Vào các tháng giêng và tháng 5 năm Thiệu Bình thứ 5 [1438], Vua cho đào kênh tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Cũng trong tháng 5, giáng người anh trưởng là Quận vương Tư Tề làm thường dân:
“ Năm Mậu Ngọ, Thiệu Bình thứ 5 [2/1438], (Minh Chính Thống năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, sai dân chúng 4 đạo đào kênh ở Trường Yên [Ninh Bình], Thanh Hóa, Nghệ An.
Mùa hạ, tháng 5, sai văn thần đốc thúc quân dân đào các kênh ở lộ Thanh Hóa.
Giáng quận vương Tư Tề xuống làm thứ nhân. ” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 50b.
Bấy giờ trong nước có nhiều thiên tai; nhà Vua xuống chiếu tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ và cầu lời nói thẳng:
“Ngày 27 [19/6/1438], vì có nhiều tai dị, xuống chiếu rằng:
‘Mấy năm nay, hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm nay, nhiều lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. Có phải do trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trể hay là do quan tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn? Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái? Hay là làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt? Hay là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu? Trẫm tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ. Tất cả các đại thần, các quan văn võ các ngươi nên chỉ ra những lầm lỗi kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc, dẫu có ngu dần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 50b.
Vào tháng 10, sai bọn Thẩm hình viện phó sứ Nguyễn Đình Lịch sang triều Minh nạp cống:
“Mùa đông, tháng 10, ngày 13 [31/10/1438], sai Thẩm hình viện phó sứ Nguyễn Đình Lịch, Thiêm tri Nội mật viện sự Trình Hiển, Thị ngự sử Nguyên Thiên Tích sang nhà Minh nộp cống hàng năm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 51b.
Về phía nhà Minh vào tháng 6 năm Chính Thống thứ 3 [1438], sai bọn Cấp sự trung Thang Đỉnh sang nước ta phản đối việc Thổ quan châu Hạ Tư Lang [Lạng Sơn] là Nông Nguyên Hồng và những người tại biên giới mang quân sang đánh phá các châu Tư Lăng, An Bình tại phủ Thái Bình, Quảng Tây; đòi hỏi phải trả hết người, trâu bò, súc vật và đất đai đã xâm chiếm. Toàn Thư chép vào tháng chạp, phái đoàn này đến nước ta:
“Ngày 4 tháng 6 năm Chính Thống thứ 3 [ 25/6/1438 ]. Sai Cấp sự trung Thang Ðỉnh, Hành nhân Cao Dần đi sứ An Nam, mang sắc dụ Quốc vương Lê Lân rằng:
‘Trẫm nối ngôi trời, thống ngự vạn phương, thể theo lòng trời mưu đồ sự yên tĩnh.
Mới đây Thủ thần Quảng Tây tâu rằng Thổ quan Hạ Tư Lang nước ngươi là Nông Nguyên Hồng đánh giết người châu An Bình, bắt trai gái hơn 220 người, cướp đốt trâu dê phòng ốc, chiếm thôn động gồm 220 nhà. Lại tâu người biên giới thuộc nước ngươi mang đám đông cướp phá thôn Ky Châu, thuộc Tư Lăng; bắt trai gái hơn 40 người, cướp đốt trâu dê phòng ốc; điều này há lại ngươi chưa nghe? Hoặc hiệu lệnh của ngươi không được những kẻ tại đó thi hành?
Nay sai sứ hiểu dụ ngươi, lệnh Nông Nguyên Hồng và Ðầu mục nơi biên giới phải mang trả đủ người, trâu bò. súc vật, đất đai đã xâm chiếm; rồi tâu lên đầy đủ thì được tha cho tội trước. Từ nay trở về sau, cung kính tuân theo lễ pháp, mỗi bên giữ cương giới của mình; nếu không tuân tất sẽ trị tội. Ngươi đừng che chở cho chúng, khiến bản thân ngươi vướng vào lầm lỗi.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 13)
“Tháng 12 [1/1439], nhà Minh sai Cấp Sư trung Thang Đỉnh , hành nhân Cao Dần sang nói về việc địa phương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 51b.
