Tháng ba, chuẩn bị đến lễ hội Phồn Xương (Yên Thế - Bắc Giang) chúng tôi rủ nhau về thăm vùng đất của cụ Đề Thám thủa xưa, một căn cứ khởi nghĩa nổi tiếng từng làm cho Thực dân Pháp thất điên bát đảo và gắn liền với tên tuổi của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám mà vốn đã từng nghe nhiều lần nhưng chưa được đặt chân đến. Thị trấn Phồn Xương bây giờ đã khác xa với những gì chúng tôi nghĩ. Chẳng là, hồi đọc bộ tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế” của nhà văn Nguyên Hồng trong tôi cứ hình dung vùng đất của tướng quân Đề Thám khởi nghĩa phải là một nơi “rừng thiêng nước độc” với núi đồi trập trùng cùng những dải rừng nguyên sinh đầy hoang sơ, bí ẩn và thưa vắng bóng người. Có lẽ Phồn Xương xưa là vậy, hẳn sẽ không được sầm uất với đường ngang phố dọc, nhà cửa điện đèn lung linh sắc màu trong một vị thế của một thị trấn phố huyện hiện đại như ngày nay. Tuy vậy, dù có trăm năm vật đổi sao dời thì bóng nước hùng thiêng một thủa vẫn còn đó cho dù dấu tích có hao khuyết chẳng còn được vẹn nguyên nhưng vẫn làm lay động lòng người trong bao nỗi niềm cảm phục, yêu thương về những con người đã từng vị quốc vong thân một thủa.
Về Yên Thế, ngẫm về đất và người, tôi lại nhớ đến những đồn đại trong dân gian, những ghi chép trong thư tịch của cha ông để lại, ví như: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế gái Nội Duệ, Cầu Lim” hay “Tiểu loạn cư Thăng Long, đại loạn cư Yên Thế”. Có nghĩa: con trai Cầu Vồng, Yên Thế tài giỏi, dũng cảm, trượng nghĩa; con gái Nội Duệ, Cầu Lim tài sắc, đảm đang, tháo vát. Loạn nhỏ vẫn ở Thăng Long được còn loạn lớn về Yên Thế. Và rồi trong sách “Dư địa chí” Nguyễn Trãi cho biết đất Yên Thế có tinh thần thượng võ, người Yên Thế có biệt tài làm tên tẩm độc và bắn nỏ. Chỉ bấy nhiêu đồn đoán lưu truyền vậy thôi nhưng cũng đủ để cho người đời thấy được những thứ khác biệt hơn người của đất và người Yên Thế. Sự khác biệt ấy đã tạo nên đặc điểm nội trội của địa thế mà phong thuỷ gọi là “địa linh nhân kiệt”. Vùng đất linh thiêng chốn núi rừng Yên Thế ấy mắt phàm khó nhận ra nên đã từng bị coi là nơi hoang dã với những “sơn lam chướng khí” trong mắt người đương thời. Nhưng với người tinh tường thì họ biết đó là nơi “rồng ẩn”, chờ thời để vùng lên báo quốc. Nghĩ như thế, chẳng hiểu sao về đất Yên Thế thăm lại chiến trường xưa và đại bản doanh cuộc khởi nghĩa Yên Thế của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám tôi lại liên tưởng đến vùng “đất võ trời văn” Bình Định và vị vua lẫy lừng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng ngẫm kỹ ta dễ thấy những mỗi tương đồng của hai người anh hùng áo vải. Và nổi bật hơn cả là tài năng; tấm lòng yêu nước thương nòi; tinh thần quật cường, hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù xâm lược. Những phẩm chất đó có thể coi là kết tinh của vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam. Vẻ đẹp ấy sẽ được phát huy và trỗi dậy mỗi khi tổ quốc gặp lâm nguy.
Nắng xuân tháng ba dường như xua tan cái “rét về Yên Thế” làm cho thị trấn Phồn Xương trong sớm mai hiện lên thật đẹp. Những tia nắng óng ả dịu dàng tràn chảy lên phố phường và hoà vào cái không khí đang chuẩn bị cho ngày khai hội vào ngày 15 tháng 3 trên quần thể khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám với chương trình “Bản hùng ca bất tử ” đã làm cho ai nấy đều phấn chấn, thích thú. Dường như những công trình tôn tạo, phục dựng khu di tích vẫn chưa hoàn thiện nhưng không vì thế mà việc chuẩn bị cho chương trình lễ hội kém phần sôi nổi. Chỉ nhìn công việc hối hả chuẩn bị sân khấu thôi hẳn ai cũng thấy một lễ hội hoành tráng sẽ sắp được diễn ra trong nay mai ở chính đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa cách đây 139 năm. Phía sau ngôi đình ba tầng mái, trước đền Thề, thấp thoáng những áo dài thướt tha đang ôm hoa, tạo dáng bên mái đền, dưới vòm cây cổ thụ để chụp những tấm ảnh hòng lưu lại những bức hình làm kỷ niệm của một thời xuân sắc trong một không gian linh thiêng, cổ kính, rêu phong. Những cảnh ấy khiến lòng người không khỏi rộn ràng, xao xuyến; khiến cho sớm xuân trở lên thật ấm áp, hữu tình.
