Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
892
123.135.948
 
Gã khờ
Tiểu Lục Thần Phong

 

 

Thế là gã tỉnh ra, tỉnh hẳn như người lim dim chợt thấy kẻ trộm vào nhà, tỉnh tợ như chơi xì ke vừa vã thuốc gặp cảnh sát. Nói theo lối thiền gia thì gã ngộ, đã một thời gian dài gã cứ thấy cái gì ngộ ngộ là vác, giờ thì khác rồi, không vác nữa nên ngộ hay là ngộ mà không vác nữa thì gã cũng chẳng phân biệt được! Đời vốn đã ngộ mà gã còn ngộ hơn đời, bởi thế mà bạn bè thân sơ đều gọi là gã khờ.

 

Gã sanh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu thương ở Phù Dung trấn. Mẹ quanh năm mua bán chỉ quen với hàng họ và những con số tính toán chứ không quan tâm chuyện văn chương chữ nghĩa. Cha thì nho nhã, chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa, yêu văn chương thơ phú đàn địch nhưng sinh bất phùng thời, lại phụ thuộc kinh tế vợ nên sanh nhiều bất mãn. Tuy vậy cha mẹ vẫn sống hòa thuận nhau, nuôi gã và mấy anh em ăn học một lèo từ đồng ấu đến đại học. Ông bà hy vọng sau này con cái nên ộng nên mụ để mà nở mặt với xóm giềng, mai kia về già cũng có chỗ nương nhờ. Nào ngờ y chẳng học những gì thiết thực, cũng chẳng làm được ông nọ bà kia như bạn bè. Y lại vướng vào nghiệp chữ, mê văn chương ấm ớ hội tề vô tích sự lắm thị phi.

 

Lúc ban đầu y chưa biết dính vào mấy cái vụ này mệt cỡ nào, sau mới ngộ ra vì những lời ong tiếng ve, giọng bấc giọng chì… và cũng nhờ thế mới biết thế nào là “ Ta tiếc cho em, một cành hoa thạch thảo”. Dạo ấy y viết hăng lắm, cả tháng năm chăm chăm viết với nhiệt huyết tràn trề và hy vọng rồi đây sẽ bước vào hàng sĩ, cái danh sĩ đầy huyễn hoặc nhưng cũng mê hoặc không biết bao nhiêu người. Cũng có người lại cho đó là cái nghiệp, nhưng mà mê hay nghiệp thì cũng đã lỡ nhúng chàm rồi. Bài y gởi đi khắp nơi, chẳng thấy chỗ nào hồi âm cả. Y thấp thỏm hy vọng rồi lại chề ề thất vọng, riết rồi chỏng gọng luôn. Có lần y tâm sự riêng tự tình thật với một người bạn đồng trang lứa nhưng không vướng vào nghiệp chữ như y. Người bạn ấy cười rũ rượi ra, nhìn cái mặt khờ khờ của y, vả vào má y và phán:

“ Này gã khờ, khờ sao mà khờ thế! Thiên hạ bảo khờ quả chẳng sai, có ruồi nào mà chê mật? Có đất nào dư chỗ cho thằng tứ cố vô danh tiểu tốt?”

Y vẫn ngờ nghệch đực mặt ra nhìn thằng bạn mà lòng ngổn ngang. Thằng bạn dứt cơn cười, nó  nhìn y như thể môt người từ hành tinh xa lạ đến quả địa cầu:

“ Cậu thât sự không biết sao? Tớ nói cho mà nghe, chỉ có hai trường hợp này: Một là phải thắng giải ở một cuộc thi văn thơ ấm ớ nào đó để người ta biết tên, hai là phải có người quen ở trong ban biên tập hoặc có ai đó giới thiệu cho một vị cụ thể trong ban biên tập thì bài mới được đăng. Hàng ngày họ nhận cả một khối lớn điện thư, chẳng ai rỗi hơi đi đọc thư lạ, Họ chỉ xem những thư quen biết thôi!”

Nghe thế y đâm nghi ngờ, chất khờ bộc phát mạnh hết cỡ, bấy giờ trông y không khác thằng đần là mấy. Thằng bạn nhìn bản mặt đầy ngây dại của y và tủm tỉm cười, tìm lời dễ hiểu để biểu tỏ:

“ Ngoài hai điều kiện trên, còn có một trường hợp này nữa, nếu là người tai to mặt lớn, quyền vị hơn người, vai vế ông nọ bà kia, trước cái tên có ghi thòng lòng chức tước, phẩm hàm, danh vị, học hàm, học vị… thậm chí pháp danh hay tên thánh thì bài của người  ấy lập tức được đăng và đăng ngay ở trang đầu, cho dù bài ấy có viết giăng viết cuội, viết lụi viết lờ...”

Thằng bạn thấy y buồn so, không một lời to nhỏ bày tỏ ý kiến, nên khiến lòng thương hại. Ý của thằng bạn cũng tốt nên thốt lời thật như thế, thằng bạn cười hề hề:

“ Cuộc chơi chữ nghĩa là cái nợ dở hơi ở đời, dưới gầm trời này người lậm chữ cứ như giời đày vậy! Thời vàng son của các cụ  văn chương chữ nghĩa xôm tụ đông đủ người mến yêu, nhất kêu bá ứng, tung hứng cực vui, nhuận bút đầy túi, tên tuổi xênh xang, bọn sĩ rộn ràng, sống hoang đàng lắm! Ngày nay chữ nghĩa văn chương ẩm ương ấm ớ như chợ chiều nhiều khế ế chanh, những kẻ nứt mắt nảy nòi như cậu quẩn quanh cứ như là đèn cù kéo quân ấy!”

Nghe lời thằng bạn như thế, y hoảng hồn bồn chồn khôn tả, thằng chả được thế dạy khôn:

“ Có điều này nữa cũng cần phải biết, dù thiệt hay hơn phải nhớ lấy để đời đỡ rắc rối đôi co. Ở cố quận mình, khi bài được đăng thì ít nhiều cũng có nhuận bút đút túi rủ nhau lúi húi cà phê cà pháo hót láo đấu xạo vài lần. Hải ngoại thì một xu cũng hổng có nhưng đừng nhăn nhó khó chịu hỏi tới hỏi lui, họ không vui không đăng nữa thì buồn như mưa nguồn gió núi.”

Nghe thằng bạn nói mà muốn ngất ngư con tàu đi, y suy nghĩ một tí rồi so bì:

“ Hình như bọn sĩ tây và sĩ ta có khác?”

 Thằng bạn cười nhạt, phẩy tay:
“ Bọn sĩ tây có khác, tiền bạc mạch lạc rõ ràng, sống sang sốngchảnh sống bảnh viết mạnh...”

Gã nghe thế lòng lung lay định bụng giải bày lời ngay ý thật nhưng chật vật chẳng tìm ra lời. Y chưa bao giờ dám nhận mình là sĩ, dù là văn sĩ, thi sĩ, hàn sĩ, cuồng sĩ… tu sĩ thì lại càng không Vì chẳng dám nhận là sĩ nên ý nghĩ gia nhập băng với bọn sĩ cũng bàng bạc mơ hồ. Thiên hạ xưa nay vẫn bảo chốn ấy đệ nhất thị phi, trường văn trận bút cũng tràn gió tanh mưa máu. Các vị sĩ cái tôi to như núi Tu Di, cứ khen tít cung mây, khen lấy khen để, áo thụng vái nhau hì hà hỉ hả thì không sao. Nếu lỡ khờ khạo thật tình chỉ ra chỗ vụng, chỗ sai, chỗ vô lý hay nói sự thật thì lập tức nhận búa rìu giáng xuống, gạch đá ném vào, tình nghĩa cũng bay như gió núi mây trời. Cũng vì thế mà bọn sĩ ta thường bảo nhau:” Văn mình vợ người”, văn mình nhất thiên hạ, bọn thằn lằn cắc ké kỳ nhông làm sao sánh bằng. Vợ người thì đẹp hơn vợ mình, cỏ hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn cỏ trong vườn là vậy! Vì chữ sĩ, nhân danh chữ sĩ mà  lắm khứa lão gần đất xa trời cứ đem hình con gái lõa thể tuổi bằng cháu chắt của mình ra khoe, rồi làm thơ yêu hàm thụ, tưởng tượng tình như thế này thế kia  hít hà hơi hám...Từ tình yêu hàm thụ mà viết nhăng viết cuội rồi bảo đấy là lãng mạn, là sĩ nên phải sống thế!

