Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.243
123.161.105
 
Một vài nhìn nhận về mỹ học của thể loại -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 4,).
Đặng Minh Liên

Thể loại là phương tiện khám phá biểu hiện, là sự cô đặc của cảm hứng nghệ thuật trong hình thức phù hợp với đối tượng biểu hiện. Trong nghệ thuật điện ảnh. thể loại là sự vận dụng một loạt quy luật thẩm mỹ có tính phổ biến và ước lệ để tạo dựng phim. Vấn đề thể loại phim là một vấn đề rất lớn và đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới nghiên cứu tương đối sâu sắc (tuy nhiên ở Việt Nam, đây là vấn đề chưa được nhìn nhận, nghiên cứu hệ thống và kỹ lưỡng). Trong phạm vi hiểu biết riêng, bài viết này thể hiện một số nhìn nhận từ khía cạnh mỹ học thể loại và ứng dụng của nó trong sáng tác cũng như thưởng thức phim.

 

Trước hết là danh mục một số thể loại cơ bản:

 

Các thể loại theo nguyên tắc kịch của phim truyện.

 

- Thể loại chính kịch (Drama).

- Thể loại kịch Melo (Melodrama).

- Thể loại bi kịch (Tragedy).

- Thể loại hài kịch (Comedy).

- Thể loại bi - hài kịch (Tragicomedy).

 

Các thể loại nói trên có xuất xứ từ những nguyên tắc của nghệ thuật sân khấu kịch từ thời cổ đại đến truyền thống thời kỳ cận đại. Phim truyện là nghệ thuật ra đời muộn hơn rất nhiều so với 6 loại hình nghệ thuật trước nó, vì vậy phim truyện đã ứng dụng rất nhiều nguyên lý, trong đó có nguyên lý thể loại của các loại nghệ thuật khác, đặc biệt là của sân khấu kịch. Trong các thể loại kịch nói trên, phim truyện đã vận dụng chủ yếu nguyên lý xây dựng xung đột kịch tính, tạo dựng tình huống kịch và các tính cách đối lập, miêu tả hoàn cảnh và chi tiết mang kịch tính... nhằm truyền tải một câu chuyện có ý nghĩa xã hội - nhân sinh hoặc chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả.

 

Những nguyên lý nói trên mang đặc điểm thể loại của từng tiểu loại. Nếu là thể loại Kịch thông thường (Drama - chính kịch) cảm xúc thẩm mỹ mà phim mang lại là những câu chuyện về cuộc đời về xã hội, tuy không đậm các tình huống bi, hài, đau thương thống thiết với nhân vật chính nhưng rất quen thuộc, dễ hiểu đối với quảng đại khán giả. Thuộc thể loại này thường là các phim tâm lý - xã hội đời thường, phim đặt ra các vấn đề nhân sinh - triết lý, phim theo đề tài về các giai tầng lứa tuổi hoặc về các lĩnh vực, các vùng miền khác nhau chứa đựng những hoàn cảnh và số phận mang vấn đề và đặc trưng kịch tính riêng...

Những phim của điện ảnh thế giới như: Crame chống lại Crame (điện ảnh Mỹ), Matxcơva không tin vào nước mắt (điện ảnh Xô Viết), và của điện ảnh Việt Nam như: Chuyện vợ chồng anh Lực, Chuyến xe bão táp, Những người đã gặp, Trở về, Thung lũng hoang vắng... là một trong những phim thuộc thể loại kịch Drama này (tuy nhiên đã được phát triển ở dạng thức mở rộng). Đặc biệt trên màm ảnh nhỏ nước ta mấy năm gần đây, thể loại phim truyện chính kịch chiếm tỷ lệ lớn và có thể nói nó đã phát huy tốt thế mạnh của đặc trưng mỹ học chính kịch vào dòng phim tâm lý xã hội - đời thường.

 

Đặc trưng đó biểu hiện:

 

- Qua các xung đột đời thường hoặc hiện tượng đặc biệt, lột tả sâu sắc các mối quan hệ xã hội - con người, qua đó khám phá chiều sâu đời sống.

 

- Bằng việc xây dựng kịch tính của tính cách và hoàn cảnh, xây dựng những câu chuyện có sức thu hút cao đối với khán giả đông đảo.

 

- Bằng phương tiện truyền tải là ngôn ngữ điện ảnh, hình tượng hóa và tái tạo súc tích những tình huống kịch tính, những mảng đời, những số phận và hoàn cảnh chứa đựng kịch tính. Qua đó lột tả tư tưởng - chủ đề cũng như những ý nghĩa xã hội - cuộc sống một cách có nghệ thuật.

