Chùm thơ HỒI CỐ QUẬN gồm 8 bài tứ tuyệt. Tứ thơ xâu chuỗi với nhau bằng hành trình thời gian, bằng hành động thơ nối tiếp nhau, từ khi Đoàn Quân Về đến ga tàu đặt chân xuống sân ga Đà Nẵng rồi Qua sông Hàn, về cố quận Làng chài Mân Thái, đến thăm Trường cũ Đông Giang, vui gặp Bạn học cũ,… và Đến BàNà. Cho nên, đến với chùm thơ, ta có cảm giác như bị dẫn dụ bởi cảm xúc hoài niệm của Đoàn Quân, ta như cùng chủ thể trữ tình trong thơ về cố hương, khỏa đi lớp váng thời gian đang che khuất những nơi chốn xưa, để tìm dấu tích yêu thương của một thời tươi trẻ.
Từ đó, ta hiểu tại sao mỗi bài thơ đều có tên riêng nhưng lại đứng chung dưới một nhan đề HỒI CỐ QUẬN. Mỗi bài thơ là một nhịp bước thời gian tìm về một vùng không gian kỉ niệm chưa hề nhạt nhòa trong tâm tưởng. Nhưng đến lượt mình không gian lại chuyển hóa thành thời gian tâm trạng bâng khuâng giữa xưa và nay, giữa niềm vui gặp lại và nỗi hoài nhớ xa xăm của nhà thơ.
Chính vì vậy, qua chùm thơ, người đọc như lạc lối giữa cái mơ hồ, như lẫn lộn giữa không gian và thời gian. Để rồi, người đọc như ngơ ngẩn tự hỏi lòng, trong thơ Đoàn Quân, không biết không gian và thời gian cùng đồng hiện trong nỗi nhớ hay không gian gợi nhớ thời gian làm sống dậy kỉ niệm xưa. Phải chăng, chủ thể trữ tình đang đứng bên bờ hiện tại, nhưng tâm hồn đang nao nao ở phía bến xưa xa. Thơ là như thế. Không có không khí mơ hồ thơ ấy, thể loại văn học này sẽ không còn sức hút đối với người đọc.
Ở Về đến ga tàu, hình ảnh thơ sáng lên, tư duy thơ rõ mạch, cảm xúc có sự pha trộn giữa niềm vui gặp lại bạn cũ và nỗi ngậm ngùi vì sự nghiệt ngã của thời gian.
Đà Nẵng đấy ư? vẫn nắng soi
Hồn nhiên bạn cũ thủa xa xôi
Đất, trời không đổi sao người cỗi
Nắm chặt đôi tay bỗng ngậm ngùi…
Giọng điệu thơ trầm trồ hớn hở trước một thực tại mang bóng dáng của quá khứ khi Đoàn Quân còn cắp sách đến trường. Đà Nẵng vẫn còn nguyên cái nắng vùng biển xứ nhiệt đới sáng lóa. Bạn học xưa đứng đón ở sân ga, tâm tính vẫn hồn nhiên như ngày nào. Nhưng rồi giọng thơ bỗng chùng xuống ngậm ngùi, khi bạn xưa đang là người cỗi về hình hài. Ý thơ và hình ảnh thơ nói lên ý nghĩa về phận người tuy không mới nhưng đã thể hiện sự chân thật của tình cảm mà nhà thơ dành cho bạn khi gặp lại sau bao năm xa.
Ngày xưa Bạch Cư Dị đã từng khẳng định: Hữu thời vô thanh thắng hữu thanh (Tỳ bà hành), thì nay ta cũng gặp tiếng nói không âm vang đó qua hình ảnh thơ giản dị mà giàu xúc cảm: Nắm chặt đôi tay bỗng ngậm ngùi của Đoàn Quân. Và ta nghiệm ra rằng để thể hiện tình cảm, nhiều khi tiếng nói rơi vào tình trạng lóng ngóng bất lực, hoặc rất dễ trở thành một thứ ngoa ngôn xảo ngữ, một thứ ngôn ngữ mặt nạ, khó tìm được sự đồng cảm như hình ảnh thơ, mang ý nghĩa “mật ngôn”: nắm chặt đôi tay, một hoán dụ nghệ thuật quen thuộc này.
Từ ga tàu về cố quận, người phải sang sông. Ngày xưa, thời từ bên kia Hà Thân “nước xanh như tàu lá” muốn sang bên ni Hàn “phố xá nghênh ngang” hay ngược lại, người ta phải lụy đò, phải cậy chuyến phà ngang. Hôm nay trở lại quê cũ, một chiếc cầu hiện đại nối đôi bờ con sông quê, Đoàn Quân nghe lòng bối rối, nên thơ duỗi ra theo ánh nhìn hồi tưởng nhuốm màu sắc tình yêu của tuổi học trò vụng dại.
Tìm chẳng thấy đâu bóng phà ngang
Theo em xe thường đạp vội vàng
Gió nhè nhẹ thôi mà sóng động
Mủi lòng áo trắng nhớ mênh mang…
(Qua sông Hàn)
Đọc những câu thơ của Đoàn Quân, tôi bỗng nhớ những ngày sang sông dạy học ở THPT Hoàng Hoa Thám (hậu thân của Đông Giang) từ những năm 1985 đến 1989. Những ngày ấy, ít nhất tôi phải sang sông hai lần với chiếc xe đạp. Mỗi lần sang sông mất khoảng 20 phút hoặc hơn. Dù mất thời gian, nhưng sang sông bằng những chuyến phà vẫn có cái thú riêng của nó. Nào là cái thú được đợi chờ, ngắm người lại qua; cái thú tình cờ gặp một người quen rồi vồn vã chuyện trò tâm sự; hay cái thú đứng trên chiếc phà ngang chầm chậm chuyển dịch, ta lại được thả hồn theo “vời con nước”, rồi nhìn không chán Ngũ Hành Sơn, cửa biển Thanh Bình, đỉnh núi Sơn Trà mà nghe vọng về đâu đây điệu hát buồn : Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm (Ca dao).
Tháng ngày tôi làm thầy giáo mà chuyến phà ngang đã thơ như thế huống gì Đoàn Quân của thuở học trò đang theo em xe thường đạp vội vàng. Với Đoàn Quân thực tại không còn bóng hình chiếc phà ngang nữa, nhưng trong hoài niệm của nhà thơ, chuyến phà đã trở thành một dấu ấn tình yêu đẹp đẽ. Chuyến phà đã giúp thu ngắn khoảng cách “theo em”, cảm thông với “hành động vội vàng” đong đầy tâm trạng của chàng học trò đa tình. Chuyến phà tạo điều kiện cho tôi và em gặp gỡ. Dẫu tôi và em “im lìm” “không nói năng chi” nhưng lòng thì hoan ca khúc nhạc tình mơ mộng. Nếu không như thế thì làm sao:
Gió nhè nhẹ thôi mà sóng động
Mủi lòng áo trắng nhớ mênh mang…
Tôi không rõ nhớ mênh mang là nhớ thế nào ? Áo trắng là hình ảnh của ai ? Nhưng tôi hiểu, thơ cũng rất cần nét mơ hồ trong sự giản dị của tín hiệu nghệ thuật, để mở ra nhiều vĩa tầng ngữ nghĩa qua sự tiếp thụ của người đọc, nếu không thì không thể có thơ. Tôi chỉ ngờ rằng, chuyến phà như là một trò chơi cút bắt, trốn tìm tình yêu, gặp rồi xa, xa rồi gặp, tuần hoàn như thế nên tâm hồn luôn không nguôi nhớ, sóng tình chưa hề “vỗ mãi một âm quên”. Vì vậy, tôi và em đều mủi lòng, đều nhớ mênh mang. Tôi cũng ngờ rằng, trên chuyến phà kia, giữa xôn xao sóng nước sông Hàn như thế, người ta có cảm giác những gì thuộc về tương lai đời mình, những ước mơ, khát vọng của mình sao mà xa vời quá đỗi. Và tôi còn ngờ rằng, hai câu thơ này, Đoàn Quân đã thật sự đắm mình vào quá khứ, nghe lòng mình đang lao xao sóng nhớ, bao nhiêu là nhớ, nhớ đến mênh mang cái thời xưa đẹp tựa thiên đường ấy. Mới hay, trong đời người, quá khứ có sự sống riêng của nó, nó không là đời người nhưng làm nên đời người, làm nên vẻ đẹp tình nghĩa của con người.
Từ đó, ta hiểu vì sao nỗi nhớ trong thơ Đoàn Quân trải mở theo không gian con đường, làng quê, ngôi trường, bãi biển, một cảnh đẹp của quê hương. Và thú vị nhất, những không gian ấy được nhìn bằng ánh mắt tình nhân nên đầy tình tứ, cảnh vì vậy mà có hồn. Đây là con Đường Sơn Trà, con đường đi học và cũng là con đường mộng mơ của Đoàn Quân:
Khe khẽ trên đường nhịp guốc vang
Lối đi học sáng nắng dịu dàng
Buổi trưa anh muốn cùng mây trắng
Lờ lững trôi che nhạt chói chang…
Nỗi nhớ bắt đầu từ nhớ âm thanh tiếng guốc của một nàng áo trắng nào đó đang đi học dưới cái nắng dịu của một sớm mai ở vùng quê miền biển. Thơ như thế là mở ra bằng hình tượng âm thanh, nhưng để gợi hình bóng một người con gái hay là cái đẹp thơ cũng thế thôi, khiến thi sĩ rung động. Thi sĩ muốn cùng mây trắng lờ lững theo người đẹp, che cái nắng chói chang cho cô. Đọc câu thơ của Đoàn Quân mà nhớ câu thơ của Bạt Ngàn : Bài thơ nhỏ cho em làm vương miện/ Đội trên đầu để che gió qua sông. Rồi nghiệm ra, thi sĩ thường ga-lăng hơn người. Hành động ga-lăng của họ cũng không dễ gì bắt chước được. Mỗi thi sĩ có một kiểu “nịnh đầm” riêng, nhưng nhìn chung tất cả đều thấm đẫm chất thơ.
Con đường Sơn Trà dẫn về làng cũ – Làng chài Mân Thái – làng quê nghèo thuở Đoàn Quân chưa vào Sài Gòn học tiếp lớp đệ nhất để thi tú tài II. Chứng kiến sự thay da đổi thịt của làng quê, thi sĩ bồi hồi, hốt nhiên thơ tuôn tràn:
Nơi ấy ngày xưa vùng Tiên Sa
Bây giờ phố xá đã tràn ra
Tiên không giáng nữa mà Linh Ứng
Thương cư dân vất vả, thật thà…
Bài thơ được kiến trúc bằng thủ pháp chơi chữ, tương phản xưa và nay, nên tạo được giọng điệu yêu thương tha thiết mà lắng sâu, thấm đẫm ân tình với những cư dân Mân Thái vất vả, thật thà. Lối chơi chữ đã tráng lên thơ một cái nhìn huyền ảo, hư hoặc, nhưng vẫn không hao hụt chất hiện thực của đời sống. Ngược lại, chất hiện thực khiến cảm xúc thơ bay bổng mà không xa rời cuộc sống. Bài thơ đẹp nhờ sự hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực ấy. Và điều thú vị hơn, bài thơ Làng chài Mân Thái đặt sau Về đến ga tàu, Qua sông Hàn, Đường Sơn Trà đã khẳng định tình cảm của Đoàn Quân dành cho làng quê của mình. Không gian trong ba bài thơ trước như là con đường đưa đứa con xa trở về làng cũ. Và từ làng quê ấy, thi sĩ mới mở lòng ra để đón nhận cảnh quan và con người nơi cố xứ, mảnh đất Đà Nẵng thân yêu. Đó là cấu trúc của chùm thơ HỒI CỐ QUẬN.
