Vậy bay biết luận xét điềm giời, mà những dấu chỉ thì giờ bay chẳng biết được ru? Dòng dõi hung ác gian râm cầu phép lạ, song chẳng cho nó xem phép lạ, chỉ cho nó phép lạ tiên tri Jona.
Evan Ông Thánh Mattheô XVI, 4
Mỗi năm đến Mua Chay Cả, và đặc-biệt là trong Tuần Thánh, dưới gầm trời, nơi nào có giáo họ và giáo-dân người Việt, nơi đấy vang lên tiếng cung ngắm thê-thiết, tường-thuật cuộc tử-nạn của Chúa Giêsu bằng một thứ văn xuôi tiếng Việt, rất xa lạ với tiếng Việt chúng ta vẫn chuyện trò và sử-dụng hằng ngày. Một thứ văn xuôi tiếng Việt còn bảo-lưu những lối xưng-hô lạ lẫm, những câu đối-thoại, những cách diễn-đạt và đưa đẩy tự-sự đã cơ-hồ vắng bóng không những trong văn nói thường-nhật, song thậm-chí trong văn viết — dù là những lối văn-phong cổ-kính hay điển-nhã cầu-kỳ đến đâu — trừ-phi kinh nguyện nhà đạo, chẳng còn thấy đâu nữa. Cứ đọc một hai câu trong Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu, chúng ta gặp phải những từ-ngữ lạ hoắc, những cấu-trúc đặt câu, nếu xét theo ngữ-cảm tiếng Việt hiện-đại, phải nói là vụng về và trúc trắc:
Thứ bốn thì ngắm: Khi quân dữ nộp Đức Chúa Giêsu cho An-nát, là cha vợ Cai-pha làm thầy cả Giudêu; mà Đức Chúa Giêsu chịu nhiều sự khốn khó trong nhà ấy, đoạn mới nộp cho Cai-pha. Bấy giờ có một người các quan xỏ tay vào bao sắt mà vả ngang mặt Đức Chúa Giêsu trước mặt thiên hạ. Thầy cả Giudêu nghe thấy Đức Chúa Giêsu xưng ra mình là Con Đức Chúa Trời, thì mắng rằng: “Ấy bay đã thấy nó nói lời lỗi làm vậy, còn tìm chứng nào làm chi nữa, mà chẳng giết đi cho rồi?” Đêm ấy quân dữ bắt trói cánh tay Đức Chúa Giêsu vào cột đá, mà lấy khăn che mặt, đoạn mới nhổ cùng giật tóc và râu Đức Chúa Giêsu, lại lấy roi cùng bên dưới giầy đi, đánh ngang mặt, lại vả thâu đêm bốn trăm lần. Đêm ấy có kẻ hỏi ông Thánh Phêrô rằng: “Mày phải đầy tớ Giêsu chăng?” Ông Thánh Phêrô liền sợ mà chối ba lần rằng: “Min chẳng biết người ấy là ai.” Đức Chúa Giêsu thương mà trở mặt ra xem ông Thánh Phêrô, bấy giờ người mới ăn năn tội ấy lắm, ra ngoài khóc lóc chẳng có khi đừng; trọn đời đến sớm mai gà gáy, nhớ đến tội xưa, liền khóc lóc. Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính mừng, thương Đức Chúa Giêsu, cho chúng tôi mạnh sức mà xưng đạo Đức Chúa Giêsu ra, kẻo ngày nào chối chăng. Amen.
Đoạn này, tôi chép theo văn-bản chính-thức của tổng-giáo-phận Hà-Nội, lại chính đoạn này, tôi vừa mới nghe trong nhà thờ Kẻ Bưởi cách đây vài tiếng, song nếu đem đối-chiếu với các văn-bản viết bằng chữ nôm vào các thế-kỷ trước đây, thì hầu như chẳng sai một chữ. Trừ kinh nguyện Công-giáo ra, tôi thật chẳng biết còn nơi nào ở Việt-nam còn nghe được những đại-từ nhân-xưng như “min,” “tao” (dùng với sắc-thái trung-lập), “phô ông,” “các quan” không. Hay là những từ đa-âm-tiết như “cả-và” (“cả-và mình,” “cả-và thiên-hạ,” “cả-và loài người ta”), hay “là-đá” (“núi non là-đá vỡ ra tan tác), giáo-dân vẫn rất quen tai, dù đã biến hẳn khỏi tiếng Việt hiện-đại. Thậm-chí, chữ “là-đá” này, các học-giả nghiên-cứu tiếng Việt trung-đại vẫn phiên-âm thành “la-đá” mà có vẻ không hề biết rằng trong văn-bản Công-giáo lại có truyền-thống đọc theo âm “là-đá.” Có học-giả hải-nội đã viết hẳn một bài nghiên-cứu giải-mã từ “nương long” mà không hề biết từ “nương long” này vẫn xuất-hiện thường-xuyên trong kinh nguyện Công-giáo.