 

Thể loại kịch Melo (Melodrama) cũng dựa trên nguyên lý của thể loại kịch nói chung đồng thời kết hợp chặt chẽ với đặc tính riêng tiểu thể loại của nó. Đó là những tình tiết truyện có tính chất ngang trái, éo le, lâm li, thống thiết, trong đó nhân vật chính có phẩm cách tốt đẹp thì bị các thế lực, các hoàn cảnh đen tối ngăn cản đàn áp. Cuộc đấu tranh giữa hai bên như vậy thường là đầy căng thẳng và cái thiện, cái chính nghĩa sẽ hoặc có thể giành được chiến thắng trước lực lượng bạo tàn, dẫn đến kết thúc thường có hậu.

 

Cũng như loại phim chính kịch, phim Melodram là thể loại từng rất phát triển trong điện ảnh thế giới bởi nó có tính đại chúng cao. Có thể kể đến các phim tiêu biểu như dòng phim Melodrama Đan Mạch những năm 1910-1920, một số phim của các đạo diễn nổi tiếng thế giới như D.W.Griffith (đạo diễn Mỹ - Bông hoa huệ dập nát), V.Sjửstrửm (đạo diễn Thụy Điển - Ingeborg Holm, 1913) R.Capur (Ấn Độ), Mizoguchi (Nhật Bản)...

 

Ngày nay, phim Melodrama phát triển theo hai dòng: Cổ điển và pha trộn vào các thể loại khác nhau. Dòng cổ điển tiếp tục lấy cảm hứng từ các câu chuyện mùi mẫn, éo le, những chuyện đời, chuyện tình ngang trái, những số phận đặc biệt bất hạnh... tạo cảm xúc thống thiết buồn đau - như một số phim chuyển thể truyện của nữ sĩ Quỳnh Dao, điện ảnh Đài Loan (Mùa thu lá bay, Dòng sông ly biệt). Dòng vận dụng các motif Melodrama vào các cấu trúc thể loại khác nhau khai thác thế mạnh duy cảm duy tình của Melodrama - Có thể kể đến một số phim như: Hirosima - tình yêu của tôi (phim Pháp), Đàn sếu bay qua (phim Liên Xô) hoặc một số phim Việt Nam như: Đời hát rong, Anh chỉ có mình em, Vị đắng tình yêu...

 

- Phim Bi kịch: dựa trên đặc trưng mỹ học chủ yếu của cái bi (tragedy) khởi nguồn từ sân khấu cổ đại và cổ điển, trong đó nhân vật hoặc một số nhân vật chính trong cuộc đấu tranh không cân sức với thế lực đối lập hoặc với hoàn cảnh tàn bạo đã phải chết. Cuộc đấu tranh và cái chết của họ gợi nên những bi cảm sâu sắc làm xúc động mạnh mẽ khán giả, đưa đến cho khán giả những cảm xúc thanh lọc tâm hồn (katharsis) - như quan niệm của các nhà nghiên cứu về bi kịch Hy Lạp cổ đại. Phim bi kịch cũng được giới nghiên cứu quốc tế nhìn nhận ở hai dòng chủ yếu: dòng vận dụng tập trung mô hình bi kịch cổ điển (trong đó có nhiều phim chuyển thể các vở kịch kinh điển) như: Ham lét, Otenlô, Macbeth... (theo kịch của Shakespeare) và dòng đi theo xu hướng mở rộng cấu trúc thể loại bi kịch, lấy các đề tài lịch sử hoặc xã hội đương thời như các phim Jeanne D'arc (đạo diễn K.T.Drayer), Kẻ ngoài vòng pháp luật (đạo diễn V.Sjửstrửm - Thụy Điển), Tro tàn và kim cương (đạo diễn A.Vaida - Ba Lan)...

 

Ngày nay mô thức bi kịch còn được vận dụng nhiều vào các cấu trúc thể loại khác nhau: phim bi kịch tâm lý, phim bi kịch - anh hùng ca, phim bi kịch luận đề xã hội...

 

Trong điện ảnh Việt Nam, thể loại phim bi kịch thuần chất không pghải là thể loại phát triển. Điều này có lẽ bắt nguồn từ đặc điểm lịch sử của những cuộc chiến tranh cách mạng mà ở đó phim ảnh với nhiệm vụ tuyên truyền, động viên mang cảm hứng lạc quan cách mạng được ưu tiên. Dù những bộ phim về chiến tranh, về lịch sử có mô tả cuộc đấu tranh khốc liệt thì cũng ít có phim trực diện mô tả cái chết bi hùng của các nhân vật chính. Có thể kể đến một số phim hay, phim khá mà ở đó yếu tố bi kịch đã nổi lên như một phương tiện biểu đạt mạnh mẽ bên cạnh các yếu tố kịch tính thông thường hoặc tâm lý, trữ tình như các phim Kim Đồng, Người cộng sản trẻ tuổi, Anh Nguyễn Văn Trỗi, Không có đường chân trời... và đặc biệt là các phim Cánh đồng hoang, Con chim Vành khuyên.

