Tháng mười hai ở xứ này cũng giống tháp chạp ở xứ mình, tháng này vào mùa lễ, mùa hưởng thụ, nghỉ ngơi, thăm viếng, sum họp…Mùa lễ bắt đầu từ lễ Tạ Ơn kéo dài cho đến tết tây, nhà cửa, phố xá trang hoàng đèn hoa rực rỡ. Người người tấp nập mua sắm, đi chơi. Nhà nhà sum họp, gặp mặt, tiệc tùng…
Thời gian lặng lẽ trôi qua không nhanh không chậm, không nghinh không tiễn, không cũ không mới, không phụ thuộc tâm lý chủ quan của con người. Con người nhìn thời gian bằng cái tâm vọng tưởng của mình nên mới có năm cùng tháng tận, ngày hết tết đến. Thời gian vốn vô thủy vô chung, chẳng có xưa nay, càng không có năm tháng ngày giờ. Những khái niệm ấy là do con người chế ra chứ bản thân thời gian làm gì có. Chúng ta đến rồi đi, sanh tử luân hồi bất tận chứ thời gian vẫn vĩnh viễn vô biên tế. Chúng ta loay hoay lo cơm áo gạo tiền quanh năm suốt tháng để rồi một ngày nhìn lại thì than:” Thời gian qua nhanh quá, ta đã già, thời gian chẳng còn bao lâu nữa đâu...”. Chúng ta mãi tranh nhau chỗ trú ngụ, miếng ăn thức uống, duy trì dòng giống để rồi một mai kai chỉ còn nhúm tro trong hũ cốt hay nắm đất dưới huyệt mộ tối đen. Chúng ta ra sức tận lực tranh đoạt mà bất chấp tất cả và kết cục như thế thì liệu có đáng chăng?
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường than: Năm cùng tháng tận, ngày hết tết đến… mà bao nhiêu việc chưa xong, hoặc là thời gian quá eo hẹp, mọi thứ còn dở dang... Thật sự thì thời gian chẳng có nhanh chậm, chẳng có gấp hưỡn, chẳng bắt đầu cũng chẳng kết thúc. Tất cả là do cái tâm của chúng ta sai xử. Chúng ta quá tham lam, quá ôm đồm đấy thôi! Chúng ta muốn mà không biết đủ, người thì mưu sự công cao cái thế, kẻ thì cầu danh vọng để đời hoặc lưu hậu thế, thấp hơn chút nữa là mưu sự giàu sang, tích lũy của cải, đất đai mà không bao giờ biết đủ, biết dừng, dồn hết công sức, tâm lực và thời gian để mưu cầu mà quên đi hạnh phúc chính phút giây hiện tiền tại nơi này. Nhà Phật gọi là “Hiện pháp lạc trú”
Văn học phương tây có câu chuyện anh chàng tham lam muốn sở hữu thật nhiều đất đai, vị vua trị vì thông cảm và cho phép anh ta:” Từ bình minh cho đến khi trời tắt nắng, người chạy được đến đâu thì phần đất ấy sẽ thuộc về ngươi”, thế là anh chàng cắm đầu cắm cổ chạy, chạy quên cả uống nước ăn cơm, mệt cũng quên nghỉ để thở. Anh ta chạy từ bình minh cho đến giữa trưa và rồi đến tận xế chiều vẫn chưa chịu nghỉ. Anh ta cố chạy thêm nữa để tranh thủ thêm đất trước khi mặt trời lặn. Anh ta cố lê đôi chân rã rời, thân người rũ rượi để chạy thêm những bước cuối cùng trước khi mặt trời tắt nắng, cuối cùng anh ta gục ngã, thế là bao nhiêu đất đai, bao nhiêu công sức của anh ta hóa thành hư vô. Đất đai lại thuộc về đất đai, thời gian vẫn còn mãi đó, chỉ có anh chàng mê muội mà quên thân mình. Phần nhiều chúng ta cũng đều giống anh chàng mê này. Chúng ta quên thời gian vì tranh thủ tranh đoạt, chiếm lấy, sở hữu những thứ không thuộc về mình, duy cái hạnh phúc thực tại của mình thì lại bỏ quên.
Thời gian, ngươi là chủ tể thành tựu mọi thứ nhưng cũmg chính ngươi hủy diệt đi tất cả. Không có thứ gì có thể tồn tại mãi với thời gian. Cái ý niệm tồn tại vĩnh viễn, muôn đời, muôn năm… là vọng tưởng của con người. Nhà Phật gọi thế gian này vô thường, mọi vật, mọi việc, mọi thứ thay đổi liên miên trong từng phút giây. Thời gian vô thủy vô chung, không đến không đi, không thêm không bớt, không ngắn không dài, không nhanh không chậm...Thế gian thì vô thường, tâm con người tràn đầy vọng tưởng. Bởi thế xưa nay bạo chúa tham lam cứ gây chiến để chiếm đất lập đế quốc, tàn sát để cướp của cướp đất, xây lăng mộ to lớn để dòng họ trường trị muôn năm… nhưng rồi thời gian bào mòn đi tất cả, “ Quốc phá sơn hà tại”- Thơ Đường. Những đế quốc xưa giờ chỉ còn cái danh từ trong sách vở, lăng mộ bị trộm mộ đào, chính phủ đời sau khai quật. Thời cổ đại, trung đại việc gây chiến chiếm đất lập đế quốc còn có thể hiểu được. Thời đại hôm nay khoa học kỹ nghệ cao độ, đất đai không còn là vấn đề thiết yếu của sự hùng mạnh. Ấy vậy mà bạo chúa Putin sống trong hoang tưởng gây chiến tranh để chiếm đất lập đế quốc. Cuộc chiến tàn bạo và dã man đã tàn phá đất nước Ukraine, tàn sát người dân Ukrainian để trả thù sự kháng cự ngoan cường của họ. Y hạ lệnh công kích không chừa mục tiêu nào, dù đó là nhà thờ, nhà trường, nhà thương, nhà đèn, nhà trẻ, nhà bảo tàng, shopping, cầu cống, đường xá… Tội ác của y ngập trời, bàn tay y đẫm máu đỏ, cái màu tiêu biểu của những lá cờ Cộng Sản. Đế quốc Nga không thể tái lập được, dã tâm và mộng tưởng của y không thành, thời gian đang trôi qua nhưng tội ác của y sẽ còn với tháng năm. Loài người còn thì ngôn từ văn tự còn ghi chép tội ác của y, kể cả tội ác của những kẻ hùa theo y.