Y chợt tỉnh ra, thấy tinh thần mình không ổn định, suy nghĩ linh tinh, cứ vướng vào ba cái chuyện tào lao không đâu vào đâu. Y định bụng thôi nhưng lại chạnh lòng khi nhớ có vị sĩ kia than:

“ Tôi ngán nhất là được tặng thơ”

 Lúc đầu y phản ứng cực đoan:

“ Lão sĩ kia hợm mình quá đấy nhé! Có thân, có quý người ta mới tặng, hơi đâu bỏ tiền ra in để tặng khơi khơi”

Sau đó thì y nghĩ lại thì thấy lão sĩ ấy có lý. Thời đại hôm nay lạm phát thơ, ăn thơ, ngủ thơ, thở thơ. Thơ tràn ngập mọi nhà, thơ cóc nhái ễnh ương tràn ngập thị trường, bước ra ngõ là gặp thơ, mỗi nhà có một nhà thơ, nhà nhà in thơ, người người làm thơ. Ngay cả y cũng thế, in xong mấy tập thì thấy xấu hổ quá, đọc qua một lần không dám đọc lại, vì đọc lại e không khỏi buồn nôn, đánh rắm thì tội ai chịu thấu!

Bọn sĩ ta lại học theo bọn sĩ tây, phải canh tân, cách tân cho thơ nó theo kịp trào lưu hiện đại, hậu hiện đại. Thơ thời đại hôm nay phải là thơ siêu tưởng, siêu thực, trừu tượng, đa chiều, đảo cách…Bọn sĩ ta rần rần lao theo cơn sốt, đã cách tân thì phải khác người, khác đời, ngữ pháp nhất loạt phế bỏ, dấu câu muốn quệt chỗ nào thì quệt, tên riêng không cần viết hoa, viết in hay viết hoa bất cứ mẫu tự nào thấy hứng, ngắt dòng linh tinh cho nó ra vẻ hiện đại. Mấy nay trên mạng xã hội bọn sĩ ta truyền nhau ca tụng bài thơ:

  “ con cóC KhỎa tHân

  nó ở tRong hang, NhảY ra. NgồI c.hễM

  chệ, tảNg

  đá Xanh; dA mÀu xác

  chết. Em kHỏa tHân anh ngạt

  thở Tim, bồi. Hồi Rung

  động, đẬy tình ta

  YêU kHông.   Thể. Chết

  cOn cóc kHỏA thân

  anh chưa, từng Yêu, quên

  những Đêm tRườNg hì hục lÀm tình

 anh ĐiNh. Ninh

 con cÓc chƯa từNg biết

 yÊu...”

 Bài thơ gây tiếng vang khắp cả giới sĩ, bọn sĩ ta không tiếc lời ca ngợi tán tụng thổi ống đu đủ đưa lên tận mây xanh, dùng tất cả ngôn từ cao siêu ảo diệu để tâng bốc té nước theo mưa nào là: Đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ, sự cách tân rốt ráo đầy tính nghệ thuật, thi ca đạt đến một thành tựu vượt thời đại, Tài hoa đã vượt qua rào cản ngôn ngữ và ngữ pháp, sự thông minh xuất chúng đã biến cái tầm thường thành phi thường, cái xấu thành cái đẹp vĩnh cửu, bài thơ đánh dấu sự lớn mạnh của thơ ca hiện đại, hậu hiện đại, lập thể, siêu thực, siêu thuật… và đã vượt qua sự soi xét của bọn sĩ tây, bài thơ đã chứng tỏ cái vượt trội của nghệ thuật siêu hiện đại đã đè bẹp thơ cũ kỹ lạc hậu…Và còn vô số những lời bình luận khen chê đọc muốn cấm khẩu luôn.

