Thu Hiền – Phan Anh
(Trung tâm GDNN – GDTX Hoài Đức, Hà Nội)
Thành phố biển Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất trong số những hòn đảo ở nước ta, từng được ví von là thiên đường nghỉ dưỡng trên đại dương, nơi ấy đang hấp dẫn hàng vạn người đến và cũng đang từng ngày thay da đổi thịt làm không ít người qua phải ngỡ ngàng bởi sự phát triển như một cơn gió. Ấy vậy, mỗi khi nhắc đến hòn đảo này người ta vẫn không thể nào quên, nơi đây, hơn nửa thế kỷ trước, từng nổi tiếng là những cơn ác mộng của các tù nhân cộng sản. Bởi thế mỗi khi nghĩ đến hòn đảo phương Nam xa xôi với những bãi biển thơ mộng, đẹp ngỡ quên lối về ấy người ta vẫn không thể nào quên về một thủa đau thương với một khúc tráng ca từng được biết đến là địa ngục của trần gian. Một nửa thế kỷ đã đi qua, bóng tối của đêm trường đau khổ đã khép lại. Giờ đây, dường như cái đẹp tự nhiên của biển đảo đã quện vào và song hành cùng cái đẹp hào hùng của lịch sử dân tộc làm thành một bản hùng ca của thời đại mới giữa trùng khơi muôn ngàn sóng gió; tạo nên những giá trị trường tồn để Phú Quốc còn vang mãi những huyền thoại.
-
Thiên đường trên đại dương
Đảo ngọc Phú Quốc chào đón chúng tôi trong một buổi sáng rực rỡ nắng vàng và lồng lộng gió biển. Khi chưa đặt chân xuống hòn đảo từng được ví von là thiên đường của biển, từ trên máy bay, trông qua ô cửa kính, chúng tôi đã nhận ra hòn đảo Phú Quốc xinh đẹp giống như một chú cá khổng lồ đang giương vây quẫy đuôi giữa vịnh Thái Lan trong xanh với muôn ngàn lăn tăn sóng biếc. Khi độ cao hạ xuống thấp dần, Phú Quốc từ từ hiện lên với những nét đẹp thật quyến rũ ngay trong cái nhìn đầu tiên với một màu xanh mát rượi của cây lá hòa trong sóng nước trong veo và xanh ngắt của đại dương mênh mông bên những bãi cát trải dài, trắng tinh, mịn màng theo một đường cong mềm mại tựa như những lưỡi liềm hay vầng trăng khuyết. Chỉ thế thôi, đảo ngọc Phú Quốc cũng đủ làm nao lòng không biết bao người trên chuyến bay sắp sửa hạ cánh xuống phi trường bé nhỏ của biển đảo xa xôi.
Theo truyền thuyết, đảo ngọc Phú Quốc xưa có tên gọi là Xích Thổ, vùng biển đảo này thuộc sự cai quản của Thủy Long Thần Nữ. Phải chăng tên gọi cổ xưa trong truyền thuyết đó được bắt nguồn từ màu đất trên hòn đảo này chăng. Xích thổ có nghĩa là đất đỏ. Đặc trưng đất đỏ của Phú Quốc hiện vẫn còn dấu tích là bãi Đất Đỏ, nằm dưới chân một con dốc cao, hướng lên ngọn hải đăng, phía góc Tây – Nam trên bờ biển Tây thuộc phường An Thới. Nếu đúng như vậy thì khả năng con người biết đến hòn đảo thiên đường này dễ thường có khi còn trước cả sự hiện diện của nền văn hóa Óc Eo ở đây, khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Và nếu có đúng là thế thật thì quãng thời gian ấy cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tiến trình hình thành và phát triển của hòn đảo tươi đẹp này bởi cái màu đỏ của thổ nhưỡng kia chính là đất ba zan. Đất ba zan cùng với đất sét trắng và mỏ huyền phách mà người Pháp từng tìm thấy trên các rặng núi ở hòn đảo này chính là những minh chứng không thể chối cãi về hoạt động núi lửa đã từng xảy ra chính tại nơi này cách đây khoảng năm trăm triệu năm về trước.
Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, còn được gọi là đảo ngọc. Khả năng tên gọi này có thể bắt nguồn từ việc vùng biển nơi đây có loại trai có thể làm ra những viên ngọc rất đẹp, nay đang được phát triển nuôi cấy nhân tạo rất nhiều. Đảo ngọc Phú Quốc có diện tích gần năm trăm tám mươi kilômet vuông với chu vi khoảng hơn một trăm hai mươi kilômet đường bờ biển. Nhìn trên bản đồ Phú Quốc có hình dạng giống như một tam giác nhọn có cạnh đáy to ở phía Bắc đỉnh nhỏ ở phía Nam, chiều dài Bắc – Nam khoảng gần năm mươi kilômet (kéo từ mũi Trâu đến mũi Ông Đội), nơi rộng nhất theo hướng Đông – Tây khoảng hai mươi lăm kilômet (kéo từ mũi Gành Dầu đến mũi Đá Chồng), nơi hẹp nhất khoảng ba kilômet (kéo từ bãi Đất Đỏ đến bãi Khem). Cùng với đảo chính Phú Quốc xung quanh còn có hơn hai mươi đảo lớn nhỏ như đảo Thổ Chu, đảo An Thới, hòn Mun, hòn Cao, hòn Nhạn, hòn Kèo, hòn Dơi, hòn Thơm, hòn Kim Qui … Đảo chính Phú Quốc mang trên mình chín mươi chín ngọn núi cùng với những dòng sông, con suối, ghềnh thác tuyệt đẹp và những cánh rừng nguyên sinh trập trùng trong một màu xanh bất tận của cây lá tạo thành những bức tranh sơn lâm kỳ thú quyến rũ người thăm đến mê mẩn.