Đứng bên đền Thề hình chữ đinh, nhỏ nhắn, mái ngói thâm nâu với những đầu đao mềm mại, uốn cong lên bầu trời ta như thấy đâu đó bóng nước thời gian vẫn đang còn rêu phong trên từng đường nét của tạo vật, cỏ hoa. Bước vào trong đền lễ phật và bái lạy trước bức tượng anh hùng Hoàng Hoa Thám, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đánh Pháp suốt 30 năm dòng dã không hề nao núng lòng bỗng trào dâng bao nỗi niềm cảm kích, luyến thương. Trong không gian thoang thoảng hương thơm của trầm nhang, mắt bỗng nhiên nhoà lệ, lòng chợt rưng rưng. Chẳng hiểu sao ta như thoáng thấy đâu đây hiện về cái cảnh tướng sĩ đang cùng nhau tế cờ trước và sau mỗi trận đánh hay đang bưng bát rượu thề nguyện bên nhau sinh tử quét sạch sài lang. Trong cái nỗi niềm chân cảm bi tráng ấy khiến trong ta lại gọi về tiếng thơ ai oán của nhà yêu nước Phan Bội Châu khóc người anh hùng: “Dị chủng sài lang mãn địa tinh/ Độc tương chích thủ dữ cừu tranh/ Trấp niên thương kiếm sơn hà khí/ Bách chiến phong vân phụ tử binh/ Quốc thế dĩ trầm, quân thượng phấn/ Tướng đầu vị đoạn tặc do kinh/ Anh hùng bản sắc chung năng hiện/ Vạn lý thời văn hổ khiếu thanh”. Dịch thơ: “Sói lang giống khác tanh lợm đất/ Đấu với quân thù: cánh tay đơn/ Gươm mấy chục năm, hồn sông núi/ Gió mấy trăm trận, lính cha con/ Nước dù chìm đắm, lòng chẳng nhụt/ Đầu vẫn chưa rơi, giặc kinh hồn/ Đến chót mới hay người hào kiệt/ Thẳm xa tiếng hổ vọng nước non” (theo thivien.net).
Ra khỏi đền Thề chúng tôi đi về phía sau đền, tiến đến tượng đài Người đứng trước nhà lưu niệm, cuối quảng trường, hoà trong bao la của nắng gió đất trời Yên Thế, nơi Đề Thám từng coi là quê hương thứ hai của mình. Bức tượng đồng đen Hoàng Hoa Thám oai phong lẫm liệt đứng trên bệ cao ốp đá. Tượng cao khoảng năm mét, nét mặt quắc thước, mắt nhìn về phía trước xa xăm, đầu vấn khăn vồ cùng ba chòm râu cọp như đang phất phơ bay trong gió, vốn rất quen như đã từng nhìn thấy trong ảnh. Bái lạy vong linh người anh hùng, người thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Yên Thế và cảm thấy ấm lòng với ân tình của hậu thế. Có lẽ ở đâu đó giữa mênh mông đất trời hẳn Đề Thám cũng thoả lòng mãn nguyện, tan mọi ưu phiền và độ trì cho muôn dân đất Việt. Ngắm nhìn bức tượng trong miên man những nghĩ suy lòng lại chợt nhớ tới mấy vần thơ của Đỗ Trung Lai viết khi về viếng người cùng nghĩa quân Yên Thế: “Non sông đau, hào kiệt chẳng cam lòng/ Trời không tựa, anh hùng đành ôm hận/ Thân về đất, tim hồng thành ngọc nát/ Thành hoàng hôn thắm đỏ đất trời thiêng/ Đất trời thiêng thơm danh tiếng hùm thiêng/ Tượng Đề Thám sừng sững trời Yên Thế/ Người khởi nghĩa, áo mang màu đất mẹ” (Môi dịu dàng, ta gọi Bắc Giang thu).
