Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
893
123.135.958
 
Đêm Xuân màu tím
Nguyễn Thỵ

 

 

Đang sắp xếp mấy bình rượu nếp than chuẩn bị giao cho khách hàng, bà Sáu buồn bã đưa mắt nhìn cây mai già vươn cành rợp một góc sân. Đã qua rằm tháng Chạp mà bà vẫn chưa nhờ được người lặt lá. Năm nay chắc lại như năm ngoái, một cội lão mai đầy lá xanh, một ít lộc non và những nụ kim muộn màng bung vỏ lụa sẽ chầm chậm nở cho đến ra Giêng. Nếu Hoàng, con trai duy nhất của bà có ở nhà thì bà đâu phải băn khoăn đến việc lặt lá mai cho ra hoa đúng Tết, chỉ cần tập trung hối thúc nó cưới vợ cũng đủ hết thời gian và công sức của bà. Vậy mà nó cứ ỳ ra đó như tảng đá, mỗi năm về nhà một lần vài bữa lại đi biền biệt. Mặc dù cũng chưa đến nỗi "lang bạt kỳ hồ" nhưng những chuyến đi của nó đối với bà còn dài hơn thế kỷ! Tết này thằng con báo sẽ về ăn tết sớm với mẹ làm bà cứ nôn nao mong đợi, hy vọng có thêm ai đó cùng về với nó...

 

-Dì Sáu ơi! Con tới lấy rượu.

 

Cửa ngõ đã mở sẵn, bà Sáu tươi cười đón khách. Đó là Sương, khách hàng quen thuộc của bà lâu nay. Phần nhiều số rượu của bà là cung cấp cho Sương, cô đem về Sài Gòn bỏ mối cho mấy quán rượu bình dân. Thật ra Sương làm việc này chủ yếu là cho bà Sáu đỡ buồn tay buồn chân lại có đồng ra đồng vô. Nghề chính của cô là thợ may áo dài chuyên nghiệp, nhân một lần đi dự đám cưới, cô tình cờ say ngất men rượu nếp than của bà Sáu và nảy ra ý định làm thêm cho vui và cũng để có thêm lý do đi về giữa hai nơi.

 

Sương xếp hết rượu vào hai thùng xốp lớn, ghi địa chỉ giao hàng cả phía trên và hai bên vách thùng rồi dán kỹ các mép thùng bằng loại băng keo vàng đục, thêm hai đường dán chữ thập nữa là xong. Cô gọi người chở thuê đem hai thùng rượu ra xe đưa tới điểm chuyển phát và ngồi lại bên bà Sáu.

Giữa hai người là một mối quan hệ khó gọi tên. Là láng giềng (kẻ đầu trên người xóm dưới) vì Sương đi, về thường xuyên ở ngôi nhà cũ của gia đình cũng đã gần hai năm. Là khách hàng và "nhà sản xuất" với mặt hàng rượu nếp than trứ danh của bà Sáu. Là hai người "bạn vong niên" khi bà Sáu vẫn hay tâm sự với cô về cuộc sống đơn độc tuổi xế chiều và đứa con trai xa nhà. Còn Sương thì cũng thường kể lể với bà về nhiều thứ, những buồn vui của một cô gái côi cút lỡ thì bươn chải trong cuộc mưu sinh (tất nhiên chưa phải là tất cả). Sương tìm thấy ở bà Sáu một sự đồng cảm vừa đủ cho mối quan hệ giữa hai người. Đã có nhiều bữa cơm thanh đạm cùng nhau, một vài thứ nho nhỏ mang về từ thành phố để nhìn bà Sáu cười nhăn đuôi mắt khi đón nhận... Rồi một buổi Sương chợt giật mình sao cô chú ý nhiều quá đến câu chuyện của bà mẹ kể về đứa con trai. Giật mình giống như lần tình cờ phát hiện thằng nhóc trong tấm ảnh hai mẹ con treo trên vách nhà bà Sáu chính là thằng nhóc đứng sững nhìn cô (lúc đó cũng trạc tuổi nó) đang sợ hãi rúm ró trong kẹt cửa khi cha cô bị đánh vì không có tiền trả nợ. Gương mặt thằng nhóc cũng vô cùng hoảng sợ, nhưng nó đã hét lên thật to khiến gã côn đồ dừng lại và chạy đi kêu hàng xóm tới cứu giúp. Trong mắt cô lúc đó thằng nhóc là vị cứu tinh, là thiên thần hiện ra để trợ giúp cha con cô trong phút nguy nan.

