Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.086
123.198.556
 
Hành cung "TÂY CỐNG"
Dương Ðình Hùng

ĐI TÌM NHỮNG THẤT THOÁT CỦA DI SẢN VĂN HÓA... khi tôi đến Paris, Hành cung đã trở thành tro bụi dưới tay thần hỏa, chơ vơ còn lại cổng Tam quan, bức bình phong, tiếng gió thổi như lời rên siết… và những gì tôi nghe được.

 

Trong những thời kỳ lệ thuộc, chắc không có ông Vua nào tỏ lòng trung hiếu bằng vua Khải Định. Để được Tây tin mình hơn và thương đứa con duy nhất của mình... như con nuôi của Tây, năm 1922 Đông Cung Thái Tử Bảo Đại được gửi đi Pháp để nhờ cha cố Tây uốn nắn, lo cho phần hồn.

 

Độc đáo hơn, để tham dự hội chợ các nước thuộc địa tại thành phố cảng Marseille, miền Nam nước Pháp cũng vào năm ấy, ông vua Khải Định có ý tưởng độc đáo, muốn chơi trội hơn các anh bạn Phi Châu, Trung Đông, hải đảo ...  Ông ta cho chở nguyên cả một "Hành cung" cùng theo với mình, trước là tham dự sau là "Cống Tây".

Đó là môt Hành cung lộng lẫy. Một kiến trúc lớn được nghiên cứu và thực hiện cực kỳ tỉ mỉ, hơn bất cứ kiến trúc cung điện nào ở Huế. Một cung điện lớn bằng Nhà hát lớn Sài Gòn "về bề ngang cũng như chiều dọc, tưởng như cao gấp cả hai lần những kiên trúc cùng loại, lụp xụp trong Nôi thành Huế", được xây dựng trên một nền cao có 9 bậc cấp trong khu rừng xứ Tây .

 

Muốn có được một công trình như vậy, chắc chắn vua Khải Định đã tuyển chọn những nghệ nhân xuất sắc nhất cả nước từ mấy năm trước ngày đêm đục đẽo chạm trỗ. Gỗ quý thì khỏi nói rồi, phái đẹp và chắc chắn trường thọ với thời gian.

 

Tất cả công trình ấy được tháo rời, cùng với các nghệ nhân, cùng một êkíp thợ nề, thêm các tay khắc họa đặc sắc trên xi măng bêtông... xuống tàu thủy đi qua Tây thẳng tiến Marseille dự hội chợ các chư hầu đế quốc Pháp năm 1922. (Lưu ý vào giai đoạn đó sau Đại chiến thứ Nhất, đã có 2 cuộc đấu xão quốc tế trước đó Việt Nam tham dự do nước thuộc địa tổ chức).

 

Triển lãm xong, như dự định vua Khải Định biếu "Hành cung" cho Tây và khá nhiều bảo vật đi đấu xão. Công việc này cũng như hai lần trước mà thôi. Đương nhiên Tây thích lắm, khen sáng kiến của vua An Nam và phục trí thông minh và bàn tay khéo  léo của nghệ nhân xứ Việt. Duy nhất trong cuộc đấu xão này chỉ có một vật được đem về nước, về kinh thành đó là "con Rồng tre". Nguyên nhân chính sự trở về của con Rồng tre là do những bài báo cũng như vở kịch con Rồng tre của Bác Hồ viết khi người đang còn ở Paris. (hiện nay con Rồng tre vẫn còn cất giữ tại Huế)

 

Một thời gian sau tất cả "Hành cung cống Tây" ấy được chuyển về dựng lại tại khu rừng VincennesParis. Một ngôi rừng nổi tiếng khắp thế giới. Ngoài cái xanh của cây và hồ nước còn có các  loại  "Hoa biết nói" khỏa thân đứng tiếp thị theo hàng cây lề đường. Cũng lúc đêm về tại một quãng trường cạnh rừng là nơi hò hẹn của một loại khách đặc biệt : Họ cho xe dừng rồi chớp đèn ra hiệu với nhau. Từ hai xe có dấu hiệu thỏa thuận, 2 người phụ nữ xuống xe... bước qua phía xe kia - như trao đổi con tin. Sau một thời gian "họp mật", lại có tín hiệu đèn hai người phụ nữ lại quay về xe mình - xe chạy - Thế là xong một màn "đổi món" đồng thuận, bình đẳng, dân chủ, hòa giải hòa hợp... (những ức chế trong lòng) của những cặp vợ chồng" "Zin".