Nằm kề bên tay phải đền Thề, phía Nam của quả đồi là đồn Phồn Xương - thủ phủ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đồn được làm vào năm 1894, án ngữ con đường độc đạo đi vào căn cứ của nghĩa quân. Đây chính là nơi ăn, ở, sinh hoạt của gia đình Đề Thám cùng nghĩa quân. Đồng thời cũng là nơi đón khách bàn việc chính sự, thời thế, quân cơ của Đề Thám. Bây giờ đồn Phồn Xương đã trở thành một chứng nhân lịch sử, chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa người anh hùng áo nâu và nhà yêu nước Phan Bộ Châu, Phan Châu Trinh …; chứng kiến cuộc hoà đàm lần thứ hai giữa nghĩa quân Yên Thế và Thực dân Pháp lần thứ hai. Nghe kể, đồn Phồn Xương nhìn giống như một thành trì nhưng thực ra đây là một đồn binh. Đồn có diện tích hơn một mẫu, có hai vòng thành bằng tường trình đất dày dặn, kiên cố (cao ba mét, chân dày hai mét, mặt rộng một mét); hai vòng thành cách nhau từ mười đến hai mươi mét. Quanh tường có các lỗ châu mai. Mặt ngoài tường đắp thoai thoải như mái nhà. Bên trong tường trình đất có giật ba cấp để nghĩa binh có thể quỳ hoặc đứng bắn thuận tiện. Kiến trúc đồn hình chữ nhật với ba cổng, mỗi cổng có hai lớp cửa, bên ngoài cổng cánh, bên trong cổng toang, làm bằng gỗ lim. Cổng chính hướng Đông Nam, hai cổng phụ mở theo hướng Nam và hướng Bắc để thông ra cánh đồng và những quả đồi, cách rừng ở xung quanh. Hiện nay chỉ có cổng chính là tương đối còn nguyên. Trong đồn có hệ thống hào giao thông cơ động và thuận tiện mỗi khi có chiến tranh. Ngoài các bốt gác xung quanh, trong đồn còn có hệ thống nhà tranh vách đất trộn rơm để phục vụ nghĩa quân như nhà ở, nhà khách, nhà kho, nhà bếp, chuồng ngựa … cột đèn, cột cờ; phía sau đồn còn là các doanh trại, nơi luyện quân của Đề Thám. Như thế, xem ra đây là một đồn binh khá đặc biệt. Nó không những làm nhiệm vụ của một đồn luỹ mà còn đáp ứng được nhiệm vụ của một sở chỉ huy, nơi ngoại giao để cơ động trong mọi tình huống chiến đấu khi xảy ra. Chẳng những vậy, đồn Phồn Xương còn là nơi diễn ra những buổi sinh hoạt văn hoá của nghĩa quân cũng như của nhân dân trong vùng. Hàng năm Đề Thám thường tổ chức lễ hội và thu hút được rất nhiều người với nhiều trò chơi dân gian để nghĩa quân và nhân dân được nâng cao đời sống tinh thần. Chính tại nơi đây thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đã nói một câu bất hủ với người Pháp mà mọi người vẫn nhắc đến và lưu truyền cho nhau: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng". Đương thời đồn Phồn Xương và cuộc sống sinh hoạt ở đây đã làm cho không ít người phải ngỡ ngàng, đến cụ Phan Bội Châu cũng phải thốt lên rằng: “Tôi hai lần đến Phồn Xương. Xem khắp chung quanh dân. Trâu cày từng đội. Chim rừng quyện người. Đàn bà, trẻ em nhởn nhơ. Tiếng chày rậm rịch. Có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Tạo lập được một thế giới riêng biệt, thực là một nỗ lực riêng của tướng quân”. Như thế thì bảo sao mà thiên hạ không hết lời tụng ca: “Ba mươi năm giữ núi rừng/ Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”, “Phồn Xương một thuở vang danh/ Cụ Hoàng Hoa Thám dựng thành cứu dân/ Bấy nhiêu năm trải phong trần/ Phồn Xương in mãi dấu chân cụ Đề”.
