Đã từng bâng khuâng theo tình thơ của Đoàn Quân vào đêm hội ngộ ở biển Thọ Quang năm nào. Bây giờ dưới đèn thưởng thức Tình ngỡ buông dòng của anh, lòng bỗng như gió lao xao. Tự dưng dậy lên cảm giác, ngày xưa và hôm nay cùng về bện chặt vào nhau mơ hồ như sương khói. Để rồi từ cõi thơ mơ màng, tràn dâng cảm giác câu chữ đang thao thức, niềm thao thức của đất, của hồn thơ nồng mặn tình quê. Dẫu nhan đề gợi hình ảnh chấm than cho câu chữ trữ tình, gợi tình thơ tưởng đã chấm than. Hóa ra, Tình ngỡ buông dòng, nhưng cảm xúc thi ca vẫn láng lai. Đó là sự láng lai của hồn thơ mãi ngong ngóng về cố quận, về mảnh đất sinh thành, về mảnh đất một thời gắn bó và về mặt đất đong đầy suy tư.
Đọc tập thơ, người đọc bị hình tượng đất ám ảnh. Đất từ đời thực luồn theo cảm xúc mà nhập hồn vào diễn ngôn thơ. Rồi từ đó sống với tinh anh và thể phách của chính nó. Đất là vùng nhau rốn đã xa từ thuở nội bồng. Nhau chôn trên mảnh đất này/ Rời xa từ thủa vòng tay nội bồng/ Chân chưa kịp lấm đất đồng/ Dọc ngang lòng vẫn vời trông quê nhà...(Đường làng xưa). Đất mơ ảo từ kí ức của mẹ rồi hiện hình qua lời kể da diết yêu thương. Lời kể của mẹ như là một điệp khúc thời gian đã ủ kín rất sâu trong tâm hồn con. Lời kể của mẹ như tiếng ru trầm của đất, tiếng ru đọng giọt tâm hồn khiến con không nguôi buồn nhớ cố hương. Cũng từ đó đất réo gọi, đất mộng mị đến xốn xang:
Đất trong câu chuyện vu vơ
Đất xen giấc ngủ vật vờ ốm đau
Đất nơi cắt rốn chôn rau
Trăm năm về đất nỗi đau khép hờ ...
(Đất quê làng Đặng)
Và đất dằn vặt đến nhừ đau phế phủ. Người xa quê vì thế càng lâm lụy nỗi buồn, ngỡ khép lại đời mình bằng sự trống rỗng niềm hạnh phúc trở về. Quê hương mãi là một hình ảnh cổ tích trong niềm đau cố thổ, niềm đau dai dẳng trăm năm. Cho nên, khi chân trần chạm vào đất quê: Đặt chân về đất Ninh Bình/ Quê hương phụ mẫu nghĩa tình phu thê, trong lòng người xa xứ dậy lên bao cảm xúc.
Nửa đời người chốn bôn ba
Thì thầm nguyện ước thân xa tình gần
Buồn vui trọn cuộc phù vân
Cuối đời vẫn đậm dấu chân đường làng...
(Đường làng xưa)
Con đường quê hiện hình mở ra không gian làng Đặng. Những vùng đất trong kí ức tuổi thơ tưởng chừng ngủ yên nay lũ lượt kéo về. Đó là Đất làng Đặng, đất quê xưa/ Đất đê, đất ruộng rạ chưa khói đồng. Đất trải rộng nhưng thân quen và gần gũi. Đất thu hẹp dần mang hơi hướm tình thâm: Đất từ ngói gạch nhà Ông/ Đầu hồi đất khóm trầu không của Bà. Và rồi đất hội tụ trong hình ảnh mái ấm gia đình để mở ra những nẻo đường bươn chải của bà và của mẹ:
Đất ngõ nhỏ lối về nhà
Đất đường cái lớn mẹ ra chợ Đình
Đất bờ sông Đáy trữ tình
Đất chợ mạn ngược gồng mình gánh mơ
(Đất quê làng Đặng)
Hình ảnh bà và hình ảnh người mẹ trong thơ hiện lên vừa cụ thể vừa khái quát qua giọng thơ tự sự nhưng thấm đượm cảm xúc thương yêu. Hai hình ảnh ấy hồi tụ vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam ngày trước. Họ chính là bà Tú Phạm Thị Mẫn: Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng (Tú Xương-Thương vợ). Họ là cô Tâm trong truyện Cô hàng xén của Thạch Lam. Tâm gánh hàng ra chợ lúc trời vừa nhờ sáng trên con đường mấp mô đầy ổ trâu. Cô chỉ trở về lúc nhà trong xóm sáng đèn. Vậy mà Cô sung sướng vì mẹ săn sóc và các em mến yêu. Bao nhiêu nỗi mệt nhọc cô thấy tiêu tan cả. Những lúc này khiến cô quên hết cả bao nhiêu nỗi e ngại khó khăn. Cô thấy vui và nẩy nở trong thâm tâm những ý muốn tốt đẹp cho gia đình. Người phụ nữ Việt, họ đẹp qua đức hi sinh. Đẹp trong sự tảo tần. Đẹp từ sự thầm lặng bao dung. Họ là trụ cột của nền kinh tế gia đình thuở xưa nhưng luôn chở che và hiền hòa như đất.