Vào cuối tháng 12, triều đình ta cứ Trung quân đồng tri Lê Bá Kỳ và Trung thừa Bùi Cầm Hổ sang Minh tâu đầu đuôi việc xãy ra tại phủ Thái Bình; tháng 4 năm sau [13/5/1439] đến kinh đô Bắc Kinh. Phái đoàn ta tố cáo rằng trước đó Thổ quan châu An Bình, bọn Tri châu Lý Hạc, Triệu Nhân Chính đánh chiếm lãnh thổ châu Tư Lang, giết và cướp người cùng súc vật; do đó Nông Nguyên Hồng, Thổ quan châu Tư Lang mới đánh phục thù; tuy nhiên vẫn hứa trả lại súc vật và đất đã chiếm cứ:
“Ngày 20 [5/1/1439], sai Trung quân đồng tri Lê Bá Kỳ và Trung thừa Bùi Cầm Hổ sang Minh tâu việc địa phương Thái Bình (1) .” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 51b
“Ngày 1 tháng 4 năm Chính Thống thứ 4 [ 13/5/1439 ]. Quốc vương An Nam Lê Lân sai bọn Bồi thần Lê Bá Kỳ dâng biểu, cống sản vật địa phương và tạ tội. Trước đây bọn Thổ quan châu Tư Lang nước này tên là Nông Nguyên Hồng đánh châu An Bình, Tư Lăng thuộc phủ Thái Bình; chiếm 2 động, 21 thôn. Triều đình sai bọn Cấp sự trung Thang Ðỉnh đến hiểu dụ Lân. Lân bèn sai bọn Bá Kỳ đến tạ tội và dâng biểu rằng:
‘Ngưỡng trông Thánh Thiên tử đối xử chung một lòng nhân, xa gần không phân biệt. Thần từ khi nhận triều mệnh đến nay, chỉ lo giữ lãnh thổ yên dân để đáp ứng lòng Thánh Thiên tử; nào dám quanh co che dấu để Nguyên Hồng làm lụy đến sinh linh một nước. Nay tuân lệnh xin trả lại súc vật cùng đất đai đã chiếm cứ, lại giới sức Nguyên Hồng thay lòng sửa đổi, không gây nên tội để lụy đến thần. Kính xin Thánh Thiên tử rũ lòng khoan thứ. Kính cẩn dâng biểu cùng cống 100 lạng vàng 200 lạng bạch kim, 100 cân trầm hương; lụa quyên địa phương, giáng chân hương, tuyến hương, ngà voi, quạt ngà, mỗi thứ vài trăm. Thần run sợ vô cùng, đợi sự trừng phạt.’
Lại sai bọn Bồi thần Bùi Cầm Hổ dâng tấu rằng:
‘Trước đó Nông Nguyên Hồng nói rằng mấy lần bị Thổ quan châu An Bình, như Tri châu Lý Hạc, Triệu Nhân Chính đánh chiếm lãnh thổ châu Tư Lang, giết và cướp người cùng súc vật. Thần cho rằng dân Man nơi biên giới thù giết nhau là chuyện thường, mà lời của Nguyên Hồng cũng không tin hết được, nên không dám tâu lên để làm phiền Thánh Thiên tử. Chỉ răn đe Nguyên Hồng không kết oán gây sự, lại gửi văn thư cho ty Bố chánh Quảng Tây xin ngăn cấm bọn Hạc. Gần đây lại được Sứ thần đến hiểu dụ việc nêu trên; thần run sợ không biết làm sao, chỉ nghĩ rằng dưới cõi trời này không đất nào là không của Thiên tử, không dân nào là không của Thiên tử, dân Tư Lang cũng là con đỏ của triều đình vậy; mà bọn Hạc xâm nhiễu không được yên ỗn, Thiên tử nơi cửu trùng làm sao biết được! Thần không làm được gì, chỉ biết kêu van để xin Thánh minh cúi xuống soi xét.’