Phú Quốc nằm mãi ngoài khơi xa, cách Hà Tiên khoảng bốn mươi lăm kilômet, cách Rạch Giá khoảng một trăm hai mươi kilômet. Cứ tưởng cách biệt thế thì đảo chỉ có cây, đá cùng biển xanh và những dải cát. Tưởng thì nghĩ vậy thôi còn đến nơi đây ta sẽ thấy địa hình của đảo ngọc cũng giống như trong đất liền. Cũng có đủ núi cao, biển cả, sông sâu, suối dài, ghềnh thác, bãi bờ và ngót một ngàn loài cây cỏ với đủ các loại động vật chẳng kém gì trong đất liền. Chỉ nói riêng về sông thôi, sông trên đảo có hai dòng Dương Đông và Cửa Cạn. Dương Đông là dòng sông dài nhất ở Phú Quốc, trên hai mươi kilômet. Sông bắt nguồn từ núi ông Thầy trong dãy Hàm Ninh ở phía Đông rồi quanh co uốn lượn trong đảo để mọc lên những thị trấn lâu đời và sầm uất, trên bến dưới thuyền như Dương Đông và cuối cùng đổ ra biển phía Tây tại cửa Dương ngay cạnh Dinh Cậu. Trong dân gian, người Phú Quốc từng ví dòng sông như một con rồng ngậm ngọc, mình nó quấn quanh hòn đảo, đầu quay về hướng biển Tây, đuôi uốn lượn trên dãy Hàm Ninh. Sông Cửa Cạn cũng bắt nguồn từ phía Đông trong dãy Hàm Ninh rồi chảy theo hướng Tây Tây Nam đi qua rừng Cấm và đồng Cây Sao, đồng Bà và đổ ra biển phía Tây ở làng Cửa Cạn với chiều dài khoảng mười lăm kilômet. Cũng như sông Dương Đông, dòng Cửa Cạn rất mềm mại và quyến rũ bởi dòng nước trong sạch với rất nhiều loài cá tung tăng bơi lội cùng những cánh rừng dày đặc chim cò ríu rít trên những bụi cây. Hai dòng sông Dương Đông và Cửa Vạn tựa như những nét chấm phá duyên dáng cho bức họa đồ Phú Quốc, khiến cho Phú Quốc nhìn từ trên cao góc nào cũng thấy đẹp, đi dưới mặt đất đâu cũng thấy xinh tươi và xanh mát. Bởi thế, có nói Phú Quốc tựa như một người đẹp, một nàng công chúa đang ngủ giữa biển khơi thì cũng không ngoa.
Ngoài hai con sông huyết mạch đảo ngọc Phú Quốc còn có rất nhiều con rạch, con suối. Rạch thì có nào là rạch Vẹm, rạch Cửa Lấp, rạch Trăm, rạch Hàm, rạch Đầm. Suối thì có nào là suối Tranh, suối Bàn Đá, suối Tiên, suối Lớn, suối Đá Ngọn, suối Đẹp, suối Mây. Và một điều kỳ thú ở những dòng suối trên đảo Phú Quốc là đã có suối thì hay có những thác ghềnh. Những con suối nhỏ hiền hòa với những dòng nước trong mát uốn lượn mềm mại qua những ghềnh đá giữa chốn tuyền lâm của đại ngàn Phú Quốc làm thành những nốt trầm giữa đảo ngọc làm mê hồn du khách. Chẳng thế đến Phú Quốc khi chán tắm biển đã có không ít người lại đi tìm tắm suối giữa những ngày hè nóng bức. Đến với suối người ta dễ dàng được hòa mình vào với thế giới của những tự nhiên ban sơ. Chẳng gì thì người ta cũng được chút bỏ những bộ đồ nhằng nhịt mà nằm hoặc ngồi trên những phiến đá, thả những đôi bàn chân xuống dòng nước mát lạnh hoặc cho tấm lưng trần áp vào đá mẹ để trực tiếp tận hưởng những tia khí tươi mát thấm sâu vào trong từng làn da, thớ thịt; mặc cho đôi tai thỏa thích tận nghe những giai điệu du dương của suối rừng qua tiếng nhạc nước khi thì ầm ầm lúc lại thỏ thẻ róc rách hay được lắng nghe những tiếng chim líu lo, véo von và đắm chìm, sảng khoái trong những hương thơm dìu dịu, thoang thoảng đưa về trong gió của muôn sắc hoa rừng.
