Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.142.933
 
Tản mạn cùng Cô Tô
Phan Anh

Hoàng hôn trên biển Cô Tô

 

Bình minh lên nhìn từ bãi đá Móng Rồng

 

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

 (Trung tâm GDNN – GDTX Hoài Đức, Hà Nội)

 

Được sự rủ rê của cô bạn, cuối tháng năm, khi vừa kết thúc năm học, chúng tôi đã “xách ba lô” lên và đến Cô Tô, nơi tiền đồn của Tổ quốc trên vùng biển Đông Bắc thân yêu. Dẫu đã biết đất, trời, biển cả của Cô Tô đã quá nổi tiếng trong bài ký cùng tên của nhà văn tài hoa quá cố Nguyễn Tuân nhưng đứng trước cái thiên đường biển đảo diệu kỳ ấy tất cả chúng tôi ai nấy đều không khỏi rung động mà thích thú. Phong cảnh Cô Tô hùng vĩ và đẹp đến nao lòng. Đến Cô Tô chúng tôi bị hút hồn và đắm chìm trong mê mải bởi những bãi biển và đảo đá huyền diệu. Cô Tô như thế bảo sao người ta không say sưa, ngây ngất và thích thú, ngợi ca. Cô Tô từ bao đời đến nay, lúc nào cũng vậy. Nàng công chúa kiều diễm sắc nước hương trời nức tiếng của vùng biển Quảng Ninh đã làm cho người đến không khỏi mê mẩn, cứ về rồi lại đến.

 

  1. Cô Tô, một cột mốc văn hóa trên biển.

 

Từ ngoài khơi xa, khi tàu chưa cập bến, chúng tôi đã nhìn thấy lá cờ tổ quốc trên quảng trường ở khu lưu niệm Bác Hồ về thăm đảo đang phần phật tung bay trong gió. Cái tín hiệu đầu tiên ấy báo cho chúng tôi biết Cô Tô đang dần hiện ra trong tầm mắt. Cứ thế, theo hướng mũi tàu, chỉ trong một thoáng chốc chúng tôi đã được đặt chân lên hòn đảo nơi tiền đồn thơ mộng, bắt đầu là một chuyến hành hương về thăm Bác giữa ngàn trùng khơi xa.

 

Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô tựa như một quảng trường Hồ Chí Minh trên đảo, ngay bên bờ biển, rộng hơn sáu hai ngàn mét vuông bao gồm nhiều hạng mục như cột cờ, tượng Bác, đền thờ, công viên hai bên, ao sen, nhà lưu niệm… Công trình lưu niệm này đã được nhà nước xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt năm 2022. Nơi này không chỉ lưu giữ những kỷ niệm của đồng bào Cô Tô với Bác Hồ kính yêu mà còn thể hiện lòng thành kính của dân đảo với Bác. Đồng thời nó còn có ý nghĩa là cột mốc chủ quyền – cột mốc văn hóa tâm linh của Việt Nam trên vùng biển đảo Đông Bắc. Đó cũng là một di sản quốc gia quý báu được bảo tồn để tôn vinh các giá trị văn hóa và là một nguồn tư liệu sống động để giới thiệu, giáo dục truyền thống lịch sử đối với tất cả mọi người trên đảo và du khách mỗi khi đến thăm đảo.

 

Nổi bật trong khu lưu niệm là bức chân dung Bác bằng đá granit. Theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên trong khu di tích thì đây là bức tượng Bác được thay đổi đến lần thứ ba theo hướng chất liệu ngày càng đẹp và bền vững hơn. Lần đầu tiên là bức tượng bán thân được làm vào năm 1968 bằng thạch cao, lần thứ hai là bức tượng toàn thân được làm vào năm 1976 bằng bê tông cốt thép, lần thứ ba là bức tượng hiện nay được làm vào năm 1996. Đó cũng là bức chân dung toàn thân và bệ đá, tổng thể cao khoảng 9.0 mét, trong đó toàn thân Bác cao khoảng 4.5 mét. Đó là bức chân dung Bác đang mỉm cười hiền từ và giơ tay phải vẫy chào, trong bộ trang phục ca ki, dép lốp mà ta vẫn thường nhìn thấy qua các thước phim tư liệu. Đây là bức tượng được xem là đẹp nhất trong vịnh Bắc Bộ và cũng là bức tượng duy nhất được Người đồng ý cho làm lúc sinh thời.