Thiên tử cho rằng người xa xôi biết hối hận, không truy xét sự sai trái. Việc tâu rằng Lý Hạc cướp phá, lệnh các quan Tổng binh tại Quảng Tây thẩm xét rồi tâu lên.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 17)
Vua Anh Tông nhà Minh phúc thư, hứa sẽ cho điều tra việc Thổ quan châu An Bình trước đó gây hấn:
“Ngày 10 tháng 4 năm Chính Thống thứ 4 [ 22/5/1439]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Lân rằng:
‘Nhận được lời tâu Vương cho câu lưu cha con Nông Nguyên Hồng để thẩm vấn cùng đem những thứ chiếm đoạt trả lại, thấy được là vua biết theo lễ giữ pháp luật. Lại tâu việc Thổ quan châu An Bình, Tri châu Triệu Nhân Chính đánh chiếm đất đai, cướp đoạt người và súc vật; đã ra lệnh quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Ðoàn cùng Tam Ty Quảng Tây tra khám minh bạch rồi tâu lên đầy đủ để định đoạt. Từ nay Vương nên nghiêm sức những người giữ biên thùy lo giữ cương giới, đừng buông tuồng gây hấn, sẽ rước lấy mối họa.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 19)
Việc điều tra tiếp tục đến năm Chính Thống thứ 7 [1442], phía Minh lại sai Cấp sự trung Thang Đỉnh đến hỏi, Nông Nguyên Hồng tố ngược lại rằng bị Tri châu An Bình Nhân Chính chiếm đất, cướp người. Bộ Binh nhà Minh muốn đưa Nguyên Hồng đến chỗ tranh chấp đối chất; nhưng rồi sự việc không chép thêm, chắc rằng phía Đại Việt không chấp nhận:
“Ngày 4 tháng 8 năm Chính Thống thứ 7 [ 7/9/1442]. Trước đây Thổ quan châu An Bình Quảng Tây Triệu Nhân Chính tâu rằng bị Thổ quan châu Tư Lang Giao Chỉ Nông Nguyên Hồng xâm chiếm đất đai; giết cùng cướp người và súc vật. Sai bọn Cấp sự trung Thang Đỉnh đến Giao Chỉ hỏi lý do. Nguyên Hồng xưng ngược lại rằng bị Nhân Chính chiếm đất, cướp người. Bộ Binh tâu xin sắc dụ quan Tổng binh Quảng Tây Liễu Ðoàn điều tra kẻ nào thực, kẻ nào dối. Nên sắc dụ nước An Nam cho người đưa Nguyên Hồng đến ngay chỗ tranh chấp để hội khám và xét hỏi. Thiên tử chấp nhận.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 30)
Tháng giêng năm Thiệu Bình thứ 6 [2/1439], bộ tộc Cầm Man (2) đem người Ai Lao vào cướp nơi biên giới; nhà vua tự làm tướng đi đánh dẹp:
“Kỷ Mùi, Thiệu Bình năm thứ 6 [1439], (Minh Chính Thống năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, vua thân đi đánh các châu Phục Lễ. Bọn man họ Cầm nhiễu hại dân biên giới, vua sai tướng đi hỏi tội chúng. Ai Lao tin nghe bọn man họ Cầm là Cương Nương, sai tên Nữu Hoa của chúng dẫn hơn 3 vạn binh tướng sang giúp, lấn cướp các châu Phục Lễ. [52a] Vua thân hành dẫn 6 quân đi đánh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 51b
Tháng 3 [4/1439] ra qui định thống nhất về tiền đồng, vải, lụa và giấy:
“Tháng 3, ra lệnh quy định số đồng của 1 tiền, kích thước dài nhắn của vải lụa và quy cách của tờ giấy viết. Hễ tiền đồng thì 60 đồng là 1 tiền, lụa lĩnh thì mỗi tấm dài 30 thước, rộng 1 thước 5 tấc trở lên, vải gai nhỏ mỗi tấm dài 24 thước, rộng 1 thước 3 tấc trở lên, vải tơ chuối thì mỗi tấm dài 24 thước, vải bông thô mỗi tấm dài 22 thước, giấy thì tính 100 tờ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 52a.