Suốt một thế-kỷ qua, những cuộc biến-thiên và cải-cách trong xã-hội và văn-hóa người Việt, vốn chẳng thể kể sao cho xiết. Song, ở một mức tinh-vi nào đó, câu chuyện của lịch-sử Việt-nam đương-đại, là câu chuyện về sự hưng-vong của những thế-giới-quan, nói đúng hơn là của cả những thế-giới văn-hóa và ngôn-ngữ, có thể chia ranh giới theo những hệ-thống văn-tự Đông Tây, xưa nay. Một khi chữ vuông — bao gồm cả chữ Hán, chữ nôm — bị thay thế triệt-để bởi chữ cái La-Mã, khả-năng của đa-số người Việt để tiếp-cận và thấu-hiểu văn viết của người xưa đã chịu một cơn gián-đoạn nào đó. Bảo là một sự cắt đứt triệt-để, thì e rằng thái-quá. Nhưng quả-nhiên, không thể chối rằng đi kèm theo văn-tự La-Mã là sự hình-thành của những khái-niệm về ngữ-pháp, về chánh-tả, về một tiếng Việt “chuẩn,” đã ít nhiều thu nhỏ và làm nghèo nàn đi không-gian ngôn-ngữ của chúng ta. Cách đây một trăm năm, tổ-tiên chúng ta có thể nhìn vào cùng một chữ nôm mà phát-âm, rằng “trả,” rằng “giả”, rằng “lả” mà chẳng có phát-âm nào đúng hơn phát-âm nào. Vốn dĩ, xuôi ngược một, hai trăm năm trước đó nữa, thì cách phát-âm phổ-thông của cùng một chữ đó lại là “blả.” Đến nay, dư-luận vẫn quanh quẩn mãi trong những cuộc tranh-luận hăng hái về tiếng Việt, về phương-âm này, phương-âm nọ, mà thường không tự biết những gì chúng ta mặc-nhiên cho là thường-thức về tiếng Việt “chuẩn,” kỳ-thực lắm lúc chẳng có căn-cứ mấy.
Phép chấp-bút, không thể tách rời khỏi sự học chữ. Chữ chữ này, tổ-tiên chúng ta hiểu ngầm chỉ nói riêng về chữ Hán. Học chữ đối với người xưa, tức là học chữ Hán. Song, tôi chẳng có ý chủ-trương rằng phải xổ Nho mới kể là kẻ cầm bút. Sự phân-biệt của người xưa giữa văn-tự (tức là chữ Hán) và quốc-âm (tức là cái chúng ta gọi “chữ nôm” theo thói quen) không còn thiết-thực đối với cảm-thức ngôn-ngữ của chúng ta. Đây là một hệ-quả đáng kể của biến-cố “La-Mã-hóa” của Việt-văn. Cái hiểu của chúng ta về khái-niệm chữ, mang tính bình-đẳng và phổ-quát, không có tiền-lệ trong lịch-sử tư-tưởng Việt-nam. Song, phạm-vi của chữ càng được khuếch-trương bao nhiêu, thì cái sự thông thạo và quen thuộc cố-hữu và thụ-động của kẻ cầm bút về chữ lại chịu thu nhỏ bấy nhiêu. Một trăm năm trước, thiệp-lãm vài chục pho “kinh, sử, tử, tập,” phiếm-độc vài truyện quốc-âm, đã đủ gọi là hay chữ rồi. Ngày nay, chỉ để trì-bút hành-văn, đòi hỏi nhiều hơn gấp bội. Chúng ta đang trải qua những ngày tháng, chắc chắn là không-tiền khoáng-hậu nhất trong lịch-sử nhân-loại. Cho dù các công cuộc sáng-tác nghệ-thuật của con người chưa bị thay thế hoàn-toàn bởi máy móc, song kẻ sáng mắt, dù là kẻ thủ-cựu ngoan-cố, cũng đã nhận ra không những phương-thức mà thậm-chí đến cả định-nghĩa và ý-nghĩa của nghệ-thuật nhân-văn đã bị thay đổi triệt-để bởi những công-cụ AI còn ẩn chứa đầy những chấm hỏi kinh-hoàng. Một thời-gian nữa, chúng ta sẽ không còn phân-biệt nổi giữa những cây bút tầm-thường và máy móc.