 

Phía sau tượng Bác là đền thờ Người. Đền thờ có năm gian làm bằng gỗ lim theo kiểu tám mái lợp ngói mũi hài giật cấp thành hai tầng (hai tầng tám mái) theo phong cách trang trí truyền thống của những ngôi đình Việt cổ (lưỡng long chầu nguyệt, đầu đao cong duyên dáng). Trong đền, gian giữa là bàn thờ Bác có đặt tượng bán thân bằng đồng mạ vàng cùng các bức hoành phi, câu đối nhìn rất trang nghiêm. Sau đền thờ là những ngọn đồi nhân tạo đắp giả sơn để tạo thế phong thủy tựa sơn đạp biển. Bên trái đền, theo hướng nhìn ra biển là con đường xưa Bác từng đi qua để vào làm việc, nói chuyện cùng với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên đảo Cô Tô khi người ra đảo, sáng ngày mùng 9 tháng 5 năm 1961. Cuối đường là nhà lưu niệm. Nơi đây hiện còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn những kỷ vật Bác sử dụng khi về thăm Cô Tô. Đó là bộ bàn ghế và chiếc giường cá nhân bằng gỗ mộc mạc đơn sơ; là chiếc mũ và những bộ quần áo sờn vai cùng đôi dép lốp giản dị. Nghe kể, nơi đặt tượng Bác chính là chỗ chiếc may bay trực thăng hạ cánh; nhà lưu niệm là nơi làm việc của Ủy ban hành chính, nơi Bác nói chuyện cùng với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trên đảo. Trong khuôn viên khu di tích lịch sử lưu niệm này còn có các ao sen, vườn tùng và muôn vàn cây lá xanh tươi, trang trí đẹp như công viên để nhân dân và du khách tham quan và vãng cảnh. Ngoài ra những dấu tích và kỷ niệm xưa của Người trên đảo đều được lưu khắc trên các bia đá để nhắc nhở và ghi nhớ về một lần Bác ra thăm Cô Tô như ruộng khoai, ruộng muối … Bởi thế, dù Người có đi xa thì cảnh xưa, vật cũ dường như vẫn còn đây. Bên ta sao như có cái cảm giác Bác vẫn còn đâu đó, mọi vật vẫn ấm hơi Người.

 

Bác đứng đó giữa trời cao biển rộng. Ngẫm kỹ ta chợt ngộ ra. Người không cho bất kỳ nơi nào dựng tượng mình ngoài Cô Tô. Điều đó không phải là vô tình. Có lẽ nơi tiền đồn Đông Bắc tít ngoài khơi xa Bác muốn khẳng định, nhắc nhở mọi người rằng hòn đảo thân yêu này là máu thịt của Việt Nam. Và không ai khác, Bác đứng giữa đất trời mênh mang kia chính là lấy thân mình để làm một cột mốc chủ quyền trên biển biên viễn trùng xa của dân tộc. Đúng là một tầm nhìn tuyệt vời. Tầm nhìn về chủ quyền về biển đảo của Bác ngay từ những ngày đó thật nhạy cảm và sâu sắc. Bây giờ, nhất là những tranh chấp trên biển, khi sự phát triển kinh tế cũng đang dần vươn ra phía biển ta mới thấy ý nghĩa đặc biệt của cột mốc chủ quyền thiêng liêng ấy.

 

Có lẽ chỉ có những thiên tài như Bác mới có cái nhìn sâu xa đến vậy. Ngắm nhìn Bác giữa biển cả mênh mông ta không khỏi nghĩ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tự chọn cho mình nơi gặp Bác và thế giới người hiền ở điểm đầu khúc ruột miền Trung (Đảo Yến – Vũng Chùa). Cũng hướng ra biển. Cũng làm một cột mốc ở những nơi hiểm yếu. Đúng là những suy nghĩ và hành động chỉ có ở những tầm anh hùng vĩ nhân. Những cột mốc văn hóa và tâm linh ấy đã và đang trở thành nơi hành hương của muôn dân đất Việt. Mọi người về đây đâu chỉ là để thăm thú và tỏ lòng thành kính với những bậc đại nhân, đại trí, đại dũng mà còn để thức tỉnh lại chính mình. Có lẽ bởi vậy khi mở sổ ghi cảm tưởng trong đền thờ Bác chúng tôi đã rất xúc động khi được đọc những dòng cảm nghĩ vô cùng chân thành: “Bác đứng đó nơi tiền tiêu khơi xa ngàn năm che chở cho nước nhà cháu con. Cô Tô biển xanh hùng vỹ và tráng lệ mãi là bức trường thành muôn thủa của phên giậu biên viễn Đông Bắc. Chúng con thành kính dâng lên người ngàn hoa tươi thắm, cầu mong cho quốc thái dân an. Đời đời nhớ ơn Bác. Yêu Bác lòng con trong sáng hơn”.