Tạm biệt khu trung tâm, sở chỉ huy Phồn Xương chúng tôi đến chùa Lèo một trạm tiền tiêu của nghĩa quân Yên Thế. Cây dã hương, cây đại hàng trăm năm tuổi che mát cả cổng chùa và tôn thêm vẻ u nhã, cổ kính của chốn thiền môn. Tương truyền mùa xuân năm 1864, bà Ba Cai Vàng đã cầm quân chống lại triều đình Tự Đức ở Nải Sơn (Kiến Thụy, Hải Phòng). Sau hai mươi hai ngày đánh nhau bất phân thắng bại, để cho quân sĩ không bị thương vong bà đành cho lui quân. Trước khi giải tán quân sĩ, ngày 11 tháng 3 năm 1864, bà tổ chức tế chồng cùng các binh lính đã hy sinh. Sau đó bà vào chùa Lèo nương thân một thời gian rồi xuống tóc đi tu. Và trong cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, người ta bảo rằng sư ông chùa Lèo nhìn rất giống Đề Thám nên ngày 10 tháng 2 năm 1913, thực dân Pháp đã giết ông để lấy thủ cấp giả làm thủ cấp của thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa Yên Thế nhằm thị uy nhân dân ở chợ Nhã Nam. Bởi thế cái chết của người anh hùng Hoàng Hoa Thám đến nay vẫn còn là một nghi án đầy uẩn khúc. Đối diện với chùa Lèo, bên kia tỉnh lộ 938 xuôi về Hà Nội một đoạn đường ngắn là di tích đồn Hố Chuối, một pháo đài phòng thủ kiên cố của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Tại đồn Hố Chuối tướng quân Hoàng Hoa Thám đã nhiều lần trực tiếp chỉ huy quân sĩ đánh lui bao đợt tiến công của giặc Pháp khiến chúng phải thương thuyết xin giảng hoà với các điều kiện của nghĩa quân đặt ra. Người ta kể, cuối năm 1890 đầu năm 1891, đồn Hố Chuối chỉ có khoảng một trăm năm mươi nghĩa binh nhưng đã đánh bại bốn cuộc càn quét, tấn công của thực dân Pháp với hơn hai ngàn hai trăm binh lính vừa bộ binh vừa pháo binh, công binh được trang bị vũ khí hiện đại hơn rất nhiều. Trong những cuộc tấn công đó đã có hơn bảy mươi lính Pháp bị thương và gần ba mươi tên vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Yên Thế. Đặc biệt trong trận đánh năm 1894, thực dân Pháp đã bị thiệt hại nặng nề, nhiều sĩ quan và quan lại Pháp bị trọng thương cùng với hơn 40 lính tử trận. Di tích lịch sử Hố Chuối vẫn còn đó với những nấm mộ của nghĩa binh. Tuy nhiên, tất cả đồn luỹ, chiến trường năm xưa nay chỉ lại những đồi đất phất phơ cây cỏ. Duy chỉ có mỗi bức tường ốp đá ghi tên di tích đứng trơ gan cùng tuế nguyệt để đánh dấu và nhắc nhở mọi người về một di tích đồn binh quả cảm năm nào.
Chúng tôi đứng nán lại ở địa điểm di tích Hố Chuối để cố tìm xem có còn sót chút gì của người xưa còn lại nhưng thấy tuyệt nhiên vắng bóng. Chỉ thấy ngổn ngang đồi gò cùng cỏ cây hoa lá trong nắng trưa. Ngóng mãi rồi cũng gặp người qua để hỏi thăm xem khu di tích ở đâu vì cứ ngỡ mình chưa tìm đúng chỗ. Thế rồi qua cuộc trò chuyện chóng vánh với một chị trong xóm và được biết di tích đồn Hố Chuối chỉ có vậy. Phía bên kia đồi, đằng sâu bên trong có mấy nấm mộ của các liệt sĩ thời khởi nghĩa Yên Thế. Chị bảo vậy và cho biết thêm thi thoảng cũng có đoàn khách du lịch đến thắp hương cho các liệt sĩ. Chúng tôi cũng định vào thắp hương nhưng phần vì trưa nắng phần vì đi nhiều chị em ai cũng mệt nên đành bái vọng anh linh các nghĩa binh vong trận bằng nén tâm nhang và thầm hẹn lần sau quay lại.
Tạm biệt Phồn Xương chúng tôi xuôi về Hà Nội trong nắng vàng chiều xuân tươi đẹp mà lòng không khỏi vấn vương, buồn thương cho một khúc ca bi tráng của một thời đã qua. Ba mươi năm kháng chiến bất khuất, quật cường đất và người Phồn Xương - Yên Thế như những vì sao sáng giữa bầu trời đêm đen nô lệ. Dấu tích của một thời oanh liệt ít nhiều cũng đã phôi pha, nay chỉ còn vang bóng. Ước sao các di tích ấy sớm được phục dựng để anh linh người đã khuất đỡ bị tủi hờn. Chẳng những thế, hàng năm, cháu con trên khắp mọi miền có nơi để vè dâng hương tri ân, chiêm bái. Hy vọng mơ ước sẽ sớm thành hiện thực.
Tác giả dưới chân tượng đài người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám
Tác giả đứng giữa, trước cổng đồn Phồn Xương - đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế