Ngày 27 tháng giêng năm Quang Thuận thứ 8 [3/3/1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3); nhà Vua đến bái yết Lam Kinh. Ngày 29 [5/3/1467] hành cung Vua đóng tại điện An Lạc. Ngày mồng một tháng 2 [6/3/1467] có nhật thực, làm lễ tế văn miếu. Ngày mồng 8 [13/3/1467] sai bọn Thượng thư bộ Hộ Trần Phong khám đất tại Lam Sơn, để cấp cho các công thần:
“Ngày 27, vua bắt đầu đến Lam Kinh bái yết lăng Lam Kinh. Ngày 29, ngự giá đóng tại hành điện An Bạc. Ban phép tập trận đồ.
Tháng 2, ngày Đinh Dậu mồng 1, có nhật thực. Làm lễ tế Văn miếu.
Ngày Giáp Thìn mồng 8…Sai Hộ bộ thượng thư Trần Phong cùng bọn quan Tuyên chính Phan Sư Tông đi khám đất công ở hương Lam Sơn và thôn Dâm để cấp cho các công thần từ nhất phẩm đến lục, thất phẩm theo thứ bậc khác nhau. Lại dụ các quan và bô lão rằng:
Lam Kinh là đất căn bản nơi quê vua, không ví như các nơi kinh sư khác được. Mới rồi bọn thế gia hay làm trái phép, coi thường pháp luật, chiếm đoạt đất đai làm của riêng, công chúa không có lấy [28a] tấc đất cắm dùi. Muốn dùng pháp luật mà buộc tội, sao bằng lấy lễ nghĩa báo trước, sao cho họ vua ngày một đông đúc cũng có chỗ mà nương thân. Nay định rõ giới hạn, kẻ nào còn dám vi phạm, thì phải trị tội theo pháp luật.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 27b.
Ngày mồng 9 [14/3/1467] Cầm Đồng, Thổ tù ở châu Thuận tại Sơn La, đem người Ai Lao sang cướp Hưng Hóa; nhà vua hạ lệnh cho Tổng binh Khuất Đả đem quân đi đánh, dẹp yên được:
“Người Ai Lao chiếm ở Lộng Động, viên phụ đạo châu Thuận là Cầm Đồng cùng họ giao thông viện trợ lẫn nhau, xâm chiếm cướp bóc dân biên giới. Nhà vua hạ lệnh cho Tổng binh Khuất Đả làm Đốc tướng, Đồng tổng binh Nguyễn Động làm phó tướng, Khiên Nhân Thọ giữ chức Tán lý quân vụ, thống lãnh hơn năm ngàn quân, hội họp với quân trấn thủ phủ Gia Hưng [Hoà Bình, Sơn La] để đi đánh. Khi quân sĩ tiến đến châu Mộc [Mộc Châu, Sơn La], thuộc phủ Gia Hưng, hợp sức với ba trăm lính thổ kéo thẳng đến sách Câu Lộng vùng sông Mã. Khuất Đả phân phối cho viên Tổng tri vệ Gia Hưng là Lê Miễn đem quân của vệ mình đến Khâu Chúc, hợp lực với lính thổ châu Việt [Yên Châu, Sơn La] và châu Mỗi [tức Mường Mỗi Thuận Châu, Sơn La] đón chặn các đường hiểm yếu, nói phao lên là đem quân đánh giặc. Giặc nghe tiếng, bỏ chạy tan vỡ. Khuất Đả sai người dụ dỗ về đường lợi hại, bọn phụ đạo Cầm Đồng đến cửa dinh xin hàng. Khuất Đả bèn sai Xa Man, Kinh lược sứ châu Mộc [Mộc Châu, Sơn La], sửa sang nơi hiểm yếu cũ cho được trọn vẹn, rồi cho Xa Man cùng quan bản thổ là Cầm La đem lính thổ đóng giữ phòng bị; Khuất Đả dẫn quân về. Trận này, vừa đi lẫn về chỉ có 18 ngày, những nơi binh sĩ đi qua, không làm kinh động đến con gà, con chó. Đến ngày làm lễ hiến phù (1), nhà vua muốn đem tù binh hành hình ở địa phương mà chúng đã xâm phạm để làm gương răn người khác. Bọn Thái bảo Lê Liệt tâu rằng:
‘Nếu Cầm Đồng quả thực lòng phục tội, xin đến đầu hàng, thì nên cho hắn được khỏi tội chết, để khuyến khích người sau này; nếu vì bức bách mà sau mới xin quy phục để mong khỏi chết, thì giết đi cũng là phải’
Nhà vua ra lệnh đem giam Cầm Đồng vào ngục. Trận này, viên Hiệu úy Hoàng Liễu đem lính thổ phủ An Tây đánh nhau với bộ lạc Ai Lao ở Khâu Lao chém giết được rất nhiều người, châu Thuận liền bắt giải vợ con Cầm Đồng cùng tù binh và những tai đã xẻo được (2) của quân Ai Lao nộp về kinh sư.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 20.
Tháng 2 , có bệnh dịch tại phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây và Tam Đới, tỉnh Vĩnh Phú; Vua ra lệnh phát tiền mua thuốc chữa trị. Lại ban lệnh, hể có bệnh dịch; quan địa phương được quyền lấy tiền thuế, mua thuốc chữa cho dân:
“Dụ cho quan lưu thủ là Lê Niệm phát 50 quan tiền kho nhà nước, sai Tế sinh đường mua thuốc, sai người chữa chạy [28b] cho những người mắc bệnh dịch ở các phủ Quốc Oai, Tam Đới và dụ rằng:
‘Từ nay về sau, phủ nào có bệnh dịch thì cho phép các quan địa phương đó dùng tiền thuế mua thuốc chữa cho dân". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 28a.
Ngày 27 tháng giêng [3/3/1467], ban lệnh tập 9 đồ pháp thủy trận. Tháng 2 khởi sự luyện tập; ngày 20 [25/3/1467] diễn tập trận đồ Trung Hư [trống ở giữa] tại Lỗ Giang tức hạ lưu sông Hồng, vùng tỉnh Hà Nam. Ngày 23 [28/3/1467] diễn tập trận đồ Tam Tài [trời, đất, người], và Thất Môn [7 cửa] tại sông Vi, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ngày 26 [31/3/1467] tập trận đồ Ngư Đội [đàn cá], Nhạn Hàng [chim nhạn bay theo hàng] ở sông An Cha, tập trận đồ Thường Sơn [rắn Thường Sơn] ở ngã ba sông Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ. Các trận đồ Trung Hư, Mãn Thiên Tinh, Thường Sơn Xà, tập không thành công; nên người dâng trận đồ là Phó tướng Lê Hán Đình bị đánh đòn và bãi chức:
“Ngày 20, diễn tập trận đồ trung hư ở Lỗ Giang.