 

  1. Cô Tô, hiện thực và huyền thoại

 

Từ cầu cảng Ao Tiên (Vân Đồn) chúng tôi xuống tàu cao tốc ra thăm nàng công chúa của biển: Cô Tô. Hành trình ngót trăm cây số cưỡi sóng bồng bềnh trên Vịnh Bái Tử Long là một trải nghiệm tuyệt vời về biển đảo. Bái Tử Long cũng giống như Vịnh Hạ Long, cặp vịnh song sinh trên vùng biển Đông Bắc đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc với hàng trăm hòn đảo đá vôi và đảo phiến thạch xanh mướt lá lúc gần lúc xa, khi mờ khi tỏ, dập dìu, ẩn hiện giữa màu lam biếc bao la của đại dương khiến người ta có cảm giác đang lạc bước giữa chốn bồng lai. Cứ thế, đắm mình trong bầu không khí thoáng đãng mang đậm hương vị nồng nàn của khơi xa; thả hồn giữa biển trời thơ mộng, bất chợt trong lòng lại nhớ đến câu chuyện rồng mẹ mang rồng con đến chốn này để giúp dân Việt đánh chặn quân giặc xâm lăng. Vậy ra, vô số những đảo lớn đảo bé, núi to núi nhỏ như bức trường thành trên biển mênh mông đang hiện ra trước mắt ta kia chính là những châu ngọc của rồng đã có một thời chặn đứng và đâm chìm tàu giặc để bảo vệ nước non quê nhà. Nhớ đến câu chuyện xưa trong lòng lại không khỏi những thắc mắc và lý giải. Phải chăng, mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước dải đất hình chữ S này, không chỉ trên đất liền, mà cả giữa muôn trùng khơi xa, đất đá đã liên tục song hành cùng con người đánh giặc gìn giữ non sông bờ cõi. Biển trời của đất nước tươi đẹp, hào hùng nhưng cũng ẩn trong mình có cả biết bao đau thương, nước mắt. Dường như cái bi kịch của dân tộc thấm cả vào trong cỏ cây, sông nước, mây trời để làm thành những hồn thiêng sông núi. Cái câu chuyện rồng mẹ rồng con phun châu nhả ngọc làm đảo ngăn bước quân thù kể trên ấy cũng là huyền thoại của biển dưới góc nhìn tâm lý dân tộc, cái nhìn về biển cũng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của tổ tiên, ông cha. Còn câu chuyện khoa học (biển đảo dưới góc nhìn khoa học), các nhà địa chất lại bảo rằng những châu ngọc trên mặt biển do rồng phun rồng nhả kia có tuổi đời kiến tạo địa chất khoảng ba trăm triệu năm. Nó được hình thành do quá trình vận động nâng lên hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Trải qua quá trình Karst bào mòn, phong hóa, sự xâm thực của nước biển mà tạo thành những cảnh quan tuyệt mỹ trên mặt đại dương. Mê mải ngắm nhìn biển đảo với những trái núi chạy dài trước mặt trong vịnh cùng những cánh hải âu theo đàn chao nghiêng bay lượn duyên dáng trên mặt nước xanh biếc bao la như thể đang đi săn mồi trên mặt biển, rồi lại đắm chìm trong những nghĩ suy cắt nghĩa về sự hình thành của những trái núi ấy chúng tôi không khỏi lâng lâng cùng con tàu lướt trên sóng bạc biển xanh; cũng có khi quên đi cả vô vàn những con sóng lớn đang chồm lên giật xuống khiến con tàu đôi lúc phải dập dềnh, chao đảo. Rồi cũng chẳng mấy chốc, chừng khoảng hơn một giờ đồng hồ chúng tôi đã cập bến Cô Tô trong một màu xanh bình yên mát rượt.

 