Mặt đê thuộc dấu chân bà
Chợ làng bánh đúc, bánh đa cháu chờ
Kĩu kịt nặng gánh thúng mơ
Tất tưởi năm tháng mẹ vờ nhẹ không
(Con đê làng Đặng)
Ai đó từng nói văn hóa Việt Nam vốn có tính nước. Đọc thơ Đoàn Quân lại cảm hiểu thêm điều khác, người phụ nữ Việt mang phẩm chất của đất, đất quê làng Đặng hay cũng là những làng quê khác trên khắp xứ sở mến yêu này.
Từ Đất làng Đặng, đất quê xưa, người xa quê tìm đến với Tràng An. Tình thơ bỗng hồi hoàn trước cảnh sắc hùng vĩ mà thơ mộng của quê hương Ninh Bình:
Trời mây non nước quan san
Thiên thai ẩn hiện ngút ngàn như mơ
Tiếng chim đàn lạc vu vơ
Sóng thuyền vỗ mạn khiến ngơ ngẩn hồn...
(Tràng An)
Còn gì thi vị hơn khi được trôi thuyền trên sông Sào Khê mà thấu cảm cảnh sắc quê hương sau bao năm nhớ tưởng. Thích thản nào bằng khi xuôi dòng Ngô Đồng ngắm những ngọn núi đá vôi soi mình vào gương sông xanh biếc. Từ đó, trông vời cảnh quan Tràng An và Cố đô Hoa Lư để rồi như có cảm giác lạc vào bến mộng. Tình yêu đã khiến đất sinh thành bỗng hóa thành Thiên thai “thoảng gió mơ màng” (Thế Lữ-Tiếng sáo Thiên Thai). Và người xa quê trở về khác nào một gã từ quan: Ta về rũ áo mây trôi/ Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan (Phạm Thiên Thư-Động hoa vàng).
Quê hương luôn đẹp một vẻ đẹp thực mà mơ trong tâm thức người yêu quê mình. Đoàn Quân trong Tình ngỡ buông dòng cũng không khác. Vì vậy, dẫu có đắm chìm trong cảnh mộng Tràng An, người con vẫn không thôi nghĩ về mẹ và nghĩ về đất làng Đặng. Người con về với cố hương không một mình mà về với hình ảnh mẫu thân đã mất. Trong tâm hồn con có sự quyện hòa giữa tình quê với ước nguyện không thành của mẹ là được một lần gặp lại quê xưa. Nét tâm lí đó, tình cảm đó chuyển hóa thành hành động đẹp: Chặng bay dài hơn ngàn cây số (…) Con chỉ mỗi nắm tay đất nhỏ/ Trong đất khô ẩn đôi hạt cỏ/ Rồi ngày sau đất trổ mầm xanh/ Nắm đất thôi có đủ dỗ dành?/ Cho ước ao chân về lối nhỏ. Giọng thơ có chút băn khoăn, nhưng đó là băn khoăn hạnh phúc. Hạnh phúc được gặp lại quê xưa. Hạnh phúc vì thực hiện được một phần nhỏ nhoi Niềm hoài hương cũng đành buông bỏ của mẹ:
Con xin được làm phần việc nhỏ
Đất làng xưa rải chỗ mẹ nằm
Cầu mong mẹ yên lòng sưởi ấm
Đất quê cha hòa trộn hương tro...
(Nắm đất quê nhà)
Bài thơ được lẫy ra từ tim gan, chẳng chải chuốt đã thực sự lay động lòng người. Giọng thơ trầm đằm, điệu chậm thủ thỉ tạo được sự thấu cảm sâu xa trước vẻ đẹp của tấm lòng người con. Vậy nên, làm sao người đọc có thể cầm lòng trước hành động thơ này: Đất làng xưa rải chỗ mẹ nằm. Câu thơ không đơn giản là chuyện hiếu để, chuyện tình quê tha thiết. Câu thơ hàm chứa nét đẹp văn hóa của người Việt. Quê hương là nơi sinh ra và cũng là nơi trở về khi con người bỏ thực vào hư.
