Vạn vật thật huyền vi, ngẫm như có một sự sắp đặt vô cùng kỳ bí và tài tình đến ‘bất khả luận’. Hãy lắng lòng mà nhìn ngắm, ngẫm nghĩ sẽ nhận biết thôi.
Mùa xuân trăm hoa đua nở, tạo hoá đã ban ân sủng này cho loài người để tưới mát tâm hồn trong cuộc đời lắm nỗi lo toan.
Hoa hiện diện khắp nơi, không gieo trồng cũng có, ở đâu cũng nở hoa tươi thắm; mỗi loài mỗi vẻ, đều có màu sắc tươi đẹp riêng lại được phân bổ tinh tế đến không thể nào hiểu nỗi.
Hoa là tạo vật của tự nhiên, chứa trong mình cái đạo của tạo hóa. Hoa vẫn thuận thiên mà đến rồi đi không cưỡng cầu nhưng đã lưu lại hàng ngàn chủng tử để tồn tại muôn đời.
Hoa là biểu tượng cho cái đẹp, say đắm lòng người. Mỗi loài có một nét riêng, cứng cáp hay ẻo lả, e ấp hay lộ liễu, nồng nàn hay kín đáo, rực rỡ hay đằm thắm - nên người xưa đã dùng hoa để ẩn dụ tính cách con người.
Chỉ xin sơ lược về mai lan cúc trúc – được giới nho sĩ xưa liệt là Tứ quân tử - Quân tử là những người thanh cao có đức tài đối lập với bọn tiểu nhân phàm tục bất tài thất đức.
Mong hiểu là đây là sự tán tụng những loài hoa sinh trưởng trong môi trường tự nhiên cách đây cả nghìn năm khi chưa có sự can thiệp của con người như các loại hoa bây giờ.
Mai chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết, phong lan sống mà không hại vật chủ chỉ hưởng gió sương, cúc không cúi đầu, trúc ngay thẳng vô tâm. Đây chính là sĩ khí mà người quân tử cần có: chấp nhận nghịch cảnh mà không quỵ luỵ, sống bám để giữ tiết tháo làm người.
Thân mai thường có dáng đẹp, không to lớn nhưng có sự mạnh mẽ bên trong để trường tồn trong giá lạnh, phân bổ những cành nhánh tạo dáng ưa nhìn. Hoa nở từng chùm vàng tươi thanh khiết trong màu lá tươi xanh, đẹp đến nao lòng, tạo cho ta một sự yên bình, thanh thản và sinh ra sự ngưỡng mộ cái đẹp của thiên nhiên ban tặng cho con người để đón mừng năm mới. Những cánh hoa xếp đều vươn những nhuỵ cam nhỏ nhoi cân đối trong một chùm lẫn những nụ, những búp xanh non. Hoa toả hương thoang thoảng khiến bao người ưa thích, say mê, chỉ dâng cho đời độ 7 ngày là hoa dễ rụng, chỉ một làn gió thoảng qua là những cánh hoa đã rơi, thường trải đều quanh gốc mà vẫn vàng tươi gây cho ta cảm giác bùi ngùi thương tiếc.
Chu Thần Cao Bá Quát (1809 – 1855) sống thời nhà Nguyễn giỏi thơ, hay chữ đến nỗi người đời suy tôn là bậc thánh, coi mai là thần tượng, một đời ông chỉ chịu cúi đầu trước hoa mai:
‘Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai’
(Mười năm chu du tìm gươm báu
Một đời chỉ cúi lạy hoa mai)
Đức Khổng tử cả đời bôn ba khắp nơi nhằm thuyết phục các vua chúa dùng đạo của mình trị quốc. Ngài muốn dùng Đức trị để triệt tiêu ân oán, làm cho thiên hạ thái bình. Một lần trên đường đi ông nhìn thấy hoa lan giữa quần thảo trong hẻm núi U Cốc, ngẫm mình như loài hoa ấy, vốn là Vương giả hương vẫn sống cùng cây cỏ, ông cho dừng xe, hạ đàn gãy một khúc nhạc vô cùng thương cảm, bản nhạc này nỗi tiếng trong lịch sử âm nhạc Trung Quốc.
Phong lan mọc từng chùm một, chỉ cần bộ rễ có chỗ bám vào là lớn lên, hấp thụ lấy khí sương tiên thiên mà sống, không hút nguyên sinh của cây chủ như những loài tầm gửi khác mà vẫn ngẩng cao đầu nên được sánh với bậc quân tử, được tôn là Vương giả chi hoa. Đến mùa ra hoa cây vươn những vòi mầm mẫm khá dài khiến ta ngạc nhiên, những nụ hoa sung mãn rồi nở đoá hoa lan rực rỡ, có màu sắc hài hoà làm ta kinh ngạc mà ngưỡng vọng, hoa toát ra sự thanh tao, tươi mới, dịu dàng pha lẫn yêu kiều. Cánh hoa mỏng, nhụy tinh khôi điểm lên một ít phấn vàng, đan xen nhau rất đẹp, tạo hình thường như một đàn bướm đang rập rờn trong gió để dâng hiến cái đẹp cho đời. Hoa lan của tự nhiên toả hương thoang thoảng, nhẹ nhàng mà rất ít người được ân hưởng, làm cho ta có cảm giác êm ái, dễ chịu lạ thường.