Cô Tô hiện lên trước mắt chúng tôi, hòn đảo từng được xem là một trong những hòn đảo đẹp nhất vịnh Bắc Bộ. Bây giờ nó lại là một hòn đảo du lịch nổi tiếng. Bởi thế tôi không khỏi tò mò mà tìm hiểu thêm để cắt nghĩa. Giở lại sách xưa được biết Cô Tô từng có tên gọi là “Cầu Đầu”, theo tiếng bản địa có nghĩa là nơi có nhiều ngọn núi chụm lại giữa biển. Thế rồi trải theo thời gian, trong sự giao lưu văn hóa với người Hoa, hai chữ “Cầu Đầu” đọc theo phiên âm tiếng Hoa là “Cú Xú” để rồi người Việt lại một lần nữa phiên âm lại thành hai chữ Cô Tô. Cái tên Cô Tô có nguồn gốc là vậy. Tên đảo ấy bây giờ cũng là tên của cả quần đảo  – quần đảo Cô Tô (có hơn năm mươi hòn đảo lớn nhỏ). Quần đảo ấy với các núi non lớn nhỏ ngày đêm che chắn sóng gió cho đất mẹ. Và cũng do cái vị thế nằm cách xa đất liền, nhằm tránh được sự nhòm ngó chính sự của ngoại bang nên từ thời xưa (nhà Lý) vùng đảo này đã được lựa chọn nơi này làm chốn giao thương buôn bán với người nước ngoài. Bởi thế những Quan Lạn, Ngọc Vừng cũng đã có một thời từng sầm uất trên bến dưới thuyền và trở thành những thương cảng hàng đầu của nhà nước phong kiến. Và rồi đến năm 1994, Cô Tô lại tách khỏi huyện Vân Đồn để thành lập huyện, tên đảo lại trở thành tên huyện: huyện Cô Tô. Huyện Cô Tô có ngoài khơi (phía Đông, Nam) giáp Vịnh Bắc Bộ; phía Tây giáp huyện Vân Đồn, phía Bắc giáp huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái. Lãnh thổ mới của huyện Cô Tô là vậy. Đảo chính, với diện tích khoảng hơn bốn mươi sáu ki lô mét vuông Cô Tô hiện nay sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp và quyến rũ nhất vịnh Bắc Bộ, giữa đại dương mênh mông và đang là điểm thu hút hàng ngàn người đến chơi vào mỗi dịp hè về. Không biết Cô Tô cách đây khoảng nửa thế kỷ, cái thời cụ Nguyễn ra đảo như thế nào nhưng Cô Tô bây giờ cũng khá hiện đại, chẳng khác gì so với đất liền. Đèn điện cao thế sáng trưng, thị trấn với những cung đường đẹp đẽ thơ mộng sánh vai bên những cao tầng khách sạn, nhà hàng mọc lên san sát giống hệt như thành phố bên bờ biển. Nếu để so sánh tìm ra sự khác biệt thì có khác chăng chỉ là cái sự thơ mộng quyến rũ của Cô Tô mà thôi. Cái sự khác biệt ấy có lẽ chỉ có ở Cô Tô mà chẳng nơi nào sánh được, những vách đá trầm tích nhìn muôn đời không chán, những con sóng bạc đầu từ ngàn năm trước của Vịnh Bắc Bộ vẫn đêm ngày ào ạt xô bờ làm cho Cô Tô không bao giờ hết thơ mộng và trữ tình. Cô Tô trong tôi, cái ấn tượng ban đầu là như thế đấy, hiện thực và huyền ảo thật khó là tách bạch.

 

  1. Cô Tô, lương duyên của đá và nước

 

Bây giờ nhắc đến Cô Tô là người ta sẽ nghĩ ngay đến một hòn đảo du lịch thơ mộng nằm xa đất liền vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn cảnh sắc hoang sơ như thủa hồng hoang. Điều đấy chẳng sai. Nhưng để đi tìm những thành tố đặc biệt cấu thành nên cảnh sắc của Cô Tô, phân chất hòn đảo này với muôn vàn hòn đảo khác tôi nghĩ chắc chắn phải có hai thứ. Đó là đá và nước. Hai thành tố này nếu chưa chạm tới ngưỡng kỳ quan thì chắc chắn cũng thuộc hàng kỳ thú trong lòng người đến; cũng có khi thuộc vào hàng độc nhất vô nhị trong các đảo ở nước ta.

 

Trước tiên là sự kỳ thú của đá, có lẽ nổi tiếng nhất là bãi đã Cầu My, nơi được dân du lịch nhắn nhủ là thiên đường lãng mạn nhất không nên bỏ lỡ. Đứng trước bãi đá này người ta không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên, thán phục bởi sự kỳ công của tạo hóa. Đó là những vỉa đá bám sát mặt biển để cho muôn ngàn con sóng đêm ngày vồ vập, ôm ấp. Có lẽ do hình dáng của những vỉa đá trông tựa như bộ móng vuốt của loài bò sát như đang cố bám chặt lấy bờ biển nên người ta đã liên tưởng đến những chiếc vuốt rồng mà còn gọi bãi đá này là bãi Móng Rồng. Quả thật trí tưởng tượng của người xưa thật là phong phú. Chúng tôi đứng nhìn bãi đá mênh mông bên bờ biển biếc với những phiến đá, những thớ đá đủ dạng muôn hình đang nằm chồng xếp lên nhau để mặc cho những con sóng có từ hàng trăm triệu năm trước tiếp tục bào mòn và không ngừng kiên nhẫn vẽ tiếp đường vân uốn lượn để tạo ra ngàn vạn dáng hình kỳ vĩ trong những sắc màu huyền ảo làm người xem mê mẩn; chẳng những thế lặng ngắm bãi đá ấy ta còn có cái cảm giác như đang đứng trước một mê trận ký hiệu đá, tựa như một bức mật thư hay hải đồ bí ẩn của tạo hóa gửi cho loài người và đang chờ giải mã.