Có một điều kỳ thú khi đi tắm suối ở Phú Quốc bên những thác ghềnh là ta như được gặp lại những ngọn thác nổi tiếng ở trên mọi miền của đất nước. Ngắm nhìn những thác nước ấy ta cứ ngỡ ngàng tưởng như bao nhiêu thắng cảnh ở mọi miền đang được di chuyển tụ hội về đây bên biển. Chẳng tin mọi người hãy đến suối Đá Ngọn xem thác nước bảy tầng đêm ngày tuôn chảy ầm ầm, tung bọt trắng xóa một cách oai phong, hùng vĩ có khác gì thác nước Dray Sáp và Dray Nur trên vùng đất đỏ Tây Nguyên hay như các suối Tranh, suối Bàn Đá, suối Tiên … với những đoạn đá gập nghềnh len lỏi qua những khe núi khiến cho dòng nước phải uốn lượn, tung mình lên cao tạo thành những dòng nước trắng xóa phi qua những bờ đá giữa rừng cây xanh mát thoảng hương thơm dịu dàng làm thành những bức tranh diễm lệ trông chẳng khác gì những thác đẹp trên khắp các miền Đông Bắc, Tây Bắc của đất nước. Đặc biệt, vào mỗi mùa mưa, nước trong dãy Ham Ninh đổ về các con suối, khi ấy mỗi ngọn thác nhìn chẳng khác gì một Cam Ly hay một Preen của Đà Lạt. Suối, thác đảo ngọc Phú Quốc là như thế, bảo sao người ta cứ thích, cứ mê mẩn để rủ nhau cùng đến khám phá sơn lâm chốn này.
Nói đến Phú Quốc phải kể đến những bãi tắm trên biển. Sở hữu một đường bờ biển dài khoảng một trăm hai mươi kilômét chạy xung quanh đảo, Phú Quốc chỗ nào dường như cũng có thể trở thành là những bãi tắm tuyệt vời. Ngay từ cái nhìn đầu tiên trên máy bay khi bắt đầu thấy Phú Quốc đã không ít người ồ lên thích thú bởi những bãi tắm đẹp như tranh vẽ hiện lên trong tầm mắt và ngay lập tức ai cũng nhận ra rằng đây là sự biệt đãi riêng của tạo hóa cho đất và người Phú Quốc. Tuy thế những bãi biển ở Phú Quốc không phải chỗ nào cũng giống nhau. Mỗi bãi một vẻ. Vẻ nào cũng mặn mà quyến rũ trong một màu nước xanh biếc, trong suốt của biển khơi. Đứng trên bãi biển hoặc ngồi trên boong tàu, trên cáp treo phóng tầm mắt ra xa, ta dễ dàng nhìn thấy một mặt biển mênh mông, phẳng lặng, trong xanh với muôn ngàn con sóng lăn tăn hoặc ào ạt cuồn cuộn tung bọt trắng xóa theo từng cơn gió xô bờ. Mặt biển bao la phản chiếu ánh mặt trời mênh mông, lung linh cùng với những biến đổi đa sắc của màu xanh nước biển. Khi thì nước biển màu xanh da trời, lúc lại chuyển sang màu xanh ngọc bích. Chẳng những thú vị về thị giác, đến Phú Quốc, thong dong tản bộ trên những bãi cát trải dài, mịn màng bên bờ nước; mở căng lồng ngực hít hà hương vị mặn mòi của trùng khơi đang loang trong gió, ta dễ dàng được thưởng lãm một bữa tiệc của những cảm xúc đặc biệt khi thả hồn dưới rặng dừa xanh biếc hay dưới tán rừng nguyên sinh hoang sơ hoặc có thể hòa mình vào những làn nước trong xanh; đắm chìm theo những sải cánh hải âu chao nghiêng trên ngọn sóng để cho tâm hôn được trở nên nhẹ nhõm, thư thái và dễ dàng quên đi bao ưu phiền, âu lo … Bãi tắm ở Phú Quốc chỗ nào cũng đẹp. Nhưng nổi tiếng và được nhiều người biết đến ở phía bờ Bắc có bãi Rạch Vẹm, bãi Gành Dầu, bãi Vũng Bầu, bãi Dài, bãi Cửa Cạn … Bãi Rạch Vẹm được biết đến là vương quốc của sao biển. Biển ở bãi Rạch Vẹm nước trong veo, xanh biếc xô những bờ cát mịn màng phủ đầy rong rêu để gọi về trong cảm thức của du khách cái chất hoang sơ, ban đầu của biển. Bãi Gành Dầu được ví là hòn ngọc thô của Phú Quốc. Mới nghe thế thôi hẳn là mọi người đã thấy được sự hoang sơ nguyên thủy. Thực chất bãi biển này là một mũi đất nhô ra biển. Nước biển ở đây trong xanh cùng với những mỏn đá muôn hình kỳ thú gợi lên cho con người cái cảm giác êm ả, thanh bình đến lạ. Những khi trời trong, đứng trên bãi biển dường như ta có thể nhìn thấy đảo Kaoh Ses hay hòn Nần và núi Tà Lơn của Campuchia. Bãi Vũng Bầu tựa như vầng trăng non đầu tháng. Bãi cát ở đây rất diệu kỳ, có thể chuyển màu vào các thời điểm khi đất trời giao nhau. Ban ngày biển mịn màng cát trắng. Khi hoàng hôn buông xuống cát lại khẽ chuyển sang màu vàng lấp lánh. Đặc biệt ở bãi biển Vũng Bầu còn có những rặng san hô