Đọc xong bài thơ và những lời bình phẩm, y ngẩn ngơ không biết mình đang tỉnh hay mơ, đang sống trên mặt đất hay đang ở cảnh giới của quốc độ nào. Y tự vả vào má, véo vào đùi, vạch mí mắt soi vào kiếng. Y thấy một bộ mặt của thằng người nào đấy sao lạ lẫm quá chừng. Tuy nhiên y cảm thấy đau nên biết mình đang sống, chẳng qua bài thơ làm cho y sảng thần phiêu hốt, trong cái phút giây bất ổn định ấy, y chẳng biết là đang ở thực tại hay mơ? Cái phút giây huyễn hoặc phi cảnh giới trong đất trời. Bất giác y ngửa mặt lên trời cười sằng sặc một tràng dài, đoạn cúi gằm mặt xuống nhìn đất khóc tu tu:

“ Nghệ thuật ơi nghệ thuật, khổ thân cho ngươi quá! Bị hiếp dâm tơi tả hoa lá, đa yêu đa trá!”

 Thằng bạn bá vai, vỗ lưng bộp bộp rồi xoa đầu:

“ Cậu đúng là một gã khờ, khờ thứ thiệt, khờ bền vững, khờ lâu, khờ khó chữa! Hơi đâu ôm rơm cho nặng bụng? Chuyện của thiên hạ liên can gì đến anh? Thân anh vốn chưa nên hình nên dạng, tánh tình khờ thế mà đòi dạy khôn thiên hạ à? Có đời nào thiên hạ nghe lời thằng khờ? Đời dẫu có quái gỡ đến mấy cũng chẳng thể nghe thằng khờ dạy khôn!”

Những tưởng thế thôi, nào ngờ nó còn lên lớp:

- Thơ hay cốt nội dung, hay hay dở đọc lên biết liền, thật giả nhận ra ngay. Thơ hay sẽ đọng lại trong lòng người, gây cảm xúc và để lại dấu ấn trong tâm trí, còn cái hình thức chỉ là cái vỏ, cái giấy bọc quà… hình thức này nọ có thể kích thích mắt nhưng khi đọc lên lôm côm rệu rạo như cọp nhai đậu phộng thì cũng chỉ vứt đi, chẳng ai rỗi hơi dư sức rảnh tâm để nhớ cái loại thơ ấy! Những danh xưng hình thức tân tiến này nọ, chạy theo phong trào rồi cũng sẽ đến lúc xẹp xuống và sẽ lãng quên theo dòng thời gian, chỉ có những loại thơ gây được cảm xúc cho người đọc thì mới tồn tại theo thời gian. Anh thấy đấy, có vô số những bài thơ xa xưa nhưng đến giờ vẫn hay, vẫn quyến rũ được người đọc, dẫu cho hình thức những bài thơ ấy thuộc loại lão làng cổ lổ.

Nghe thằng bạn làm một hơi như thế, y bẽn lẽn thẹn với bạn và mắc cỡ với chính mình, đoạn y rù rì thủ thỉ chuyển đề tài:

“ Tôi đã bỏ công viết sách, bỏ tiền ra in, lại chịu cước phí gởi tặng chỗ này chỗ nọ. Có vài người nhắn tin cảm ơn, một số lặn bặt tăm như chưa hề tồn tại trên cõi đời, mặc dù ngày ngày họ vẫn lên mạng xã hội chém gió như điên, nghĩ mà buồn, một lời cảm ơn xã giao khách sáo cũng không có, có lẽ họ xem thường kẻ hậu sanh, người mới chưa có tên tuổi, không xứng đáng ngồi cùng chiếu. Có lẽ họ chẳng thèm giở ra xem hay là vứt vào sọt rác không chừng.

Thằng bạn trố mắt nhìn y, đoạn nó sờ từ đầu đến chân y, rồi nó đứng như trời trồng, ngửa cổ lên trời cười sằng sặc giống hệt như y vừa cười lúc nãy, cười khan xong nó chụp lấy vai y lắc thật mạnh, vừa lắc vừa khóc tồ tồ:

“ Khổ thân bạn tôi, khờ đâu mà khờ thế! Đời có ai tổ chức thi khờ đâu mà cậu tính tranh đoạt giải đệ nhất khờ? Thời buổi này viết sách là đại khờ, viết xong đem in là khờ trong khờ, in rồi mang đi tặng thì vơ hết cái khờ trong thiên hạ! Trời cao đất dày có thiêng xin ngó xuống, sao tôi lại có thằng bạn khờ đến độ không thể có ai khờ hơn được!”