Tháng 10 [11/1439], Hoàng tử Nghi Dân sinh; tháng 11[12/1439] ra lệnh đại xá, đổi niên hiệu Đại Bảo vào năm sau:
“Mùa đông, tháng 10, hoàng tử Nghi Dân sinh.
Tháng 11, đại xá, đổi niên hiệu. Lấy tháng giêng năm sau làm Đại Bảo năm thứ 1. Đại xá thiên hạ. Những người 70 tuổi trở lên được thưởng tước 1 tư và cho ăn tiệc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 52b.
Ngày mồng một tháng giêng năm Canh Thân [1440] đổi niên hiệu là Đại Bảo. Tiếp đến trong tháng nhà Vua đích thân mang quân đánh viên thổ tù phản nghịch Hà Tông Lại, đến ngày 20 chém được tên này. Ngày 21, lập con trưởng Nghi Dân làm Hoàng thái tử:
“Canh thân, Đại Bảo năm thứ 1, (Minh Chính Thống năm thứ 5). Mùa Xuân, tháng giêng, ngày mồng 1[3/2/1440], đổi niên hiệu.
Vua đích thân đi đánh tên phản nghịch Hà Tông Lai ở huyện Thu Vật [huyện Yên Bình, Yên Bái], thuộc Tuyên Quang.
Ngày 19 [21/2/1440], bắt được Tông Mậu, con Tông Lai.
Ngày 20 [22/2/1440], chém được Hà Tông Lai rồi đem quân về. Dâng tù cáo thắng lợi ở Thái miếu.
Ngày 21 [23/2/1440], lập con trưởng là Nghi Dân làm Hoàng thái tử.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 52b.
Vào tháng 2, phía biên giới đông bắc bấy giờ thuộc tỉnh Quảng Đông; viên Tuần vũ nhà Minh tâu về triều rằng thời Tuyên Đức năm đầu [1426], tức giai đoạn Vua Lê Lợi kháng Minh, Thổ tù Hoàng Khoan theo Vua Lê, mang dân và đất qui phụ, nay xin kêu gọi trở về:
“Ngày 29 tháng 2 năm Chính Thống thứ 5 [ 1/4/1440]. Tuần vũ Quảng Đông Giám sát Ngự sử Chu Giám tâu rằng:
‘Dân châu Khâm bọn Hoàng Khoan làm phản theo An Nam; chiêu phủ năm này qua năm khác nhưng không phục. Xin sắc mệnh cho quan Đại thần tại triều đình bàn bạc gửi văn thư hứa miễn thuế lương thực nếu trở về với nghề nhiệp cũ; ngoài ra xin cử một Đô Chỉ huy thanh liêm được việc đến trấn thủ tại châu Khâm.