rất đẹp. Bởi thế bãi biển này cũng là một điểm lặn ngắm san hô lý tưởng, đẹp nhất của đảo ngọc. Bãi Dài cũng là một trong những bãi biển đẹp nhất, hút hồn nhất của Phú Quốc. Bãi tắm này dài khoảng mười lăm kilômet, kéo từ Cửa Cạn đến mũi Gành Dầu. Bãi Dài nổi tiếng với bờ cát êm mịn, trắng tinh, thoai thoải, nước xanh trong vắt. Chính bãi biển này năm 2008 đã được ABC New tổng hợp là những bãi tắm số một của thế giới. Bãi Cửa Cạn có vẻ đẹp thầm lặng của thiên nhiên. Bãi biển dài khoảng ba kilômet với màu nước trong xanh hòa cùng những bãi đá được nước biển mài mòn và tạo thành muôn hình kì lạ. Trên bờ biển có các bãi cát trắng mịn và những hàng dừa, vườn cây mang đậm nét màu sắc thiên nhiên của đất trời Nam Bộ. Ở phía bờ Nam, Phú Quốc nổi tiếng nhất là bãi Sao, bãi Trường, bãi Khem. Bãi Sao từng được CN Traveler bình chọn nằm trong top 10 bãi biển đẹp, hoang sơ nhất thế giới với những bãi cát trắng mịn như kem, đường cong thoai thoải hình lưỡi liềm. Trước đây, mỗi khi hoàng hôn buông xuống, hàng ngàn con sao biển từ đại dương bơi về nằm ngập tràn trên các bãi cát để tắm trăng. Tiếc rằng khí hâu và sinh thái đã có biến đổi không còn phù hợp với sao nữa nên bây giờ bãi đã vắng sao. Sao biển nơi đây có rất ít và chỉ còn trong những câu chuyện kể. Bãi Trường hấp dẫn người đến bởi những bãi cát vàng mịn thoai thoải. Bãi Trường có nhiều bãi tắm nhỏ. Các bãi tắm được nối với nhau bởi các ghềnh đá. Dọc bên bãi Trường thấp thoáng những làng chài và những hàng dừa đu đưa trong gió, soi bóng trên làn nước trong xanh, xôn xao theo sóng biển du dương xô bờ êm ái gợi lên trong ta phảng phất một hồn quê ven biển Nam Trung Bộ. Bãi Khem bình yên và hoang sơ với bãi cát trắng mịn hình cánh cung hòa trong màu nước xanh lơ trong vắt màu ngọc lam. Trên bãi tắm là những vườn dừa xanh biếc đêm ngày đung đưa trong gió, hòa cùng sóng biển rì rào làm thành một bản hợp xướng bất tận của biển khơi. Phía dưới lòng biển hệ sinh thái nguyên sinh vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn, khá đa dạng nên có rất nhiều rặng san hô đa sắc ẩn hiện trong làn nước làn nước xanh vắt. Bởi vậy bãi Khem cũng là một trong những điểm lặn ngắm san hô được nhiều người tìm đến. Ngoài biển Bắc và biển Nam, Phú Quốc còn có rất nhiều bãi tắm tuyệt đẹp, nhiều bãi dưới lòng biển có các rừng san hô chẳng ở đâu có được, ẩn hiện trong làn nước xanh biếc, trong suốt ôm dọc theo những bờ cát trắng mịn hoặc vàng tươi ở các hòn Thơm, hòn Móng Tay, hòn Mây Rút, hòn Dăm Ngang … Biển Phú Quốc như thế, bảo sao người ta không ngừng đưa nhau đến. Bảo sao các hãng truyền thông lớn thế giới thi nhau bình chọn và tôn vinh.
Nếu như tự nhiên, biển đảo Phú Quốc được trời phú thì mấy năm trở lại đây các tập đoàn chuyên về bất động sản và kinh doanh du lịch cũng đã không ngừng đầu tư vào Phú Quốc để góp phần làm thay da đổi thịt thành phố non trẻ phương Nam giữa đại dương muôn trùng xa cách này. Phú Quốc đang thay đổi từng ngày, có lẽ chẳng bao lâu nữa thành phố trên đại dương của Việt Nam này lại nổi tiếng thế giới, sánh ngang với Bali, Phu Ket … và tiến tới vươn lên ngang tầm với Maldives, Hawaii, Venice… Hy vọng thế. Ta hãy nhìn vào những căn nhà đầy sắc màu đang trải dài trên những triền đồi xuống sát bên bờ biển, hòa cùng nắng gió mặn mòi và trời xanh lồng lộng của trùng khơi ở An Thới làm ta lại nghĩ đến miền đất Amalfi (miền Tây nước Ý) khiến người ta cứ ngỡ đây là một thị trấn của Địa Trung Hải hay như dòng kênh đào với những con thuyền nhè nhẹ trôi giữa những công trình kiến trúc lộng lẫy, tráng lệ và những khu vui chơi, các con phố thương mại sầm uất thời thượng như thể giữa trời Âu ở nơi được mệnh danh là thành phố không ngủ làm người ta lại liên tưởng đến Venice hoặc khu giải trí hòn Thơm với tuyến cáp treo ba dây hiện đại, dài nhất thế giới, vượt biển dài gần 8 kilômet để tin vào tương lai là như vậy. Hy vọng và hy vọng sẽ là như thế.
