Ngày xưa ấy lâu rồi. Lâu rồi mới là ngày xưa.
Em học lớp sáu, người mảnh mai, dong dỏng và trắng. Bọn trai gọi em là Mai “trắng”. Chúng nó nói như tỏ ý khen em: “Con ấy được cái trắng gái”. Cái trắng cũng có hiểu thêm nghĩa, thêm lời là đẹp. Trắng và đẹp, với con gái, thường đi đôi với nhau. Lời khen mộc mạc, thô thô nhưng thật. Thời đó, ngày đó, khó tìm ra được cô gái trắng như thế. Em như bông hoa lạc lõng chốn bụi trần, heo hút, có phần hoang dã, mông muội ở vùng bán sơn địa này. Những thô ráp, bụi trần là ngoài kia đâu đó, còn em đây thì dịu mát mượt mà. Em như là sự khát khao, cũng là ước vọng, chỉ có trong ước vọng. Có điều gì đó hơi khác đời thường hoặc là số phận để em lạc vào đây. Số phận thì dễ hiểu hơn.
Mưa xuân cho lộc tươi nõn nà. Nói đến nõn nà lại nghĩ đến em, nhớ em thêm. Em như lộc nõn mùa xuân, nó bé nhỏ, chỉ nhu nhú, thập thò. Trong mưa xuân, cái nõn nà mới phô ra cho người đời cảm nhận cái mướt mát, cái mơn mởn, cái dịu dàng, cái thánh thiện. Em cũng hiện ra với mùa xuân. Hơi thở và gió xuân cho người đời nhận ra sự mới mẻ, tinh khôi đầy sức sống, ấp ủ những ngào ngạt hương, mang theo những hy vọng tràn trề.
Mà thật, cứ gặp em là anh thấy tươi mát, trời đang nắng nóng thì như có bóng mây xoà che và gió mát, cái nóng dịu đi, hơi thở chậm lại, mọi chuyển động như ngừng trôi… tất cả như để lắng lại chờ đợi. Cái lạ của em và cái lạ bên em thật khó diễn tả.
Em có nhớ ngày xưa thơ bé đó, chúng mình chơi những trò gì không? Bọn con trai có nhiều trò nhưng duy nhất có trò chơi chung với bọn con gái. Đó là trò ngồi kéo mo cau. Anh có lẽ là đứa đầu tiên chơi với con gái.
Hôm đó, chiều rồi. Nắng đã vãn trên sông. Trẻ làng chơi ở bờ đê, chuẩn bị tắm cho trâu. Nước sông sạch lắm, trong leo lẻo như nước giếng làng chỉ lăn tăn vì một chút gió. Anh ngồi trên đê, ngắm dòng nước lững lờ và thả tâm tư vào mây gió. Cách em không xa. Em cũng ngồi trên bờ đê, nhìn dòng nước lững lờ và cũng thả hồn đâu đó. Chẳng ai có thể biết, một làng quê nghèo, đất thiếu, lại có những con người như vậy.
Một thằng bé đen nhánh chạy ra bờ đê, ôm bẹ cau vừa rơi xuống đất, chắc nó định mang về làm quạt. Mo cau vẫn còn mềm với tàu lá úa xơ xác te tua. Nó ngồi trên tấm mo và bỗng nhiên, một thằng khác, ngồi cạnh nó, cầm đầu lá kéo lôi hắn xềnh xệch trên mặt đê. Thằng bé đen nhánh kia ngả người ra phía sau, suýt ngã, vội bám tay vào hai bên mo cau để thằng kia vừa kéo vừa chạy. Chúng vừa chạy vừa la hét, vang cả một khúc sông, ấy vậy mà thành trò chơi. Chúng đổi phiên cho nhau và cho cả những đứa khác mượn cùng chơi. Anh cũng nhảy vào tham gia và bảo em ngồi, anh kéo. Anh làm phu kéo xe cho em. Đến lượt em kéo anh thì em không kéo nổi và mo cau cũng đứt khỏi cuống lá, trò chơi tự nhiên kết thúc. Hôm đó, anh kéo mạnh quá, cũng bởi em nhẹ bỗng, em đã ngã lăn ra triền đê một lần, em nhớ không? Anh đi về cùng em khi trời đã nhập nhoạng.
Nhưng với anh, đường em đi luôn là con đường nắng nở hoa. Anh như mơ bên em. Tối rồi mà anh vẫn cảm như còn đang nắng. Anh nhớ như in ngõ nhỏ rẽ vào nhà em. Ngõ nhỏ có rải những viên đá nhỏ, gạch vỡ và thường xuyên có những bông hoa râm bụt xoè cánh đỏ thắm. Em biết không, đã rất nhiều lần muốn vào mà ngại lắm. Hôm nay có lý do rõ ràng. Anh nói, anh “kéo” em đến tận cổng nhà nhé, “kéo” nhưng mà là “đi”. Vậy là được bên nhau. Em không trả lời, nhưng cái yên lặng để lại trong anh dư vị ngọt ngào, vị ngọt ngào nhuộm ngát hoàng hôn, vương mùi hoa râm bụt ngai ngái của ngõ nhỏ.