Làng chài Mân Thái là tâm điểm của cảm xúc, của tư tưởng thơ: Tình yêu quê hương sâu nặng của Đoàn Quân. Từ làng quê, người con xa quê bỗng bồi hồi nhớ về mái trường xưa, mái trường Đông Giang. Nhớ và mong gặp trường cũ đến nỗi đêm cũng háo hức theo giấc ngủ chập chờn, nên sáng tinh mơ đã vội vàng sang nơi thi sĩ đã học bốn năm đệ nhất cấp. Và bồi hồi:
Đôi cánh cổng trường xanh khép hở
Cát chừng giữ dấu chuỗi ngày thơ…
(Trường cũ Đông Giang)
Đúng là bồi hồi nhận ra cảnh xưa vẫn gọi mời như đôi cánh cổng trường khép hở, nhưng dấu xưa, người xưa đã không còn, để rồi ngậm ngùi : Cát chừng giữ dấu chuỗi ngày thơ. Thực ra, những ngày dạy học ở Hoàng Hoa Thám, tôi vẫn thấy hai cánh cổng trường còn hai kí tự “đ” và “g”. Nay vẫn vậy, đó là một dấu tích của một thái độ ứng xử văn hóa, nghĩa tình. Như thế, lòng người đã không thay đổi, vẫn trân trọng lưu giữ kỉ niệm xưa, đúng hơn là truyền thống của Đông Giang-Hoàng Hoa Thám.
Trở lại với bài thơ, người đọc vẫn có cảm giác băn khoăn. Không hiểu sao Đoàn Quân hạ câu kết bài thơ : Cát chừng giữ dấu chuỗi ngày thơ ? Tôi đã đọc đâu đó câu: hãy viết thù hận lên cát và khắc ân nghĩa lên đá. Vậy mà, trong cái nhìn của chủ thể trữ tình – người học trò cũ – lại cảm giác cát chừng đang lưu giữ kỉ niệm xưa về mái trường, về thầy cô, về bạn bè và về chính mình. Trong con mắt của con người yêu quê, yêu trường cũ, một con người sống có nghĩa có tình như không hề có câu chuyện cổ tích Dã Tràng, hay nghe câu ca: Dã Tràng xe cát biển đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Tất cả những gì thuộc về yêu thương đều lưu giữ yêu thương. Tất cả những gì thuộc về kỉ niệm đều phong kín làm kỉ niệm cho con người mà lòng không quên kỉ niệm đó. Hóa ra câu thơ đã diễn đạt chiều sâu tâm lí, mối quan hệ giữa con người với tạo vật đã từng yêu thương gắn bó. Đọc câu thơ này làm ta nghĩ đến chữ hề trong Bạn học cũ:
Các cụ gặp nhau, vui rứa hề!
Lủ khủ, da nhăn, má tóp hề!
Mi, tau vẫn cứ đùa như trẻ
Tình bạn khi xưa, chẳng khác hề!
Chữ hề trong bài thơ như là một điểm nhấn của cảm xúc, tạo nên đặc sắc riêng và phù hợp cách diễn đạt về tình bạn. Sở dĩ tôi cảm nhận như thế vì chữ hề ở đây không là chữ hề trong “Sở từ” của Khuất Nguyên, càng không giống chữ hề trong thơ cổ: Phong tiêu tiêu hề dịch thủy hàn/ Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn (Gió hiu hiu hề sông Dịch lạnh lùng ghê/ Tráng sĩ một lần đi hề quyết không trở về), hay thơ của Đông Trình : Ta tráng sĩ hề lòng không mềm bằng kiếm/ Đầu Tần vương và môi hồng Ngu Cơ. Từ hề trong thơ xưa là một âm đệm, một hư từ, gợi âm điệu bi tráng của bài thơ, còn chữ hề trong thơ Đoàn Quân là một cảm từ gợi giọng điệu suồng sã, thân tình giữa bạn hữu với nhau.
Thăm trường cũ, hội ngộ với bạn học xưa đó là quy luật tâm lí, đó là sự thôi thúc của tình cảm. Ai trong chúng ta cũng sẽ được sống trong không khí “những ngày xưa thân ái” như thế nếu gặp lại bạn học cũ như Đoàn Quân. Rồi cũng mi, tau như ngày xưa dù đã lên “cụ”. Cho nên, ta hiểu vì sao bài thơ có ba từ hề, hiệp vần theo lối chân vạc, độc vận, vần bằng mà không đơn điệu. Ngược lại, chữ hề khiến giọng thơ tươi vui, hồn nhiên, thân mật hơn, diễn tả được sự trong sáng và hồn nhiên của tình bạn học cũ và cũng là niềm vui của người thơ.