Vận dụng các mô thức của thể loại bi kịch, đồng thời với kinh nghiệm sáng tạo của những phim có yếu tố bi kịch thành công nói trên, phim truyện nước ta có thể đi sâu hơn trong việc khám phá hiện thực, đặc biệt là ở các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, qua đó góp phần tránh được hạn chế phản ánh một chiều đối với hiện thực lịch sử. Các yếu tố bi kịch được vận dụng một cách sáng tạo luôn là phương tiện tốt để mang đến những mỹ cảm tích cực, đặc biệt là về những gương hy sinh cao cả, trong các đề tài truyền thống đấu tranh cách mạng, thống nhất và bảo vệ đất nước.

 

Phim hài hước (Comedy) là một trong những thể loại phổ biến của phim truyện từ trước tới nay. Nó ra đời và phát triển dựa trên nhu cầu của khán giả luôn thích được cười vui, giải trí và suy ngẫm lại về chính bản thân mình. Qua tiếng cười, phim mang tới cho khán giả một vài bài học cảnh tỉnh hoặc góp phần bài trừ cái xấu, cái dở, cái bất hợp lý, lạc hậu đang cản ngăn cuộc sống đi lên.

 

Những dạng thức gây cười - hài hước chủ yếu:

 

- Trào lộng nhẹ nhàng: loại này chủ yếu đưa ra những nghịch cảnh, những phi lý trớ trêu mà nhân vật (nhiều khi là người tốt) phải chịu, qua đó gợi tiếng cười thương cảm đồng thời gợi cảm xúc căm ghét cái hoàn cảnh đang áp đặt nghịch lý lên nhân vật.

 

- Nhạo báng mỉa mai: Mức độ gây hài hước ngầm, gợi nhằm phê phán những thói tật, những điều phi lý và nghịch cảnh trong xã hội. Đối tượng phê phán thuộc về nhân vật chính hoặc nhân vật đối lập với nó.

 

- Châm biếm: Mức độ gây cười - hài hước mạnh mẽ hơn, trực diện hơn nhưng vẫn có tính chất hóm hỉnh nhẹ nhàng đối với những điều trớ trêu phi lý hoặc ngang trái.

 

- Đả kích: Tiếng cười - hài hước nhằm trực diện vào những thế lực xấu xa, thù địch, độc ác hoặc lạc hậu đang áp chế con người. Chẳng hạn phim Kẻ độc tài (của S.Saplin).

 

- Hài hước - trữ tình: Tiếng cười trong loại này thường kết hợp với tính trữ tình của hoàn cảnh và nhân vật bộc lộ những cảm xúc thương cảm hoặc vui buồn yêu mến đối với các nhân vật rơi vào tình cảnh cười ra nước mắt. Chẳng hạn trong phim Ga cho hai người (điện ảnh Xô Viết), Ánh đèn sân khấu (S.Saplin - điện ảnh Mỹ)...

 

Ở trên chỉ là một số dạng thức căn bản mà phim truyện hài thường áp dụng. Mặt khác đối với thể loại hài hước, người ta còn nhìn nhận nó ở các yếu tố hợp thành như sau:

 

- Cái hài tạo nên từ tình huống, tính cách và hoàn cảnh (có các mặt đối lập nghịch lý).

 

- Cái hài tạo nên từ ngoại hình, cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ thoại (có những nét bất bình thường).

 

Phim hài hước cũng có thể được nhìn nhận ở hai loại:

 

- Thông qua tiếng cười hài hước để lột tả những vấn đề xã hội - thời đại sâu sắc (như các phim hài của đạo diễn S.Saplin).

 

- Chủ yếu gây tiếng cười giải trí thư giãn cho khán giả (như loạt phim hài về cảnh sát của điện ảnh Pháp do Luis de Funès đóng).