Hình như hôm đó có trăng sớm, bàu trời trong và hương chiều rất ngọt.
Đấy là ngày xưa, ngày xưa em là con gái.
Con gái có nhiều cái thú vị. Thú vị nhất là chúng nó luôn dịu dàng, mềm mại rất đáng yêu. Ngay cả khi khóc, chúng nó cũng rất dễ thương. Em cũng không loại trừ, từ bé đã đáng yêu rồi. Em có đầy đủ những nét đáng yêu con gái. Càng lớn càng đáng yêu. Yêu như vậy cho đến thời con gái thật sự. Thời thật sự con gái đẹp kỳ diệu, cái kỳ diệu đó, con gái biết, con trai chỉ cảm nhận. Còn anh, anh cảm nhận em bằng một mớ tưởng tượng, lộn xộn và rối rắm, nghĩa là, lúc thế này, lúc thế kia, khiến anh quay ngược, quay xuôi, quay lên, quay xuống, quay như chong chóng… Thế đấy, ôi kỳ diệu, phải không? Con gái đúng là bông hoa để người đời nâng niu cũng để người đời giành giật.
Chẳng hiểu sao, anh nghĩ, ngày em bé khác. Khác gì? Người lớn bảo khi bé xấu thì lớn lên sẽ đẹp. Nhưng đương nhiên, anh luôn cho rằng em không xấu, em vẫn đáng yêu, có điều đáng yêu hơn những đứa bé khác. Tại sao vậy? Có phải vậy không? Đôi lúc anh nghi ngờ nhưng không thay đổi được ý nghĩ. Em ngày nhỏ vẫn đẹp và đáng yêu. Rồi thì có lẽ, chỉ có lẽ thôi, em khác người ở độ gần gũi.
Độ gần gũi lớn cùng em, hình thành nhân cách và ý thức con người. Em trở thành thiên thần, dễ đồng cảm, dễ vị tha hơn người. Muốn được vậy, phải có sự gần gũi để thấu hiểu. Thấu hiểu là gì? Thấu hiểu là món quà mang tên tình thương xuất phát từ đáy lòng với sự chân thật lộ ra, khiến người ngoài cảm nhận và tiếp thụ được. Tình thương đó, không lời nói nào chia sẻ được. Điều đó khác nhiều với tình thương mà thiếu thấu hiểu. Em là thiên thần vì thế chăng? Chẳng biết, nhưng còn từ ngữ nào hơn khi nói về em?
Cái ngày, ngày đó chỉ có một lần một lần trong đời, em mười lăm tuổi. Trăng tròn chẳng đẹp bằng em. Vậy là Hằng Nga kia cũng không sánh nổi em. Bỗng nhiên, anh cảm thấy, em là của anh, chúng ta như đã dành cho nhau, thuộc về nhau. Tâm trí anh chỉ dành cho em. Anh luôn nghĩ về em, đôi môi đỏ mọng, đôi mắt đen tròn, thân hình mảnh mai và chao ơi, nụ cười… anh nghĩ về em mọi nơi, mọi lúc.
Anh thường xốn xang, hồi hộp trước khi gặp em. Khi gặp em, lồng ngực anh bỗng như có gì đó đè chặn. Anh ngộp thở. Tim đập nhanh hơn. Anh luống cuống và chẳng biết làm gì. Chỉ nhìn em thôi, nhìn mãi, nhìn mãi. Nếu em đi hướng khác, vẫn nhìn cho đến khi em xa khuất. Bóng em nhẹ nhàng như lướt bay về phía đâu đó rìa làng. Anh hốt hoảng như đánh mất em, vội chạy theo, chẳng biết để làm gì. Chỉ thấy thấp thoáng các tia nắng rải trên mặt đường, bên những hàng tre cong cong, đầy chim sáo và điểm xuyết những con cò trắng. Chẳng hiểu sao bọn chúng lại hai màu đen trắng tương phản nhau.
Anh cũng có những lúc, lạ lắm, cũng dập dồn khó thở, khi bắt gặp em đang cười đùa với những chàng trai khác, mà bọn trai làng lúc nào chẳng quấn bên em. Anh cũng trai làng, nhưng anh cứ đinh ninh, em là của riêng anh. Anh không tán tỉnh, anh tôn thờ thiên thần tinh khôi của anh. Vậy là khác.
