Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.999 tác phẩm
2.765 tác giả
265
124.687.958
 
Đôi điều về tập thơ Tình ngỡ buông dòng của nhà thơ Đoàn Quân
Phan Trang Hy

 

         Đoàn Quân, tên khai sinh là Đoàn Xuân Hiển, là thầy giáo dạy Vật lý. Thế nhưng, thơ đối với anh là kỷ niệm, là tình yêu, là trăn trở về kiếp nhân sinh. Chính lòng yêu thơ đã cho anh động lực để tập thơ “Tình ngỡ buông dòng” (NXB Hội Nhà Văn, 2023) ra đời.

         Trước tiên, dụng ý nghệ thuật về không gian, thời gian được Đoàn Quân sử dụng để chuyển tải tình cảm, suy nghĩ của mình trong tập thơ. Không gian nghệ thuật được anh sử dụng trong các bài thơ với những địa danh mà anh đã từng gắn bó, từng làm tâm hồn anh xao xuyến, nhớ nhung. Với lời giới thiệu "Khách lãng du qua những miền đất mến yêu" của nhà văn Hồ Sĩ Bình cùng bài viết "Niềm thao thức của đất" của nhà nghiên cứu Hoàng Dục có trong tập thơ cũng đã nói lên điều ấy.

         Riêng tôi, xin tản mạn đôi điều về thời gian nghệ thuật được nhà thơ sử dụng. Nó phù hợp với nhan đề của tập thơ “Tình ngỡ buông dòng”.

         Đó là thời gian buổi chiều. Buổi chiều trong ca dao, trong nghệ thuật tạo hình trở thành hình ảnh để người nghệ sĩ bày tỏ tâm trạng, bày tỏ tình cảm. Và ở Đoàn Quân cũng vậy. Chiều thành kỷ niệm của “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên?” (Thế Lữ). Chiều là thời gian ngập ngừng, làm duyên của tình yêu vừa chớm:

                   Buổi chiều những ngón tay đan

                   Không gian tĩnh lặng thời gian bỗng chùng

                   Lời thiêng muốn thốt ngượng ngùng

                   Đôi môi giữ chút thẹn thùng làm duyên

                                               (Chiều chậm)

         Chiều trong thơ anh còn là thời gian của tuổi “tóc chớm sương mai”, của tuổi thấm nỗi buồn niềm vui của cả cuộc đời, của cái tuổi ngộ ra trên thế gian này chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn ngoài hai tiếng “tình yêu”. Còn gì day dứt hơn khi về lại chốn xưa, tìm dáng hình cô em thuở nọ, cái thuở một thời ngẩn ngơ, ngơ ngẩn:

                   Bây giờ tóc nhuốm sương mai

                   Ta về tìm dấu chân ai nhạt mờ

                   Giữa trời chiều đứng bơ vơ

                   Nhìn mây năm ấy lững lờ bay đi

                                                   (Dấu chân trên cát)

         Còn đây là buổi chiều ở một nơi xa, một nơi có dòng Volga, có tuyết trắng, có bóng thùy dương. Tình cảm của nhà thơ trải dài theo đường chiều, chỉ còn tiếng sóng ở trong lòng:

                   Chập chùng phố đông

                   Trời chiều nắng trong

                   Thoáng qua hình bóng

                   Chợt nghe tiếng sóng

                   Volga nghìn trùng…

                                     (Đường chiều nay)

         Và đây là buổi chiều của một miền sơn cước. Tiếng khèn làm váy sơn nữ xòe hoa, cho tình yêu lên hương, cho tình yêu thêm đẹp, cho hồn thi nhân như mây bay, như chiếc khăn piêu ngất ngây tình ái:

                   Chiều Sapa trắng xóa mây bay

                   Lòng ngất ngây khăn piêu bay bay…

                                         (Khèn Sapa)

         Bên cạnh thời gian buổi chiều, thơ Đoàn Quân còn có hình ảnh mùa đông. Mùa đông trong thơ cũng trở thành kỷ niệm buồn vui của một thuở yêu, của một thời vu vơ giận hờn, trách móc. Mùa đông thành cái cớ cho chủ thể trữ tình bày tỏ với người mình yêu, bởi như Lawrence D. Cohen viết: “Tóc em là lửa mùa đông, than hồng tháng Giêng. Trái tim tôi cũng cháy ở đó”:

                   Lần lựa mãi một bài thơ mùa đông

                   Kỷ niệm buồn vui chòng chành ký ức

                   Ngày em đến thắp tình rạo rực

                   Đem gió dịu dàng tạo bão giông

                                             (Gửi mùa đông cũ)