Thiên tử mệnh số thuế bọn Khoan thiếu, hãy ngưng lại không thu. Còn ra sắc dụ cho Tam Ty Quảng Đông rằng:
‘ Con người ta không ai là không thích an lạc ghét khổ sở; bọn Khoan đều do các quan lại quận huyện tham bạo ngược đãi, bất đắc dĩ phải tìm kế tự toàn. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, lấy sự dưỡng dân làm chính sách; các ngươi là những người được tuyển chọn cẩn thận, hãy thể theo y trẫm, lấy lòng trung phủ dụ còn có thể cảm hóa được loài vật như cá, lợn huống gì là con ngươi! Các ngươi mỗi người hãy cử quan cao cấp một viên, cùng với Tuần vũ, Án sát, Ngự sử thân đến chiêu dụ; chỉ dùng những lời tử tế cảm hóa, bọn chúng nhớ ơn vui lòng khâm phục, khiến dân được yên. Lại ban một đạo sắc dụ bọn Khoan, giao các ngươi đưa đi. Khâm châu là nơi quan trọng, hãy bàn bạc chọn trong đám Đô Chỉ huy một tay lão thành thanh liêm, được việc đến trấn thủ; không được phép sinh sự.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 23)
Quan lại tại Quảng Đông tìm mọi cách chiêu dụ, nhưng Hoàng Khoan quyết không trở về. Nhà Minh khảo sách địa lý, cho rằng trong giai đoạn Tuyên Đức năm đầu [1426] An Nam đã chiếm số lớn đất châu Khâm, bộ binh đề nghị khi nào sứ giả An Nam đến, sẽ yêu cầu trả lại:
“Ngày 15 tháng 10 năm Chính Thống thứ 5 [ 9/11/1440 ]. Dân châu Khâm, Quảng Đông là bọn Hoàng Khoan từ năm đầu Tuyên Đức [1426] dụ dỗ cư dân hơn 290 hộ cùng ruộng đất, hiến cho An Nam. Trước đây đã sắc cho Tuần phủ, Án sát, Ngự sử cùng các quan tại Tam Ty mang sắc phủ dụ, nhưng bọn Khoan không tuân. Khảo xét chí thư về châu này, từ khi Hán Mã Viện bình định xong, lấy Đồng Trụ làm giới hạn phía tây nam, Phân Mao Lãnh giới hạn phía tây bắc; trong vòng giới hạn đó từ thời Hán Vũ đế đến nay đều lệ thuộc châu Khâm. Nay trong vòng Phân Mao Lãnh hơn hơn 300 dặm, trong vòng Đồng Trụ hơn 200 dặm đều do An Nam xâm lấn. Nếu như ban sắc dụ Vương An Nam trả lại đất đã xâm lấn, thì không cần phải gọi dân về, vì đã được trả lại!
Bộ Binh bàn định như sau:
“Nên đợi đến ngày nước An Nam sai sứ triều cống sẽ ban sắc cho Quốc vương nước này trả lại đất đã xâm lấn. Vẫn hiểu dụ bọn Khoan rằng nếu tình nguyện đem gia đình trở về sẽ được tha tội. Sắc cho lực lượng phòng thủ, không được xâm nhiễu gây hấn nơi biên giới.”
Được Thiên tử chấp thuận.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 24)
Vào tháng 3 năm sau, nhân Sứ thần An Nam Lê Quyến đến cống, Vua Anh Tông nhà Minh gửi sắc cho Vua Lê Thái Tông đòi phần đất Hoàng Khoan đã giao cho nước ta, bảo đất này thuộc 2 đô Thiếp Lãng, Như Tích. Nhưng phía ta không đáp ứng, mãi cho đến năm Gia Tĩnh thứ 20 [29/4/1541] Mạc Đăng Dung đem đất này nhượng cho nhà Minh:
“Ngày 8 tháng 3 năm Chính Thống thứ 7 [ 18/4/1442 ]
Sứ thần An Nam Lê Quyến từ giả bệ rồng. Mệnh ban cho Quốc vương Lê Lân sắc; cùng ban mũ dạ, khăn đội đầu, y phục dệt kim. Sắc như sau:
“ Trẫm phụng mệnh trời, coi dân bốn cõi, hải nội hải ngoại đều là con đỏ của triều đình, muốn mọi nơi được an sinh lạc nghiệp, không trái với tính trời. Tiên Hoàng đế nước ta, thể theo bụng Hoàng thiên, dẹp bỏ việc binh, thương xót dân, muốn thiên hạ được nghĩ ngơi, nên đã mệnh cha ngươi quyền coi việc quốc sự, cai trị dân một phương. Ta theo chí của người đời trước, phong ngươi làm An Nam Quốc vương để kế thừa cha ngươi, đó cũng thể theo đạo trời, với lòng nhân thương người vậy.
Năm trước Hoàng Kim Quảng, người châu Khâm, phủ Liêm Châu, Quảng Ðông bị người nước ngươi dụ dỗ, ngu muội làm điều sai quấy xưng hai đô Thiếp Lãng, Như Tích xưa thuộc An Nam. Lấy lời sàm mê hoặc cha ngươi, nên cha ngươi cho lập vệ đặt quân tại thôn Nha Cát. Bắt ép 281 hộ phải theo, xâm chiếm cương vực, dụ hiếp nhân dân, việc này do người dưới tại nước ngươi làm, cha con ngươi không biết được.
