*
Đọc bài thơ “Say yêu” khi gặp 2 từ “gian díu” tôi nghĩ có lẽ Đặng Xuân Xuyến đã dùng từ sai hoặc anh viết sai chính tả nhưng ngẫm nghĩ kỹ và đọc lại bài thơ mới thấy anh đã có chủ ý dùng từ “gian díu” vì chỉ 2 chữ đó mới diễn tả đúng được tâm trạng yêu của bài thơ: Một tình yêu cuồng nhiệt và vụng trộm! Và chỉ 2 chữ “gian díu” mới lột tả được những khát khao yêu đương, những đau đớn khi yêu và cả những nổi loạn bất cần giáo lý đạo đức của kẻ “Say yêu”, “Cuồng yêu” như gã si tình nổi loạn Đặng Xuân Xuyến!
Tình của "Say yêu" là thứ tình "gian díu", không phải là thứ tình "díu dan" “dan díu” như thường thấy ở đời nên một kẻ "Cuồng yêu", bạo liệt khi yêu, bất chấp quy tắc định chế của xã hội như Đặng Xuân Xuyến mới thẳng thắn rằng:
"Yêu thương nhé!
Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian"!
Ngay khi sử dụng 2 chữ "gian díu" nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã có chủ ý khẳng định với bạn đọc đấy là chuyện tình trái ngang vụng trộm. Anh "huỵch toẹt" cuộc tình đó giữa thanh thiên bạch nhật, bất chấp sự soi mói đàm tiếu của người đời:
"Yêu thương nhé.
Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian.".
Vì đó là thứ tình yêu “vụng trộm” trái ngang, yêu kiểu “bất chấp” nên anh sòng phẳng, không chấp nhận ngay cả sự e ngại của người phụ nữ vì theo khẩu khí của anh thì đó chỉ là kiểu làm dáng, làm mất đi thi vị của tình yêu:
"E ngại thế... Làm sao ta chẳng giận.".
Thơ tình của Đặng Xuân Xuyến thường có sự song hành cùng lúc 2 tâm trạng đối nghịch ngay trong một bài thơ, đó là sự đối nghịch giữa tâm trạng ngùn ngụt đam mê dục vọng với tâm trạng dằn vặt đau khổ trong tâm hồn vì cuộc tình đã không đạt được trọn vẹn một chữ TÌNH như mong muốn.
Tác giả Châu Thạch đã rất chính xác khi ông khái quát về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến:
“Đọc “Cưỡng Xuân” (tập thơ tình) của Đặng Xuân Xuyến, ta có hai sự rung động cùng một lúc. Đó là sự rung động của con tim yêu chân tình, say đắm và độ lượng. Cùng lúc đó cũng bốc lên trong bầu máu nóng của ta một thứ hương tình cúa thể xác. Hai thứ hương đó quyện vào nhau cho ta sự khoái lạc lạ lùng trong nỗi đau khổ quặn thắt. Khoái lạc vì thơ Đặng Xuân Xuyến như ngùn ngụt ngọn lửa của ái ân thể xác và của âu yếm tinh thần. Đau khổ vì thơ Đặng Xuân Xuyến làm lạnh con tim, nỗi sầu được diễn tả như bông lơn nhưng làm cho người nghe quặn lòng se thắt. Thơ đó không phải là thứ thơ hư cấu. Thơ đó là thứ thơ nở ra như những bông hoa trường trải được nẩy mầm từ hạt của nó, hạt ấy đã bị vui dập trong bao nhiêu biến động của đời.”.
Những câu thơ tả dục tình cuồng nhiệt, táo bạo, nóng bỏng, nhiều chất phồn thực nhưng không hề “khiêu dâm” “dung tục” đã làm nên nét riêng của thơ tình Đặng Xuân Xuyến, ví dụ:
- “Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non
Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận.”
(Say yêu)
- “Thôi, ngả vào ta, cuộn vào ta
Để đêm thánh thót rót trăng ngà
Để làn gió thoảng loang hương lạ
Để trộn vào ta, nghiến nát ta..”
(Cuồng say)
- “Ta muốn đêm này em với ta
Quyện từng hơi thở trộn thịt da”
(Ở lại)
- “Nướng thời gian với ngọn đèn hiu hắt
Mắt tìm môi thêm lơi lả ánh nhìn.”
(Chiều ta về)
- “Chẳng rình em tắm như người ta
Anh sỗ sàng dụ em buông thả
Vội vã thành đàn bà
Ngơ ngẩn làm "vợ người ta"
Em mặc miệng đời bủa vây mai mỉa
Lời yêu nuốt sâu cuống họng
Em thị phi khác thường...”
(Bến đợi)
- “Thì...
Ngủ với nhau một đêm
Ta nếm môi nhau một bận
Ta lần ngực nhau một bữa
Cho chừa cái nết sợ đêm.”
(Sợ đêm)
- “Vội vã cuống cuồng quấn chặt nhau
Chẳng vì yêu
Chẳng vì đầu mày cuối mắt
Ngấu nghiến nhau chỉ giải nghiền cơn khát
Trách móc làm gì câu nói đầu môi.”
