Mạn đàm
Trong cuộc sống đời thường, khi gặp gỡ, giao tiếp với nhau trong xã hội, có lẽ điều làm chúng ta quan tâm đến người đối diện nhất là cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói, cung cách của con người ấy. Đó chính là nhân cách của con người vậy. Mà muốn toát lên cái nhân cách đó, lòng tự trọng phải cần đến nội lực của cái mầm sĩ diện làm đầu. Dần dà, cái nội lực sĩ diện đó, được con người bồi đắp một cách thái quá, để biến sĩ diện thành chất phụ gia, trang điểm cho lòng tự trọng của con người, đến nỗi chúng biến thành bệnh sĩ khi nào chúng ta không hay.
Vậy sĩ là gì? Và thế nào là bệnh sĩ?
Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, người viết chỉ khiêm tốn đưa ra một vài khía cạnh có tính chủ quan về vấn đề sĩ diện - vốn là một phạm trù bao la rộng lớn, mà người viết không thể với tay đến được. Có điều gì khuất tất, rất mong được quý bạn đọc bổ sung và góp ý cho vấn đề được thêm sáng tỏ.
Dưới đây là một vài mẫu chuyện minh hoạ, để chúng ta hình dung được đôi chút khái niệm về kẻ sĩ, trước khi kẻ sĩ biến thành bệnh sĩ.
Khi giặc Tầu bắt tướng Trần Bình Trọng dụ hàng, và hứa cho làm khanh tướng ở đất Tầu, Trần Bình Trọng đã khẳng khái: “Ta tha làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Đó là sĩ khí trung can của người quân tử: Tận Trung báo quốc.
Nhà khẩn hoang lập ấp, Nguyễn Công Trứ - nhà thơ, khi bị nịnh thần dèm pha xúc xiểm, đến bị nhà vua giáng chức xuống làm lính thú, NCT đã nói một câu đầy lòng tự trọng của kẻ sĩ: “khi làm tướng tôi không lấy làm vinh, thì khi làm lính, tôi không lấy làm nhục”
Thủa hàn vi, Hàn Tín phải luôn trôn tên đồ tể, và xin cơm Phiếu Mẫu, để rèn cái chí của kẻ sĩ, đến sau đã làm đến chức tể tướng nhà Hán Lưu Bang.
Trình Dục khuyên Tào Tháo: “Thừa tướng đãi Quan Vũ hậu như thế, mà ra đi không một lời từ giã, chi bằng đuổi theo giết quách trừ hậu hoạn”. Tào Tháo: “Ta đã hứa Vân Trường ra đi lúc nào, há lẽ ta sai lời”. Đó là liêm sĩ của Tào Tháo. Chính Tào Tháo cũng khen: “Vân Trường là nghĩa khí, không vì áo mới mà quên nghĩa cũ với Lưu Bị”.
Vậy sĩ là gì? Trong tự điển của Nguyễn Văn Khôn viết:
Sĩ là học trò. Sĩ tử là người học trò đi thi. Sĩ là người có tái năng nghệ thuật như: Văn sĩ, bác sĩ, nghệ sĩ...
Theo tự điển của nhóm biên soạn Hoàng Phê Sĩ là người trí thức thời phong kiến. Sĩ diện là thể hiện cá nhân mình, muốn làm cho ra vẻ không thua kém người, để người khác coi trọng mình. Hoặc muốn che giấu sự thua kém của mình để người khác khỏi coi thường. Sĩ phu là người trí thức có danh tiếng trong xã hội. Sĩ khí là lòng khí khái của kẻ sĩ. Sĩ là khí tiết của người có học. Sĩ diện là sự thể hiện người có học.
Theo quan niệm của Đông phương, Sĩ là cái học, cái cốt lõi của người quân tử. Người quân tử phải đọc sách mỗi ngày để tu luyện cái sĩ của bản thân mình.