2. Một thoáng huyền thoại
Một trong những điểm đến tâm linh ở Phú Quốc mà bất cứ du khách nào lần đầu đến đây cũng đều phải ghé qua chiêm bái, ngắm cảnh đó là Dinh Cậu – nơi thờ con trai của Thủy Long Thần Nữ. Dinh Cậu là một ngôi đền ẩn dưới những tán cây sộp cổ thụ, nằm trên một ghềnh đá có hình thù rất độc đáo (một mỏm giống con rùa, một mỏm giống đầu con cá sấu đang há miệng) nhô ra biển ở cửa sông Dương Đông. Địa thế ấy khiến ba phía của ngôi đền đều tiếp xúc trực tiếp với mặt biển dạt dào sóng xanh; làm cho ngôi đền tựa như chốn cổ tự bên bờ đại dương. Chính cái địa thế và hình dáng của ghềnh đá như vậy mà ngôi đền hiện lên trong tầm mắt mọi người với một cảnh sắc sơn thủy hữu tình, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Cảnh sắc và hình dáng độc đáo; đặc biệt ngôi đền còn gắn liền với đời sống tín ngưỡng của cư dân trên đảo từ bao đời nay nên cũng đã có không ít người coi Dinh Cậu là một trong những biểu tượng của đảo ngọc Phú Quốc.
Theo truyền thuyết đảo Xích Thổ và các đảo lân cận thuộc quyền cai quản của Thủy Long Thần Nữ (chồng là Đông Hải tướng quân). Nữ thần và cậu con trai ngự trên đỉnh núi Chúa, ngọn núi cao nhất trong 99 ngọn núi ở đảo Xích Thổ. Một ngày kia Nữ thần phải đi mừng thọ Đông Hải Long Vương nên phải giao lại cho cậu con trai cai quản vùng đảo trong những ngày đi vắng. Cậu con trai của Nữ thần vốn rất tinh nghịch nhưng bị nữ thần quản lý nay mẹ đi vắng lại được giao quyền quản lý thì rất vui vẻ vì được tự do. Trước khi đi Nữ thần dặn dò con trai cẩn thận trong đó có việc nhắc nhở không được đến hang động phía Tây vì đang nhốt con Sấu tinh ở đó, con quái vật này chỉ có Đông Hải tướng quân trị được. Đồng thời bà giao chìa khóa động Tây cho Thổ địa giữ rồi cùng hai đồng tử lên đường. Khi Nữ thần đi khỏi nhà cậu con trai bắt đầu giở các trò nghịch ngợm ra để tiêu khiển. Mỗi trò nghịch của cậu là một lần biển nổi giông tố làm muôn dân trên đảo điêu đứng. Đến ngày thứ ba, cậu hết trò và nghĩ đến động Tây. Cậu bèn đi đến nhưng không thể vào được vì cửa động bị khóa. Cậu liền gọi Thổ địa lên và hỏi chìa khóa. Thổ địa không giao và nhắc lại lời Nữ thần căn dặn trước khi đi. Câu không nghe và nắm hai chân Thổ địa nhấc ngược lên, cắm đầu xuống đất, khiến chiếc chìa khóa bằng đá hình thoi lấp lánh rơi ra. Cậu con trai Nữ thần bèn cầm lấy mở cửa đi vào trong động mặc cho Thổ địa ra sức can ngăn. Khi vào đến cuối hang cậu liền gặp Sấu tinh đang bị xích vào vách đá, đuôi bị bẻ cong buộc vào lỗ mũi. Sấu tinh nhận ra cậu là con trai của Nữ thần nên bèn giở trò lừa gạt. Nó giả vờ khóc lóc, van xin và ưỡn cái ngực có nhiều đốm đỏ phát ra những sáng màu xanh lên khiến cậu tò mò thích thú. Cứ thế Sấu tinh lừa gạt cậu hết trò nọ đến trò kia làm cậu quên hết lời mẹ dặn. Cậu đã mở dây cột mũi cho Sấu, rồi lại cho uống nước khiến cho sức mạnh của Sấu được khôi phục dần. Đến ngụm nước thứ năm thì Sấu tinh rùng mình và tự bứt được các sợi xích ở chân. Lúc này cậu bèn tỉnh ngộ và vung quyền đánh nhau với Sấu. Nhưng sức cậu không thể địch nổi Sấu tinh. Cậu bèn dùng phép xuyên thạch thoát ra ngoài gọi Thổ địa đi báo cha mẹ về ứng cứu. Lúc này Sấu tinh cũng thoát được ra ngoài, uống được vài ngụm nước biển và lấy lại được sức. Còn cậu con của Nữ thần vội chạy lấy cây đinh ba của cha để cầm chân Sấu. Cuộc chiến ấy khiến cho cả đảo rung chuyển, đất đá bay tứ tung làm sập biết bao nhà và dân đảo chết vô số. Cùng lúc ấy Nữ thần đang dự tiệc mừng thọ nhưng thấy bụng như lửa đốt. Biết có chuyện chẳng lành bèn nói nhỏ với chồng và xin Long Vương cho về trước. Hai vợ chồng trên đường về thì gặp Thổ địa bèn tức tốc trở về cứu cậu con trai. Lúc đó Sấu tinh rống lên, ướn ngực phát những tia sáng màu xanh làm cậu bé bắn lên trên không trung. Vừa may là cha cậu về đến nơi bèn đỡ được. Nhanh như cắt, Đông Hải tướng quân chụp được cây đinh ba và phóng thẳng về phía con Sấu. Cây đinh ba xuyên lưng và găm chặt con sấu xuống mép biển và hóa thành mỏm đá. Sau trận kịch chiến đảo Xích Thổ tan hoang. Tuy thoát nạn nhưng cậu vẫn bị mẹ trừng phạt. Nữ thần bắt cậu ngồi trên mỏm đá để canh giữ con Sấu tinh đời đời, làm cho yêu khí của con Sấu tinh không hại được ai nữa. Đời sau người dân trên đảo Xích Thổ thương cậu phải chịu mưa nắng nên đã dựng trên mỏm đá hình con rùa một ngôi đền để cậu có chốn che mưa che nắng. Miếu thờ đó chính là Dinh Cậu.