Phàm 281 hộ, chẳng đáng gây thiệt hại nơi này, để có ích nơi khác; nhưng trọng tín nghĩa không thể dối trời; sắc đến sai bọn Hoàng Khoan 281 hộ, giao cho châu Khâm quản lý. Tội trạng cũng tha không hỏi đến, vệ đã lập hãy bỏ đi như cũ, để thể hiện đạo kính trời thờ nước lớn, ngươi sẽ được hưởng phúc mãi mãi. Khâm thử!” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 24)
Vào tháng 3, Vua mang quân đánh thổ quan Nghiễm làm phản tại trấn Gia Hưng thuộc vùng Hòa Bình, Sơn La ngày nay; đến tháng 5 viên thổ quan dâng đồ cống, nên mang quân trở về. Tháng 6, phong cho Ngô Thị Ngọc Giao, mẹ Vua Lê Thánh Tông triều đại sau, làm Tiệp dư :
“Tháng 3 [4/1440], vua thân đi đánh viên thổ quan phản nghịch tên là Nghiễm ở châu Thuận Mỗi, trấn Gia Hưng [Hòa Bình, Sơn La]. Tuyển tráng đinh bổ sung quân ngũ. Làm sổ hộ tịch.
Mùa hạ, tháng 5, ngày 15 [14/6/1440], vua đem quân từ châu Thuận Mỗi trở về, vì tên Nghiễm dâng trâu và voi [53b] xin hàng, và vì đương mưa nắng dữ.
Tháng 6, sách phong Ngô thị làm Tiệp dư, được ở cung Khánh Phương, tức Quang thục Hoàng thái hậu sau này”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 53a.
Vào tháng 3 năm Đại Bảo thứ 2 [3/1441] nhà Vua lai mang quân đánh Thổ quan Nghiễm, bắt sống các con, cuối cùng Nghiễm ra hàng:
“Tháng 3, vua đi lại đánh tên phản nghịch Nghiễm ở châu Thuận Mỗi, bắt sống viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng vợ con nó ở động La (3) , lại bắt được con của tên Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Nghiễm kế cùng ra hàng. Vua bèn đem quân về, dâng tù báo thắng trận ở Thái Miếu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 53a.
Năm ngoái phong Nghi Dân làm Thái tứ; năm nay Vua không bằng lòng mẹ Nghi Dân, nên giáng bà xuống làm dân thường; cũng vì việc này Nghi Dân bị mất chức Thái tử:
“Giáng Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân.
Trước đây, Dương Thị Bí sinh con là Nghi Dân. Vua lập làm Thái tử. Dương Thị Bí cậy thế, càng lăng loàn kiêu căng. Vua vẫn nín nhịn bao dong, giáng xuống làm Chiêu nghi, muốn cho thị sữa bỏ lỗi lầm. Nhưng Dương Thị Bí lại càng hằn học trong lòng, không kiêng nể gì nữa. Vua cho là Dương Thị Bí đã cố tình như vậy, thì con thị đẻ ra chưa chắc đã là người khá, mới giáng xuống làm người đàn bà thường, rồi xuống chiếu nói cho thiên hạ biết là ngôi Thái tử chưa định.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 53b.
Tháng 5 Hoàng tứ Bang Cơ tức Vua Lê Nhân Tông sinh. Ra lệnh tuyển con gái đẹp; rồi đến tháng 8 cho tuyển chọn tại sân điện:
“Mùa hạ, tháng 5, ngày Giáp Tuất mồng 9 [28/5/1441], hoàng tử Bang Cơ Sinh. Ra lệnh chỉ tuyển con gái đẹp ở các huyện.
Mùa thu, tháng 8 [9/1441], tuyển chọn con gái đẹp ở sân điện. Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ [Thị Lộ là vợ của Nguyễn Trãi].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 54a.