Tháng ấy, ngày 23, tập đồ trận tam tài và thất môn ở sông Vi . Bọn Tây quân Đô đốc Lê Thiệt trái lệnh, bị trói đưa đến cửa doanh, rồi sau lại được tha. [29b]
Bãi quan chức của bọn Trấn điện phó tướng quân Lê Hán Đình. Trước kia, Hán Đình làm Chuyển vận, khi tại chức tham ô, sợ dân kiện, tâu xin nghỉ dưỡng bệnh. Chỉ huy sứ Đào Bảo tiến cử Hán Đình lên triều đình, nói chuyện vận Hán Đình và Thái chúc thừa Nguyễn Đức vốn giỏi binh pháp. Bọn Hán Đình dâng các trận đồ: 1) Trung hư; 2) Mãn thiên tinh, 3) Thường sơn xà... Vua khen ngợi, phong hai người làm Trấn điện phó tướng quân, sai quân 5 phủ tập theo trận đồ, hai ba lần đều không được. Vua sai hai người ra dạy cũng không được. Vua nổi giận sai bắt đánh trượng rồi bãi chức đuổi về bản quán.
Ngày 26, tập trận đồ ngư đội, nhạn hàng ở sông An Cha, tập trận đồ Thường sơn 3 ở ngã ba sông Bạch Hạc. Ngày 29, đại giá về kinh sư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 29a.
Tháng 3 [4/4-3/5/1467]; nhà vua hạ lệnh tìm thơ, văn còn sót lại của danh thần Nguyễn Trãi. Tháng trước trên đường về Tây Kinh, nhân Sứ thần Chiêm Thành đến cống, Vua cho gặp tại hành cung; tháng này Sứ thần được ban yến tại kinh đô. Bắt đầu đặt chức Bác sĩ để dạy 5 kinh, gồm: Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Sầm Tổ Đức, người phủ Trấn An, tỉnh Quảng Tây, mang binh xâm phạm châu Thông Nông, Cao Bằng. Nhà Vua ra lệnh thông báo cho Bố chính sứ tỉnh Quảng Tây; đòi phải trả người và súc vật đã cướp bóc; và phạt lưu đày các viên quan địa phương, vì tội phòng bị không cẩn mật:
“Ông Nguyễn Trãi, giúp Lê Thái Tổ khai quốc, rồi lại giúp Lê Thái Tông; tài trí, phép tắc, mưu mô, đạo đức, đều vượt hơn hết mọi người lúc bấy giờ. Ngoài ra, ông lại có những tác phẩm như Quân trung từ mệnh , Dư địa chí , Ngọc đường di tập, Giao tự đại lễ, Thạch bàn đồ và văn thơ (3). Đến khi bị giết, di thảo của ông phần nhiều bị mất mát, chỉ còn sót lại được chút ít, nhà vua xem đến, đặc biệt ngợi khen, cho nên hạ lệnh sưu tầm.
Chiêm Thành sai sứ sang cống. Trước đây, nhà vua đi tuần Tây Kinh, xa giá đến hành điện (4) , sứ thần Chiêm Thành là Trầm Phác Sa đến nạp cống, nhà vua cho phép sứ thần vào triều yết ở hành tại (4) . Đến nay sứ thần được ban yến ở Bắc Sứ quán, nhà vua lại sai viên nội quan hỏi sứ thần về lễ thờ nước lớn. Sứ thần thưa rằng:
‘Nước Chiêm Thành đối với thánh triều cũng như con thờ cha mẹ, một mực nghe theo mệnh lệnh; như mệnh lệnh thiên tử ban ra, ngoài lễ vật cống nạp thường hằng năm, lại trách đến khoản tích cống (5) , đấy là thể lệ mới, tôi không dám thiện tiện ứng đối".
Bắt đầu đặt chức Bác sĩ dạy năm kinh. Lúc ấy, giám sinh nhiều người chuyên trị kinh Thi, kinh Thư, ít người học tập sách Lễ Ký, Chu Dịch và Xuân Thu, cho nên nhà vua đặt chức Bác sĩ năm kinh, mỗi viên Bác sĩ chuyên nghiên cứu một kinh để dạy các học trò.
Sầm Tổ Đức, người thổ ở phủ Trấn An nhà Minh, đem quân của hắn hơn ngàn người đóng ở Âm Động, nói phao lên là để bắt giặc trốn là Sầm Vọng, nhân đây cướp trâu và súc vật của biên dân châu Thông Nông phủ Bắc Bình [Cao Bằng] mang đi. Sau Tổ Đức lại chiếm cứ châu Bảo Lạc [Cao Bằng], rồi xin với triều đình đuổi người phạm tội là Sầm Vọng ra khỏi biên cảnh. Triều đình bàn luận, cho rằng lời nói của Tổ Đức đều là man trá. Nhà vua hạ lệnh cho viên Trung thư làm tờ tư di cho ti Bố chính sứ tỉnh Quảng Tây, xin sức cho Tổ Đức phải trả lại người và súc vật mà y đã cướp bóc của nhân dân. Một mặt khác nhà vua sai Phan Tiến, Giám sát ngự sử Bắc Đạo, đến Bắc Bình xét hỏi việc này, bắt Lê Lục và Nguyễn Lượng giao xuống cho pháp ti nghị trị tội. Hai người đều phải đày đi viễn châu [châu xa], vì tội đóng giữ phòng bị không cẩn thận, để đến nỗi biên giới bị cướp bóc. Nhà vua hạ sắc dụ bảo các viên Tổng binh và thổ quan ở Lạng Sơn, An Bang [Quảng Ninh] và Bắc Bình rằng:
‘Người bầy tôi giữ đất đai của triều đình, chức phận là phải bảo toàn cảnh thổ, yên ủy nhân dân, bẻ gãy những mũi nhọn tiến công, chống cự những kẻ khinh rẻ nước mình. Thế mà mới đây, người nước ngoài xâm phạm cướp bóc, trẫm không nghe thấy các ngươi có công hiệu gì về việc đánh giặc giữ đất cả! Nếu nay cứ mỗi một việc lại buộc vào pháp luật, thì lòng trẫm có điều không nỡ. Vậy bọn các ngươi phải cố gắng hết lòng hết sức, nghĩ làm thế nào để gột rửa tội lỗi trước kia’.
Nhân đấy, nhà vua ban bố 11 điều khoa lệnh.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 20.
Tháng 3 [4/4-3/5/1467]; thuyền buôn Sumatra nước Indônêxia đến dâng phẩm vật; phát hiện những người Hoa trên thuyền, bèn đưa trả cho Trung Quốc. Quân địa phương tại An Tây tỉnh Lai Châu đánh giết nhiều quân lính Ai Lao:
“Thuyền buôn nước Tô Vấn Đáp Lạt [Sumatra] dâng phẩm vật… Đòi lại những người Minh trên thuyền buôn của nước Tô Vấn Đáp Lạt đưa trả về bản quốc.
Hiệu úy Hoàng Liễn đem thổ binh phủ An Tây [Lai Châu] đánh nhau với người Ai Lao ở Khâu Lạo, làm tử thương đến hơn 3.000 người, thu được nhiều tai giặc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 33a.
Tháng 4 [4/5-1/6/1467]; nhà Vua hạ lệnh dạy cho quân sĩ đọc sách. Bấy giờ trong quân mới chế tạo xong vũ khí, lại có lệnh thay đổi sang hình dạng khác; nên có lời phàn nàn lên cấp trên:
“Nhà vua hạ lệnh cho Dương Hải, quyền Thượng bảo tự khanh và Khiên Nhân Thọ, Thông chính tả thừa, dạy bảo luyện tập về việc đọc sách cho các hàng quân bộ binh, kỵ binh có tiếng mạnh khoẻ dũng cảm.
Lúc bấy giờ nhà vua hạ lệnh cho quân ở ngũ phủ chế tạo binh khí theo hình dạng mới, được ít lâu lại bắt đổi theo hình dạng khác. Trong bọn quân nhân có người phàn nàn than thở. Văn Lư, một quân nhân trong vệ Oai Lôi dâng thư nói:
‘Tháng giêng năm nay, bệ hạ đã ban ra hình dạng mới về binh khí, bắt quân chế tạo, nay lại thay đổi hình dạng khác, như thế là chính lệnh bất thường’.
Nhà vua sai bộ Lại dụ bảo Văn Lư rằng:
‘Binh khí cùng một hình dạng ấy cả, lời nhà ngươi nói chỉ là nói càn mà thôi’.
Viên Thị lang Lương Như Hộc nói riêng với Văn Lư rằng:
‘Nhà ngươi không phải là người giữ chức ngôn luận, sao lại dám nói càn đến việc nước?’.
Văn Lư trả lời:
‘Nước lấy dân làm gốc rễ, mà lính là để bảo vệ dân; nay hiệu lệnh trước sau bất nhất, quân và dân đều sầu oán, thế mà ông là người bầy tôi thân cận của nhà vua, lại ngậm miệng, không nói gì, nay Lư này nói ra là yêu vua đấy’.
Bọn Như Hộc nghe lời của Văn Lư, yên lặng không nói gì cả.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 20.
Ngày mồng một tháng 5 [2/6/1467] ; thổ quan phủ Trấn An tỉnh Quảng Tây cho mang quân đến cướp phá tại ải Tỏa Thoát, huyện Quảng Nguyên, tỉnh Cao Bằng. Sau khi bàn bạc vấn đề, triều đình quyết định giữ chắc biên giới, nhưng không gây hấn. Về việc ban quốc tính họ Lê cho các đại thần có công, bắt đầu thi hành thời Vua Lê Thái Tổ; nay Thượng thư Phạm Công Nghị tâu những điều lợi hại, nhà Vua bèn hủy bỏ:
“Tháng 5, ngày mồng 1, Tri châu Đào Phục Lễ ở phủ Bắc Bình tâu rằng: Thổ quan phủ Trấn An nhà Minh sai Tông Thiệu xâm lấn ải Tỏa Thoát, cướp lấy ruộng của xứ ấy và cướp đoạt trâu bò súc vật. Vua giao xuống cho triều thần bàn kế phòng giữ. Bọn thái sư Đinh Liệt đều cho là nên giữ kỹ bờ cõi, không nên gây hấn khích nơi biên giới, nếu thấy nó đến, chỉ chống giữ thôi.
Lễ bộ thượng thư Phạm Công Nghị tâu rằng:
‘Đời xưa khi dựng nước, nhân tên nước mà đặt tên họ, nhân chia đất mà ban tên họ. Như ông Tiết khi được phong ở đất Thương, được ban họ Tử, ông Tắc khi được phong ở đất Thai, được ban họ, để lập tông phái. Từ đó về sau, các đời đều có tên họ, như Ngu Thuấn là họ Diêu, Hạ Vũ họ Tự, Chu Văn họ Cơ; mà Cửu khanh, Tam công, Ngũ thần, Thập loạn (6) đều có công lao với nước, nhưng chưa từng [35a] thấy ai được ban họ nhà vua cả.
Đến Hán Cao Tổ cho là Lâu Kính có công dâng kế sách dựng đô thành bèn ban cho họ Lưu (7) , Đường Cao Tổ khen Thế Tích có khí tiết bề tôi trong sạch nên ban cho họ Lý (8). Đó đều là phương sách chế ngự hào kiệt mà thôi. Nhưng nguồn vừa khơi ra mà dòng đã thành vẩn đục. Người làm tôi thì cũng cho thế là vinh hạnh, mà không hiểu rằng họ hàng phải có phả hệ, tuyệt đối không thể lẫn lộn được. Cái sai của việc ban tên họ có quan hệ rất lớn. Vì người làm tôi mà cùng họ với vua thì bất kính, người làm con mà quên mất gốc thì bất hiếu. Làm sao có kẻ bất kính bất hiếu mà làm nên việc được? Nên sửa bỏ lệ ấy đi. Tất cả bề tôi đã được ban cho họ nhà vua đều cho đổi lại theo họ cũ của ông cha để cho tông phái nhà vua được phân minh, cội gốc các họ được rõ ràng’.
Vua y theo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 34b.
Ngày mồng 1 tháng 6 [1/7/1467]; cử Lê Bá Đạt làm Chiêu thảo trấn Bắc Bình tức tỉnh Cao Bằng ngày nay; riêng quan chức đứng đầu trấn này bị tội đày, vì để cho giặc đốt phá quan ải. Ra lệnh 12 ty thừa tuyên trong nước vẽ bản đồ có ghi chú rõ ràng, đem về bộ Hộ để thiết lập bản đồ toàn quốc. Nhân nhà Vua kiểm soát việc học của Đông cung thái tử, nghi ngờ học vấn của các thầy thị giảng, nên bắt thi; thấy được sự yếu kém của những vị này, bèn quở trách các viên đại thần tiến cử:
“Tháng 6, ngày mồng 1, lấy Đại lý tự khanh Lê Bá Đạt [37a] làm Chiêu thảo đại sứ hành Bắc Bình phủ tri phủ thiêm tri Bắc Bình vệ…
Đày Phó tổng binh trấn [38a] thủ Bắc Bình là Lê Lục và Đồng tổng tri Nguyễn Lượng ra châu xa, vì tội giữ trấn mình mà để cho giặc cướp đốt quan ải. Việc bị phát giác, bị đày, nhưng được miễn làm khổ sai.
Ra lệnh cho 12 thừa tuyên điều tra hình thế sông, núi, sự tích xưa nay của các nơi trong hạt mình, vẽ thành bản đồ ghi chú rõ ràng rồi về Hộ bộ để làm bản đồ địa lý.
Khảo thi và sa thải bọn Đông cung thị giảng là Vũ Nguyên Tiềm và Tạ Bửu ở Phụng Nghi đường. Bấy giờ Nguyên Tiềm cùng Bưu hầu Đông cung học. Vua ngự đến Đông cung, hỏi chữ nghĩa hôm trước thế nào, Thái tử đem những lời Nguyên Tiềm đã dạy để trả lời. Vua bèn sai ra ba đề chế, chiếu, biểu bắt bọn Tiềm và Bửu thi ở Phụng Nghi đường. Bọn Tiềm đều quên lối làm, cả ba bài đều không thành văn lý. Vua xem xong, phê rằng: ‘Đáng tởm’ và quở trách Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ, Đông cung quan Trần Phong và Đô ngự sử đài Trần Xác về tội bảo cử bậy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 36b.
Đám giặc địa phương đánh phá thành Khả Lặc tại Quảng Ninh. Vua cho điều tra nguyên nhân bị thua; điều động các quân, cùng bàn bạc phương sách dẹp giặc:
“Sai Đô đốc thiêm sự Khuất Đả đem 500 quân ngũ phủ đến [37b] bảo Khả Lặc trấn An Bang [Quảng Ninh] đuổi đánh giặc cỏ, nhưng không kịp lại trở về.
Sai Quyền lại khoa đô cấp sự trung Nghiên Nhân Thọ và Đông đạo giám sát Thiều Duy Tinh đến bảo Khả Lặc, trấn An Bang, xét hỏi việc tướng súy chần chừ và bị thua như thế nào. Bãi quan chức của Tây quân đô đốc Lê Thiệt vì quân lính và chỉ huy của Thiệt sai đi tuần tiễu biên giới đã dọa nạt lấy bạc của người châu Thoát, việc bị phát giác, nên Thiệt phải bãi chức….
Bàn đặt vệ quân ở trấn An Bang, vì đất ấy rất độc lại là cõi biên giời xa xôi, đường sá nhiều trở ngại, ứng viện không kịp.
Giặc cỏ đánh bảo Khả Lặc, trấn An Bang. Sai Tây quân đô đốc phả thiêm sự Khuất Đả đem 1.000 quân Ngũ phủ, và sai quân nhân hai ty Thân quân, Điện tiền và hai ty Hiệu úy đi đánh.
Triệu Thái sư Đinh Liệt, Thái bảo Nguyễn Lỗi, Lê Niệm và Ngũ phủ Trịnh Văn Sái vào cửa Gia Hựu họp bàn phương sách đánh bọn giặc cỏ.
Lại sai Kiêu vệ điệp tổng tri Lê Công Nghị dẫn quân Ngũ phủ đi cứu ứng. Sai bọn Nam quân phủ đô đốc đồng tri Nguyễn Đức Trung đi An Bang đốc thúc đánh bọn giặc cỏ, cho phép chém trước tâu sau. Phát 3 vạn thăng gạo kho sai người phủ Trung Đô làm lương chở tới trấn An Bang để [39b] cung cấp cho quân lính.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 37a.
Tháng 7 [ 31/7-29/8/1467]; Vua đề xuất tên ấn là Thiên Nam Hoàng Đế Chi Bảo, mệnh cho các quan bàn. Cuối cùng đồng ý dùng tên Hoàng Đế Thụ Mệnh Chi Bảo, ngày 16 tháng 8 [14/9/1467] làm lễ tẩu lên Thái Miếu:
“Tháng 7, vua đưa ấn "Thiên Nam Hoàng Đế chi bảo" cho các tế thần xem để cùng bàn. Quyền Hộ bộ thượng thư Nguyễn Cư Đạo nói: Ấn của Hoàng Đế là ấn truyền quốc, nhưng hai chữ "Thiên Nam" hình như hơi mới lạ, không bằng dùng các chữ "Thuận thiên thừa vận chi bảo" rất hàm súc, rất có ý nghĩa. Vua lại dụ các quan rằng:
‘Mới rồi, ấn truyền quốc đã sai quan bí thư là bọn Lương Như Hộc xét trong sách Văn hiến thông khảo để đúc, gọi [38b] là Hoàng Đế thụ mệnh chi bảo, các quan tể thần bàn thế nào, hãy làm bản tâu lên".
Ngày 16 tháng 8, đem việc khắc ấn "Hoàng Đế thụ mệnh chi bảo" tâu cáo ở Thái miếu. Ngày hôm ấy mưa gió to.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 38a.
Nhà Vua đòi xem quốc sử, lấy lý do muốn biết lỗi để sửa đổi. Theo truyền thống, sử là môn độc lập, sẽ phát hành sự việc về mỗi đời Vua, sau khi Vua mất. Bởi vậy Sử quan (9) Lê Nghĩa (10) khuyên Vua không nên xem; nhưng rồi Vua đòi hỏi nhiều lẩn, cuối cùng đành đưa cho xem:
“Vua muốn xem quốc sử, sai nội quan tới hàn lâm viện dụ riêng sử quan Lê Nghĩa rằng:
‘Trước kia, Phòng Huyền Linh làm sử quan, Đường Thái Tông muốn xem Thực lục (11), Huyền Linh không cho xem. Nay ngươi với Huyền Linh thì ai hơn?’
Nghĩa trả lời:
‘Sự kiện ở cửa Huyền Vũ (12) , Huyền Linh lại không thẳng thắn ghi lại, Đường Thái Tông phải bảo ghi rồi sau mới ghi, như thế e rằng cũng chưa phải là hiền thần’.
Nội quan nói:
‘Vua muốn xem ghi chép hằng ngày từ năm Quang Thuận thứ 1 đến năm thứ 8’.
Nghĩa trả lời:
‘Vua mà xem quốc sử, hẳn không phải là việc hay. Những việc làm của Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh đã bị đời sau chê bai đấy!’.
Nội quan nói:
‘Vua bảo là xem những ghi chép hằng ngày để biết trước có lỗi gì còn có thể sửa được’.
Nghĩa nói:
‘Chỉ cần bệ hạ gắng làm điều hay thôi, việc gì phải xem quốc sử’.
Nội quan dụ bảo nhiều lần, Nghĩa nói:
‘Thánh chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc, [39a] thế dẫu không khuyên can mà cũng là khuyên can’. Rồi dâng những ghi chép hằng ngày lên. Vua xem xong trả lại cho Sử Viện.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 38b.
Tham nghị châu Hóa, tức Bình Trị Thiên, tâu bày 5 điều có lợi cho địa phương:
“Tham nghị thừa tuyên sứ ty châu Hóa là Đặng Thiếp dâng sớ trình bày 5 điều gây lợi:
1. Dựng đồn lũy ở cửa biển Tư Dung [Tư Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên] .
2. Lấp cửa Eo [Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên] .
3. Đào kênh Sen [Liên Cảng, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình].
4. Bãi bỏ chức thuế sứ ở đầu nguồn.
5. Chiêu mộ những kẻ lưu vong đến khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính [Quảng Bình].Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 39b.
Tháng 8 [30/8-27/9/1467]; Tổng binh trấn An Bang Lê Hối, Đốc tướng Khuất Đà bị hặc tội vì thua trận, bắt về kinh điều tra. Quyền đô đốc Trịnh Công Lộ từ trấn An Bang trở về, dâng sớ trình bày 4 điều nên làm nhắm củng cố trấn, như lập đồn lũy tại Tiên Yên, Vạn Ninh. Đến ngày 15 tháng 8 [13/9/1467] sai Đô đốc đồng tri Nguyễn Đức Trung tạm làm Trấn thủ An Bang:
“Tháng 8, Khâm sai quyền Lại khoa cấp sự trung Nghiên Nhân Thọ hặc tội tổng binh trấn An Bang Lê Hối không biết trù liệu đánh giặc, Đốc tướng Khuất Đả đuổi đánh giặc thất lợi đến nỗi bị thua. Lệnh cho Nhân Thọ tiến hành điều tra và bắt hai người về kinh.
Đông quân phủ quyền đô đốc Trịnh Công Lộ từ trấn An Bang trở về, dâng sớ trình bày 4 điều nên làm:
1.Lập đồn lũy Vạn Ninh [huyện Mông Cái, Quảng Ninh], Tân Yên [huyện Tiên Yên, Quảng Ninh] để chống giặc ngoài.
2.Chọn đặt hương trưởng làm giáp thủ để trông coi lẫn nhau.
3. Chọn người có tài năng văn, võ làm quan trấn thủ.
4. Lấy các đường quan ải, không cho đến chặt cây cối hay mở đường đi lại làm mất thế hiểm trở.
Dụ cho Đô đốc đồng tri Nguyễn Đức Trung tạm làm Trấn thủ An Bang. Sai bọn Tổng binh Nguyễn văn Đàm đi An Bang đánh giặc, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Đức Trung.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 39b.
Bấy giờ mất mùa, xuống chiếu giảm tô và thuế đinh. Ra lệnh bộ Hộ không để ruộng đồng úng ngập hoặc khô cạn; cấm bỏ hoang:
“Xuống chiếu giảm tô ruộng và thuế nhân đinh có mức độ khác nhau, vì Hộ bộ tâu là lúa má sút kém và mất mùa. Hạ lệnh cho quan thừa tuyên Nghệ An lấy tiền công đong thóc chở về kinh. Bấy giờ giá gạo ở kinh đô rất đắt, ở Nghệ An có rẻ hơn, nên sai mua vào.
Sắc cho Hộ bộ khai mương, đắp đập, không được để đồng ruộng úng ngập hay khô cạn. Sai Hộ bộ gửi công văn cho thừa tuyên các xứ xét xem có ty Khuyến nông và hà đê xứ nào để lúa má úng ngập và còn ruộng [40b] bỏ hoang thì tâu lên.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 40a.
Xét định chế độ quân ngũ, tổng số quân trong kinh và 12 đạo thừa tuyên gồm 77 vệ và 66 ty. Mỗi vệ khoảng 2.000 quân, mỗi ty 100 quân:
“Trước đây đặt quân năm phủ, đến nay đặt thêm quân ở trong kinh và ngoài các đạo, xét định chế độ quân ngũ: quân trong kinh có 66 ti, 51 vệ; quân ngoài các đạo có 26 vệ. Lệ định số quân: mỗi ti 100 người, mỗi vệ có 5 sở hoặc 6 sở không nhất định, mỗi sở 20 đội, mỗi đội 20 người. Nhà vua ra lệnh cho Đô đốc ngũ phủ là bọn Trịnh Văn Sái, Lê Hi Cát hội đồng với Nguyễn Vĩnh Tích, Thượng thư bộ Binh lựa chọn đại tổng kỳ, tiểu tổng kỳ ở các vệ trong ngũ phủ để bổ sung vào quân điện tiền ngũ vệ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 20.
Tháng 9 [28/9-27/10/1467], thuyền buôn nước Thái Lan đến Vân Đồn dâng biểu văn và sản vật địa phương; nhưng Vua không nhận. Ra lệnh cho các vệ tại biên giới phía bắc phải cẩn mật đề phòng bất trắc, không được để trống ví trí phòng thủ:
“Thuyền đi biển của nước Xiêm La đến trang Vân Đồn dâng biểu văn khắc trên là vàng và dâng sản vật địa phương, vua khước từ không nhận.
Sắc dụ quan trấn thủ và phó tổng binh các vệ ở các xứ An Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang rằng:
‘Các ngươi chức vụ đứng đầu một phương khống chế cả cõi biên thùy, phải phòng bị điều bất trắc, để ngăn ngừa giặc ngoại xâm. Cần phải khuyên bảo các tướng hiệu răn đe quân lính, không được quen thói cũ, bỏ trốn về nhà, để trống vị trí phòng thủ, kẻ nào trái lệnh thì trị tội nặng hơn luật thường". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 41a.
Ngày 20 tháng 9 [17/10/1467]; gió bão lớn tại các vùng ven biển miền Bắc và Nghệ An; khiến hoa màu ngập úng, dân chết đói. Trước kia Phó tổng binh xuất thân từ quan võ, kiêm chức Thừa tuyên sứ; nay tách ra, cử quan văn đảm nhiệm Thừa tuyên sứ:
“Ngày 20, bão. Các phủ ven biển là Nam Sách [Hải Dương], Giáp Sơn [Hải Phòng], Thái Bình, Kiến Xương [Nam Định] nước biển lên to, đê ngăn bị vỡ, lúa má bị ngập, dân ven biển chết đói nhiều. Các huyện ở đầu nguồn và ven biển, thuộc Nghệ An cũng bị thủy tai.
Có sắc rằng:
‘Các trấn phủ, Phó tổng binh kiêm Thừa tuyên sứ chỉ xuất thân từ con đường võ nghệ, không hiểu văn học mà kiêm giữ hai chức, sợ ảnh hưởng tới việc quân. Nay Phó tổng binh nên thôi kiêm chức Thừa tuyên sứ. Còn chức Thừa tuyên thì chọn quan văn học. Các chức Tham chính, Tham nghị nên bớt đi một viên. Khi biên cương có việc thì tổng binh và thừa tuyên đều được tham gia bàn bạc’.
Đó là theo lời tâu của Trấn điện tướng quân Lê Văn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 41b.
Tháng 10 [28/10-26/11/1467] Tù trưởng Ai Lao, Hồ Lung, xin qui phục nhưng vua khước từ. Cho gặp bọn Sứ thần Trảo Oa, tức Java, nước Inđônêxia:
“Mùa đông, tháng 10, Hô Lung nước Ai Lao xin quy phục nước ta, vua khước từ…
Sứ thần nước Trảo Oa là bọn Na Bôi sang ra mắt.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 41b.
Ban lệnh diễn tập võ nghệ, định lệ thưởng phạt theo thứ bậc khác nhau; ban nào tập xong cho xét duyệt thưởng phạt:
“Nhà vua chuẩn định ba năm một kỳ thi khảo các quân sĩ về võ nghệ. Cứ đến mùa đông từng kỳ, hạ lệnh cho quan khảo xét sự giảng tập của quân thủy, quân bộ, quân thị hậu và quân ngoài các đạo, nhân đấy định cách thức thưởng phạt: Binh sĩ nào thắng luôn 4 tao được thưởng một chiếc áo và một quan năm tiền sử tiền [tiền gián]; 3 tao thắng 1 tao bình, được thưởng một chiếc áo; 2 tao thắng 2 tao bình, được thưởng 6 tiền sử tiền; 1 tao thắng, 3 tao bình, được thưởng 3 tiền sử tiền; 4 tao đều bình được cấp cho tiền cơm là 20 đồng sử tiền. Ngược lại, binh sĩ nào thua cũng phải phạt như thế.
Nhà vua hạ sắc lệnh cho các vệ các ti Thần võ, Du nỗ, Thần tí, Vũ Lâm và Ngũ Oai (13) ; mỗi khi binh sĩ đến phen túc trực, đều thay đổi từng ban chuyên tập võ nghệ; binh sĩ ở vệ Ngũ Oai và các sở Súng Nỗ thuộc các vệ ở các đạo ngoài kinh thành đều được nghỉ việc sai phái về tạp dịch, liệu lượng định số người canh giữ, còn bao nhiêu người đều phải chuyên tập võ nghệ, ban nào tập xong, quan sẽ xét duyệt lại và thưởng phạt theo như lệ định.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 21.
Nhắm hiểu rõ về “sử tiền” đề cập trong việc nhà Vua ban thưởng, xin tham khảo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn chép:
"…Nước ta tính mỗi tiền 36 đồng, gọi là sử tiền; mỗi tiền 60 đồng, gọi là cổ tiền. Như vậy, 10 tiền của sử tiền, hay là cũng gọi một quan sử tiền, tức là 6 tiền của cổ tiền; còn 10 tiền của cổ tiền tức là 1 quan 6 tiền 24 đồng của sử tiền. Sử tiền còn có tên riêng là tiền gián; cổ tiền tên riêng là tiền quý.”
Như vậy thời xưa tiền tệ nước ta có 2 loại: Tiền gián tức sử tiền; tiền quí tức cổ tiền; gồm các đơn vị từ nhỏ đến lớn: Đồng, tiền, quan. Tiền gián tính mỗi tiền là 36 đồng, 1 quan 10 tiền tức 360 đồng. Tiền quí tính mỗi tiền là 60 đồng, 1 quan 600 đồng. Đơn cử thơ xướng họa giữa Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ (14), bài họa của Chiêu Hổ có câu:
“Rằng gián thì năm, quý có ba.”
Có nghĩa 5 tiền gián là 180 đồng, bằng 3 tiền quí 180 đồng : [5x36= 180]=[3x60=180]
Thổ quan châu An Bình sát biên giới mang quân cướp phá châu Hạ Lang tại phía đông tỉnh Cao Bằng; bị đánh thua phải rút về. Vua cho quan trấn thủ hỏi lý do việc xâm lấn:
“Thổ quan châu An Bình [Quảng Tây] nhà Minh là Lý Lân đem hơn 8 nghìn quân và 300 con ngựa xâm lấn châu Hạ Lang [Cao Bằng]. Lân đánh thua rút về bản châu, chia quân giữ địa giới. Quan trấn thủ là bọn Đào Viện, Lê Bá Đạt xin gửi thư cho Lân hỏi lý do gây việc binh đao. Vua y cho.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 42a.
Ngày 16 tháng 10 [12/11/1467]; các Đại thần xin Vua xưng tôn hiệu Hoàng đế, nhưng Vua không nghe:
“Ngày 16, đại thần và các quan dâng biểu xin vua thêm tôn hiệu. Vua phê rằng:
‘Trẫm chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng đế. Đối với các khanh, trẫm xưng là Hoàng thượng, đối với Thái miếu, trẫm xưng là Tự hoàng, như thế cũng đủ khác với danh hiệu của các thân vương rồi. Những lời ấy, các khanh nên nghĩ lại. Sau này vài năm nữa, [42b] nếu thấy trên thì trời thuận, dưới thì dân yên, mưa gió điều hòa, nước lớn thân thiện, nước nhỏ sợ uy, mới có thể bàn đến tôn hiệu. Các khanh nghĩ kỹ lại xem’.
Ngày 19 [15/11/1467], đại thần và các quan văn võ lại dâng, biểu xin thêm tôn hiệu. Tờ biểu viết: Bệ hạ đã lên ngôi chí tôn, nên xưng là Hoàng đế. Vua không nghe.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 42a.
Ngày 5 tháng 11 [1/12/1467]; Đô đốc Khuất Đà trước đây thua trận tại An Bang [Quảng Ninh], nhưng Vua xét tài năng muốn dùng làm Tổng binh Bắc Bình [Cao Bằng]. Thái bảo Nguyễn Lỗi tâu xin chờ án xét xong, nếu không có lỗi thì có thể dùng được; Vua bèn nghe theo:
“Mùa đông, tháng 11, ngày mồng 5, lúc tan chầu, vua hỏi đại thần và trăm quan rằng:
"Đô đốc Khuất Đả trước đây tuy trái quân luật Hình bộ đương xét hỏi, trẫm muốn gọi cho làm Tổng binh để trấn thủ Bắc Bình có được không?"
Thái bảo Nguyễn Lỗi nói:
‘Cho sống hay bắt chết, ban chức hay bãi miễn là quyền của đức vua, bọn bề tôi không dám bàn đến. Song Khuất Đả phụng mệnh đánh giặc không nên công, Lục khoa hặc tâu lên, Hình bộ đương xét hỏi. Hãy đợi xong án, nếu ông ta không có tội thì dùng được’.
Chỉ riêng Hình bộ thượng thư Lê Bá Trù [43a] tâu rằng:
‘Khuất Đả tuy có tội, nhưng nay quyền nghi mà dùng thì có hại gì?’.
Vua theo lời của Lỗi, lệnh ấy bèn thôi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 42b.
Về tội phạm bị giam, cho phép tội nhân kêu oan được tranh luận với quan Đại lý để tìm lẽ phải; phạt tội để án ngục chậm trễ. Vua cho thi lại các quan văn đã đậu Tiến sĩ. Bắt những người Chiêm Thành đến qui thuận phải sống riêng, không lẫn lộn trong dân, để dễ bề kiểm soát:
“Tháng 11 [27/11-26/12/1467]. Xét tội những tù phạm hiện giam trong ngục. Nhà vua hạ sắc lệnh cho tể thần lúc xét tội những tù phạm hiện giam, phải có quan chức của Đại lý tự, nếu người có tội kêu là xét oan, thì cho quan chức của Đại lý tự cùng người có tội biện bạch bẻ bác với nhau. Nguyễn Phục, đô chỉ huy, giữ việc vâng tờ chiếu của vua xét hỏi hình ngục mà không khám xét được mau chóng, để việc hình ngục phần nhiều đình trệ. Nhà vua hạ lệnh cho gián quan [quan can gián] là bọn Trần Thốc xét hỏi về tội chậm trễ của Nguyễn Phục.
Thi nho thần [quan văn] ở Phượng Nghi đường. Nhà vua cho triệu những người trước đã đỗ tiến sĩ hiện làm việc ở các nha môn là bọn Lê Đình Tuấn cùng với bí thư giám là bọn Lương Thế Vinh, cộng 30 người, đến Phượng Nghi đường. Nhà vua ra đầu bài để khảo thí bọn này. Trong số ấy có thị chế Dương Như Châu vì học nghiệp không tiến, phải xuất ra làm Hồng lô tự thừa.
Xét duyệt số hộ người Chiêm Thành. Khoảng niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), người Chiêm Thành sang quy phụ nước ta, tất cả trai gái hơn 200 người, lúc ấy đã phân phối họ đến ở các đạo. Nay nhà vua hạ lệnh xét duyệt số hộ khẩu của họ có bao nhiêu người, định cách kiềm chế để họ được theo một phạm vi nhất định; cấm nhà quan, nhà tư không được dùng họ làm nô tì.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 21.
Tháng chạp, Vua bắt đầu xưng là Quốc hoàng khi làm lễ tế cáo, gọi là Hoàng thượng lúc ban chiếu mệnh cho quần thần. Bổ nhiệm Lê Giải làm Điện tiền ty đô kiểm điểm; Lê Bá Trù làm Tả kiểm điểm, phục chức cho Tây quan tả đô đốc Lê Thiệt:
“Tháng 12, ngày Giáp Ngọ [28/12/1467], làm lễ tế mùa đông, vua xưng là "Hiếu tôn quốc hoàng". Danh hiệu"Quốc hoàng" có từ đây. [ 44b ]
Lấy hành Bắc quân đô đốc thiêm sự Lê Giải làm Điện tiền ty đô kiểm điểm; Binh bộ thượng thư Lê Bá Trù làm Tả kiểm điểm. Trả lại chức cho Tây quan tả đô đốc Lê Thiệt. Trước đây, Thiệt phạm tang trái luật phải bãi chức. Đến đây, vua cho là Thiệt có tài, có thể dùng được, sai trả lại chế mệnh đã bị tịch thu khi trước. Ban lại chiếu thư chế sắc bắt đầu từ Thiệt. Lệnh cho Bí thư sảnh làm ngọc tịch (15) . Ban lệnh cấp chế cáo cho bọn Đô kiểm điểm Lê Giải, trong lệnh đều ghi là" Hoàng thượng chế cáo chi mệnh". Vua xưng là" Hoàng thượng bắt đầu từ đây". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 44a.