Tương truyền Dinh Cậu có từ khoảng thế kỷ thứ XVII và được sửa chữa qua nhiều lần. Quy mô Dinh Cậu hiện nay được sửa lại từ năm 1937 và được trùng tu lần, gần đây nhất là vào năm 1997. Đường lên Dinh Cậu phải đi qua hai mươi chín bậc đá, trên đường đi phải qua miếu Thổ thần. Trên nóc mái Dinh Cậu có đắp lưỡng long tranh châu bằng sứ; bên ngoài rìa mái có đắp hình cá hóa rồng bằng gốm. Trong Dinh Cậu có các tượng thờ, các cột có đắp các câu đối chữ Hán nó về đặc điểm địa thế, ca ngợi ý nghĩa của ngôi đền và ông Cậu của ngôi đền: “Tọa đại thạch đầu quy danh hiển” (Dinh Cậu nổi tiếng tọa lạc ở đầu của mõm đá giống con rùa), “Vạn cổ anh linh thông tứ hải” (Từ xưa anh linh của Dinh Cậu đã vang khắp bốn biển), “Chấn phong bình lượng bảo lương dân” (Dinh Cậu như tấm bình phong bảo vệ dân lành), “Phong điếu vũ thuận dân an lạc” (Nhờ ơn cậu mà mưa thuận gió hòa dân cư an lạc) … Địa hình và cách kiến trúc, trang trí Dinh Cậu như thế dễ gợi cho người cảm giác về một không gian rêu phong, cổ kính của một chốn tâm linh. Và để tưởng nhớ đến Cậu cũng như Thủy Long Thần Nữ hàng năm dân trên đảo mở hội lớn tại dinh vào ngày 15 và 16 tháng Mười.
Truyền thuyết trên đảo Xích Thổ và câu chuyện về ông Cậu trên cùng với lễ hội ở Dinh Cậu không chỉ phản ánh tín ngưỡng của cư dân Phú Quốc mà còn góp phần giải thích về mỏm núi đá có hình con cá sấu, con rùa và ngôi đền ở trên lưng con rùa. Đó là nhận thức một cách “thơ và mộng” về quá trình kiến tạo địa chất ở Dinh Cậu trên đảo Xích Thổ. Thế đấy, truyền thuyết và đời sống tâm linh trên đảo, đặc biệt là những lễ hội hàng năm ở Dinh Cậu cứ thế mà sống mãi trong tâm thức dân gian. Câu chuyện về ông Cậu và Thủy Long Thần Nữ đã gắn bó chặt chẽ với những nghi lễ, lễ hội của người dân Phú Quốc. Truyền thuyết và lễ hội ở Dinh Câu còn bổ sung cho nhau phản ánh những sinh hoạt văn hóa của cư dân trên đảo. Câu chuyện làm cho lễ hội có nội dung thiêng liêng. Lễ hội lại làm cho câu chuyện được sống trong môi trường diễn xướng một cách sinh động, hấp dẫn. Nó thu hút sự chú ý của cộng đồng, gắn bó mọi người lại với nhau trong sự cộng cảm chung của cả dân đảo để làm thành một diện mạo văn hóa khác biệt, rất đặc sắc, mang dấu ấn riêng của Phú Quốc. Cái dấu ấn ấy giờ đây cũng đã góp phần làm thành một điểm đến không thể thiếu được với mỗi người khi đến với đảo ngọc Phú Quốc.
3. Và những bản hùng ca bi tráng
Nằm ở mãi ngoài khơi xa, Phú Quốc những tưởng tránh xa được những mũi tên hòn đạn, hưởng bình an với những thiên đương tươi đẹp của thiên nhiên. Nhưng không phải vậy, lịch sử phát triển của vùng biển đảo phương Nam xa xôi ở nơi tận cùng đất nước cũng gắn liền cùng theo những thăng trầm của lịch sử dân tộc kể từ khi bắt đầu có con người trên đảo. Trong số các trang sử hào hùng của quần đảo xinh đẹp này hẳn là không thể không nhắc đến hai sự kiện về cuộc khởi nghĩa của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và nhà tù Phú Quốc, nơi một thời được coi là địa ngục của trần gian.