 

Thực ra, bãi đá Móng Rồng kỳ ảo kia là những trầm tích đá, một ngọn núi nhỏ chồi lên giữa biển khơi, bên mép đảo Cô Tô. Núi đá ấy tựa như chàng trai vạm vỡ đứng bên bờ nước trong mối duyên kỳ ngộ với nàng công chúa biển. Mối lương duyên ấy có lúc êm đềm ngọt ngào bay bổng tình tứ nhưng cũng có lúc hậm hực, dữ dằn, gọi giông, nổi bão. Khi yêu thương sóng nước dạt dào, mơn man bờ đá. Khi nhớ nhung sóng không ngủ mà cồn cào thương nhớ, vồ vập xô bờ. Khi giận dỗi sóng gầm lên dữ dội “tung vòi cao và đổ dài, bọt trắng tãi thành hàng, thành hàng”, thúc vào bờ “ầm ầm rền rền như vua thủy cho các loài thủy tộc rung thêm trống trận”. Ấy, là vậy đấy, chính những cung bậc cảm xúc tình yêu có từ hàng trăm triệu năm trước của biển như thế mà núi đã bị bào mòn, đá phải biến sắc. Đá và nước dường như là một cặp trời sinh. Chẳng thế mà ở đâu có sông núi hiền hòa nên thơ thì ở đó người ta gọi là sơn thủy hữu tình. Nhưng sơn thủy không phải chỗ nào cũng hữu tình trong cảnh “nước êm non tĩnh” mà cũng nhiều chỗ sơn thủy cũng quần thảo dữ dằn, ầm ầm, điên đảo. Núi thì ở đâu cũng vậy, đừng tưởng cứ to cao gai góc, sừng sững hiện ra trước mắt thiên hạ, kể cả nơi đầu sóng ngọn gió, thì cũng bảo là dữ, là tợn. Trái lại, đằng sau cái to cao, đồ sộ bề ngoài ấy thực ra đá núi rất hiền, rất biết nhẫn nhịn. Người ta bảo “luyện nên đá là lửa, tạo nên động là nước”. Phải chăng được tôi luyện qua các núi lửa mà đá đã trưởng thành chững chạc, biết bình tâm trước mọi ngoại cảnh. Chỉ có nước là đỏng đảnh, “sớm nắng chiều mưa”, khó chiều khổ lựa, chẳng thế người ta xếp thủy ở hàng đầu của những mối nguy hại - thủy, họa, đạo, tặc. Nước yêu đá nhưng yêu theo cách riêng của mình. Yêu trong cuồng say. Có lẽ cái cơ chế yêu thương của mối lương duyên nước và đá ở Cô Tô cũng nằm trong cái quy luật bất biến của cặp đôi này mà nhà văn Chu Văn Sơn đã phát hiện ra trong những hang động ở Quảng Bình, trong một lần ông đến Sơn Đoòng: “Yêu đá, nước muốn kiến tạo diện mạo một kỳ quan cho đá. Nhưng phải theo quái ý của mình. Và bằng một cách yêu cứ phải bạo hành. Yêu mà hành hung. Yêu bằng ăn mòn, bằng gây xói lở và làm tan tành. Nên, kết hôn từ triệu năm trước và suốt hàng triệu năm nay, đá với nước vẫn cứ phiêu trong một tình trường kỳ bí”.

 

Đấy là đá. Đá nơi bãi Móng Rồng. Đá ấy chỉ đẹp khi sánh cùng sóng nước Cô Tô. Người ta bảo dạo chơi trên bãi đá Cầu My, nước biếc hòa trong sắc đá tạo thành những sắc màu kỳ thú khiến đôi lúc người chơi cứ ngỡ  như mình đang được du ngoại trên sao hỏa. Cái cảm giác ấy là do đá mang lại. Nhiều lúc cứ nghĩ vẩn vơ, giả dụ tách bỏ nước biếc của Cô Tô đi thì bãi đá Móng Rồng sẽ như thế nào nhỉ. Điều kiện ấy thực ra khó như đi lên trời. Nhưng giả dụ có làm được thì đá cũng sẽ trở nên vô hồn như bao đá núi khác. Chỉ giả dụ thế thôi để thấy rằng đá Móng Rồng có kỳ thú tựa như kỳ quan thì nước biển Cô Tô cũng tựa kỳ quan mà rất kỳ thú.