Tháng 10, sai sứ sang nhà Minh nạp cống. Tháng 11, lập Hoàng tử Bang Cơ mới sinh 5 tháng làm Hoàng thái tử; phong Hoàng thái tử Nghi Dân làm Lạng sơn vương:
“Mùa đông, tháng10 [11/1441], sai sứ sang nhà Minh: Nội mật viện phó sứ Nguyễn Nhật Thiêm, Tri nội mật viện phó sứ Nguyễn Hữu Quang, Thiêm tri Thẩm hình viện Đào Mạnh Cung sang nộp cống hằng năm. Lê Thận sang xin mũ áo. [54b]
Tháng 11, ngày 16 [29/11/1441], lập Hoàng tử Bang cơ làm Hoàng thái tử.
Xuống chiếu rằng: "Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Vậy sai Nhập nội đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử.
Hoàng thái tử Nghi Dân phong làm Lạng Sơn Vương, hoàng tử Khắc Xương phong làm Tân Bình Vương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 54a.
Vua Chiêm Thành, Chiêm Bà Đích Laị trị vì trong thời gian dài khoảng 40 năm, đến nay mất; người cháu là Ma Ha Bí Cai lên thay:
“Ngày 14 tháng 6 năm Chính Thống thứ 6 [ 2/7/1441]. Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Bà Đích Lại mất; cháu là Ma Ha Bí Cai lãnh di mệnh lên thay. Bèn sai người cháu của Vương là bọn Thuật Đề Côn dâng biểu, triều cống sản phẩm địa phương cùng xin được nối ngôi.” ( Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 25)
Tháng giêng năm Đại Bảo thứ 3 [1442] cho xây cung điện mới; tháng 2 bọn Sứ thần Nguyễn Điến đến Bắc Kinh tiến cống; tháng 3 mở kỳ thi Hội đầu tiên dưới triều Lê, xây bia, lấy 33 Tiến sĩ; trong đó có sử gia Ngô Sĩ Liên:
“Nhâm Tuất, Đại Bảo năm thứ 3 [2/1442], (Minh Chính Thống năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, làm cung điện mới.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 55a.
“Ngày 11 tháng 2 năm Chính Thống thứ 7 [ 22/3/1442]. Quốc vương An Nam Lê Lân sai bọn Bồi thần Nguyễn Ðiền dâng biểu, triều cống các vật như vàng, bạc, khí mãnh. Ban yến, cùng ban cho các vật như lụa thải (4), có sai biệt.” (Minh Thực L(ục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 27)
“Tháng 3 [4/1442], tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Nhữ Đổ, Lương Như Hộc 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ (5); bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân (5); bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân (5). Lại sai soạn văn bia, dựng bia ghi tên các tiến sĩ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 55a.
Vào tháng 7, bọn phản loạn Vi Lang Sa từ Vân Nam chạy trốn sang biên giới, bị nước Đại Việt bắt trả về; cũng trong tháng này Hoàng tử Tư Thành, tức Vua Lê Thánh Tông sinh:
“Ngày 12 tháng 4 năm Chính Thống thứ 7 [ 21/5/1442].Bọn Tổng đốc quân vụ Vân Nam ,Thượng thư bộ Binh kiêm Đại lý tự khanh Vương Tập tâu:
“Chúng thần sai bọn Chỉ huy sứ Vạn Thành, vệ Lâm An, Vân Nam dẹp bọn phản loạn Vi Lang La; đánh tan trại giặc, bắt vợ con họ hàng mấy người. Lang La chạy trốn sang An Nam; bị Quốc vương Lê Lân sai lính bắt cho vào củi giải đến doanh trại tại thành, rồi cho hành quyết. Dư đảng 4000 người tuân theo sự chiêu dụ, trở về với nghiệp cũ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 30)
“Mùa thu, tháng 7, ngày 20 [25/8/1442], Hoàng tử Tư Thành sinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 55a.
