Hà nội hiện có hai bậc kì nhân về âm thanh và ánh sáng. Hai người đã dựng lên hai tượng đài bằng âm nhạc về hai vùng đất. Một vùng đất chính là Hà nội, Người Hà nội. Còn vùng đất kia là Tây nguyên, mái nhà của toàn cõi Nam bộ.
Ai cũng công nhận tổ khúc “Người Hà Nội” là một kiệt tác âm nhạc của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Nhưng phải đợi đến người nghệ sĩ thiên tài ấy, thì bản nhạc “Người Hà Nội” mới thực sự trở thành một tượng đài bất hủ bằng âm thanh và ánh sáng diệu kì. Người ấy là nghệ sĩ mù Văn Vượng, một bậc kì nhân của đất Hà thành.
Những ai đã từng nghe tác phẩm “Người Hà Nội” do Văn Vượng chuyển soạn cho ghi ta, nghe đích thân ông thể hiện, thì suốt đời không bao giờ quên được nữa. Đó là một trong những giây phút hạnh phúc hiếm hoi của đời người, khi mà âm nhạc đã bừng lên ánh sáng từ những ngón tay kì diệu của một nghệ sĩ mù. Người viết bài này không những không thể nào quên, mà còn chuẩn bị dạy cho con mình, rằng có thể mù tịt về âm nhạc, có thể không cần biết Bét - Tô - Ven, Mô - Da... là ai. Nhưng phải biết tới bản nhạc đó, phải nghe ít nhất một lần, thì coi như đã có trong hành trang kiến thức của mình một báu vật của loài người, nhớ truyền mãi cho những kiếp sau...
Người xưa trọng sách hay, mỗi khi mở ra đọc, đều phải dọn mình cho sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, hai tay đỡ lấy cuốn sách, quay mặt về hướng nam, điều hoà hơi thở... Nghe bản nhạc này của Văn Vượng cũng phải như vậy. Chớ có thở mạnh, và đừng có ngọ nguậy chân tay. Người viết sẽ không tả đâu, vì làm sao có thể tả ra được, ngôn ngữ đã bó giáo quy hàng. Rồi bạn sẽ thấy đôi mắt đang lành lặn và thao láo của mình bỗng nhiên không cần dùng đến nữa. Hãy nhắm mắt lại, và cả một Trời, Đất, Con Người (Thiên Địa Nhân) sẽ sừng sững hiện ra...
Bản nhạc chấm dứt cũng là lúc mà quỷ thần thì thầm vào bên tai, rằng dường như tất cả đều mù, chỉ duy nhất có Văn Vượng sáng.
Bậc kì nhân thứ hai cũng là một nghệ sĩ ghi ta. Ông là Hải Thoại, một Người Hà nội lịch lãm và tài nghệ tuyệt luân. Kiệt tác âm nhạc của ông mà người viết muốn nói đến là bản nhạc “Mừng Tây nguyên giải phóng”, cũng soạn riêng cho đàn ghi ta. Tất nhiên cũng phải nghe đích thân ông đàn thì mới thấy hết sự thần diệu của cả một thế gian âm thanh được dựng lên. Không thiếu một âm hưởng nào của Tây nguyên hùng vĩ.
Tây nguyên hiện ra ngay từ nét nhạc đầu tiên, trong một thứ ánh sáng huyền ảo, không phải ánh sáng ban ngày. Nhưng rõ ràng có bập bùng ánh lửa, có tiếng trầm hùng của đại ngàn, tiếng chim hót, suối reo, tiếng gió dội vào từng vách đá... và tất nhiên không thể thiếu tiếng cồng, chiêng và những điệu nhảy của con trai, con gái...
Xin tha thứ vì đã trót lạm bàn. Bởi mọi sự bình luận về kiệt tác ấy đều trở nên vô nghĩa. Hễ cứ mở miệng ra là bản nhạc lập tức biến mất. Chỉ có thể yên lặng nghe, yên lặng chứng ngộ, như hệt những thiền sư đang chứng ngộ một đạo lý vĩnh cửu vốn hiện hữu trong đời.
Những ai đã từng nghe bản nhạc đó, thì sau khi hoàn hồn, đều không thể hiểu tại sao với sáu dây đàn, người nghệ sĩ lịch lãm và uyên bác ấy lại có thể tạo nên những âm thanh kì vĩ như thế.
Bản nhạc kết thúc đã lâu, nhưng người nghe vẫn còn lặng đi vì xúc động. Từ bấy giờ người ta mới có thể tin, rằng sự vĩ đại của con người là một điều hoàn toàn có thật.
Hai ông quả đã dựng lên trong lòng người viết bài này một tượng đài về Người Hà nội. Mà đã là tượng đài thì bao giờ cũng sừng sững, ngay cả khi xung quanh không thiếu gì cỏ rác.
Dạo trước, đã xảy ra chuyện một học sinh giỏi văn của Thủ đô thẳng thừng chối bỏ một kiệt tác văn học về chiến tranh, làm cho kể cả những người lớn đứng đắn cũng phải tốn giấy mực tranh luận.
Gần đây, tại một tỉnh phía Nam trước kia từng là chiến khu, người viết bài này có hân hạnh đón một đoàn cán bộ của một công ty Kiểm toán đóng ở Thủ đô vào làm việc. Những cử nhân, trí thức, nam thanh, nữ tú Người Hà nội lần đầu tiên biết thế nào là một vùng đất chiến khu...
Chưa chắc họ đã biết đến câu thơ: “xương cốt anh hùng chôn chật đất...”?
Thế nhưng họ đã từ chối uống nước, từ chối ăn trưa vì sợ nước ở đây chắc phải có mùi tanh của máu, có chất nhờn béo của... xương thịt người(!)
Họ phải về Sài gòn, nơi có mật độ người sống (và cả người chết) cao gấp nhiều lần so với bất cứ một chiến khu nào, để ăn cơm và uống nước ở đó.
Trong ánh mắt của họ, người viết đọc thấy một câu hỏi, rằng không biết đến lúc nào, thì những con người đang sinh sống ở vùng đất này (trong đó có người viết) sẽ... mọc lông và... có đuôi nhỉ?
Thì ra hậu thế, sau khi được hưởng một nền giáo dục tiên tiến và ưu việt... bèn “sáng tạo” ra những lối sống ghê tởm quá khứ, ghê tởm đồng loại một cách tân kì, quyết liệt từ trong sách ra đến tận ngoài đời như thế.
Chẳng trách có người đã lên tiếng phản biện lại học thuyết tiến hoá của Đác - uyn, rằng không phải con người có nguồn gốc từ loài khỉ, mà chính loài khỉ kia mới có nguồn gốc từ... con người.
Xin lỗi hai bậc kì nhân ở trên, xin lỗi tất cả những ai tử tế còn sót lại. Nhưng trong trường hợp này thì rõ ràng đã đến lúc phải buông một tiếng thở dài... khỉ thật!
Ăn cơm nhà... (38)- 10 / 2005