Từ trên cao nhìn xuống, Cô Tô là một hòn đảo màu xanh. Một màu xanh thanh bình. Bao quanh Cô Tô chỗ nào cũng xanh. Màu xanh thăm thẳm của biển khơi bao la. Màu xanh mênh mông của bầu trời vời vợi. Màu xanh của cây lá đêm ngày vi vu trong gió bên những triền cát trắng phẳng mịn uốn lượn như những vòng tay giơ ôm biển biếc. Nhưng có lẽ đẹp nhất, ấn tượng nhất vẫn là màu xanh của nước biển. Cái màu xanh diệu kỳ ấy được rất nhiều người nhắc đến và từng rất nổi tiếng qua tài văn của cụ Nguyễn. Một màu xanh biến ảo, kỳ thú. Này nhé hãy xem Nguyễn tả để mà thấy hết cái đẹp diệu kỳ của màu nước biển Cô Tô: “Nước biển Cô Tô sao chiều nay nó xanh quá quắt đến như vậy? (...) Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước biển chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ? Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh? Đúng một phần thôi. Bởi vì con sóng vừa dội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biến sang màu khác. Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư mã nghe đàn tỳ bà trên con sóng Giang Châu thì có đúng không? Chưa được ư? Thế thì nó xanh như một màu áo cưới, được không? Hay là nói thế này: nước biển chiều nay xanh như một trang sử của loài người, lúc con người còn phải viết vào thân tre? Nghe hơi trừu tượng phải không? Mà kìa, nhìn cho kỹ mà xem, nước biển đang xanh cái màu xanh dầu xăng của những người thiếu quê hương. Cũng không phải là sợ lai căng, nhưng nghe nó vẫn chưa trúng vẫn chưa được ổn phải không? Sóng cứ kế tiếp cái xanh muôn vẻ mới, và nắng chiều luôn luôn thay màu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp được với nhịp sóng. Đua với sóng, thì chỉ có mà thua thôi. Chao ôi, nước biển Cô Tô chiều nay xanh cái màu xanh của ngọc bích. Hoặc là chao ôi, nó xanh như một niềm hy vọng trên cửa biển”.

Đúng. Nước biển Cô Tô phải xanh cái màu màu xanh diệu kỳ và biến ảo nhứ thế mới xứng đôi với bãi đá trầm tích tựa như vuốt móng của linh vật rồng thiêng bám chặt bờ biển Cô Tô để đêm ngày tình tự, phô diễn những khúc tình ca làm bao người phải mê mẩn, thích thú chọn làm nơi sống ảo.  

 

  1. Cô Tô, vẻ đẹp của bình minh và hoàng hôn.

 

Cô Tô cũng là thiên đường của những người sống ảo. Người đến Cô Tô không chỉ sống ảo với bãi đá Cầu My, ở cung đường tình yêu (con đường lát gạch đỏ chạy dài hun hút giữa rừng hàng phi lao thẳng thắp, xanh mướt bên bờ biển) với những con đường gạch đỏ dài tít tắp xuyên qua hàng dương xanh mướt … mà còn sống ảo mỗi khi mặt trời mọc hay hoàng hôn buông. Có lẽ đón bình minh và chia tay hoàng hôn ở Cô Tô là một trong những trải nghiệm không thể thiếu được đối với mỗi đôi uyên ương và không ít người thích sống ảo khi đến nơi đây này.

 

Cùng là bắt chước cụ Nguyễn, đầu canh tư, chúng tôi đến bãi đá Cầu My để đón một ngày mới trong ánh bình minh. Phải nói, dạo biển buổi sớm thật khoan khoái. Cảnh biển đẹp mê hồn hòa trong vị ngai ngái, mặn nồng thoảng về từ khơi xa khiến ai đó đều mở toang lồng ngực để hít thở. Một buổi sớm mai khi mặt trời còn chưa tỏ, gió biển mơn man mà chất muối như thấm sâu vào làn da, thớ thịt mát rượi. Bãi đá tựa như vuốt rồng chưa có một ai, chỉ có những con sóng như những quầng sáng chồm lên xô vào bờ đá phát ra những thanh âm ì oạp liên hồi. Khoảng gần năm giờ, mặt trời chầm chậm hiện ra. Bắt đầu là một chấm đỏ hồng nhỏ xíu giữa một không gian mênh mông nhuốm màu tím tím huyền ảo của trời và biển. Khối tinh cầu đỏ hồng ấy theo thời gian mà lên cao dần một cách chóng vánh; càng lên cao mặt trời càng to hơn, cho đến khi những tia sáng lấp lánh những ánh vàng rực rỡ tỏa xuống muôn trùng mặt biển và trùm lên khắp mọi nẻo đường thì Cô Tô nhộn nhịp bước vào một ngày mới.

