chưng từ trong nhà đến ngoài hành lang, hàng ba cũng đủ cho họ ăn một cái tết lớn. Phải người ta đối xử với nhau công bằng thì đâu có chuyện người thừa mứa, người thiếu hụt! Tình cảm của con người dồi dào như nước sông nước suối, mà, nước chảy đâu đâu cũng tới thì tại sao ở chỗ trũng nhỏ bé kia lại không? Nghịch lý đó đã khiến Kim Chi không tài nào ngủ được. Cô muốn giúp đỡ bà cháu bà Hai có điều kiện ăn tết nhưng chưa biết bằng cách nào. Cho tiền chắc chắn bà Hai hà tiện không dám mua đồ ăn còn cho đồ ăn thì bà ấy không có tiền xài. Nếu cho cả hai thì cô không đủ khả năng. Nhờ đến ông ngoại thì sợ mấy cậu mấy dì phản đối.
Đêm càng về khuya càng tĩnh lặng, Kim Chi nghe rõ hơi thở nhẹ nhàng, đều đặn của mẹ nằm kế bên. Ngủ không được mắc tiểu liền xì. Tiểu xong cô không vô mùng mà đứng nhìn những chùm thịt heo, nem, bì, lạp xưởng và cả trăm đòn bánh tét treo trên móc trên sào rồi đến ngồi bên mép ngựa mân mê những trái dưa hấu xanh đen, no tròn . Đồ ăn của ngoại nhiều quá, ăn đến hạ nêu vẫn chưa hết, sao mình không lấy mỗi thứ một ít cho bà cháu dì Hai ? Nghĩ là làm. Cô đứng phắt dậy, đi lấy hai trái dưa hấu, hai đòn bánh tét, năm cặp lạp xưởng, một chục nem, bì và khoảng hơn một ký thịt heo cho vào giỏ đệm ni lông. Đến mở tủ lấy thêm hai bịch bánh mứt, một bịch bột ngọt, một gói trà để sáng sớm mai đem cho bà Hai.
Trái với Kim Chi, mẹ cô ngủ rất ngon. Nhưng, do hồi chiều ăn nhiều canh thịt hầm và dưa hấu nên đến nửa đêm mắc tiểu cứng ba đì phải thức dậy giải quyết. Thấy không có Kim Chi bên cạnh, bà ngỡ cô cũng đi tiểu, nào ngờ cô đang "trộm" đồ ăn. Bà ngạc nhiên hỏi :
-Con đang làm gì vậy, Kim Chi?
Bị bắt quả tang, "kẻ trộm" giật mình đồm độp, quay nhìn lại, trên gương mặt hiện rõ sự sợ hãi. Khi biết là mẹ, cô chạy tới ôm chầm lấy bà, nói trong mừng rỡ lẫn xấu hổ :
-Mẹ!… Mẹ làm con hết hồn.
Bà vuốt tóc cô nghiêm nghị :
-Con lấy những thứ ấy làm gì? Tại sao phải lén lén lút lút thế?
Biết không thể dấu, Kim Chi thú thật :
-Con xin lỗi mẹ. Con định…. Chợt thấy mẹ dùn mình cô hối. Mẹ đi tiểu hả. Đi đi rồi con nói cho mẹ nghe.
Bị mẹ phát hiện, Kim Chi không phải lo vì bà là người nhân từ đôn hậu hay làm việc thiện. Bà hết sức xúc động khi nghe Kim Chi kể lại hoàn cảnh của bà Hai và bé Tho nên tán thành ngay việc làm của cô nhưng phản đối việc cô dấu ông bà ngoại và mấy cậu mấy dì. Bà nói:" Con đã chẳng muốn đòi lại sự công bằng cho bà cháu họ sao? Lén lút không phải là cách làm tốt đâu con". Kim Chi sợ nói thật ông bà ngoại và mấy cậu mấy dì từ chối. Mẹ cô bảo đảm sẽ vận động thuyết phục được họ. Bà còn đưa tiền thêm cho Kim Chi sáng mai lên chợ thị trấn mua quần áo, giày dép mới cho bà Hai và bé Tho. Khi cô đem trả tất cả những thứ đã lấy về lại chỗ cũ bà nhắc :
-Con chỉ cho đồ ăn mà không cho gạo thì bà cháu họ ăn với gì?
Kim Chi nhìn mẹ bằng ánh mắt cảm phục và biết ơn. Khoảng tám giờ sáng hôm sau cô cùng mẹ xách gạo, đồ ăn, quần áo, giày dép mới đến nhà bà Hai trên con đường liên xã tràn ngập gió đông và nắng xuân hồng rực rỡ.