Đến với bài thơ hay:
Nguyễn Tiến Nên đã găm mình vào dòng thơ đương đại tự lúc nào không hay. Nhiều người còn đùa vui ông là nhà chung cư văn hoá. Tôi thì đọc thơ ông bằng những gam màu tinh tuý và phô diễn cứ mỗi lần ông sinh nở những đứa con tinh thần của mình. Đọc "Qua đêm" của ông, tôi như được hoà mình vào dòng cảm tưởng, vừa bâng khuâng bởi quá khứ, vừa hầm hập với những lẽ dĩ nhiên thực tại. Trước hết, có thể nói rằng, đây là một bài thơ có tính khái quát rộng cả về quá khứ và hiện tại, cả về không gian và thời gian. Thứ nữa, có thể khẳng định, nơi ông "qua đêm" chính là bán đảo Bảo Ninh: "Tôi bước giữa quê em/mắt đỏ hoe không bởi "nắng trưa"/mải tìm dấu chân thi nhân trên cát/ những khối rubic diễn phô mời mọc/vươn cánh tay thi nhau khoắng mây trời".
Nhà thơ đang bước trên miền quê của người em nào đó, cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng bổng dưng mắt ông đỏ hoe, mà không phải vì "nắng trưa", vì mải đi tìm dấu chân thi nhân trên cát. Thi nhân ở đây là ai để anh mãi đi tìm? Phải chăng đó là nhà thơ Tố Hữu? "Nắng trưa" mà ông từng nhắc tới, chính là "nắng trưa" trên "cồn cát chang chang Quảng Bình" trong bài thơ "Mẹ Suốt". Nhưng người thơ tìm làm sao được dấu chân thi nhân mấy chục năm về trước, khi "những khối rubic" khổng lồ, xếp đều tăm tắp, vươn "những cánh tay thi nhau khoắng mây trời", đầy diễn phô, mời mọc khắp trên bán đảo này. Ý ông muốn nói tới những khu resort, khu nghỉ dưỡng, căn hộ thông minh... đang được các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện. Thử hỏi còn đâu cồn cát như xưa để anh tìm được dấu tích của người thơ. Tôi lưu tâm hai từ "thi nhau", điều này nói lên nhịp độ lao động trên những công trình. Những "cánh tay" ấy không chỉ "khoắng mây trời", mà còn "thi nhau khoắng mây trời". Chỉ với hai từ ấy, đủ thấy thị giác của anh đã được vận dụng tuyệt đối. Và ông tiếp tục sục sạo: "Tôi dọc ngang nơi trương hương từng "bọc đạn"/hố bom xưa hoa rung rinh khoe sắc/"gót son" chốn nào/chỉ có gió miên man".
Một cách ngụy trang tên riêng rất khéo của người thơ. Trương Hương vốn là cậu thiếu niên đã dũng cảm vượt mưa bom bão đạn, tiếp đạn cho dân quân Bảo Ninh bắn rơi máy bay Mỹ năm nào, hình ảnh ấy thật sinh động trong bài thơ "Em bé Bảo Ninh" của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh, được nhạc sỹ Trần Hữu Pháp phổ nhạc thành bài hát cùng tên: "Em bé Bảo Ninh/Bên bờ Nhật Lệ/Dưới trời lửa khói/Em như cánh tên/Bay trên cồn cát/Rẽ gió xông lên/Cởi khăn quàng đỏ/Bọc đạn chuyền đi/Trận địa bom nổ/Gót son sá gì...".