 

Ngắm bình minh ở Cô Tô có lẽ đẹp nhất là thời khắc khi chấm hồng vừa mới ló dạng, mặt trời bé tí như thể nằm gọn trong lòng bàn tay, chẳng thể mà người ta thi nhau giơ tay chụp ảnh hứng mặt trời mọc. Cái cảnh Bình Minh như thế khiến cho vẻ đẹp của Cô Tô hiện lên giống như một thiếu nữ vừa mới thức giấc còn đang ngái ngủ, một vẻ đẹp dịu dàng mà vô cùng quyến rũ. Bầu trời mặt biển đang từ một màu tim tím chuyển sang một màu vàng óng ánh để rồi cả Cô Tô bừng lên như thể thức giấc sau một giấc ngủ dài. Đó cũng là lúc thủy triều đưa nước trở về khơi xa để trả lại cho Cô Tô những bãi cát rộng dài, mịn màng thoai thoải trong một màu lam biếc nên thơ làm nao lòng người.

 

Ở Cô Tô có rất nhiều điểm đón bình minh. Ở những bãi tắm Vàn Chảy, Hồng Vàn … hay trên ngọn Hải Đăng. Nhưng đẹp nhất người ta vẫn bảo là ở bãi đá Cầu My. Ở Cô Tô đón bình minh ở chỗ nào được thì cũng có thể chia tay hoàng hôn ở chính chỗ ấy. Nếu cảnh bình minh mọc trên biển ở cô tô khiến ta phải nao lòng gây thương nhớ thì ngắm biển chiều hôm và chia tay hoàng hôn ở hòn đảo nhỏ này cũng đã đốn tim và làm thổn thức không biết bao người.

 

Hoàng hôn trên biển Cô Tô cũng thật huyền diệu. Những tia nắng cuối ngày buông xuống làm cho màu lam biếc của nước biển như được dát vàng lóng lánh, sóng sánh trên mặt biển. Dường như những tia sáng hào quang ấy đang chuẩn bị cho bầu trời bừng lên một phút huy hoàng rồi chìm hẳn vào bóng tối của màn đêm. Những tia nắng cuối ngày ấy không còn trong vắt tinh khôi như thể giữa lúc bình minh đang lên. Ánh vàng của buổi hoàng hôn lấp lánh một cách ngạo nghễ trong màu đỏ ối bừng bừng nhuộm cả vừng Tây của một ngày tàn. Dường như mặt trời đang chờ phát quang một phút rực rỡ cuối cùng, trước khi khuất núi, lặn xuống biển sâu, để trả lại Cô Tô trở về với lặng im trong lòng biển. Đứng trên Hải Đăng chúng tôi ngắm nhìn hoàng hôn trên biển. Buổi chiều hôm chẳng hiểu do sắc màu tà dương hay sự tĩnh lặng của không gian mênh mông mà trong lòng bỗng thấy trào lên một cảm giác khó tả; có cái gì đó nhè nhẹ nhưng cũng buồn buồn.

 

Không gian Cô Tô bình yên đến tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng trong những vật lộn của cảnh sắc. Bầu trời trước khi tắt nắng dường như đều phải trải qua một cuộc vần vũ đầy vật vã, sắc trời hết hồng đỏ lại chuyển vàng cam và sau cùng là chuyển dần sang màu lam tím. Giữa sắc màu ấy, ông mặt trời đỏ lựng bỗng hạ nhanh xuống đỉnh núi và mất hút sau những hòn đảo ngoài khơi xa tít. Trên bến phía xa xa là những chiếc thuyền đang chầm rãi bơi vào neo đậu. Thế là Cô Tô buông mình trong một màn đêm mịt mùng.

 

  1. Cô Tô, khúc tình ca của biển

 

Vẻ đẹp của Cô Tô đã từng được nhiều người biết, cho dù chưa một lần được đặt chân đến, có lẽ phần nhiều là qua bài ký của Nguyên Tuân từng được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn. Phải nói, bằng sự tinh tường và chất tài hoa của người nghệ sĩ cụ Nguyễn đã tái hiện lên trước mắt người đọc một cách ấn tượng về một màu xanh nước biển, về hình ảnh mặt trời mọc, về cảnh bầu trời trong và sau cơn bão trên đảo Cô Tô …   Đó là vẻ đẹp của một Cô Tô trong trang viết: vừa hùng vĩ vừa tráng lệ, theo kiểu cách điệu của nghệ thuật ngôn từ. Một vẻ đẹp mà người đọc được cảm nhận gián tiếp, ít nhiều phải nhờ đến trí tưởng tượng và một vốn sống nhất định. Chỉ thế thôi, Cô Tô cũng đã nổi tiếng lắm rồi.

 

Trực tiếp với Cô Tô bằng da bằng thịt hẳn là mỗi người sẽ có trong lòng một vùng biển đảo đầy chất thơ tựa như một bản tình ca huyền diệu. Nếu có điều kiện mọi người hãy đến Cô Tô để cảm nhận một lần xem sao. Khi đó mắt được nhìn thấy, tai được lắng nghe, tâm hồn được giao cảm với sóng với gió. Có lẽ, dù chỉ một lần với Cô Tô như thế thôi nhưng chắc hẳn ta sẽ mãi không thể nào quên cái đẹp hữu tình của nàng công chúa ở nơi biển xa với đầy đủ các sắc màu huyền ảo và rồi còn làm thức dậy trong ta cả biết bao nỗi niềm cảm xúc.