Đến Phú Quốc, hẳn là ngoài vãng cảnh Dinh Cậu nhiều người còn đến viếng đình thờ Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu và Cửa Cạn. Đặc biệt là ngôi đình ở Gành Dầu. Đây là một trong hai ngôi đình nổi tiếng nhất thờ người anh hùng trong số chín ngôi đình thờ ông ở Kiên Giang (một ngôi đình nổi tiếng khác ở thành phố Rạch Giá). Đình thờ Nguyễn Trung Trực nằm cách bãi Dài khoảng một kilômet. Ngôi đền được xây dựng từ năm 1882 và được trùng tu nhiều lần, làm theo kiểu chữ tam, gồm chính điện, đông lang và tây lang. Chính điện đặt bài vị của Nguyễn Trung Trực. Phía bên trái có ngai phối thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky. Phía bên phải có ngai thờ Nam Hải Đại tướng quân. Đông lang và Tây lang có các ban thờ thần linh khác và đồng bào nghĩa quân liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương. Trong đền thờ, có treo bức hoành phi với bốn chữ vàng “Anh khí như hồng” ngay tại gian giữa nhằm ca ngợi tiết khí của người anh hùng dân tộc luôn tỏa sáng như bảy sắc cầu vồng. Ngoài ra, hai bên cổng đình còn đắp nổi đôi câu đối “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” (trích trong bài điếu Nguyễn Trung Trực của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt). Đôi câu đối gợi nhắc người viếng chiến công oang liệt của Nguyễn Trung Trực khi đốt phá tàu chiến Pháp L’Espérance. Đặc biệt trên sân đình, trước gian thờ chính giữa có bức tượng đồng người anh hùng Nguyễn Trung Trực trong tư thế đang tuốt gươm với đôi mắt cương nghị nhìn thẳng về phía trước.
Sử sách còn lưu, ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đã đốt cháy tàu L'Espérance trên sông Nhât Tảo làm quân Pháp choáng váng. Sau trận này, nghĩa quân liên tiếp tấn công đánh tàu địch ở Bến Lức, Sông Tra… khiến cho quân Pháp hoang mang, sợ hãi. Đến cuối tháng 6 năm 1867, Pháp chiếm Vĩnh Long, sau đó là An Giang, Hà Tiên. Khi mất thành Hà Tiên, Nguyễn Trung Trực bất chấp lệnh lui binh của triều đình, đưa nghĩa quân về Hòn Chông xây dựng căn cứ và tiếp tục đánh Pháp. Rạng sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868, Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy đánh và hạ đồn Kiên Giang. Sau trận đánh này tiếng tăm của nghĩa quân lại vang dội. Giặc Pháp tức điên, chúng quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân. Chúng đưa tên việt gian Trần Bá Lộc từ Cái Bè đến Rạch Giá để đối phó lại nghĩa quân. Tên này đã treo giải thưởng cho ai bắt sống hoặc dâng đầu của Nguyễn Trung Trực. Hèn mạt hơn, Trần Bá Lộc đã cho bắt mẹ của Nguyễn Trung Trực để khống chế và gây áp lực. Để bảo toàn lực lượng trước âm mưu của bọn Pháp và lũ tay sai, Nguyễn Trung Trực đã đưa quân ra đảo Phú Quốc. Ngày 19 tháng 9 năm 1868, Pháp đưa quân từ Hà Tiên ra Phú Quốc, đánh vào Hàm Ninh. Nguyễn Trung trực đã cho nghi binh để lừa giặc. Pháp đã điều thêm viện binh và tấn công ở Dương Đông. Lúc này vợ của Nguyễn Trung Trực là phu nhân Lê Kim Định (tên gọi là bà Điều) chỉ huy một mũi quân đánh giặc ở sông Cửa Cạn để khiêu khích giặc vào bẫy nhằm giúp Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tiêu diệt. Pháp tiến quân đúng lúc thủy triều xuống, tàu nghi binh của bà Điều mắc cạn. Bà Điều đã anh dũng hy sinh tại sông Cửa Cạn. Nguyễn Trung Trực vừa lo hậu sự cho vợ xong thì đứa con thơ của ông cũng mất theo mẹ. Lúc này Pháp và bọn tay sai bao vây nghĩa quân và khủng bố nhân dân trên đảo nhằm gây áp lực cho Nguyễn Trung Trực. Đứng trước hoàn cảnh nhân dân bị đàn áp, thế lực không cân sức; để bảo toàn tính mạng cho đồng bào và binh lính, Nguyễn Trung Trực đã tự nộp mình cho giặc. Biết uy tín của ông, Viên thống soái Nam Kì vừa dụ dỗ vừa đe dọa. Bất chấp sự an nguy của bản thân, Nguyễn Trung Trực đã hiên ngang đáp lời kẻ thù rằng: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Bất lực trước khí phách hiên ngang, bất khuất, anh dũng của người anh hùng, Pháp đã hành hình ông ở chợ Rạch Giá vào ngày 27 tháng 10 năm 1868 tức ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn. Khi đó ông mới 31 tuổi. Tấm lòng trung hiếu của ông thật là trọn vẹn! Cảm phục và tự hào trước tấm lòng và khí phách của ông nhân dân khắp nơi đã tôn thờ ông. Nhân dân Phú Quốc hàng năm vào ngày giỗ ông lại mở hội để tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc và các liệt sĩ hy sinh vì tổ quốc.