 

Các yếu tố của thể loại hài hước thường được vận dụng rất nhiều vào các thể loại khác nhau. Khi kết hợp với thể loại bi kịch, cái hài hước còn góp phần tạo thành thể loại bi - hài từng có những phim rất thành công trên màn ảnh thế giới như một số phim chuyển thể từ tiểu thuyết Donkihote, hoặc gần đây là phim Cuộc đời tươi đẹp của đạo diễn Benlini (giải Oscar). Đáp ứng nhu cầu giả trí thư giãn của khán giả trong cuộc sống có nhiều căng thẳng hiện nay, nhiều phim truyện của nhiều nước đều đưa vào những cảnh, đoạn điểm xuyết tính chất gây cười hóm hỉnh vui tươi - thậm chí cả trong những phim có tính chất nghiêm cẩn.

 

Cái hài hước luôn là một phương tiện hữu hiệu giúp các nhà làm phim truyền tải ý tưởng và hấp dẫn khán giả. Sự thành công trong việc sử dụng nó tất cả phụ thuộc vào mức độ, liều lượng và tính chất mà phim đòi hỏi, phụ thuộc vào khả năng và duyên hài của từng người làm phim. Điều cần tránh là đưa ra những tình huống, nhân vật bị ép vào thể loại hài hoặc chi tiết gây cười vô duyên để cố chọc cười khán giả. Tiếng cười màn ảnh đòi hỏi sự tự nhiên, tinh tế, bắt nguồn từ chính tình huống và tính cách cũng như các hệ thống chi tiết... Những tiếng cười phản cảm đã từng diễn ra trên mà ảnh nước nhà ở một số phim, thậm chí ở cả một phong trào làm phim thời kỳ đầu 1990 được gọi là phim "kinh doanh" hoặc mở rộng hơn là cả trên mà ảnh nhỏ hiện nay cho chúng ta thấy bài học nóng hổi về việc sáng tạo trong thể loại hài. Đây là thể loại khó! Chính vì vậy dù trải qua hơn 40 năm, phim truyện nước ta cũng mới chỉ có được chừng mươi phim hài hước tương đối khá như: Sau cơn bão, Kén rể, Thị trấn yên tĩnh, Người cầu may...

 

Khán giả Việt Nam đặc biệt thích được vui, được cười - nhất là khán giả ở nông thôn. Tuy nhiên cái gây cười không phải là phương tiện chiều nịnh dễ dãi khán giả mà cần phải là tiếng cười có thẩm mỹ cao dẫn đến những cảm xúc lớn, đến sự thức tỉnh trí tuệ. Đây là một yêu cầu quan trọng của loại hình phim hài hước đích thực. Mặt khác trong nhiều thể loại khác, yếu tố gây cười cũng rất cần thiết nhưng nó cần phải được kết hợp hữu cơ tự nhiên với hệ thống tình tiết, hoàn cảnh và đặc biệt dù cần cũng không được lạm dụng đến mức gây phản cảm - dẫn đến một số phim có tính "đùa cợt" hơi nhiều trong diễn biến nội dung của nó. Đây cũng lại là một yêu cầu quan trọng khác cho việc vận dụng yếu tố hài - vui cười vào phim ở các thể loại khác nhau.

 

Trở lên là một số thể loại truyền thống đi theo các nguyên lý của kịch - sân khấu. Đó cũng là các thể loại ra đời sớm nhất trong điện ảnh vẫn tồn tại đến ngày nay (chủ yếu ở dạng thức mở rộng). Bên cạnh các thể loại nói trên, trong điện ảnh hiện đại, chúng ta còn có thể nhìn nhận và có một trong các cách phân chia thể loại theo một số nhóm sau:

 

- Phim tự sự: Vận dụng phương thức kể chuyện của văn xuôi.

- Phim trữ tình (thơ): Vận dụng phương thức kể chuyện của thể loại thơ hoặc văn xuôi giàu tính trữ tình.

- Phim kịch: Vận dụng phương thức kể chuyện của các thể loại kịch - sân khấu.

 

Cách chia theo ba nhóm thể loại trên từng được đề cập (ở mức sơ lược) trong một số tài liệu nghiên cứu điện ảnh của nước ngoài và Việt Nam trước đây, thường chỉ có ý nghĩa khái quát mô phỏng theo văn học và sân khấu.

 

Phim hành động:

 

-- Phim phiêu lưu - mạo hiểm.

- Phim trinh thám.

- Phim kinh dị.

- Phim chiến đấu.

- Phim khoa học giả tưởng - viễn tưởng.

- Phim thảm hoạ.

- Phim võ thuật.

- Phim gangster.

- Phim Western (Viễn tưởng).

…..

 

Phim lịch sử:

 

- Sử thi.

- Dã sử.

- Tiểu sử.

...

 

Phim thần thoại cổ tích.

Phim sân khấu:

 

- Các thể loại kịch nói, kịch hát.

