Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000)
(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)
Sự nghiệp văn chương của Ivan Bunin là rõ ràng và không có gì phức tạp. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ và trưởng thành trong truyền thống văn học của thời đại mà giai cấp xã hội thống trị nền văn học Nga, tạo ra một dòng văn học quan trọng ở châu Âu đương đại.
Tài sản gia đình chẳng còn gì để lại cho Bunin ngoại trừ thế giới thi ca mà ông cảm thấy có một mối quan hệ mật thiết với những thế hệ quá khứ. Ông sống trong thế giới ảo tưởng thiếu sinh lực, đúng hơn là thế giới của tình cảm dân tộc và niềm hy vọng vào tương lai. Tuy nhiên, ông cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của phong trào cải cách. Khi còn đi học, ông bị kích động mạnh vì lời kêu gọi của văn hào Tolstoi là hãy bày tỏ tình anh em với những người thấp hèn và nghèo khổ. Vì vậy, ông cũng lao động để sống như những người khác bằng chính đôi tay của mình, ông chọn nghề đóng thùng tại nhà một người đồng đạo.
Trong thời gian này, ông chú tâm đến những bài thơ chân phương cổ điển mà chủ đề luôn diễn tả vẻ đẹp u buồn của đời sống đã qua ở những thái ấp, đồng thời phát triển khả năng thơ xuôi và viết những bài thơ hết sức tinh tế tả những cảnh thiên nhiên đã gây ấn tượng sâu đậm và phong phú cho ông. Ông tiếp tục đi theo con đường nghệ thuật hiện thực vĩ đại trong khi những nhà văn đương thời lại dấn thân vào cuộc phiêu lưu của những cương lĩnh văn nghệ: chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa tân tự nhiên, chủ nghĩa nguyên thủy, chủ nghĩa vị lai và nhiều thứ chủ nghĩa ngẫu nhiên khác như thế. Vì thế ông là người bị cô lập trong một thời đại cực kỳ giao động.
Năm bốn mươi tuổi (1910), Bunin cho ra đời quyển tiểu thuyết Ngôi làng (Derévnya), gây ra một cuộc tranh luận kịch liệt và ông bắt đầu nổi tiếng từ đó. Ông tấn công vào điểm cốt lõi của niềm tin nước Nga vào tương lai, điều mơ ước của gia đình Slavophile, người tá điền có năng lực và đáng tự hào, thông qua họ, một ngày nào đó nước Nga sẽ tỏa bóng của mình bao trùm thế giới. Bunin đáp trả luận điểm này bằng cách mô tả khách quan thực chất đạo đức của những người tá điền. Kết quả đây là một trong những tác phẩm ảm đạm và thảm khốc nhất trong nền văn học Nga, nơi mà những tác phẩm như vậy không phải là hiếm.
Trong một tinh thần hoàn toàn khác, quyển truyện vừa Sukhodól (1911-1912) viết về một thái ấp như bản đối chiếu với Ngôi làng. Tác phẩm không phải là bức chân dung của thời hiện tại mà là thời hoàng kim của các chủ đất, được nhớ lại bởi người giúp việc già trong ngôi nhà Bunin đã lớn lên. Trong tác phẩm này, tác giả không phải là người lạc quan. Những chủ đất không có mấy nghị lực, họ không xứng đáng chịu trách nhiệm cho chính số phận của họ và số phận của những người thuộc hạ như người buộc tội khắt khe nhất mong muốn được. Thực tế người ta có thể thấy ở đây, trong một phạm vi rộng lớn nhiều yếu tố nhằm bảo vệ con người mà Bunin đã âm thầm bỏ qua trong tác phẩm Ngôi làng.
Trong suốt những năm còn lại trước Thế chiến I, Bunin đã thực hiện một chuyến viễn du qua những quốc gia vùng Địa Trung hải và đến tận Viễn Đông. Nó cung cấp cho ông nhiều đề tài để viết một loạt truyện vừa mới lạ, nhưng điều quan trọng hơn đối với ông là sự tương phản nổi bật nhất giữa phương Đông kỳ ảo và chủ nghĩa thuần vật chất khát khao và tàn nhẫn của phương Tây. Khi chiến tranh nổ ra, những nghiên cứu trong tinh thần của người chu du khắp thiên hạ với ảnh hưởng sâu sắc do thảm kịch thế giới tạo ra đã giúp ông có cơ sở để viết nên tác phẩm nổi tiếng nhất: Người quý phái ở San Francisco [Gospodín iz San Francisco] (1916). Nó là điềm báo tình hình thế giới hỗn độn ngày càng gia tăng, lên án bản chất tội lỗi trong tấn thảm kịch của nhân loại, sự bóp méo nền văn hóa nhân loại đã đẩy thế giới đến chỗ diệt vong. Người quý phái ở San Francisco được đánh giá là một kiệt tác văn chương.
Trong văn học sử nước Nga, vị trí của Ivan Bunin được xác định một cách rõ ràng và tầm quan trọng của ông được thừa nhận lâu dài và hầu như không có ý kiến nào phản đối. Ong kế tục truyền thống vĩ đại của thời đại sáng chói thế kỷ 19, làm cho hoàn thiện cách diễn đạt phong phú và cô đọng – mô tả cuộc sống thực tế dựa trên tính xác thực tối đa. Với một nghệ thuật diễn tả chân xác nhất, ông đã chống lại mọi cám dỗ để quên đi sức quyến rũ của ngôn từ. Mặc dù bản chất là một nhà thơ lãng mạn, ông không hề tô son điểm phấn những gì mình thấy mà chỉ mô tả chúng bằng độ trung thực nhất.
Vì vậy, Viện Hàn lâm Thụy điển đánh giá Ivan Bunin là nhà văn “tiếp tục những truyền thống Nga cổ điển trong thể loại văn xuôi bằng một nghệ thuật chính xác.”/