Điều này là phước hay là hoạ cho kẻ cầm bút, thiết-nghĩ ai nấy phải tự phải suy gẫm trong thầm kín của tâm-hồn. Với tôi, có một điều hiển-nhiên — những sáng-tác tầm-thường, có khi cả những sáng-tác trung-bình, của con người sẽ không cạnh-tranh nổi với sản-phẩm AI. Một, hai năm nữa, sẽ chẳng còn lý-do nào cho con người hạ-bút viết ra những thứ sáng-tác rẻ mạt lâu nay vẫn tràn lan và chi-phối thị-trường. Ngày nay, chỉ để sở-hữu đủ tư-cách con người của một kẻ cầm bút, chúng ta phải nỗ-lực làm sao để biện-minh cho sự tồn-tại đồng-thời của chúng ta với những bộ não cơ-khí chứa đựng kho thông tin gấp bội toàn-thể những ông nghè cậu cử thủa xưa. Tất cả những sự cạnh-tranh về mặt bác-học, về những tiểu-xảo tầm-chương trích-cú, đều sẽ thất-bại khi lấy xác thịt mà chọi với máy móc. Cho dù ta đã có sẵn những miền tịch-địa tinh-thần, những “lâu-đài nội-tâm” theo cách gọi của bà thánh Têrêsa thành Avila, cuộc vây thành mục-tiền sẽ đòi hỏi nhiều công-phu phòng-vệ chỉ để duy-trì sự tự-giác tối-thiểu trước cơn thôi-miên của tiện-lợi. Hơn bao giờ hết, tôi hoài-nghi tất cả những sự dễ dãi, tất cả những lẽ đương-nhiên là bởi ma-quỷ mà ra. “Sinh ư ưu-hoạn, tử ư an-lạc” đối với thế-hệ chúng ta chẳng phải là sáo-ngữ của cổ-nhân, mà chính là hiện-thực chúng ta đã mắc phải trong cuộc đổi ngôi cơ-cấu xã-hội khôn lường nhất lịch-sử.
Tôi trình bày lan-man, chung-quy là để nói về vai trò của chữ trong công cuộc phản-cách-mạng này. Cạnh-tranh với máy móc về sự hay chữ, chúng ta đã thua. Ít lâu nữa, cạnh-tranh về khả-năng hành-văn “trong sáng” có lẽ chúng ta cũng sẽ thua. Song, bây giờ chúng ta đã có thể tự hỏi, một cách nghiêm-túc hơn, rằng: sự “trong sáng”, sự “chuẩn” của văn viết, của ngôn-ngữ có phải là điều chúng ta nên quan-tâm và hướng tới trong sáng-tác hay không? Văn-phong có nên dễ hiểu và ngắn gọn không? Phạm-vi của những từ-vựng, những cấu-trúc đặt câu, được xem là “chuẩn” và hợp ngữ-cảm tiếng Việt cụ-thể nằm ở đâu, và được xác-lập thể nào? Thông-thường, chúng ta cho rằng sự phồn-diễn của Việt-văn là hiện-tượng của thế-kỷ 20. Nhưng sự tồn-tại của văn xuôi và kinh nguyện Công-giáo lại phủ-định hoàn-toàn cách hiểu này. Văn-phong trong văn-hiến Công-giáo Việt-Nam trước thế-kỷ 20, trừ những tác-phẩm mang tính-chất văn-chương như các bài diễn-ca của Phêrô Phạm Trạch-Thiện hoặc ca vè của Cụ Sáu, phần lớn thiên hẳn về văn nói thông-tục. Chính vì thế, tác-giả Tây-dương Gia-tô bí-lục đã nhạo, rằng chữ nghĩa trong kinh nguyện Công-giáo quê kệch đến buồn cười. Chính trong sự quê kệch và thông-tục đấy, tôi lại thấy có một nguồn sinh-lực mạnh mẽ, đủ để sống sót qua những bước trời thăng-trầm của lịch-sử vốn đã đưa hầu hết văn-hóa truyền-thống vào chỗ diệt-vong. Số người biết đến và thưởng-thức được Mai-đình mộng-ký, Hoa-tiên truyện, thơ của các vua