Y lấm lét nhìn thằng bạn mà lòng xốn xang vô hạn, giả tảng làm lơ nhưng đâu có ngờ nó vẫn khơi khơi mắng khờ này khờ nọ. Tuy nó chửi vậy cũng còn dễ chịu hơn là chửi chó mắng mèo, tánh nó xưa nay vậy đó, có sao nói vậy. Gã khờ chịu thằng bạn ở cái điểm đó, y với nó vốn là bạn nối khố từ hồi còn gian khó, sau này ra đời nó làm đến ông nọ bà kia nhưng không đến nỗi bôi nhọ mặt mà chảnh chó như tụi bạn xanh vỏ đỏ lòng. Tuy hổng thích gì cái biệt hiệu gã khờ đó nhưng thằng bạn nó có lý do của nó. Nó giờ làm to nhưng tánh tình phóng khoáng tự do, lại biết lo cho tiền đồ, lại yêu văn chương chữ nghĩa, mấy quyển sách của y nó đều đọc qua hết ráo nhưng chẳng cho ý kiến ý cò gì. Y có ướm hỏi thấp cao thì nó thẳng thừng bảo:

“ Nói thật mất bạn sao? Mà nói láo, nói xạo thì tao không thể nào, mầy đừng hỏi tào lao!”

Một ngày kia có hội văn nghệ văn gừng chi đấy đứng ra tổ chức cuộc thi thơ văn để tìm ra những tài năng mới. Y hứng khởi dễ sợ, trong lòng vui như phất cờ, đinh ninh rằng mình chẳng phải tay mơ, nhất định phải đoạt giải thơ để thằng bạn thấy mình không khờ như nó ngỡ. Y cũng thầm mơ thắng giải thơ để kẻ chợ nhà quê đều biết tên tuổi. Từ đó ngày đêm sáu thời đi, đứng, nằm, ngồi y đều suy nghĩ tìm tứ thơ, chia chẻ đề tài và chữ nghĩa, thử sáng tác các thể loại mới từ hiện đại, hậu hiện đại, cách tân, trừu tượng, siêu tưởng, siêu thực… tìm những vần điệu trúc trắc trục trặc nhất, ngôn từ khó hiểu và ngây ngô nhất, nội dung quái lạ nhất, y tự nhủ lòng:” Thơ phải khó hiểu mới hay, mới đánh thức tư duy và tưởng tượng của người đọc...” Bởi vậy thơ y dự thi là loại thơ mà hiểu được là chết liền! Vì quá háo hức thi thơ, quá hám danh mong muốn đoạt giải thơ này nọ mà y đã quên những lời tâm huyết của thằng bạn nói với y hôm nào. Y viết cấp tập, viết dồn dập rồi gởi bài đi và thấp thỏm chờ đợi. Người ta nói “ Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” nhưng với y thì trong những ngày chờ đợi đến lúc công bố kết qủa thì một ngày chờ đợi còn dài hơn cả nghìn thu. Sự chờ đợi và mong mỏi thiêu đốt tâm can y. Từ lâu y ngỡ bỏ được cái tâm mong cầu, bây giờ nhờ đụng chuyện này mới thấy nó còn nguyên, nó lù lù một mối lớn trong tâm hồn, xem ra ở đời nói là một chuyện còn làm là một chuyện, khi đụng chuyện mới biết thực hư thế nào.

Cái gì đến nó cũng sẽ đến, ngày công bố kết quả cuộc thi  thơ được tổ chức ở một hội trường lớn, người ta trang trí hoa lá tùm lum. Các nhà sản xuất, mua bán tài trợ cho giải thưởng được quảng cáo rùm beng, nhãn hiệu in tờ rơi, băng rôn nhiều lắm. Rồi những tờ báo sống nhờ quảng cáo cũng nhảy vào đưa tin lung tung. Bọn họ tán thưởng thơ thì ít mà nhắc tên nhà tài trợ và sản phẩm là chính, nhiều người thấy lố bịch, trơ trẽn nhưng chịu thôi, thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng nó vậy!  Ban giám khảo lăng xăng tíu tít, cười cầu tài đón các nhà tài trợ ngồi vào những chiếc ghế danh dự, cứ như những nhà tài trợ là nhân vật chính của buổi lễ này.