 

Và, lần nào trở lại Cô Tô cũng vậy. Nguồn cảm xúc với Cô Tô dường như vẫn còn tươi mới vẹn nguyên như lần đầu mới đến. Cứ mỗi lần như thế, tôi không khỏi nằm im mà phải cất bước lang thang bên bờ biển biếc trải dài cát trắng mịn màng của Vàn Chảy, Hồng Vàn, Bắc Vàn … hoặc ngồi đón bình minh, ngắm hoàng hôn trên những phiến đá mặn mòi hương biển đang chất trồng lên nhau tầng tầng lớp lớp với đủ các dáng hình, sắc màu ở Cầu My và để mặc cho con tim thổn thức, lắng nghe từng nhịp đập của sóng biển với đủ các cung bậc, khi thì dìu dặt dịu êm lúc lại trào dâng hạnh phúc hoặc sâu lắng thăm thẳm cùng tiếng hàng dương vi vút, rì rào như đang thì thầm kể câu chuyện tình của biển trong gió tựa như bản nhạc không lời khiến cho cảm xúc và da thịt không thoát khỏi cái cảm giác được mơn man, sung sướng. Và cứ như thế, trong cái say sưa, lâng lâng, ngây ngất của cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng ấy ta như thấy chính mình đang được biển khơi thanh lọc để cho cả thể xác và tâm hồn được trở nên nhẹ nhõm, thư thái mà chút bỏ nhưng ưu phiền, nặng nề của phố phường chật chội với ồn ào, khói bụi.

 

Lặng yên bên sóng nước, lắng nghe khúc tình ca của biển, ta không khỏi chênh vênh giữa đôi bờ hư thực. Biển đẹp quá. Ta nghe như đâu đó trong lời biển khơi gửi vào trong gió có cái gì như những thanh âm vô cùng sáng ngần vừa mãnh liệt, thiết tha vừa du dương, réo rắt của bè dây hay tiếng sáo, giọt đàn ... Giữa mênh mông bốn bề dạt dào nước biếc, thả hồn theo những con sóng bạc đầu chạy tới từ những nơi xa tít chân trời trong hương vị mặn mòi của đại dương xa thẳm ta không khỏi bâng khuâng nhớ về một thời đã qua, một tình yêu nào đẹp và cũng không thoát ra khỏi cái cảm giác muốn được yêu thương nồng nàn như thủa đôi mươi … Mê mải, đắm chìm trong những nỗi niềm cảm xúc đang được trào dâng bên biển, bất chợt trong lòng lại rộn nên những giai điệu yêu thương của một thủa ngày xưa tựa như khúc “tình yêu của biển” (nhạc không lời của Phú Quang), dường như đã từng bị để quên đâu đó nay lại trở về. Và rồi lại thấy vang lên trong miền tâm tưởng “Biển hát chiều nay” (Hồng Đăng) để cho trong lòng không khỏi nhẩn nha câu hát: “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/ Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu/ Có gì sáng nay mà sóng xôn xao/ Chân trời rất xanh màu nắng vẫn ngọt ngào/ Câu hát gợi lên những khát khao đại dương… Ôi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng … Biển xanh vẫn hát những lời yêu thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.

 

Câu chuyện Cô Tô vậy đó. Sóng nước Cô Tô muôn đời vẫn thế, lúc nào cũng vậy. Hãy đến đó đi, cùng nắm tay nhau dạo bước dưới những hàng dương, trên con đường tình yêu để nghe biển hát và mặc sức thả hồn theo gió trong nồng nàn hương biển. Ta đến Cô Tô một lần để rồi một ngày lại mong được trở lại.

 

Phan Anh
Số lần đọc: 542
Ngày đăng: 06.06.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều - Nguyễn Vĩnh Long
“Vui lên Việt Bắc, đèo De núi Hồng” - Phan Anh
Cuộc hội ngộ sau nửa thế kỷ - Nguyễn Đại Duẫn
Tản bộ trên bến Thượng Hải - Nguyễn Phin
Dấu ấn xứ Thanh - Nguyễn Đại Duẫn
Nguyễn Văn Sâm, người gìn giữ kho tàng dân tộc - Trương Văn Dân
Tháng ba về Phồn Xương – Yên Thế - Giang Hiền Sơn
Vẻ đẹp của một bài thơ ngắn trong quán “Mô tê” - Hoàng Thị Bích Hà
Một thoáng du Xuân xứ Nam Hạ - Nhiều Tác Giả
Cảm động về một câu chuyện tình - Hoàng Thị Bích Hà