Là tôi, một kẻ bất chợt cất bước ngao du từ miệt đồng Tây Nam Bộ đang tận hưởng thú cô đơn giữa cái lạnh 13°C trong một thị trấn cao nguyên.
Mây và sương và nắng và gió thay phiên quyện lấy nhau trong vũ hội cổ xưa của thời tiết cuối năm, bềnh bồng, buốt lạnh, nồng say và man dại.
Lá của những cây chiêu liêu rụng đầy quanh khuôn viên một công trình công cộng còn đang dang dở mà tôi mới vừa đi qua. Không biết lá rụng vì cây mới đem từ nơi khác về trồng, vì đang mùa thay lá hay vì nhựa sống đã héo khô bởi chờ đợi sự hiện hữu của giấc mơ công viên tàn úa.
Những con đường buổi chiều ngắn đến ngẩn ngơ với vỉa hè đầy đá cuội, những ngọn đèn đêm ngã ba ngã tư chập chờn mờ ảo, người xe qua lại thấp thoáng dọc ngang phố nhỏ sớm mai... tất cả như kéo dài cơn lạnh đang dâng lên cùng với gió.Tôi run rẩy trên những bước chân sắp cóng, hai hàm răng khua lộp cộp, tay nắm thành quả đấm trong túi áo măng-tô và lạc đường về chỗ trọ sau một đêm... lữ khách!
Giữa giấc ngủ đông của vạn vật, biết hỏi ai, hỏi người hay cỏ cây, sỏi đá... để tìm một số nhà cách đây đã gần nửa thế kỷ! Con số và tên đường cứ lảng vảng trong đầu tôi, giọng nói âm u của người đàn ông chài lưới mà tôi đã quá giang cứ vang lên như vẫn đang ở giữa một chiều gió thổi trên kênh Hào Thơ(*). Ông ta từ chối nhận tiền công nhưng có vẻ vui khi cầm lấy chai rượu sản phẩm đối chứng của một cơ sở sản xuất tham gia hội nghị đã biếu tôi. Chiếc xuồng chênh vênh đưa ông ta ra giữa dòng, một ông già rắn rỏi sạm đen, chòm râu bạc phất phơ dưới chiếc nón đệm rộng vành, không hề ngoảnh lại. Bất ngờ, với làn hơi khỏe khoắn ở tuổi của mình ông ta đã huýt sáo vang một hành khúc của đoàn quân thua cuộc (nhưng thật lạ lùng, lại nghe ra khúc khải hoàn lắng sâu trong cuộc đời đổ vỡ còn đầy dấu tích của cuộc hàn gắn liên thế kỷ!).
"Quá khứ của tôi ở đó, hiện tại có lẽ cũng quẩn quanh đâu đó. Khi nào có đi công tác nếu tiện cô tìm giúp, may ra...". Ông ta kết thúc câu chuyện của mình như thế, như tôi đã quen biết từ lâu chứ không phải người mới gặp, như tôi sẽ có lần trở lại vào một ngày nào đó, thật tự nhiên như chỉ chờ có cuộc gặp gỡ này để nói hết mọi điều chỉ sau vài câu xã giao!
Người phụ nữ thời chinh chiến của ông ta và đứa trẻ chưa bao giờ thấy mặt đã bị thời cuộc phân ly, rồi mười mấy năm tù cải tạo, rồi tay trắng, bệnh tật, rồi già nua, lênh đênh sông nước... Thời gian cứ thế trôi đi, giật mình soi bóng xuống dòng kênh thì đã bạc phơ râu tóc, hồn đã như đá chìm xuống bùn lầy còn gì đâu để mơ một ngày gặp lại.
Trên vài ba con đường, năm bảy khúc quanh, nhìn ai trạc tuổi con ông ta tôi cũng chập chờn ý nghĩ có thể là bất kỳ ai trong số họ. Con đường cũ đã thay tên, nó chỉ dài khoảng hơn cây số nằm dọc theo một công viên trồng toàn sao đen và thiên tuế. Cũng có những bụi hoa vàng rực rỡ vươn cao lòa xòa, chắc là hoa huỳnh anh, xen lẫn với nhiều loài hoa khác trên nền cỏ xanh mượt. Trên con đường này đa số là biệt thự mi-ni với cây lộc vừng trồng trước ngõ, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Một cụ già khoảng 80 tuổi đang tập Dịch cân kinh ở góc công viên nói với tôi: "người thời đó nhà ở đường này đã bỏ đi hoặc già chết hết rồi, còn chăng cũng chỉ một hai người, phần lớn toàn là người mới đến đây thôi".
Trời vẫn rét buốt tái tê, tôi cố dò hỏi thêm nhiều lần nhưng vẫn chim trời cá nước. Nhớ đến tiếng huýt sáo đã trở thành khúc ca bi tráng lạc loài như những cánh chim sa đập cánh trên mặt nước, ánh mắt vàng khô mòn mỏi của người đàn ông già bên bờ kênh, tôi không sao thôi nghĩ về cái chết bên trong những con người đang sống với điều mong muốn tột cùng đã bị vùi chôn.
Màn hình điện thoại lạnh ngắt hiện ra một tin nhắn từ sếp (đã từng là một người bạn): "Bà ra ngoài nớ mần chi sớm rứa, định trốn Tết hay răng?". Tôi trả lời bằng icon cười ngoác miệng, thầm nghĩ giờ thì chỉ còn người này quan tâm tới chuyện đi đứng của mình bởi nó gắn liền với túi tiền của anh ta.
Thì ra, không phải vì quan tâm đến lý do hay tâm trạng khiến tôi ra đây sớm hơn dự định mà chỉ muốn tôi tận dụng khoảng thời gian còn trống làm cho sếp mấy việc ở ngoài này, cùng với thông tin "đáp-bồ" lương tháng mười ba làm tôi cũng khó thoái thác!
Tôi kéo chăn trùm kín mặt mũi, sặc mùi quán trọ, nín thở mấy giây, một cơn giận, một nỗi chán, muốn nhắm mắt chìm sâu vào đâu đó, buông tay rơi xuống từ một độ cao nào đó miễn là... còn tự đứng dậy được! Sự phiền toái cứ đeo bám không rời ngay cả khi mình đã chu toàn trách nhiệm. Có vẻ như không có nơi nào cho riêng mình trên trái đất này, mình không có quyền tự do bay bổng, xoay tròn, lướt đi đến nơi mình muốn, làm điều mình thích... Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu cũng chạm phải những lực đẩy, những sức kéo, những trận bủa vây của công việc và muôn kiểu mặt người tê liệt trong trí nhớ!
Phải đến mấy ngày sau mới giải quyết xong cái mớ công việc trời ơi đất hỡi từ trên trời rơi xuống kia (đúng là tháng củ mật)! Rồi tiếp đến là nhiệm vụ trong kế hoạch, tôi lại cào cấu, ngấu nghiến, gặm mòn thời gian mà tôi đã bán chác trong hợp đồng lao động dài hạn! Có lúc tôi hầu như hoàn toàn quên mất đã sắp hết tháng mười hai âm lịch, quên mất mình đang ở đâu và định làm gì. Không còn đủ thời gian cho cuộc du hành lẽ ra vô cùng thú vị và lãng mạn mà tôi đã tưởng tượng ra trước đó. Thậm chí tôi còn chưa ghi lại được một kiểu ảnh nào ưng ý, chưa thật sự trải nghiệm thiên nhiên, con người và tạo vật ở nơi có độ cao 1.500 mét so với mực nước biển! Chưa kể chẳng có manh mối nào cho người chèo thuyền trên dòng kênh xa thẳm nọ.
Sáng sớm, trưa, chiều hay đêm muộn, tất cả mọi thứ của thời khắc cuối năm luôn đưa tôi đến nỗi buồn. Có phải vì màu nắng vàng trong, vì không gian im lắng, vì một giọng chim lảnh lót, một tiếng lá rơi giữa thinh không vời vợi? Hay là cảm giác về một cái gì đó đang cạn dần, sắp tàn, sắp trôi qua, sắp mất mà mình thì không biết phải làm gì để níu giữ? Cũng có thể vì một cuộc gọi đi cuối năm không ai nghe máy hay một cuộc gọi về từ ngút ngàn bên kia bờ đại dương... Một nỗi buồn man mác không rõ nguồn cơn cứ bàng bạc lâng lâng, đã phần nào làm xao lãng những hối hả lo toan, bất chợt dừng lại trước khối công việc dồn dập, chậm bớt những vòng quay chong chóng trước cuộc sống hỗn mang đã phải đối diện từng ngày và càng bạo liệt hơn trong thời điểm cuối năm.
Không biết tờ lịch cuối cùng trong gian bếp đã có ai gỡ xuống hay vẫn còn trên tấm bìa. Một hình ảnh cạn kiệt làm liên tưởng đến sự kết thúc của dòng chảy đã hiến dâng từng ngày cho đến giây phút tận cùng, đồng thời cũng nhắc nhở "một dòng tràn mênh mông" đã lấp đầy cho chặng đường nối tiếp. Cho nên tự dặn mình đừng bao giờ để tắt mất niềm hy vọng trong cuộc đời này.