 

Hai cánh rừng lớn trong thành phố ParisBoulogne và Vinncenes lúc nào cũng tấp nập người... du khách và dân Paris. Đây là buồng phổi lớn nhất của thủ đô Pháp. Rừng Vincennes  có hai kiến trúc độc đáo... đó là một ngôi chùa kiến trúc lạ và rất cao. Mái có hình đụn rơm mà ta thường thấy ở quê nhà hay ở những khu làng lụp xụp xơ xác bụi mù sa mạc Phi châu. Tường bằng đất nhưng cửa sổ Á châu. Tượng Phật vĩ đại, cao chắc quá 5 mét... nhưng mắt Phật rất giống Tây, Phật có vẻ lai Tây. Kiến trúc này khách vào coi dễ dàng.

 

Ngược lại "Hành cung cống Tây" rất kín cổng cao tường. Vào xem phải xin phép và có người của cơ quan bảo quản đi theo. Phải vào bên trong mới thấy hết nỗi tinh xảo của nó. Hơn sáu mươi năm sau chỉ có cờ quạt bằng vải, mặt trống Đại làm bằng da là đã mục, bạc màu không ai được đụng  vào... giữa những hàng cột điêu khắc kiến trúc nhà rường ở Huế. Đặc biệt cả một công trình lớn như vậy đến các vật liệu nhỏ như bàn ghế, tủ thờ được ráp nối với nhau rất chính xác - "Không dùng một chiếc đinh nào". - Ta đã khâm phục những công trình kiến trúc cổ bằng đá của Tây phương. Các tảng đá được mài chính xác - theo những đồ án vẽ bằng phương pháp "hình học họa hình" của kiến trúc sư và ráp lại thành kiến trúc không cần hồ. Cách cưa ráp các mộng gỗ trong "hành cung" cũng phức tạp và chính xác không kém gì nếu không muốn nói là tỉ mỉ hơn. Khi so với những cung điện nổi tiếng hiện nay tại Kinh thành Huế.

 

"Hành cung" hình như muốn diễn tả lại nếp sống chính của một hoàng đế, từ Ngai vàng chỗ   Vua ngự, tiếp và làm việc với Đình thần đến chầu, đến  đời sống tâm linh được thể hiện bằng các điện thờ uy nghi vĩ đại... Tất cả nét chính Cung  điện Huế - nhưng lộng lẫy hơn  nếu đem so với điện Long An, điện Cần Chánh - được thu vào trong hành cung này.

 

Những viên ngói cũng được mang theo. Những rồng phượng bằng xi măng mảnh sành trên mái, những hoa văn phù điêu được làm tại chỗ chắc đã có lần làm ngây ngất các đồng nghiệp Âu châu... những người có bàn tay to như nải chuối mật.

 

Rồi có một hôm đêm đó trời tối đen chỉ cách đây vài năm, một ngọn lửa lớn bốc cháy trong ngôi rừng Vincennes đó thiêu rụi hết "Hành cung cống Tây", một phần tài sản vô giá, quốc  bảo của một dân tộc.

 

*

Đó là những gì tôi nghe được từ một người đã có dịp vào thăm viếng Hành cung cống Tây này. Khi tôi đến đây thì Hành cung đã thành tro bụi. Cơ quan truyền thông ở Pháp vẫn còn những bài viết về nó, đặt nghi vấn là hành cung bị đốt (incendie criminelle). Nhưng đến nay vẫn không thấy loan báo kết quả điều tra về vụ hỏa hoạn này.

 

Có một điều chắc chắn Hành cung đã thành tro bụi, nhưng các tác phẩm nghệ thuật đồ cổ, ngai vàng, điện thờ tủ bàn ghế, đồ cổ thờ phụng… những đồ quý giá đó có thành tro bụi hay không ?

                                   

&

 

Có ngày tôi lang thang trong bảo tàng Louvre lừng danh thế giới. Rồi lặng nhìn cái ghế vua ngồi, thanh kiếm vua mang, chiếc giường vua nằm... đến các thứ đồ cổ của các triều vua đời Trần, đời Mạc, đời Hồ... đồ sành sứ màu lam Huế vang danh một thời. Tất cả đều có mặt ở đây !

 

Dưới  ánh đèn vàng, trong không khí im vắng của căn phòng lầu ba bảo tàng này, tôi hồi tưởng chuyện xa xưa, chuyện cha ông thuở trước, chỉ tiếc là không nhìn được "Hành cung" lưu lạc xưa và không hình dung ra được bao nhiêu bàn tay Vàng của những nghệ nhân đã tạo ra nó. Tìm họ bây giờ ở đâu ?