Có lần anh bắt gặp, một đứa con trai muốn tỏ thái độ thân mật, hắn ngồi xuống cạnh em và đưa tay quàng vai em. Em không nhìn cậu bạn, nhẹ nhàng gỡ tay cậu ta ra khỏi đôi vai nhỏ… Ôi, sao mà yêu thế, anh đang nóng bừng mặt rồi thở một cái thật dài, mọi cái như đã rõ. Anh nhìn em ngưỡng mộ, em không biết, rồi cũng nhẹ nhàng, em hoà lẫn vào chỗ các bạn gái đang ngồi gần đó. Ý nhị quá thôi, anh càng thần tượng em hơn, thiên thần của anh!
Con gái thu phục lòng người ở sự dịu dàng và tính đôn hậu. Con gái còn thu phục lòng người một cách nhẹ nhàng, ý nhị cảm như vô hình như thế. Một bàn tay ấm nhẹ nâng một bàn tay thô ráp, cũng khiến nhiều nỗi đau dịu bớt, một hơi thở nhẹ cũng khiến tâm hồn chai cứng mềm lại, khiến trái tim được sưởi nóng. Người đời nói đấy lá cái duyên, duyên con gái. Cái duyên đó lạ lắm, chẳng cứ gì hấp dẫn người khác giới mà ngay cả người cùng giới cũng như bị bỏ bùa mê, cứ xa một chút là nhớ. Anh bị bả bùa của em từ khi nào không biết, chỉ biết cứ xa là nhớ. Ở em, cái duyên cứ lồ lộ.
Đấy là ngày xưa, Ngày xưa em là con gái.
Làng mình cận giang, lại cận thị. Người đời bảo vậy là nhất. Làng thì giàu và người thì biết làm ăn. Riêng anh còn hiểu, làng mình còn có người đẹp mà chẳng đâu có nữa. Qua cánh đồng có mả ông, cao như một cái gò và không biết tự đời nào, có rất nhiều thông trên đó, (Có người bảo có những cây thông hai trăm năm tuổi.) thì vào con đường đất nhỏ, đỏ quạch. Mùa hè, bụi bay lên mỗi lần có xe qua, dù chỉ là lóc cóc xe ngựa, xe bò. Những người đàn bà lam lũ ngồi trên những chiếc xe đó với hàng hoá mang từ nhà ra chợ và mang từ chợ về, luôn với những khuôn mặt nhàu nhĩ, ngấm bụi thời gian, đang tìm một phút thư thái. Anh và em đã có lần lên những chuyến xe đó ra chợ.
Đôi khi ngay đầu chợ, dưới gốc cây gạo cao vút, mỗi tháng ba hoa bung đỏ cháy một góc trời, có gia đình hát xẩm, đã ngồi sẵn từ khi nào không rõ.
Tiếng nhị réo rắt và chua loét đánh động những người đi chợ. Lác đác vài người đến xem và nghe hát. Ba bốn đứa trẻ ngồi xệp xuống đất. Ông già mù cũng ngồi đất, tay nâng cái nhị cao lên một chút, cái nhị cũng cũ kỹ và rệu rã như ông. Sau đó là bà già cầm nhịp, gõ cách cách hai thanh tre vào nhau, cất tiếng ai oán mà ai cũng thuộc: “thuở trời đất nổi cơn gió bụi…” Bà già mù kết thúc bài hát buồn. Cảm tưởng như đôi mắt mù loà của bà đọng những hạt sương, nghe não nề lắm, buốt tim lắm… Anh liếc nhìn em, thấy mặt em bần thần, thoáng nét ưu tư, ngẫm ngợi như già trước tuổi, thì, một giọng nữ cao nối tiếp. Con bé hát. Giọng nó ấm và cũng đẫm buồn nỗi nhớ. “Từ khi giã biệt làng quê/Đêm đêm ai có nhớ về trong mơ/Cùng bao kỷ niệm ngày xưa/Cây đa, chùa cổ, con đò, vầng trăng…” Nó còn bé lắm, cỡ chỉ chín mười tuổi, người gày quắt mà giọng nó thì như đang vào tuổi hẹn hò, nhớ nhung. Nó là con bé có tài nếu như cuộc đời vất nó vào môi trường phù hợp.
Giọng hát của con bé như đánh thức tâm hồn em. Em nói với anh, con bé đã mang ánh sáng vào tâm hồn em, nó khiến em phải hướng về cái thiện, cái thiện nuôi tâm hồn con người thêm sáng trong, cái thiện sẽ là ánh sáng soi rọi những chỗ tối tăm nhất trong con người và cuộc đời, cái thiện sẽ hướng con người ta đến cái đẹp và hạnh phúc. Cái thiện cũng làm cho con người gắn bó nhau, tin tưởng nhau. Chỉ những con người bản tính lương thiện mới có tâm hồn cao đẹp như vậy.