Cái hay, cái mới, cái cắm cài vào lòng độc giả, chính là người thơ đã khéo đồng hiện thi ảnh: "hố bom xưa hoa rung rinh khoe sắc/"gót son" chốn nào/chỉ có gió miêng mang"! Như vậy cả hai điều ông cần tìm đều không đạt được: Dấu chân thi nhân và "gót son" của cậu bé đều đã tan nhòa trong sự biến thiên của thời gian và vạn vật. Chỉ còn gió! Gió biển! Và gió trong trạng huống này là "miêng mang"! Cái hay, cái đẹp của thi ngôn được người thơ vận dụng thật khéo, thật tài tình. Và rồi: "Tôi lại cùng bán đảo qua đêm/đàn ong thợ vẫn treo mình/không gian vôi vữa/sao trời lưa thưa/bận bịu nơi hạ giới/ánh mắt no nê/hạnh phúc lứa đôi". Nhà thơ đã không hề giấu diếm, anh sẵn sàng hé lộ rằng, anh đã "qua đêm" nhưng đó là một cuộc qua đêm cùng bán đảo thì thật là lạ! Và chính trong thời điểm ấy, anh thấy trong khi bao đôi lứa đang rạng ngời hạnh phúc khi chọn cho mình một chiếc tổ ấm. Sự mãn nguyện nhìn thấy trong đôi mắt những người đang tìm hiểu sản phẩm. Thì những người thợ vẫn treo mình suốt đêm giữa không trung, cùng với vửa vôi sắt thép... Cái hay ở đây, ông thay thế những người thợ bằng "đàn ong thợ" thì thật là cao thủ. Loài ong là con vật tận hiến, chăm chỉ kiếm tìm hương hoa làm mật cho đời. Những người thợ xây đang "treo mình" kia cũng khác nào những chú ong thợ.
Một không gian về đêm sáng bừng trên bán đảo Bảo Ninh, khiến tác giả tưởng tượng, những vì sao trên bầu trời như thưa hơn vì rất nhiều ngôi sao còn "bận bịu nơi hạ giới". Thực mà như ảo. Ảo nhưng rất thực. Và chính giữa khung cảnh ấy, người thơ xúc động hồi tưởng một thời: "Đêm vọng về thanh âm của thời gian/đường đến smart lifes không còn trong ảo tưởng/có dáng mẹ băng mình trên sóng/và sông quê vẫn tiếng hát năm nào".
Đến đây, các giác quan của người thơ được huy động tối đa, khi mà chủ thể trữ tình bản ngã rộn lên bao cung bậc tâm trạng. Những âm thanh ngọt dịu được thời gian chắt lọc, vọng đến bên anh, khiến ông thêm tự tin khi nghĩ rằng, cái đích để đi tới cuộc sống thông minh ở nơi này không còn bao xa nữa. Khi mà Bảo Ninh đã được giới đầu tư gọi là mảnh đất vàng, cùng với đó là các dự án lớn vừa thi công sẽ mang tới nhịp sống của một đô thị thông minh trên bán đảo này trong một tương lai không xa.
Trong ông hiện lên dáng mẹ, với mái chèo băm bổ trên con sông quê. Và đâu đó vẫn ngân vang giọng hát về một thời gian khó, để có những gam màu tươi mới cho cuộc sống hôm nay.
Quảng Bình 4/2023
Sau đây là nguyên văn bài thơ, được nhà thơ đăng lên facebook ngày 20/4/2023:
QUA ĐÊM
Tôi bước giữa quê em
mắt đỏ hoe không bởi "nắng trưa"
mải tìm dấu chân thi nhân trên cát
những khối rubic diễn phô mời mọc
vươn cánh tay thi nhau khoắng mây trời
Tôi dọc ngang nơi trương hương từng "bọc đạn"
hố bom xưa hoa rung rinh khoe sắc
"gót son" chốn nào
chỉ gió biển miêng mang
Tôi lại cùng bán đảo qua đêm
đàn ong thợ vẫn treo mình
không gian vôi vữa
sao trời lưa thưa
bận bịu nơi hạ giới
ánh mắt no nê
hạnh phúc lứa đôi
Đêm vọng về thanh âm của thời gian
đường đến smart lifes không còn trong ảo tưởng
có dáng mẹ băng mình trên sóng
và sông quê vẫn tiếng hát năm nào.
20/4/2023