Tóm lại, sĩ là dung nhan, là diện mạo của người quân tử. Có người vì quá câu nệ với tôn chỉ: “Quân xử Thần tử”, mà phải chết oan uổng vì một hôn quân: như một Nhạc Phi, thể hiện cái sĩ diện của kẻ sĩ mù quáng trong thời đại phong kiến.
Sĩ ban đầu xuất phát từ lòng tự trọng của chính mình. Sĩ khí, đói cho sạch rách cho thơm.
Một người vào nhà bạn mình đang dùng bữa, bụng đói meo, nhưng khi bạn lấy chén bát, mời ăn cơm thực tình, vẫn khách khí từ chối, bảo là vừa mới ăn. Đó là một sự tự trọng, vì ăn thì sợ bạn coi thường mình, là suồng sã dễ mời.
Nhà nghèo nhưng vẫn tỏ ra khí khái, ta đây. Anh em thấy hoàn cảnh khó khăn, ngỏ ý giúp đỡ, nhưng vì sĩ - sợ tổn thương lòng tự ái, mà thoái thác: “Cám ơn các bạn, nhà mình cũng không đến nỗi nào”.
Một người bạn Việt kiều về làng, người bạn ở quê nhà không dám đến thăm, vì sợ tổn thương lòng tự ái. Đó là lòng tự trọng, không muốn họ xem thường mình, xum xuê để hòng kiếm chút quà cáp. Cái sĩ này, đôi khi cũng rất cần thiết trong cuộc sống.
Dần dà, lòng tự trọng được đề cao quá mức, biến thành bệnh sĩ lúc nào không hay, ngay chính cả chính bản thân, cũng không biết là mình đang mắc phải bệnh sĩ.
Vậy bệnh sĩ là gì ?
Là sự tự trọng quá đáng, chạy trốn một thực tại, nhằm nâng cao nhân phẩm không có thực con người mình lên, để rồi câu nệ hình thức khuôn phép bề ngoài, mà không dám nhận chân sự thật cái khiêm tốn mình đang có.
Từ đó, Sĩ đã trở thành một sự trang điểm, màu mè cho cái mặt nạ bên ngoài dối trá, nhằm khoả lấp cái rỗng tuếch bên trong. Hay nói đúng hơn, bệnh sĩ là bệnh huếnh hoáng, thích khoa trương, làm vượt cái thực lực mình có. Bệnh sĩ cũng được xem là tự lừa dối mình như một loại thắng lợi tinh thần của A.Q (Lỗ Tấn). Và qua thời gian, bệnh sĩ đã được thể hiện trong bản thân mỗi người, trong gia đình, xã hội và thậm chí cả trong tôn giáo.
Cái điển tích “cá gỗ” của kẻ sĩ - người học trò Nghệ Tĩnh vào kinh đi thi, là một sự chạy trốn cái nghèo. Đó là sĩ diện của người học trò của một miền đất nghèo nàn, nhưng không muốn cho người khác biết mình nghèo, vì sợ họ coi thường mình. Phải chăng, đó là một loại sĩ diện hão?!? Loại sĩ diện này, có người cho là khí tiết cần có của kẻ sĩ, trái lại có người cho là Sĩ diện hão, một loại sĩ diện không đáng có. Cho nên rất khó để đưa ra nhận định rạch ròi về những hình thái khác nhau của kẻ sĩ.
Bệnh sĩ còn thể hiện sự tự tôn, tự đại nơi mỗi con người chúng ta. Vì sĩ diện bằng cấp, học vị, chức sắc quan quyền, mà phải chọn cho được một ghế ngồi hàng đầu, bậc thứ cao, hoặc tỏ ra khinh dễ không muốn ngồi chung với dân đen, phu phen... Đó là sĩ diện của kẻ tự cao, tự đại.
Có những người tiếc nuối một thời quan quyền vàng son, hay gia đình danh gia vọng tộc, nay trong hoàn cảnh nghèo khó túng bấn, ra đường cũng đội ô, khăn áo nghiêm chỉnh, làm ra vẻ ta đây cốt cách, muốn sánh môn đăng hộ đối với những người bậc cao hơn mình, thì cũng chỉ là một sự lố bịch của sự hoài cổ vô vọng mà thôi. Và Sĩ như thế, là để che lấp cái nghèo hèn, cái bất lực của mình.
Đó là sĩ diện hão - Sĩ diện của cái không có thực chất, sĩ diện của sự nương náu lòng tự trọng. Nghèo thì cứ nhận là mình nghèo đi, hà cớ chi phải sĩ diện hão! Sĩ diện hão thường là hữu danh vô thực. Đây là căn bệnh thường thấy trong xã hội chúng ta.
Sĩ diện hão, còn thể hiện dưới hình thức đua đòi không hợp tình hợp lý, hòng loè bịp người khác. Thấy người ta xây nhà cao cửa rộng sang trọng, không muốn thua kém ai, cũng vay mượn góp nhóp để làm cho bằng chị, bằng em. Và cuối cùng là quá tải để phải nợ nần chồng chất.
Bệnh sĩ nơi học trò là sự che đậy cái dốt của mình, bằng cách khoa trương, múa mỏ, thật đúng với câu: dốt hay nói chữ.
Bệnh sĩ của học sinh sinh viên thể hiện qua sự đua đòi, muốn chứng tỏ ra mình không thua kém ai, quần áo ăn diện, ăn chơi đàn đúm bè bạn, sắm xe tay ga: Airblack, Spacy…Laptop, Đtdđ: I phone, I pad…vượt quá tầm của hoàn cảnh, điều kiện sống của mình, và hậu qủa là sinh ra tệ nạn ăn bớt xớ của cha mẹ, man khai học thêm bớt...lấy tiền chơi game mạng...không lo học hành, để thi hỏng, lưu ban...Ra ngoài xã hội, sinh ra tệ nạn trộm cắp, lừa đảo...
Và ngoài xã hội, bệnh sĩ cũng lan tràn với nhiều tầng lớp.
Các nhà doanh nghiệp thi nhau chơi xộp vung tay quá trán, sắm hết xế hộp, mua biệt thự, bất động sản, chơi chứng khoán, ra vẻ ta đây oách xì xằng không thua kém ai, nhưng đến khi phá sản cháy túi thì mới vỡ lẽ ra, là vì cái bệnh sĩ “con cóc muốn to bằng con bò”, mà thân bại danh liệt, có khi còn phải vào vòng lao lý.
Còn các công nhân, viên chức nhà nước lương ba cọc ba đồng, cũng đua nhau sắm ĐTDĐ cho oách, cho xịn, cho đời mới, rồi thay đổi nay mốt này, mai kiểu khác, cũng chỉ để gọi nhau ăn nhậu, karaokê, trai gái đàn đúm với nhau chứ có làm nên tích sự gì...khiến ngân sách gia đình thâm thủng...Thế là chuyện gia đình lục đục, đổ vỡ, vợ chồng chăn chiếu ra toà xin ly hôn...
Những quan chức công quyền ta đây hách xì xằng, sắm xế hộp máy lạnh bốn chỗ ngồi, rầm rập chen lấn công sở. Và vì sĩ diện không muốn thua kém bạn bè, rồi đua đòi nhau ăn chơi, cờ bạc, trai gái, hút sách, nhà hàng, sàn nhảy, khách sạn năm sao...Và hậu quả là phải đục khoét, thâm thủng ngân sách công sở cũng như gia đình, để rồi đi đến lao tù, tán gia bại sản.
Người bình thường, bệnh sĩ: vì lỡ leo lên lưng cọp - khoa trương, huếnh hoáng, sinh ra trộm cắp, lừa đảo, để mong khoả lấp để giữ được cái sĩ diện không đáng có đó.
Đó là bệnh sĩ của cá nhân, gia đình, xã hội...
Còn Bệnh sĩ của tôn giáo thì sao?
Chính Chúa Giêsu là người đầu tiên, vạch mặt cái bệnh sĩ của các Kinh sư, Trưởng lão, Biệt phái Pharisiêu. Họ câu nệ hình thức, giữ đạo theo luật câu chữ mà không biết rằng: Luật lệ được lập ra để phục vụ con người, chứ không phải để con người phục vụ luật. Họ làm luật để giáo dân phục vụ họ. Khi ăn chay, họ làm ra vẻ khổ sở, buồn bã. Họ tuân thủ luật ngày lễ Sa bát không được làm việc, mà để cho con bò lỡ sa giếng phải chết thối. Họ sống giả hình đạo đức.
Về cá nhân con người chúng ta, thường rơi vào cái bệnh sĩ làm dáng trong đời sống đạo đức: Siêng đi lễ đọc kinh, nhưng trong cuộc sống thì, ganh ghét, đố kị, bất hoà... Làm phúc nơi nao, để cầu ao rách nát. Làm việc lành phúc đức để lấy tiếng, cũng là một loại bệnh sĩ.
Ngay cả Giáo hội Công giáo, cũng đã có thời kỳ, tự cho mình cái quyền độc tôn bất khả ngộ về những lãnh vực khoa học, để kết án nhà vật lý Galilê là nghịch đạo. Đó là bệnh sĩ của cái tự tôn.
Tai hại của bệnh sĩ: Tự đeo cho mình chiếc mặt nạ giả tạo, mà không dám nhận chân ra mình đang ở vị thế, thứ bậc nào trong cuộc sống, để sống cho đúng thứ bậc mình. Sự bưng bít, giấu kín về thân phận của mình lâu ngày, tạo ra sự dối trá, hời hợt với những ngươi sống chung quanh mình. Và đời sống chỉ là vỏ ốc gian dối, thiếu chân tình với mọi người, đánh mất tính nhân bản.
Thông thường, bệnh sĩ chỉ tác hại cho bản thân, gia đình của người đó thôi. Để rồi có câu: “Không sợ chết vì bệnh tim, mà chỉ sợ chết vì bệnh sĩ”. Một đôi khi, bệnh sĩ cũng tác hại đến xã hội: Người có chức quyền, khi đua đòi ăn chơi quá mức, làm tán gia bại sản, thì phải thụt két, ăn hối lộ, làm thâm thủng ngân sách nhà nứơc, công quỹ...
Ngày nay, chính sự - sĩ - diện - đích - thực của kẻ sĩ cũng bị gọi là sĩ diện hão. Câu chuyện dưới đây sẽ minh hoạ cho ta thấy, một chân lý hiển nhiên đang bị khước từ trong xã hội.
Một ông hiệu trưởng trường chuyên cấp III, sống với đồng lương thanh liêm của nghề dạy học. Một hôm, có người làng bà con dắt con đến gửi, với bì thư dày cộm trao cho ông, rồi nói: “Nhờ thầy giúp đỡ, nhận cháu vào trường chuyên, vì học lực của cháu xuất sắc mấy năm liền”. Ông thầy khéo léo từ chối: “Tôi không có cái quyền đó, xin ông hãy cho cháu thi, nếu cháu đủ năng lực thì sẽ trúng tuyển vào, chứ căn cớ chi mà phải đưa tiền cho tôi”. Tưởng rằng, chỉ người bà con đi ra, rồi chửi thề: “Đ.m, nghèo rớt mồng tơi mà còn sĩ diện hão”. Ngờ đâu, vợ ở dưới nhà lên, cũng mạt sát: “Nghèo kiết xác, mà cũng bày đặt sĩ diện”. Thật là oái ăm, khi giữ gìn sự thanh liêm của nhà giáo là điều đáng trân trọng nơi kẻ sĩ, thì xã hội lại tỏ ra khinh miệt.