Đất trong thơ Đoàn Quân không chỉ là không gian nhau rốn mà còn là không gian thanh xuân. Đó là không gian cát biển Sơn Trà, Cát chừng giữ dấu chuỗi ngày thơ… (Trường cũ Đông Giang). Sơn Trà-Đà Nẵng là vùng đất cả gia đình anh đã sống và gắn bó. Cho nên dẫu có thế nào thì vẫn Cám ơn trời đất Tiên Sa/ Yêu thương còn đó đường xa hướng về.../ Lâu rồi thủa ấy đam mê/ Cám ơn bóng ngả tóc thề ngày xưa.. (Còn trong kỉ niệm). Bởi ở đấy có mẹ áo nâu bươn chải mỗi ngày nuôi đàn con lớn lên. Bởi chốn ấy anh em sum vầy cùng sẻ chia ấm lạnh: Sao có thể quên thời thơ ấu/ Tíu tít đàn em chõ bánh mật nâu/ Mùa hè nồi chè đậu chia nhau/ Những ngày đông mắt cay khói bếp... (Sơn Trà yêu dấu). Với Đoàn Quân, đất làng Đặng giang, Ninh Bình hay cát Sơn Trà-Đà Nẵng đều là quê hương. Dẫu sắc độ tình cảm không cùng một bảng màu nhưng đều sâu nặng. Mỗi vùng đất đều có một vị trí trang trọng trong tâm hồn Đoàn Quân. Cả hai vùng đất đều đã hóa tâm hồn (Chế Lan Viên), đều là không gian tình yêu và nỗi nhớ trong thơ. Cả hai vùng đất đều là niềm thao thức không nguôi. Với làng Đặng: Cội nguồn cốt nhục luôn thầm khắc ghi (Nhà thờ Tổ họ Đoàn). Với “Sơn Trà yếu dấu”:
Dù chẳng là nơi chôn nhau cắt rốn
Tuổi thơ trôi qua đã chọn quê hương
Đời thăng trầm theo những bước đường
Nương bốn phương vẫn một quê đau đáu...
Đất trong thơ Đoàn Quân cũng có khi không dịu êm. Đất đồng lõa với thời gian khỏa lấp những dấu yêu xưa để người thơ: Ta về tìm lại dấu yêu/ Chôn vùi trên cát những chiều nắng trong (Dấu chân trên cát). Dấu yêu xưa đã mất khác nào cánh hạc chìm vào bóng hoàng hôn, cánh nhạn khuất hút cuối trời mênh mang. Người tìm về bỗng giật mình thảng thốt:
Bây giờ tóc nhuốm sương mai
Ta về tìm dấu chân ai nhạt mờ
Giữa trời chiều đứng bơ vơ
Nhìn mây năm ấy lững lờ bay đi...
(Dấu chân trên cát)
Đất cũng có thể là những suy niệm đời. Suy niệm về tâm lí con người trong tình yêu bằng cái nhìn biển với liên tưởng lạ đời:
Cát trắng mềm tựa dải khăn xô
Tiếng sóng vỗ đau lời gào thét
Đá nhấp nhô biển làm bia mộ
Dỗi hờn dồi anh như sóng xô bờ…
(Dỗi hờn)
Nhà thơ Xuân Diệu trong chiều ngồi nhớ tiếng, nhớ hình người tình, thốt nhiên hạ bút viết câu thơ hạnh phúc: Được giận hờn nhau! Sung sướng biết bao nhiêu (Tương tư chiều). Còn Đoàn Quân bị người tình xô vào biển giận hờn chợt thấy lòng mình tang chế. Hai nhà thơ hai tâm trạng, hai hình thức biểu đạt nhưng có cùng một niềm đau hạnh phúc, hạnh phúc được yêu!
Ở bình diện cái đẹp, cát là hoa của biển dưới “bàn tay tài hoa” của Dã Tràng:
Công dã tràng xe cát vẽ hoa
Hoa của biển biển đâu nỡ xóa
Bước chân người dìm hoa xuống cát
Sóng thương hoa khỏa dấu chân nhòa
(Hoa biển)
Người ta thường thương cảm Dã Tràng xe cát biển Đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Còn Đoàn Quân cảm nhận Dã Tràng đang sáng tạo cái đẹp hay thiên nhiên sinh thành cái đẹp cũng thế. Con người không biết vô tình hay cố ý đã vùi lấp cái đẹp để lại nỗi đau trong lòng cát dưới dấu chân nhòa và trong tâm hồn vốn thiện lương, vốn có tính lành của người làm thơ.
Nhắc đến thiện lương và tính lành, bỗng nghe tâm trí dội lên câu hỏi của ai đó thuở nào. Thơ có hiền dữ không? Người có thất tình sao thơ không thể. Bởi thơ chiết xuất từ tâm hồn được tẩm ướp trong ngôn ngữ mặn mòi hương đời. Với ai không rõ, nhưng với Đoàn Quân thơ luôn có tính lành. Đất trong thơ của Đoàn Quân cũng mang tính lành. Dù thế nào vẫn một niềm thao thức cố hương: Quê quán ơi đã bao lần trở lại? Trở lại bao lần cũng chỉ để mà đi (Hồ Sỹ Bình-Quê quán ơi). Dù có trở về thì vẫn mãi xa. Càng trở về lòng nhớ quê càng ngút ngàn. Tình cố hương vẫn sống động trong kí ức đang úa phai cho đến ngày về với cõi lặng.
Tình ngỡ buông dòng nhưng niềm thao thức của đất mãi lan tỏa, mãi là sự thật tâm hồn của một hồn thơ chân thật, chân thật đến tận cùng chân tơ kẽ tóc ngữ ngôn.
Đà Nẵng, 12-2022