Y ngồi phía dưới hồi hộp vô cùng, mong sao cho đến cái giờ phút khai mạc và xướng danh. Y cố điều hơi thở không để lộ nét căng thẳng, giờ phút này thật quan trọng với y. Tuy nhiên với người tinh ý sẽ nhận thấy y đang hồi hộp cực độ. Sau khi ông chủ tịch hội văn thơ đọc diễn văn dài lòng thòng vuốt mặt không kịp và toàn lời lẽ đao to búa lớn xong. Người giới thiệu bước ra với những cái bao thơ, anh ta tuyên bố cuộc thi không có ai xứng đáng giải đặt biệt hay giải nhất, chỉ chọn được giải một giải nhì, một giải ba và năm giải khuyến khích. Tên người giải nhì được xướng lên, tiếng vỗ tay rào rào, tiếng huýt sáo tán thưởng huyên náo cả hội trường. Ông chủ tịch choàng chéo vào người đoạt giải một dải lụa kiểu như các cô chân dài thường đeo. Kế là ông chủ hãng thuốc trừ sâu lên trao giải thưởng gồm một cái bằng khen, kèm theo hiện kim và hiện vật lên đến năm mươi triệu đồng. Món quà và tên tuổi nhà tài trợ cũng được đọc rõ ràng rành mạch cùng với tên người đoạt giải và tên bài thơ. Y lúng túng thấy rõ, y cứ ngỡ là mình nào ngờ một cái tên lạ hoắc. Kế đến một cô MC khác õng ẹo bước ra xướng danh tên người đoạt giải ba, vẫn không phải tên y. Trán y lấm tấm mồ hôi, tay run run, dù cố trấn tĩnh nhưng vẫn không sao che giấu được cảm xúc. Y thất vọng lắm nhưng vẫn vớt vát ở giải khuyến khích. Y đinh ninh thế nào cũng nằm trong năm người ở giải khuyến khích. Y căng mắt nhìn lên sân khấu, lần này bà phó chủ tịch hội nhăn nhở cười, bắt tay và choàng chéo vào người đoạt giải ba một dải lụa như người đoạt giải nhì nhưng khác màu. Ông chủ xưởng nước mắn danh tiếng của đất xứ Hòn lên trao bằng khen, tặng phẩm gồm hiện vật và hiện kim chẵn mười lăm triệu. Cũng như người đoạt giải nhì, tên tuổi và bài thơ đoạt giải được xướng lên cùng với tên hãng nước mắn và sản phẩm của hãng.

Y cảm thấy bụng dạ dường như đang sôi lên, thần kinh căng thẳng tột độ, miệng lẩm bẩm:

“ Cực kỳ quan ngại, tình hình như thế này là không thể chấp nhận được! Hy vọng là mình sẽ được xướng danh ở giải khuyến khích, cho dù là khuyến khích nhưng cũng được, dù sao cũng có tên trong danh sách là tốt rồi. Hy vọng là ban giám khảo không đến nỗi khờ để sót tài năng thơ” . Y căng mình ra, tai dỏng lên để chờ nghe xướng danh. Cô MC khác lại bước ra, cũng dáng đi như lập trình sẵn, vừa bước đi vừa nhún nhún lắc lắc giật giật. Cô ta chả chớt đọc cả năm cái tên của giải khuyến khích một lần. Y chết trân, không có tên y, sự chua cay dâng lên đến cổ làm cho y nghẹn cả họng. Y thầm trách ban giám khảo có mắt mà không có con ngươi, không có khả năng thẩm định văn thơ, không có khả năng phát hiện ra tài năng… Năm người đoạt giải khuyến khích được thưởng năm triệu tiền mặt và một số sản phẩm của công ty sản xuất phụ kiện cho chị em phụ nữ. Ông tổng giám đốc công ty sản xuất những món đồ cho chị em phụ nữ bước lên sân khấu với nụ cười hãnh diện tột bậc cứ như thể là người đoạt giải. Ông ấy ôm hôn năm người được giải khuyến khích, trao quà và chụp hình kỷ niệm. Năm người ấy giơ cao giấy khen và những món quà mà ông tổng giám đốc công ty vừa tặng cho.