Cúc thường mọc thẳng, sắc lá hơi buồn nhưng màu hoa vàng tươi thắm. Hoa lại ngự trên ngọn cây hút hết mọi dưỡng chất nên đời cúc chỉ một lần hiến dâng cho thế gian rồi chết đứng. Cái chết của hoa cúc thật kỳ lạ, hoa lá héo khô dần nhưng không rơi rụng, người xưa thưởng hoa, ngẫm nghĩ rồi phong tặng: ‘diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa’ – (khi chết) lá không rời cành, hoa không rơi xuống đất, được ví như tính cách của những bậc quân tử, sống có chí khí và đầy tiết tháo, chết đứng, đã chết vẫn còn giữ mình.
Đại sư Huyền Quang (1254 – 1334) - tổ thứ 3 của phái Thiền Trúc Lâm, một người yêu thiên nhiên hết mực nhất là hoa cúc nên trồng cả khu vườn rộng. Một lần đang ngắm hoa ngẫm đến lẽ huyền vi của tạo hoá, bỗng thấy một thiếu nữ ngắt hoa cài đầy lên tóc, ông cười siêu thoát rồi cảm mà sáng tác bài Cúc hoa - kỳ 4 (1 trong 6 bài) đầy thi vị thiền:
Niên niên hòa lộ hướng thu khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo sáp quy lai
Dịch nghĩa:
Hàng năm hoa nở vào thu cùng với sương móc.
Trăng thanh trời quang đãng, thỏa thích tấc lòng
Ðáng cười ai không rõ sự huyền diệu của hoa,
Bất cứ tới đâu (thấy hoa) cắm đầy đầu mang về.
Như cúc, ông lưu danh muôn thuở.
Trúc có thân thẳng đuột và cao vút, chia thành nhiều đốt khá đều nhau, có màu xanh thẫm cao sang, mọc nhiều nhánh, toàn thân ra từng chòm lá thuôn dài bắt mắt. Từ một gốc mọc thành bụi ken chặt nhau, rồi nảy nòi to dần nương tựa nhau vững chắc chống chọi được cả bão giông, rễ chùm ăn sâu chống được xâm thực của lũ lụt.
Trúc sống cả trăm năm và kết thúc vòng đời bằng một lần ra những chùm hoa độc nhất, hoa thường có màu vàng nhạt lạ lẫm.
Trúc được người xưa liệt vào loài quân tử vì cây vươn lên thẳng tắp một cách ngạo nghễ, vừa cứng lại vừa mềm, khi lẻ loi bị đổ mà không gãy, lòng rỗng không như tinh thần an nhiên tự tại, khi chết cả cây và hoa đều không rủ xuống.
Thi sĩ Đông Hồ (1906 – 1969) một danh nhân xứ Kiên Giang, sống thời trọng đạo – những người tài đức được tôn trọng, ông viết bài Bụi trúc sau mưa:
Bên đường có bụi trúc
Mới tắm trận mưa rào
Quân tử nghiêng mình xuống
Đi qua ta cúi đầu.
(Nam Phong tạp chí, số 116, tháng tư 1927)
Cái chết của ông là một sự tận hiến cho văn chương yêu nước: ngày 25 tháng ba năm 1969 lúc đang giảng cho sinh viên trường Đại học Văn khoa Sài Gòn bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang (1916 – 2002) vì quá xúc động ông bị đột quỵ và vĩnh viễn rời cõi thế. (!!!)
Về quân tử Đức Khổng Tử (551 TCN – 479 TCN) nói: "Đức của người quân tử có ba mà ta chưa làm được. Người nhân không lo buồn, người trí không nghi ngại, người dũng không sợ hãi" (Luận ngữ).
Về sau, Mạnh Tử (372 TCN – 289 TCN) thay "dũng" bằng "lễ, nghĩa" nên ba đức trở thành bốn đức: "nhân, nghĩa, lễ, trí". Đổng Trọng Thư (179 TCN – 104 TCN) đời Tây Hán thêm một đức là "tín". Năm đức này còn gọi là ngũ thường, đến nay vẫn là những tiêu chuẩn đánh giá con người để được tôn vinh.
Quân tử chi hoa là dựa theo ý của thánh Khổng, nhờ vào đức ‘dũng’. Có lẽ ‘Khổng giáo’ (?) khá khác với Nho giáo sau này vì luỵ thời chăng?
Mà nhìn xem, mang mang là quần thảo, chúng mọc khắp nơi, những cây lá xanh tươi mạnh mẽ, những đoá hoa dù không rực rỡ nhưng vẫn đẹp lạ lùng, vẫn góp phần hiến dâng đời mình chút lợi ích cho thế gian.
Hình như loài cây có hại vô cùng hiếm.
Ngẫm lại loài người cảm thấy sai sai.
Cây cỏ dù cao quý hay hèn mọn vẫn tự mình vươn lên mạnh mẽ trong nghịch cảnh, vẫn tích cực làm tròn thiên phận hữu ích mà tạo hoá đã an bày và an nhiên lụi tàn sau khi truyền lại mầm sống cho muôn đời sau.
Nhưng quân tử chi hoa thì rất khác, có lẽ nhờ cảm nhận của cổ nhân: chúng thanh cao và khí tiết.
Trọng xuân, Nhâm Dần - 2022