Bấy giờ được tin quân Minh tại tỉnh Quảng Tây tập trung nhiều binh mã hành quân tại châu Liêm gần tỉnh Quảng Ninh, triều đình bàn bạc chủ trương giữ kỹ biên giới:
“Tổng binh Lạng Sơn là Lê Luyện tâu rằng: Được tin Tổng binh Quảng Tây nhà Minh điều động 13 vạn binh mã, đóng tại châu Ngô, châu Tầm, nói phao là sửa sang cầu đường bắc qua khe suối dọc ven biển để tiến đánh giặc Man ở Liêm Châu và Tri huyện Bằng Tường tỉnh Quảng Tây [ 45b ] Lý Quảng Ninh nói dối là còn bận phòng bị ở cửa Nam Giao, chưa rồi để điều binh đi đánh giặc Man. Vua sai triều thần họp bàn. Bọn Thái bảo Nguyễn Lỗi đều nói:
‘ Nên giữ kỹ của cải, mặc họ muốn làm gì thì làm, có sao đâu!" Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 45a.
Xét hình án có nhiều vụ xử oan, nên nhà Vua cho thay các quan thuộc bộ Hình. Nhân thiên tai, mất mùa, bèn ra lệnh ngừng xây cung điện:
“Ngày mồng 9 [4/1/1468], vua sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đỗ chọn lấy những người nhân hậu, khoan thứ, sáng suốt, công bằng ở các nha môn trong ngoài, để thay bọn Hình bộ lang trung, Viên ngoại Phạm Nại, Đàm Văn Thông. Bấy giờ, hình án có nhiều vụ xử oan, thường có đơn kêu lên triều đình. Vua chán ghét bọn đó, cho nên có lệnh này.
Ra lệnh ngừng việc xây cung thành, vì có nhiều tờ tâu gửi lên, nói là mất mùa, giá gạo cao vọt, cho nên hoãn lại.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 46a.
Cho khơi vét các bến cảng tại Thuận Hóa tức Bình Trị Thiên; cùng Thanh Hóa, Nghệ An:
“Khơi vét Liên Cảng [huyện Lệ Thủy, Quảng Bình] ở Thuận Hóa cùng các cảng ở Thanh Hóa và Nghệ An.
Các cảng ở Thanh Hóa: Ngọc Giáp cảng ở huyện Quảng Xương; Lẫm Cảng và Chiếu Bạch cảng đều ở huyện Tống Sơn; Vi cảng ở huyện Hoằng Hóa; Linh Trường cảng ở huyện Hậu Lộc; Thần Phù cảng ở huyện Nga Sơn; Hải Yến cảng ở huyện Đông Sơn; Đồng Hòa cảng và Trầm Mông cảng đều ở huyện Ngọc Sơn [huyện Tĩnh Gia].
Các cảng ở Nghệ An: Xước cảng và Tang cảng đều ở huyện Quỳnh Lưu; My cảng ở huyện Yên Thành; Thiết cảng, Hương Cái cảng và Đích cảng đều ở huyện Hưng Nguyên; Na cảng ở huyện Cẩm Xuyên; Lạc cảng ở huyện Kỳ Anh.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 21.
Chú thích:
1.Hiến phù: Thời đại quân chủ, sau khi thắng trận trở về, đem tù binh tâu lên nhà thái miếu, gọi là lễ hiến phù.
2.Xẻo tai: Chiến trận thời xưa thường xẻo tai quân địch bị giết, để làm bằng chứng.
3. Theo Ức Trai Dị Tập thì văn thơ của Nguyễn Trãi hiện nay còn sót lại một tập thơ, phú và ca bằng chữ Hán và một tập thơ bằng chữ Nôm.
4.Hành điện, hành tại:Vua chúa khi ra ngoài kinh thành đóng ở nơi nào, thì nơi ấy gọi là hành điện hoặc hành tại.
5.Tích cống: Phẩm vật gì không phải là thứ thường dùng, cho nên không liệt vào số cống phẩm hàng năm, chỉ khi nào vua cho lệnh đem cống mới được cống nạp, gọi là tích cống.
6. Thập loạn: mười bề tôi dẹp loạn trị nước của Chu Vũ Vương là Chu Công Đán, Thiệu Công Thích. Thái Công Vọng, Tất Công, Ninh Công, Thái Điền, Hoàng Yên, Tản Nghi Sinh, Nam Cung Quát và Ấp Khương.
7.Hán Cao Tổ Lưu Bang họ Lưu.
8.Đường Cao Tổ Lý Uyên họ Lý.
9.Sử quan: Tên một chức quan giữ việc ghi chép về chính trị trong nước, về lời nói việc làm của vua chúa đương thời, dầu hay, dầu dở, đều ghi chép đầy đủ để sau chép vào sách sử.
10.Lê Nghĩa: Người làng Đại Điền, huyện Bình Hà, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4 [1463].
11.Thực lục: một thể loại sử thời trước, chuyên ghi chép công việc của vua.
12. Đường Thái Tông giết Kiến Thành và Nguyên Cát ở cửa Nguyên Cát ở cửa Huyền Vũ, Phòng Huyền Linh chỉ chép mập mờ là sự kiện ngày mồng 4 tháng 6 thôi Thái Tông xem thực lục, bắt phải chép lại cho rõ ràng.
13. Vệ Ngũ Oai: Các vệ Phấn Oai, Chấn Oai, Hùng Oai, Lôi Oai và Tuyên Oai gọi là vệ Ngũ Oai, đều thuộc ngũ phủ quân.
14.Thơ xướng họa Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ:
Trách Chiêu Hổ:
Sao nói rằng năm lại có ba?
Trách người quân tử hẹn sai ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.
Chiêu Hổ hoạ lại:
Rằng gián thì năm, quý có ba
Bởi người thục nữ tính không ra.
Ừ rồi, thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
15.Ngọc tịch: Sổ hộ khẩu họ nhà Vua.