- Các thể loại sân khấu khác (xiếc, ba lê, ảo thuật...).

...

Phim triết lý, phim luận đề.

Phim ca nhạc:

 

- Bài hát.

- Bản nhạc.

- Cuộc đời và sáng tạo của một nghệ sĩ âm nhạc hoặc một dòng, trào lưu âm nhạc nổi tiếng.

 

Trong tất cả các thể loại đã nói ở trên, mỗi bộ phim còn được nhìn nhận về thể loại cụ thể của nó ở đặc điểm mỹ học mà nó chứa đựng.

 

Một số lưu ý khi nhìn nhận và vận dụng đặc điểm mỹ học thể loại vào sáng tác và thưởng thức phim:

 

- Tôn trọng tính đặc thù thể loại trong sáng tác và thưởng thức phim. Điều này yêu cầu người làm phim, người thưởng thức, phê bình phim cần hiểu thấu bộ phim cụ thể dưới góc độ thể loại của nó, qua đó, nhận định rõ các nét đặc thù thể loại và tính chất riêng về phong cách thể loại có trong phim để hiểu và vận dụng đúng về phim. Một phim chính kịch, hài kịch, bi kịch, cũng như phim hành động, âm nhạc, lịch sử hay dã sử; hiện thực - thực tế hay giả tưởng... đều có yêu cầu về tính chất riêng biệt của thể loại và phong cách biểu hiện khu biệt.

 

- Tôn trọng quy luật thực tế và cả quy luật ước lệ nghệ thuật của thể loại.

 

Như đã biết thể loại là một mô thức (hình thức - nội dung) của sáng tác. Mô thức đó chứa đựng cả những yếu tố ước lệ (ví dụ việc phân tuyến nhân vật, nén thời gian, giả tưởng, tượng trưng, ẩn dụ, phóng đại, lãng mạn hoặc cách điệu, giản lược...) và cả những yếu tố thực tế - như thật (bối cảnh, chi tiết - đạo cụ, ngoại hình và tính cách nhân vật, sự kiện và vấn đề xã hội - con người...). Do đó việc nhìn nhận, sử dụng cái ước lệ và cái thực tế - thực tại ra sao cho đúng đắn, hay, phù hợp với một phim cụ thể là một công việc quan trọng của người làm phim và cả người thưởng thức, nghiên cứu phim.

 

- Kịch tính, hành động và tâm lý là một trong các yếu tố then chốt nhất của hầu hết các thể loại phim. Phim truyện biểu hịên ba yếu tố đó thông qua ngôn ngữ điện ảnh tổng hợp.

 

Nắm vững yêu cầu trên, người làm phim, người thưởng thức phim cần chú ý đến vấn đề - phim nói bằng cách gì bên cạnh vấn đề - phim nói về cái gì. Rất nhiều tài liệu nghiên cứu điện ảnh của thế giới đều nhấn mạnh yêu cầu này. Thực hiện được yêu cầu này không thể chỉ nắm đôi ba nguyên lý sáng tác mà phải là học hỏi, kiếm tìm, phát hiện, phát kiến sáng tạo không mệt mỏi trên phương diện ngôn ngữ biểu đạt điện ảnh với đặc trưng là ngôn ngữ nghe - nhìn tổng hợp.

 

Hiểu nguyên lý về tính đặc thù của mô thức thể loại nhưng không cứng nhắc trong vận dụng để tránh sự sáo mòn đơn điệu chính là một trong những hướng vận dụng thể loại phổ biến nhất của điện ảnh hiện đại. Đồng thời trong sự vận dụng này cũng cần tránh cả xu hướng pha trộn kém nghệ thuật đánh mất đặc trưng thể loại, hoặc cả cách nhìn nhận nông cạn không thấy được những tìm tòi cách tân thể loại đặc sắc.

Đặng Minh Liên
Số lần đọc: 8347
Ngày đăng: 31.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhận diện khái niệm phim truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 1,). - Đặng Minh Liên
Đề tài và chất liệu của phim truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 2,). - Đặng Minh Liên
Cốt truyện và không có cốt truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 3,). - Đặng Minh Liên
NSND Phạm Khắc - kẻ ham chơi sống lại - Khuyết danh
Hai mươi năm xem lại - Bích Ngọc
Tiếng lòng từ vùng đất hoang - Nguyễn Trung Hiếu
Nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách - Nguyễn Thị Thu Thủy
Mỹ thuật truyềnthống: - Khuyết danh
Những người còn sót lại của các dòng tranh dân gian - Khuyết danh
Phù điêu - Khuyết danh