 

Có bàn tay gõ nhẹ trên vai tôi như báo là hết giờ tham quan. Nhìn anh ta, dáng dấp người, giọng nói tôi đoan chắc anh ta là người có tiếng tăm, có gặp đôi lần ở trong nước giờ lưu lạc trời Tây .

 

Trong buổi cơm tối tại căn nhà người bạn ở quận 13, Paris. Tôi lại thấy khá nhiều đồ cổ Việt Nam trưng bày trong phòng khách. Bình, bát, chén dĩa xưa xếp hàng trong tủ kính có luôn đồ sứ xanh lục thời Lý, một thời làm đồ đựng tro than xương cốt sau khi thiêu, có lẻ được đào bới lên .

Dưới ánh sáng vàng ấm phòng khách, anh ta mân mê một  cái chén nói về lịch sử lâu đời của nó. Giải thích những chữ Hán sau đáy chén. Vật này theo anh nói là mới mua được sau chuyến về thăm Việt Nam. Tôi hỏi :

- Làm sao anh qua mặt Hải quan được ?

 

Anh đặt cái chén trên bàn, xoa tay cười :

- Bất cứ món đồ cổ nào trên phố Đồng Khởi, nếu anh đồng ý giá mọi chuyện sẽ trót lọt. Cứ lên máy bay, trước khi cất cánh, sẽ có người đem đến chỗ anh ngồi. Mọi chuyện tiền bạc người nhà sẽ tính sau. 

Tôi gật gù, chuyện đồ cổ bay ra ngoài quá nhiều, như giòng máu từ vết thương rỉ ra, tiếp tục chảy khỏi thân thể con người. Những container dài cả 10 mét còn vào ra dễ dàng, nhằm nhò gì đồ nhỏ tí tẹo này.

 

Thành phố Paris là nơi chứa nhiều đồ cổ Việt Nam nhất ở Hải ngoại. Vô số đồ cổ trong các bảo tàng và các tư gia người Pháp, người Việt... không ai làm thống kê hết. Hành cung thành tro bụi, nhưng cái cổng Tam quan kia, cái Miếu nọ với thời gian nó còn đứng vững không nơi này ? Lửa thiêu cháy nhiều thứ, nhưng cái Đỉnh y chan Cửu đỉnh trong Thế Miếu kinh thành Huế bằng đồng to đặc ở đây thì rất khó cháy. Không hiểu Đỉnh ở xứ Tây khi Vua đem đi đấu xão tượng trưng cho ông vua nào ?

 

Chuyện đi tìm những thất thoát của một di sản văn hóa còn nhiều và dài, luôn luôn có cái mới, như có vài món đồ trước đây còn thấy nằm trong bảo tàng trong nước bỗng dưng nay đã thấy ở Hồng Kông, Singapore... Hàng trăm báu vật chỉ nội trong các kỳ đấu xão đó còn nằm trong vòng bí mật dù lịch sử mới sang trang chưa được trăm năm.  Nhiều hiện vật trong đình Long Thanh ở Vĩnh Long đi đấu xão (1922) giờ ở đâu?. Một sa bàn mô phỏng toàn bộ kinh thành Huế đưọc làm bằng ngà voi chất chứa hàng trăm người được đẽo bằng ngọc đem đi đấu xão giờ nơi đâu ?… và giữa Paris trên quãng trường Concorde có những tượng đài to lớn được chở từ Ai Cập trưng bày cho công chúng xem hay trong bảo tàng Métropolitan - New York có luôn cái tháp Chàm người ta cẩu lên , chở tàu thủy đem vào đó ngắm nhìn .

 

Vinh quang nơi này cũng có thể là nỗi nhục một nơi khác .

 

Ánh sáng ban ngày nơi đây là đêm tối của một vùng đất khác. Tìm lại chút bí mật lóe sáng của những di sản văn hóa mất mát đôi khi giúp cho ta về cái cội nguồn đích thực.

 

Dương Ðình Hùng
Số lần đọc: 2915
Ngày đăng: 02.01.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chợ nhóm bên đường - Nguyễn Ngọc Tư
Ẩm thực phương Nam : Hãy làm một chuyến du lịch phương Nam - Trần Đổ Liêm
Đôi điều với nữ họa sĩ Mia - Dương Ðình Hùng
Ấn tượng từ một trại viết - Bùi Trần Lê Văn
Đến Trung Quốc nhìn lại mình - Dương Ðình Hùng
Canh bạc cạnh giòng sông. - Dương Ðình Hùng
Người nhà quê - Nguyễn Ngọc Tư
Làm nghề giang hồ mà chẳng "giang hồ" - Trần Đổ Liêm
Cội nguồn - Dương Ðình Hùng
Quê hương ở đâu? - Thu Nguyệt