Trong các bản tin, bài viết (báo mạng, báo giấy, youtube) thỉnh thoảng người đọc+xem+nghe vẫn bắt gặp cách hiểu, cách dùng từ “cứu cánh” chưa ổn, dẫn đến ý diễn đạt không được xác định rõ - muốn hiểu phải suy đoán nhưng chưa chắc đã trúng ý tác giả …?!
Thí dụ :
– Sgtt.com - ngày 26/9/2012 chạy tít : “Mạng xã hội: một cứu cánh của ngoại giao”- Mạng xã hội (Twitter, Facebook, Youtube…), là những công cụ ngoại giao ít tốn kém mà lại hiệu quả và dễ dàng trong nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn như cập nhật thiên tai, thu thập thông tin và quản lí các mối quan hệ”…( ý nói mạng xã hội là phương tiện đắc lực hỗ trợ ngoại giao…)
– Sggp.org.vn - ngày 14/9/2012 viết: “Trung tâm quốc tế về kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học,đánh giá thuốc Heberprot-P là một cứu cánh cho các bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối”. - (ý muốn diễn đạt: thuốc Heperprot-P là phao cứu sinh của người bệnh tiểu đường).
– tuoitre.vn - ngày 29/03/2021 trong bản tin có đoạn: “Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn cao, cơ sở y tế phải có trang thiết bị đáp ứng và vật liệu thay thế khớp phù hợp. Với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, Khoa ngoại Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp hiện nay có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, phẫu thuật thành công cho nhiều trường hợp chấn thương nặng, gãy xương phức tạp, thay khớp háng toàn phần cho bệnh nhân bị trật khớp háng, tiêu chỏm xương đùi, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hoặc thay khớp háng bán phần trong gãy cổ xương đùi… Thật sự là một cứu cánh giúp người bệnh tránh khỏi tàn phế, sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường.”- (Ý nói thay khớp háng nhân tạo sẽ cứu giúp người bệnh tránh khỏi tàn phế,có thể trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường).
Tiếng Pháp có câu La fin justifie les moyens thường được dịch ra Việt ngữ : cứu cánh biện minh cho phương tiện - [hoặc những cách dịch khác : mục đích biện minh cho phương tiện -mục đích cuối cùng biện minh cho phương tiện - kết quả biện minh cho phương tiện…]. Pháp Việt Từ điển của Đào Đăng Vỹ giảng :“Để đạt mục đích phương tiện gì cũng tốt”.
Chữ cứu truy gốc Hán Việt có ba nghĩa xuất phát từ ba dạng tự khác nhau :
-“Cứu”救 (bộ phác) nghĩa là giúp. Đây là chữ chúng ta dùng nhiều nhất, như cứu trợ, cứu hỏa, cứu tinh, cấp cứu… Và thường được ghép với các từ Nôm để thành cứu giúp, cứu đói, cứu vớt…
-“Cứu” 究 (bộ huyệt) : xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo (như nghiên cứu, truy cứu) - cùng tận,kết cục (như cứu cánh) - từ điển tiếng Anh hay dịch là extreme.
-“Cứu” 灸 (bộ hỏa) : dùng lá ngải châm đốt hơ lên các huyệt để chữa bệnh như ngải cứu, châm cứu…
Sở dĩ “cứu cánh” hay được dùng sai với nghĩa “yếu tố giúp đỡ (cuối cùng) trong tình trạng hiểm nghèo”, là do chúng ta lẫn lộn nghĩa thứ nhất với nghĩa thứ hai của từ “cứu” - gần với nghĩa này nhất (mang sắc thái tu từ) là “(vị) cứu tinh”. Vì chỉ là gần nghĩa và không có từ đúng hoàn toàn với nghĩa trên nên “cứu cánh” bị dùng sai rất nhiều, kể cả các phương tiện thông tin chính thống.
Hán Việt Từ điển của Thiều Chửu cắt nghĩa: “Cánh” 竟 (bộ âm) : trọn; hết; xong - dùng làm trợ từ như tất cánh, cứu cánh 究竟 : xét hết, kết cùng, xét đến cùng tột.
Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh giải thích “Cánh” là cuối cùng ,xong được rồi và nêu thí dụ cứu cánh mục đích là cái mục đích cuối cùng (le but final).
Việt Nam Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức chú nghĩa : cứu cánh là cùng cực .
Và cũng cần phân biệt mục đích (but) và cứu cánh (but final): mục đích chỉ đích nhắm gần trước mắt, chỗ mình muốn đi tới ; cứu cánh cho khái niệm xa hơn - mốc định hướng vươn tới còn ở tận cùng - điều mà người ta nhắm vào đó, theo đuổi và phấn đấu đạt tới trong công việc hay trong đời sống.
Trong các bài giảng Thánh Kinh đạo Công giáo chúng ta bắt gặp khái niệm “thời cánh chung” - chỉ cái đích đến cuối cùng của một điều gì đó. Đức Giêsu thường hướng lời giảng của Ngài về thời chung cuộc của lịch sử cứu độ. Vào ngày ấy, Người trở lại trái đất lần thứ hai để phân xử nhân loại. Xác người chết sống lại kết hợp với hồn để ra tòa phán xét. Sau đó người lành sẽ được lên thiên đàng, kẻ dữ phải xuống hỏa ngục…
Phật giáo với Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh - Kinh Tuệ giác qua bờ,có câu : “…Viễn ly nhất thiết điên đảo mộng tưởng,cứu cánh Niết-bàn…” (遠離一切顛倒夢想。究竟涅槃) - Xa rời mộng tưởng điên đảo, đạt tới đích Niết-bàn cuối cùng. Niết-bàn là mục đích cuối cùng của người thực hành đạo Phật - là một trạng thái của tâm – an nhiên tinh khiết giàu lòng từ bi và trí tuệ.
(Saigon, tháng 4/2021)