Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.252
123.155.403
 
Bữa ăn trên cỏ
Nguyễn Văn Ninh

- Nhất chặt tre, nhì ve gái.

Cha tôi thường nói như vậy?

Tôi tên Hoài mười chín tuổi cao một mét bốn mươi. Với chiều cao ấy, tôi không thể trở thành người mẫu, diễn viên, một chàng bảnh trai! Thất vọng chiều cao tự hào chiều rộng? Tôi nhận thấy bản thân chỉ thích hợp đi cày, người lùn đi cày không phải cúi. Kỳ thực, tôi tự nghĩ, ai cũng làm thầy giáo công nhân thì lấy ai cày cuốc trồng cây lúa lấy gạo ăn. Thế đấy! Chỉ đơn giản là làm được việc. Nghề mình lấy  đuôi con trâu làm thước ngắm! Xong. Lăn tăn làm gì cho mệt. Đời người? Hai tay vơ vào miệng cả thôi.

 

Diện cùng làng với tôi. Hai đứa hôm nào cũng có mặt ngoài đồng. Tôi đi cày. Hết cày lại chăn trâu. Diện quanh năm cắt cỏ bán  cho người ta nuôi ngựa, nuôi cá.

Giữa cánh đồng có cây gạo xanh, mọc từ đời nào không biết, thân cây xù xì, lá dày rậm. Nhìn không xúc cảm, nhưng mát. Quê cũng chỉ cần mát thôi. Những trưa mùa hạ cày bừa xong, tôi không về nhà, ở lại nghỉ ngơi dưới bóng mát ấy, trông trâu ăn cỏ, trông cày, bừa. Mẹ mang cơm ra đồng. Cơm nắm muối vừng với dăm quả cà muối. Hôm nào cải thiện thì có tép đồng kho tương. Làng tôi hay ví: Đẹp như cái tép kho tương, kho đi kho lại nó trương phềnh phềnh? Thế là ác. Nhiều hôm tôi để lại vài con tép. Sau bữa ăn tôi cầm  trên tay mân mê.

 

Mẹ thương tôi, cứ ngồi nhìn tôi ăn hết bữa, nói bâng quơ vài câu chuyện trong làng. Chuyện nào tôi cũng nghe rồi, biết rồi, nhưng khi kể mẹ cứ pha thêm một chút lo sợ sầu não khiến cho nỗi buồn lan cả sang tôi. Xong bữa, bà cuộn những tàu lá chuối, cơm thừa cho vào bị cói đem về ném cho gà nhặt. Dáng mẹ xa dần nhỏ dần khuất dần. Tôi nhìn mẹ, nhìn mãi, khi đã khuất lấp sau luỹ tre. Làng kề cánh đồng. Đồng kề dòng sông. Dòng sông thì vô tình... Trên đầu tôi là vòm lá gạo, xanh quanh năm. Thân cây gai ken dầy như rận bám dái trâu.

Nhiều hôm Diện không về. Ở lại ăn chung nắm cơm mẹ tôi mang ra. Bữa ăn trên đồng cỏ, dưới vòm gạo gai, giữa mùi hoai của đất. Những lúc ấy mẹ tôi thường dắt trâu cho ăn những thảm cỏ dưới triền sông xa xa.

 

Mẹ không phàn nàn cuộc sống,  làng xóm, tôi. Mẹ chỉ thèm có  đứa cháu. Còn tôi một năm nữa xã mới cho giấy kết hôn. Diện phải hai năm nữa. Hai năm, một tờ giấy.

Những lúc ăn cơm cùng Diện, tôi ăn không ngon. Tính tôi vậy. Thợ cày? Ăn tùng tục mới ngon. Nhưng mẹ bảo trước mặt con gái, không nên. Chán thật! Khi được dạy dỗ người ta sống khổ hơn thì phải. Mẹ bảo: “Con ăn như đứa ba ngày thấy miếng. Ăn từ từ thôi. Người ta không chỉ ăn lấy no mà còn phải ăn cho đẹp”.

 

- Đẹp?

Tôi gằn giọng. Mặt bị xị nặng nề như chiếu ướt không phơi.

“Nhất chặt tre nhì ve gái”- Bố tôi dạy. Tôi nhìn cánh tay mình, cơ bắp nổi lên, cuồn cuộn như gốc tre. Tôi tự hào, nằm sấp trên cỏ, đè dương vật. Trườn trải. Cỏ nhàu nát. Có hôm tôi bảo Diện thử gang bàn tay vào cánh tay anh xem. Diện gang một gang không hết. Tôi hỏi em: Chắc không? Em bảo: Chắc! Rắn? Nhưng để làm gì hả anh! Đàn ông cứ hay khoe mình, khổ đàn bà thôi. Tôi hỏi: “Đóng cọc được không?”. Đóng cọc được đấy! Em nghe kể ngày xưa có người dùng tay đóng cọc. Tôi kiêu hãnh: Ai đóng cọc mà chẳng dùng tay. Diện cười, kể rằng: “Có người bảo, anh cày giỏi em cắt cỏ nhanh, hai đứa lấy nhau được”.

 

Diện im thin thít, ngồi nhìn cánh đồng. Lâu lâu, không thấy tôi nói năng gì, Diện lại kể tiếp.

Diện kể. Cách đây ba năm, em đi xem chiếu bóng về. Mùa hè sáng giăng. Đêm đó tự dưng quần em nóng ướt và ngứa. Em sờ tay vào bết thử đưa lên xem. Màu đỏ âm ấm. Em lo. Đỉa chui vào cửa mình em thì chết. Mẹ bảo mất trinh khó lấy chồng. Em buồn muốn khóc. Tại sao lại là đỉa chui. Mà trinh thì thế nào? Nó có giống cái vải cá không? Rách việc lắm. Chẳng thà?- Mặt Diện buồn rượi. Rồi em nghĩ lại, lâu rồi mình có tắm ao tắm hồ đâu. Khốn nạn. Em buồn lắm, mẹ em bảo cẩn thận, kẻo rồi số phận mày từ ngoài đồng ruộng bước vào con người mày, ràng buộc con người mày. Không biết. Em không biết được, nhưng mà buồn lắm.

Đêm đó. Ngoài cửa sổ trăng sáng vằng vặc. Vô duyên, đàng điếm.

Sau đó, em nhớ lại lời mẹ. Em tự trách mình, cứ lo lấy chồng làm gì cho mệt? Không biết có ai lấy em không? Em nhẹ nhàng đứng dậy ra giếng kiếm ngụm nước uống. Trăng sáng lắm. Càng về khuya trăng càng sáng. Sáng như đêm trung thu. Em bước ra hè, giật mình. Chiếc chiếu thường ngày vẫn trải ăn cơm. Đêm đó. Có hai người nằm trên giống như hai con chó. Mẹ em, ngoi ngóp. Từ đó em thấy đàn bà chẳng ra gì.

 

*

*   *

Mùa thu đến. Lúa thu đang phơi màu chờ mùa gặt, cỏ mọc ngập bờ. Tôi dắt trâu lượn hai vòng bờ ruộng là no căng. Mùa cỏ trâu cũng béo, cây vật phát hết độ chờ ngày đông lụi tàn. Cho trâu xuống sông tắm. Tôi tắm cùng. Tôi sấp trên lưng trâu, nhiệt từ thân mình nó toả ra. Tôi nhớ đám cỏ nhầu nát, dưới gốc gạo sau những bữa ăn. Tôi nhớ, nhớ một hình ảnh xa xôi, không hình dung được. Vậy thôi?

Diện lên thành phố được hai tháng. Diện ra đấy, đi trông một người già ốm yếu. Diện bảo tết mới về. Nằm trên lưng trâu, tôi tính còn bốn tháng nữa.

 

Bốn tháng qua đi, một mùa ngô sau hai mùa lúa. Tất cả đã thu hoạch. Những đường cày thẳng tắp. Đất lật lên phơi trong nắng hanh vàng. Đất này chỉ phơi được mấy ngày. Nước từ các kênh đào thuỷ lợi đổ về đồng ruộng. Nước về, đất xèo xèo như tôi vôi.Tất cả chuyển sang bừa nhuyễn bùn rồi cấy. Mùa cấy, cả làng đổ xô ra cánh đồng cho kịp thời vụ. Những bữa ăn lại được bày ra trên cỏ ngay bờ ruộng.

Diện về cả làng xôn xao. Diện ra đồng cả làng ngước nhìn. Diện đến chỗ tôi cả làng kinh ngạc. Mặc giời lạnh gió đông. Diện vận chiếc váy ngắn, đi đôi guốc cao cao nhún nhẩy. Đi được một quãng đồng, Diện cởi guốc xách tay, da trắng môi hồng, tóc màu hạt dẻ. Cả làng xuýt xoa: Ôi chao cô Diện diện thật! Da chân da tay đẹp như đánh phấn? Làm thuê mà cũng lắm tiền.

Rồi họ nói về thân phận họ.

 

- Suốt ngày chạt bùn vơ cỏ vạc bờ gánh phân nhổ mạ, tay chân răn reo như khúc dồi. Diện ơi Diện. Lại đây! Lại đây cho chị ngắm một tí em ơi. Đời em thế mà thơm. Có đánh đổi gì không em? May mắn. Em là hạt mưa sa vườn đào rồi.

Chưa vào mùa cấy, buổi trưa cả làng về nghỉ.

Diện không về.

Tôi và Diện ngồi dưới gốc cây gạo. Nhung nhớ xa xôi. Tôi cảm tưởng xa Diện từ lâu lắm rồi năm nào ấy tôi không nhớ nữa. Tôi hay mơ hồ và xuẩn ngốc, chẳng lâu đâu, mấy tháng cách đây thôi. Vậy mà?... Ngày đó hai đứa vùi trong đồng ruộng, mùi cỏ lúa, mùi hôi trâu, mùi bùn. Bây giờ Diện thơm, mùi thơm là lạ xa hoa. Diện bảo đó là nước hoa En chen tơ, dầu gội Hết en sâu đờ, sữa tắm Đô. Anh biết không em được chăm sóc từ chân đến đầu từ đầu đến chân chẳng thiếu  chỗ nào cả. Thích lắm! Thành phố người ta không coi thường con gái như ở đây đâu. Diện nói xong môi dẩu lên như chó cái. Toàn con người Diện lần đầu tiên khiến tôi ngây ngất...Ngồi một lúc. Tay Diện lần lần đùi mình, co chân, gập đầu gối, móng tay để dài vót nhọn tô màu cánh sen. Vê nhè nhẹ trên bắp đùi qua đầu gối qua cẳng chân cổ chân bàn chân và những ngón chân. Mười móng chân óng ánh như đồ thờ sơn son thếp vàng. Rắn mồng năm lột sác, Diện bóc ra một lớp da mong mỏng. “Gì đấy?”- Tôi ngạc nhiên. Diện nhúi vào trán tôi một cái, mắt nhấp nháy, cười: “Quê! Tất chân.”

 

Diện xoè bàn tay trắng hồng thon thả búp măng. Đâu rồi bàn tay em; bàn tay cắt cỏ? Em úp lưng tay vào nhau múa một vòng chạy ngược qua rốn qua bụng vòng lên qua vú. Vũ nữ. Mắt lim dim. “Anh nhắm mắt lại đi!”- Diện khẽ đặt hai bàn tay lên mắt tôi- “Nhắm lại! Nhắm mắt lại, em cho...” Diện đặt vào tay tôi một vật mềm mềm tròn tròn ấm nóng. Tôi hoảng. Tôi tưởng rằng? “Không”! Diện nói: “Bánh đấy. Bánh em mua từ thành phố về. Nguội rồi, em cho vào nồi cơm hấp lại”. Diện nói tên bánh rồi bảo tôi nhắc lại. “Anh phải tập đọc cho quen”. Theo lời em, tôi đọc trệu trạo đau cả mồm vẫn không thành tiếng. Diện bảo: “Anh nhìn vào miệng em nhé. Lưỡi đặt vào giữa hai hàm răng này, phát âm này: Săng...săng guích. Săng guích! Bánh bao! Khi đọc anh phải chụm môi rồi bật nhẹ nhàng ra. Nhìn em chụm môi này”. Môi em son đỏ. Em hướng dẫn tôi mà môi em bật bờ như sóng nước đập vào lỗ cua. Em đọc: “Bánh bao”. Tôi đọc theo: “Săng uích, p...ánh p...ao”.

Diện cười chê: “Anh đọc như người Lào”.

Trưa mùa đông trời vẫn lạnh, gió heo thổi ram ráp da mặt ngăn thành những ô cheo chéo như da rắn, bờ môi bong cong khô gờ lên như bưởi bóc. Diện moi trong cái xắc tay làm bằng da bò màu đen, lôi ra một vật nhỏ bằng cát tút đạn. Diện vặn nắp, xoáy nửa vòng. Từ trong thỏi con con ấy nhô lên một mẩu hồng hồng nhòn nhọn như đầu dương vật tuổi dậy thì.

- Anh ăn đi, đừng nhìn em!

Diện như cô văn công kẻ vẽ môi mắt lông mày tự nhiên. Diện lấy trong xắc ra một chiếc gương con, một chiếc bút chì. Vừa ngắm vừa kể lể:

- Mới từ nhà ra đồng mà dung nhan em giảm hẳn.  Eo ơi! Ở quê thế này thì em chết mất. Không về quê thì nhớ mà về rồi lại muốn đi luôn.

Diện nói, bờ môi kẹp vào lưỡi như trẻ con học hát, trông vừa ngây thơ vừa xa lạ. Chân Diện gác lên đùi tôi. Da chân mịn màng, gót đỏ móng chân đỏ. Quê không ai có bàn chân đẹp như Diện. Bàn chân em đung đưa trên đùi tôi, thỉnh thoảng bàn chân lại đập khẽ vào bụng...Giữa đồng không mông quạnh, lúc này tôi không hiểu được chính tôi. Tôi đớn hèn! Chỉ thạo chặt tre. Tự nhiên tôi buồn một nỗi buồn mênh mang, trước mắt tôi đồng ruộng trơ gốc rạ, lúa đang thì con gái, mùa hoa cải bên sông. Và em? Em làm tôi buồn không kể xiết.

 

Diện kể tiếp: Ở trên thành phố em đã biết đi xe máy. Ông tập cho em đi. Hôm đầu em ngồi đằng sau, ông chở em đi chợ này đi siêu thị này đi bờ hồ này. Ăn kem này. Kem thành phố tròn, ngoài một màu trong một màu, sữa trong kem rơi rớt lên áo lên bờ môi dấp dính. Rồi xa hơn ông chở em ra ngoại thành đi câu. Không như ở quê đi câu là kiếm miếng, ở thành phố đi câu là cải thiện. Tìm cảm hứng. Thích lắm. Nơi đó cần có rồi, mồi có rồi, chỉ việc đến ngồi vào lều câu thôi. Cái lều giống như cái nhà sàn ấy, đi ra lều bằng chiếc cầu gỗ xinh xinh. Hai người một lều. Vui lắm! Gió dưới gió lên gió trên gió xuống, gió ngang người làm tóc em bay bay, cây cối xung quanh cũng như vui như cười. Đương câu, ông hỏi em có cảm xúc không. Em không biết cảm xúc? Không nói. Ông cười hí hí. Ông bảo chân em hồi mới ở quê lên nứt nẻ, da vàng mốc thếch nhìn ngài ngại. Ông đặt bàn tay vào chân em, xoa nhẹ gan bàn chân. Em không thích ông chê như vậy. Nhưng cử chỉ âu yếm của ông. Em, không phản đối, không chống cự. Ông cười, xoa vào bàn chân em. Ông ngắm như chủ hiệu ngắm chiếc bánh mỳ mới ra lò. Ông bảo chân em không  thể chê. Bây giờ? Hết chê! Bàn chân này phải được chăm sóc. Ông đặt bàn chân lên ngực, tay nắm lấy cổ chân, xoa mấy vòng xuôi, xoa ngược lại mấy vòng. Tiếp tục ông xoa xuống bụng. Xuống...bụng! Em có cảm giác như đang trượt chân trên lụa trơn như tơ nhung. Ông hỏi có xúc cảm không? Thích không? Em đưa nốt bàn chân kia cho ông xoa. Kệ ông!

Hôm đó trên đường về ông nói, thỉnh thoảng chúng mình đi câu nhé.

 

Xe chạy tốc độ, đường rộng gió mát. Ông bảo em ôm chặt ông không ngã. Em sợ em ôm. Ông bảo: “Ôm chặt vào!”. Ôm thì ôm, nhưng mà sợ, nhưng mà thích. Nhưng mà, bụng ông to lắm. Em phải rướn người hết cỡ, ngực đặt vào lưng, mũi đặt vào gáy mới ôm xuể. Xe chạy mãi chạy mãi chạy mãi. Em áp má vào gáy ông nhìn một bên đường, rồi lại đổi má nhìn đường bên kia. Em chẳng biết đường đất. Cứ kệ ông! Cây cỏ chạy cột điện chạy. Tất cả đều như ngược đường với em.

 

Hôm sau, ông bảo em đi tập xe. Em thích lắm. Nhìn người ta đi xe máy là em thèm rồi. Thành phố, con gái zíp ngắn, áo may chật cứng, dít dịt coóc sê. Hở cánh tay hở vai hở ngực. Guốc cao. Đi xe máy phải đeo kính râm, đeo xắc. Để xắc ở đâu anh biết không? Tôi lắc đầug. Diện chỉ tay xuống dưới rốn. Dưới rốn ấy? Để ở đây, chận lên hàng  (1)này. Diện chống tay lên cằm nhìn tôi ăn. Bữa ăn trên cỏ ngoài cơm nắm muối vừng tép kho tương còn có pánh pao săng uích. Tôi bồn chồn.

Diện kể tiếp.

 Xe ra đến ngoại thành đường vắng sân cỏ rộng. Ông bảo ông ngồi sau em ngồi trước. Lần này ông ôm chặt em cho em yên tâm. Đừng sợ ngã. Ga này số này phanh này ông ngồi sau này. Vừa lên xe em loạng choạng ngã uỳnh một cái. Vỡ gương vỡ yếm tróc sơn. Em lo, sợ ông quát. Ông cười hề hề bảo đời ta muôn vàn đời nó. Ông xoa xoa đùi em xuýt xoa. Đau không? Ông nhăn mặt. Em không đau, ông rên.

Lại tiếp tục. Ông nói, cứ thế ông chẳng phàn nàn câu nào, cứ khen ngợi em. Khen em nhanh tiếp thu. Được khen, em càng tự tin. Xe chạy, em đi, ông ôm phía sau, lưng em tựa lên bụng ông như ngồi trên sa lông. Thích! Đi xe máy đã thích, đi xe máy như em càng thích. Biết đi rồi mình lại muốn đua xe.

 

Ông ở một mình. Ông cô đơn. Ông thương em! Một mình ông một nhà ba tầng.

Hồi đầu mới lên ông bảo, em phải biết làm đẹp, phải chăm chút đôi chân đừng để nứt nẻ như bờ ruộng thì xấu. Ông bảo em chịu khó ngâm nước ấm, kỳ cọ thường xuyên, xoa mỹ phẩm, đi dép mềm cho bàn chân nhạy cảm, ăn sữa chua cho da căng mịn.

Em cứ lâng lâng. Chẳng ai lo cho em được như ông cả, trên đời này... Cả nhà cũng như ông, bảo em chỉ cần nấu cho ông ăn ngon miệng là được. Ông không chê các món em nấu, ngược lại còn khen ngon.- Ông hay khen nhỉ-  Diện cười.- Thế là em thành công rồi...

Diện ngừng kể. Tôi hỏi hôm nào em lên thành phố? Mùng hai tết. Em phải lên chứ, lên thôi. Không lên thì lấy ai nấu cho ông ăn. Ông bảo vắng em ông ăn nhạt miệng. Em thấy mình có ích cho một người, mình muốn sống hơn. Quê thật bạc. Mọi người chẳng xem em ra gì, gọi em là con Diện cỏ. Thành phố? Con ông bảo em là giẻ rách. Còn ông. Ông gọi em là nàng tiên. Em không biết! Tiên với chả Phật? Nhảm! Trong lòng em, ở đâu được tôn trọng là em thích, là em nhớ...Thế thôi!

 

 Diện nhìn tôi: Anh cũng chẳng tôn trọng em đâu. Lúc nào anh cũng một điều bố hai điều bố. Bố anh! Bố anh dạy: Nhất chặt tre nhì ve gái. Đấy! Chẳng có gì là của anh cả. Anh ăn đi, bánh bao đấy, săng uých đấy. Em về thôi.

- Thế còn?        

Nhún nhẩy. Kiêu hãnh. Diện đi để lại đôi tất chân, giấy lau miệng, pánh pao săng uých. Đánh mông. Chân trần em lướt đi trên đất trên cỏ trên đồng quê. Đôi chân dài thon cứ uyển chuyển bắt chéo vào nhau mờ dần, khuất dần sau luỹ tre nhàn nhạt.

Tôi vân vê đôi tất chân mỏng dính. Và đám thức ăn để lại. Trên cỏ mùa đông.

 

Nguyễn Văn Ninh
Số lần đọc: 2559
Ngày đăng: 24.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kẻ trộm đêm cuối năm - Trương Hoàng Minh
Cái rùng mình của vũ trụ - Bích Ngân
Người chiến sĩ năm xưa - Sỹ Tâm
Biển gọi - Nguyễn Trọng Tấn
Ấm Nghi Hưng, Trà Thạch Hãn - Trần Kiêm Ðoàn
Chuyến Ðò Tốc Hành - Nguyễn Lê Hồng Hưng
con hoạ mi nông nổi - Minh Chung
Vùng tục lụy - Vũ Đình Giang
Bên khung cửa mùa xuân - Minh Châu
Thằng đức - Trần Hà Lý Thái Bạch