Câu chuyện đã quá lâu, nếu không có tấm hình trên vách chắc Sương cũng không có dịp nhớ lại. Cô cũng chưa lần nào nói câu chuyện đó với bà Sáu, vì thật ra nó cũng đâu có liên quan gì đến bà, có khi bà cũng không hề biết nó đã từng xảy ra.

 

-Gần Tết rồi, đợt này con trả hết tiền rượu cho dì ăn Tết. 

 

-Gấp gáp gì, cứ trả phân nửa như bình thường, còn lại sau Tết trả cũng được mà!

 

-Dì cứ cầm đi. Đợt sau là dịp 30 tháng 4 nghe dì, con cũng lấy số lượng như cũ, gần tới con sẽ gởi tiền cọc.

 

Hai người nói chuyện hoa trái, bánh mứt, thịt thà... thêm một lúc, khi Sương ra về bà Sáu chép miệng nghĩ thầm: "Phải chi nó làm con dâu mình thì tốt biết mấy!". Nhưng sực nhớ đến tính khí cộc cằn, vẻ mặt khó chịu của thằng Hoàng mỗi lần nhắc tới chuyện mai mối, vợ con... bà lại thở dài thườn thượt.

 

***

 

Năm nay, Hoàng trải nghiệm đầy đủ cái Tết của một kỹ thuật viên bảo trì máy đã thất nghiệp 4 tháng với túi quà khiêm tốn của một tổ chức sinh viên và buổi chợ 0 đồng. Khi anh khởi động chiếc Honda cổ lổ sỉ để chạy về quê với mẹ, bình xăng chỉ còn cỡ nửa lít. Người dân hai bên đường đã hỗ trợ anh hai lần xăng cùng với nước uống và khăn ướt, với Hoàng đó mới là những bông hoa tươi thắm nhất của mùa Xuân.

Trước đó anh đã gọi cho tiệm tạp hóa gần nhà nhờ báo tin giúp cho bà Sáu là anh sẽ về nghỉ Tết sớm hơn mọi năm. Chắc chắn anh sẽ không nói gì về chuyện mất việc, mẹ anh vẫn sẽ đinh ninh anh đang làm việc tại một công ty lớn, ngoài giờ còn tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm tiền gửi về nhà. Số tiền trợ cấp thất nghiệp ít ỏi dành biếu mẹ sắm Tết làm anh cay mắt. Mẹ sẽ không nói gì nhưng có ai hiểu thấu anh bằng mẹ. Những khó khăn chật vật của anh để đổi lấy ước mơ khát vọng nơi chân trời đã như hạt giống không nẩy mầm. Giờ đây, có lẽ điều làm mẹ vui nhất là anh về quê cưới vợ, làm ông chủ một lò rượu nhỏ, chăm sóc heo gà, tỉa tót cây cảnh trong sân vườn... Đã nhiều lần anh toan bỏ hết để làm điều đó nhưng vẫn không làm được, một cái gì rất khó giải thích đã níu giữ chân anh, dù biết rằng không gì có thể sánh bằng từng ngày giờ phút giây còn được ở bên mẹ, nhìn thấy những sợi tóc trắng ngày càng nhiều thêm của mẹ, nghe mẹ ca cẩm chuyện xa nhà xa quê, xót cảnh cơm hàng cháo chợ, rầu chuyện vợ con trễ muộn...

Điều mà anh mang theo suốt cuộc đời là sự hi sinh vô bờ bến của mẹ từ thuở thanh xuân cho đến bạc đầu cùng với mùi rượu nếp thơm nồng trên áo, trên tóc, trên đôi tay của mẹ anh, màu tím than đẹp như huyền thoại của miền quê anh sóng sánh trong bình rượu mẹ cất ngày Tết từ thuở ấu thơ trong gian nhà cô quạnh của hai mẹ con. Hình như khi tuổi xuân của mẹ vơi dần theo năm tháng thì màu tím kia càng thêm u uẩn, men rượu kia càng chín nồng đượm buồn cả "Một, Chạp, Giêng, Hai".

 

Chắc là anh sẽ về thôi, một ngày không quá muộn màng.

 

***

 

Đợi Hoàng tưới xong liếp rau và úp thùng tưới bên gốc chuối, Sương bước len qua đám cỏ gấu tới bên cạnh vừa hỏi vừa nhìn bâng quơ mấy cành mai cổ thụ nở hoa vàng lác đác bên hiên nhà:

 

-Dì Sáu có nhà không anh Hoàng?

 

Hoàng nhìn lướt qua người phụ nữ, anh vừa kéo ống tay áo lau mặt vừa trả lời:

 

-Má tôi đi chùa rồi.

 

-Chừng nào trở lên Sài Gòn anh có chở khách cùng đi không?

 

-Có, tôi chạy xe ôm mà! Chị đi tới đâu?

 

-Trần xuân Soạn, quận 7.

 

-Khoảng 7-8 giờ sáng mùng 8 tôi mới đi.

 

Người phụ nữ nhìn Hoàng lúc này đang loay hoay cắt cỏ gấu với chiếc liềm đã cùn làm anh cứa mãi vẫn không đứt.

 

-Tôi đi bữa nào cũng được. Vậy chốt nha, sáng mùng 8 tôi chờ ở đầu lộ, cũng không có hành lý gì nhiều, giá cả tùy anh.

 

Hoàng đã nhổ bật gốc cỏ lì lợm, anh nhìn theo người phụ nữ đang đi ra ngõ, hơi ngạc nhiên vì chị ta có vẻ không quan tâm tới số tiền sẽ phải trả cho một cuốc xe dài như vậy. Điều này trái ngược với nhiều người, thông thường họ sẽ hỏi giá trước vì sợ chặt chém, rồi "cò kè bớt một thêm hai" gì đó... Có lẽ chị ta là người địa phương nên mới biết tên và cả việc anh sẽ trở lại Sài Gòn sau Tết như mọi năm. Màu áo xanh da trời đã khuất sau hàng dâm bụt lưa thưa, bỗng nhiên anh liên tưởng đến mảng trời bị che khuất sau những tòa cao ốc ở thành phố. Trong anh vừa dấy lên một nỗi chán chường mệt mỏi vừa bần thần nhớ nhung khó tả. Một lần nữa anh lại rơi vào tâm trạng "tiến thoái lưỡng nan". Nửa muốn đi, dâng mình cho vạn nẻo đường chông gai trắc trở. Nửa muốn ở lại, bình yên bên mẹ và cội mai già đã cùng nhau cằn cỗi xác xơ.

 

***

 

Những ngày náo động điên cuồng nhất của tháng Chạp cũng lắng dịu rồi loãng dần ra, lan qua tháng Giêng và có lẽ đã bắt đầu tích lũy năng lượng cho mùa "lên đồng" kế tiếp. Những thời khắc mà ngay cả tên gọi cũng gợi lên sự yên bình tĩnh lặng của thiên nhiên và con người từ nguồn xưa nếp cũ, những tinh hoa của phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa... đã bị biến tướng bởi thói phô trương khoe mẽ, mê tín dị đoan... khiến cho ngày Tết ở một góc nhìn nào đó trở thành kệch cỡm, sáo rỗng, chưa bao giờ vô nghĩa như bây giờ. Chỉ còn đôi chút Xuân xưa nơi miền thôn dã, ở những xóm ấp xa xôi, nơi mà hương bánh phồng, bánh ít, mùi lá gói bánh tét mới vớt ra vẫn còn thơm ngát bên sắc vàng bất tuyệt của mai, cúc, vạn thọ... trong không khí yên bình ngày Tết.

Hồn Xuân tứ tán theo muôn dặm bôn ba, thay hình đổi dạng theo thói tật điên rồ và tâm tính bất định của người đời. Nhật nguyệt còn đổi dời huống chi lòng người với tận bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Thì thôi, Xuân hãy cứ là Xuân, còn ta hãy cứ là ta, còn gặp nhau trong sự xoay vần của vũ trụ hay khi trời đất giao hòa kể cũng đã là duyên phận!

 

Giống như lúc về quê trước Tết, một dòng người đen đặc kéo dài hàng cây số như một con sông kỳ lạ (hay có thể ví như một con sâu khổng lồ đang rùng rùng dịch chuyển cũng được). Hoàng nhìn sang hai bên tả hữu, phần đông là những gương mặt bơ phờ lơ láo, sạm đen vì nắng, bụi và khói xe nhưng sẵn sàng tả xung hữu đột để mở đường thoát khỏi biển người. Tiếng còi xe đủ loại, tiếng cáu gắt chửi thề, tiếng trẻ con khóc thét... hòa thành một bản hợp âm kinh khủng làm tai anh nhiều lần như điếc đặc.

 

Người phụ nữ bằng lòng trả 1 triệu đồng cho cuốc xe ôm đang ngồi sau lưng Hoàng đã hào phóng chi thêm tiền đổ đầy bình xăng còn tặng thêm một bao lì xì đỏ thắm mà anh chưa mở ra. Giờ đây khi đang gần như bất động giữa dòng người, anh nhìn kính chiếu hậu và bất chợt nhận ra một vẻ gì đó rất quen thuộc từ đôi mắt phía trên chiếc khẩu trang và dưới vành nón bảo hiểm của người phụ nữ. Anh dùng thời gian vô nghĩa này của cuộc hành trình dài hơn 300 km để cố nhớ ra đôi mắt kia nhưng không thể. Chỉ với đôi mắt mà đã cảm thấy quen thuộc thì chắc phải là một mối quan hệ lâu dài hoặc có ấn tượng sâu đậm mà thời gian cùng những thăng trầm của cuộc sống đã làm cho phai nhạt. Hoàng nhắm hờ hai mắt, như đang chơi một trò chơi, anh từ từ giở từng trang ký ức. Từng gương mặt xa xưa khi còn ở quê nhà cách đây cũng đã gần 15 năm lần lượt hiện ra, anh đặc biệt chú ý vào đôi mắt trong những gương mặt thoáng hiện từ quá khứ. Vân, Ánh, Thu Hồ... không phải, không ai có đôi mắt ấy, đúng ra là ánh mắt ấy. Ánh mắt pha giữa ánh lửa và hổ phách, giữa ráng chiều và mật ong, thấp thoáng đâu đó màu của khát khao chờ đợi, đôi khi lại phảng phất nỗi sợ hãi tuyệt vọng về một cái gì đó đã qua nhưng mãi còn ám ảnh... Và còn gì nữa, anh có cường điệu quá không, nhưng quả thật đó là một ánh mắt vô cùng khác biệt. Có thể cũng có ít nhiều thay đổi khi người ta còn ở tuổi đôi mươi và sau từng ấy năm không gặp, nhưng điều lắng đọng đến quen thuộc ngỡ ngàng trong một đôi mắt thì không thể không suy nghĩ, không lục lọi kiếm tìm. Nhưng chỉ đến đó thôi, xa hơn nữa thì anh chỉ là một cậu bé, chỉ nhớ mỗi đôi mắt dịu hiền của mẹ mà thôi. 

 

Giọng nói của người ngồi phía sau bỗng vang lên:

 

-Kiểu này chắc tối mới đến nơi!

 

Hoàng trở về thực tại, trả lời với khoảng trống trước mặt:

 

-Không biết nữa, có thể sớm hơn hoặc trễ hơn.

 

Sương đưa chai nước suối nhỏ cho Hoàng, mồ hôi của anh ngấm ra cả lưng áo khoác. Cô nhìn mông lung về phía xa, cố bứt rời khỏi khối người và xe cộ ngổn ngang hỗn độn chung quanh. Mùa Xuân có còn không, nắng đã thôi ấm áp dịu dàng, nắng đã chang chang như mùa hạ. Cô kéo chiếc khẩu trang xuống cho đỡ ngộp, mùi mồ hôi, mùi lá cây, mùi cỏ dại, mùi đất... từ lưng áo Hoàng tỏa ra, quá gần gũi và cũng quá xa lạ. Cô mỉm cười khi nghĩ đến những bí mật nhỏ của riêng mình đối với người đàn ông đang ở ngay trước mặt, không biết rằng Hoàng đã nhìn thấy nụ cười ấy trong kính chiếu hậu và đang có một chút thắc mắc.

 

***

 

Nơi Sương đến là một tiệm may nhỏ, chỉ lớn hơn phòng trọ của anh một chút. Sương lách cách mở cửa, bật đèn. Ánh sáng bừng lên hiện ra một khung cảnh đơn sơ nhưng ngăn nắp, gọn gàng. Mấy chiếc áo dài không may kịp trước Tết còn treo trong tủ kính, bàn máy may được phủ một tấm vải ren màu hồng phấn ngọt ngào, trên đó một bình hoa cẩm tú cầu xanh tím đã hơi héo có lẽ vì thiếu nước.

 

Sương kéo một chiếc ghế cho Hoàng và nói:

 

-Anh vào rửa mặt, ngồi nghỉ một lát cho đỡ mệt rồi hẵng đi. Tôi sẽ có ngay món gì đó để lót dạ, đói quá!

 

Rất nhanh, Sương đã bày trên bàn mấy khoanh bánh tét, chả thủ, một ít cải chua, một chai rượu tím, hai cái ly nhỏ.

Cô rót rượu mời Hoàng. Ly rượu màu tím than tuyệt đẹp với hương vị không thể lẫn vào đâu được. Hoàng ngạc nhiên nhìn Sương:

 

-Rượu này...

 

Sương cười, đôi môi ướt rượu hé nở những đường răng ngà lóng lánh:

 

-Tôi mua ở quê mình đó, anh đoán thử coi của ai.

 

Cần gì phải đoán, anh đã biết ngay là rượu nhà mình. Nhưng anh không thể biết Sương là khách hàng thường xuyên, là "mối ruột" của bà Sáu. Càng không thể ngờ Sương là cô bé gầy gò sợ hãi sau cánh cửa mà anh chợt nhìn thấy năm xưa khi đi ngang qua nhà cô. Và đôi mắt vừa làm anh suy nghĩ kia chính là đôi mắt của một ngày xa lắm trong quá khứ mà anh đã quên.

Hai người ăn tối xong, nói vài câu bâng quơ về chuyến đi mỏi mệt vừa qua, rót thêm vài ly rượu rồi không gian bỗng lặng im, bềnh bồng và mượt mà như tơ lụa. Chai rượu cứ cạn dần như đêm Xuân ngoài cửa, mấy lần Hoàng đã nói:

 

-Tôi về đây.

 

Nhưng anh vẫn còn ở đó. Lần này anh nhìn vào mắt Sương không qua kính chiếu hậu và lại nhận ra, ngoài tất cả những mô tả ở trên, đôi mắt ấy còn chứa đựng một bí ẩn nào đó mà anh bất ngờ muốn khám phá ngay bây giờ, ngay lúc này, trong hương men tím ngát nồng nàn.

Sương không né tránh cái nhìn đó của Hoàng, ngay cả khi tay Hoàng lướt nhẹ trên tay cô. Sương nhẹ nhàng bước tới sát bên Hoàng và nâng anh đứng dậy, cô kiễng chân áp môi mình lên môi anh. Nụ hôn giữa hai người ngập ngừng, dừng lại, rồi run rẩy cuống quýt, rồi mê mải đắm say...

 

Cặn rượu màu tím than lắng dưới đáy ly như nỗi buồn ngày qua còn sót lại, im lìm giữa trong suốt thủy tinh. Vì "nỗi buồn làm phát sinh tình yêu", nên cho dù là mùa Xuân, cho dù là môi hôn, buồn từ muôn kiếp vẫn lang thang đâu đó ở chung quanh, nhắc nhở người hãy giữ chặt những gì đã tìm thấy, hãy trân trọng những gì đang có trong vòng tay.

 

Trước khi chìm vào giấc ngủ, Hoàng còn nghe một giọng nói nhỏ và êm như tiếng chuông rung:

 

-Em tên Sương.

 

 

 

 

 

Nguyễn Thỵ
Số lần đọc: 702
Ngày đăng: 01.02.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vàng mai rực rỡ - Phan Trang Hy
Giấc mơ cuối đời của chú bé dưới đáy ống bê tông - Nguyễn Anh Tuấn
Nhập dòng chính - Tiểu Lục Thần Phong
Còn lại với hoàng hôn - Nguyễn Thỵ
Chẳng phải muốn thế - Tiểu Lục Thần Phong
Thằng Mauricio - Tiểu Lục Thần Phong
Nhà ông Huie - Tiểu Lục Thần Phong
Cừu - Tiểu Lục Thần Phong
Dở chứng thiền đăng - Tiểu Lục Thần Phong
Hòa bình áo đen - Nguyễn Minh Nữu
Cùng một tác giả
Thoát (thơ)
Tìm ta (thơ)
Áp thấp nhiệt đới (truyện ngắn)
Caffeine (truyện ngắn)
Mắt Phượng (truyện ngắn)
Quán rượu (truyện ngắn)
Soái hồ (truyện ngắn)
Cảnh giới mong manh (truyện ngắn)
Đêm Xuân màu tím (truyện ngắn)
Phin đen (truyện ngắn)
Người muôn năm cũ (truyện ngắn)
Mùi (tạp văn)
Hang người (truyện ngắn)
Ma-nơ-canh (truyện ngắn)
Ly hôn (thơ)
Mùa Xuân của đá (truyện ngắn)
Ba mươi Tết (truyện ngắn)
Cuông Trại (*) (truyện ngắn)
Khát (truyện ngắn)
Bần xanh (truyện ngắn)