Tháng 8, vua đến thăm vườn vải tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh; đêm đó có Nguyễn Thị Lộ vợ bé quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi hầu hạ; rồi nhà Vua chết đột ngột. Đình thần cho rằng Thị Lộ giết vua, nên Nguyễn Trãi bị can tội tru di 3 họ; triều đình bèn lập Thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi, miếu hiệu là Nhân Tông:
“Tháng 8, ngày mồng 4 [7/9/1442], vua về đến vườn Vải huyện Gia Định (6), bỗng bị bạo bệnh rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về.
Ngày mồng 6 [9/9/1442] về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát táng. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.
Ngày 12 [15/9/1442], đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi. Lúc ấy, vua mới 2 tuổi. Lấy năm sau làm Thái Hòa năm thứ 1.
Ngày 16 [19/9/1442], giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyên Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.
Tháng 9, ngày 9 [12/10/1442], giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 55b.
Trong tháng 10, cử 4 phái đoàn sang Trung Quốc với các nhiệm vụ: tạ ơn ban cho y phục; nêu ý kiến về việc nhà Minh đòi đất tại châu Khâm; báo tang Vua Thái Tông mất, cầu phong cho Vua Nhân Tông. Đến tháng chạp, phái đoàn Nguyễn Thúc Huệ đến Bắc Kinh:
”Mùa đông, tháng 10, sai sứ sang nhà Minh: Hải Tây đạo đồng tri Nguyễn Thúc Huệ và Thẩm hình viện thiêm tri Đỗ Thì Việp sang tạ ơn cho áo mũ. Thị ngự sử Triệu Thái tâu việc địa phương Khâm Châu. Bọn Tham tri Nguyễn Đình Lịch, Phạm Du sang báo tang. Tham tri Lê Truyền, Đô sự Nguyễn Văn Kiệt, Ngự tiền học sinh cục trưởng Nguyễn Hữu Phu sang cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 56b.
“Ngày 19 tháng 12 năm Chính Thống thứ 7 [19/1/1443]. Nước An Nam sai bọn Bồi thần Nguyễn Thúc Huệ đến triều cống sản phẩm địa phương. Ban yến cùng các phẩm vật như lụa, có phân biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 31)
Vào ngày 16 tháng 10 [18/11/1442], an táng Vua Lê Thái Tông tại Hựu Lăng, Lam Sơn, Thanh Hóa, bên cạnh lăng Vua Lê Thái Tổ; sai Hàn lâm viện Nguyễn Thiên Tích soạn văn bia:
“Sai hàn Lâm viện thị độc học sĩ kiêm tri ngự tiền học sinh cục cận thị chi hậu Nguyễn Thiên Tích soạn bài văn bia Hựu Lăng .
Ngày 16 [18/11/1442], táng Đại Hành Hoàng đế phía bên tả Vĩnh Lăng ở Lam Sơn gọi là Hựu Lăng. Dâng tôn hiệu là Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tông.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 56b.
Chú thích:
1.Thái Bình: Sự việc xãy ra tại các châu An Bình, Tư Lăng thuộc phủ Thái Bình, Quảng Tây.
2.Cầm Man: Theo Hưng Hóa Lục của Hoàng Trọng Chính , thì các châu Phù Yên [Sơn La] , Sơn La [Sơn La] , Tuần Giáo [Sơn La] và Mai Sơn [Sơn La] , hồi đầu Lê, đều là các động, giáp giới với Ai Lao và liền với châu Phục Lễ. Họ Cầm nối đời làm phụ đạo; có lẽ Cầm Man ở đó.
3.Động La: Tức Mường La, ở Sơn La.
4.Lụa thải: hàng tơ lụa 5 sắc.
5.Tiến sĩ cập đệ, xuất thân, đồng xuất thân: Tống sử chép: Tống Chân Tông định điều lệ thi tiến sĩ, chia người đỗ làm 5 bậc: Bậc nhất, bậc nhì là cập đệ; bậc ba là xuất thân; bậc bốn, bậc năm là đồng xuất thân.
6.Vườn vải huyện Gia Định: Nguyễn Văn là Lệ Chi Viên. Huyện Gia Định, sau là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.