(Tình vội)
- “Em hững hờ thả từng lọn trăng suông
Anh nén thở đè muôn ngàn con sóng
Vòng tay ôm có phần em lơi lỏng
Khẽ co người khi chạm khúc triều dâng.”
(Phía không em)
- “Em rướn mình hà hít nụ hôn anh
Tê tái lắm. Cuộc tình mình thật tội
Môi khóa môi mà sao xa vời vợi
Đêm cuống cuồng khỏa lấp nỗi chơi vơi.”
(Mơ trăng)
Những câu thơ cuống quýt yêu, bạo liệt yêu như thế xuất hiện trong thơ Đặng Xuân Xuyến khá nhiều và các chuyện tình trong thơ của anh cũng phần nhiều rơi vào những sự éo le, ngang trái. Với “Chuyện tình của "Mơ Trăng" là cuộc tình một bên cuống quýt được thỏa mãn cơn khát thèm thể xác, vội vã tận hưởng những phút giây ân ái, một bên lặng người, xót xa, tội nghiệp cho tình yêu "em" đang dâng hiến và cũng tê tái cho cuộc tình ngang trái của cả hai.” (Vài cảm nhận về 2 bài thơ tình của cậu học trò lớp 12 - Đặng Xuân Xuyến). Thì “Tình vội” lại là một chuyện tình đơn thuần chỉ là cuộc giao hoan giữa 2 thân xác, cả 2 lao vào nhau để tự giải tỏa những khát khao tình dục cho nhau còn chuyện tình của “Say yêu” thì đích thực là lời mời gọi khát tình của một kẻ cô đơn này với một kẻ cô đơn khác:
SAY YÊU
- Với T.L.A -
.
Yêu thương nhé. Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian
Uống nữa đi. Đây rượu ngọt. Môi mềm
Đêm lạnh lắm đừng để ta lẻ bạn.
.
Nào nâng chén cho sầu sầu rũ bỏ
Trút áo xiêm cho đêm bớt ngại ngần
Đây rượu nồng, men ủ đã nhiều năm
E ngại thế... Làm sao ta chẳng giận.
.
Thì ta biết thuyền em chưa bến đậu
Giấu mơ hoang vật vã đợi phong cuồng
Ta nhốt mình đằng đẵng mấy mùa ngâu
Nén lơi lả loạn điên nơi cõi mộng.
.
Ừ thì rượu. Ừ thì thơ. Ừ mộng đẹp
Ừ thì say cho hỉ hả phong trần
Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non
Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận.
.
Yêu thương nhé.
Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian...
*.
Hà Nội, đêm 11 tháng 04 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Trong thi ca Việt Nam, hầu hết những người đẹp trong các tiệc rượu của các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu... là gái giang hồ, là kỹ nữ... chỉ là khách mua vui của các thi nhân nhưng những người đẹp trong thơ rượu của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến (Say yêu, Em, Mơ đêm, Ở lại,...) lại là những người con gái khoác áo “con gái nhà lành” nhưng khát yêu, cuồng yêu vì cô đơn, vì những trắc trở của các cuộc tình... đến với thi nhân cũng chỉ để thỏa mãn những bức bách của dục tính gần như là tình một đêm, tình chớp nhoáng.
Đặng Xuân Xuyến đã bộc bạch quan niệm về thơ tình qua bài anh cảm nhận về tập thơ “Sóng ngầm” của nhà thơ Ngô Nguyễn:
“Thơ Ngô Nguyễn ít có những giằng xé dữ dội của tâm trạng, của những ham muốn yêu đương xác thịt mà thường là những chuyển biến rất nhẹ nhàng, những xáo trộn tình cảm vẫn còn nằm trong sự “kiểm soát” và “giữ gìn” của lý trí, kiểu: Ừ thì,/ gió thoảng mây bay/ Ừ thì,/ chỉ cái chau mày/ nhếch môi....(Ừ thì)... của những nỗi buồn chơi vơi, của những xâm chiếm nhẹ nhàng hồn cốt: Được lời/ em đến thăm nhà/ Ngó cau/ cau mới đang hoa/ bao giờ (Mùa cau)... Tình yêu đấy “sạch” quá, “lành” quá. Ôi! Tình yêu! Phải có những lườm nguýt “ứ hự”, phải có những cắn, cấu, cong người, những “nổi loạn”, hả hê... thì mới sướng, mới khoái, mới đã, mới đích thực là tình yêu, chứ cứ lượn lờ mây trôi cá lội, í a í a thì quá chán... Vâng! Tôi quan niệm tình yêu phải vậy.”
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Châu Thạch thì chắc nịch về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến:
“Phải chăng thứ tình yêu bình thường, những ân ái bình thường không đáp ứng được cho một trái tim nhạy bén, một tâm hồn thơ luôn mơ mộng sự trong trẻo, sự vô biên, dây quyến luyến vượt quá cuộc đời. Con người thật của Đặng Xuân Xuyến ra sao ta đâu biết được nhưng thơ Đặng Xuân Xuyến quả là đúng như vậy.”
Còn tôi thì chua thêm câu về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến:
Đặng Xuân Xuyến cuồng nhiệt yêu, bạo liệt yêu vì anh chưa thực sự được sống trọn vẹn với tình yêu!
*.
Hà Nội, ngày 1 tháng 12 năm 2021