Là căn cứ khởi nghĩa cuối cùng của Nguyễn Trung Trực, Phú Quốc không chỉ là nơi ghi dấu cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân áo vải mà còn là một chứng nhân của lịch sử của dân tộc với những khúc ca bi tráng nơi lao tù trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Đó chính là Trại giam Phú Quốc. Cũng như Côn Đảo, một thời Phú Quốc được mọi người biết đến không phải là thiên đường trên mặt biển mà là địa ngục dưới trần gian. Cái địa ngục ấy được bắt đầu hoạt động từ năm 1953, rộng khoảng 40 hecta nằm ở phía Nam đảo với tên gọi là Trại Cây Dừa, giam giữ gần 14000 tù bình Cộng sản của khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Đến năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tái sử dụng gọi là Trại Huấn Chính Cây Dừa (tức Nhà lao Cây Dừa). Đến năm 1966, Mỹ - Ngụy mở rộng Nhà lao Cây Dừa gấp mười lần, khoảng 400 hecta với gần 500 nhà giam tại thung lũng An Thới, cách nhà lao cũ khoảng hai kilômet và giam giữ tới 40 000 người (lúc nhiều nhất). Trong khu nhà giam này kẻ thù đã xây dựng rất nhiều nhà biệt giam, nhà tra tấn dã man và để bảo vệ, giam giữ tù nhân chúng làm những hàng rào kẽm gai và tổ chức canh gác rất nghiêm ngặt. Kết quả của những trò tra tấn dã man, có một không hai như thể đóng đinh vào tay, chân, đầu, đục răng, thiêu sống, nung dây kẽm châm vào da thịt ... ở nơi địa ngục này là có đến 4000 chiến sĩ cộng sản phải vĩnh viễn nằm lại nơi đảo xa ngàn trùng sóng gió.
Khu di tích Trại giam hiện nay trên đảo không còn nguyên trạng của thuở xưa mà được phục dựng lại nhằm tái hiện những năm tháng đau thương và tinh thần bất khuất hiên ngang của những người cộng sản. Dù vậy, đặt chân đến Trại giam Phú Quốc này, đi qua những nhà ăn, nhà bếp, nhà canh quân cảnh và các khu mô phỏng hình phạt như chuồng cọp kẽm gai, lộn vỉ sắt, gõ thùng, đục bẻ răng, roi cá đuối, đóng kim, đóng đinh … chúng ta cũng đủ để nhận ra những hình phạt thảm khốc, man dợ của kẻ thù đã dùng với các tù binh cộng sản. Đồng thời cũng cảm nhận được và vô cùng ngưỡng mộ, cảm phục trước sự anh dũng, hiên ngang; ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng trước sự đàn áp đòn roi dã man của kẻ thù. Cái sự dã man, tàn bạo ấy, đương thời (năm 1969 và năm 1972) đã từng được Tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế ghi nhận và phản ánh.
Lịch sử đã sang trang, 50 năm đã đi qua, những chứng tích kia trên đảo hẳn sẽ là mãi mãi không thể nào quên. Trại giam – địa ngục trần gian trên đảo ấy sẽ mãi là một địa chỉ đỏ để nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về một giai đoạn đau thương nhưng vô cùng anh dũng, tự hào của dân tộc. Một bài học về “Uống nước nhớ nguồn” vô cùng sống động. Chẳng thế, không chỉ có cựu tù rưng rưng nước mắt khi trở về thăm lại nơi chốn tù xưa mà có không ít các bạn trẻ đã không cầm được nước mắt nghi nghe hướng dẫn viên của khu di tích kể lại những ngón đòn tra tấn của kẻ thù và những tấm gương anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ cách mạng. Những vết thương trên thân thể giờ đây có khi đã lành da nhưng nỗi đau tinh thần hẳn có thể chưa thể nguôi ngoai. Có lẽ cũng bởi cái ý nghĩa giáo dục sâu sắc ấy mà ngày 31 tháng 12 năm 2014 Khu di tích Trại giam Phú Quốc đã được Thủ tướng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt. Và từ lâu nơi này cùng với rất nhiều nhà tù khác của giặc Pháp và Mỹ - Ngụy dựng lên trên đất nước ta đã trở thành những trường học lịch sử vô cùng sống động. Giờ đây nhà tù ở Phú Quốc cũng đã và đang trở thành một điểm đến thu hút được sự quan tâm của không ít người khi đến thăm đảo; làm phong phú và hấp dẫn thêm cho ngành công nghiệp không khói nơi cuối trời Nam.
Du ký Phú Quốc, ngày 2 tháng 7 năm 2023
Tác giả Thu Hiền (áo xanh) chụp ảnh lưu niệm ở nơi được coi là thị trấn của Địa Trung Hải thu nhỏ (An Thới - Phú Quốc )
Tác giả Phan Anh và ông Trương Văn Út (quần áo nâu), người trông coi đình Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu - Phú Quốc.
Trước biển Hòn Thơm - Phú Quốc