Và rồi người con của làng quê Mân Thái ấy, người học trò Đông Giang xưa ấy mới đặt chân lên Trên bãi Mỹ Khê, đi tìm kỉ niệm của mình hay dấu tích của tình yêu: Anh đi tìm gốc thùy dương ấy/ Dấu khắc ghi mùa hoa phượng bay. Nhưng chẳng thấy đâu dấu khắc xưa, chỉ nghe: Gió khua động tán dừa day dứt mà lòng day dứt, chùng theo kỉ niệm vơi đầy.
Chùm thơ đóng lại bằng bài thơ Đến BàNà.
Lại một lần về thăm Suối Mơ
Bâng khuâng chợt nhớ một vần thơ
Hững hờ em mới gieo một nửa
Để lại nơi đây nửa đợi chờ…
Có lẽ không cần phải bàn về cái đẹp của tạo vật thiên nhiên trong thơ hay cái không khí bâng khuâng của thi tứ, của cảm xúc. Chỉ đọc thôi, ta cũng đã cảm giác cái vị mặn mòi của thơ rồi. Ở đây tôi muốn nói đến vị trí của bài thơ. Bài thơ khép lại chùm thơ HỒI CỐ QUẬN nhưng lại là một kết thúc mở. Đoàn Quân đã đẩy về phía người đọc bao nhiêu là câu hỏi. Liệu về Đà Nẵng, Đoàn Quân chỉ đến với chừng nấy cảnh quê hay sao ? Liệu như thế là đã thỏa lòng yêu nhớ rồi hay sao? Hay bài thơ chỉ là một cái kết nghệ thuật giàu sức gợi, bắt người đọc phải liên tưởng để cảm hiểu thông điệp mà người làm thơ ủ kín trong đó.
Tôi nghĩ có lẽ đó là ý đồ nghệ thuật của Đoàn Quân. Dù đã gặp lại quê hương, người cũ, nhưng Đà Nẵng và bạn học thời Đông Giang, Phan Châu Trinh vẫn là “Suối Mơ”. Dẫu hiện thực quê hương đã thăng hoa cảm xúc thơ ca cho Đoàn Quân thì tác giả cũng không thể nào diễn tả trọn vẹn lòng mình và diễn tả hết được vẻ đẹp của quê hương. Tất cả như mới gieo một nửa, còn nửa kia vẫn để ngỏ, đợi chờ và hẹn mời người con xa xứ trở về hiệp nốt vần thơ. Hiểu như vậy mới thấy được cái kết cấu đầy ý tứ và tinh tế của chùm thơ chăng ?
Tôi không nghĩ bài viết này nói hết được cái hay, cái đẹp, cái tình quê, tình thơ của Đoàn Quân. Bài viết cũng chỉ mới gieo một nửa thậm chí không được như thế, chỉ tìm hiểu chùm thơ qua cấu trúc nghệ thuật của nó, nên cũng chỉ là một góc nhìn hẹp mà thôi. Tôi chỉ đi tìm hành trình thơ để cảm nhận chuyến thăm quê bằng cảm xúc của Đoàn Quân.
Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng nhất là tôi mong bài viết này như là một tấm lòng tìm đến với một tấm lòng, như là sự gặp gỡ của mối tình văn chương.
_____
(*) Đoàn Xuân Hiển về Đà Nẵng, tặng tôi tập thơ Nghe em hát về Hà Nội (Nxb Văn Nghệ, TP. HCM, 2009) của anh, với bút danh Đoàn Quân. Nhận tập thơ, tôi rất cảm động, tự nhủ phải viết một bài cảm nhận, nhưng chưa có dịp. Hôm nay, Đoàn Quân lại gửi tặng chùm thơ Hồi cố quận, đọc rất thú vị nên viết bài này.