Hôm đó em về muộn. Em muốn nói chuyện và tìm hiểu cuộc sống của gia đình hát xẩm và của con bé. Em làm anh bất ngờ thêm về sự thông cảm và thấu hiểu nỗi đau của con người trong cuộc đời. Chợ tan từ lâu mà em vẫn chưa thấy gia đình con bé hát xẩm ăn cơm. Em không thấy con bé, chỉ thấy vợ chồng gia đình đó nằm co bên một góc chợ, có mái che tạm bợ. Họ chờ con bé đi đâu đó, có lẽ nó kiếm bữa ăn. Em để lại hai gói xôi định mang về làm quà cho hai đứa em và giục anh về ngay.
Tất cả giờ chỉ còn là rưng rưng trong kỷ niệm. Anh đi xa và những ký ức làng quê ngày xưa cứ dần phôi pha. “Người phu xe” xưa kéo xe cho em về tận ngõ bồi hồi bên con đường với những hòn sỏi và các viên gạch vỡ lát đường. Hàng hoa dâm bụt như đã không còn xanh mát, không còn lấy một bông nở. Úa tàn lạnh lẽo và cô đơn như cây dâu da đất mùa đông sau khi trút hết lá vàng, chỉ sót lại vài chùm quả héo hắt lắt lẻo trong gió đông. Em ở đâu?
Anh lên triền đê, tìm lại vạt cỏ chỗ ta ngồi ngày xưa, tìm cả vết mo cau hằn xuống mặt đê, tìm cả dòng nước lững lờ em từng thẫn thờ tuổi con gái… Rồi chiều buông, hoàng hôn từ từ buông màn sương mờ… Anh nhớ đêm trăng đó. Trăng sáng hoà và tan lẫn với màu da em. Anh chú ý đến bàn tay nhỏ bé mà anh đã tìm đến. Bàn tay em lọt thỏm trong bàn tay anh. Tối đó ta đã nói với nhau điều gì? Hơi thở em như vẫn đang còn ấm áp bên tai anh. Tiếng nói lẫn hơi thở nhẹ ve vuốt anh, một làn hơi ấm phả vào anh. Chỉ có ánh trăng nhìn thấy chúng mình. Hình như chị Hằng muốn quay mặt đi để cho đám mây bay qua. Gió mơn man làn da em và mấy sơi tóc loà xoà bên má. Anh gỡ mấy sợi tóc, buột miệng ngẩn ngơ: “Sao em trắng thế…?” Một cảm giác rạo rực trong anh. Ánh trăng và làn da em pha lẫn một màu ngà ngọc…
Đó là ngày xưa, ngày xưa em là con gái.
Tình quê đẹp lắm ai ơi
Mãi còn lưu dấu quãng đời xa xăm
Hỏi người có nhớ quê chăng ?
Còn quê thì vẫn hằng mong người về
Người về trở lại thăm quê.
Vì hát Xẩm đánh thức lòng người, vực dậy tâm hồn hướng về cái thiện, hướng về một nơi tăm tối của ngõ đời, nơi có những con người đang cầu mong ánh sáng và hạnh phúc.
Ngoài ra, cái lạ của Xẩm Hà Nam vừa có nét đặc trưng của hát Xẩm miền Bắc nhưng thấp thoáng trong đó lại là nét trữ tình của dân ca giao duyên, nét dí dỏm vui tươi của cò lả, sự mộc mạc chân tình của trống quân hay cái nhẹ nhàng bay bổng của điệu hát ru.
Đám hát xẩm thường là đôi vợ chồng nghèo, đôi khi kèm theo thêm đứa trẻ choai choai, tóc còn để chỏm. Họ mặc bộ quần áo nâu vá, chân đi đất, đầu đội chiếc nón mê lơ xơ lác xác. Thế nào cũng có người đeo kính đen vì tội nghiệp cho họ, đôi mắt đã không còn không biết từ bao giờ. Không có nghề ngỗng gì, họ đành làm người hát rong, đi khắp chợ cùng quê để bán tiếng hát làm kế sinh nhai qua ngày. Đám xẩm thường cặp thêm manh chiếu rách, tiện đâu rải chiếu ra đấy, biến nền đất chợ, gốc cây, lòng quán chợ thành sân khấu biểu diễn một cách thoải mái vô tư. Khán giả không có ghế ngồi, cứ đứng vòng tròn chung quanh. Nghe hát một lúc, ai thưởng đồng tiền nào thì thả vào chiếc chậu thau đồng trước mặt người hát, mà có khi tiền thưởng không phải vì nghe hát hay mà vì lòng thương cảm với nỗi cô đơn, khó nghèo và hoàn cảnh đáng thương của người hát.
Người xấu duyên lặn vào trong/bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài
Nghe bé Thu Hường, 15 tuổi, hát bolero