chúa và danh-sĩ thời trung-hưng, cơ-hồ chẳng còn ai ngoài một số chuyên-gia. Kinh-kệ Phật-giáo, trừ nhà nghiên-cứu ra, cũng chẳng còn ai đọc theo những bản quốc-âm của thế-kỷ 18 và 19. Song, bao lâu trong nhà thờ còn vang lên tiếng ngắm Mùa Chay Cả, bao lâu giáo-dân vẫn đọc Kinh Cầu Chịu Nạn và Kinh Vực Sâu cho “ông bà, cha mẹ, anh em, bạn hữu” quá-cố, bấy lâu những mảnh tinh-thần thế-kỷ 17 và thế-kỷ 18 vẫn sẽ tồn-tại như một mạch ngầm giữa lòng thời-đại. Ít lâu nữa lãnh-thổ này cũng sẽ bị xâm-chiếm, và lúc đấy chúng ta sẽ ra lệnh cho AI soạn văn xuôi theo văn-phong Các Thánh truyện của Girolamo Maiorica, theo Sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh, theo Kinh Thánh cứ bản Vulgata của Cố Chính Linh. Nhưng bao lâu ngày giờ chưa muộn, chúng ta vẫn còn cơ-hội để khẳng-định và kiện-toàn tư-cách con người trong văn viết. Một cách nghịch-lý, để duy-trì tính cập-nhật và thích-đáng ở đời mạt-quý này, chúng ta phải quy-hướng về quá-khứ.
Chúng ta là những kẻ vãn-bối cực-kỳ bất-tiếu, vừa kế-thừa vừa bỏ quên những di-chỉ chúng ta không thật-sự hiểu biết. Có lẽ tổ-tiên chúng ta đã không hình-dung được sẽ có một thế-hệ sau họ, đọc tựa đề Phật-thuyết đại-báo phụ-mẫu ân trọng kinh mà còn nắm rõ ý-nghĩa từng chữ còn hơn là khi đọc “Kinh này Bụt thốt cả blả ơn áng ná cực nặng.” Vì những nguyên-nhân nào đó, vận-động “chỉnh-lý quốc-cố” ở Việt-nam hầu như chẳng có thành-tựu nào đáng kể, những trăn trở ưu-thời mẫn-thế của bao nhiêu thế-hệ cải-cách và cách-mạng, nếu còn ai nhắc đến cũng chỉ để tán-tụng một cách chung chung. Điều này có thể thấy rõ ở trường-hợp các tiểu-luận đăng trên báo Nam-Phong liên-quan tới vai trò của chữ Hán trong công cuộc bảo-tồn và phát-huy quốc-túy. Khác với những biếm-hoạ công-kích các cây bút đắc-lực của Nam-Phong, những người thường bị xếp vào phái cựu-học như Dương Bá-Trạc hay Nguyễn Bá-Trác, về cơ-bản có chủ-trương cải-cách sĩ-phong theo xu-hướng Tây-học. Chủ-trương bảo-tồn Hán-văn của họ chỉ áp-dụng vào trường-hợp của những học-viện giả-tưởng, mà chủ-yếu chỉ có mục-đích bồi-dưỡng một thứ mỹ-cảm ngôn-ngữ và văn-hóa được cho là đặc-trưng của Việt-nam. Quốc-học, theo xu-hướng này, kỳ-thực là sự học hướng về thực-tiễn trong đời sống cá-nhân — hay như Pierre Hadot đã nói về triết-học, là một phong-cách sống (la philosophie comme manière de vivre). Riêng về việc “chỉnh-lý quốc-cố” theo khuynh-hướng bồi-dưỡng mỹ-cảm, hầu đúc nên một phong-cách sống, e rằng việc này cũng chỉ dừng ở lớp bì-phu. Để canh-tân về mặt tinh-thần, ngoài sự đọc có ý-thức và chọn lọc ra, còn đòi hỏi nhiều công-phu quán-tỉnh phép dùng chữ như một thực-tiễn chứng-minh cho sở-học vậy. Vì chưng, “Chẳng phải của ăn vào miệng làm cho người ra ô uế; bèn là sự bởi miệng mà ra mới làm cho người lây ô uế.”
Việt-Thạch
Tuần Thánh, Kẻ Bưởi