Cả hội trường náo nhiệt tưng bừng, người ta đi lại lăng xăng rộn ràng, kẻ này bá vai người kia kề cổ chụp hình lưu niệm, lời chúc mừng hì hà hỉ hả xôm tụ làm vui vẻ vô cùng, mặt người nào cũng hớn hở. Vui nhất là ban tổ chức, họ đã thành công rực rỡ trong công việc và trách nhiệm của mình. Họ đã tổ chức thành công hơn mong đợi một cuộc thi thơ, chọn được những người xứng đáng đoạt giải và chọn đúng những nhà tài trợ đầy lòng yêu nghệ thuật. Quan chức, doanh nhân và các thi sĩ rạng rỡ hạnh phúc vì nghệ thuật và kinh tế thị trường kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa đến độ không thể nào hơn được nữa.

Thằng bạn làm to nhưng không chảnh chó lại yêu nghệ thuật của y vì bận công việc phải lo nên đến dự trễ nãi, nhìn vẻ mặt bần thần của y nó lập tức hiểu ra tất cả. Nó vốn thông minh nên nhận thấy tâm và thân của thằng bạn thân đang tản thần. Nó đến bên vỗ vai, lắc lắc mấy lần rồi phân trần:

“ Đừng bận tâm, lần này không có phần vì số phận, cứ chuyên cần thì lần sau ắt thắng trận! Thơ văn, danh phận vốn phù vân, vật chất nặng mấy đồng cân? đừng để nó xoay vần mình!”

Nói xong nó kéo y đứng dậy và bảo:

“ Cậu không được giải nên buồn, riêng tớ thì tớ mừng cho cậu! Đi nhậu với tớ, bữa nay tớ bao cậu nhậu cho lòi tứ thơ luôn, cuộc chơi này còn dài hơi, nay nhậu cho đã đời, dân chơi sợ gì mưa rơi!”

 

 

Ất Lăng thành, 07/22

 

 

 

Tiểu Lục Thần Phong
Số lần đọc: 739
Ngày đăng: 14.02.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bỏ đi Tám - Tiểu Lục Thần Phong
Cho mẹ nghe mùi tết - Bùi Thanh Xuân
Dịch ngôn - Tiểu Lục Thần Phong
Đêm Xuân màu tím - Nguyễn Thỵ
Vàng mai rực rỡ - Phan Trang Hy
Giấc mơ cuối đời của chú bé dưới đáy ống bê tông - Nguyễn Anh Tuấn
Nhập dòng chính - Tiểu Lục Thần Phong
Còn lại với hoàng hôn - Nguyễn Thỵ
Chẳng phải muốn thế - Tiểu Lục Thần Phong
Thằng Mauricio - Tiểu Lục Thần Phong
Cùng một tác giả
Dòng đời (truyện ngắn)
Ngày lễ cha (truyện ngắn)
Cừu (truyện ngắn)
Nhà ông Huie (truyện ngắn)
Thằng Mauricio (truyện ngắn)
Nhập dòng chính (truyện ngắn)
Dịch ngôn (truyện ngắn)
Bỏ đi Tám (truyện ngắn)
Gã khờ (truyện ngắn)
Lão tạ (truyện ngắn)
Con Leslie (truyện ngắn)
Bà Deborah (truyện ngắn)
Chơi chứng khoán (truyện ngắn)
Chuyện họ nhà xe (truyện ngắn)
Đổi thay (truyện ngắn)
Tác phẩm để đời (truyện ngắn)
Hồn dâu bể (tạp văn)
Cừu (truyện ngắn)
Họ nhà nến (truyện ngắn)
Mồ chôn tình yêu (truyện ngắn)
Ta đi (thơ)
Bán sách (truyện ngắn)
Rocky (truyện ngắn)
Mai tết (truyện ngắn)
Con nhỏ khờ dễ sợ (truyện ngắn)
Ngày lễ mẹ (tạp văn)
Bộ ba (truyện ngắn)
Công án tân thời (truyện ngắn)
(truyện ngắn)
Cô Mười (truyện ngắn)
Ma mỹ (truyện ngắn)