Những buổi tàn đông đã thôi run lên niềm rét mướt chỉ còn hơi thở mơn man như sợi tóc trượt xuống vai áo thời gian. Thời gian, ở một cách hình dung khác, đó là sự cho đi hào phóng của gã đa tình cứ xuôi một dòng lãng tử, dẫn dụ người ta đến tận chân trời rồi buông trôi về cố quán, đưa người vào cuộc vui rồi bỏ mặc trầm luân, trận cười tiếng khóc, thương tiếc hay lãng quên... cứ cuốn đi mãi không ngưng nghỉ. Đi qua và chẳng bao giờ quay trở lại.
Nhưng may sao bên đời còn có những mùa Xuân mới non tơ để chờ đợi, những ngày Nguyên đán tinh khôi và tháng Giêng rực rỡ, cho bừng sáng tâm tư và hồn nhiên mơ ước.
Mỗi người chắc hẳn ai cũng có một mùa Xuân của riêng mình. Một mùa Xuân thanh tân, một mùa Xuân chín vàng, một mùa Xuân viên mãn... với yêu thương, hạnh phúc và hy vọng tràn trề. Nhưng nếu lỡ là một mùa Xuân khuyết, xanh chát hay tàn phai... cũng xin tìm trong đó những vị đời khác lạ, xin đừng bỏ rơi sự không toàn vẹn, xin yêu lấy mùa Xuân rồi sẽ thấy an nhiên!
Mùa Xuân của tôi đã quá tuổi xuân thì, nàng cũng không có ý định trùng tu nhan sắc hay detox tâm hồn bởi cái cốt lõi thực sự bên trong mới là điều quý giá. Nàng còn rất trẻ nhưng cũng đã rất già, khi thấp thoáng bên ngoài tôi khi tràn sâu vào mạch máu. Những ngày cuối cùng của tháng Chạp đương nhiên nàng luôn vắng mặt, từng khoảnh khắc của ngày cuối cùng cũng vậy. Nàng luôn kéo dài những giây phút chờ mong, lắng nghe, nhìn ngắm niềm hoan hỷ trầm lặng trong tôi như đóa hoa ung dung nở từng cánh mỏng... và chỉ khi nàng thôi lơ đãng ngoài kia để bước vào mật thất, lúc đó hoa mãn khai và hương thơm dịu dàng tỏa khắp hồn tôi.
Không thể chọn lựa trong giới hạn thời gian rất ngắn, tôi quyết định đăng ký chuyến bay cuối cùng của ngày 30 Tết. Có thể tôi sẽ đón giao thừa ngay nơi dừng chân, tại sân bay, trên một đường phố không ngủ, ở bến xe vắng vẻ hay trên một chỗ ngả lưng của chuyến xe xuyên đêm để kịp đón buổi sáng đầu năm nơi thôn dã.
Lúc về thường sẽ có cảm giác nhanh hơn lúc đi, tuy nhiên những mơ mộng trong đêm giao hòa của đất trời chắc chắn sẽ đâm chồi nảy lộc trong tôi, hy vọng cuộc hành trình về nhà cùng với mùa Xuân sẽ không quá ngắn. Những điều ước sẽ nối dài con đường và trở thành hiện thực như một phép màu của mùa Xuân đem đến cho tất cả mọi người.
Tôi khẽ nói lời tạm biệt với cao nguyên đang mùa ngát xanh, nhiệt độ bây giờ là 20°C, đẹp không tưởng! Chiếc khăn quàng mỏng màu rượu chát mua của một cái shop nhỏ bên đường đã bay xuống chân đèo. Tôi có thể đuổi kịp, nhưng lại thích nhìn nó ngập ngừng bay cùng với những chiếc lá giống như cuộc chạy đua không cân sức và không biết để về đâu. Cuối cùng chiếc khăn cũng vướng lại một gốc cây thông và ở đó chờ tôi.
Những ngày cuối cùng của năm rồi sẽ trôi qua, trong một tâm trạng đã dọn dẹp thoáng đãng, vứt bỏ hết những úa nhàu, gột sạch những ưu tư phiền muộn, tôi bồi hồi đón đợi mùa tinh khôi của vũ trụ. Một mùa Xuân rất mới sẽ đăng quang, hy vọng sẽ mang đến thế gian những đổi thay tích cực để người người được bình yên, hạnh phúc.
Chỉ còn vài hôm nữa thôi, ai trong chúng ta chắc cũng đã từng biết đợi chờ!
(*)Thị trấn Mỹ Luông- Chợ Mới- An Giang.