Trong khi những giá trị đạo đức và luân lý đang bị xói mòn, thoái hoá và biến chất, thì tưởng, chẳng còn ai dại gì mà làm học trò, kẻ sĩ của ”sân Trình cửa Khổng”nữa. Và chữ sĩ ngày nay, đã làm thay đổi nhân dạng lẫn phẩm chất con người chúng ta xa với cái “nguyên bản kẻ sĩ ngày xưa” lắm rồi! Bởi chữ sĩ bây giờ chỉ là một công cụ, để làm màu dáng trang điểm bề ngoài để cầu danh cầu lợi, hơn là cái cốt lõi của bản chất nhân cách con người.
Đây là một thực trạng hết sức nhức nhối và đau lòng cho sự suy thoái đạo đức trong xã hội. Có nhiều vị quan thanh liêm trong xã hội đương đại, chẳng những bị mất chức, mà còn phải bi luỵ bản thân tù tội, chỉ vì đi ngược lại với tập đoàn, bè nhóm, khi không nhận hối lộ, tham nhũng... để giữ cái thiên lương liêm sĩ của bản thân kẻ sĩ, thì chính họ đã phải cay đắng để bị xã hội đun đẩy ra ngoài lề xã hội. Điều này không hiếm thấy trong xã hội ngày nay.
Hình như câu nói của Jean Paul Sartre: “Trong một xa hội bất lương, nếu mình lương thiện, thì chính mình mới là kẻ bất lương”, đang dần hiệu ứng trong xã hội chúng ta!!??
Bệnh sĩ của sự làm dáng, đua đòi, ra vẻ ta đây, là một căn bệnh trầm kha, đang lây lan trong nhiều tầng lớp xã hội và tôn giáo. Chỉ có lòng đạo đức chân thật, cái tâm chân chính mới làm cho chúng ta nhận diện ra chúng ta là ai. Chúng ta phải làm gì, trong cõi đời này. Có thế, chúng ta mới có thể sống với nhau trong nghĩa tình chân thực được lâu bền.
Mỗi người chúng ta cố gắng sống chân thật để khắc phục bệnh sĩ: Không dối trá, không phô trương, không kiểu dáng màu mè. Nhưng đồng thời, tích cực phát huy cái lòng tự trọng đúng mức trong mỗi người chúng ta, để chúng ta còn có thể gìn giữ được chữ sĩ đúng nghĩa của nó. Bởi ý nghĩa của chữ sĩ rất cao đẹp, đầy tính nhân văn, nó nâng cao phẩm chất con người lên. Đói cho sạch, rách cho thơm, giấy rách phải giữ lấy lề. Chính TT De Gaule đã nói một câu rất sâu sắc: “Mất tiền bạc, mất danh vọng, mất tình yêu…còn có thể tìm lại được, nhưng mất danh dự là mất hết tất cả”. Nhưng cũng không phải vì danh dự là tất cả, để chúng ta phải cố đấm ăn xôi, với bất cứ giá nào để dành giật lại. Chính chúng ta phải phát huy cái sĩ của lòng tự trọng đúng mức, mới đòi lại được cái danh dự của chính con người chúng ta.
Vậy mà ngày nay, người ta xem cái danh dự, sĩ diện, liêm sĩ, lòng tự trọng nơi bản thân mỗi con người chỉ là một sĩ diện hão. Chẳng những không đáng có cái sĩ ấy, mà nếu lỡ có được, còn bị người đời mỉa mai, khinh chê là dại dột, ngây thơ, ảo tưởng...thì có phải là oái ăm, nghiệt ngã không hả các bạn!!!???
Thực ra, cái ranh giới giữa “sĩ diện” và “bệnh sĩ ” cũng rất mong manh, thật khó để nhận diện được khi nào là sĩ, khi nào là sĩ diện hão. Điều đó, khiến cho nhiều khi chúng ta lúng túng và dễ nhầm lẫn.
Cuộc sống vàng thau lẫn lộn rất khó phân biệt đâu là “sĩ” đâu là “ bệnh sĩ” phải không các bạn?
Rất mong được các bạn đọc hưởng ứng, và phản hồi, góp ý cho bài “tản mạn về Sĩ và bệnh Sĩ”, để vấn đề được soi rọi thấu đáo hơn.
Xin chân thành cám ơn các bạn.