Bên tây thế, bên đông còn tệ hơn. Tập xếnh xáng cũng hoang tưởng muốn khôi phục đế quốc Hán, muốn làm Hồng Tập đế. Y hung hãn hiếu chiến chiếm lấy biển đông của các nước Đông Nam Á, lân đất biên giới của của nước xung quanh. Y dùng chính sách cho vay để gài những chính phủ tham nhũng, sau đó buộc họ phải lập nhượng địa, giao không cảng biển, phi trường, hầm mỏ...Y đề ra nhất đới nhất lộ hòng thống trị cả thế giới. Tiếc là y không nhìn lại Hán đế, Đường đế, Tống đế, Minh đế… giờ ở nơi nào? Y cũng quên rằng chính chủ nghĩa cộng sản đã hủy diệt tất cả di sản văn vật của những triều đại ấy, giờ y lại muốn tái lập. Lòng tham, sự tàn độc của y quả thật cũng vô cùng tận như dòng thời gian.
Ngày hết tết đến là cách nói của dân gian, là tâm lý huyễn mộng của chúng ta, làm gì có hết hay cùng! Hôm qua còn có hôm qua nữa, ngày mai còn có ngày mai nữa, quá khứ vô thủy vị lai vô chung kia mà! Chẳng còn chẳng hết, chẳng đến chẳng đi, chẳng thừa chẳng thiếu… Các nhà văn, các nhà khoa học đưa ra thuyết đường hầm ánh sáng, xuyên không... nghĩa là con người có thể trở về quá khứ vô cùng tận hoặc đến tương lai vô giới hạn chỉ trong nháy mắt. Điều này rất gần với quan điểm Phật giáo là thời gian và không gian không thật, đó chỉ là từ một niệm tâm;
“ Thập phương hư không bất ly đương xứ
Cổ kim tam thế bất ly đương niệm”
Nghĩa là mười phương trời đất vô biên không rời một điểm hiện tại, quá khứ và tương lai vô cùng tận cũng không rời một ý niệm ngay hiện tiền. Thiền môn có câu chuyện kể rằng: Có người nằm mộng thấy mình chu du khắp Ta Bà thế giới, lên cõi thiên đường, xuống cả địa ngục. Đi về quá khứ gặp hết tổ tiên xa xưa, đến tương lại gặp vô số con cháu sau này… nhưng khi mở mắt ra thì thấy lưng mình không rời chiếu một ly, thời gian nằm mơ chỉ trong chốc lát. Thì ra cả thời gian và không gian không ngoài một niệm tâm. Cả mười phương lẫn ba thời đều do một niệm tâm biến hiện ra.
Nho Gia bên Tàu cũng có câu chuyện “ Giấc mộng hoàng kê” ý nghĩa cũng gần như thế. Chuyện kể anh học trò nghèo từ quê lên tỉnh đi thi, trên đường đi ghé vào quán trọ và nấu một nồi kê. Trong lúc chờ kê chín anh ta ngủ thiếp đi, trong giấc mơ thấy mình đậu trạng nguyên, cưới công chúa, làm quan to, công cao cái thế lẫy lừng… Thế rồi bị nịnh thần xàm tấu dèm pha nên bị biếm truất, suốt mấy chục năm trường lên voi xuống chó như thế, khi anh ta giật mình thức giấc thì nồi cháo kê còn đương sôi chưa chín. Rõ ràng thời gian và không gian không rời một điểm và giây phút hiện tại, một ý niệm sanh ra cả thời và không.
Sự thật là thế, chơn đế là vậy, cái nhìn như thị ( look as is) … Tiếc rằng chúng ta không thể hoặc chưa đủ sức để nhìn mọi sự như chúng là, Chúng ta vẫn nói và vẫn nhìn thấy năm cùng tháng tận, ngày hết tết đến, đời mà!
Tháng mười hai tây hay tháng chạp ta, tết tây hay tết ta đều đang trên đường đến. Mọi người rộn ràng và hân hoan chờ đợi. Người Việt xứ này được (hay bị) ăn hai cái tết luôn. Tết tây bên này xong còn phải có chút gì cho gia đình mình ở quê ăn tết ta, chỉ có những người may mắn cả gia đình sum họp ở hải ngoại thì mới không còn bận chuyện tết ta.
Ngày hết tết đến, công việc hãng xưởng cũng gấp rút, chợ búa shopping tấp nập người mua sắm, đường xá xe cộ ngược xuôi. Thời gian không gian dẫu không thật nhưng chúng ta cũng đang tận hưởng những phút giây hạnh phút hiện tại ở nơi này, chính tại phút giây này.
Ất Lăng thành, 0123