         Bên cạnh hình ảnh mùa đông, “Tình ngỡ buông dòng” có nhiều bài viết về mùa thu. Mùa thu trong thơ anh thật đẹp. Mùa thu đẹp bởi có bóng dáng của người con gái dịu hiền. Thu đẹp bởi những lần em làm duyên, bởi những lần hẹn hò đôi lứa:

                   Mùa thu đẹp em dịu hiền con gái

                   Thầm khoe duyên trên má lúm đồng tiền

                   Mắt long lanh lần hẹn hò thánh thiện

                   Bàn chân trần khua sóng gợn chiều nghiêng

                                               (Em mùa thu cũ)

         Nhiều nhà thơ, khi viết về mùa thu thì hình ảnh thu thường mang nỗi buồn. Từng có “Trời cách mây mù thảm chả xanh,/ Mưa thu sân vắng giọt buồn tanh” (Mưa thu – Hồ Xuân Hương); “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ hàng ngàn/Đây mùa thu tới – mùa thu tới” (Đây mùa thu tới – Xuân Diệu). Với Đoàn Quân cũng thế. Tác giả đã mượn hình ảnh mùa thu để bày tỏ nỗi đau, nỗi buồn cho số kiếp:

                   Thu còn lại đêm lẻ dài nức nở

                   Nhớ gió heo may vương lá ngập đường

                   Ấm bàn tay trong buổi mờ sương

                   Phút ngượng ngùng lần đầu dám nói

                                         (Nước mắt mùa thu)

          Rõ là mùa thu trở thành cái cớ để tác giả bày tỏ nỗi niềm, bày tỏ sự trở trăn cho kiếp người:

                   Thu hát ru một người

                   Hay khóc cho kiếp đời?

                                         (Mưa thu)

         Mùa thu trong tập thơ này, đâu cứ phải là mùa của tự nhiên. Mùa thu ở đây là mùa của hồn thơ, của sự rung động, của con tim đập nhịp đập tình yêu người, yêu đời như trong các bài “Cuối mùa thu ấy”, “Thu tiễn đưa”. “Thu tàn”… Quả như Friedrich Nietzsche đã viết: “Tôi nhận thấy rằng mùa thu là mùa của tâm hồn hơn là mùa của tự nhiên”.

         Viết về mùa thu, nhất là với người từng dạy học, và trước đó là một thời đi học không thể không nhắc đến tháng chin. Tháng chín đẹp với tuổi học trò, tháng chín gắn bó biết bao kỷ niệm với người dạy học. Từng là giáo viên, và trước đó từng là học trò, cho nên khi viết về mái trường, về tuổi thư sinh, chắc một điều là tháng chin mãi là tháng in dấu ấn trong cuộc đời của anh. Thấy tà áo trắng, chắc anh nhớ lại thuở còn đi học lại ngu ngơ thương thầm ai đó. Thấy tà áo trắng, đâu dễ gì quên tình cảm ngô nghê một thời:

                   Tháng chín cuả tôi một thời qua

                   Chờ ai đứng mãi gốc thông già

                   Đi ngang bóng dáng quen chợt lạ

                   Bồi hồi tim nhịp trống gần, xa

                                   (Bài thơ tháng chín)

 

         Tuổi học trò là thời gian đẹp nhất của đời người. Ai cũng thường nghĩ như thế. Và tuổi học trò trở thành kỷ niệm không thể không nhớ của đời người. Trong thơ Đoàn Quân cũng thế. Một thời học ở Đông Giang, một thuở học ở Phan Châu Trinh đi vào thơ một cách tự nhiên. Tự nhiên bởi đây là thứ tình cảm tự nhiên. Cho nên, lòng nhà thơ mong mỏi có ngày hội để có dịp trở lại trường xưa:

                   Mong ngày hội ngộ tương phùng

                   Bốn phương tám hướng về chung một nhà

                   Dẫu cho cách trở gần xa

                   Ơn thầy nghĩa bạn mặn mà thuỷ chung...

                                      (Mong ngày về trường cũ)

         Ước mong ấy là ước mong của người từng yêu mến trường cũ – nơi đã từng nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của bao thế hệ học trò. Ước mong ấy đâu chỉ riêng ai:

                   Tháng chín về ngày hội trường

                   Đông Giang, tên gọi yêu thương

                   Một ngày sau sáu mươi năm

                   Một đời còn mãi vấn vương..

                                                 ( Hội trường)

          Ngày hội trường ấy, vui vì được gặp thầy, cô, bè bạn. Kỷ niệm về thầy cô, về tuổi học trò đâu dễ phai mờ theo thời gian. Theo thời gian, những kỷ niệm ấy trở nên đẹp: “Thủa ấy chúng con lòng giấy trắng/ nhìn Thầy áo trắng phấn bay bay/ ngày nay Thầy đeo đôi kính trắng/ nhìn chúng con tóc bạc quanh Thầy”(Màu trắng); hoặc: “Rời trường theo sóng đời xô/ Thương Cô nghe sóng dội bờ” (Cô ơi!); và: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Chân run run mắt rưng rưng nghẹn ngào/ Chia tay hẹn gặp ngày nào/ Còn ngồi bên bạn thều thào chuyện xưa”...(Bạn già). Đặc biệt là hình ảnh của cô bạn ngày nào:

                   Gặp người với nét duyên xưa

                   Nửa đời tháng nắng ngày mưa dãi dầu

                   Còn chăng một chút tình sâu

                   Cũng đành dấu kín, kiếp sau giãi bầy...

                                                    (Người ấy)

         Tuổi học trò đẹp, vì nhiều lẽ. Trong đó có mối tình ngây ngô, vụng dại. Xin được gọi đó là mối tình đầu, dẫu yêu đơn phương. Dẫu yêu đơn phương, nhưng mãi sống trong lòng của kẻ tình si, của những chàng trai thầm hát “Ngày xưa Hoàng thị” (Phạm Thiên Thư, Phạm Duy). Và Đoàn Quân cũng có mối tình thơ như thế:

                   Ngày về có chắc gặp em...

                   Đừng như thủa ấy chẳng thèm nhìn ta

                   Dù bao năm tháng cách xa

                   Đông Giang là bản tình ca đầu đời!

                                                   (Tình ca đầu đời)

 

         Trong tập thơ này, tác giả tìm về thời gian đã qua. Đó là thời gian ở làng Đặng, là quê cha đất tổ. Lòng anh luôn hướng về quê nhà, đất Bắc mong có ngày được trở về quê cũ, nơi chôn nhau cắt rốn để thắp nén hương dâng tổ tiên của người con phương Nam. Nỗi lòng ấy canh cánh bên lòng trong bài “Vọng cố hương”:“Lần hồi tuổi luống xế tà / Cố hương còn ngóng, vẫn xa dẫu gần / Muộn màng chín trải cuộc trần / Nhang chưa kịp thắp mộ phần tiền nhân/ Một ngày rồi có một lần”...

 

         Tưởng là vui, khi tuổi xế chiều, tác giả đã thỏa lòng khi về quê xưa, chốn cũ. Thế nhưng, không phải là cảnh Hạ Tri Chương trong “Hồi hương ngẫu thư” : Nhi đồng tương kiến, bất tương thức/ Tiếu vấn :" khách tòng hà xứ lai" (Tạm dịch: Trẻ con gặp mặt, không quen biết/ Cười hỏi: Khách ở chốn nào lại chơi?), mà là cảnh: “Dặt dìu vọng tiếng cu trưa/ Khuất bóng các cụ dạ thưa ai giờ/ Ngậm ngùi cúi trước ban thờ/ Tự dưng nước mắt nhoà mờ khói hương”... (Về quê). Quả thật là bùi ngùi cho người trở về quê cũ: “Buồn vui trọn cuộc phù vân/ Cuối đời vẫn đậm dấu chân đường làng”... (Đường làng xưa)

         Thời gian đã qua, còn lại những gì? Xin thưa, có chăng là kỷ niệm. Và kỷ niệm ở miền đất Sơn Trà, Đà Nẵng vẫn như thoáng hiện đâu đây trong tiềm thức, trong cõi thơ của Đoàn Quân. Nào là làng chài Mân Thái, bãi biển Mỹ Khê, núi Bà Nà, sông Hàn… hiện ra theo những buồn vui, theo thời gian trên tóc:

                   Ơn người giữ chút tình sâu

                   Thời gian dấu kín tình đầu giùm ta

                                                   (Còn trong kỷ niệm)

 

         Tập thơ này, bên cạnh những bài thơ đầy chất mơ mộng, đầy cảm xúc thì có những bài thơ có chất suy tư, trăn trở của nhà thơ về cuộc đời như “Đơn sắc”, “Trần gian”… Và đối với tôi, bài thơ “Sấp-ngửa” là một bài có chất như vậy. Đọc bài thơ, tôi liên tưởng đến trò chơi quay đồng xu sấp ngửa hồi còn nhỏ, hoặc trò chơi xóc dĩa may rủi, rủi may. Ai cũng hy vọng mình được như ý muốn, ai cũng mong mình được thắng trong trò chơi đen đỏ ấy. Chuyện ấy có khác chi: “Có chuyện mình thấy đúng/ Người khác bảo là sai/ Đúng - sai hai thái cực/ Chân lý ai tường minh?/ Có khi ta thấy phải/ Người lại cho là trái/ Trái - phải là hai mặt/ Cùng tồn tại đồng thời”...

 

         Cùng là một vật, chắc có trước, có sau. Quy luật âm dương có trong mọi vật. Quy luật ấy theo thời gian, lúc thì âm thịnh, dương suy; lúc thì âm suy, dương thịnh. Có thể, hôm qua chuyện này, chuyện nọ là đúng; nhưng rồi ngày mai lại sai. Chuyện đúng - sai, phải – trái tùy thời. Chi bằng, âm dương hài hòa thì ấm êm mọi lẽ. Đọc những câu thơ tưởng là chuyện anh, em nói về đúng – sai, trái – phải, nhưng theo tôi, đâu chỉ có thế. Mà đó là sự thông hiểu lẽ đời:

                   Chuyện đúng hay là sai

                   Anh phải hay em trái

                   Đúng - sai hay trái - phải

                   Chẳng sao, mình nhường nhau!

         Và điều tác giả muốn nói đến là bận tâm chi chuyện phải – trái, đúng – sai, sấp – ngửa, trẻ - già. Chỉ có nghĩa, có tình là hơn tất cả:

                   Em lo sợ tuổi già

                   Anh thì mong mãi trẻ

                   Cuộc đời còn đáng yêu

                   Bận tâm chi trẻ - già!

 

                   Anh gọi đó là tình

                   Em bảo đây là nghĩa

                   Nghĩa - tình sao cũng được

                   Khi mình còn bên nhau...

         Cuối cùng, thường thì, tên tập thơ trùng tên với một bài nào đó có trong tác phẩm. Thế nhưng, tác giả Đoàn Quân đặt tên “Tình ngỡ buông dòng”, không có tên bài thơ nào trong tác phẩm. Phải chăng dụng ý của tác giả là tình cảm xưa nay cứ để tự nhiên, cứ mặc trôi theo thời gian, còn mất cũng chẳng là gì. Cứ theo lẽ thường tình. Nhớ quá khứ mà làm gì? Quá khứ có chăng chỉ là kỷ niệm? Quá khứ có giúp gì cho chủ thể trữ tình trong cuộc sống, trong việc bày tỏ tình cảm của mình? Và đọc cả tác phẩm, tôi nghĩ, tác giả lấy nhan đề như vậy là dụng ý nghệ thuật. Tưởng mọi chuyện trong quá khứ cứ để trôi đi, nhưng đâu dễ gì buông bỏ. Những chuyện đã qua, dẫu là mối tình học trò, nỗi nhớ cố hương, niềm trở trăn, nghĩ suy về kiếp nhân sinh … đâu dễ “buông dòng”. Thôi thì, cứ xem các bài thơ có trong tập là những thời điểm trong quá khứ để nhà thơ giữ mãi tình cảm của mình, để sống tốt hơn với tình cảm đó. Bởi: Cuộc sống chia làm ba thì – đã từng, hiện đang, và sẽ là. Chúng ta hãy học từ quá khứ để làm lợi cho hiện tại, và từ hiện tại, để sống tốt đẹp hơn trong tương lai (William Wordsworth).

 

Tháng 03/2023

 

 

Phan Trang Hy
Số lần đọc: 832
Ngày đăng: 04.07.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
98. Vua Lê Thánh Tông. 4 - Hồ Bạch Thảo
Niềm thao thức của đất - Hoàng Dục
Khách lãng du qua những miền đất yêu mến - Hồ Sĩ Bình
Những thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống Nguyên Mông; lần đầu tiên được chuyển sang ngày tháng Dương Lịch. - Hồ Bạch Thảo
Tản mạn về rượu nho (10) - Nguyên Lạc
Tản mạn về rượu nho (9b) - Nguyên Lạc
Phật giáo là một tôn giáo - Võ Công Liêm
97. Vua Lê Thánh Tông. 3 - Hồ Bạch Thảo
Tản mạn về rượu nho(9a) - Nguyên Lạc
96. Vua Lê Thánh Tông. 2 - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Khỏa Thân (truyện ngắn)
Bán Chữ (truyện dài)
Phóng Sinh Chữ Nghĩa (truyện ngắn)
Làng cuồng mê (truyện ngắn)
Bao La Tình Mẹ (tạp văn)
VŨ ĐIỆU BIKINI (truyện ngắn)
Blogger sợ chữ (truyện ngắn)
Đau đáu Hoàng Sa (truyện ngắn)
Chuyển kiếp (truyện ngắn)
Hát giữa trần gian (truyện ngắn)
Có hậu (truyện ngắn)
Đảo gọi (truyện ngắn)
Nụ cười xứ Nẫu (truyện ngắn)
Vòng ký ức tháng ba (truyện ngắn)
Ấm áp mùa Noel (truyện ngắn)
Mơ về lại Hoàng Sa (truyện ngắn)
Nghe mưa chờ tết (truyện ngắn)
Vàng mai rực rỡ (truyện ngắn)
Vĩ Thanh ngày tết (truyện ngắn)